Khắc Phục Tâm Chán Nản

Kệ Số 15 và 16

Kệ Số 15: Không Nản Lòng Khi Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm

Nhớ Đến Phật Tánh, Để Khắc Phục Lòng Chán Nản

Khi tâm chán nản phát sinh, hãy tán thán phẩm chất vinh quang của tâm thức. 

Việc này nói về một vấn đề lớn sẽ xảy ra, khi mình muốn thiền quán về bồ đề tâm, đó là tâm chán nản và cảm giác là “nó quá sức của mình; tôi có thể làm điều đó”. Lời khuyên ở đây là “hãy tán thán phẩm chất vinh quang của tâm thức”. “Những phẩm chất vinh quang của tâm thức” đề cập đến những khía cạnh tuyệt vời của tâm, đặc biệt là những khía cạnh khác nhau của Phật tánh. Việc chú tâm vào các khía cạnh Phật tánh của tâm, điều mà tôi sắp giải thích, có thể giúp ta khắc phục lòng chán nản.

Làm thế nào để đối phó với lòng chán nản? Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Để có thể thiền quán về bồ đề tâm thì phải biết cách đối phó với thử thách. Đối với kinh nghiệm của riêng tôi và những người khác về cách đối phó với điều này thì tôi thấy lời khuyên chung mà ngài Tông Khách Ba đã nêu ra về cách quán tưởng rất hữu ích. Những điều ngài nói là trước tiên, phải có một tâm ảnh chung về một điều gì đó, để có đối tượng tập trung tinh thần vào đó. Sau đó, khi đã có được định tâm cao hơn nữa thì các chi tiết sẽ tự động hiện ra. Nhưng lúc đầu thì không nên lo lắng về các chi tiết, nếu không thì mình sẽ rất thất vọng.

Tôi nghĩ đây cũng là một lời khuyên rất hữu ích, liên quan đến cách mình thiền quán về bồ đề tâm. Trong Mật tông, khi quán tưởng mình là Bổn tôn thì điều chủ yếu để tập trung vào là cảm giác về cái được gọi là “niềm tự hào thiêng liêng của Hộ Phật”, đó là niềm tự hào về cảm giác mình thật sự là vị Bổn tôn ấy - đó là “tôi” - dù cho mình hoàn toàn biết rằng ta chỉ đơn thuần gọi “tôi” là vị Bổn tôn mà mình có thể trở thành, dựa trên tất cả nhân duyên của nó trong dòng tâm thức của mình. Tự thân vị Bổn tôn ấy chỉ hiện ra một cách mơ hồ trong tâm ta; các chi tiết không rõ ràng, nhưng lòng tự tin rằng mình chính là Bổn tôn ấy thì lại mạnh mẽ. Chúng ta có thể làm điều gì tương tự như vậy, đối với bồ đề tâm. Đối với bồ đề tâm thì mình sẽ tập trung vào giác ngộ chưa xảy ra của tự thân, nhưng điều này có thể xảy ra trên cơ sở nhân duyên của nó, các yếu tố Phật tánh trong dòng tâm thức của mình.

Vào lúc đầu, ta sẽ rất bực bội, nếu như cố gắng suy nghĩ giác ngộ có nghĩa là gì, và ý nghĩa của việc sở hữu mọi phẩm hạnh của một vị Phật, đó là khả năng tạo lợi lạc cho mỗi một cá nhân theo nhu cầu của họ, có thể nói một ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu, có thể hóa hiện thành một triệu, hàng tỷ sắc tướng, và những điều như vậy. Nếu như mình cố gắng làm như vậy, thì sẽ rất nản lòng. Tôi không nghĩ là việc cố tưởng tượng ra tất cả các chi tiết về những phẩm hạnh của một vị Phật mà mình muốn đạt được sẽ có ích vào lúc đầu. Điều mà mình phải chú tâm vào là khái niệm chung về việc giác ngộ là gì, cùng với cảm giác rằng đây thật sự là sự giác ngộ trong tương lai của chính mình.

Vào lúc đầu thì phải phát bồ đề tâm. Chỉ khi nào mà mình đã tiến triển xa hơn nhiều trên đường tu, thì tâm trạng này sẽ tự động phát sinh. Cách phát bồ đề tâm là thiền quán về bảy điểm nhân quả, hoặc thiền quán về pháp bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha. Đây không phải là lúc để tôi đi sâu vào chi tiết về cách thiền quán về những phương pháp này, nhưng điểm chính của chúng - về cảm giác mà mình muốn tạo ra - là có một cảm giác rộng mở, để mở rộng lòng quan tâm của mình.

Dù cho sự quan tâm đó có mạnh mẽ ngay từ đầu hay không thì không phải là điều rất quan trọng. Điều đó sẽ phát triển theo thời gian. Nó giống như pháp quán tưởng:  càng thực hành nhiều thì hình ảnh quán tưởng ngày càng hiện ra rõ rệt hơn. Chúng ta chỉ muốn mở rộng phạm vi của tâm mình: “Tất cả mọi người đều bình đẳng, nên tôi sẽ quan tâm đến tất cả mọi người một cách đồng đều.”. Đừng bị mắc kẹt vào những chi tiết như “Còn con gián thì sao?”, “Còn mấy con muỗi thì sao?”, và “Còn những chúng sinh trong địa ngục thì sao?”. Những điều này chỉ là phần chi tiết. Vấn đề là mở rộng phạm vi, để có sự cởi mở này, phạm vi rộng lớn này.

Sau đó, hãy bổ sung thêm cảm giác “Tôi muốn được hạnh phúc và người khác cũng vậy. Tôi không muốn khổ và cũng không có ai khác muốn khổ. Tất cả chúng ta đều bình đẳng về mặt này”, và đưa nó vào trong sự cởi mở ấy. Giống như vậy, hãy để cảm giác muốn được hạnh phúc và không muốn khổ mở rộng ra và vượt qua khỏi ranh giới của cảm giác bình thường về “tôi”. Cứ mở rộng lòng ra, và để cho cảm giác này tỏa ra. Rồi hãy bổ sung thêm ý nghĩ, “Mình phải đạt giác ngộ, để có thể thật sự đem lại hạnh phúc cho chính mình và tất cả chúng sinh, và tất cả chúng sinh phải thành tựu giác ngộ”, và cảm nhận một cách rất mạnh mẽ rằng 'Tôi thật sự muốn làm điều đó cho tự thân và cho tất cả chúng sinh.”.

Hãy làm như thể có một mặt trời của lòng từ bi và quan tâm đến tha nhân bên trong chúng ta, muốn chiếu sáng lên tất cả chúng sinh, và đưa họ đến giác ngộ. Những gì mình muốn làm là xóa bỏ ranh giới, chỉ giới hạn mối quan tâm cho chính mình, và tưởng tượng rằng mặt trời tỏa sáng vô tận. Đừng lo lắng về khoảng cách bao xa - “Một ngàn cây số, một triệu cây số, hay hai mươi triệu năm ánh sáng?” Điều đó không quan trọng. Vấn đề là hãy cố gắng có một cảm giác vô tận, lan tỏa ra ngoài vô hạn – vô lượng lòng từ, vô lượng lòng bi, lòng quan tâm vô lượng. Đó là điểm chính, để có một trái tim rộng lớn, bao la, một tâm thức bao la, rộng lớn.

Sau đó thì hãy nghĩ rằng, “Giác ngộ là điều mà tôi phải thành tựu.”. Và một lần nữa, không cần phải có toàn bộ chi tiết, chỉ là một cảm giác chung về nó thôi. Cảm giác chung về nó là, “đây là trạng thái cao nhất, trạng thái tiến hóa cao nhất, khi tất cả những sự giới hạn của mình đã được đoạn trừ.”. Chỉ cần cố gắng để có cảm giác mở rộng ấy. Không cần biết mình sẽ mất bao lâu để đạt được giác ngộ ấy. Vì vậy, nên mình cũng có cảm giác mở rộng về mặt thời gian. Thế thì có một khu vực rộng lớn, bao la, bao trùm tất cả các chiều – những chiều không gian, chiều thời gian, chiều phát triển, chiều phẩm chất. Một lần nữa, đừng lo lắng về các chi tiết. Chỉ cần có cảm giác bao la, một sự ấm áp rộng lớn. Đó là ý nghĩa của chữ “Đại” (“Maha”) trong Đại thừa (Mahayana), nó có nghĩa là rộng lớn.

Rồi thì trong đó, có một sắc tướng của một vị Phật, giống như một ảo ảnh. Dù có tự quán tưởng mình là một Bổn tôn, như cách mình tu tập trong Mật tông, hay quán tưởng một hình ảnh trước mặt mình, thì cũng không thành vấn đề. Cũng có thể thực hành theo Đại Thủ Ấn (mahamudra), mà trong đó, nó chỉ là bản tánh của tâm, tánh quang minh của tự tâm. Đó cũng là một trọng tâm. Vậy thì chúng ta có hai trọng tâm - sự bao la này và một vài biểu tượng đại diện cho nó. Nó giống như một thỏi nam châm mà mình chỉ bị cuốn hút vào trong biểu tượng ấy, vào phạm vi rộng lớn ấy. Đó là những điều mà mình sẽ chú tâm vào, với bồ đề tâm.

Thế thì bồ đề tâm không chỉ là lòng bi đơn giản: “Ồ, bạn là người nghèo khổ sống lây lất ở ngoài đường, nên tôi muốn giúp bạn.”. Nó hoàn toàn không phải như vậy, mà rộng lớn hơn nhiều, rất nhiều. Đó là tâm thái mà mình muốn phát triển. Nó làm cho mình ứa nước mắt. Tim ta rất tràn đầy; vì quá xúc động. Đó thật sự là một tâm trạng phi thường.

Hiện nay, toàn bộ câu hỏi về việc giác ngộ là điều khả dĩ hay không là điều rất khó khăn. Nó rất khó để mình có thể hoàn toàn vững tin về nó, mà chỉ dựa vào lý lẽ. Vì vậy nên điều mà người ta sẽ làm là cho nó một chút nghi ngờ, đó là cách mà chúng ta, đặc biệt là người Tây phương, có xu hướng tiếp cận thắc mắc về tái sinh. Nói cách khác thì chúng ta nói rằng, “Giả sử như đó là điều khả dĩ đi. Vậy thì hãy làm việc với nó, và xem nó sẽ đi đến đâu. Tôi sẽ kiên nhẫn, vì tôi nhận ra rằng nó rất khó hiểu, và thật là khó để vững tin vào điều đó. Và nó sẽ mất nhiều năm để đạt được mức độ ấy. Và nó sẽ không bao giờ trở thành “Hallelujah, bây giờ thì tôi tin rồi!”, trong bất kỳ trường hợp nào. Vì vậy nên mình sẽ làm việc với nó. Ta sẽ giúp cho tâm mình quen thuộc với điều đó.

Chúng ta sẽ tu tập với điều gì? Chúng ta sẽ tu tập với Phật tánh, như đã nói ở đây. Thế thì mình đang nói về vấn đề gì đây? Phật tánh là một yếu tố, hay chính xác hơn, là một mạng lưới của các yếu tố, giúp cho sự phát triển vô tận này xảy ra.

  • Chúng ta có nhiều yếu tố, có thể được kích thích để lớn mạnh hơn, và có thể được phát triển. Chẳng hạn như tâm mình có tính nồng hậu tự nhiên; bản năng chăm sóc người khác; phẩm chất tự nhiên của tâm thức, để năng lượng tỏa ra ngoài - khả năng để thấu hiểu, giao tiếp, cảm nhận của tâm; hai bồ tư lương công đức và trí tuệ được gán ghép vào dòng tâm thức của mình. Tất cả những phẩm chất này là điều đã có sẵn, và có thể được phát triển thêm nữa.
  • Ngoài ra, còn có Phật tánh an trụ. Đây là tánh Không của tâm thức. Nó cũng là một yếu tố Phật tánh. Tánh Không của tâm giúp cho sự thay đổi, phát triển xảy ra.
  • Yếu tố Phật tánh thứ ba là khả năng mà tâm thức được truyền cảm hứng, để phát triển và lớn mạnh, vì chúng ta không giống như những cục đá.

Việc chú trọng vào ba yếu tố Phật tánh này sẽ khích lệ mình. Ta sẽ biết rằng, dựa trên những yếu tố này mà mình có thể đạt được giác ngộ.

Nói tóm lại thì ta sẽ có một chút khái niệm về những phẩm chất của một vị Phật mà mình đang hướng đến, để phát triển tự thân, nhưng sẽ không lo lắng vì điều đó, nếu không thì mình sẽ thấy nản lòng. Chúng ta chỉ có cảm giác rằng mình có thể phát triển những phẩm chất này, rằng những nhân tố để đạt được giác ngộ đều có mặt ở đây. Vì vậy, khi đã có cảm giác ấy, và tâm thức đã có phạm vi rộng lớn này, thì ta có thể khởi sự thiền quán về bồ đề tâm.

Nếu như đang tu tập với nền tảng của Phật tánh này, và tâm thức cởi mở với sự bao la này, thì mình sẽ không nản lòng. Việc thấu hiểu Phật quả có nghĩa là gì, và việc có được lòng xác tín rằng mình thật sự có thể đạt được nó, sẽ xảy ra sau này. Điểm chính là cảm giác bao la, ấm áp này là một phần của nó, và lòng tự tin cơ bản rằng những chất liệu cần thiết đều có mặt ở đây.

Đừng rơi vào tâm trạng “Tôi không thể làm điều đó, vì nó quá mức. Đó là điều bất khả dĩ. Rồi thì mình đang đồng hóa với cái “tôi” bị giới hạn. Rồi thì thay vì có lòng tự hào thiêng liêng của Bổn tôn, thì mình lại tự hào về cái “tôi” trong luân hồi, là điều sẽ không giúp ích gì. Điều quan trọng là có thể tự nhắc nhở bản thân về tánh Không của điều này, rằng “nó là rác rưởi. Đó không phải là cách mà tôi là như vậy.”. Ta sẽ không tập trung vào giác ngộ trong tương lai, là điều chưa xảy ra, vì biết rằng mình chưa đến đó, nên không phải là mình đang lừa dối bản thân.

Thiền Quán Về Tánh Không, Để Không Thối Chí

Và thiền quán về tánh Không của cả hai (tướng). 

Để không nản lòng thì cũng phải thiền quán về tánh Không của trạng thái luân hồi không thỏa đáng, về vấn đề không thể giúp đỡ mọi người trong hiện tại, và tánh Không của trạng thái giác ngộ mà mình đang nhắm đến. Không tướng, thường được gọi là “tánh Không”, nghĩa là những cách tồn tại bất khả dĩ đều hoàn toàn vắng bóng. Không phải là một trong hai trạng thái của mình, luân hồi hay giác ngộ, giống như những quả bóng bàn tự nó được bao bọc - một quả bóng bàn là cái “tôi” đáng thương, bị giới hạn, không thể giúp được ai, hay chỉ có thể giúp họ bằng một cách rất tầm thường, và quả bóng bàn khác là sự giác ngộ này ở trên trời, không thể với tới. Cả hai trạng thái này đều sinh khởi từ nhân duyên.

Những trợ duyên để giác ngộ đều có mặt ở đó, đó là các yếu tố Phật tánh. Việt thành tựu giác ngộ chỉ là vấn đề tích tập đủ công đức và trí tuệ. Chúng ta sẽ làm điều này bằng cách giúp đỡ người khác, và quen thuộc với sự hiểu biết đúng đắn về tánh Không, cụ thể là bằng cách chứng ngộ rằng vạn pháp sẽ sinh khởi, phụ thuộc vào nhân duyên, và nỗ lực của mình.

Những điều kiện để giác ngộ đều có mặt ở đó, đó là Phật tánh. Việc thành tựu giác ngộ chỉ là vấn đề tích tập đủ công đức và trí tuệ. Chúng ta sẽ thực hiện điều này bằng cách giúp đỡ tha nhân, và quen thuộc với sự lãnh hội đúng đắn về tánh Không, cụ thể là bằng cách chứng ngộ rằng vạn pháp sẽ sinh khởi dựa vào nhân quả, và nỗ lực của mình.

Việc có được sự hiểu biết này sẽ giúp cho ta khắc phục tâm chán nản, nghĩ rằng đó là điều bất khả dĩ, và thay vì vậy thì sẽ giúp cho mình phát tâm tinh tấn, một thái độ thực tiễn, như chúng ta đã nói trước đây. Ta sẽ chấp nhận rằng nó sẽ khó khăn. Ta sẽ không tự lừa dối mình, rằng nó sẽ khó khăn. Nhưng liệu có điều gì khác đáng để làm trong cuộc sống hay không? Những việc khác đều tầm thường, so với việc phát bồ đề tâm. Ngài Tịch Thiên nói về điều này rõ ràng trong chương đầu tiên, trong tác phẩm của mình, “Lợi Lạc Của Bồ Đề Tâm”:

(I.12) Tất cả những điều khác có tính thiện hảo thì giống như cây chuối: một khi đã kết trái thì nó sẽ cạn kiệt. Nhưng cây bồ đề tâm thì mãi mãi đơm hoa kết trái, và vì nó không bao giờ cạn kiệt, nên sẽ tăng trưởng hơn bao giờ hết.

Ngay cả khi không thể đạt giác ngộ, đó là điều mà mình đang suy nghĩ, do dự, không quyết đoán, và tự hỏi rằng, “Điều đó có khả dĩ hay không? Nghe có vẻ quá tuyệt vời”, thì không thành vấn đề. Dù cho thật sự có các bậc giác ngộ trong hiện tại hay trong quá khứ hay không thì không thành vấn đề. Chắc chắn ta có thể hiểu rằng mình có thể phát triển và tiến hóa xa hơn nữa. Thế thì mình chỉ đại diện cho tất cả những điều này bằng cách nói rằng, “Mức cao nhất mà mình có thể đạt được trong quá trình tiến hóa, thì hãy gọi đó là Phật quả.”.

Tầm Quan Trọng Của Nguồn Cảm Hứng Từ Đạo Sư, Để Mình Không Thối Chí

Tôi nghĩ rằng đó là cách để bắt đầu. Tôi không nói rằng đó là sự hiểu biết cuối cùng, không bao giờ là vậy, mà đó là cách khởi đầu. Rồi thì ta có thể nhấc chân lên khỏi mặt đất; nếu không thì mình sẽ mắc kẹt trong ngôi nhà nhỏ về vấn đề “Tôi không thể làm việc này”, và “tội nghiệp cho mình quá”. Chúng ta không thể tiếp cận với một vị Phật, vì nó quá sức tưởng tượng của mình. Đó là lý do tại sao người ta nói chư đạo sư rất quan trọng. Nếu như lấy ví dụ của Sakya Pandita thì đạo sư giống như một cái kiếng lúp, thu thập tia sáng mặt trời, để nhóm lửa cho khúc gỗ, là tâm thức của mình. Trong ẩn dụ này thì mặt trời là Đức Phật.

Đối với chư đạo sư, như Đức Dalai Lama, hay thậm chí những vị có chứng ngộ thấp hơn Ngài, thì mình sẽ thấy con người có thể tiến hóa đến mức nào. Điều đó sẽ truyền cảm hứng cho ta. Nhờ vậy mà mình mới mường tượng được giai đoạn cao hơn kế tiếp, và mong muốn đạt được điều đó. Nhờ vậy mà ta sẽ phát triển hơn nữa. Tất nhiên là mình không thể nào mường tượng một vị Phật và tất cả các phẩm hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì nó quá sức tưởng tượng. Vậy thì đừng lo lắng về điều đó.

Khi hành thiền và có bồ đề tâm quy ước, thì tâm mình đang mở rộng vô hạn, sau đó thì hãy kết hợp phạm vi rộng lớn này với sự hiểu biết về tánh Không, cũng mở rộng vô tận. Đây là cách mình bắt đầu kết hợp hai yếu tố với nhau. Khi nghĩ về tánh Không thì ta hiểu rằng không có thứ gì tồn tại như quả bóng bàn; vạn pháp đều tương quan lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau, và phẩm chất của chúng chịu sự ảnh của tất cả những pháp khác trong mọi chiều không gian và thời gian. Vì vậy nên phạm vi Đại thừa này rất quan trọng, trong khi mình có một trọng tâm.

Đó là lý do mà việc có một Bổn tôn hay điều gì giống như vậy là điều hữu ích, vì nó sẽ tạo ra điều gì để tâm mình chú trọng vào. Khi tâm thức rộng mở và bao la thì ta dễ thấy lâng lâng. Vì vậy nên hãy cố gắng giữ một sự quân bình giữa sự bao la rộng lớn và tính tập trung vào một Bổn tôn, đặc biệt là vì điều mà người ta sẽ bổ sung thêm vào trong thời thiền là tâm cực lạc. Nếu như không chú tâm vào điều gì, thì rất dễ “lâng lâng”, nếu như sử dụng thành ngữ thông tục thì người ta sẽ quá hạnh phúc, đến nỗi giống như một con chó con nằm ngửa lên, giơ chân lên trời, khi có ai đang xoa bụng nó.

Kệ Số 16: Tránh Sự Nản Lòng, Bằng Cách Áp Dụng Tánh Không Vào Bất Cứ Kinh Nghiệm Nào

Xem Vạn Pháp Như Ảo Ảnh 

Khi đối tượng của tâm chấp thủ hay thù hận phát sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy xem nó như ảo ảnh hay vọng tưởng;  

Đó là sau khi mình đã nhập định về chứng ngộ tánh Không. Khi phải đối phó với bất cứ hoàn cảnh nào, khiến cho mình phiền não, thì điều quan trọng là hãy xem nó như ảo ảnh, để không thấy nản lòng. Khi gặp khó khăn hay chướng ngại, thì hãy xem chúng như ảo ảnh, nhưng một giấc mơ. Khi mình thức dậy thì giấc mơ không còn nữa; giấc mơ đã kết thúc, dù nó đã xảy ra. Chúng ta có thể nhớ nó, nhưng nó không phải là điều gì hiện đang xảy ra. Vì vậy, bất cứ khi nào sự nản lòng hay tình huống chán nản phát sinh, thì ta sẽ nhận ra nó không phải là điều gì vững chắc. Nó đã phát sinh từ nhân duyên, và nó sẽ trôi qua như một giấc mơ.

Điều này sẽ đem đến cho ta lòng can đảm. Việc xem vạn pháp như ảo ảnh, hay vọng tưởng, sẽ cho ta lòng can đảm, để không bị nó lừa gạt. Giống như xem một bộ phim kinh dị. Nếu như mình đang xem phim kinh dị, thì có thể sợ hãi, nhưng nếu như ta nhận ra đó chỉ là phim - chỉ có các diễn viên trang điểm xuất hiện trên màn hình – thì ta có thể có can đảm và không quá sợ hãi. Đây là một lời khuyên rất hữu ích. Những vấn đề như nản lòng hay tình huống khó khăn sẽ xảy ra. Vì vậy nên ta sẽ nói rằng, “Được mà. Không có gì to tát. Nó đã sinh khởi từ nhân duyên.”. Nó có vẻ như vững chắc, nhưng giống như ảo ảnh”, rồi thì ta chỉ cần áp dụng pháp đối trị để đối phó với nó.

Nó giống như bạn đang ở Ấn Độ, và thấy một con bọ cạp trong giày của mình. Bạn sẽ không hoảng sợ, không làm chuyện lớn. “Được rồi, có một con bò cạp trong giày của mình.”. Nó giống như ảo ảnh, theo ý nghĩa là nó không phải là con quái vật kinh khủng. Bạn sẽ cầm chiếc giày lên, đi ra ngoài, và lấy con bọ cạp ra. Bạn sẽ đi trở vô nhà và mang giày vô. Thế là xong. Có chuyện gì lớn không?

Đó là cách đối phó với lòng chán nản, với tình huống khó khăn. “Được rồi, chuyện đó đã xảy ra. Nó giống như con bọ cạp trong giày của mình. Vì vậy thì mình phải đối phó với nó. Và nếu như cần một chút thời gian để tĩnh tâm, thì tôi sẽ làm như vậy. Có chuyện gì lớn không?”

Xem Những Lời Không Êm Ái Như Tiếng Vang, Và Tổn Hại Là Nghiệp Trổ Từ Quá Khứ

Khi nghe những lời không êm dịu, hãy xem chúng như tiếng vang; và khi thân mình bị hại, hãy xem đó là điều (xuất phát từ) tiền nghiệp của tự thân.

Điều này giống như lojong, pháp luyện tâm (rèn luyện thái độ) mà thầy của A Đề Sa là ngài Pháp Hộ (Dharmarakshita) đã viết - rằng khi nghe những lời không êm dịu, thì giống như tiếng vang. Vậy thì giờ đây, những lời khó chịu mà chính mình đã nói đang quay trở lại với mình, và ta đang nghe những lời này. Và khi thân mình bị hại, thì điều này cũng xuất phát từ tiền nghiệp của tự thân. Chúng ta đã ném chiếc boomerang ra, và bây giờ thì nó đã quay trở lại với mình. Ta đã tự tạo ra tất cả những rắc rối cho mình. Người khác có thể là hoàn cảnh, nhưng mình đã tạo điều kiện để kết hợp với hoàn cảnh đó.

Nhờ vậy mà hãy cố xử lý những tình huống này, mà không biến chúng thành điều gì khủng khiếp: “Bạn là người kinh khủng. Bạn vừa làm điều gì mà tôi không thích.”. Nếu như người kia đã làm điều gì mà mình không thích, thì ta có thể nói cho họ biết, “Tôi không chấp nhận điều đó. Bạn làm ơn thay đổi cách hành xử theo cách này hay cách khác được không?”. Nếu như họ là người hợp lý, thì sẽ đáp ứng với yêu cầu của mình. Nếu như họ chịu đáp ứng, và mình cũng đáp ứng như vậy, thì không có vấn đề gì lớn. Nếu như họ không phải là người hợp lý, và không thích nghi với hoàn cảnh, thì chúng ta sẽ điều chỉnh cách hành xử càng nhiều càng tốt từ phía của mình, trong khi đặt ra giới hạn. Ta sẽ đặt giới hạn cho những gì mình chấp nhận được, dựa trên những điều không tiêu cực.

Top