Diệu Đế Thứ Hai: Tập Đế

Diệu đế đầu tiên nêu ra nỗi khổ thật sự mà tất cả chúng ta đều trải qua. Nếu muốn phát tâm chấm dứt tất cả những nỗi khổ này, thì mình phải xác định đúng nguyên nhân thật sự tạo ra chúng. Vấn đề thật sự mà ta phải đối mặt không chỉ là việc trải qua nỗi bất hạnh và bất toại nguyên, hạnh phúc ngắn ngủi xen kẽ với khổ đau bất ngờ trong mọi lúc, và mình cứ khiến cho chúng phát sinh hoài, mà kinh khủng hơn nữa là ta cũng tiếp tục có những loại cơ thể và trí óc hạn hẹp là nền tảng của việc trải nghiệm những thăng trầm cứ lặp đi lặp lại một cách vô tự chủ. Như câu nói: "Nếu không có đầu, thì bạn sẽ không bị nhức đầu!". Dù điều đó nghe có vẻ khá phiến diện, nhưng có một vài sự thật trong đó. Và điều kỳ diệu là Đức Phật không chỉ tìm ra nguyên nhân chân thật tạo ra chứng đau đầu, mà còn của việc những loại đầu sẽ bị đau nhức tiếp tục tồn tại nữa. Ngài tiết lộ rằng nguyên nhân thật sự là vì chúng ta không có ý thức, hay vô minh về nhân quả và thực tại.

Vô Minh Về Cách Mình Hiện Hữu

Hiện nay, ở đầu thế kỷ 21, chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin sai lầm tràn lan khắp nơi, và nhiều người tin vào cái gọi là “chân lý thay thế”. Có một sự bùng nổ về điều mà hàng ngàn năm trước, Đức Phật đã chứng ngộ là nguyên nhân chân thật tạo ra mọi nỗi khổ – đó là sự vô ý thức, đôi khi được gọi là “vô minh”. Việc không nhận thức được điều này không có nghĩa là không biết cách Internet (mạng lưới điện tử toàn cầu) hoạt động như thế nào. Đúng hơn thì đó là việc không nhận thức và mê lầm về ảnh hưởng lâu dài từ hành vi của mình, đàng sau điều đó là vô minh và mê lầm về thực tại, đặc biệt là cách chúng ta tồn tại. Điều khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn là chúng ta tin rằng tri kiến sai lầm của mình hoàn toàn đúng đắn.

Hãy xem xét kỹ hơn một chút. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về một giọng nói trong đầu, nói về “tôi, tôi, tôi”. Dựa vào đó, ta tự động tin rằng có một thực thể có thể tìm thấy, được gọi là “tôi”, tách rời với cơ thể và tâm trí, đang nói tất cả những điều này. Niềm tin mê lầm này càng được củng cố thêm, bởi vì bất cứ khi nào mình phàn nàn trong đầu về những gì đang xảy ra với “tôi” hoặc nghĩ về những điều mà “tôi” sẽ làm sau đó, thì có vẻ như có một thực thể cụ thể nào đó, gọi là “tôi”, là điều mà mình đang lo lắng. Dĩ nhiên chúng ta tồn tại, vì Đức Phật không phủ nhận điều này. Vấn đề là mình không tồn tại theo cách mà ta cảm thấy như mình đang tồn tại. Chúng ta không ý thức được sự thật đó, mà tin tưởng một cách mãnh liệt vào thực tại khác biệt này, nên mới hoàn toàn mê lầm.

Nỗi Bất An Và Nỗ Lực Vô Ích, Với Phiền Não Và Nghiệp, Để Mình Cảm Thấy An Tâm

Một dấu hiệu rõ rệt cho thấy có điều gì không ổn về tri kiến sai lầm này về bản thân, là khi tin rằng nó tương ứng với thực tế, thì mình sẽ đau khổ vì bất an. Với nỗ lực vô ích để cố gắng được an tâm, ta sẽ cảm thấy mình phải tự chứng tỏ, bảo vệ hay xác nhận bản thân. Cảm giác này sẽ khiến cho phiền não phát sinh: 

  • Tham ái để có được điều gì giúp cho mình an tâm
  • Thù địch và sân hận để tránh xa điều gì đó, để cảm thấy an toàn
  • Si mê mà dựa vào đó, ta dựng lên những bức tường xung quanh mình, để cảm thấy an toàn khi ở bên trong những bức tường ấy.

Những phiền não này khiến cho mình cảm thấy bất an và mất tự chủ, phát sinh ra ý định muốn làm hay nói điều gì dựa vào xu hướng và tập khí trước đây của mình. Rồi thì nghiệp lực sẽ thôi thúc ta thật sự làm hay nói điều đó.  

Vô Minh, Phiền Não Và Nghiệp Là Tập Đế Kéo Dài Cảm Xúc Thăng Trầm 

Luật nhân quả không chú trọng vào kết quả ngắn hạn của nghiệp, mà chú trọng vào ảnh hưởng lâu dài. Ví dụ, khi cảm thấy bất an, thì ta sẽ tưởng tượng, với mong muốn có được những lượt "thích" cho những bài đăng trên mạng xã hội của mình, rằng việc có được điều này sẽ khẳng định sự tồn tại của mình, và tạo ra cảm giác mình có giá trị. Nếu bạn thích truyền thông xã hội và đăng ảnh tự chụp hình của mình lên đó, thì hãy khảo sát kinh nghiệm của bản thân. Việc bạn cứ muốn nhìn vào điện thoại di động, để xem mình đã nhận được bao nhiêu lượt “thích” thường xảy ra như thế nào? Niềm vui đó sẽ kéo dài bao lâu, khi bạn thấy ai đó “thích” bài mình đã đăng? Rồi sau bao lâu thì bạn lại phải nhìn vào điện thoại nữa? Bạn có bao giờ có đủ lượt “thích” hay không? Có phải khi bắt buộc phải xem điện thoại cả ngày là trạng thái vui vẻ hay không? Đây là ví dụ rõ rệt rằng tác động lâu dài của việc tìm kiếm những lượt “thích” là khổ vì đau khổ (khổ khổ). Nó dựa trên tiền đề sai lầm rằng có một cái “tôi” cụ thể, tồn tại một cách độc lập, có thể an tâm, khi có đủ số người bấm “thích” cho bài của mình.

Ngay cả khi có động lực tốt, như tình thương, để giúp đỡ con cái đã trưởng thành, nhưng nếu như điều này dựa trên quan niệm sai lầm, si mê rằng việc làm người hữu ích hay cảm giác được người khác cần đến sẽ khiến cho mình cảm thấy hài lòng với bản thân, thì ta sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn với bất cứ niềm vui nào mà mình có được. Nói tóm lại là nguyên nhân thật sự khiến cho mình kéo dài sự thăng trầm của cảm xúc là vô minh và nhận thức sai lầm về cách mà mình và người khác, trên thực tế là cách mà vạn pháp tồn tại, cộng với những phiền não và nghiệp mà chúng tạo ra.

Vô Minh, Phiền Não Và Nghiệp Là Tập Đế Kéo Dài Sinh Tử Luân Hồi

Đức Phật dạy rằng vô minh, phiền não và nghiệp cũng là những nguyên nhân chân thật kéo dài sự tồn tại của chúng ta trong kiếp này và những kiếp sau, với thân tâm hạn hẹp là nền tảng để mình trải nghiệm nỗi khổ vì đau khổ (khổ khổ) và hạnh phúc bất toại nguyện (hoại khổ). Chính tâm mê lầm về những cảm giác này mà Đức Phật đã nêu ra là nguyên nhân chân thật cho sự hiện hữu thiếu tự chủ cứ tái diễn, cho sự “luân hồi” của chúng ta.

Khi hạnh phúc ngắn ngủi phát sinh, ta sẽ mong nó không bao giờ chấm dứt, dù đó là điều vô ích, vì nó chẳng bao giờ bền lâu. Khi cảm thấy khổ đau, ta sẽ mong cho điều này chấm dứt mãi mãi, dù nghiệp của mình sẽ chỉ khiến cho nó phát sinh nhiều hơn. Ngay cả khi dùng thuốc giảm đau loại mạnh để không cảm nhận điều gì, hay đắm chìm trong thời nhập định sâu xa, tương tự như việc dùng thuốc giảm đau, để không cảm nhận điều gì, thì ta vẫn mong cho cảm giác này không giảm sút, dù dĩ nhiên là không thể tránh khỏi điều này.

Thêm vào đó, ta cứ nghĩ mãi về “tôi”, như thể nó là một thực thể cụ thể, với ý nghĩ “tội nghiệp cho mình quá”: “Tôi không muốn xa lìa niềm hạnh phúc này; tôi muốn lìa xa nỗi bất hạnh này; tôi muốn cảm giác vô ký này không bao giờ trôi qua.”. Khi tâm bám chấp vào ý tưởng mê lầm về “tôi” và những phiền não về cảm xúc của mình xảy ra vào phút lâm chung, thì chúng sẽ kích hoạt một nghiệp, một sự thôi thúc trong tinh thần, giống như nam châm, thu hút tâm mình và những phiền não này về phía thân tướng của một sự tái sinh, với chủ ý tái sinh bằng thân ấy, để mình có thể tiếp tục sống. Điều này phần nào giống như một phiên bản về bản năng sinh tồn trong Phật giáo.

Bốn Khía Cạnh Của Tập Đế Tạo Ra Khổ Đế

Thế thì tâm mê lầm là tập đế tạo ra khổ đế. Thực tế là ta cứ kéo dài nỗi khổ cứ tái diễn một cách thiếu tự chủ. Có bốn khía cạnh đối với vấn đề này, đặc biệt liên quan đến việc mình cứ tiếp tục tái sinh nhiều lần. Từ những khía cạnh này, cũng có thể hiểu rằng chúng là nguyên nhân chân thật tạo ra đau khổ nói chung:

  • Thứ nhất, vô minh về cách mình tồn tại, cùng với phiền não và nghiệp, là tập đế tạo ra mọi nỗi khổ cho mình. Nỗi khổ của chúng ta không phải không có nguyên nhân, hay bắt nguồn từ một nguyên nhân không tương ứng, chẳng hạn như lá tử vi, hay chỉ là điều xui xẻo.
  • Thứ hai, chúng là nguồn gốc khiến cho nỗi khổ cứ lặp đi lặp lại. Trong mỗi một hoàn cảnh, thì đau khổ không bao giờ chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân, mà là sự kết hợp của nhiều nhân duyên.
  • Thứ ba, chúng là những điều mạnh mẽ trong nội tâm, tạo ra nỗi khổ cho mình. Nỗi khổ của chúng ta không phát sinh từ những nguồn gốc bên ngoài, thậm chí không phát sinh từ một vị Hộ Phật đầy quyền năng.
  • Thứ tư, chúng là trợ duyên để nỗi khổ của mình phát sinh. Đau khổ không phát sinh từ những sinh hoạt thế gian, mà vì tâm mê lầm của mình đối với chúng.

Tóm Tắt

Một khi biết rằng nguyên nhân thật sự tạo ra những vấn đề và đau khổ cứ tái diễn cho mình, mà không ai trong chúng ta muốn trải qua, là sự phóng chiếu về một thực tại sai lầm về tự thân, không nhận thức được điều này chỉ là ảo tưởng, và phiền não và nghiệp mà chúng tạo ra, thì chẳng phải là việc nỗ lực để tiêu diệt những kẻ gây rối này mãi mãi là điều có ý nghĩa hay sao?

Top