Pháp Tu Sơ Khởi Và Luyện Tâm Bồ Đề

Điểm 1 và 2

Lojong” là từ ngữ Tây Tạng, thường được dịch là “luyện tâm”, nhưng tôi không thấy cách phiên dịch này thích hợp cho lắm, bởi vì nó có vẻ ngụ ý là một hoạt động trí thức đối với hầu hết mọi người. “Lo” có nghĩa là “thái độ”, còn “jong” nghĩa là “thanh tẩy” và “rèn luyện”, với ý nghĩa là đoạn trừ thái độ tiêu cực và tạo dựng thái độ tích cực hơn. Mục đích chủ yếu của pháp tu lojong là để thanh tẩy những thái độ tiêu cực trong tâm mình, và rèn luyện thái độ tích cực để thay thế chúng.

Pháp tu lojong ở Ấn Độ được A Đề Sa (Atisha) đưa vào Tây Tạng vào đầu thế kỷ 11, được kết hợp với truyền thống Kadam, rồi được sát nhập vào cả bốn trường phái của Phật giáo Tây Tạng. Trên thực tế thì những giáo lý này là một trong những giáo lý cơ bản, kết nối tất cả các truyền thống với nhau, với sự khác biệt đáng kể duy nhất giữa các luận giải khác nhau là việc diễn giải và giải thích về tánh Không của mỗi trường phái.

A Đề Sa đã thọ nhận truyền thống lojong từ thầy của ngài, Pháp Hộ (Dharmarakshita), là tác giả của Pháp Luân Vũ Khí Sắc Bén (Wheel of Sharp Weapon). Luyện Tâm Thất Điểm (Seven Point Mind Training) đã được Geshe Chekawa của truyền thống Kadam sáng tác khoảng một thế kỷ sau, với hai dòng truyền thừa giáo huấn xuất phát từ đệ tử của ngài, Geshe Lhadingpa. Một dòng truyền thừa đã được ban truyền đến Togme Zangpo, tác giả của 37 Pháp Hành Bồ Tát (37 Bodhisattva Practices) và được các phái Kagyu, Sakya và Nyingma noi theo. Dòng truyền thừa kia được ban truyền đến Tông Khách Ba (Tsongkhapa) gần ba thế kỷ sau đó, và được phái Gelug noi theo.

Hai dòng truyền thừa khác nhau về cách sắp xếp một vài dòng trong các vần kệ, và bao gồm một số dòng không được tìm thấy trong dòng truyền thừa kia. Ngay cả trong mỗi dòng truyền thừa còn có một vài phiên bản khác nhau của bản văn, và Đức Dalai Lama giải thích rằng những sự khác biệt này không đáng kể, bởi vì chủ ý của chúng đều giống nhau. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét phiên bản của Togme Zangpo, theo lời giải thích mà tôi đã thọ nhận từ Tsenshap Serkong Rinpoche, với một số điểm được bổ sung thêm từ Geshe Ngawang Dhargyey.

Đim Th Nhất: Pháp Tu Sơ Khi

Kính lễ tâm đại bi. Trước tiên, hãy hành trì pháp tu sơ khởi.

Điểm đầu tiên trong bảy điểm bao gồm các giáo pháp sơ khởi, là nền tảng chung cho tất cả giáo pháp Đại thừa. Đó là: kiếp người quý báu, vô thường và cái chết, rồi đến điều thường được gọi là “quy y”, nhưng đó là điều mà tôi gọi là “phương hướng an toàn”. Chúng ta không trông cậy vào Phật, Pháp, Tăng và nói rằng, “Xin cứu độ con!”, mà đúng hơn là sẽ hướng đời sống của mình theo phương hướng an toàn và tích cực mà Phật, Pháp và Tăng đã nêu ra. Sau điểm này thì có những giáo pháp về nghiệp, hay nhân quả. Cuối cùng là những khuyết điểm của luân hồi, nói về những tình huống bất tự chủ cứ tái diễn trong đời sống, đặc biệt là tái sinh. Vì ảnh hưởng của phiền não mà mình có hành vi bốc đồng, tạo ra những vấn đề cho bản thân hết lần này đến lần khác trong kiếp này và những kiếp tương lai.

Các pháp tu sơ khởi rất quan trọng, bởi vì chúng nuôi dưỡng một thái độ rất đặc biệt đối với cuộc sống, làm nền tảng cho tất cả các giáo pháp tiếp theo. Chúng ta sẽ quý trọng cơ hội quý giá mà mình có được trong kiếp sống này, và nhận ra rằng chúng sẽ không kéo dài mãi mãi. Điều này sẽ thúc đẩy việc tận dụng hoàn cảnh thuận lợi hiện tại, bằng cách tu tập để đoạn diệt tất cả các vấn đề và nguyên nhân tạo ra chúng, và là điều dẫn đến tâm mê lầm và đau khổ. Để thực hiện điều này thì phải tu tập theo luật nhân quả, không chỉ cầu nguyện để có thể đạt được mục tiêu nào đó mà không phải làm gì cả. Có lẽ hầu hết chúng ta đang tìm cách giúp cho kiếp luân hồi hiện tại của mình tốt đẹp hơn một chút, nhưng ở đây thì mục tiêu lại cao hơn. Chúng ta muốn cải thiện những kiếp tương lai như một bước trên con đường hướng về giải thoát, hoàn toàn thoát khỏi tất cả những khiếm khuyết, khó khăn và mê lầm của mình, không cần biết là phải mất bao nhiêu kiếp để thực hiện điều này.

Đối với hầu hết chúng ta thì điều này thật khó khăn. Thường thì mình không thật sự nghĩ về những kiếp tương lai, đừng nói gì đến việc giải thoát khỏi luân hồi. Nếu như không tin vào tái sinh thì làm sao mình có thể nhắm đến việc giải thoát khỏi điều đó? Làm sao mình có thể muốn đạt giác ngộ để giúp tha nhân cũng thoát khỏi luân hồi? Không có điều nào là dễ dàng cả, nếu như mình không có niềm tin sâu sắc về tái sinh.

Là người Tây phương thì bước đầu tiên chúng ta phải hiểu là lời giải thích của đạo Phật về tái sinh có nghĩa là gì. Ngay cả khi động lực của mình chủ yếu liên quan đến việc cải thiện kiếp sống này, thì ta vẫn có thể cởi mở với ý tưởng tái sinh, thoát khỏi tái sinh và giúp người khác khắc phục tái sinh. Lời giải thích của đạo Phật về tái sinh rất tinh vi, khiến cho nó khá khó hiểu, nhưng điều quan trọng là quan tâm đến việc nghiên cứu và suy ngẫm về chủ đề này, cho đến khi có được sự hiểu biết đúng đắn.

Tôi nói điều này, bởi vì thật ra thì lojong là một giáo pháp rất cao cấp, không dành cho người mới tu tập! Chẳng hạn như có một giáo lý là vào phút lâm chung, mình phải cầu nguyện được tái sinh ở một trong những địa ngục. Khó mà liên hệ với điều này, đúng không? Trong bất cứ cách tiếp cận nào với giáo pháp thì ta phải trung thực và thực tế về mức độ phát triển của mình, và có một khái niệm rõ ràng về đường tu thật sự là gì. Nếu như giả vờ là mình tiến bộ hơn tình trạng thật sự thì chẳng có gì tốt đẹp. Bản văn này dạy về thái độ thật sự muốn đưa tất cả những con gián đến giác ngộ. Có bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói mình đang ở mức này?! Vì vậy nên phải hiểu pháp tu lojong đi rất sâu, rất xa. và là những hành trì lâu dài. Mình có thể thu thập được một số lợi lạc từ chúng, nếu như bắt đầu tu tập ngay bây giờ, nhưng vì các pháp tu đều tiệm tiến, nên ta nên giữ quan điểm là khi tiến xa hơn với những pháp tu này thì mình sẽ muốn quay lại nhiều lần nữa, để đi sâu hơn vào một số điểm.

Trong bối cảnh của bản văn này thì điều đó có nghĩa là không chỉ đi qua các pháp tu sơ khởi một lần thôi. Chúng không phải là điều mà mình có thể lướt qua rồi dẹp sang một bên, trước khi tiếp tục với những điều thú vị hơn. Bản văn này được sáng tác từ quan kiến của những người có bồ đề tâm, đó là tâm nhắm vào giác ngộ cá nhân mà mình chưa đạt được, và có thể đạt được, vì mình có tất cả các phẩm chất thiết yếu của Phật tánh. Bồ đề tâm có hai chủ ý, thứ nhất là thành tựu giác ngộ, thứ hai là tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, bằng cách đạt giác ngộ. Chúng được trình bày theo thứ tự này trong các bản văn từ các giáo pháp khẩu truyền, nhưng trên thực tế thì có thứ tự ngược lại. Trước tiên, ý định chính của mình là giúp đỡ tha nhân, bởi vì chúng ta vô cùng xúc động với lòng bi mẫn và quan tâm dành cho họ, đến nỗi ta cảm thấy phải giúp họ vượt qua nỗi khổ của họ. Chúng ta thấy tuy mình có thể cố giúp đỡ họ ngay bây giờ, nhưng để có thể thật sự giúp đỡ họ thì ta phải đoạn trừ tất cả những khiếm khuyết và chứng ngộ mọi tiềm năng của mình. Chúng ta phải thành Phật để giúp họ một cách trọn vẹn nhất. Ước nguyện đạt Phật quả là điểm thứ hai, theo sau ước nguyện đầu tiên là giúp đỡ tất cả chúng sinh.

Nói một cách đơn giản thì thật là tuyệt vời khi mình có một kiếp người quý báu, và một cơ hội để giúp đỡ tha nhân. Nhưng kiếp người lại vô thường! Chắc chắn là mình sẽ chết, và không biết sẽ chết lúc nào. Thật là kinh khủng! Điều này thúc đẩy mình giúp đỡ mọi người càng nhiều càng tốt ngay bây giờ, trước khi mắc bệnh Alzheimer, và thậm chí không thể sử dụng trí óc được nữa, rồi thì mình qua đời. Để giúp đỡ người khác thì phải noi theo phương hướng an toàn, hay quy y Phật, Pháp, Tăng, và tránh những hành vi tiêu cực. Cũng nên tránh né sự lôi cuốn của luân hồi nói chung, vì những bất lợi của chúng, khi quyến luyến với những lạc thú phù du, và thất vọng vì hết vấn đề này đến vấn đề khác. Nó rất đơn giản: chúng ta sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người, và không vướng vào phiền não của chính mình. Vì vậy, pháp tu sơ khởi phải được thấu hiểu trong bối cảnh của bồ đề tâm.  

Đim Th Hai: Luyn Tâm B Đ

Điểm thứ hai bao gồm việc luyện tâm bồ đề, được chia ra hai phần: bồ đề tâm tuyệt đối và bồ đề tâm tương đối, hay quy ước. Trước hết là bồ đề tâm tuyệt đối: 

Hãy xem vạn pháp như huyễn mộng. Quán sát bản tính tánh giác vốn vô sinh. Ngay pháp đối trị cũng tự nó giải thoát. Tinh túy đường tu là nghỉ ngơi trong A lại da thức. Xuất thiền, hãy hành động như người tạo ảo.   

Bồ đề tâm tuyệt đối là tâm nhắm vào Không tướng (tánh Không), hay cách mà vạn pháp tồn tại. Để đạt giác ngộ thì trước tiên, cần phải hiểu thực tại về cách mình, người khác và vạn pháp hiện hữu ra sao, để có thể đoạn trừ các vấn đề và tập khí do vô minh gây ra. 

Không tướng là gì? Nói một cách đơn giản thì Không tướng, hay tánh Không, nói về sự vắng bóng của những cách tồn tại bất khả. Các lý thuyết Phật giáo Ấn Độ và các trường phái Phật giáo Tây Tạng khác nhau đều định nghĩa về “cách tồn tại bất khả” hơi khác nhau, nhưng dù sao đi nữa thì phải chấm dứt việc phóng chiếu những cách tồn tại bất khả dĩ vào quá trình cố gắng giúp đỡ người khác. Phải gạt bỏ bất cứ ý tưởng nào là có một cái “tôi” vững chắc đang ngồi ở đây, một người rất tuyệt vời đang thực hành pháp tu này, cố gắng giúp đỡ một người nghèo, khốn khổ, là “bạn” vững chắc ở đó. Cũng không nên nghĩ rằng có một cái “tôi” nhỏ bé tội nghiệp tồn tại một cách vững chắc, nên làm sao tôi có thể giúp đỡ người khác với nỗi khổ của họ ở đàng kia? Tất cả những điều này là những cách tồn tại bất khả. Tuy mình có thể tưởng tượng là những cách này tương ứng với thực tại, và thậm chí, có thể cảm thấy nó là như vậy, nhưng cần phải có chánh niệm là những gì mình nghĩ là đúng thì thật ra giống như giấc mơ hay ảo ảnh. Thực tế là tất cả chúng ta đều tương quan với nhau. Chúng ta không tồn tại như những chúng sinh bị cô lập trong chân không. Chúng ta giao tiếp với nhau, nên có thể giúp đỡ lẫn nhau. 

Một cách tồn tại bất khả dĩ khác là nghĩ rằng mình toàn năng, và có thể giải quyết vấn đề của mọi người ngay lập tức. Rõ ràng điều đó không thể nào xảy ra. Để khắc phục vấn đề của người khác thì họ phải đoạn trừ nguyên nhân tạo ra vấn đề, đó là tâm vô minh. Chúng ta phải thấu hiểu thực tại, và người khác cũng phải thấu hiểu thực tại. Không ai khác có thể làm điều đó cho mình. Chúng ta có thể chỉ cách và cố gắng giúp cho đời sống của người khác dễ dàng hơn một chút, nhưng cuối cùng thì chính họ phải hiểu thực tại. 

Phần thứ hai của điểm thứ hai này xem xét bồ đề tâm tương đối hay quy ước:

Luân phiên tu tập pháp cho và nhận, phối hợp cả hai vào hơi thở.

Dòng này liên quan đến thời thiền, hành trì chính trong đó là “tonglen”, “cho và nhận”. Trong hành trì này, ta sẽ tưởng tượng mình đang đoạn diệt khổ đau và vấn đề của tất cả chúng sinh, và nhận lấy chúng cho mình, để xử lý chúng. Sau đó, mình sẽ áp dụng pháp đối trị, và với lòng từ, ta sẽ tưởng tượng đang trao cho họ tất cả hạnh phúc và giải pháp cho vấn đề của họ.  

Tonglen là một pháp tu vô cùng cao cấp và rất khó thực hiện một cách chân thành. Nếu làm chơi thì dễ thôi, nhưng việc chân thành nhận lấy khổ đau của người khác và thật sự nếm trải nỗi khổ đó thì rất, rất là cao cấp. Nó đòi hỏi một sự hiểu biết chân thật về bản chất của nỗi đau. Nếu như không thấu hiểu nỗi đau đớn và đau khổ liên hệ đến tâm thức thì mình sẽ kinh hãi khi nhận lấy căn bệnh ung thư, hay nỗi đau đớn từ căn bệnh ung thư của người khác. Đây là lý do tại sao việc thấu hiểu bản tánh của thực tại và bản tánh của tâm là điều rất quan trọng. Khi mình phát tâm bi, mong muốn tha nhân thoát khỏi những vấn đề của họ, và sẵn sàng nhận lãnh nó cho mình, thì điều đó có nghĩa là mình sẵn sàng nếm khổ.

Không có nghĩa là mình sẽ nhận lấy nỗi khổ của họ, rồi ném nó đi, mà nó phải đi qua bản thân mình. Chúng ta phải tự mình trải nghiệm nó. Ở mức độ đầu thì điều đó có nghĩa là mình không thể sợ hãi việc buồn bã vì nỗi khổ của người khác. Thật đáng buồn khi người nào bị ung thư hay bịnh Alzheimers. Rất là buồn! Thế thì để thực hiện pháp tu này, nhưng sau đó lại bọc áo giáp chung quanh cảm xúc của mình, bởi vì nó quá mức chịu đựng của mình thì không phải là vấn đề ở đây. Chúng ta cần phải cảm nhận nỗi buồn và nỗi đau của người kia, và thấy rằng ở mức độ bản tánh của tâm thì nỗi buồn và nỗi đau chỉ là những cơn sóng. Mức độ cơ bản của tâm là kinh nghiệm thuần túy, có niềm vui và hạnh phúc như những phẩm chất tự nhiên của nó. Chính trên cơ sở này mà mình có thể hướng hạnh phúc đến những chúng sinh khác. Tuy nhiên, nếu không có chứng ngộ về tánh Không và không tu tập Đại thủ ấn (mahamudra) rất nhiều thì rất khó thực hiện tonglen một cách chân thành. Điều này không có ý làm nản lòng bất cứ ai tu tập nó, bởi vì ngay cả ở mức độ phát triển sớm hơn thì nó vẫn rất là hữu ích. Nhưng việc thật sự nhận lấy, trải nghiệm và hòa tan đau khổ vào hạnh phúc tự nhiên của tâm thức, và trao tặng hạnh phúc này cho người khác là một pháp tu rất cao cấp. Nó thật sự là một pháp tu của Đại thủ ấn, theo ý nghĩa nào đó, là lợi ích cho riêng mình. Đó là vì trong khi thực hành nó thì ta phải tiêu diệt thái độ ái ngã của mình, đối với việc không muốn dính líu đến vấn đề của người khác, theo ý nghĩa nào đó, là sự phản kháng đối với việc “làm bẩn tay mình”, khi phải đối phó với chúng.

Vậy thì làm sao nó lại tạo lợi lạc cho người khác? Tất cả mọi người đều có nghiệp riêng của họ, vậy thì làm sao mình có thể thực hiện điều này với tonglen? Nghiệp cần một số điều kiện nào đó để trổ, nên điều mà ta có thể làm là cung cấp một số điều kiện nào đó, để giúp cho nghiệp của người khác trổ nhanh hơn, ở những dạng khác nhau. Nếu như người nào mắc bệnh thì nghiệp của căn bệnh đó đã trổ thành bệnh. Tuy nhiên, nếu đó là một căn bệnh có thể chữa trị được thì người ta chỉ có thể hết bệnh, nếu như họ có đủ nhân duyên để trị bệnh. Điều mà ta có thể làm là tạo ra điều kiện, giúp cho thiện nghiệp của họ trổ quả.

Ví dụ như Đức Phật Dược Sư độ sanh như thế nào? Ngài không phải là Thượng đế. Ngài không thể giúp cho mình hết bệnh chỉ bằng oai lực của Ngài. Tuy nhiên, việc cúng dường và tu tập sẽ tạo điều kiện cho nghiệp xấu đang kéo dài bệnh tật của mình trổ ít hơn nhiều. Thật ra nguồn cảm hứng từ Đức Phật Dược Sư là nguồn cảm hứng từ chính tâm thanh quang của mình, đưa những tiềm năng sâu sắc hơn lên bề mặt để trổ quả. Nguồn cảm hứng này thường được dịch là “lực gia trì”, như là, “Xin Đức Phật Dược Sư ban lực gia trì để con khỏe mạnh hơn!”. Động lực mạnh mẽ để mình có thể hết bệnh, để có thể giúp đỡ mọi người sẽ tạo ra điều kiện cho ác nghiệp trong ta trổ ít hơn nhiều, và thiện nghiệp sẽ hiển lộ và trổ quả. Năng lượng của nguồn cảm hứng từ tâm thanh quang trong mỗi một người trong chúng ta được đại diện như Phật Dược Sư, là điều giúp cho toàn bộ quá trình xảy ra.

Pháp tu tonglen cũng vậy, nó tạo ra điều kiện cho ác nghiệp của người kia trổ ít hơn nhiều, và cho thiện nghiệp của họ trổ sớm hơn nhiều. Người nhận điều này không cần phải biết việc này – trên thực tế thì tốt nhất là họ không biết. Để tiếp nhận và cảm nhận nỗi khổ của người khác, và để nó hòa tan vào bản tánh thanh tịnh của tâm mình sẽ đòi hỏi một năng lượng to lớn của bồ đề tâm và nguồn cảm hứng từ các vị thầy, như trong bất cứ pháp tu Đại thừa nào. Vậy thì trước khi thực hành tonglen, mình phải đi qua tất cả các giai đoạn để phát bồ đề tâm. Điều tự nhiên là phải có lòng từ bi ở một mức độ nào đó, để nghĩ đến việc tiếp nhận vấn đề của người khác. Ở một mức độ sâu sắc hơn thì cần có lòng từ bi, không chỉ để sẵn sàng tiếp nhận vấn đề, mà còn có thể đạt được mức độ thanh quang của tâm thức. Đó là một hành trì rất sâu sắc!

Một điểm nữa về tonglen là nó dựa trên sự hiểu biết về bồ đề tâm tuyệt đối, tánh Không. Nếu như nghĩ về một cái “tôi” vững chắc thì ta sẽ quá sợ hãi khi phải đối diện với nỗi khổ của người khác. Chúng ta phải làm cho cảm giác mạnh mẽ này về “tôi” tan biến đi, vì nó ngăn cản mình tu tập ở một mức độ chân thành, khi mà mình nhận lấy đau khổ của người khác và thật sự trải nghiệm nó, mà có thể chịu đựng nó. Để thực hiện điều này thì cần có một sự hiểu biết về tánh Không, và một khả năng cơ bản với hành trì Đại thủ ấn về bản tánh của tâm, để có thể làm tan biến nỗi khổ vào tánh thanh tịnh tự nhiên của tâm thức. Mình không chỉ ôm ấp nỗi khổ ấy ở bên trong. Sau đó, vì mình có nguồn hạnh phúc thật sự từ bản tánh vi tế hơn của tâm, nên ta sẽ trao tặng nó cho người khác.

Làm thế nào để mình thật sự trải nghiệm điều gì của người khác? Trên cơ bản thì chính ước nguyện mãnh liệt muốn tiếp nhận nỗi khổ và trải nghiệm nó sẽ đóng vai trò như điều kiện cho ác nghiệp của mình trổ thành nỗi khổ. Chúng ta muốn điều này xảy ra, để có thể thiêu đốt ác nghiệp của mình. Đây là một mức độ khác mà mình phải tu tập trong hành trì tonglen. Không phải là mình tiếp nhận khổ đau như thể mình đang lấy bánh sandwich của người khác để ăn. So với điều này thì nó tinh vi hơn nhiều, vì nó phải làm việc với hoàn cảnh và điều kiện.

Thầy của tôi là Serkong Rinpoche, luôn sử dụng một ví dụ khiến cho mọi người khó chịu, về một vị Lạt ma vĩ đại đã hành trì tonglen và mắc một căn bệnh khủng khiếp từ người khác, và chết vì nó. Thầy sẽ nói từng chi tiết một, mỗi khi dạy tonglen. Vấn đề là mình phải rất chân thành với việc sẵn sàng nhận lấy khổ đau, rằng mình đã sẵn sàng chết. Chúng tôi sẽ hỏi Thầy, “Nếu một người giống như Rinpoche phải chịu đựng nỗi khổ của một con chó và chết vì nó, thì không phải đó là điều đáng tiếc hay sao?”. Rinpoche sẽ trả lời rằng, “Khi một phi hành gia qua đời trên không gian thì người đó sẽ trở thành anh hùng, và chánh phủ và những người khác sẽ chăm sóc gia đình của phi hành gia ấy. Tương tự như vậy, nếu một vị thầy vĩ đại chết vì tu tập tonglen thì ngài sẽ đạt được, hay sắp thành tựu giác ngộ từ mãnh lực của lòng bi mẫn và bồ đề tâm, nhờ vậy mà sẽ chăm sóc các đệ tử bằng nguồn cảm hứng của mình.”.

Điều rất phi thường là Thầy đã dạy pháp tu này rất nhiều lần, và Thầy đã thật sự thực hiện nó, để chết nhờ hành trì tonglen. Serkong Rinpoche thấy rằng có một chướng ngại nghiêm trọng cho sinh mạng của Đức Dalai Lama, nên nếu như ngài tự nhận lấy chướng ngại này thì sẽ tốt hơn.

Tôi đã đưa Serkong Rinpoche đi kiểm tra sức khỏe chỉ vài tuần trước, và sức khỏe của Thầy hoàn toàn tốt. Một ngày nọ, Rinpoche kết thúc bài pháp mà ngài đang thuyết giảng tại một vùng hẻo lánh của Spiti, thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn ở Ấn Độ, và đến nhà của một người nào đó. Ngài dừng lại ở một tu viện trên đường đi để cúng dường, và các nhà sư nói, “Xin Ngài hãy ở lại”, nhưng Ngài đáp rằng, “Không, nếu muốn gặp lại ta thì con phải đến ngôi nhà này, nơi ta sẽ đến.”. Ngài đã công phu rất miên mật như thường lệ vào buổi tối ở ngôi nhà đó. Ngài nói với một đại đệ tử của mình rằng anh có thể vào phòng, và Rinpoche đang ngồi trong một tư thế mà không phải là cách Ngài thường làm khi đi ngủ. Ngài bắt đầu một hành trì mà rõ ràng là tonglen, và đã viên tịch.
 
Thật là phi thường, bởi vì đúng vào giờ đó, vào thời điểm đó thì Đức Dalai Lama đang ở trên một chiếc máy bay hướng về Geneva, và Yasir Arafat cũng bay vào Geneva cùng một lúc. Chánh quyền đã lo lắng về vấn đề khủng bố, và nói rằng họ không thể bảo đảm sự an toàn của Đức Dalai Lama. Khi Rinpoche thực hiện pháp tu thì Arafat đang ở trên không trung và thay đổi ý định, cho máy bay quay lại và không đáp xuống Geneva. Nhờ việc Serkong Rinpoche làm mà chướng ngại to lớn này đối với sinh mệnh của Đức Dalai Lama đã trổ, nhưng chỉ trổ theo một cách tầm thường. Khi máy bay của Ngài đáp xuống thì có một sự nhầm lẫn ở sân bay, và chiếc xe chở Ngài đã đi lạc đường, nhưng chỉ đơn giản là như vậy thôi. Ác nghiệp đã biến thành điều gì rất nhỏ đối với Đức Dalai Lama, và điều mà Serkong Rinpoche đã thực hiện đóng vai trò như một điều kiện để nghiệp viên tịch của chính mình thị hiện, và thế là ngài viên tịch. Ngài chỉ mới 69 tuổi, nên không quá già nua, nhưng Rinpoche nghĩ rằng sự đóng góp lớn nhất mà Thầy có thể làm là tạo ra một hoàn cảnh để Đức Dalai Lama sống lâu hơn. Bằng ví dụ của mình, Rinpoche đã truyền cảm hứng lớn lao cho các đệ tử. Tôi luôn tự hỏi thật ra Thầy có biết là việc này sẽ xảy ra trong nhiều năm trước không, vì tôi đã chứng kiến vài lần trong khi giao tiếp với Thầy, là Rinpoche có thần thông.

Tonglen chỉ hữu hiệu như vậy, nếu như mình có duyên nghiệp rất mạnh mẽ với người kia, như mình có với những người trong gia đình và bạn bè thân thiết nhất. Serkong Rinpoche có một mối liên hệ như vậy với Đức Dalai Lama, vì ngài là một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama, từ khi Đức Dalai Lama còn nhỏ. Điều quan trọng là phải có can đảm để cảm nhận rằng ngay cả khi mình phải gánh chịu căn bệnh của người thân, thì nguyện cho nó là một điều kiện khiến cho bệnh tình của họ được thuyên giảm.

Chúng ta thường thực hành pháp tonglen này khi mình bị bệnh, nghĩ rằng mình sẽ nhận lấy cùng một căn bệnh mà người khác cũng đang mắc phải. Sau đó, trong khi mình vẫn còn bệnh và trải qua nỗi khổ mà nó gây ra thì bệnh tình của người khác có thể không chấm dứt. Nhưng chúng ta có thể xử lý nỗi đau đớn và thống khổ về tinh thần bằng phương pháp Đại thủ ấn cơ bản, có cảm giác mình là cả một đại dương, và hình dung nỗi khổ và đau đớn như làn sóng trên mặt biển, không thể làm xáo trộn đáy biển.

Nếu mình tu tập tonglen với mục đích nhận lấy bệnh cảm của tất cả mọi người, để cho mình hết cảm, thì sẽ không hữu hiệu. Ngay cả khi mình nghĩ như vậy trong vô thức, thì nó sẽ trở thành một chướng ngại lớn để pháp tu trở nên hữu hiệu, vì nó phải dựa trên nền tảng của lòng bi mẫn thanh tịnh. Trong hầu hết trường hợp thì hành trì này sẽ không hữu hiệu, vì mình không có sự kết nối đủ mạnh mẽ với mọi người, đó là lý do mà có lời cầu nguyện, “Nguyện cho con có thể đoạn trừ nỗi khổ của tất cả chúng sinh trong mọi kiếp.”. Lời cầu nguyện này quan trọng, bởi vì nó thiết lập sự kết nối đối với pháp tu này, để giúp cho nó hữu hiệu.

Mục đích của pháp tu này là gì? Ở một mức độ là để giúp đỡ người khác, đó là điều chắc chắn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp thì nó sẽ không hữu hiệu. Thế thì mục tiêu thứ yếu là nó sẽ giúp mình đạt giác ngộ. Bằng cách nào? Vì liên quan đến bồ đề tâm, nên nó phải là một phương tiện để đạt giác ngộ. Điều giúp mình đạt được giác ngộ là có lòng can đảm để khắc phục tâm ái ngã, và sẵn sàng đối phó với vấn đề của tất cả mọi người. Là một vị bồ tát hay một vị Phật thì ta phải sẵn sàng tham dự vào những vấn đề kinh khủng nhất, thậm tệ nhất của mọi người. Đó là để giúp mình khắc phục thái độ ái ngã: “Tôi không muốn dính líu vô đó. Tôi không muốn làm bẩn tay mình. Tôi không muốn đến bệnh viện người già và giao tiếp với những bệnh nhân bị Alzheimer, vì nó quá phiền muộn và buồn bã. Tôi không thể đối phó với điều đó.”. Phải khắc phục cảm giác về một cái tôi to lớn, mạnh mẽ, rắn chắc, đằng sau thái độ ái ngã này.

Nhiều pháp quán tưởng trong tonglen mà Serkong Rinpoche và Đức Dalai Lama đã dạy thì hoàn toàn khủng khiếp, nhưng rất, rất là mạnh mẽ. Tất cả các truyền thống tu tập giải thích việc thực hiện điều đó kết hợp với hơi thở. Với lòng bi, mong muốn người khác thoát khổ và nhân tạo khổ thì ta sẽ tưởng tượng tất cả những nỗi khổ của họ đến với mình dưới hình thức sinh động nào đó, khi ta hít vào. Với lòng từ, mong muốn người khác có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc thì ta sẽ trao tặng những điều này cho họ, hình dung nó dưới bất kỳ hình thức nào mà người khác cần. Với những phương pháp cao cấp hơn mà Rinpoche và Đức Dalai Lama dạy thì không chỉ hình dung ánh sáng đen đi vào trong thân mình, mà còn tưởng tượng những chất bẩn như dầu đặc trong xe hơi, dầu mỡ và chất bẩn thỉu đi vào thân mình, để ta có thể khắc phục cảm giác không muốn cho mình bị bẩn thỉu. Đó là bước đầu tiên. Sau đó, mình sẽ quán tưởng rằng nỗi khổ thật sự đi đến trong dạng nước tiểu, tiêu chảy, chất nôn mửa, máu và ruột. Điều này sẽ giúp mình khắc phục cảm giác thờ ơ, chẳng hạn như, “Ồ, một người nào đó vừa bị xe đụng, và họ đang nằm trên đường. Tôi không muốn nhìn cảnh đó, bởi vì nó rất ghê gớm và khủng khiếp.”.

Để khắc phục điều này thì ta sẽ bắt đầu bằng cách đối phó với những điều không đáng sợ bằng, như tiêu chảy và nôn mửa, rồi tiếp tục tưởng tượng nỗi khổ đi đến trong những hình tướng mình rất sợ sệt như nhện, bò cạp, gián, rắn, chuột, hoặc bất cứ thứ gì. Pháp tu này thật sự rất mạnh mẽ. Ta sẽ tưởng tượng là mình hít tất cả những thứ khó chịu này vào trong, và chúng đi vào tim mình, chiến đấu với bản ngã vững chắc bên trong, điều luôn luôn nói rằng, “Tôi không bao giờ muốn đối phó với điều này đâu!”. Đó là lý do mà pháp tu tonglen vô cùng cao cấp và sâu sắc. Để thật sự đi đến mức độ thanh quang này thì mình phải có khả năng làm tan biến nỗi sợ hãi và tất cả những tính tự vệ của bản ngã, cũng như nỗi đau đớn và khổ sở của người khác mà mình không muốn trải qua.

Ngay cả ở những mức độ trước đó thì việc tu tập có thể rất lợi lạc, vì nó giúp mình xử lý vấn đề của người khác một cách nghiêm túc. Thật ra thì đó là bước đầu tiên. Bằng cách tiếp nhận vấn đề thì ta sẽ có thái độ giải quyết nó như thể đó là vấn đề của chính mình. Hãy nghĩ về một người vô gia cư trong mùa đông, đang đói và lạnh, không có công việc hay nhà cửa để trú ngụ, đang bị bệnh và đau đớn. Ta sẽ tưởng tượng nó sẽ ra sao, và cảm thấy đau khổ. Ta sẽ cố gắng đưa ra một số giải pháp về cách đối phó với vấn đề này. Chỉ cần tu tập ở mức độ này là đã rất lợi lạc, nhưng đó không phải là cách duy nhất, mà còn có nhiều, rất nhiều mức độ sâu xa hơn.

Khi gánh lấy nỗi khổ của người khác thì mình phải cẩn thận, để không đi đến cực đoan, trở thành một người tử vì đạo và nghĩ rằng “Tôi sẽ gánh lấy khổ đau của tất cả mọi người vì vinh quang của Đức Phật.”. Đó hoàn toàn không phải là điều mà mình sẽ làm. Điều cũng quan trọng là không cảm thấy việc nhận lấy tất cả khổ đau là con đường đưa đến giác ngộ. Rồi thì mình cũng phải cẩn thận để không phải nhận lấy nỗi khổ của người khác vì lòng tự ti. “Tôi là một người ghê gớm, nên tôi phải khổ, vì mình xứng đáng với điều đó.”.

Thực hành này có thể nhắc nhở chúng ta về hình ảnh của Chúa Giê-su đang gánh chịu khổ đau của nhân loại. Chắc chắn là Chúa Giê-su sẵn sàng gánh chịu khổ đau và nỗi sợ hãi vì khổ đau đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của đạo Phật thì không ai có thể ngăn chận mọi khổ đau trên vũ trụ. Tuy mình đang nuôi dưỡng nguyện vọng là người khác có thể thoát khổ, khi mình gánh khổ cho họ, nhưng không nên tự thổi phồng mình và nghĩ rằng mình có thể thực hiện phép lạ, và giải quyết vấn đề của tất cả mọi người. Điều tốt nhất mình có thể làm là tạo ra điều kiện để tiềm năng tiêu cực của họ sẽ trổ ít thôi, và tiềm năng tích cực của họ sẽ trổ nhanh hơn. Mục tiêu hoàn toàn không phải là để trừng phạt bản thân mình, bằng cách nhận lấy khổ đau. Điểm chính là phát tâm can đảm để giúp đỡ người khác, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, như Kosovos, Bosnias và Rwandas trên thế giới.

Tiếp theo, chúng ta có những việc cần phải làm sau các thời thiền, trong cuộc sống hàng ngày:

Đối với ba đối tượng, hãy nhận ba độc tố, và cho ba thiện căn, hãy luyện pháp tu trong mọi hành vi.

Ba đối tượng là những người mà mình thấy hấp dẫn, không hấp dẫn, hoặc trung hòa, và ba độc tố là tham, sân và si.

Khi có lòng luyến ái với người mà mình thấy hấp dẫn, sân hận đối với người mà mình thấy không hấp dẫn, và si mê đối với một người trung hòa, nên mình bỏ mặc họ, thì ta sẽ tưởng tượng mình đang nhận lấy ba độc tố này từ tất cả mọi người đang đau khổ vì chúng. Sau đó, ta sẽ trao tặng lại cho họ ba thiện căn, cụ thể là vô tham, vô sân và vô si. Khi làm như vậy thì ta sẽ xử lý vấn đề của mình với các đối tượng như vậy. Cũng có thể bổ sung cho hành trì của mình bằng những câu như, “Nguyện cho nỗi khổ của chúng sinh trổ trên mình con, và nguyện cho mọi niềm hạnh phúc của con trổ cho chúng sinh.”.

Đối với thứ tự tu tập, hãy khởi đầu từ bản thân mình.

Nếu như mình đang khổ vì một vấn đề nào đó thì trước tiên, phải chấp nhận và giải quyết nó, trước khi mình có thể áp dụng phương pháp tiếp nhận vấn đề tương tự như vậy từ người khác. Vì lý do này nên thứ tự thực hành là bắt đầu với chính mình. Mặt khác, nếu như không thể đối diện với những vấn đề của riêng mình thì có thể là mình chỉ chú tâm xử lý vấn đề khác của người khác như một cách trốn tránh vấn đề của mình. 

Top