Diệu Đế Thứ Ba: Chân Diệt

Một khi đã nhận ra những nỗi khổ thật sự mà mình phải trải qua trong cuộc sống, và xác định được nguyên nhân chân thật tạo ra chúng, nếu như thật sự muốn thoát khỏi những điều này, thì phải ngăn chận việc chúng sẽ tái diễn. Diệu đế thứ ba mà Đức Phật đã chứng ngộ từ kinh nghiệm của chính mình, rồi khai thị là tất cả nỗi khổ và nhân tạo khổ có thể thật sự được đoạn diệt, để không bao giờ phát sinh nữa. Đây là điều khả dĩ, vì bản tánh của tâm là thanh tịnh.

Chân Khổ Và Chân Diệt Của Những Nỗi Khổ Này

Đức Phật dạy rằng tuy có rất nhiều vấn đề cá nhân mà ta phải đối mặt trong cuộc sống, nhưng chân khổ là sự kiện mà mình cứ tái tạo sự sinh khởi lặp đi lặp lại của những nỗi khổ này. Chúng ta cứ tái tạo kinh nghiệm bất hạnh và hạnh phúc bất toại nguyện, bất tự chủ, và tái tạo việc có một thân tâm hạn hẹp trong mỗi lần tái sinh, là cơ sở mà mình sẽ kinh qua những cảm xúc thăng trầm này. Đức Phật cũng dạy rằng nguyên nhân chân thật của việc cứ tái tạo những điều này nằm trong tâm thức của mình.

Tâm ta phóng chiếu một thực tại sai lầm về tác động mà hành vi của mình sẽ tạo ra cho tự thân và tha nhân, và cũng liên quan đến cách mình, tha nhân và vạn pháp tồn tại. Chúng ta tưởng lầm rằng mình tồn tại như một thực thể cụ thể, biệt lập, gọi là “tôi”. Và ta tưởng lầm tâm cũng là một thực thể cụ thể trong đầu, mà một là mình đồng hóa với nó, vì giọng nói trong đầu dường như ở trong tâm, hai là xem nó giống như một thiết bị mà mình sử dụng để thấu hiểu sự việc và suy nghĩ. Chúng ta không biết rằng cả hai vọng tưởng này đều không tương ứng với thực tại, mà thậm chí tệ hơn nữa, lại tin rằng chúng tương ứng với thực tại.

Bạn đã bao giờ cảm thấy tủi thân khi nghĩ rằng “Không ai thương mình hết; không ai cần mình”? Hoặc cảm thấy hoàn toàn căng thẳng và nghĩ rằng “Tôi không thể xử lý mọi việc; như vậy là quá mức rồi."? Đây có phải là trạng thái vui vẻ hay không? Rõ ràng là không. Chúng ta có thể đắm chìm trong tủi thân và bất hạnh, nhưng cũng mong mỏi những cảm giác này sẽ chấm dứt. Vấn đề là mình nhận thức như thế nào về tình huống này. Cảm giác giống như một quyển sách tô màu mà nỗi bất hạnh này là đám mây đen, biệt lập trong một đường viền xung quanh nó, treo lơ lửng trên một cái “tôi”, cũng biệt lập trong một đường viền. Dựa vào niềm tin rằng hiện tướng giả dối này phù hợp với thực tại - đơn giản là vì ta cảm thấy như vậy – rồi phiền não phát sinh, chẳng hạn như khao khát được người nào thương yêu, hay giận dữ với ai, khi họ không thể hiện tình thương đối với mình. Những phiền não này kích hoạt một sự thôi thúc, đòi hỏi người đó phải dành thời gian cho mình, và thể hiện tình cảm với chúng ta một cách vô lý. Ngay cả khi họ đáp ứng nhu cầu này, thì ta cũng chẳng bao giờ thấy đủ, đối với bất cứ niềm vui ngắn hạn nào, mà chỉ đòi hỏi nhiều hơn, rồi tái tạo thêm tình huống bất hạnh.

Trong một vòng tròn như vậy, thì tâm ta sẽ mê lầm và vẩn đục. Chúng ta không suy nghĩ sáng suốt, và không thể tự chủ hành vi của mình. Nhưng vô minh có phải là một phần trong bản tánh của tâm hay không? Nếu muốn trả lời câu hỏi này, thì phải hiểu “tâm” có nghĩa là gì trong nhà Phật. Tâm không phải là  “cái gì” độc lập trong đầu mình, mà đề cập đến hoạt động tinh thần (tâm hành). Đó là tâm hành cá nhân, chủ quan của việc trải nghiệm mọi thứ. Nó liên tục biến đổi, khi những điều khác nhau được trải nghiệm trong những tình huống khác nhau, nhưng bản chất thông thường của nó vẫn luôn luôn y nguyên như vậy. Bản tánh thậm thâm nhất của nó cũng luôn luôn y nguyên như vậy, chứ không tồn tại theo những cách bất khả nào.

Ta có thể tưởng lầm tâm mình tồn tại theo nhiều cách bất khả. Chẳng hạn như mình nghĩ tâm là một thực thể cụ thể, một là giống y như một thực thể “tôi” cụ thể, hai là điều gì được cái “tôi” như vậy sử dụng. Vì cả hai tri kiến sai lầm này đều không tương ứng với bản tánh thật sự của tâm, mà chỉ là ảo tưởng, nên không phải là một phần trong bản tánh của tâm - tất cả những tâm trạng dựa trên những tri kiến sai lầm này cũng không phải là một phần trong bản tánh của tâm. Những tâm trạng này gồm có những khái niệm sai lầm về “tôi”, những phiền não phát sinh, để cố gắng giúp cho cái “tôi” đó được an toàn, và những sự thôi thúc, khiến mình dấn thân vào những hành vi vô ích, để chống đỡ cho cái “tôi” đó. Bởi vì không có thành phần nào trong số này là những thành phần thuộc về bản tánh của tâm, và dựa trên khái niệm sai lầm về bản tánh ấy. Một khi được thay thế bằng hiểu biết đúng đắn, thì chúng có thể bị đoạn diệt mãi mãi. Mặt khác, những cảm xúc có tính cách xây dựng như lòng từ và lòng bi thì không dựa trên khái niệm sai lầm về bản tánh của tâm. Vì có sự khác biệt lớn này, mà chúng không bị đoạn diệt vì nhận thức đúng đắn.

Thế thì chân diệt của khổ không phải là tịch diệt của tâm. Tâm thức của chúng ta, với tất cả những phẩm chất tốt đẹp như lòng từ, lòng bi và hiểu biết đúng đắn, luôn nối tiếp từ kiếp này sang kiếp khác. Điều sẽ chấm dứt là vòng sinh tử luân hồi bất tự chủ, với thân tâm hạn hẹp, dưới sự khống chế của vô minh, phiền não và nghiệp.

Bốn Khía Cạnh Của Chân Diệt

Diệu đế thứ ba, chân diệt, có bốn khía cạnh.

  • Thứ nhất, đó là chân diệt của chân khổ, tái tạo ra sự sinh khởi của tất cả các loại khổ. Bất cứ giai đoạn thống khổ nào cũng sẽ tự động kết thúc, bởi vì dưới sự tác động của nhân duyên thì tất cả các pháp đều vô thường, và đương nhiên sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, “chân diệt” có nghĩa là những giai đoạn như vậy sẽ không bao giờ tái diễn. Bởi vì bản tánh của tâm là thanh tịnh, theo nghĩa là hoàn toàn không có những nguyên nhân chân thật này, việc thấu hiểu sự thật này sẽ đối trị với khái niệm sai lầm rằng không có cách nào để loại bỏ việc mình cứ tái tạo ra chân khổ. 
  • Thứ hai, chân diệt là một trạng thái an lạc, bởi vì tất cả các tâm sở phiền não đều được điều phục. Điều này đối lập với ý niệm sai lầm rằng việc đạt được định tâm, giống như uống một loại thuốc giảm đau mạnh và không cảm thấy gì cả, là thật sự chấm dứt tất cả các vấn đề của mình. Bất kể mình sẽ an trụ trong trạng thái ấy bao lâu, thoát khỏi đau đớn và khổ sở, thì cũng không loại bỏ được nguyên nhân chân thật tạo ra vấn đề của mình. Đó chỉ là việc nghỉ ngơi tạm thời thôi. Khi thời nhập định kết thúc, thì thuốc sẽ hết tác dụng, và những vấn đề của mình sẽ quay trở lại.
  • Thứ ba, chân diệt là một trạng thái tối thắng. Nó tối thắng hơn bất cứ thành tựu nào trong các pháp thế gian. Không cần biết thế giới ảo mà mình tạo ra và trốn tránh trong đó có an lạc đến đâu đi nữa, thì cũng không thể thoát khỏi chân khổ và nguyên nhân thật sự tạo ra chân khổ. Các vấn đề trong cái gọi là “thế giới thật” của mình vẫn chưa biến mất.
  • Cuối cùng, chân diệt là sự thoát ly triệt để mọi chân khổ và nguyên nhân thật sự tạo ra chân khổ, chứ không chỉ là giải thoát một phần hay tạm thời. Tuy sự thoát ly này xảy ra theo thứ lớp và giai đoạn - bởi vì vô minh và những khái niệm sai lầm về cách bản thân mình, tha nhân và vạn pháp tồn tại đã trở nên thâm căn cố đế như tập khí và thiên hướng – nhưng dù sao đi nữa thì việc đoạn trừ chúng hoàn toàn, để chúng không bao giờ phát sinh nữa là điều có thể thực hiện. Đó là vì chúng không phải là một phần trong bản tánh của tâm. Chúng là những cấu nhiễm thoáng qua, bởi vì về mặt bản tánh thì tâm là điều thanh tịnh.

Tóm Tắt    

Khi có thể vĩnh viễn đoạn trừ nguyên nhân chân thật tái tạo những nỗi khổ thật sự của mình, thì sao ta lại chỉ chấp nhận giảm thiểu hay tạm thời áp chế chúng? Tất nhiên, trong khi cố gắng đoạn trừ chúng mãi mãi, thì phải dần dần giảm bớt tần số và cường độ của chúng, nhưng Đức Phật đã nói rằng tất cả chúng ta đều có thể đạt được chân diệt, đối với chân khổ. Thế thì sao mình lại nhắm vào điều gì ít ỏi hơn?

Top