Cách Sống Một Đời Dấn Thân Tu Tập

Kệ Số 17 - 28

Kệ Số 17: Sống Nơi Ẩn Dật

Hãy hoàn toàn sống nơi ẩn dật, cách xa thành thị, ẩn mình trong cô tịch, không chấp thủ, như xác chết của một con thú. 

Điều này rất giống với những gì ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã giải thích trong chương thứ tám, trong tác phẩm của mình:

(VIII.37) Thế thì hãy sống ẩn dật trong khu rừng đáng yêu và thú vị, với hạnh phúc và phúc lạc, ít rắc rối, lắng dịu mọi phóng dật.
(VIII.35) Hãy để thân này sống cô lập, đơn độc, không kết bạn cũng không có xung đột. Nếu như được xem như là đã chết, thì khi tôi chết, sẽ không có người khóc thương. 

Ở đây, A Đề Sa nói rằng nếu như muốn cải thiện tự thân, thì hãy hoàn toàn và thật sự phát triển tự thân, tốt nhất là sống nơi ẩn dật, cách xa thành thị - đó là ý nghĩa của chữ 'tu viện' trong tiếng Tây Tạng: một nơi yên tĩnh và cách xa thành thị - và như xác chết của một con thú. Điều đó có nghĩa là, như ngài Tịch Thiên đã giải thích, nếu mình được xem như là đã chết, thì sẽ không có người khóc thương và làm chuyện lớn bên cạnh ta, khi mình hấp hối.

Chúng ta sẽ có thể tu hành một cách đúng đắn, để tạo ra lợi lạc cho những kiếp tương lai, nếu như ẩn mình trong cô tịch, không chấp thủ. Tất nhiên là hiện nay, không phải ai cũng có thể làm điều đó. Đức Dalai Lama thường nói rằng chỉ có một số rất ít mới có khuynh hướng thích sống cô độc, và dấn thân để hành thiền suốt đời, còn hầu hết chúng ta thì tốt hơn hết là nên ở lại trong xã hội và giúp đỡ người khác, trong phạm vi mà mình có thể làm. Tuy nhiên, đôi khi, điều hữu ích là nhập thất một thời gian ngắn – sống ở một nơi yên tĩnh để hành thiền, viết sách Phật, hay làm những điều thiện hảo mà mình muốn thực hiện. Việc nghĩ đến chư đạo sư vĩ đại đã sống như thế này trong quá khứ, và một số đạo sư trong hiện tại cũng sống như vậy, sẽ cho mình nguồn cảm hứng lớn lao.

Đặc biệt là đối với người mới tu tập thì một hoàn cảnh khá yên tĩnh sẽ tốt hơn, vì họ sẽ ít bị phân tâm hơn. Tuy nhiên, đừng có những ý tưởng lãng mạn quá mức về Ấn Độ và Nepal, vì đó không phải là những nơi yên tĩnh. Đó là Vùng Đất của Âm Thanh. Các tu viện Tây Tạng thì vô cùng ồn ào. Mọi người đều tu tập lớn tiếng, và ngay cả khi ở một nơi yên tĩnh thì dĩ nhiên là mình vẫn có thể có nhiều tiếng ồn trong đầu. Không có gì đảm bảo rằng nếu như mọi việc đều yên tĩnh ở bên ngoài, thì bên trong sẽ yên tĩnh. Tuy nhiên, nếu như mọi việc bên ngoài được yên tĩnh, thì sẽ hữu ích cho nhiều người.

Kệ Số 18: Khắc Phục Tâm Giải Đãi

Ổn Định Với Việc Tu Tập Hàng Ngày 

(Ở đó,) hãy luôn giữ tâm an định với Bổn Tôn.  

Ở đó, - nói về việc sống trong ẩn dật, ở một nơi yên tĩnh và cô lập - hãy luôn giữ tâm an định với Bổn Tôn. Đây là một gợi ý khác về pháp tu Mật tông mà A Đề Sa đang giới thiệu.

Ngài đã nói, “Hãy luôn giữ tâm an định.” Nếu muốn có được tâm an định, thì phải hành thiền hàng ngày, không cần biết pháp thiền đó là gì. Đặc biệt là khi mình có cuộc sống rất bận rộn, và đang làm rất nhiều việc, thì việc có một pháp tu ổn định mỗi ngày là điều rất ích lợi. Bất kể điều gì điên rồ đang xảy ra trong cuộc sống, thì mình sẽ có tâm trạng ổn định, một nơi ổn định để an trú. Nó sẽ cho ta cảm giác của sự tương tục. Điều đó rất quan trọng đối với sự ổn định.

Nếu như tu tập với một Bổn tôn, một “yidam”, như cách tu tập trong Mật tông, thì điều mà mình đang làm là buông bỏ hình ảnh cũ về tự thân, gắn liền với cuộc sống bận rộn, và chấp nhận một hình ảnh mới về tự thân – tất nhiên là trên cơ sở của sự thấu hiểu về tánh Không, bồ đề tâm và tâm xả ly. Hình ảnh về tự thân là hình ảnh của một vị Phật, trong sắc tướng một vị Phật như Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) hay Tara, biểu hiện những phẩm chất khác nhau mà mình đang cố gắng thành tựu.

Khi đến một nơi yên tĩnh, thì như ngài Tịch Thiên nói, điều rất quan trọng là “cách ly” thân tâm với tất cả những sự bận rộn.

(VIII.89) Khi đã xem xét những điều này và hơn thế nữa, về lợi ích của việc cách ly (tự thân), để hoàn toàn lắng dịu những ý tưởng tản mạn, hãy thiền quán về bồ đề tâm.

Không chỉ có thân đến một nơi ẩn dật, mà tâm cũng phải cách ly với tất cả những mối quan hệ, chấp thủ và vân vân. Tâm ta sẽ cách ly với hình ảnh về tự thân mà mình đã ôm ấp, khi sống ở nơi chốn cũ. Đó là lý do mà việc tu tập với một Bổn tôn là điều rất hữu ích. Nó sẽ giúp ta thay thế hình ảnh về tự thân trong luân hồi, bằng một hình ảnh “niết bàn” hơn, nếu như mình có thể sử dụng chữ này, đó là chữ không có những sự liên kết tiêu cực trước đây - tiêu cực theo cách của phiền não. Bổn tôn tượng trưng cho sự giác ngộ trong tương lai của mình, mà ta muốn thành tựu, với bồ đề tâm. 

Tự Nhắc Nhở Về Những Thiếu Sót Của Tự Thân, Để Khắc Phục Tâm Giải Đãi

Và khi tâm giải đãi hay kiệt sức phát sinh, hãy lưu tâm đến khuyết điểm của mình.

Như tôi thường nói thì luân hồi sẽ tiếp tục thăng trầm, cho đến khi mình trở thành A la hán. Đó là bản chất của luân hồi. Đôi khi thì mình sẽ muốn hành thiền; đôi khi thì không. Đôi khi thì việc tu tập sẽ tiến triển tốt đẹp; đôi khi thì không. Đôi khi thì ta cảm thấy lười biếng và kiệt sức; có lúc thì không. Điều quan trọng là chỉ cần tiếp tục tu hành. Như đã nói trong một câu kệ trước đó, hãy xem những điều này như ảo ảnh. Đừng xem những sự thăng trầm này là chuyện lớn. Hãy tiếp tục tu tập.

Để giúp mình khắc phục tâm lười biếngkiệt sức, thì A Đề Sau nói hãy lưu tâm đến những khuyết điểm của mình. Nói cách khác thì ta sẽ tự nhắc nhở mình rằng sự lười biếng và kiệt sức là những khuyết điểm. Chúng là những chướng ngại mà mình muốn vượt qua. Nên ta sẽ nhắc nhở mình về động lực hành thiền: đó là vì mình muốn khắc phục những vấn đề như giải đãi lười biếng, chán nản, kiệt sức, tự thương hại bản thân, và rèn luyện tâm mình, để tâm không phóng dật, vì chấp thủ, sân hận, v.v...

Bằng cách tự nhắc nhở bản thân rằng, “Đây chính là lý do tại sao mình ngồi đây. Đó chính là lý do tại sao mình muốn hành thiền - đó là vì mình cảm thấy lười biếng và không muốn làm bất cứ điều gì có tính xây dựng”. Hãy khẳng định lại động lực của mình, và điều đó sẽ tiếp sức cho mình, để tiếp tục tu hành. Đó là một phần của hạnh tinh tấn, chấp nhận rằng luân hồi sẽ thăng trầm; và ta sẽ chấp nhận sự khó khăn này. Ta sẽ không có ảo tưởng nào về luân hồi, mà cứ tiến bước, và nỗ lực tu tập.

Một khi đã tự nhắc nhở mình về động lực, để khắc phục những thiếu sót này, thì:

Sửa Đổi Tự Thân Bằng Giới Luật

Và tự nhủ về những điểm chánh của pháp điều phục tâm.

Điều này đề cập đến giới luật, để sửa chữa những lỗi lầm của mình. Điều được giải thích ở đây là phải nhận ra lỗi lầm, khuyết điểm của mình, khi chúng phát sinh, rồi phải nhớ tự mình sửa đổi chúng. Đó là một điều mà người ta thường gọi là “đạo sư bên trong”. Chúng ta không cần một đạo sư bên ngoài để sửa sai cho mình. Chúng ta không cần một viên cảnh sát hay một bà mẹ, một người cha làm điều đó. Chính mình có thể nhận ra, khi cách ta hành động không phù hợp với những gì mình đang phấn đấu để đạt được, khi cách mình hành động không có tính xây dựng.

Sau đó thì chỉ cần sửa đổi nó. Và ta sẽ không lay chuyển, mà chỉ làm điều đó, như mẹ tôi thường nói, “thẳng từ trên xuống dưới”. Chỉ cần làm như vậy. Giống như khi mình muốn tắm, mà nước hơi lạnh, “Thì cứ tắm đại đi; chỉ cần xối nước lên. Một là tắm, hai là không. Nếu bạn sẽ làm điều đó, thì hãy làm nó đi!”.

Kệ Số 19: Nếu Gặp Ai Thì Hãy Tử Tế Và Thân Thiện

Khi gặp người khác, hãy nói năng một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng và chân thật, không cau mày hay trừng mắt, và luôn nở nụ cười. 

Điều này lại khiến tôi nhớ đến tác phẩm của ngài Tịch Thiên.

(V.71) Do đó, hãy tự chủ và luôn tươi cười. Đừng cau mày và nhăn nhó (vì phản đối), mà hãy thân thiện và thành thật với chúng sinh.

Ngay cả khi sinh sống và tu hành nơi ẩn dật, thì chắc chắn mình sẽ gặp người khác. Khi giao thiệp với họ thì điều quan trọng là phải cư xử một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng. Nếu như việc tu tập của mình ổn định, thì ta sẽ bình tĩnh, và điều này sẽ giúp cho người khác cảm thấy thoải mái.

Tuy nhiên, điều quan trọng là khi mình bình tĩnh, thì lại không trở nên cứng nhắc. Sau vài năm đầu ở Ấn Độ, và khi trở về Mỹ thì tôi đã sống một thời gian với chị của tôi. Nhận xét của chị về tôi là, “Em rất bình tĩnh, đến nỗi chị có thể nôn mửa luôn.”. Tôi giống như một xác chết, lúc nào cũng bình tĩnh và không thể hiện sự phấn khích nào, còn chị tôi là một người rất tình cảm. Vì vậy, việc bình tĩnh và dịu dàng không có nghĩa là mình không biểu lộ điều gì trên mặt, và đi đứng như thây ma. Cần phải biểu lộ tình cảm và phản ứng.

Nói về việc biểu lộ tình cảm thì vần kệ nói rằng không cau mày hay trừng mắt. Đặc biệt là như vậy, nếu như việc này xuất phát từ lòng tự phụ, vì nghĩ rằng mình tuyệt vời ra sao, vì “tôi đang theo đuổi đời sống tâm linh”. Chúng ta sẽ xem thường người khác bằng cách cau mày, vì phản đối, - “Ồ, bạn lại kinh doanh?”, hay làm những việc thế tục khác. “Bạn vẫn uống bia à?”, “Bạn vẫn uống rượu vang sao?”. Và ta có cái nhìn không tán thành, xem thường người khác.

Vì vậy nên phải luôn nở nụ cười. Điều đó không có nghĩa là cười nhe răng như trong một quảng cáo, một nụ cười hoàn toàn giả dối. Đúng hơn thì như A Đề Sa nói ở đây, mình phải chân thật, nói thật lòng, và không được giả vờ, không ra vẻ ta đây, và không tỏ vẻ không tán thành, hay những điều như vậy. Như Đức Dalai Lama luôn luôn nói, việc gặp gỡ người khác là một niềm vui, giữa người với người.

Trong một phần của khóa đào tạo tính nhạy cảm thì ta sẽ cố gắng quan sát nét mặt của mình. Chúng ta sẽ cố gắng để ý xem mình có nhăn mặt, hay nhăn trán, trề môi hay không. Nếu như ta nhận thấy bắp thịt trên mặt mình căng thẳng, thì hãy thư giãn bắp thịt, và thay đổi biểu hiện. Điều này rất quan trọng, vì mặt mình sẽ tự động nhăn nhó, hay tỏ vẻ không tán thành. Việc này sẽ nói lên điều gì. Tuy ta không thấy, nhưng người khác sẽ nhìn thấy nó.

Mặt khác, việc biểu lộ tình cảm trên mặt mình có thể đi đến một thái cực khác quá đáng. Chẳng hạn như mình có thể nhận thấy tính cực đoan ở người khác, khi ta nói điều gì, và người kia phản ứng thái quá với nét mặt của họ, và điều đó khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, “Người này còn khó chịu hơn mình, đối với những điều mình nói.”.

Kệ Số 20: Rộng Lượng Và Không Cạnh Tranh Với Những Người Mà Mình Tu Tập Và Sống Chung 

Khi gặp gỡ người khác, đừng sinh tâm keo kiệt, mà hãy hoan hỷ bố thí, và buông bỏ lòng ganh tỵ.  

Đôi khi, mình sống với người khác, dù là trong hoàn cảnh nhập thất với những người cùng chung chí hướng, hay trong hoàn cảnh với những người có sở thích hoàn toàn khác nhau. Khi gặp gỡ họ thì điều quan trọng là đừng sinh tâm keo kiệt với tài sản của mình. "Cái này của tôi; bạn không được sử dụng nó”, “Đây là thức ăn của tôi trong tủ lạnh”, và “Đây là ghế của tôi” - nghe giống như chuyện Ba Chú Gấu Nhỏ: “Đây là ghế của tôi; có người đang ngồi trên ghế của tôi; có người đang ngủ trên giường của tôi!”. Điều này sẽ tạo ra nhiều sự khó chịu, và ảnh hưởng đến mối quan hệ của những người mà mình đang chung sống.

Mà hãy hoan hỷ bố thí – hãy hoan hỷ khi chia sẻ với người khác. Chúng ta cũng tiêu diệt lòng đố kỵ. Điều này nói về lòng đố kỵ với của cải của người khác: “Tôi muốn sử dụng tất cả đồ đạc của bạn, bởi vì chúng tốt hơn những thứ của tôi” - đại loại là như vậy. Dĩ nhiên là lời khuyên này không dễ thực hành, vì ta rất thường bị người khác lợi dụng, những người luôn muốn sử dụng đồ của mình, hơn là những món của họ, v.v... Điều này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn.

Điều này rất là thú vị: Đối với những người mà mình rất yêu thích và gần gũi, thì ta sẵn sàng chia sẻ mọi thứ, ngay cả bàn chải đánh răng. Tuy nhiên, đối với người khác, những người mà mình không thấy gần gũi, thì không sẵn lòng chia sẻ. Thậm chí, mình còn không muốn ngồi chung bàn với họ. Vì vậy, khả năng thực hiện điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bình đẳng hóa thái độ của mình đối với người khác.

Khi phải đặt ra giới hạn, thì hãy cố gắng làm như vậy, dựa trên sự hiểu biết về những gì có tính xây dựng, và những gì phá hoại. Ví dụ như không cho những đứa bé đụng đến máy vi tính, vì chắc chắn là chúng sẽ phá hư nó, và cũng không để cho những người vô trách nhiệm dùng máy vi tính của mình, vì họ cũng sẽ làm hư nó. Tuy nhiên, trong giới hạn an toàn thì việc chia sẻ nó là điều quan trọng. Như tôi có nói, điều này không dễ áp dụng trên thực tế.

Tuy nhiên, hãy hoan hỷ khi bố thí - đó là điểm chính. Điều này sẽ giúp cho mình chia sẻ một cách vui vẻ. Hầu hết chúng ta đều biết cảm giác đó ra sao, vì hầu hết chúng ta đã trải nghiệm điều này. Khi thật lòng thương yêu ai, thì mình sẽ rất hạnh phúc, khi cho họ món gì. Ta sẽ rất vui khi họ nhận quà, và thấy rằng nó có ích đối với họ. Thế thì ta sẽ cố gắng mở rộng cảm giác muốn chia sẻ với những người mà mình không thấy gần gũi. Nhờ vậy mà không sinh tâm keo kiệt, không đố kỵ với những điều mà người khác có, và hoan hỷ bố thí - ta sẽ rất thân thiện.

Mặt khác thì mình phải mạnh mẽ và bướng bỉnh như một con bò đực, khi nói đến việc tu tập của mình. Nếu như có ai muốn dùng toàn bộ thời gian của mình, khiến cho ta không thể hành trì pháp tu hàng ngày, thì phải có giới hạn với họ. Hoặc nếu như họ muốn sử dụng chén cúng dường của mình làm đồ gạt tàn thuốc, thì ta sẽ không cho phép họ làm như vậy; mình sẽ không chia sẻ theo cách như vậy. Do đó, phải ngoan cố về mặt tu tập, không để người khác vượt qua ranh giới.

Geshe Ngawang Dhargyey đã trích dẫn một thành ngữ của người Tây Tạng, nói về điều này: “Đừng đưa sợi dây cột khoen trên mũi của bạn cho người khác. Hãy giữ nó trong tay.”. Một con bò hay trâu nước phải đeo một cái khoen trên mũi, và có một sợi dây thừng luồn qua cái khoen, nên khi người ta cầm dây kéo con bò đi đâu thì nó phải đi đó. Vậy thì thành ngữ có ý nghĩa là, “Đừng để người khác nắm sợi dây đó. Hãy giữ sợi dây trong tay mình.”. Nói cách khác thì “Bạn là thầy của những điều bạn làm.”. Liên quan đến điều này thì A Đề Sa nói rằng:

Kệ Số 21: Nhẫn Nại Với Tha Nhân

Hãy tránh mọi sự tranh chấp và luôn khoan dung, kham nhẫn, để bảo vệ tâm thức tha nhân. 

Hãy cố gắng làm người khác vui lòng, làm cho họ hạnh phúc và không mâu thuẫn với họ. Đó là ý nghĩa của sự tranh chấp - mâu thuẫn với ai và tranh luận với họ. Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã nói điều này một cách rất hay ho: “Nếu như bạn đồng ý với người khác, thì việc tranh cãi sẽ chấm dứt.”. Chỉ cần đồng ý thôi. "Tôi đồng ý với bạn. Tôi sẽ không tranh luận với bạn.”. Rồi thì vấn đề chấm dứt. Hơn nữa, còn tùy theo vấn đề là gì. Đặc biệt là khi người kia không sẵn sàng lắng nghe, và hoàn toàn không cởi mở, và nếu như họ nói điều gì thái quá, thì mình chỉ nói, “Vâng, vâng.”. Không cần phải tranh luận với họ.

Điều này quay trở lại dòng “nguyện nhận lấy thua thiệt cho mình và dành thắng lợi cho người”, trong Bảo Hành Vương Chánh Luận (Phạn ngữ: Ratnavali) của ngài Long Thọ (Nagarjuna). Đây là một trong những dòng kệ chính trong Luyện Tâm Bát Đoạn.

(5) Khi người khác, vì lòng ganh tỵ, bạc đãi con bằng những lời trách mắng, sỉ nhục và thậm tệ hơn nữa, nguyện nhận lấy thua thiệt và dành thắng lợi cho người khác. 

Đây là một lời khuyên rất quan trọng và hữu ích. Ta sẽ nhận lấy thua thiệt cho bản thân: “Đúng vậy, tôi sai. Bạn đúng.”. Điều này có gì khác biệt? Không phải lúc nào cái gì mình nói cũng đúng. Đây là điểm quan trọng của dòng cuối cùng trong vần kệ trước.

Tuy nhiên, có những giới hạn nào đó. Nếu như người nào sẽ làm điều gì phá hoại, thì mình phải đặt ra giới hạn. Nếu như có người nào nói, “Hãy đi bắn chuột túi”, thì mình sẽ có giới hạn. Ta sẽ nói “Không”. Chúng ta không đồng ý với điều đó. Tuy nhiên, nếu như họ nói, “Bầu trời màu xanh lá cây”, và mình nói rằng “Không, nó màu xanh da trời”, thì không cần tranh cãi. Ai mà quan tâm đến việc đó? Đặc biệt là khi có một sự tranh luận về chánh trị hay tôn giáo, và người khác sẽ không lắng nghe mình nói, vậy thì nói để làm gì? Bởi vì nó sẽ trở thành chuyện nhảm nhí, và cứ kéo dài hoài. Nên ta chỉ nói rằng, “Được rồi. Hãy nói chuyện khác đi.”. Rồi thì vấn đề sẽ chấm dứt.

Ngay cả khi có ai chỉ trích mình, hoặc nêu ra một số sai sót hay lỗi lầm của mình, thì ta vẫn không tranh luận. Ta sẽ nói, “Cảm ơn bạn. Cảm ơn bạn đã nêu ra điều đó”, dù những điều họ nói là đúng hay không. Không cần phải chống chế. Thường thì những điều họ nói là đúng. Đặc biệt là không nên chống thế, nếu như họ nói ra điều gì, để cố ý làm cho ta đau lòng, để gây hấn hay làm những điều tương tự như vậy. Nếu như câu trả lời của mình là, “Cảm ơn bạn đã nêu ra điều đó”, thì nó sẽ làm tan biến mọi sự đối nghịch. Nó sẽ kết thúc việc tranh luận.

Tuy nhiên, nếu như có ai buộc tội mình đã làm điều gì, thì ta sẽ không nói cảm ơn, mà không tìm hiểu xem liệu những điều họ cáo buộc mình là đúng hay không. Hiển nhiên là mình phải tìm hiểu những vấn đề này, để sử dụng trí tuệ. Nếu như có ai nói rằng, “Bạn đã lấy viết của tôi”, nhưng mình không có lấy viết của họ, thì mình không chỉ nói cảm ơn. Rồi thì họ sẽ nói, “Vậy thì trả viết lại cho tôi đi chứ”, và mình sẽ không có viết để mà trả lại. Điều mà chúng ta đang nói ở đây là người ta sẽ chỉ trích lỗi lầm hoặc sai sót của mình, gọi mình là người tham lam, hay đại loại như thế. Rồi thì mình sẽ nói, “Tôi xin lỗi. Cảm ơn bạn đã nêu ra điều đó. Tôi sẽ cải thiện vấn đề này.”. Đừng lên tiếng chống chế.

Kệ Số 22: Làm Một Thiện Tri Thức Và Người Thầy Tốt

Đừng Thay Lòng Đổi Dạ Với Bạn Bè

Đừng nịnh hót, hay thay lòng đổi dạ với bằng hữu, mà luôn luôn trung thành. 

Điều này rất quan trọng đối với bằng hữu. Trong tiếng Anh, chúng ta nói về “những người bạn qua đường”, những người mà chỉ thân thiện với mình khi mọi việc đều thuận lợi, khi mình ở trong hoàn cảnh tốt đẹp, nhưng sẽ lánh xa ta, khi mình gặp rắc rối và những chuyện không vui. Vì vậy, khi người khác nói điều không hay, phạm sai lầm, hay làm tổn thương mình bằng cách nào đó, thì điều quan trọng là chúc phúc cho họ.

Tuy nhiên, cũng không nên nịnh hót. “Nịnh hót” có nghĩa là tâng bốc quá mức. Mình sẽ hết lòng với họ, đặc biệt là khi họ tốt bụng, nhưng khi họ cư xử không đẹp thì mình lại rời bỏ họ.

Thay lòng đổi dạ với bằng hữu có nghĩa là cứ thay đổi bạn bè. Chúng ta sẽ bỏ bạn bè và chơi với người khác. Nó giống như một cuộc chinh phục mới, đặc biệt là khi có tình dục liên quan trong đó.

Những điều này cho thấy tình bạn của mình không ổn định. Một là ta không tin người đó là bạn của mình, hai là mình không chân thành. Vì vậy, theo ý nghĩa này thì mình phải trung thành với bạn bè, không chỉ trong thời tiết tốt, mà cả thời tiết xấu, và không chỉ khi họ đối xử tốt với mình, mà cả khi họ lầm lỗi.

Tôn Trọng Bạn Bè

Đừng bao giờ sỉ nhục người khác, mà hãy hành xử một cách kính cẩn. 

Một số người chỉ thân thiện với những người giàu sang, có quyền lực, những người mà họ mà có thể nhờ vả điều gì. Rồi khi phát hiện ra là họ không nhờ vả người kia được, về những vấn đề như làm môi giới, tiền bạc, cơ hội, tình dục hay bất cứ điều gì, thì họ sẽ bỏ đi. Họ sẽ sỉ nhục và coi thường những người mà họ không thể lợi dụng, và không muốn thân thiện với những người như vậy.

Ở đây, A Đề Sa đã nghĩ đến hệ thống đẳng cấp. Đừng phân loại mọi người theo đẳng cấp: “Tôi chỉ thân thiện với những người thuộc về đẳng cấp của mình thôi”, “Tôi chỉ thân thiện với những người cùng lứa tuổi, hay thuộc về tầng lớp xã hội của tôi thôi – hay bất kể điều đó là gì. Thay vì vậy thì hãy hành xử một cách kính cẩn đối với mọi người. Bất cứ người nào cũng có thể là bạn thân của mình.

Chúng ta sẽ làm gì, khi người ta chỉ đến với mình để lợi dụng, những người chỉ muốn mình giúp đỡ họ điều gì, và sẽ bỏ đi, khi không thấy mình hữu dụng nữa? Trước hết, nếu như đang tu tập theo hạnh bồ tát, thì ta sẽ thấy vui, nếu như họ đến với mình. Ta sẽ thấy vui, nếu mình có thể giúp họ. Nếu như họ bỏ đi, thì họ sẽ mất mát. Đó là sự mất mát của họ. Và khi họ không còn cởi mở với sự trợ giúp của mình nữa, thì đó là điều đáng buồn.

Điều này đặc biệt đúng, khi mình là một giảng sư. Đây là một vấn đề lớn, mà nhiều giảng sư trong đạo Phật ở phương Tây phải đối diện. Rất nhiều người theo học và làm đệ tử của họ trong một thời gian, nhưng sau đó thì lại bỏ đi, và không quay trở lại. Nhiều giảng sư buồn bã về điều đó. Họ tự hỏi, “Tại sao họ không đến nữa? Chuyện gì đã xảy ra? Có phải tôi đã làm điều gì sai?”. Trong trường hợp đó thì người ta phải nghĩ rằng, “Đó là mất mát của họ. Phập pháp có mặt ở đây, và nếu như họ không đến, thì đó là vì nghiệp chướng của họ. Nếu như họ chỉ muốn lợi dụng mình, thì đó là sai lầm của họ. Tôi sẽ có mặt ở đây để giúp họ, dù họ có muốn lợi dụng mình hay không.”.

Bây giờ, khi nói đến việc lợi dụng thì ta sẽ cho họ những điều phù hợp với nhu cầu của họ. Không nên cho quá nhiều, vì có thể làm hại họ và bản thân mình. Ta sẽ không để cho họ khiến cho mình kiệt sức. Ta sẽ đặt giới hạn. Như Ringu Tulku đã nói một cách rất hay ho, rằng rất nhiều người có thể yêu cầu mình làm nhiều thứ, nhưng ta chỉ có thể đáp ứng một số yêu cầu thôi, vì không thể phân thân thành một triệu sắc tướng trong cùng một lúc, khi chưa thành Phật. Tuy nhiên, ít nhất thì mình cũng cố gắng cung cấp cho họ một điều gì đó, một chút gì, để không hoàn toàn từ chối họ.

Khi phải nói với ai là mình không thể làm điều gì, thì tôi nhớ đến một câu nói đáng yêu từ Miss Manners (Hoa Hậu Ứng Xử). Hoa Hậu Ứng Xử là hoa hậu về cách xã giao của một tờ báo Mỹ, người sẽ trả lời những thắc mắc về cách xã giao. Hoa Hậu Ứng Xử, hay “Hoa Hậu Có Phong Cách Tốt” nói rằng trong những tình huống như vậy thì mình chỉ nói, “Tôi rất xin lỗi.”, và không nêu ra lý do tại sao mình không thể giúp đỡ. Ta chỉ nói rằng, “Ồ, tôi rất xin lỗi. Tôi không thể làm điều đó.”. Ta sẽ không giải thích điều gì. Nếu như mình giải thích thì người ta sẽ tranh luận về vấn đề này, rồi thì mình phải chống chế, nên chỉ nói rằng, “Tôi rất xin lỗi.”. Hoa Hậu Ứng Xử đúng là bậc thầy vĩ đại.

Cho Lời Khuyên Hay Giảng Dạy Với Động Lực Giúp Đỡ Thuần Túy 

Khi ban lời khuyên hay chỉ giáo, hãy phát tâm bi mẫn và ước nguyện phổ độ chúng sanh. 

Nếu như mình đưa ra lời khuyên và giảng dạy người khác, mà không nhất thiết làm như vậy một cách chính thức, thì ta sẽ làm điều đó một cách tự do, chứ không làm vì tiền bạc hay danh tiếng. Cũng không làm điều đó vì mình muốn người khác thích mình, hay phụ thuộc vào mình, vì đó là lỗi lầm còn nặng nề hơn nữa. Nếu như không vi phạm tất cả những điều đó, thì lời khuyên của mình sẽ chân thành hơn.

Sau đó, đối với cách chọn pháp tu nào để tu tập, thì A Đề Sa nói rằng:

Kệ Số 23: Chọn Lựa Pháp Tu

Đừng bao giờ phủ nhận Pháp, mà hãy nhắm vào điều mình ngưỡng mộ, và nỗ lực ngày đêm, với mười Pháp hành. 

Phải nhận thức rằng Đức Phật đã dạy nhiều phương tiện, nhiều pháp tu khác nhau. Do đó, mình không thể phủ nhận pháp nào trong số những phương tiện này. Ta sẽ không nói rằng, “Đây không phải là lời Phật dạy”, hay “Điều này không hữu ích”, hay “Đây là điều không đúng đắn để tu tập.”. Chúng ta sẽ cởi mở và chấp nhận tất cả các giáo pháp.

Trong tất cả các pháp tu nhà Phật thì ta sẽ chọn pháp tu nào phù hợp với mình, bất cứ pháp nào mà mình thật sự ngưỡng mộ, và cảm thấy có mối liên hệ nào đó - cho dù đó là pháp tu Tây Tạng, pháp tu Nguyên Thủy (Theravada), hay Zen, hay trong Phật giáo Tây Tạng thì dù đó là truyền thống này hay truyền thống kia, cho dù đó là Guru Rinpoche hay Tông Khách Ba. Dù đó là gì đi nữa thì cũng không có gì khác biệt. Tất cả những điều này đều có khả năng đưa ta đến giải thoát và giác ngộ.

Phải tìm ra những điều phù hợp nhất với mình, và những gì mình trân trọng, những điều ta có thể ngưỡng mộ. “Ngưỡng mộ” cũng có nghĩa là “lòng xác tín”. Ta có sự xác tín rằng đây là điều phù hợp với mình. Ta sẽ không bị ảnh hưởng vì vấn đề pháp tu này phổ biến ra sao, hay bạn bè mình có thích nó hay không. Ta sẽ tự tin về những điều phù hợp nhất với mình, rồi đưa hết tâm trí vào đó.

Mười Pháp Hành 

Nỗ lực ngày đêm để tu tập mười Pháp hành này, không có nghĩa là mỗi ngày, mình phải thực hiện tất cả mười hành vi. “Ngày và đêm”, chỉ có nghĩa là “thời gian của mình”. Nên hãy cố dành thời gian để hành trì pháp tu nào thích hợp với mình. Chúng ta có thể thực hành pháp tu nào? Có mười Pháp hành:

  1. “Sao chép Kinh điển” - điều đó không có nghĩa là chỉ sao chép Kinh. Vào thời xưa, nó có nghĩa là viết Kinh điển, vì không có bản in, và việc tạo ra một bản viết tay sẽ giúp cho Kinh sách tới tay nhiều người hơn. Ngay cả thời nay, khi các bản viết đã có sẵn, thì việc chép lại hay đánh máy kinh sách có thể là điều rất hữu ích, để quen thuộc với nội dung của chúng, đặc biệt là Kinh điển hay giáo pháp liên quan đến pháp tu mà mình quan tâm đến.
  2. “Cúng dường Tam Bảo” - luôn luôn là việc tốt, nhưng mình cũng có thể cúng dường với động lực, “Nguyện cho con có thể tu tập tốt.”.
  3. “Bố thí cho người nghèo và người bệnh” - nói chung thì đây cũng điều mà mình sẽ làm trong bất cứ trường hợp nào, trong pháp tu Đại thừa.
  4. “Nghe thuyết Pháp” về những điều mà mình rất ngưỡng mộ và tin tưởng.
  5. Đọc Kinh điển” về những lời dạy mà mình đặc biệt ngưỡng mộ.
  6. “Đưa tinh túy của giáo pháp vào lòng, bằng cách hành thiền” – hành thiền và tham gia các pháp tu liên quan đến giáo pháp, hay phong cách cụ thể nào phù hợp với mình.
  7. “Giải thích giáo pháp” - nếu như mình có thể giải thích một giáo pháp nào, hoặc nếu có thể chia sẻ nó và thảo luận với người khác, những người cũng có thể quan tâm đến loại giáo pháp này như mình, thì ta sẽ làm như vậy.
  8. “Trì tụng Kinh điển” - đó cũng là điều tạo ra nhiều cảm hứng. Trì tụng lớn tiếng những kinh sách liên quan đến chủ đề mà mình quan tâm đến - cho dù đó là puja (bài cúng dường), tán thán, Kinh điển hay bất cứ điều gì – là điều tạo ra nhiều cảm hứng, đặc biệt là khi mình làm điều đó với một nhóm người. 
  9. “Tư duy về ý nghĩa của kinh sách”, liên hệ đến chủ đề mà mình quan tâm, tư duy về nó trong ngày, bất cứ khi nào có cơ hội.
  10. “Thiền định về ý nghĩa của giáo pháp”, cố gắng chú tâm vào những điều này.

Đây là cách ta sẽ dành thời gian tu học một giáo pháp cụ thể nào mà mình cảm thấy lôi cuốn trong đạo Phật. Và ta sẽ làm điều đó mà không chối bỏ hay xem thường các loại giáo pháp khác mà Đức Phật đã thuyết giảng.

Có rất nhiều điều có thể được liệt kê trong danh sách này: sao chép giáo pháp, ghi chép lại những giáo pháp mà mình đã thọ nhận, để người khác có thể sử dụng, v.v ... Đó cũng là những Pháp hành. Cách tốt nhất để quen thuộc với giáo pháp là ghi chép những điều đó lại, sau buổi thuyết pháp.

Kệ Số 24: Hồi Hướng Công Đức

Hồi Hướng Công Đức Cho Giác Ngộ Và Tha Nhân

Hãy hồi hướng thiện nghiệp đã tích tập trong cả ba thời, cho quả vị giác ngộ vô song cao cả, và chia sẻ công đức với chúng sinh.  

Nếu như không hồi hướng thiện hạnh mà mình đã tạo tác cho giác ngộ, thì ta sẽ chỉ tích tập công đức để cải thiện tình huống trong luân hồi. Do đó, điều quan trọng là hồi hướng những hành vi ấy - những gì mình đã làm trong quá khứ, những gì mình hiện đang làm, những gì ta sẽ làm trong tương lai - cho giác ngộ, và chia sẻ công đức ấy với tất cả chúng sinh. Vậy thì ta sẽ không chỉ hồi hướng cho giác ngộ của riêng mình, mà còn cho sự giác ngộ của tấc cả chúng sinh nữa.

Ngoài ra thì hãy chia sẻ công đức của mình với người khác. Nếu như mình đã học hỏi được điều gì, nên đã tích tập được công đức từ việc đó, thì ta sẽ chia sẻ nó. Nếu như mình có người quen ở Ấn Độ, ví dụ vậy, và biết cách để tạo điều kiện thích hợp cho việc tu học ở đó, v.v..., thì mình sẽ cung cấp thông tin và giới thiệu người quen cho người khác. Đó là chia sẻ công đức, chia sẻ vận may mà mình có được, để người khác cũng được lợi lạc.

Để tích tập công đức này thì A Đề Sa nói rằng:

Cúng Dường Thất Chi Nguyện, Để Tích Tập Công Đức

Hãy luôn dâng lời cầu nguyện cao cả bằng thất chi nguyện. 

Đây là điều mà ngài Tịch Thiên cũng nhấn mạnh. Thất chi nguyện bao gồm (1) lễ lạy, (2) cúng dường, (3) sám hối nghiệp chướng và áp dụng lực đối trị, (4) tùy hỷ công đức, (5) thỉnh chuyển Pháp luân, (6) ) thỉnh Thầy trụ thế, và (7) hồi hướng.

Kệ Số 25: Thành Tựu Giác Ngộ Nhờ Viên Mãn Hai Bồ Tư Lương

Nhờ cách tu tập này, hai bồ tư lương công đức và trí tuệ sẽ thành tựu viên mãn, hai loại ám chướng được loại trừ.

Khi thực hành loại pháp tu này, chẳng hạn như thất chi nguyện, thiền quán thêm về thập thiện và thực hành chúng, v.v..., thì ta sẽ tích tập hai bồ tư lương công đức và trí tuệ, cái gọi là “tư lương công đức và trí tuệ", và sẽ củng cố chúng. Trong quá trình này thì hai loại ám chướng cũng sẽ được loại trừ, phiền não chướng ngăn cản giải thoát, và sở tri chướng ngăn cản giác ngộ.

Khiến cho thân người này có ý nghĩa, và đưa đến thành tựu quả vị giác ngộ vô song. 

Kệ Số 26 và 27: Thất Thánh Bảo

Sau đó, trong câu kệ 26, A Đề Sa nói về thất thánh bảo, bảy viên bảo châu đưa ta đến trạng thái của một thánh nhân, trạng thái trực tiếp chứng ngộ tánh Không. Đây là những bảo châu mà ngài đã đề cập trước đây:

Danh Sách Thất Bảo

Bảo châu tín tâm, bảo châu trì giới, bảo châu bố thí, bảo châu tu học, bảo châu tự chủ, và bảo châu đức hạnh, cộng với bảo châu trí bát nhã là bảy. 
Những bảo châu thiêng liêng này là bảy bảo châu không bao giờ cạn kiệt.

Chúng sẽ không bao giờ cạn kiệt. Khi nói về bảo châu thì không nên nghĩ về một viên ngọc, mà đúng hơn là nên nghĩ đến một kho báu mà mình đang tích lũy càng ngày càng nhiều.

Khi sự hiểu biết của mình về giáo pháp càng phát triển thêm, thì tín tâm vào sự thật được giảng dạy trong giáo pháp càng vững mạnh hơn - (1) bảo châu tín tâm - càng phát triển và trở thành một kho tàng to lớn hơn.

Rồi đến (2) trì giới – càng ngày càng kềm chế nhiều hành vi tiêu cực hơn, và dấn thân vào các hoạt động tích cực nhiều hơn, chẳng hạn như hành thiền và giúp đỡ người khác - ngày càng tích lũy nhiều hơn, như một kho tàng.

(3) Bảo châu bố thí – bố thí tài vật cho người khác (tài thí), cho họ thời gian và sức lực của mình, thuyết pháp và cho họ lời khuyên (Pháp thí), giúp cho họ không sợ hãi (vô úy thí). Vô úy thí không chỉ có nghĩa là cứu mạng, khi họ bị chết đuối; điều đó cũng có nghĩa là họ không phải lo sợ về mình. Họ không phải lo sợ là mình muốn lấy món gì của họ, hoặc sẽ chối bỏ, hay bỏ mặc họ. Chúng ta có tâm bình đẳng, nên sẽ bố thí tâm bình đẳng. Ta cũng bố thí lòng từ cho họ, mong họ được hạnh phúc. Ta có thể tích tập hạnh bố thí này ngày càng nhiều hơn, mở rộng nó nhiều hơn, để bao trùm càng ngày càng nhiều chúng sinh hơn.

(4) Bảo châu lắng nghe. Càng nghe thuyết Pháp và nghiên cứu nhiều hơn, bởi vì điều hiển nhiên là mình phải tư duy và thiền quán về giáo pháp - và càng nhớ nhiều giáo pháp hơn, thì kho tàng của hạnh lắng nghe sẽ ngày càng to lớn hơn.

Sau đó là (5) bảo châu tự chủ và (6) bảo châu đức hạnh. Đây là hai yếu tố - hai bảo châu - tạo ra nền tảng cho việc trì giới. Đây là những điều luôn luôn hiện diện trong một tâm trạng thiện hảo.

Trước hết thì mình có đạo đức. Chúng ta sẽ tôn trọng chính mình, tôn trọng Phật tánh của mình, nên mới quan tâm về cách hành vi của mình phản ánh về con người mình ra sao: “Tôi rất tôn trọng tự thân và Phật tánh của mình, nên sẽ không hành động như một thằng ngốc; tôi sẽ không tạo ác nghiệp.”. Thường thì khi người ta không có lòng tự trọng, khi họ mất đi điều này, là điều thường xảy ra trong những cuộc xung đột ở nhiều nơi trên khắp thế giới, thì người ta sẽ không quan tâm đến những điều họ làm. Họ trở thành người đánh bom tự sát, hay bất cứ điều gì. Họ không có lòng tự trọng, không có cảm giác về giá trị tự thân, nên nghĩ rằng mình cũng nên làm kẻ đánh bom tự sát. Mặt khác, khi có cảm nhận về giá trị tự thân, về phẩm giá đạo đức này, thì ta sẽ kềm chế những hành vi tiêu cực. Ta sẽ nghĩ rằng, “Tôi sẽ không hạ thấp bản thân mình, bằng những hành động như vậy.”.

Sau đó, yếu tố khác là quan tâm đến cách hành động của mình phản ánh về người khác. Chúng ta rất tôn trọng cha mẹ, thầy cô, bạn bè, tôn giáo, giới tính, đất nước của mình, hay bất cứ điều gì, nên sẽ nghĩ rằng, “Nếu như mình hành xử một cách tệ hại, thì người ta sẽ nghĩ gì về gia đình mình?”, “Họ sẽ nghĩ gì về đạo Phật, vì đúng ra thì mình là một Phật tử?”, “Họ sẽ nghĩ gì về những người đến từ quốc gia của mình?” và vân vân.

Hai yếu tố này tạo ta nền tảng giới luật, và chúng có thể ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Sau đó (7) bảo châu trí tuệ là có thể phân biệt không chỉ về cách các pháp tồn tại và không tồn tại, mà còn phân biệt giữa những gì có lợi và có hại, những điều hữu ích và phá hoại, đâu là cách sử dụng thời gian một cách tốt đẹp, và đâu là cách lãng phí thời gian.

Những bảo châu thiêng liêng này là bảy bảo châu không bao giờ cạn kiệt. Chúng không bao giờ cạn kiệt. Cũng không thể bị đánh cắp.

Giữ Kín Việc Tu Tập 

Đừng tiết lộ những điều này với phi nhân.                                                   

Phi nhân” nói về ma quỷ ám hại, có thể tạo ra chướng ngại. Trên cơ bản thì điều này nói rằng không nên đi khoe khoang, “Tôi đã nghiên cứu rất nhiều”, hay “Tôi rất có kỷ luật”, hay “Tôi có tín tâm rất mãnh liệt”, vì việc này chỉ mời mọc thêm chướng ngại cho mình. Hãy trân trọng giữ gìn những bảo châu thiêng liêng ở bên trong. Đừng khoe khoang hay khoác lác. Cũng không phải đeo chúng trên cổ như đồ trang sức, để gây ấn tượng với ai. Chỉ cần sở hữu chúng trong nội tâm.

Vần kệ cuối cùng chắc chắn là câu trứ danh nhất trong tác phẩm này, và rất thường được trích dẫn:

Kệ Số 28: Những Điều Tối Quan Trọng Khi Có Mặt Người Khác, Và Khi Ở Một Mình

Ở chốn đông người, hãy giữ gìn lời nói; lúc đơn độc, hãy giữ gìn tâm thức.  

Đây là lời khuyên tuyệt vời nhất. Đâu là những điều mà mình phải xem chừng và sửa chữa, nếu như mình bắt đầu đi theo chiều hướng tiêu cực?

Khi có mặt với người khác, thì hãy xem chừng lời nói. Có phải mình đang nói điều gì ngu ngốc không? Có phải mình đang nói điều gì làm tổn thương người khác? Có phải mình đang nói điều gì sai lầm? Có phải mình đang khoe khoang? Có phải mình đang khoác lác? Có phải mình đang phàn nàn? Chúng ta đang làm gì vậy? Thế thì hãy canh chừng lời nói của mình. Nếu như mình sắp nói điều gì thật là ngu ngốc, thì một là sửa sai những điều mình sắp nói, hai là giữ im lặng.

Khi ở một mình thì hãy xem chừng tâm trí của mình. Hãy theo dõi những gì mình đang suy nghĩ và cảm nhận. Vậy thì không phải là chỉ canh chừng những ý nghĩ tản mạn, mà còn theo dõi những tâm trạng và cảm xúc đang phát sinh. Rồi khi nhận thấy điều gì tiêu cực, hay phiền não phát sinh, thì hãy cố áp dụng các pháp đối trị.

Đây là lời khuyên tốt nhất. Nó tổng hợp toàn bộ đường tu. Như tôi nói, đây là một câu kệ rất lừng danh, và nó đã kết thúc bản văn.

Cách Kết Hợp Những Điểm Này Vào Đời Sống Hàng Ngày

Còn về việc bắt đầu kết hợp những điểm này vào cuộc sống hàng ngày, thì tôi nghĩ rằng nếu như đọc nó mỗi ngày có thể hữu ích, đặc biệt là khi bản văn không quá dài, hay cách một ngày đọc một lần, vân vân, để quen thuộc với những điểm khác nhau. Nếu như bạn làm như vậy, thì khi rơi vào một tình huống giống như những gì được đề cập trong những câu này, thì ta sẽ nhớ đến điểm này, bởi vì mình đã đọc đi đọc lại, đã quen thuộc với nó.

Không thể nói rằng điểm nào trong bài này quan trọng hơn điểm khác. Tất cả những điểm này đều liên quan đến việc học cách phát bồ đề tâm, học hỏi những điều gì là hữu ích, và đặc biệt là những điều gì không hữu ích. Khi có thể nhận ra những điều gì không hữu ích, thì ta sẽ cố gắng áp dụng lời khuyên được nêu ra ở đây. Vì vậy, khi cảm thấy rất cô đơn và quyến luyến với người khác, chẳng hạn vậy, thì ta sẽ nghĩ rằng việc dành nhiều thời gian cho họ sẽ khiến mình phân tâm, và cản trở việc tu tập của mình. Mặt khác, khi có rất nhiều người xung quanh, thì ta sẽ nghĩ về cách để giúp họ. Mỗi khía cạnh của giáo pháp này liên quan đến một tình huống khác nhau. Vì vậy, bất cứ khi nào một tình huống xảy ra, khi mà ta có thể áp dụng một trong những điểm này, thì mình sẽ áp dụng nó.

Việc đọc những điều như vậy mỗi ngày là tốt. Không nhất thiết phải đọc bài này, nhưng nếu như đây là một bài pháp mà mình thấy đặc biệt hữu ích, thì hãy đọc nó. Sau đó, tùy theo sinh hoạt trong ngày của mình đã diễn ra như thế nào, thì điểm này hay điểm khác sẽ có vẻ liên hệ đến kinh nghiệm của mình hơn, và ta sẽ dừng lại ở điểm đó, để suy nghĩ về nó. Đó là một cách tu tập. Giống như trì tụng mật chú bằng một chuỗi tràng hạt, thì ta có thể đọc qua các câu kệ, và lướt qua các điểm một lần. Khi làm như vậy thì ta sẽ luôn tự nhắc nhở mình về những điểm này. Tôi nghĩ điều này sẽ giúp cho mình quen thuộc với bài pháp nhiều nhất.

Sau đó thì mình sẽ nghĩ về bài pháp. Có nhiều cách để làm việc đó. Cách của riêng tôi là thông dịch. Nếu như mình dịch hay viết ra những giáo pháp này, hay điều gì tương tự, thì bắt buộc phải nghĩ về chúng. Nếu như mình ghi chép trong giờ học, thì khi về nhà, ta có thể viết chúng xuống một cách tốt hơn. Khi làm như vậy thì mình sẽ có nhiều cơ hội hơn để suy nghĩ về những điều này, đặc biệt là nếu như mình đang nghĩ về cách chúng có thể giúp đỡ người khác. Dù chúng có thể giúp ích cho họ hay không thì không thành vấn đề. Điều quan trọng là mình có động lực như vậy. Thật khó khăn khi chỉ ngồi tư duy trong khi thiền quán, và có thể duy trì sự quan tâm và chú ý. Tuy nhiên, việc ghi chép giáo pháp hay thông dịch chúng thật sự cho mình cơ hội để suy tư về chúng một cách sâu sắc hơn.

Tôi thấy việc thông dịch cực kỳ hữu ích đối với việc này. Tôi đã làm việc với một bản dịch mới về tác phẩm của ngài Tịch Thiên, bằng cả tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Mặc dù tôi đã giảng dạy tác phẩm này, dạy rất chậm rãi và cẩn thận trong một vài năm trước, nhưng bây giờ thì tôi lại ôn lại nó một lần nữa. Tôi đang xem xét từng chữ một, bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng, và thật sự gặp khó khăn khi quyết định cách nào để chuyển dịch nó một cách tốt nhất, và để hiểu cách người Tây Tạng hiểu nó như thế nào, đâu là sự khác biệt giữa hai phiên bản có ngôn ngữ khác nhau, vân vân. Nó đã trở nên quen thuộc hơn với tôi, đến nỗi bây giờ, tôi có thể nhớ rất nhiều các vần kệ này. Thế thì việc đọc một bài pháp mỗi ngày, hay một phần trong bài mỗi ngày, và lặp đi lặp lại nhiều lần như thế sẽ rất hữu ích. Mình sẽ quen thuộc với nó hơn nhiều.

Có rất nhiều thủ thuật nhỏ như thế. Ugyen Tseten Rinpoche đã đưa ra một ví dụ rất hay. Ngài nói rằng khi ngài trì tụng những bài pháp này, là điều mà tất cả những người Tây Tạng đều làm, thì ngài sẽ tụng từng dòng, hay mỗi cụm từ ba lần liên tục. Nếu như trì tụng như thế, thì ta sẽ thật sự nghĩ về mỗi điểm. Chúng ta có thể lướt qua bài tụng rất nhanh, đặc biệt là khi mình đã tụng chúng mỗi ngày, trong nhiều năm. Nhưng điều nguy hiểm là mình sẽ lướt qua với tốc độ quá nhanh, mà không nghĩ về bất kỳ điểm nào trong đó. Nhưng nếu như mình tụng từng cụm từ, hoặc mỗi một dòng ba lần, trước khi tụng tiếp câu sau, thì sẽ có thời gian để tư duy về nó, hoặc hình dung ra những điều nó đang nói đến, vân vân. Đó là một lời khuyên rất hữu ích từ một vị Lạt ma vĩ đại, Ugyen Tseten Rinpoche, hiện nay đã khoảng 90 tuổi, từ kinh nghiệm trong đời sống của ngài.

Vậy thì khi bạn đọc một tác phẩm như thế này, thì lời khuyên cũng giống như vậy. Nếu như có thời gian thì chúng ta có thể tụng mỗi một dòng ba lần, để tư duy về từng dòng. Không phải đọc cả bài, nếu như điều này quá khó khăn, nhưng có thể đọc chỉ một vài câu kệ. Như ngài Tịch Thiên đã nói trong một vài câu kệ đầu tiên, “Tôi viết bài này để giúp cho tâm mình quen thuộc, và nếu như người khác thấy nó hữu ích, thì rất tốt.”. Thế thì trong việc tu tập, số lượng không phải là điều quan trọng, mà là chất lượng. 

Tóm Tắt

Tôi thật sự rất vui, khi có cơ hội để chia sẻ giáo pháp này, và lời giảng giải từ Geshe Ngawang Dhargyey. Tôi đã thọ nhận giáo pháp này nhiều năm trước, đó là năm 1973. Rất may mắn là tôi đã ghi chép lại. Và nếu như các bạn đã ghi chép lại, thì ba mươi năm sau, bạn cũng có thể giải thích nó cho những người khác, cho các thế hệ tương lai. Đây là những giáo pháp rất quý báu và rất, rất là hữu ích.

Đọc và nghe bản chánh văn "Hoa Nghiêm Bảo Châu Của Bồ Tát" của A Đề Sa.

Top