Từ Tâm Xả Ly Đến Lòng Bi

Tâm xả ly và lòng bi là cùng một thái độ, quyết tâm thoát khổ và nhân tạo khổ, chỉ nhắm vào bản thân mình trong trường hợp trước, và tha nhân trong trường hợp sau. Khi hiểu biết tất cả các chi tiết để phát tâm xả ly, như nguyên nhân, các tâm sở đi kèm, sự hiểu biết và vân vân, thì ta có thể phát lòng bi mẫn một cách trọn vẹn nhất.

Tâm xả ly và lòng bi là hai tâm trạng quan trọng mà mình phải trưởng dưỡng như một phần động lực, khi tiến tu trên đường tu của đạo Phật. Tôi muốn khảo sát tỉ mỉ một số vấn đề liên quan đến hai tâm trạng này một cách cụ thể, đặc biệt là vì hai tâm trạng này liên quan rất chặt chẽ với nhau. Thật ra thì chúng là cùng một tâm trạng, chỉ là đối tượng mà chúng nhắm đến thì khác nhau.

Tất cả các giáo lý nhà Phật đều nhắm vào mục đích giúp ta thoát khổ và khó khăn. Phương pháp được sử dụng để thực hiện điều này là khám phá ra nguyên nhân thật sự tạo ra những vấn đề này cho bản thân mình, và đoạn diệt những nguyên nhân đó, để chúng không tạo ra đau khổ nữa. Phương pháp này dựa trên sự xác tín rằng có thể đoạn trừ những nguyên nhân đó theo cách mà chúng sẽ không bao giờ tái diễn nữa. Để thành tựu điều này thì mình phải phát triển một đạo lộ trong tâm thức: một cách chứng ngộ để đối trị và đoạn trừ cội nguồn tạo ra những vấn đề một cách triệt để, trên cơ bản là sự thiếu hiểu biết, tâm vô minh của mình.

Điều này phù hợp với cấu trúc của Tứ Diệu Đế, khai thị đầu tiên và cơ bản nhất mà Đức Phật đã ban cho. Khi nhìn vào tâm xả ly và lòng bi thì ta sẽ thấy rằng cả hai đều nhắm vào nỗi khổ, và mong cho nó biến mất. Sự khác biệt chính giữa hai điều này là đối với tâm xả ly thì tâm mình chú trọng vào nỗi khổ của tự thân, và với lòng bi mẫn thì chú trọng vào nỗi khổ của tha nhân. Vậy thì hai tâm trạng đó rất giống nhau, đúng không? Nhưng sau đó, câu hỏi được đặt ra là liệu cảm xúc có thật sự giống nhau không, và làm cách nào để thực hiện quá trình chuyển đổi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác?

Ý Nghĩa Của Tâm Xả Ly Và Lòng Bi

Thuật ngữ “tâm xả ly” không chỉ được sử dụng trong tiếng Anh, mà còn được dùng trong tất cả các ngôn ngữ khác mà đạo Phật được trình bày ở phương Tây. Tuy nhiên, người ta bắt đầu thắc mắc, liệu nó có phải là cách phiên dịch đúng của thuật ngữ chánh gốc tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng không. Có lẽ người ta tự hỏi, nếu thuật ngữ này có thể được các nhà truyền giáo đặt ra, là những người trong số các dịch giả đầu tiên, khi đạo Phật lan truyền sang phương Tây, và những người hiểu Phật pháp trong khuôn khổ khái niệm khác với nguyên bản. Cuối cùng thì chữ “xả ly” chứa đựng ý nghĩa của việc từ bỏ tất cả mọi thứ, bởi vì việc liên quan đến những điều thế tục là xấu xa, nên ta sẽ sống trong hang động hay tu viện. Nhưng thật ra đó không phải là ý nghĩa của thuật ngữ trong tiếng Phạn (nihsarana) hay tiếng Tây Tạng (nges-'byung). Thuật ngữ này, đặc biệt nếu mình nhìn vào danh từ Tây Tạng, có nghĩa là sự quyết tâm; nó có nghĩa là quả quyết. Điều này đề cập đến quyết tâm thoát khổ mà nó chú trọng vào một cách cụ thể.

Việc phát triển quyết tâm đó để thoát khổ đòi hỏi việc sẵn sàng từ bỏ nỗi khổ ấy và nhân tạo khổ. Do đó, nó có ý nghĩa từ bỏ một cái gì đó, hoặc ngoảnh mặt với điều gì đó. “Cái gì đó” là khổ và nhân tạo khổ mà mình đang chú tâm vào, sau khi đã nhận thức ra chúng lần đầu tiên. Chỉ sau khi nhận ra rằng đây là nỗi khổ mà tôi phải trải qua và đây là nguyên nhân của nó, và tôi không muốn chịu đựng nó nữa, tôi muốn thoát khỏi nó, thì mình mới sẵn lòng từ bỏ nó. “Tôi muốn nó chấm dứt”, tôi đoán có lẽ nó có thể là cách trung lập hơn để thể hiện điều này. Đây là trường hợp liệu tâm trạng này chú trọng vào nỗi khổ của chính mình, hay trong trường hợp của lòng bi, chú trọng vào nỗi khổ của người khác. Mặc dù người trải qua nỗi khổ đó, là bản thân mình hay người khác, thì khác nhau, nhưng ước muốn thì như nhau. Chúng ta đều mong muốn nó chấm dứt.

Các Yếu Tố Liên Quan Đến Việc Phát Tâm Xả Ly Và Lòng Bi

Không chỉ rất quan trọng để nhận ra những điều mình đang chú tâm vào - cụ thể là những nỗi khổ nào đó và nguyên nhân tạo ra nó, mà mình hay người khác đang trải qua - mà còn nhận ra các yếu tố khác liên quan trong đó. Trong Thơ Ban Lời Khuyên Về Kinh Điển Và Mật Điển (Letter of Practical Advice on Sutra and Tantra),  Tông Khách Ba (Tsongkhapa) giải thích rất rõ ràng những yếu tố cần thiết để có thể hành thiền một cách hiệu quả, nói chung. Trước tiên, phải hiểu thiền là gì. Thiền là một phương pháp giúp cho tâm thức quen thuộc với một tâm trạng hay đối tượng nào đó, bằng cách phát khởi tâm trạng thái đó, hay tập trung vào đối tượng đó nhiều lần.

Để biết cách làm quen với tâm trạng đó thì mình phải biết tất cả các chi tiết cụ thể về nó. Chúng ta cần phải biết:

  • Tâm trạng đó chú trọng vào điều gì - trong trường hợp này là khổ và nhân tạo khổ.
  • Cách mà tâm liên hệ với đối tượng đó. Thuật ngữ kỹ thuật là “cách mà nó nhìn đối tượng ấy”. Ở đây, cách mà tâm mình nhìn đối tượng đó là ước mong nó sẽ chấm dứt. Tâm ta không chỉ tập trung vào khổ và nhân tạo khổ, và chú ý đến chúng. Cách mà tâm mình liên hệ đến chúng là “Hãy biến mất!”.

Bất cứ tâm trạng nào là sự hỗn hợp của nhiều tâm sở khác nhau, chẳng hạn như định, tư và vân vân. Nếu như biết rõ tất cả các yếu tố này thì chúng sẽ giúp ta phát khởi tâm trạng mà mình muốn. Đối với điều này, Tông Khách Ba nêu ra nhiều điểm khác mà mình cũng cần biết. Những điểm này bao gồm:

  • Tâm trạng đó dựa vào điều gì - nói cách khác là đâu là những tâm trạng mà mình cần phải phát triển trước đó, để giúp mình tạo dựng tâm trạng này và hỗ trợ nó, chẳng hạn như nhận diện nỗi khổ và nhận ra nó trong tự thân và tha nhân.
  • Những tâm sở nào sẽ giúp ích cho tâm trạng mà mình muốn phát khởi, và tâm sở nào sẽ làm hại nó - ví dụ như lòng từ sẽ giúp nó, dù đó là tình thương dành cho chính mình hay người khác; và hận thù, dù đó là hận thù bản thân hay hận thù người khác, thì sẽ tạo bất lợi cho nó.
  • Điều gì sẽ là lợi ích và cách sử dụng, hay công năng của tâm trạng đó, một khi mình phát khởi nó - ví dụ như tâm xả ly sẽ giúp ta thoát khỏi nỗi khổ của mình, và lòng bi sẽ giúp mình hỗ trợ tha nhân thoát khỏi nỗi khổ của họ.

Dù điều này nghe có vẻ như có nhiều chi tiết kỹ thuật, nhưng thật ra cực kỳ hữu ích đối với cách tiếp cận việc tu tập trong đạo Phật, hay bất cứ hình thức tu tập tâm linh nào, với mục tiêu phát triển, ví dụ như lòng từ hoặc lòng bi. Bạn sẽ làm điều đó như thế nào? Thường thì đó là trường hợp mà mình không biết chính xác ý nghĩa của lòng từ hay lòng bi, nên chỉ ngồi đó với tâm trống rỗng, không biết phải làm gì. Hoặc có thể mình có khái niệm riêng về lòng từ và lòng bi có thể là gì, nhưng ý tưởng của chúng ta thường mơ hồ. Nếu mình đang cố tạo ra điều gì mơ hồ thì điều tốt nhất mà mình có thể hy vọng là chỉ có một cảm giác mơ hồ, và có lẽ đó là một cảm giác mơ hồ về điều gì không phải là cái mà đạo Phật đang hướng dẫn mình phát triển.

Mặc dù trong quá trình tu tập của nhà Phật thì mình đang làm việc với cái có thể gọi là “giá trị tâm linh”, những tâm trạng và v.v..., nhưng cách tiếp cận thì khoa học và chính xác. Nó chính xác, bởi vì ta biết một cách chính xác những gì mình đang cố thực hiện với tâm trí của mình, và cách làm điều đó. Nếu như có sự chính xác trong cách mình làm việc với tim óc và cảm xúc của mình, thì ta có thể trưởng dưỡng chúng một cách tích cực. Nếu không thì tất cả đều rất mơ hồ.

Một số người trong chúng ta có thể không có định hướng một cách rất khoa học hay hợp lý. Một số người thì có thể có nhiều trực giác hơn và làm việc với cảm xúc nhiều hơn, nhưng nếu nhìn vào trực giác một cách tỉ mỉ thì mình sẽ thấy rằng loại trực giác tốt nhất là loại chính xác. Trực giác mơ hồ không đưa ta đi rất xa. Vì vậy, bất kể mình có nhân cách nào thì mức độ chính xác là điều rất là hữu ích.

Những Tâm Sở Đi Kèm Theo Tâm Xả Ly Và Lòng Bi: Cảm Giác Quả Quyết Về Việc “Đủ Rồi”

Đâu là những tâm sở đi kèm với tâm xả ly và lòng bi? Tôi muốn vẽ một bức tranh chính xác về những tâm sở này mà Phật pháp bàn luận đến. Nhưng ngay cả khi có thể mô tả chính xác những tâm trạng và cảm xúc này một cách chính xác thì câu hỏi sẽ tự nhiên phát sinh là làm thế nào để cảm nhận chúng? Và sau đó, làm cách nào để biết những điều mình cảm nhận là thật?

Nếu có một ý niệm chính xác về điều gì mà những tâm trạng này phải chứa đựng, để trở nên chân thật, thì ta có thể so sánh những gì mình đang trải qua hiện nay với những gì mà sự thật là như thế nào. Trong khi xem xét những gì mình đang cảm nhận thì ta có thể cố gắng giải tỏa nó, xem tất cả những thành phần đi vào nó, và khám phá những phần nào của tâm trạng đó là yếu kém hay thiếu thốn. Rồi thì ta sẽ biết mình phải làm gì để đạt được một tâm trạng chính xác hơn. Việc phân tích và thấu hiểu cảm xúc của mình không phải là một quá trình phá hủy cảm xúc. Đó cũng là một quá trình theo sau trong phương pháp trị liệu tâm lý, để giúp ta lành bệnh và tạo lợi lạc nhiều hơn cho người khác, cũng như chính mình.

Cảm xúc thống trị có mặt với tâm xả ly và lòng bi là gì? Đó là chữ “yid-'byung” trong tiếng Tây Tạng, nó không dễ dịch, nhưng đó là một sự chán ngấy đối với điều gì đó: “Tôi chịu đựng đủ rồi.”. Đôi khi, nó được phiên dịch một cách mạnh mẽ hơn một chút là sự “chán ghét”, và trong quá khứ, tôi cũng đã dịch nó như thế. Chúng ta chán ghét nỗi khổ của mình và chán ghét nỗi khổ của người khác. Nhưng khi quán chiếu nhiều hơn nữa thì tôi nghĩ rằng đó là từ ngữ quá mạnh mẽ, bởi vì sự chán ghét có thể dễ dàng trở thành phiền não của sự ghê tởm. Tôi nghĩ giai điệu của cảm xúc này trung tính hơn một chút. “Khổ như vậy là đủ rồi, nó phải chấm dứt” - cho dù đó là nỗi khổ của chính mình hay người khác. Thế thì điều này có một thành phần nào đó của sự quả quyết về việc này. “Vậy là đủ rồi!”

Tôi nghĩ mình có thể liên hệ với điều này trong kinh nghiệm thông thường. Chúng ta có thể đau khổ và muốn thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng thật ra mình chẳng làm gì để thoát khổ, cho đến khi kiên quyết và đến mức mà mình nói rằng, “Vậy là đủ rồi.” Nên cảm giác “đủ rồi” là một thành phần của tâm xả ly, và là giai điệu cảm xúc chính của nó.

Tin Một Sự Kiện Là Đúng

Một tâm sở khác đi kèm với tâm xả ly và lòng bi là tin vào một sự kiện là đúng. Đôi khi, nó được dịch là “tín tâm”, nhưng tôi nghĩ rằng đó là một cách phiên dịch không phù hợp. Điều đó không thích hợp, bởi vì “tín tâm” cũng có thể hướng về một cái gì đó sai lầm hoặc không chắc chắn, như tin vào sự tăng trưởng ổn định của một nền kinh tế. Ở đây, niềm tin vào một sự kiện là nhắm vào một điều gì chân thật, và tin là nó đúng. Vì vậy nên chúng ta không nói về việc tin vào thỏ Phục Sinh hay những điều đại loại như vậy.

Tin Vào Sự Thật, Dựa Vào Lý Lẽ

Có ba loại niềm tin vào sự thật. Trước tiên là tin vào một sự thật dựa vào lý lẽ. Với điều này, ta sẽ tập trung vào nỗi khổ, và có niềm tin vững chắc vào sự kiện rằng đây thật sự là khổ, và nó thật sự xuất phát từ nguyên nhân này. Thêm vào đó, phải có tự tin rằng nỗi khổ này có thể được đoạn trừ, và nó có thể được đoạn diệt mãi mãi.

Điểm cuối cùng đó là một thành phần rất quan trọng. Nếu không có niềm tin tự tin dựa vào lý lẽ, rằng khổ có thể được đoạn trừ, và khi một đối thủ cụ thể nào được đoạn diệt mãi mãi thì toàn bộ giai điệu cảm xúc sẽ khác đi. Ví dụ, ta có thể nhận ra mình có một vấn đề nào đó trong cuộc sống, và thậm chí có thể có một sự hiểu biết tối thiểu về nguyên nhân tạo ra nó. Ta có thể thật sự muốn thoát khỏi vấn đề, và thậm chí có thể đi đến mức cảm nhận sâu sắc rằng mình đã chịu đựng đủ rồi. Chúng ta thật sự muốn làm một điều gì đó về vấn đề này. Nhưng giả sử mình nghĩ rằng nó vô vọng, rằng không có cách nào để thật sự thoát khỏi vấn đề, và mình phải câm nín để học cách sống với nó. Hoặc mình cảm thấy bị kết án và phải gánh chịu vấn đề này mãi mãi. Đó là một tâm trạng rất khác biệt, đúng không, từ niềm tin vào sự thật được mô tả trong đạo Phật? Với tâm trạng mà mình cảm thấy vô vọng thì rất dễ trở thành chán nản về toàn bộ tình huống. Chúng ta hoàn toàn thất vọng, bởi vì dù mình thật sự muốn thoát khỏi vấn đề, nhưng cũng nhận ra đó chỉ là mơ mộng hão huyền, và mình không thể làm gì được nhiều.

Đó là lý do tại sao ở đây sự xác tín rằng ta có thể thoát khỏi vấn đề của mình mãi mãi phải dựa trên lý lẽ. Chúng ta hiểu cách mình có thể thoát khỏi vấn đề, và vững tin rằng nó hữu hiệu. Điều này cho ta hy vọng, và hy vọng ban cho mình sức mạnh, và sức mạnh rất là quan trọng, để có thể làm một điều gì đó để thoát khỏi vấn đề. Đó là tin vào một sự kiện dựa trên lý lẽ.

Tin Vào Sự Thật Về Điều Gì Đó Một Cách Sáng Suốt

Loại thứ hai của niềm tin vào một sự thật là đúng được gọi là “tin vào sự thật về điều gì đó một cách sáng suốt”. Nó làm sạch tâm trí mình theo nghĩa là nó làm sạch những phiền não trong tâm mình, mà không dẹp sạch đối tượng. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là loại niềm tin có tự tin rằng khổ có thể được đoạn trừ mãi mãi, sẽ xóa sạch chứng trầm cảm trong tâm mình; nó xóa tan tâm nghi ngờ về tình hình; nó xóa sạch cảm giác bất lực và sợ hãi trong tâm mình. Khi gặp rất nhiều vấn đề và khó khăn thì mình sống trong nhiều nỗi sợ hãi, và nghĩ rằng, “Nó sẽ tiếp diễn như vầy mãi mãi”, hay “Tôi sợ làm bất cứ điều gì, vì có lẽ tôi sẽ làm cho nó tồi tệ hơn.”.

Tôi chắc chắn tất cả chúng ta đều biết ví dụ về điều này, về chính bản thân mình, hay về người khác. Ví dụ, chúng ta có thể có quan hệ tồi tệ với ai, một mối quan hệ rất tiêu cực, ngược đãi, nhưng mình sợ phải thoát khỏi mối quan hệ đó và kết thúc nó, bởi vì cuộc sống có thể tồi tệ hơn, nếu không có người này. Nhưng với niềm tin với tự tin rằng mình có thể thoát khỏi vấn đề bằng cách kết thúc mối quan hệ, và khi kết thúc nó thì mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong cuộc sống của mình. Ta sẽ xóa tan sợ hãi và do dự trong tâm mình.

Với loại niềm tin với tự tin thứ hai này thì mình cũng đoạn trừ việc phóng đại tính tiêu cực của nỗi khổ. Thật ra, ta có thể có một vấn đề, nhưng nếu mình phóng đại tính tiêu cực của vấn đề thì ta sẽ biến nó thành một con quái vật khủng khiếp trong tâm mình. Thậm chí, ta có thể ngoại tại hóa vấn đề và biến nó thành việc làm của ma quỷ, khiến cho mình càng sợ hãi hơn. Nhưng với tâm xả ly dựa vào niềm tin sáng suốt rằng có thể thoát khổ mãi mãi thì mình sẽ không sợ hãi. Ta sẽ không trốn tránh những vấn đề của mình, cố gắng trốn chạy trong sợ hãi, mà đúng hơn là mình sẽ đối diện với những vấn đề đó và giải quyết chúng với niềm tin có tự tin là mình sẽ thành công.

Sau đó thì phải cẩn thận về cách hiểu những trạng thái cảm xúc liên quan đến những thành ngữ như “thoát ra khỏi ngục tù luân hồi”. Không phải là tâm mình bực bội và bối rối vì sợ hãi và hận thù về trạng huống luân hồi với nỗi khổ tái diễn bất tự chủ. Với niềm tin sáng suốt rằng đó là một sự thật, rằng ta có thể giải thoát bản thân mình khỏi tất cả những nỗi khổ này mà mình có một tâm trạng bình tĩnh, quyết tâm rõ rệt.

Tin Vào Một Sự Kiện, Với Tâm Nguyện Liên Quan Đến Điều Đó

Loại niềm tin thứ ba là tin vào một sự kiện với tâm nguyện liên quan đến nó. Tâm nguyện ở đây là “Tôi sẽ thoát khỏi điều này và tôi sẽ làm điều gì để thoát khỏi nó.”. Một ví dụ hàng ngày về tình trạng này là một người lớn lên trong nghèo khó, và quyết tâm thoát khỏi giới hạn của cảnh nghèo hèn, và làm điều gì đó, để cuộc sống của họ thành đạt hơn. Không phải là những người như vậy oán hận hoàn cảnh của họ. Họ rất rõ ràng, bình tĩnh và biết mình cần phải làm gì để thoát khỏi cảnh nghèo đói, và sẽ làm điều đó, bởi vì họ đã chịu đựng nó đủ rồi. Họ biết mình phải làm những gì, và chỉ cần thực hiện điều đó một cách đơn giản.

Tôi đang nghĩ đến một ví dụ về một người bạn của tôi lớn lên trong một gia đình rất nghèo, trong một khu dân cư rất phức tạp. Anh đi học ở một ngôi trường, nơi mà hầu hết học sinh trong lớp của anh thuộc về các băng đảng và đánh lộn với nhau. Anh đã quyết tâm thoát khỏi điều đó. Anh biết phải làm gì; và đã làm việc rất chăm chỉ để có tiền và có cơ hội lên đại học. Ở đó, anh học ngành y, và hiện nay, anh là một bác sĩ giả phẫu não bộ rất thành công.

Lòng Bi Có Cùng Những Thành Phần Như Tâm Xả Ly

Đó là tâm xả ly, khi nó chú trọng vào nổi khổ của riêng mình. Khi nó chú trọng vào nỗi khổ của người khác, thì cũng giống như vậy. Chúng ta tập trung vào nỗi khổ của tha nhân, và cách mà tâm mình liên hệ với nó, với ý định là “điều này phải chấm dứt”. Tâm trạng và cảm xúc đi kèm với nó là cảm giác tương tự như “vậy là đủ rồi”. Chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi người đều có những vấn đề trong cuộc sống mà mình trải qua, nhưng không phải là mình chán ghét hay vô vọng về điều đó. Những cảm xúc này, một lần nữa, là loại cảm xúc phiền não. Chúng ta tự tin về sự hiểu biết và niềm tin của mình, rằng đây là nguyên nhân tạo ra vấn đề của họ, và họ cũng có thể thoát khỏi những nguyên nhân này. Không phải là mình chỉ mong cho họ được tốt đẹp, nhưng sâu thẳm bên trong thì biết rằng đó là điều vô vọng. Niềm tin của mình là niềm tin sáng suốt, nên với lòng bi mẫn này thì tâm ta sẽ không còn phiền não. Điều đó rất quan trọng.

Tôi nghĩ về các ví dụ. Tôi nhớ mẹ tôi đã từng xem tin tức địa phương trên truyền hình Mỹ, và bà nghe tin về tất cả những vụ giết người, cướp của, hãm hiếp và vân vân, cứ diễn ra mỗi ngày, và bà rất tức giận và phẫn nộ: “Chuyện này thật kinh khủng; nó không nên xảy ra.”. Điều này giống như lòng bi, nhưng thật ra nó là một tâm trạng rất phiền não. Nó không phải là lòng bi “thật sự”. Trong trường hợp này, có một sự pha trộn giữa lòng bi và sự quan tâm, nhưng cũng có sự tức giận và bực bội.

Lòng bi – lòng bi “thật sự” - không phải là một tâm trạng bực bội; nó là một tâm trạng rất sáng suốt. Đi kèm với nó là niềm tin với một tâm nguyện, đó là “Tôi sẽ cố gắng làm cái gì về điều đó, để đoạn trừ nỗi khổ này.”. Nên không chỉ ước mong “họ” sẽ làm điều gì về vấn đề này, mà tôi sẽ cố gắng giúp đỡ họ. Tuy nhiên, nguyện vọng và chủ ý này phải dựa trên sự hiểu biết thực tiễn về những điều mình có thể làm. Nó không trộn lẫn với ý tưởng về “Tôi là Thượng Đế Toàn Năng, và tôi sẽ đi cứu rỗi thế giới”, và “nếu như thành công trong việc giúp đỡ người này thì tôi tuyệt vời làm sao; và nếu như thất bại thì tôi là người tội lỗi”. Đây là lý do tại sao mình cần phải hiểu rất rõ và tự tin vào quá trình mà nỗi khổ có thể được đoạn trừ. Quá trình này là một quá trình sinh khởi phụ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân và yếu tố, không chỉ dựa vào sức mạnh ý chí và mong muốn của mình, để nỗi khổ biến mất.

Tâm Xả Ly Và Lòng Bi Chú Trọng Vào Nỗi Khổ Vì Đau Đớn Và Bất Hạnh

Như đã giải thích, thành phần đầu tiên cần thiết để phát tâm xả ly hay lòng bi là cần phải chú tâm vào nỗi khổ của chính mình hay người khác. Câu hỏi đầu tiên là nó chú trọng vào loại đau khổ nào? Đức Phật đã nêu ra ba loại chân khổ. Ở đây, tôi sẽ không đi sâu vào nhiều chi tiết, loại đầu tiên trong ba loại khổ mà mình có thể chú tâm vào là đau đớn và bất hạnh.

Việc muốn đau đớn và bất hạnh biến mất thì không quá khó khăn. Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm này trên ghế làm răng. Nhưng đúng ra, đó là một câu hỏi rất thú vị để tìm hiểu. Khi ngồi trên ghế làm răng và chịu đau để nha sĩ khoan một chiếc răng mà không có Novocain thì mình có tâm xả ly đối với điều đó không? Đó có phải là tâm trạng của chúng ta không? Thật ra tâm trạng của mình là gì? Chúng ta cảm thấy như thế nào trên chiếc ghế đó? Đối với hầu hết chúng ta thì tôi nghĩ nó là sợ hãi và lo lắng. Cũng như với tâm xả ly, ta sẽ chú tâm vào nỗi đau mà mình cảm nhận, nhưng rồi không giống như tâm xả ly, ta thường phóng đại nó và biến nó thành một con quái vật. Chắc chắn là mình không bình tĩnh chút nào hết.

Nhưng giả sử mình tiếp cận tình huống này bằng tâm xả ly, thì vẫn sẽ tập trung vào nỗi đau của việc khoan răng. Chúng ta muốn nỗi khổ vì đau đớn sẽ chấm dứt. Mình đã chịu đựng nó đủ rồi, và tự tin rằng có thể thoát khỏi nó. Nhưng bây giờ mới có một sự rắc rối thú vị. Ta có thể hiểu mình có thể thoát khỏi nó bằng cách kiên nhẫn và chờ đợi nha sĩ chữa xong cái răng. Mình sẽ không ngồi trên ghế làm răng để nha sĩ này khoan răng suốt đời. Vô thường có mặt ở đó và việc khoan răng sẽ kết thúc, nên mình phải chịu đựng nó. Với ý nghĩ này thì ta có thể bình tĩnh và tự tin rằng nếu mình giữ bình tĩnh, không còn hoảng sợ và căng thẳng khi ngồi trên ghế thì nỗi đau của việc khoan răng sẽ kết thúc và biến mất.

Một khả năng khác là có thể tự tin rằng mình có thể thoát khỏi nỗi khổ của cái đau này bằng cách thay đổi thái độ đối với nó. Điều này đề cập đến việc luyện tâm, hay phương pháp rèn luyện thái độ để thay đổi hoàn cảnh bất lợi thành tích cực. Ví dụ, nếu mình nghĩ về nỗi khổ của tất cả những người đang bị tra tấn ở Tây Tạng, hoặc ở những nơi khác trên thế giới, và so sánh với những gì mình đang trải qua trên ghế làm răng thì ta sẽ hiểu rằng nỗi đau của mình là tầm thường biết bao nhiêu, so với những điều này. Việc hiểu được tính tương đối về nỗi khổ của mình sẽ giúp ta bình tĩnh khi đối mặt với nỗi đau tương đối nhỏ, nhờ vậy, mình sẽ không phải đau khổ quá nhiều. Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng nó không còn là chuyện lớn nữa.

Có tâm xả ly trong cả hai ví dụ này. Chúng ta đang từ bỏ cái gì? Ở bề mặt thì chúng ta đang từ bỏ nỗi đau. Nhưng bất kể thái độ của mình đối với nó là như thế nào thì ta vẫn không thể chấm dứt nỗi đau ngay lập tức; mình vẫn phải chịu đựng cảm giác đau đớn về thể xác cho đến khi việc khoan răng chấm dứt. Trên thực tế thì cơn đau sẽ tiếp tục cho đến khi nha sĩ xong việc, cho dù mình có từ bỏ nó hay không. Dù sao đi nữa thì việc tự tin rằng cái đau của việc khoan răng là vô thường, và ta sẽ sớm thoát khỏi nó, vì tánh vô thường của nó sẽ giúp mình chịu đựng cái đau. Do đó, nếu như quán sát sâu hơn thì thật ra mình đang từ bỏ nỗi bất hạnh mà mình có thể gánh chịu trong khi trải qua nỗi đau thể xác. Khi thay đổi thái độ thì mình có thể thoát khỏi nỗi bất hạnh đó ngay lập tức.

Khi nỗi sợ hãi và lo lắng đi cùng với kinh nghiệm ngồi trên ghế làm răng thì những tâm trạng này sẽ khiến mình càng thêm bất hạnh, và làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu mình thay đổi thái độ đối với cái đau, chẳng hạn như bằng cách hiểu được tính vô thường hoặc tính tương đối của nó, thì ta có thể tin tưởng là mình sẽ không phải chịu đựng việc khoan răng về mặt tinh thần và cảm xúc.

Thế thì đây là pháp tu về tâm xả ly, dựa trên sự hiểu biết mình đang từ bỏ điều gì ở đây, đề cập đến những gì mình có thể loại bỏ bằng cách thay đổi thái độ. Chúng tôi đang từ bỏ:

  • Nỗi bất hạnh mình phải trải qua, liên quan đến cảm giác đau đớn về thể xác
  • Trạng thái tinh thần và cảm xúc đau đớn
  • Nỗi bất hạnh mình phải trải qua, liên quan đến những tâm trạng và cảm xúc đau đớn này.

Việc thay đổi thái độ sẽ thay đổi toàn bộ tình huống về việc chịu đau. Chúng ta đã thấy những ví dụ về điều này về những vị Lạt ma vĩ đại đã viên tịch trong các bệnh viện Tây phương, dù đó là bệnh ung thư hay những bệnh nan y khác. Chắc chắn họ phải trải qua nỗi đau về thể xác, nhưng cũng chắc chắn là họ đã từ bỏ nỗi bất hạnh và sợ hãi về cái đau đó. Thay vì vậy, họ thay đổi toàn bộ tình huống bằng cách nghĩ đến nỗi buồn khổ của người khác, đặc biệt là sự khó chịu của các bác sĩ, khi họ cảm thấy bất lực đối với bệnh tình của người bệnh. Những Lạt ma này thể hiện mối quan tâm lớn đối với cách bác sĩ cảm nhận, cũng như cách mà tất cả những người đến thăm và tỏ lòng kính trọng các ngài cảm nhận ra sao.

Điều gì tiềm ẩn đàng sau cách mà họ đối phó với bệnh tật của mình? Đó là tâm xả ly và lòng bi. Họ đã từ bỏ sự căng thẳng và nỗi đau tinh thần về toàn bộ tình huống, liên quan đến bản thân họ và tất cả những người khác liên quan trong đó. Và họ không chỉ giả vờ có tâm xả ly. Những Lạt ma này không chỉ nói theo bề ngoài, “Mọi việc ổn mà. Ta không sao, đừng lo lắng.”, nhưng bên trong họ không thấy ổn. Nếu vấn đề là như vậy thì họ sẽ bỏ lỡ niềm tin sáng suốt này: loại niềm tin với tự tin sẽ xóa tan nỗi sợ hãi và khó chịu, vì biết rằng bằng cách áp dụng điều này hay pháp đối trị tinh thần đó thì toàn bộ tình huống căng thẳng sẽ được khuếch tán. Tất nhiên, nếu mình càng quen thuộc với những pháp tu về tâm xả ly và lòng bi này hơn, như những vị Lạt ma này, thì tâm xả ly trọn vẹn với tất cả các yếu tố đi kèm sẽ tự động phát sinh. Nó không phải là điều gì nhân tạo mà mình phải tạo ra.

Một ví dụ khác về tình huống khó khăn là bị mất việc hay mất tiền tiết kiệm của mình. Dù ta có thể cảm thấy khủng khiếp về điều này, nhưng những người khác bị mất việc hay tiền tiết kiệm cũng cảm thấy khủng khiếp. Chúng ta muốn nỗi bất hạnh và trầm cảm sẽ chấm dứt đối với mình và người khác. Đi từ tâm xả ly đến lòng bi không có nghĩa là mình ngưng từ bỏ nỗi khổ của bản thân, mà đúng hơn là mở rộng tâm trạng của mình, để bao gồm tất cả mọi người: điều đó có nghĩa là cả mình và tất cả những người khác.

Tâm Xả Ly Và Lòng Bi Chú Trọng Vào Nỗi Khổ Của Hạnh Phúc Thông Thường

Đó là tâm xả ly và lòng bi chỉ nhắm vào nỗi khổ vì đau đớn và bất hạnh. Tuy nhiên, hạnh phúc bình thường của mình cũng có vấn đề. Theo một nghĩa nào đó thì nó cũng là một dạng khổ. Nỗi khổ này đề cập đến sự kiện là hạnh phúc thông thường chẳng bao giờ bền lâu. Nó bất toại nguyện, và mình không bao giờ có đủ. Hơn nữa, nó còn mau thay đổi thành nỗi bất hạnh khó chịu. Đó là lý do nó được gọi là “khổ vì thay đổi” (hoại khổ). Chẳng hạn, nếu như ăn kem là một nguyên nhân thật sự của hạnh phúc thì càng ăn nhiều kem, mình sẽ càng hạnh phúc hơn. Nhưng rõ ràng là đến một lúc nào đó, càng ăn nhiều kem thì mình càng cảm thấy ngán hơn. Hạnh phúc bình thường dựa vào việc ăn kem sẽ thay đổi, và mình không còn hạnh phúc nữa.

Nói ngắn gọn là hạnh phúc bình thường rất chán nản. Dù có muốn tiếp tục được hạnh phúc đến mức nào thì mình không bao giờ biết khi nào tâm trạng của mình sẽ thay đổi. Hơn nữa, ta không bao giờ hài lòng với hạnh phúc mà mình đang có trong hiện tại, hay với hạnh phúc mà mình đã có trước đây. Mình luôn luôn muốn có nhiều hơn nữa. Chúng ta cũng có thể từ bỏ nỗi khổ vì thay đổi này với quyết tâm được tự do.

Tuy nhiên, việc từ bỏ hạnh phúc thông thường có nghĩa là gì? Có phải nó có nghĩa là mình không bao giờ muốn được hạnh phúc nữa hay không? Có phải đó là điều mà mình muốn: từ bỏ hạnh phúc của mình, vì nó bất toại nguyện? Cách suy nghĩ như thế là một sự hiểu lầm nặng nề về lập trường của đạo Phật. Hạnh phúc thông thường thì vô thường, và chắc chắn sẽ kết thúc, như trong trường hợp của đau đớn và bất hạnh. Nhưng với tâm xả ly, mình sẽ chấp nhận sự thật đó, và không phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của việc cảm nhận những loại hạnh phúc thông thường, trong khi chúng xảy ra.

Đó là cách ta khắc phục khổ đau từ hạnh phúc thông thường của mình. Mình sẽ tận hưởng nó như cách nó là như vậy, một cảm giác tốt đẹp tạm thời, trong khi biết rõ rằng nó sẽ không lâu bền. Vì biết nó sẽ kết thúc, nên mình không bực dọc. Chúng ta không hy vọng nó sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng trong khi nó đang xảy ra thì ta sẽ tận hưởng nó. Không phải là mình tận hưởng nó mà lại lo lắng về thời điểm nó sẽ chấm dứt, vì biết rằng nó sẽ kết thúc. Hãy nhớ rằng, với niềm tin sáng suốt về sự thật là nó sẽ kết thúc, mình sẽ xua tan bất cứ sự khó chịu nào về ý nghĩ đó.

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ, như ở cạnh một người bạn mà mình không gặp thường xuyên. Sau khi ghé thăm một hồi thì người đó ra về, và ta không hài lòng. Mình muốn người đó ở chơi lâu hơn. Mình kỳ vọng điều gì từ chuyến viếng thăm đó mà không được hài lòng khi không có được nó? Liệu mình có trông mong là khi ở cạnh người này thì cuối cùng, mình sẽ được hạnh phúc và thoát khỏi sự cô đơn và bất an mãi mãi hay không? Nếu anh ấy hoặc cô ấy ở lại thêm năm phút nữa thì liệu mình có hài lòng không?

Chúng ta không hài lòng vì kỳ vọng của mình không được đáp ứng, nhưng đó là một kỳ vọng hoàn toàn không thực tế. Những gì mình mong đợi là điều bất khả. Mặt khác, nếu không mong đợi điều gì kỳ diệu xảy ra thì mình sẽ hài lòng với bất cứ điều gì xảy ra. Đó là chấp nhận thực tại. Chúng ta sẽ tận hưởng chuyến viếng thăm, bữa ăn, tình thân hay bất cứ điều gì mà mình hiện có với người đó. Ta biết nó sẽ không loại trừ nỗi bất hạnh, cô đơn hay đói khát của mình mãi mãi; nhưng mình không mong đợi điều đó. Chúng ta không phóng đại chuyến thăm viếng của bạn bè; chúng ta rất sáng suốt về điều đó và không buồn bã hay thất vọng khi anh ấy hoặc cô ấy ra về. Chúng ta thích nó như cách nó hiện hữu, và khi nó kết thúc thì nó đã chấm dứt.

Một khi đã từ bỏ những vấn đề mà mình phải đối diện đối với hạnh phúc thông thường, thì làm cách nào để mở rộng điều đó đến hạnh phúc thông thường của người khác? Hiển nhiên, khi chú tâm vào vấn đề về hạnh phúc thông thường của người khác thì một lần nữa, sự sáng suốt rất là quan trọng. Chắc chắn không phải là mình ganh tỵ rằng người kia hạnh phúc, còn mình thì không, mặc dù mình cũng nhận thức là hạnh phúc của họ sẽ không làm cho họ mãn nguyện. Đúng hơn thì mình nhận ra là chẳng hạn như người này mong đợi quá nhiều về mối quan hệ của họ với một người bạn, hay họ sẽ luôn cảm thấy thất vọng và không hài lòng, cho dù điều gì tốt đẹp xảy ra với họ. Chúng ta nhận ra đó là vấn đề. Không phải là mình không muốn cho họ hạnh phúc. Điều mà mình chú tâm vào là nỗi bất hạnh hay vấn đề xuất phát từ cách họ trải nghiệm hạnh phúc thông thường.

Ở đây, bằng cách phân biệt giữa hạnh phúc và những vấn đề với hạnh phúc, nó sẽ giúp cho ta tùy hỷ với niềm hạnh phúc mà người kia đang cảm nhận. Tùy hỷ được nhấn mạnh rất nhiều trong Phật pháp. Chúng ta tùy hỷ với hạnh phúc của họ; tuy nhiên, mình cũng thấu hiểu những khiếm khuyết của hạnh phúc thông thường một cách thực tiễn, và có lòng trắc ẩn đối với những vấn đề mà họ có thể gặp phải với loại hạnh phúc ấy. Dù sao đi nữa thì ngay cả khi đó là hạnh phúc thế gian bình thường thì mình vẫn có thể tùy hỷ với nó.

Tâm Xả Ly Và Lòng Bi Chú Trọng Vào Nỗi Khổ Thâm Nhập Khắp Nơi

Hình thức đau khổ sâu xa nhất mà Đức Phật đã nêu ra là “nỗi khổ thâm nhập khắp nơi”. Điều này đề cập đến tái sinh vô tự chủ, cái được gọi là “luân hồi”,  là cơ sở của việc trải nghiệm hai loại khổ đầu. Đó là hình thức của nỗi khổ mà Đức Phật đã nêu ra một cách đặc thù là chân khổ, trong khai thị của Ngài về Tứ Diệu Đế. Chúng ta sẽ tiếp tục có một thân thể gọi là “ô nhiễm”, trong dạng này hay dạng khác, sẽ phải trải qua toàn bộ quá trình sinh ra, phải học cách đi đứng và lặp lại mọi việc hết lần này đến lần khác, là những việc khiến mình dễ bị thương, và chắc chắn sẽ bị bệnh, già nua, mất hết khả năng và chết đi. Và mình sẽ tiếp tục có một tâm thức “ô nhiễm” bị vô minh bằng cách này hay cách khác, tạo ra nhiều vọng tưởng, có đủ những ý nghĩ kỳ lạ, và liên tục thăng trầm với tâm trạng thay đổi thất thường.

Chúng ta luôn luôn có những mối quan hệ phức tạp bất toại nguyện. Có những việc sẽ xảy ra mà mình không muốn xảy ra. Không phải lúc nào mình cũng có được những gì mình thích; và trên thực tế, thường thì chúng ta sẽ chia lìa với những gì mình thích, và gặp phải những gì mình không thích. Khi người khác hành xử theo cách này hay cách khác thì mình không thích điều đó, vì sự việc không đi theo ý mình. Chúng ta sẽ thất vọng, vì không có được những gì mình muốn, mặc dù mình rất cố gắng để có được nó, như một công việc tốt, một người bạn đời tốt, hoặc bất cứ điều gì. Không có gì chắc chắn, không chỉ về những kiếp tương lai, mà còn không có gì chắc chắn mình sẽ cảm nhận ra sao trong khoảnh khắc tiếp theo.

Chúng ta luôn luôn phải từ bỏ loại thân thể này và cuộc sống hiện tại mà mình đang sống, và thích nghi với một tái sinh hoàn toàn mới mẻ, và học hỏi lại tất cả mọi thứ một lần nữa, kết bạn một lần nữa, và v.v... Và dĩ nhiên có rất ít bảo đảm là mình sẽ tái sinh thành con người trong kiếp sau; có nhiều cơ hội là mình sẽ không phải là con người. Mình có thể tái sinh thành một con gián, hay tệ hơn nữa. Với tâm xả ly thì mình đã chịu đựng những điều này đủ rồi.

Rất thú vị khi xem xét tâm trạng liên hệ ở đây với mức độ xả ly này. Tôi nghĩ rằng cũng có một yếu tố nhàm chán đối với luân hồi. Vì không phóng đại cuộc sống luân hồi là như thế nào, nên theo một nghĩa nào đó thì mình không say mê nó. Chúng ta chỉ không quan tâm, vì nó luôn luôn là điều tương tự lặp đi lặp lại.

Nếu không thích thú với những vấn đề lặp đi lặp lại mà mình phải đối diện trong cuộc sống, và thực tế là mình đã chán chúng rồi, thì kết quả không phải là mình không quan tâm đến những gì xảy ra. Không phải là ta có thái độ bất cần “sao cũng được”. Đúng hơn là mình hiểu rằng nguyên nhân của nỗi khổ thâm nhập khắp nơi của luân hồi là phiền não và nghiệp do phiền não thúc đẩy. Thậm chí hơn thế nữa, mình hiểu rằng nguyên nhân thật sự của nỗi khổ này là tâm vô minh và mê lầm đằng sau tâm trạng phiền não và hành vi cưỡng ép của mình. Chúng ta nhất quyết phải thoát khỏi những điều này.

Quyết tâm thoát khỏi luân hồi là “điều chân thật”, là mức độ xả ly sâu sắc nhất. Hơn nữa, ta tự tin rằng mình có thể chấm dứt hội chứng tái sinh khủng khiếp này. Kết quả là tâm ta sẽ không xáo trộn vì mình đang ở trong trạng thái này; tâm trí mình sẽ sáng suốt. Ta quyết tâm sẽ làm một điều gì đó để giải thoát bản thân. Hơn nữa, mình biết phải làm gì để chấm dứt nó, và tự tin mình có thể làm được. Khi ta hoán chuyển quyết tâm để thoát luân hồi, từ việc chú trọng vào bản thân sang việc chú trọng vào tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, thì nó trở thành tâm “đại bi.”.

Những Nguy Cơ Cần Phải Tránh Khi Phát Tâm Xả Ly

Tâm xả ly và lòng bi được trình bày trong bối cảnh của ba phạm vi động lực của lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ, nên có thể phân tích những nguy cơ có thể xảy ra, khi mình phát triển hai yếu tố này, bằng cách nhìn vào chúng trong bối cảnh này. Động lực phạm vi sơ căn là tu tập để cải thiện những kiếp tương lai, để tiếp tục có được kiếp người quý báu, với tất cả những cơ hội để có thể tiếp tục trên đường tu giác ngộ. Nguy cơ khi phát triển động lực sơ căn này là ta có thể dễ quyến luyến với kiếp người quý báu này. Chúng ta cảm thấy, “Tôi muốn được tái sinh và tiếp tục ở bên cạnh bạn bè và những người thân yêu của mình, được giàu sang và thoải mái”, và những điều như vậy. Thế là sự phấn đấu để có được những tái sinh tốt hơn có thể được trộn lẫn với rất nhiều tham ái. Khi điều này xảy ra thì mình đang phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của kiếp người quý báu. Sau cùng thì dục vọng và tham ái đều dựa vào việc phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của điều gì đó. Với dục vọng thì ta nghĩ rằng, “Tôi phải có nó”, khi mình không có thứ gì đó, và với tham ái thì “Tôi không muốn buông bỏ nó”, khi mình đã có được nó.

Nguy cơ đối với tâm xả ly thì tương tự như nguy cơ đối với tâm tham ái, nhưng theo chiều hướng ác cảm. Thay vì sự lôi cuốn xuất phát từ việc phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của kiếp người quý báu thì, với tâm xả ly, chúng ta có nguy cơ phóng đại những phẩm chất tiêu cực của sự hiện hữu trong luân hồi. Vì sự phóng đại đó mà mình có ác cảm với nó, dẫn đến vấn đề chán ghét mà chúng ta đã đề cập trước đây. Chán ghét và ác cảm liên quan chặt chẽ với nhau.

Khi tu tập để phát tâm xả ly thì mình sẽ thực hiện điều này trong bối cảnh phấn đấu để trở thành một người có động lực của phạm vi trung căn, cụ thể là một người phấn đấu để thoát khỏi luân hồi, tái sinh bất tự chủ. Điều này không quá đơn giản. Bây giờ, chúng ta tập trung vào những nhược điểm hay khiếm khuyết của luân hồi, đó là một trong những suy nghĩ được gọi là “bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp”. Ta sẽ cố gắng tư duy về những bất lợi của luân hồi.

Khi thật sự làm điều đó thì ta sẽ nhìn vào những khuyết điểm của luân hồi trong tất cả những điều mà mình trải nghiệm trong cuộc sống. Điều này có thể tô điểm cảm xúc và kinh nghiệm của mình về đời sống một cách rất mạnh mẽ. Trong bất kỳ tình huống nào mà mình gặp phải thì ý nghĩ đầu tiên sẽ xuất hiện trong đầu là khổ. Chẳng hạn như mình thấy ai đó, và có thể cảm thấy người đó hơi hấp dẫn, nhưng sau đó thì ta sẽ nghĩ, “khổ”. Mình bắt đầu một công việc mới và nghĩ, “khổ”; điều này sẽ trở nên khủng khiếp.”. Không cần biết điều gì sẽ xảy ra, “khổ”. Điện thoại reo, “khổ”. Bất cứ điều gì. Chúng ta đi tắm, “khổ”. Nó sẽ kết thúc, rồi sau đó, tôi sẽ phải tắm một lần nữa. Chán ghê.”. Theo cách này thì rất dễ phát triển một thái độ rất tiêu cực đối với cuộc sống nói chung: đối với tất cả mọi việc mà mình trải nghiệm, và đặc biệt là đối với mọi người. Chúng ta mua một máy vi tính mới, “Khổ. Nó sẽ bị hư. Một loại vi khuẩn sẽ xuất hiện trong đó.”. Chúng ta gặp một người bạn và ý nghĩ đầu tiên của mình là thời gian của mình sẽ bất toại nguyện ra sao. Chúng ta không thể thưởng thức bất cứ điều gì. Thái độ tiêu cực này rằng mọi thứ thật kinh khủng và ngu ngốc có thể dẫn đến trầm cảm.

Kết Hợp Tâm Hoan Hỷ Với Tâm Xả Ly Và Lòng Bi

Làm cách nào để đối phó với nguy cơ trở nên tiêu cực và trầm cảm? Có phải giải pháp đơn giản là chỉ nói rằng, “Hãy tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống?”.  Phải rất cẩn thận ở đây. Có phải việc chọn niềm vui trong cuộc sống là ngây thơ về bản chất khổ đau của đời sống hay không? Liệu nó có mâu thuẫn với tâm xả ly hay không? Hãy hoán chuyển điều này sang lòng bi; chúng ta nghĩ rằng, “Thật đáng buồn khi mọi người đều đau khổ; thật là kinh khủng.”. Có phải là việc kết hợp nỗi buồn này với niềm vui của sự vui mừng khi gặp ai đó có nghĩa là “Tôi thấy vui vì nỗi khổ của bạn?”. Không, chắc chắn là không. Vậy thì làm cách nào để kết hợp tâm hỷ lạc và hạnh phúc với tâm xả ly hay lòng bi?

Khi cố gắng tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống, vui mừng khi gặp gỡ người khác, và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của họ thì ta sẽ chú tâm vào điều gì khác với những điều mà mình chú trọng vào, khi mình trải nghiệm tâm xả ly và lòng bi. Chúng ta chú trọng vào niềm vui về tiềm năng Phật tánh của bản thân, của người khác, và tất cả những cơ hội tuyệt vời để tiến triển tâm linh mà cuộc sống của mình có thể mang lại. Tất cả chúng ta đều có những tiềm năng giúp cho mình đạt được Phật quả, và đó là điều đáng để tùy hỷ. Đó là nguồn vui. Không hoan hỷ trong khi chú tâm vào bản chất đau khổ trong đời sống của mình và người khác.

Ví dụ như với tâm xả ly thì mình nhìn vào bản thân và cuộc sống của mình, và nhận ra và thừa nhận những nỗi khổ đang có mặt ở đó. Tuy là nó đáng buồn, nhưng mình không phiền muộn về điều đó, cũng không có thái độ “sao cũng được”, thật ra là cảm giác bất lực và vô vọng. Đúng hơn là với tâm xả ly thì mình tự tin là có thể đoạn diệt được nỗi khổ của mình. Chúng ta quyết tâm và quả quyết rằng mình sẽ làm điều gì về tình huống không thể chịu đựng nổi nữa; chúng ta biết mình cần làm những gì, và tự tin là mình có thể làm được điều đó, và đoạn trừ nó. Cách suy nghĩ như vậy sẽ làm cho mình vui vẻ, đúng không?

Tuy nhiên, đó là một vấn đề rất tế nhị để cố kết hợp hai tâm trạng này: hoan hỷ với tâm xả ly hay lòng bi. Chúng có xảy ra đồng thời hay không; hay cái này làm nền tảng cho cái kia? Chúng có xen kẽ, như trong pháp tu Tonglen, nhận lấy nỗi khổ và cho đi hạnh phúc? Làm thế nào để kết hợp những điều này lại với nhau trong cuộc sống hàng ngày – có tâm xả ly chân thành, nhưng không có tâm trạng tiêu cực với cảm giác là mọi thứ đều ngu xuẩn, vô giá trị và cảm thấy phiền muộn? Dường như đối với tôi thì với tâm xả ly hay lòng bi và hoan hỷ thì chúng ta chỉ nhìn vào cuộc sống của mình và người khác từ quan điểm của hai khía cạnh khác nhau về chúng. Nhưng tôi nghĩ mỗi một người trong chúng ta cần phải phân tích điều này cho chính mình.

Có Tâm Xả Ly Không Có Nghĩa Là Tránh Giao Tiếp Với Người Khác

Giả sử mình thật sự thành công trong việc phát tâm xả ly, để không bị thu hút vì những điều trong đời sống thế tục thông thường. Giả sử sau đó mình kết luận rằng bất cứ hình thức quan hệ thế gian nào cũng chỉ mang lại khổ đau, nên ta quyết định trở thành một vị tăng hay ni, và sống trong tu viện. Ngay cả khi quyết định như vậy thì cần phải rất cẩn thận là mình sẽ không chán ghét mọi người nói chung, bởi vì điều đó sẽ trở thành một chướng ngại lớn đối với lòng trắc ẩn dành cho họ. Cuối cùng, ta có thể nghĩ rằng, “Bạn chỉ là rắc rối!”. Việc này tạo ra một thói quen không muốn dính líu với bất cứ ai. Nếu mình sẽ trở thành một người bi mẫn thì cần phải liên hệ với người xung quanh và cố gắng giúp đỡ họ, khi họ cần giúp đỡ.

Thế thì có ác cảm hay thờ ơ với người khác là một trong những vấn đề lớn nhất, trong việc phát tâm xả ly. Khi gặp ai thì mình có thể cảm thấy, “Người này sẽ tạo ra rắc rối. Giao thiệp với anh ấy hoặc cô ấy sẽ chỉ mang lại cho mình đau khổ và vấn đề. Họ sẽ không nghe lời khuyên của mình; Họ sẽ làm khó mình, vv... Đây là điều mà mình phải tránh.

Khi đang phát triển tâm xả ly thì phải nhìn vào nỗi khổ của mình từ hai quan điểm. Trước hết, ta sẽ thấy không chịu đựng được nỗi khổ của mình, và quyết tâm thoát khổ. Hơn nữa, ta sẽ nhận ra là mình có Phật tánh, tiềm năng cơ bản giúp mình thoát khỏi mọi khổ đau và giải thoát, thậm chí còn trở thành một vị Phật. Việc nhận ra tiềm năng của mình để thoát mọi nỗi khổ không phủ nhận cảm giác hỷ lạc trong đời sống, mà là làm cho ta tràn đầy niềm vui. Vậy thì niềm vui này không mâu thuẫn với tâm xả ly, với quyết tâm có được tự do. Trên thực tế, niềm vui này củng cố tâm xả ly. Vì vậy, thay vì bỏ bê bản thân và bỏ bê công việc để giải thoát bản thân, với thái độ thờ ơ “sao cũng được”, thì mình rất quan tâm đến bản thân, và theo ý nghĩa nào đó, bi mẫn với chính mình.

Phân tích tương tự cũng áp dụng để phát tâm bi với tất cả mọi người. Mình mong cho họ cũng thoát khổ, và tùy hỷ với sự kiện là dựa trên Phật tánh thì họ cũng có thể được tự do. Sau đó, ta sẽ thực hiện những bước thực tiễn để giúp họ. Nói cách khác là mình muốn nỗi khổ của họ biến mất, nhưng ta quan tâm đến những người đang nếm khổ, và không muốn họ bỏ đi.

Trước tiên, ta sẽ áp dụng phương pháp này với chính mình. “Tôi muốn nỗi khổ của mình biến mất, nhưng không phải là tôi muốn hủy hoại bản thân mình. Thái độ tiêu cực bác bỏ này chỉ chú trọng vào nỗi khổ, chứ không nhắm vào cá nhân tôi.”. Rất dễ nhầm lẫn giữa hai điều này và nghĩ rằng, “Tôi sẽ tự vận để thoát khỏi nỗi khổ này.”. Sự phân biệt này rất rõ rệt đối với việc tôn trọng chính mình, rồi thì mình có thể suy nghĩ tương tự như vậy với lòng bi, “Tôi muốn nỗi khổ của bạn biến mất, nhưng tôi không muốn bạn bỏ đi.”.

Không dễ phân biệt điều này. Tương tự như vậy, không dễ gì loại bỏ cách phát tâm xả ly sai lầm này, khiến cho mình cảm thấy khó chịu với người khác, tránh liên hệ với bất cứ ai và nghĩ rằng, “Hãy để tôi yên. Tôi chỉ muốn vô hang động hay tu viện và hành thiền.”. Ngay cả khi phiền não của mình mạnh mẽ đến mức chúng cản trở khả năng giúp đỡ người khác một cách nghiêm trọng, và mình cần phải hành thiền để đối phó với những cảm xúc đó, nhưng vẫn phải tránh thái độ tiêu cực đối với người khác hay với mình, và thiếu lòng bi mẫn.

Mối Quan Hệ Giữa Con Người Và Nỗi Khổ Mà Họ Kinh Qua

Làm cách nào để tránh vấn đề có thái độ tiêu cực này? Đối với điều này thì phải vượt ra khỏi phạm vi của cái mà tôi gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-Lite”), và phân tích theo thuật ngữ của “Pháp Thực Thụ” (“Real Thing Dharma”). Pháp Nhẹ Nhàng trình bày các phương pháp thuần túy dựa trên mối quan tâm về kiếp này; trong khi Pháp Thực Thụ dựa trên việc chấp nhận kiếp trước và kiếp sau.

Một kiếp sống được quy gán trên dòng tương tục của tất cả những khoảnh khắc trong đời sống của mình. Cuộc đời của mình không đồng nhất với bất cứ một khoảnh khắc nào, cũng không xảy ra độc lập với bất kỳ khoảnh khắc nào trong số này. Hơn nữa, thậm chí, ta không thể nói rằng cuộc sống của mình giống hệt với tổng số của mọi khoảnh khắc, bởi vì tất cả những khoảnh khắc trong đời mình không xảy ra cùng một lúc. Khi ta là người lớn thì thời thơ ấu không còn xảy ra nữa. Kiếp sống của mình chỉ được quy gán trên dòng tâm thức.

Theo Pháp Thực Thụ thì con người cũng được quy gán trên dòng tâm thức cá nhân,  nhưng dòng tâm thức mà họ được quy gán vào không chỉ tồn tại trong kiếp này. Nó mãi mãi hiện hữu vô thỉ vô chung. Con người cũng không giống với bất cứ một khoảnh khắc nào của dòng tâm thức mà họ quy gán vào; họ cũng không tồn tại độc lập với dòng tương tục đó, hay giống hệt với toàn bộ dòng tâm thức, như thể toàn bộ dòng tương tục xảy ra trong cùng một lúc.

Một sự phân tích tương tự cũng đúng về bất kỳ điểm đặc trưng nào của dòng tâm thức mà bất cứ người nào được quy gán vào đó. Trong trường hợp tâm xả ly và lòng bi thì điểm đặc trưng của dòng tâm thức là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ). Con người tồn tại và trải nghiệm nỗi khổ, nhưng họ không đồng nhất với bất kỳ tình huống đau khổ cụ thể nào xảy ra với dòng tâm thức mà họ được quy gán vào. Họ cũng không đồng nhất với nỗi khổ thâm nhập khắp nơi đã xảy ra trên dòng tâm thức vô thỉ của mình. Khi nhận thức được sự thật này thì ta sẽ không nhận diện “tôi” hay bất cứ ai khác trong chúng ta với nỗi khổ mà mình nếm trải. Vì không nhầm lẫn giữa “tôi” và “bạn” với nỗi khổ và nghĩ rằng chúng giống hệt nhau, nên khi mình muốn nỗi khổ đó biến mất thì chúng ta không muốn “tôi” hay “bạn” cũng biến mất luôn.

Nhờ vậy mà ta có một cái nhìn rõ rệt hơn nhiều về “cái tôi” của người khác và của mình. Khổ và nhân tạo khổ có thể được loại bỏ ra khỏi dòng tâm thức, để chúng không bao giờ tái phát nữa, nhưng những người trải qua những nỗi khổ đó không bao giờ có thể được loại bỏ. Giống như dòng tâm thức vô chung thì tương tự như vậy, những người được quy gán vào đó, mỗi người với một cái “tôi” đều không có sự kết thúc.

Nếu như mình hiểu được tánh thanh tịnh bẩm sinh của dòng tâm thức, và nỗi khổ cùng với nhân tạo khổ có thể được đoạn diệt mãi mãi, thì cũng cần phải cẩn thận để không nhận diện “tôi” là dòng tâm thức. Nếu không thì mình có thể ngây thơ về nỗi khổ và không đoạn diệt nó một cách nghiêm túc, vì tin rằng nỗi khổ không thật sự tồn tại.

Thực Hiện Quá Trình Chuyển Đổi Từ Nhận Khổ Đến Cho Vui Trong Pháp Tu Tonglen

Khi nghĩ về nỗi khổ của người khác hay của mình thì đó là điều đau buồn. Chắc chắn mình không thấy vui vẻ khi mình đang đau khổ, hay người khác đang khổ; chúng ta thấy buồn vì việc này đang xảy ra Trong giáo lý về Tonglen, cho và nhận, thì mình sẽ chú tâm vào nỗi khổ của tha nhân, hay ngay cả nỗi khổ của chính mình, và tự nhiên cảm thấy buồn về điều đó. Không phải là mình không cảm thấy bất cứ điều gì, như thể nỗi khổ không có thật, không làm tổn thương ai. Sau đó, hãy tưởng tượng mình đang nhận lãnh đau khổ; sẵn sàng chấp nhận tự mình nếm khổ. Rồi thì hãy trao tặng tình thương cho họ hay cho mình, đó là ước nguyện được hạnh phúc. Thế thì mình sẽ chuyển đổi từ cảm giác buồn đau vì nỗi khổ mà mình nhận lấy cho bản thân, sang cảm giác hạnh phúc mà mình gởi đi.

Việc thực hiện sự chuyển tiếp này từ cảm giác buồn bã sang cảm giác hạnh phúc là một chướng ngại đối với nhiều người, khi họ tu tập Tonglen. Làm thế nào mà mình đột ngột thay đổi từ cảm giác buồn bã sang cảm giác hạnh phúc? Nói cho cùng thì hai cảm giác này mâu thuẫn với nhau. Chúng ta đã thấy một vấn đề tương tự khi thảo luận về cách cân bằng việc chú tâm vào nỗi khổ với tâm xả ly, mà không bị phiền muộn, và cũng có thể trải nghiệm niềm vui trong cuộc sống và khả năng giải thoát. Ở đây, nó cùng một loại vấn đề.

Chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng của việc có khả năng giữ thăng bằng giữa nỗi buồn và hạnh phúc, khi nghĩ về ví dụ đi thăm người thân hay bạn bè bị bệnh. Mình thấy buồn khi họ bệnh hoạn và đau khổ. Nhưng nếu trong khi đến thăm người thân mà mình cứ buồn bã, không vui thì điều đó không giúp ích gì cho người đó cả. Chúng ta cần phải làm cho người thân hay bạn bè của mình vui lên. Nhưng làm cách nào để tạo ra cảm giác vui vẻ trong hoàn cảnh đó? Có phải nó chỉ là nhân tạo? Có phải mình chỉ nở một nụ cười lớn bên ngoài, trong khi cảm thấy khủng khiếp bên trong?

Để thực hiện một sự hoán chuyển chân thành từ nỗi buồn sang hạnh phúc ở đây, mình có thể áp dụng giáo huấn khá cao cấp của Đại Thủ Ấn (Mahamudra), “đại ấn của tâm thức”. Trước tiên, khi nhận lấy nỗi khổ của người khác hay chính mình thì ta tình nguyện chấp nhận khổ đau. Khi làm việc này một cách chân thành thì nó sẽ tạo ra cho mình cảm giác tự tin và mạnh mẽ. Không có cái gọi là “tâm lý nạn nhân” của việc tội nghiệp cho tôi, tôi đang khổ.

Với phương pháp Đại Thủ Ấn thì mình xem nỗi buồn mà mình cảm nhận với nỗi khổ này như một làn sóng trên bề mặt của đại dương tâm thức. Với sức mạnh nội tâm mà mình có được nhờ việc tự nguyện chấp nhận đau khổ thì ta sẽ không bị sóng đánh văng lên về mặt cảm xúc. Ta sẽ để cho đợt sóng buồn bã mà mình cảm nhận lắng xuống một cách bình thản. Một khi nó đã lắng xuống một cách tự nhiên thì mình có thể tiếp cận niềm vui bẩm sinh, yên tĩnh của tâm thức. Nó tỏa sáng tự nhiên từ lòng mình, và đây là điều mà ta trao tặng cho người khác, hay những gì mình tự trải nghiệm với Tonglen.

Không có gì quấy nhiễu hay phiền nhiễu về niềm hỷ lạc tự nhiên này của tâm thức. Chúng ta không công bố hay làm lớn chuyện về hạnh phúc của mình, như là, “Thật đáng buồn là bạn bị bệnh. Tôi thấy buồn cho bạn, nhưng tôi vui với cuộc sống của mình. Mọi thứ đều suôn sẻ với tôi.”. Niềm vui thoải mái, bẩm sinh của mình sẽ an ủi và xoa dịu người khác và bản thân ta một cách êm đềm.

Nền Tảng Để Xây Dựng Tâm Xả Ly Và Lòng Bi

Khi bắt đầu bài giảng này, tôi đã nêu ra là ngài Tông Khách Ba giải thích việc phát khởi một tâm trạng, chẳng hạn như lòng bi, trước hết đòi hỏi mình phải biết nó được tạo dựng trên điều gì. Lòng bi được xây dựng trên cơ sở đã phát triển tâm xả ly đúng đắn trước tiên. Với tâm xả ly, mình sẽ quyết tâm thoát khỏi phiền não, là điều thúc đẩy sự tái sinh vô tự chủ, và chúng ta đang tu tập để đoạn trừ chúng.

Bước tiếp theo trong việc xây dựng nền tảng cho lòng bi là phát tâm bình đẳng, trên cơ sở của tâm xả ly; nói cách khác là trên cơ sở tu tập để đoạn trừ phiền não. Với tâm bình đẳng, mình sẽ chú tâm vào tất cả chúng sinh một cách cởi mở, không có phiền não như luyến ái, ác cảm hay thờ ơ đối với bất kỳ chúng sinh nào trong số đó. Ta sẽ cởi mở với tất cả chúng sinh một cách đồng đều, vì tất cả chúng ta đều bình đẳng ở chỗ là mỗi một chúng sinh chỉ đơn thuần được quy gán vào một dòng tâm thức vô thủy vô chung. Bởi vì, trong khoảng thời gian vô thỉ thì mình đã có đủ loại quan hệ với mỗi một loài chúng sinh, ta sẽ không xác định bất cứ chúng sinh nào đã quan hệ với mình vào bất cứ thời điểm nào như bạn bè, kẻ thù hay người lạ. Do đó, không có cơ sở để luyến ái, ác cảm hay thờ ơ với họ.

Video: Tsenshap Serkong Rinpoche đời thứ Hai — “Cách Phát Tâm Bi”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Không có lợi ích gì để tập trung vào thời điểm mà tất cả chúng sinh đã có lúc là kẻ thù, và thậm chí là kẻ giết hại mình. Sẽ có ích hơn nhiều khi ta tập trung vào lúc tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, rồi nghĩ về lòng tốt mà họ đã biểu hiện khi làm mẹ, hay bất cứ ai là người bảo mẫu của mình. Ngay cả khi bà mẹ của mình trong kiếp này đã hành hạ và đối xử tệ với mình thì lòng tốt tối thiểu của bà là đã không phá thai và chấm dứt mạng sống của mình. Một là bà, hai là ngày nay thì có thể là người mẹ thay thế của mình (surrogate mother), đã đặc biệt tử tế với mình, vì họ đã cưu mang mình trong bụng.

Bước tiếp theo thường được dịch là “đền đáp lòng tốt”, nhưng tôi có xu hướng nghĩ rằng thuật ngữ “đền đáp” tạo ra ấn tượng sai lầm. Đó là vì “đền đáp” ngụ ý một khoản nợ trong việc kinh doanh, và nếu như không trả nợ thì mình sẽ có lỗi. Thay vì cảm thấy có nghĩa vụ hay tội lỗi thì ngụ ý cảm xúc làm nền tảng cho bước này là lòng cảm kích và biết ơn đối với lòng tốt mà mình đã nhận được. Sau đó, trên cơ sở của cảm xúc ấy, khi tưởng tượng những bà mẹ của mình mù quáng, mê lầm và si mê, sắp rơi xuống vực thẳm của hành vi sai trái, trong khi mình đứng bên cạnh họ và biết cách giúp đỡ, thì tự nhiên ta sẽ chịu trách nhiệm để làm bất cứ điều gì mình có thể làm, để giúp bà không rơi xuống vực thẳm ấy. Nếu con trai hay con gái của bà không giúp đỡ bà thì ai sẽ làm việc đó?

Trên cơ sở của lòng tri ân sâu sắc đối với lòng tốt mà tất cả chúng sinh đã đối đãi với mình lần này hay lần nọ, và sẵn sàng bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách giúp đỡ họ, ta sẽ tự động phát triển cái gọi là “lòng từ ấm áp”. Mình sẽ cảm thấy một sự kết nối ấm áp với tất cả mọi người, rằng bất cứ lúc nào gặp ai thì mình sẽ tự động thấy gần gũi với họ, giống như người mẹ đối với đứa con quý báu duy nhất của mình. Ta sẽ chân thành quan tâm đến phúc lợi của họ, và sẽ thấy buồn nếu bất cứ điều gì không hay xảy ra cho họ.

Dựa trên nền tảng của lòng từ ấm áp mà ta sẽ có được loại lòng từ được trưởng dưỡng trong đạo Phật: ước mong tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc và nhân hạnh phúc một cách bình đẳng. Trên cơ sở của lòng từ này đối với tất cả mọi người, ta sẽ phát lòng bi: ước mong họ thoát khổ và nhân tạo khổ. Do đó, có thể thấy rằng lòng bi tiềm ẩn và hỗ trợ là một phức hệ của nhiều cảm xúc tích cực, chẳng hạn như cảm giác cởi mở và gần gũi với mọi người, lòng tri ân đối với lòng tốt của họ, tình thương, tình cảm, v.v... Tất cả những điều này được chứa đựng trong lòng bi.

Sau đó, bằng cách mở rộng, nếu lòng bi là tâm trạng của tâm xả ly nhắm vào nỗi khổ của người khác, thì tương tự như vậy, nền tảng của lòng bi cũng nên có mặt trong một hình thức nào đó với tâm xả ly. Điều này có nghĩa là trước tiên, cần có tâm bình đẳng đối với tự thân - không luyến ái, không ác cảm, không thờ ơ. Sau đó, phải nhận ra rằng nếu như chú trọng vào những điều tiêu cực mà mình đã làm trong kiếp này và những kiếp trước thì không có ích lợi gì. Song song với việc nhìn thấy khi những chúng sinh khác đã từng là mẹ của mình và tử tế với mình, thì phải chú tâm vào những điều tích cực, tử tế mà ta đã làm cho chính mình. Với sự kiện là hiện nay, mình đang tận hưởng lợi thế của một kiếp người quý báu, là kết quả của những thiện nghiệp mà ta đã tạo ra trong quá khứ. Ta sẽ cảm kích lòng tốt mà mình đã tỏ ra với chính mình khi làm điều đó và biết ơn. Điều này dẫn đến lòng từ ấm áp đối với bản thân mình, không hận thù bản thân. Ta sẽ quan tâm đến phúc lợi của mình một cách chân thành, và sẽ cảm thấy kinh hoàng, nếu như bất cứ điều gì không hay xảy ra cho mình.

Khi tu tập với lòng bi thì một trong những nguyên tắc chính bình đẳng hóa tất cả mọi người là ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ, và mọi người đều có quyền hạnh phúc, không đau khổ như nhau. Ở đây, “tất cả mọi người” bao gồm bản thân mình. Vì vậy, chính mình cũng có quyền được hạnh phúc, cũng có quyền không phải khổ đau. Do đó, việc phát tâm xả ly – lòng quyết tâm được tự do này - về cơ bản là phát triển lòng bi cho chính mình.

Xin đừng hiểu lầm. Tôi không khuyến khích thái độ nhị nguyên đối với bản thân mình, rằng “tôi”, người đang phát tâm bi với chính mình thì khác với “tôi” mà mình đang nhắm vào với lòng bi mẫn. “Hãy tử tế với bản thân mình” chỉ là một cách nói thôi. Nhưng nếu mình muốn tử tế với bản thân và giúp mình thoát khỏi nỗi khổ và bất hạnh thì ta phải phát triển thái độ, chẳng hạn như, “Tôi không muốn có quan hệ bệnh hoạn với người này. Tôi không muốn giận dữ. Tôi không muốn bực bội. Tôi không muốn quyến luyến với họ.”. Bằng cách này, ta sẽ hành động với quyết tâm thoát khỏi những vấn đề của mình, và đó là một góc độ khác để cân bằng cảm giác về “tất cả đều đau khổ”, với một cảm giác cơ bản về sự vui vẻ nồng nhiệt và bình tĩnh.

Tóm Tắt

Chúng ta đã bàn luận rất nhiều điều, nhưng tôi muốn trình bày một hình ảnh đầy đủ hơn về chủ đề rất quan trọng này trong đạo Phật. Nó không chỉ là một chủ đề mà chúng ta nghiên cứu, mà về mặt phát triển cá nhân mình, điều quan trọng là nêu ra cách phát tâm xả ly và lòng bi. Chúng ta đã xem xét cách làm thế nào để chuyển từ tâm xả ly thành lòng bi một cách lành mạnh, ổn định, và mối quan hệ của hai tâm trạng này.

Top