Phát Khởi Và Chú Trọng Vào Bồ Đề Tâm

Cuối tuần này, chúng ta sẽ nói về bồ tát giới. Và hiển nhiên, nếu muốn hiểu bồ tát giới, thì phải hiểu Bồ tát là gì, và bồ đề tâm là gì, nó dựa vào điều gì. Về mặt này thì có rất nhiều trích dẫn và nguồn tài liệu nêu ra tầm quan trọng của việc thọ bồ tát giới, phát tâm bồ đề - thọ bồ tát giới và giữ giới - để thành tựu giác ngộ.

Bồ đề tâm là gì? Bồ đề tâm là một tâm trạng có nhiều thành phần trong đó. Khi phát tâm bồ đề thì có hai giai đoạn. Trước hết, mình sẽ chú tâm vào tất cả những chúng sinh chưa giác ngộ với lòng từ bi. Lòng từ là mong muốn cho người khác được hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc. Lòng bi là mong cho họ thoát khổ và nhân tạo khổ. Ta sẽ mong muốn điều này cho tất cả chúng sinh một cách đồng đều.

Về mặt nỗi khổ mà mình mong cho họ thoát khổ, thì ta sẽ hiểu điều này ở mức độ sâu sắc nhất. Không chỉ là nỗi khổ vì bất hạnh và đau đớn. Không chỉ là nỗi khổ liên quan đến hạnh phúc thông thường, đó là loại hạnh phúc không bao giờ lâu bền, bất toại nguyện, biến thành nỗi khổ và cảm giác khó chịu, chẳng hạn như khi ăn quá nhiều món gì mà mình thích, thì nó sẽ làm cho mình bị bệnh, nhưng nỗi khổ mà mình mong muốn chúng sinh thoát khỏi, ngoài việc thoát khỏi hai nỗi khổ này, là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (là nền tảng để mình trải qua hai loại khổ đầu tiên này), đó là tái sinh bất tự chủ, được gọi là “luân hồi”. Đó là phải tái sinh hết lần này đến lần khác, dưới tác động của vô minh, phiền não và nghiệp, dựa vào phiền não; rồi thì, dưới sự ảnh hưởng của những yếu tố này, mình sẽ có loại thân và tâm hứng chịu nỗi khổ vì khổ, và hạnh phúc thông thường bất toại nguyện, mà chúng sinh sẽ trải nghiệm như kết quả của nghiệp mà họ đã tạo tác - nghiệp là hành vi chịu ảnh hưởng của tâm vô minh, vô minh về nhân quả và vô minh về thực tại. Vì vậy mà mình mong cho tha nhân thoát khỏi nỗi khổ sâu sắc hơn, và nhân tạo ra nó. Nguyên nhân sâu xa nhất tạo ra nó là tâm vô minh về thực tại.

Khi có lòng từ thì ta sẽ ước mong cho họ được hạnh phúc. Đó không phải là hạnh phúc bình thường bất toại nguyện, dù điều này vẫn tốt hơn là phải gánh chịu đau đớn và bất hạnh. Nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn thì mình sẽ mong cho họ có được hạnh phúc giải thoát và giác ngộ, đó là hạnh phúc bắt nguồn từ việc thoát khỏi các ám chướng trong tâm thức. Có hai loại ám chướng. Loại đầu tiên là phiền não chướng, do phiền não gây ra - đây là điều ngăn trở giải thoát. Loại thứ hai là sở tri chướng, ngăn trở tâm toàn tri của một vị Phật, khiến họ không thể hiểu được mối tương quan của vạn pháp, và nhân quả một cách trọn vẹn, mà họ cần phải biết, để có thể giúp đỡ tha nhân một cách hoàn hảo nhất.

Khi thoát khỏi những sự hạn chế này, từ hai loại ám chướng (một hoặc cả hai ám chướng), thì đây là niềm hoan hỷ lớn lao vô tận. Nó không giống như niềm vui khi dùng món ăn mà mình yêu thích nhất, mà khi ăn càng nhiều thì cuối cùng, nó sẽ trở thành cảm giác khó chịu. Nó hoàn toàn không phải là loại hạnh phúc đó, hạnh phúc tầm thường. Và mình mong muốn cho họ có được nhân tạo ra loại hạnh phúc bất tận ấy, đó là giải thoát và giác ngộ.

Lòng từ và lòng bi này cũng dựa trên sự hiểu biết và niềm tin vững chắc rằng mọi người đều có thể thoát khổ, và có được hạnh phúc bất tận này. Nên nó không chỉ là ước mong tốt đẹp mà mình biết không bao giờ xảy ra, mà là điều sẽ được hoàn thành, mà mình vững tin rằng đó là điều khả dĩ. Chúng ta cũng gánh lấy trách nhiệm, để có thể mang lại tự do thoát khỏi khổ đau và thành tựu hạnh phúc. Ta sẽ gánh lấy trách nhiệm ấy, và có quyết tâm phi thường này, rằng mình sẽ thực hiện nó, thậm chí chỉ một mình ta, nếu như cần phải làm điều đó.

Đây là giai đoạn đầu tiên. Rồi thì lòng từ, lòng bi và quyết tâm phi thường mà mình có trong giai đoạn đầu tiên này sẽ tiếp tục ở hậu cảnh, theo một nghĩa nào đó. Sau đó là giai đoạn thứ hai, là giai đoạn chính của bồ đề tâm, thì mình sẽ thay đổi trọng tâm, thay vì tập trung vào tất cả chúng sinh hữu hạn (nói cách khác là tất cả chúng sinh chưa phải là Phật), thì ta sẽ tập trung vào sự giác ngộ của riêng mình, là điều chưa xảy ra. Nhưng ta biết rằng điều đó có thể xảy ra, và được thuyết phục về điều đó. Nó có thể xảy ra trên cơ sở của cái gọi là “Phật tánh”. Phật tánh là những yếu tố sẽ cho phép mình trở thành Phật, tạo ra các thân Phật - về mặt kỹ thuật là Sắc thân, tâm thức của một vị Phật, v.v...

Trên cơ bản, điều này nói về tánh thanh tịnh cơ bản của tâm thức, rằng trong bản tánh cơ bản của nó, tâm không bị cấu nhiễm vì những sự hạn chế hay ám chướng này, rằng những cấu nhiễm này chỉ là điều thiển cận, và có thể được đoạn trừ, để không bao giờ tái phát nữa. Nếu như ta có thể kích hoạt và duy trì mức độ sâu sắc nhất của tâm mãi mãi, là điều không cấu nhiễm - bởi vì mức độ mà những cấu uế hay giới hạn, hoặc vô minh này xảy ra là những mức độ thiển cận hơn, thô thiển hơn của tâm thức. Tâm không bị cấu nhiễm vì những cách tồn tại bất khả. Nếu như có thể hiểu điều này và tập trung vào nó, thì trên cơ sở đó, cái được gọi là “tánh Không của tâm”, và trên cơ sở hiểu biết về tánh Không của tâm thức, ta sẽ có thể duy trì ở mức độ cơ bản vô nhiễm đó, mức độ không bị cấu nhiễm vì vô minh thoáng qua.

Trên cơ sở năng lượng vi tế nhất, liên quan đến mức độ sâu nhất của tâm thức ấy, và trên cơ sở của hai bồ công đức và trí tuệ, mà chủ yếu là công đức được mang theo trong dòng tương tục của dòng tâm thức ở mức độ sâu sắc nhất này, rồi từ năng lượng vi tế nhất này mà mình có thể sinh khởi và hiển lộ trong các Sắc thân khác nhau của một vị Phật. Các Sắc thân của một vị Phật, những hiện tướng của một vị Phật, dù thô hay vi tế, đều được tạo ra từ năng lượng thanh tịnh nhất. Chúng có thể được kết hợp với các yếu tố thô trọng (đất, nước, v.v...), nhưng không phải là các yếu tố thô trong Sắc thân của Đức Phật, đó là năng lượng vi tế nhất kết hợp với chúng, trên cơ sở đó. Dù sao đi nữa thì có lẽ đây là cách giải thích rất cô đọng về Phật tánh. Tôi xin lỗi, nếu như có hơi quá nhiều lượng thông tin trong cùng một lúc, nhưng nó không phải là chủ đề chính trong cuộc thảo luận của chúng ta.

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì chúng ta đang tập trung vào khía cạnh này của dòng tâm thức, khía cạnh Phật tánh của mình: tánh Không của tâm, tánh thanh tịnh cơ bản của tâm, năng lượng vi tế sâu sắc nhất của tâm, hai bồ công đức và trí tuệ. Trên cơ sở đó, ta có thể quy gán một sự giác ngộ chưa xảy ra, mà ta biết mình có thể đạt được, để mình sẽ có một sự giác ngộ đang xảy ra trong hiện tại, nếu như ta củng cố và viên mãn hai bồ công đức và trí tuệ này. Vậy thì đó là điều mà chúng ta đang tập trung vào, với bồ đề tâm. Và ta sẽ làm điều đó như thế nào? Chúng ta sẽ thực hiện nó bằng cách đại diện cho sự giác ngộ chưa xảy ra này, đó là sự giác ngộ chưa xảy ra của cá nhân mình, không phải của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay một vị Phật chung chung nào ở trên trời. Có thể đại diện cho nó bằng cách quán tưởng một vị Phật (đây là cách phổ biến nhất) hoặc có thể đại diện cho nó bằng vị đạo sư của mình, hay đạo sư của dòng truyền thừa, là đại diện cho sự giác ngộ này của mình, hay có thể (theo phương pháp Đại thủ ấn hay Đại viên mãn) chỉ cần tập trung vào tánh thanh tịnh cơ bản của tự tâm, là điều rất khó thực hiện.

Đó là trọng tâm, đối tượng chánh của bồ đề tâm, sự giác ngộ chưa xảy ra này, và có hai tác ý đi kèm với nó. Tác ý đầu tiên là thành tựu tâm giác ngộ chưa xảy ra ấy, và thứ hai là tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh trên cơ sở đó. Nói cách khác thì điều này dựa vào lòng từ, lòng bi và quyết tâm phi thường mà mình đã phát triển trong giai đoạn đầu tiên. Và dĩ nhiên trên đường tu để đạt được sự giác ngộ ấy, thì ta sẽ cố gắng giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt. Bồ tát giới sẽ chỉ dẫn cho mình cách làm điều đó, làm thế nào để tạo lợi lạc cho tha nhân càng nhiều càng tốt, và những điều phải tránh, vì chúng sẽ phá hoại khả năng giúp đỡ người khác. Thật ra thì những giới nguyện này luôn được diễn đạt theo những điều mình phải tránh, vì chúng sẽ gây bất lợi cho sự phát triển của bồ đề tâm và việc giúp đỡ người khác.

Để phát bồ đề tâm và thọ bồ tát giới thì rõ ràng mình phải tự tu tập, để có được tâm bồ đề này. Và tất nhiên, điều này dựa trên một quá trình phát triển lâu dài, phát triển tâm linh mà qua đó, ta nhận thức được tái sinh làm người quý giá mà mình có được, rằng nó sẽ không tồn tại mãi mãi, nên ta sẽ hiểu về cái chết và vô thường, hoàn toàn tin tưởng vào tái sinh, và nhận ra rằng nếu như không thực hiện một số biện pháp phòng ngừa (đó là ý nghĩa của chữ “Pháp”) để tránh tái sinh tồi tệ hơn trong tương lai, thì dựa vào hành vi tiêu cực, ta sẽ tái sinh trong một tình huống không có cơ hội để phát triển tâm linh xa hơn nữa. Vì thấu hiểu tất cả những điều này, nên ta sẽ nhìn chúng một cách rất nghiêm túc. Vì vậy, ta sẽ đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống, cái gọi là “quy y”, để tránh tái sinh tồi tệ hơn, và giúp mình tiếp tục tu tập trên con đường tâm linh. Phương hướng này được nêu ra từ Đức Phật, thành tựu của một vị Phật và những gì các ngài đã dạy, và những người đã thành tựu những điều Đức Phật đã thành tựu, ít nhất là ở một mức độ nào đó; đó là Phật, Pháp, Tăng. Đó là phương hướng mà mình sẽ đem vào trong cuộc sống. Chúng ta sẽ đi theo phương hướng đó, dựa vào việc muốn tránh những tình huống tái sinh tồi tệ hơn, và tự tin rằng việc quy y Tam Bảo thì sẽ giúp ta tránh được điều đó, và đạt được mục tiêu tâm linh là giải thoát và giác ngộ. Tránh tái sinh tồi tệ hơn, thành tựu giải thoát và giác ngộ: đây là ba mục tiêu của điều được biết như “lam-rim”, trình tự đường tu giác ngộ.

Điều đầu tiên mình cần phải làm, để cho sự việc không trở nên tồi tệ hơn, là kềm chế hành vi tiêu cực. Vì vậy mới có giới luật. Ta sẽ làm điều đó trên cơ sở của sự hiểu biết rằng nếu mình hành động một cách phá hoại, thì sẽ tạo ra nỗi bất hạnh và rắc rối cho mình; và nếu như kềm chế hành vi phá hoại, thì ít nhất, điều này sẽ đem lại cho mình loại hạnh phúc thông thường. Dù cuối cùng thì thậm chí, mình còn muốn vượt qua cả hạnh phúc thông thường này, nhưng đó là một hoàn cảnh thuận lợi cho hành trì tâm linh, hơn là đau đớn và bất hạnh.

Sau đó, hãy nghĩ đến tất cả những vấn đề trong luân hồi. Dù cho mình đang trải qua nỗi bất hạnh khủng khiếp, hay hạnh phúc cực kỳ bình thường, thì tất cả những điều này đều có những khiếm khuyết. Và ta hiểu cách mà tất cả những điều đó, những trạng thái chứa đầy nỗi khổ vì đau đớn tột cùng, hay trạng thái tái sinh tràn ngập hạnh phúc thông thường – ta hiểu cả hai điều này đều phát sinh từ nghiệp, dựa vào tâm vô minh về nhân quả và thực tại, và lòng khao khát hạnh phúc bình thường, và khao khát để lánh xa nỗi đau và bất hạnh thông thường này, và chỉ có hạnh phúc bình thường thôi. Ta sẽ phát triển quyết tâm để hoàn toàn thoát khỏi những điều này. Nó được gọi là “tâm xả ly”. Thế là mình có quyết tâm mạnh mẽ để được tự do.

Rồi trên cơ sở của tất cả những điều đó, với định tâm đã được phát triển, ta sẽ tiến đến Đại thừa. Dù có thể đem những ý tưởng về lòng bi của Đại thừa và vân vân vào trong đó ngay từ đầu: Tôi muốn tiếp tục có một tái sinh làm người quý báu, để có thể giúp đỡ người khác. Thế thì lòng bi này có thể được bổ sung ngay từ đầu. Nhưng điều sẽ tạo ra một pháp tu Đại thừa là hướng việc tu tập vào tất cả chúng sinh. Thế thì ta không chú tâm vào bản thân mình, vào những vấn đề của mình, và việc giải thoát khỏi những điều này. Chúng ta không tập trung vào chỉ một vài người mà mình yêu thích. Thậm chí, không chú trọng vào tất cả những ai đang là con người hiện nay, trong kiếp này, mà đây là một tâm trạng hoàn toàn quảng đại, chú trọng vào tất cả chúng sinh, trong mọi trạng thái tái sinh, trên khắp vũ trụ.

Ta sẽ nhận ra tất cả chúng sinh đều có dòng tâm thức vô thỉ, tái sinh vô thỉ, và tất cả chúng sinh đều đã có những dạng sống khác nhau trong kiếp này hay kiếp khác, kể cả là mẹ của mình. Ta sẽ phát tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, để không thấy một số người thì lôi cuốn, có ác cảm với một số người, và thờ ơ với những người khác. Ta sẽ nhớ lại lòng tốt của tất cả chúng sinh, không chỉ khi họ đã làm mẹ của mình, mà ngay cả những lúc khác, khi họ đã gieo trồng thực phẩm mà mình đang tiêu thụ, hay xây dựng đường sá, hoặc làm mật ong mà mình đang dùng. Ta sẽ cảm kích lòng tốt đó, và muốn đền đáp lòng tử tế này bằng cách nào đó, nên điều này sẽ tạo ra tình thương ấm áp đối với mọi người, ngay cả khi chỉ nghĩ về người khác thôi, cũng khiến cho mình cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc, và nếu như họ gặp điều gì không may, thì thật là kinh khủng. Điều này sẽ được củng cố bằng cách thấu hiểu tính bình đẳng của tất cả chúng sinh. Điều đó cũng giống như tôi muốn hạnh phúc, và không muốn bất hạnh, thì mọi người cũng đều cảm thấy như vậy. Tôi chỉ là một người, còn những người khác thì vô số. Thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình và làm việc để khắc phục vấn đề của mình, thì tôi là thành viên của cả một tầng lớp những chúng sinh này, nên cách làm việc vì mọi người là điều đúng đắn, vì mình thuộc về tất cả chúng sinh. Tất cả chúng ta đều có cùng một vấn đề, chỉ một chữ thôi, đó là luân hồi. Sự tồn tại trong luân hồi. Vì vậy, trên cơ sở của điều này thì ta có lòng từ, lòng bi, quyết tâm phi thường và bồ đề tâm, mà tôi đã giải thích trước đây.

Trước tiên thì phải nghe thuyết Pháp về tất cả những điều này, về bồ đề tâm, để lắng nghe nó một cách chính xác, và biết bồ đề tâm nói về cái gì. Ta sẽ không lẫn lộn bồ đề tâm với lòng từ và lòng bi, điều mà nhiều người thường lẫn lộn. Bồ đề tâm không chỉ là lòng từ bi. Nó dựa trên lòng từ bi, nhưng rộng lớn hơn nhiều, như tôi đã giải thích. Rồi mình sẽ tu tập nhiều hơn nữa với bồ đề tâm, tư duy về nó, để hiểu ý nghĩa thật sự của nó. Ta sẽ hiểu cách để chú tâm vào nó, và tâm trạng mà mình đang phát khởi. Ta sẽ vững tin rằng mình có thể đạt được nó. Chúng ta vững tin rằng tất cả chúng sinh đều có thể giác ngộ, và tôi có thể giúp họ, bằng cách chỉ đường cho họ. Và ta nhận ra không có ai là Thượng đế toàn năng, rằng tôi chỉ cần lấy ngón tay chạm vào người nào là họ sẽ giác ngộ ngay. Vậy thì mình sẽ có khái niệm thực tế về cách mọi người có thể giác ngộ. Trên cơ bản thì họ phải tự tu tập. Dựa vào đó, khi hiểu các phương pháp để mình tự tu tập, để phát khởi tâm trạng này, thì ta có thể phát tâm bồ đề ở mức độ ban sơ.

Bây giờ thì mình biết chính xác tâm trạng này là gì. Chúng ta hiểu điều đó, vững tin là mình có thể đạt được nó, rồi sẽ thiền quán các giai đoạn về việc tất cả chúng sinh đều đã là mẹ của mình, tất cả đều tử tế, v.v..., và có thể phát tâm bồ đề một cách chân thành. Điều thật sự khó khăn ở đây là khiến cho nó bao trùm tất cả chúng sinh, mong muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách bình đẳng.

Trên cơ sở này, điều đầu tiên mà mình sẽ có, được gọi là “bồ đề tâm nguyện”. Đó là ước nguyện thành tựu giác ngộ, điều chưa xảy ra, để tạo lợi lạc cho tha nhân. Điều này có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là chỉ đơn thuần ước nguyện điều này. Giai đoạn thứ hai là cái được gọi là “lòng cam kết”, khi tôi cam kết không từ bỏ nó, cho đến khi thành tựu giác ngộ. Rồi sau đó, ta sẽ tiếp tục phát triển cái được gọi là bồ đề “tâm hành”, bổ sung cho lòng mong muốn hay tâm nguyện, hoàn toàn quyết tâm dấn thân vào những pháp tu sẽ đưa mình đến giác ngộ.

Ở giai đoạn này thì mình mới thọ bồ tát giới. Và điều này sẽ uốn nắn hành vi của mình, bằng cách thọ những giới này, bởi vì những điều mình đang thệ nguyện là để tránh những điều sẽ làm hại cho sự phát triển của bồ đề tâm nói chung - đó sẽ là bồ tát giới trọng. Và bồ tát giới khinh là để tránh những điều sẽ tạo ra bất lợi cho sự phát triển của lục độ ba la mật (hay sáu hạnh hoàn hảo) một cách cụ thể, cộng với những điều sẽ tạo ra bất lợi cho việc giúp đỡ tha nhân nói chung. Khi nói về các ba la mật thì mình đang nói về hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định - không chỉ là định tâm, mà còn có một tâm trạng ổn định, không xáo trộn vì phiền não - và trí tuệ, thường là về thực tại (phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng).

Hiển nhiên là có thể phát triển và thực hành các ba la mật này trước khi phát bồ đề tâm, nhưng pháp tu Đại thừa thật sự là khi những điều này được kết hợp với bồ đề tâm, nên ta sẽ tu tập bồ tát hạnh này trên cơ sở của bồ tát giới, dựa trên cơ bản là sẽ phát triển các ba la mật này ngày càng nhiều hơn. Có một danh sách của mười ba la mật; bốn ba la mật bổ sung là những nhánh phụ của trí tuệ ba la mật. Không cần phải nêu ra tất cả chi tiết ở đây. Nhờ vậy mà mình sẽ tích tập công đức và trí tuệ ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay, vẫn ở trong giai đoạn này, thì mình đang phát bồ đề tâm dụng công - đây là thuật ngữ kỹ thuật, có nghĩa là phải bỏ ra công sức, hay nỗ lực - và điều này có nghĩa là phải sử dụng lý luận để có thể làm mới tâm bồ đề. Vậy thì mình phải đi qua các giai đoạn của tâm bình đẳng, và tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình, v.v..., và tự mình tu tập theo tâm trạng có ý thức này. Cuối cùng, nhờ vào sự quen thuộc và công đức to lớn từ việc giúp đỡ người khác, mà ta sẽ có bồ đề tâm bất dụng công, có nghĩa là không cần phải sử dụng lý luận để phát bồ đề tâm, mà sẽ có tâm trạng đó một cách tự nhiên, tự động. Dù mình có ý thức về nó hay không thì không phải là vấn đề. Dù cho bồ đề tâm này có ý thức (nói cách khác, nó là đối tượng chánh của mình vào thời điểm này) hay là một dòng chảy ngầm (nói cách khác là vô thức), thì chúng cũng như nhau, theo nghĩa là đây là phương hướng chính trong đời sống của mình, bất kể điều gì sẽ xảy ra. Nó được kết hợp một cách rất sâu sắc. Và chỉ đến giai đoạn này thì mình mới thật sự trở thành Bồ tát. Bồ tát là như vậy, là người có bồ đề tâm bất dụng công, nên tất cả những lợi lạc và lời tán thán dành cho bồ đề tâm đã được đề cập, chẳng hạn như trong chương đầu tiên của tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior) của ngài Tịch Thiên (Shantideva), đều đề cập đến giai đoạn này của tâm bồ đề, giai đoạn bất dụng công này, khi một người trở thành Bồ tát.

Phải hiểu rằng, cho dù mình đang nói về bồ đề tâm dụng công hay bất dụng công, thì nó vẫn là khái niệm, bởi vì chỉ có một vị Phật mới có thể biết giác ngộ là như thế nào một cách vô niệm; nên đối với chúng ta, những người chưa phải là Phật, thì việc chú trọng vào tâm giác ngộ, thậm chí là sự giác ngộ chưa xảy ra, chỉ có thể được thực hiện bằng khái niệm nó là gì. Vì vậy, khi ngài Tịch Thiên nói rằng một khi đã phát bồ đề tâm, thì dù cho bạn có thức, thậm chí ngủ, hay say sưa, vẫn tích tập công đức lớn lao, thì ngài đang nói về bồ đề tâm bất dụng công.

Ngoài ra, khi phát bồ đề tâm bất dụng công này, thì vào thời điểm đó, ta sẽ đạt được cái mà gọi là “tích lũy đạo”, hay “tư lương đạo”. Đó là đạo lộ đầu tiên của ngũ đạo trong tâm thức. Nó là một mức độ tâm thức, sẽ hoạt động như một đạo lộ cho đường tu chính, trong trường hợp này, sẽ đưa ta đến giác ngộ. Vậy thì khi nghe nói về ngũ đạo, thì đây là năm mức độ trong tâm thức; chúng không phải là những con đường, mà là một mức độ tâm thức, sẽ đưa mình đi xa hơn, như một con đường. Ta có thể làm điều này theo cách Đại thừa, để dòng tiến triển này sẽ đưa ta đến giác ngộ. Khi có được tâm bồ đề bất dụng công, thì ta sẽ bước vào mức khởi đầu của đạo lộ đầu tiên trong số ngũ đạo này.

Hiện nay, hầu hết chúng ta có tâm thức ở mức độ trước đó. Và ngay cả khi mình tu tập lòng từ bi và bồ đề tâm, thì có lẽ nó dựa vào việc vừa nghe thuyết Pháp về bồ đề tâm. Có lẽ mình đã hiểu một chút, nhưng tôi nghĩ, hầu hết chúng ta sẽ không hoàn toàn vững tin trên cơ sở hợp lý rằng mình thật sự có thể giác ngộ, và tuyệt đối tất cả chúng sinh có thể giác ngộ, đó là điều khá khó khăn để hoàn toàn vững tin, bởi vì để làm được điều đó, thì bạn phải hiểu giác ngộ là gì. Nó không dễ, nên mình chỉ đơn thuần có cái gọi là “hiểu biết giả định”. Chúng ta giả định đó là sự thật, nhưng tôi thật sự không vững tin một cách sâu sắc, rất sâu sắc. Và nếu như mình thành thật với bản thân, thì thật ra phạm vi suy nghĩ theo phong cách Đại thừa của mình khá hạn hẹp. Tôi thật sự không nghĩ đến tất cả chúng sinh. Thậm chí, tôi không thể bắt đầu tưởng tượng tất cả chúng sinh, những côn trùng, vào thời điểm này, tất cả chúng sinh là bất cứ sự sống nào ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Thế thì mình đang tu tập theo hướng đó. Không cần phải tự phụ, không giả vờ rằng: “Ồ, tôi là một hành giả Đại thừa vĩ đại như vậy đó”, đừng nói gì đến việc giả vờ tôi là Bồ tát. Đó là điều ngớ ngẩn. Nhưng bất cứ mức độ phát triển nào mà mình có được, đang đi theo hướng bồ đề tâm, thì sẽ rất tuyệt vời và hữu ích.

Top