Học Phật Để Làm Gì?

Khi nói về thiền trong bối cảnh đạo Phật thì chúng ta đang nói về điều gì khá cụ thể. Ngày nay, chúng ta thường nghe chữ “thiền” ở tất cả các nơi, bởi vì nó có tiếng tăm khá tốt, và nhiều người đang sử dụng nó như một cách trợ giúp để thư giãn và vân vân. Tuy nhiên, khi thực sự hành thiền thì hầu hết mọi người thường không biết phải làm gì. Có ý kiến cho rằng chúng ta phải ngồi xuống và giữ im lặng, nhưng sau đó thì sao? Liệu mình có nhiều việc phải làm hơn là chỉ tập trung vào hơi thở và có những ý nghĩ tử tế hay không?

Chữ thiền trong tiếng Phạn có ý nghĩa là làm cho điều gì trở thành hiện thực. Người Tây Tạng đã phiên dịch nó thành một chữ có nghĩa là tạo dựng một tập khí nào đó. Khi tạo ra thói quen thì ta sẽ giúp cho điều gì trở thành một phần của bản thân mình, và đó chính là những gì mình đang cố gắng thực hiện với việc hành thiền. Chúng ta muốn đem lại một sự thay đổi có ích cho bản thân mình. Câu hỏi đầu tiên mình cần phải đặt ra là tại sao chúng ta lại muốn thay đổi? Thông thường là vì ta không hài lòng với cách mình đang sống, hoặc cách mình cảm nhận, hay cách mình liên hệ với người khác, hay công việc của mình. Danh sách sẽ tiếp tục, nhưng mục đích của hầu hết chúng ta là cải thiện đời sống.

Xử Lý Vấn Đề, Thay Vì Trốn Tránh Nó

Đây là một điểm quan trọng, là mình muốn thay đổi và cải thiện. Không phải chúng ta muốn trốn tránh ở một vùng đất giả tưởng qua việc hành thiền; có rất nhiều phương pháp khác, như ma túy và rượu, mà ta có thể sử dụng để làm điều đó. Có thể nghe nhạc cả ngày, để không phải nghĩ về bất cứ điều gì. Thông thường, khi có sự tác động của những điều như vậy thì vấn đề của mình dường như không diễn ra một cách mạnh mẽ hay rất thật so với thường ngày. Nhưng vấn đề luôn luôn quay trở lại, bởi vì mình chưa thật sự học cách đối phó với chúng. Nhiều người sử dụng thiền như một loại thuốc, nhưng nó không giúp ích về lâu dài. Chúng ta có thể rung chuông và đánh trống, hơi giống Phật giáo Disneyland, nhưng điều này không thật sự khuyến khích bất kỳ sự thay đổi nào trong chúng ta, vì nó chỉ là một lối thoát.

Tuy nhiên, nếu như hành thiền theo dụng ý trong truyền thống đạo Phật thì chúng ta không cố gắng trốn tránh vấn đề, mà là giải quyết và khắc phục chúng. Thật ra đó là điều rất can đảm và đòi hỏi nhiều nỗ lực, bởi vì nó không dễ dàng. Chúng ta cũng cần phải chuẩn bị tinh thần rằng điều này không nhất thiết phải hào hứng. Có thể so sánh nó với việc rèn luyện thân thể, nó vất vả và cơ bắp thì đau, nhưng mình vẫn sẵn sàng chịu đựng khó khăn này, để trở nên mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn.

Nó cũng giống như vậy khi hành thiền, ngoại trừ vấn đề là mình làm việc với tâm thức, chứ không phải cơ thể. Có một số hình thức đạo Phật mà bạn có sự kết hợp giữa thiền với hoạt động cơ thể, giống như với võ thuật, nhưng không phải trong truyền thống Tây Tạng. Không có gì sai trái đối với việc rèn luyện cơ thể. Trên thực tế, điều này rất hữu dụng. Tuy nhiên, ở đây, điểm chánh là tâm thức, không chỉ trí tuệ mà là cảm xúc và trái tim của mình. Các đạo sư Phật giáo vĩ đại nhấn mạnh rằng khi bắt đầu thực hành giáo pháp thì điều cơ bản nhất là điều phục tâm, bởi vì cách chúng ta hành động, cư xử và giao tiếp với người khác đều do tâm trạng của mình quyết định.

Xem Xét Bản Thân Một Cách Trung Thực

Chúng ta nhận thức là mình có những khó khăn trong cuộc sống, và thấy rằng nguồn gốc của vấn đề này là điều gì đó bất toại nguyện trong tâm mình. Nếu như quán sát bản thân một cách trung thực thì ta sẽ thấy rằng mình có rất nhiều cảm xúc phiền não, từ sân hận đến tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, luyến ái, kiêu hãnh, ngây thơ, và danh sách này cứ tiếp tục như vậy. Nếu đi sâu hơn nữa thì ta sẽ thấy có một chút bất an và bối rối về vấn đề đời sống là gì. Dường như những cảm xúc phiền não này chi phối tâm trạng của mình, và khiến mình cư xử, nói năng và liên hệ với người khác bằng những cách sẽ tạo ra vấn đề cho mình và cho họ. Ngay cả khi ở một mình thì tâm trí của ta thường không được thoải mái, chạy đua với đủ thứ suy nghĩ phiền não. Nói một cách đơn giản là mình không thấy vui vẻ.

Thiền có chủ ý đem lại sự thay đổi cho tình huống này. Nó không có nghĩa là chỉ uống một vài thứ thuốc để không nghĩ về bất cứ điều gì. Đó không phải là một giải pháp, ngay cả khi một số người xem thiền là như vậy. Họ nghĩ rằng nếu bạn chỉ ngồi xuống, nhắm mắt lại và dẹp bỏ mọi việc thì dù sao đi nữa, tất cả những vấn đề của họ sẽ biến mất. Điều này không hữu hiệu. Thay vì vậy, chúng ta cần phải chủ động tấn công vấn đề của mình.

Tìm Kiếm Kẻ Thù Thật Sự

Chúng ta thường thấy văn học Phật giáo sử dụng ngôn ngữ rất mạnh mẽ để mô tả phiền não như kẻ thù thật sự của mình. Điều đó không phải là biến chúng thành một loại quái vật mà ta phải sợ hãi hay lo sợ vì hoang tưởng. Thay vì vậy, ta sẽ nhận thức rằng đây là những gì mình phải cải thiện. Chúng ta có những kinh sách rất hay trong nhà Phật, nói với những kẻ gây rối này rằng, “Ta đã chịu đựng các ngươi đủ rồi.  Các ngươi đã tạo cho ta tất cả những khó khăn và rắc rối này. Giờ đây, thời giờ của các người đã chấm dứt.”.  Thế là chúng ta xắn tay áo lên, ngồi xuống và cố thay đổi tâm mình. Đó là bản chất thật sự của thiền.

Nói một cách đơn giản thì thiền là một phương pháp mà mình sử dụng để rèn luyện bản thân, đối với việc tạo dựng những tập khí có lợi và thay đổi những tập khí xấu của mình. Đây là những tập khí về cách mình suy nghĩ, cảm nhận và phản ứng bằng cảm xúc đối với sự việc. Điều này đòi hỏi việc rèn luyện và lặp đi lặp lại, đó là một phương pháp khoa học. Giống như khi mình tập luyện những môn điền kinh, hoặc chơi một nhạc cụ, hay nhảy đầm. Lúc đầu thì mình cảm thấy khá giả tạo, nhưng sau khi đã làm quen với điều gì thì nó sẽ trở nên rất tự nhiên đối với mình. Điều đó cũng giống như vậy, đối với những gì mình thực hiện bằng tâm thức, cảm xúc và cảm nhận của mình.

Liệu Thay Đổi Có Thể Xảy Ra Hay Không?

Bây giờ, một câu hỏi lớn xuất hiện. Liệu mình có thể thật sự thay đổi hay không? Thật ra, nếu muốn thay đổi bản thân thì trước tiên, chúng ta cần phải tin rằng điều đó có thể thực hiện được. Chúng ta thường thấy có những người nói rằng, “Đây là cung cách của tôi và nó là như vậy. Tôi không thể làm gì để thay đổi nó, nên tôi phải chấp nhận sống với nó.”, hay “Tôi là một người hay giận dữ, tôi rất nóng tính và đó là cung cách của tôi.”.  Nếu mình đồng hóa bản thân với điều gì một cách mạnh mẽ thì tự nhiên là sẽ khó thay đổi vấn đề.

Chúng ta phải nhìn vào bản thân một cách trung thực. Tại sao ta lại đồng hóa mình với những điều nào đó? Nếu mình thật sự là một người hay nổi giận, thì có phải lúc nào  mình cũng nên tức giận hay không? Ta cũng có thể đổ lỗi cho người khác: Tôi giận dữ vì cha mẹ tôi đã làm điều này hay điều kia. Điều này thật sự không giúp ích gì. Nếu nhìn sâu hơn thì chúng ta có thể cố tìm ra cảm xúc thật sự bắt nguồn từ đâu. Ngay cả khi ta nói với chính mình mỗi ngày rằng, “Đừng giận dữ, đừng tham lam, đừng ích kỷ”, nhưng rất khó để thật sự chấm dứt những điều này, đúng không? Vậy thì phải tìm một phương pháp để giúp mình thay đổi cách mình cảm nhận vấn đề.

Thái Độ Của Mình Ảnh Hưởng Tất Cả Mọi Việc

Đạo Phật nói rằng những điều tiềm ẩn đằng sau cảm xúc là những gì ta có thể gọi là “thái độ” của mình. Đó là cách mình nhìn mọi việc. Hãy tưởng tượng mình bị mất việc. Ta có thể xem đây là một thảm họa, rồi tức giận và chán nản. Tại sao? Bởi vì vào thời điểm đó, mình nghĩ rằng đó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trên thế giới.

Mình đã mất việc, đó là một sự thật. Ta không thể thay đổi điều đó. Những gì có thể thay đổi là cách mình nhìn sự việc đó, và thái độ có nghĩa là như vậy. Thế thì ta có thể cố nhìn nó khác đi, bây giờ thì mình có thể dành nhiều thời gian hơn với con cái, hay nghĩ về việc thay đổi nghề nghiệp. Đúng là nó có thể không giúp ích gì về mặt kinh tế, nhưng ít nhất thì mình không cảm thấy quá tồi tệ như trước đây. Thế thì đây là những gì ta có thể chú tâm vào trong thời thiền, về cách mình nhìn sự việc, bởi vì đây là điều ảnh hưởng đến cách mình cảm nhận vấn đề.

Người bạn thân nhất của tôi vừa qua đời tuần trước. Thật là buồn. Tôi thấy buồn vì chuyện này, đó là một điều lành mạnh; không có gì sai trái với điều này. Dĩ nhiên là tôi không vui vì anh ấy chết! Nhưng làm sao tôi có thể đối phó với tâm trạng của mình ở đây? Một tuần trước khi anh qua đời, tôi có cảm giác nên gọi điện thoại cho anh ấy, nhưng tôi đã không làm được điều đó. Anh ấy hoàn toàn khỏe mạnh, đi tắm, rồi lên cơn đau tim và chết trong lúc đang tắm. Nó hoàn toàn bất ngờ, và quá bất ngờ. Dĩ nhiên, tôi có thể vô cùng hối tiếc vì đã không nói chuyện với anh ấy, khi tôi nghĩ về điều này một tuần trước đó, hoặc có thể khá giận mình, khi nghĩ về tất cả những điều tôi muốn nói với anh, nếu tôi biết anh sẽ chết. Việc suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến kết quả là tôi sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nhiều.

Thay vì vậy, tôi đã nhớ lại tất cả những khoảng thời gian vui vẻ mà chúng tôi đã có với nhau, và đã chia sẻ bao nhiêu điều tuyệt vời - chúng tôi đã là bạn bè trong 35 năm - và tôi thật vinh dự được quen biết, gần gũi một người tuyệt vời như vậy. Có lẽ anh ấy là một hành giả tu tập Pháp chân thành và chân chính nhất trong số những người Tây phương nào mà tôi đã quen biết. Tôi coi anh như một nguồn cảm hứng tuyệt vời, để tôi tiếp tục mạnh mẽ hơn với việc tu tập của mình. Giống như khi anh ấy chăm sóc vợ của anh, tôi cũng biết rằng anh sẽ cảm thấy rất an ủi, nếu anh ấy biết rằng giờ đây, tôi đang làm điều đó, nên tôi đang thực hiện nó.

Đây là kết quả của thiền. Bạn không có được sức mạnh siêu nhiên hay bất cứ điều gì kỳ lạ. Những gì bạn có được là khi đối diện với một tình huống khó khăn và thấy mình rơi vào trạng thái tiêu cực, không vui thì trước hết, bạn có đủ sự thấu hiểu để biết rằng, nếu bạn cứ tiếp tục như vậy thì nó sẽ khiến cho sự việc tồi tệ hơn. Chúng ta sẽ biết những cách tốt hơn để thấu hiểu những tình huống khó khăn này, và khi tu tập đủ thì ta có thể hoàn toàn thay đổi cách mình nhìn sự việc. Có thể ta vẫn thấy buồn, giống như tôi đã buồn khi mất đi người bạn, nhưng chúng ta có thể kết hợp những ý tưởng để tạo thêm một niềm vui nào đó, để làm vơi đi nỗi buồn.

Video: Tsenshap Serkong Rinpoche đời thứ Hai — “Vì Sao Học Phật?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Vững Tin Về Tiềm Năng Của Chính Mình

Thế thì chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi, liệu mình có khả năng thay đổi cách nhìn sự việc hay không? Và câu trả lời là có. Nếu bạn nhìn vào những gì mình thấy rất thú vị và tuyệt vời khi còn nhỏ, thì bây giờ chúng có vẻ khá ngớ ngẩn, ngu ngốc và nhàm chán. Thái độ của ta đã thay đổi rất nhiều, khi mình già đi. Một khi mình tin rằng nó cũng có thể thay đổi hơn nữa, thì phải thật sự học hỏi một số phương pháp để làm như vậy. Điều này có ba bước:

  • Có được thông tin chính xác - cần tìm hiểu về những gì sẽ trở thành một tập khí có lợi hơn, xuất phát từ việc lắng nghe, đọc hay học hỏi về nó. Bước này không có nghĩa là mình nhất thiết phải hiểu nó, nhưng có thể phân biệt đó là một phương pháp của đạo Phật.
  • Tư duy ý nghĩa của nó - cần phải xem xét thông tin mà mình có được, suy nghĩ và phân tích nó từ các góc độ khác nhau, để có thể hiểu nó. Chúng ta phải đi đến nhận thức rằng những điều mình đang xem xét là đúng, không chỉ là rác rến. Cũng cần phải tin tưởng rằng nó có lợi cho mình, và có thể kết hợp nó vào đời sống.
  • Hành thiền - bây giờ thì chúng ta đã sẵn sàng cho việc hành thiền, để tạo dựng những gì mình đã học và hiểu, thành một tập khí có lợi hơn.

Thông Tin Chính Xác Và Tư Duy Đúng Đắn

Việc có được thông tin chính xác không dễ như mình nghĩ. Có rất nhiều người tuyên bố rằng họ dạy những phương pháp xác thực trong đạo Phật; nhưng chỉ vì ai đó viết một cuốn sách và nó được xuất bản, không có nghĩa là nội dung của cuốn sách là đúng. Và chỉ vì một vị thầy có thể rất nổi tiếng hoặc có sức lôi cuốn, không có nghĩa là những gì vị thầy đó dạy là chính xác. Hitler rất lôi cuốn và rất nổi tiếng, nhưng những gì ông dạy rõ ràng là không đúng đắn.

Do đó, trong đạo Phật, điều được nhấn mạnh là nên sử dụng trí thông minh của mình. Điều gì phân biệt mình với động vật? Một con vật có thể được huấn luyện để làm nhiều việc, nhưng cái mà mình hơn chúng là trí tuệ. Chúng tôi có thể phân biệt được giữa những gì có lợi và những gì có hại. Ngay cả khi không hiểu gì vào lúc đầu, chúng ta có thể sử dụng trí thông minh để giải quyết mọi việc, đó chính là điều mình cần phải làm khi nghe hay đọc giáo pháp.

Tất cả những điều Đức Phật dạy đều chủ ý làm lợi lạc cho người khác. Nhưng chúng ta vẫn có thể tự phối kiểm xem những điều Ngài dạy có lợi hay không. Đối với điều này, cũng cần phải xem xét hậu quả lâu dài, bởi vì những hậu quả ngắn hạn có thể không dễ chịu lắm. Nó giống như một số phương pháp trị liệu y khoa không dễ chịu chút nào khi mình phải trị bệnh, nhưng lại có lợi ích lâu dài, giống như phương pháp hóa trị đối với bệnh ung thư.

Nếu như chưa thực hiện những điều ở trên, như khảo sát giáo pháp và kết hợp nó vào đời sống và kinh nghiệm của chính mình, thì làm sao ta có thể thật sự thiền quán về nó? Giống như mua một món gì mà không nghĩ đến việc mình có cần, hay muốn nó hay không, và thật sự nó có tốt hay không.

Hành Thiền

Dĩ nhiên là quá trình tư duy về giáo pháp rất có lợi, và một số người có thể đã gọi đây là một hình thức thiền. Nhưng cái mà chúng ta có thể gọi là “thiền” một cách nghiêm chỉnh hơn là một quá trình kết hợp tâm thái lợi lạc hơn vào cách sinh hoạt, vào đời sống bình thường của mình. Điều này đòi hỏi hai bước:

  • Thiền quán - giai đoạn đầu tiên này thường được gọi là “thiền phân tích”, đó là khi mình tập trung vào một điều gì với một thái độ đã được cải thiện, phân biệt tất cả các chi tiết và yếu tố hỗ trợ một cách chi ly.
  • Thiền định - giai đoạn thứ hai là khi không còn chủ động phân biệt tất cả các chi tiết, mà chỉ tập trung vào đối tượng một cách chăm chú hơn, với kết luận chính từ sự phân tích, là thái độ của mình đối với đối tượng.

Nhiều người, khi bắt đầu hành thiền, sẽ học cách chú tâm vào hơi thở. Ta sẽ làm lắng dịu tâm thức của mình, và tập trung vào hơi thở vào và ra. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật ra rất khó thực hiện. Ta đang cố gắng làm gì, khi tập trung vào hơi thở? Trước hết, chúng ta đang cố làm im giọng nói trong đầu, đem tất cả các loại cảm xúc và cảm giác phiền não đến cho mình. Điều này giống như việc loại bỏ tiếng rè trong âm thanh, nhưng đồng thời, ta có thể tập trung vào hơi thở với một sự hiểu biết về những gì mình đã lắng nghe, tư duy và thấu hiểu. Đây là lúc mà thiền quán và thiền định có mặt. Chẳng hạn như ta có thể xem hơi thở như sự minh họa của vô thường, vì nó thay đổi trong mọi lúc. Hoặc ta có thể nhìn vào thực tế là không có một cái “tôi” riêng biệt với hơi thở, nói cho cùng thì ai là người đang thở? Nhưng cách phân tích như vậy có thể làm cho nó quá phức tạp đối với người mới bắt đầu hành thiền.

Một lần nữa thì vị trí tốt hơn để bắt đầu là nhìn vào chính mình. Chúng ta luôn luôn chịu áp lực rất lớn, từ công việc, gia đình, xã hội nói chung, nên tâm ta luôn luôn chạy đua với những lo âu và ý tưởng rắc rối. Thật khó để mà thư giãn! Vì vậy, đối với chúng ta, nếu chỉ cần cảm thấy thư giãn hơn và vững chãi hơn là điều rất lợi lạc. Mặc dù cuối cùng thì điều này không giải quyết được vấn đề, nhưng nó là bước đầu tiên có tính xây dựng. Bằng cách chú tâm vào hơi thở, ta có thể tiếp xúc với thực tại về cơ thể của mình, “Tôi còn sống!” Hơi thở là một dấu hiệu tốt về điều đó, bởi vì nó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi mình chết. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu thì hơi thở vẫn luôn ở đó. Nếu chúng ta có thể nhận thức rõ hơn về điều đó thì nó sẽ giúp ta hiểu rằng cuộc sống vẫn đang tiếp diễn; rằng không có vấn đề gì, và cuộc sống vẫn tiếp tục. Ngay cả điều này cũng hữu ích, giống như khi bạn tôi qua đời, bởi vì tôi hiểu rằng đời sống vẫn tiếp tục.

Thế thì mình có thông tin này, mình đã nghĩ về nó và hiểu nó, và tin rằng nó có ý nghĩa. Nó sẽ có ích hay không, khi bạn có thể thấy cuộc sống vẫn tiếp diễn, và kết nối nhiều hơn với cơ thể của mình, và không hoàn toàn lạc lõng trong những ý tưởng khiếp đảm và chán nản trong đầu? Vâng, nó sẽ có lợi. Tôi có khả năng tập trung và nhận biết hơi thở của mình không? Có, ngay cả khi chỉ tạm dừng hoạt động khác trong một hoặc hai giây thì mình có thể nhận thấy hơi thở, nó luôn luôn ở đó. Vì vậy, thậm chí không cần phải có một mức độ hiểu biết rất sâu sắc hay tinh vi. Tất nhiên là càng sâu thì càng tốt, nhưng bấy nhiêu đây là đủ để bắt đầu.

Quá Trình Hành Thiền

Chúng ta đã có sự hiểu biết về việc tập trung vào hơi thở, khi ta có hai tâm sở, đó là những tâm thái đi kèm với sự chú ý:

  • Tầm – chú ý đến điều gì ở mức độ thô sơ
  • – thấu hiểu điều gì ở mức độ rất chi tiết

Một ví dụ truyền thống được sử dụng để mô tả sự khác biệt giữa hai tâm thái này là nhìn vào một bức tranh. Với tầm (sự phát hiện thô sơ), ta sẽ nhận thấy rằng đó là một bức tranh, có lẽ là của ai đó. Khi biết điều này thì dường như tâm mình không nói lên điều này, mà chỉ nhìn là biết rồi. Đây là điều mà chúng ta sẽ gọi là “hiểu biết” trong ngôn ngữ chung. Với (sự phân biệt tinh tế) thì mình sẽ xem bức tranh một cách chi tiết hơn, và hiểu rằng đó là một bức tranh vẽ người này hay người kia, có những đặc điểm nào đó.

Đây là điều mình sẽ làm trong khi chú tâm vào hơi thở. Chúng ta sẽ phát hiện và hiểu rằng hơi thở là điều luôn luôn diễn ra, và nhận thức ra chi tiết là nó đi vào và ra lỗ mũi. Bất kể điều gì xảy ra, nó sẽ tiếp tục chừng nào mình còn sống, nên theo ý nghĩa đó thì nó ổn định, an toàn và đáng tin cậy. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi nó là “thiền quán”, bởi vì nó là điều mà mình chú ý đến một cách chủ động. Chúng ta không phân tích nó, mà chỉ xem và hiểu nó từ một quan điểm nào đó, theo một cách nào đó.

Bước thứ hai, thiền định, là khi không chủ động nhận thức theo cách này, mà chỉ cần biết điều đó. Đây là một tâm thái hoàn toàn khác biệt, giữa việc chủ động hiểu một điều gì đó và chỉ cần nhận biết nó. Ta sẽ hành thiền, và kết quả là cảm thấy vững chãi hơn nhiều, ổn định và an toàn hơn nhiều. Điều này sẽ xảy ra, nếu mình chịu tu tập hết lần này đến lần khác, và tốt nhất là mỗi ngày.

Áp Dụng Tu Tập Vào Đời Sống Hàng Ngày

Đặc biệt là ta sẽ cố nhớ đến hành trì này, khi cảm thấy bực bội. Đương nhiên là điều đó khó khăn, và chúng ta đã sử dụng ẩn dụ của việc rèn luyện thân thể trước đây, nhưng cuối cùng thì sự hiểu biết được khắc sâu trong tâm, đến nỗi lúc nào mình cũng biết điều đó. Ta luôn luôn biết rằng đời sống sẽ tiếp diễn, và ở một mức độ rất sâu xa thì không có vấn đề gì cả, dù bất cứ điều gì sẽ xảy ra. Ta sẽ hiếu biết điều này sâu sắc đến mức nó trở thành một thói quen, làm thay đổi cách mình nhìn cuộc sống. Đó là kết quả của thiền. Nếu có lỡ quên điều đó thì chúng ta luôn có thể chú tâm vào hơi thở một lần nữa, để nhắc nhở và làm mới chính mình. Điều mà mình sẽ làm là đem lại một sự thay đổi thật sự trong tâm thức, về cách đối phó với cuộc sống hàng ngày. Nó không phải là một sự trốn tránh vấn đề của mình bằng cách đi đến một cõi trong trí tưởng tượng, mà là một quá trình chủ động mà mình tuân theo, để có thể cải thiện trạng thái tinh thần và cảm xúc, và cuối cùng, cải thiện những tình huống mà mình gặp phải.

Những gì chúng ta vừa xem xét cũng có thể được xem là một phương pháp tâm lý rất tinh vi. Cách nhìn nó như vậy cũng tốt, nhưng nên cẩn thận, đừng nghĩ rằng đây là tất cả những gì thuộc về đạo Phật, chỉ là một hình thức khác của tâm lý học thôi. Đạo Phật còn có nhiều, rất nhiều điều hơn như nữa. Trong đạo Phật, chúng ta nhắm đến những điều xa hơn nữa, như giác ngộ, giúp đỡ mọi người, nhưng mình phải trải qua bước đầu tiên rất quan trọng này.

Tóm Tắt

Nếu chỉ đơn thuần cố trốn tránh khó khăn bằng cách nghe nhạc cả ngày, hay luôn luôn bận rộn, say sưa hoặc uống rượu để quên đi mọi việc thì quá dễ dàng. Những biện pháp tạm thời này không bao giờ giúp đỡ gì nhiều, và vấn đề tự nó luôn xuất hiện trở lại. Chỉ có cách thật sự tư duy rồi thiền quán về giáo pháp thì mới có thể hoàn toàn chuyển hóa cách mình nhìn bản thân, tha nhân, và những kinh nghiệm của mình. Mặc dù điều này sẽ không bao giờ giúp cho tất cả các vấn đề biến mất ngay lập tức, nhưng nó sẽ giúp ta đối diện với chúng, với sự hiểu biết rằng mình đủ mạnh mẽ để đối phó với chúng.

Top