Bình Đẳng Hóa Và Hoán Chuyển Ngã Tha

Hai tháng trước khi viên tịch, Tsenshap Serkong Rinpoche đã ban giáo huấn này cho Tiến sĩ Berzin. Ngài bảo ông ghi lại đúng từng chữ một, và dặn ông hãy bảo tồn nó như giáo huấn quan trọng nhất của ngài. Bày này giải thích đầy đủ chi tiết về những bài thiền quán, để khắc phục cội nguồn to lớn nhất của sự bất hạnh và khó khăn của chúng ta, đó là thái độ ái ngã, và thay vào đó, phát triển thái độ yêu mến tha nhân một cách chân thành, nguồn gốc của mọi niềm hạnh phúc.

Có hai truyền thống để phát bồ đề tâm, tấm lòng hoàn toàn cống hiến cho tha nhân và thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho họ một cách tối đa, đó là truyền thống bảy điểm nhân quả, và truyền thống bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha. Mỗi phương pháp đều có một cách riêng biệt hay đặc thù để phát tâm xả trước tiên, như pháp tu sơ khởi. Dù có cùng tên gọi là tâm xả, nhưng hai loại tâm xả được phát triển thì lại khác nhau.

  1. Tâm xả phát khởi trước khi thừa nhận mỗi một chúng sinh đã từng là mẹ của mình trong pháp thiền quán bảy điểm nhân quả bao gồm việc quán tưởng một người bạn, một kẻ thù và một người lạ, là loại tâm xả giúp ta chấm dứt tâm luyến ái và ác cảm. Một trong những tên gọi thật sự của nó là “tâm xả đơn thuần, để chấm dứt tâm luyến ái và ác cảm đối với bạn bè, kẻ thù và người xa lạ.” Chữ đơn thuần ở đây hàm ý có một phương pháp thứ nhì, đòi hỏi điều gì đó xa hơn.

    Một tên gọi khác của loại tâm xả đầu tiên này là “tâm xả đơn thuần, là cách phát tâm xả giống như tâm xả của hàng Thanh văn và Duyên giác”. Shravakas (Thanh văn) và pratyekabuddhas (Duyên giác) là hai loại hành giả Tiểu thừa trong Phật pháp. Chữ đơn thuần ngụ ý rằng với loại tâm xả này thì ta không hề có quan hệ, và cũng không liên quan gì đến lòng dâng hiến của bồ đề tâm.
  2. Tâm xả mà chúng ta phát triển như một pháp tu sơ khởi đối với việc bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha, không đơn thuần là loại tâm xả ở trên. Đó là tâm xả mà ta không có cảm giác gần gũi hay xa cách, trong ý tưởng hay hành động làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và đoạn diệt những khó khăn của họ. Đây là cách đặc biệt nổi bật, phi thường để phát tâm xả của Đại thừa.

Tâm Xả Đơn Thuần

Nếu ta đặt câu hỏi đâu là cách phát tâm xả, điều xảy ra trước khi nhận diện tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình trong phương pháp bảy điểm nhân quả, thì nó gồm có những bước sau đây.

Quán Tưởng Ba Nhân Vật

Trước hết, hãy quán tưởng ba người: một kẻ hoàn toàn xấu xa, khó chịu mà mình không ưa, hay xem như kẻ thù; một người rất thân thiết đáng yêu, hay một người bạn; và một người lạ, hay một người ở lưng chừng đâu đó mà ta không có những cảm giác nói trên. Hãy quán tưởng cả ba cùng có mặt với nhau.

Những thái độ thông thường nào sẽ phát sinh, khi ta chú ý vào từng người một theo thứ tự? Có một cảm giác không vui, khó chịu và ghê tởm đối với người mà ta không thích. Một cảm giác lôi cuốn và lưu luyến phát sinh đối với người bạn thân yêu. Một cảm giác dửng dưng, không muốn giúp, cũng không muốn làm hại đối với người lạ, vì ta không cảm thấy lôi cuốn hay ác cảm với họ.

Chấm Dứt Ác Cảm Với Người Mình Không Ưa Thích

Để dễ thảo luận hơn thì giả dụ ba nhân vật mà mình quán tưởng đều là phụ nữ. Trước hết, ta sẽ đối phó với người mà mình không thích, thậm chí xem như kẻ thù.

  1. Hãy để cho cảm giác khó chịu và ghê tởm về họ sinh khởi. Khi nó đã phái sinh rõ rệt,
  2. Ta sẽ để ý có một cảm giác khác nảy sinh, cụ thể như nếu điều gì tệ hại xảy ra cho bà ấy, hay nếu bà trải nghiệm điều gì không vừa ý thì thật là tốt.
  3. Rồi hãy tìm hiểu lý do mà những cảm giác và ước muốn xấu xa này đã phát sinh. Thường thì ta sẽ phát hiện ra là vì bà đã làm tổn thương ta, đã làm hại ta, đã làm hay nói điều gì tồi tệ về ta hay bạn ta. Đó là lý do tại sao ta muốn điều gì xấu xa xảy ra cho bà, hay không có được những gì bà muốn.
  4. Giờ đây, hãy nghĩ về lý do mà mình muốn điều tệ hại xảy ra cho người đàn bà rất đáng ghét ấy, và xem đó có phải là lý do chính đáng hay không. Hãy suy xét như sau:
    • Trong những kiếp trước, người được gọi là kẻ thù này đã là mẹ và cha của ta nhiều lần, cũng như là họ hàng và bạn bè của mình. Bà đã giúp ta rất nhiều, không đếm xuể bao nhiêu lần.
    • Trong đời này thì không chắc chắn chuyện gì sẽ xẩy ra. Bà có thể trở thành một trợ thủ đắc lực, một người bạn tốt về sau. Những điều như thế rất khả dĩ.
    • Bất luận thế nào thì bà và tôi sẽ có vô lượng kiếp tương lai, và hoàn toàn chắc chắn rằng ở thời điểm nào đó, bà sẽ là mẹ hay cha tôi. Thế thì bà sẽ giúp tôi rất nhiều và tôi sẽ phải đặt mọi hy vọng nơi bà.

      Vì vậy, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, bà đã, đang và sẽ giúp ta bằng vô số cách, nên cuối cùng thì bà là người bạn tốt. Chắc chắn là như thế. Vì vậy, nếu chỉ vì một vài lý do nhỏ nhặt mà bà làm ta tổn thương chút ít trong cuộc đời này,  rồi mình coi bà như kẻ thù, và mong cho bà gặp những điều xấu xa thì thật là không tốt.                                                              

5.  Hãy nghĩ đến vài thí dụ. Chẳng hạn như một nhân viên ngân hàng hay một người giàu có, có khả năng cho tôi rất nhiều tiền, và họ có ý định làm điều này, và đã làm   chút ít trong quá khứ. Rồi một ngày kia, ông ấy mất bình tĩnh, giận dữ và tát vào mặt tôi. Nếu tôi nổi giận và ôm ấp cơn thịnh nộ thì có thể khiến ông dẹp bỏ ý định đưa thêm tiền cho tôi. Lại có thêm nguy cơ là ông sẽ đổi ý và quyết định đưa tiền cho người khác. Mặt khác, nếu chịu đựng cái tát, ngó xuống đất và câm mồm lại thì ông sẽ hài lòng hơn với tôi sau này, vì tôi đã không tỏ ra bực bội thì biết đâu, ông lại có thể đưa cho tôi nhiều tiền hơn số đã định đưa. Tuy nhiên, nếu tôi tỏ ra giận dữ và làm lớn chuyện thì giống như tục ngữ Tây tạng có câu, “Bạn có thức ăn trong miệng, nhưng cái lưỡi của bạn lại đẩy nó ra.”.

6. Do đó, phải nghĩ tới chuyện lâu dài với người mà mình không ưa thích, và điều đó cũng đúng đối với các chúng sinh. Việc họ giúp đỡ cho mình về lâu về dài là chắc chắn 100%. Vì vậy, nếu cứ ôm ấp mãi cơn giận vì một vài thiệt hại nhỏ nhặt mà ai đó có thể gây ra là việc hoàn toàn không thích đáng.

7. Kế tiếp, hãy xem cách mà con bọ cạp, thú hoang hay một con ma phản ứng, chỉ cần đụng nó một cái hay khiêu khích rất nhỏ là nó sẽ phản công ngay lập tức. Rồi hãy nhìn lại chính mình, ta sẽ thấy cách hành xử như những sinh vật đó là không đúng đắn như thế nào. Nhờ vậy, ta sẽ nguôi giận. Phải nghĩ rằng mình sẽ không mất bình tĩnh và nổi giận, dù cho người này có hại mình bằng cách nào đi nữa, nếu không thì ta chẳng khác gì con thú hoang hay con bọ cạp.

8. Để kết luận, ta sẽ đưa tất cả những điều này vào trong hình thức tam đoạn luận của luận lý học. Tôi sẽ không giận người khác, vì lý do họ đã làm điều gì tổn thương mình, bởi vì:

  • Trong quá khứ họ đã từng là cha mẹ của mình.
  • Về sau, trong đời này,  không có gì chắc chắn là họ sẽ không trở thành những người bạn thân thiết nhất của mình.
  • Trong tương lai, vào thời điểm nào đó, họ sẽ tái sinh thành cha mẹ ta và giúp đỡ ta rất nhiều, nên trong cả ba thời, họ đều giúp đỡ ta.
  • Nếu như phản ứng bằng cách giận dữ thì ta cũng chẳng khá hơn một con thú hoang. Do đó, tôi sẽ không giận dữ vì những điều gì nhỏ nhặt mà họ đã làm hại mình trong kiếp này.

Chấm Dứt Tâm Luyến Ái Với Người Mình Ưa Thích

  1. Hãy tập trung vào bạn bè hay người thương của mình trong nhóm thù, bạn và người lạ mà ta đã quán tưởng trước đó.
  2. Hãy để cho cảm giác lôi cuốn và lưu luyến với người phụ nữ đó phát sinh.
  3. Hãy để cho cảm giác đó thậm chí phát sinh mạnh mẽ hơn, về cách mình muốn ở gần người đó ra sao, rồi hãy.
  4. Xem xét những lý do tạo ra sự say mê và lưu luyến của mình. Đó là vì bà đã giúp ta một vài chuyện nhỏ trong đời này, làm điều gì tốt cho ta, làm ta cảm thấy vui sướng, hay điều gì tương tự như thế, khiến cho ta thấy bà có sức lôi cuốn và lưu luyến với bà.
  5. Bây giờ, hãy xem xét đó có phải là lý do chính đáng để có cảm giác ấy hay không. Nó cũng không phải là lý do tốt, bởi vì:
    • Không có gì nghi ngờ rằng bà đã là kẻ thù của ta, đã làm ta tổn thương, thậm chí ăn thịt và uống máu ta trong những kiếp trước.
    • Trong đời này, không có gì chắc chắn bà sẽ không trở thành kẻ thù độc hại nhất của mình sau này.
    • Trong những kiếp tương lai, chắc chắn bà sẽ làm hại ta, hay làm điều gì thật tồi tệ với ta, ở thời điểm nào đó.
  6. Nếu vì một lý do nhỏ nhặt, không đáng kể mà bà đã làm điều gì tốt đẹp cho tôi trong đời này, nên tôi say mê và gắn bó với bà thì tôi cũng không khá hơn những người đàn ông bị cám dỗ vì những bài hát của các mỹ nhân ngư ăn thịt người. Họ dùng sắc đẹp quyến rũ đàn ông, rồi nuốt chửng họ.
  7. Bằng cách này, ta sẽ quyết định không bao giờ lưu luyến với bất cứ ai, chỉ vì ông hay bà ấy đã làm vài điều tốt đẹp nhỏ nhặt cho ta trong đời này.

Chấm Dứt Tâm Lãnh Đạm Với Người Trung Lập

Thứ ba, ta sẽ theo quá trình như trước với người thuộc loại ở giữa, một người lạ, không phải bạn cũng chẳng phải thù.

  1. Hãy tập trung quán tưởng một nhân vật như thế.
  2. Đừng cảm nhận gì cả, không có ý muốn giúp đỡ hay làm hại, không muốn xa lánh cũng không gần gũi với người này,
  3. và cảm nhận thêm ý định bỏ mặc bà ấy.
  4. Hãy khảo sát lý do của cảm giác này. Đó là vì bà không làm gì để giúp đỡ hay hãm hại tôi, nên tôi không có liên hệ gì với bà.
  5. Khi xem xét xa hơn, đó có phải là lý do hợp lý cho cảm giác như thế này hay không, ta sẽ hiểu rằng cuối cùng thì bà không phải là một người lạ. vì trong vô tận kiếp trước, về sau trong kiếp này, hay trong những kiếp tương lai, bà sẽ gần gũi, trở thành một người bạn v.v...

Nhờ vậy, ta sẽ có khả năng chấm dứt cảm giác giận dữ, luyến ái hay lãnh đạm với kẻ thù, bạn bè hay người lạ. Đây là cách phát triển tâm xả đơn thuần, giống như tâm xả của hàng Thanh văn và Duyên giác, được phát triển như pháp tu sơ khởi, để thừa nhận tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ mình trong phương pháp bảy điểm nhân quả, để phát tâm cống hiến của bồ đề tâm.

Tâm Xả Phi Thường Của Đại Thừa Là Pháp Tu Sơ Khởi Để Bình Đẳng Hóa Và Hoán Chuyển Thái Độ

Cách phát triển tâm xả phi thường của Đại thừa như pháp tu sơ khởi để bình đẳng hóa và hoán chuyển thái độ của mình đối với tự ngã và tha nhân được phân chia thành:

  • Cách viên thành tâm xả, dựa vào tri kiến tương đối
  • Cách viên thành tâm xả, dựa vào tri kiến cứu cánh

Cách dựa vào tri kiến tương đối được phân loại như sau:

  • Cách viên thành tâm xả, dựa vào tri kiến của tự thân
  • Cách viên thành tâm xả, dựa vào tri kiến của tha nhân

Cách Viên Thành Tâm Xả Theo Tri Kiến Tự Thân   

Điều này gồm có ba điểm:

  1. Vì tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ, họ hàng và bạn bè ta trong vô lượng kiếp, nên việc xem người thân kẻ sơ, người này là bạn, người kia là thù, chào đón người này, lánh xa kẻ khác là điều không đúng đắn. Cần phải nghĩ rằng, cuối cùng, nếu ta không gặp mẹ trong mười phút, mười năm hay mười kiếp thì bà vẫn là mẹ của mình.
  2. Tuy nhiên, có thể những chúng sinh này đã giúp ta thì có lúc, họ cũng đã hại ta. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời lượng và số lượng của những điều mà họ đã giúp ta thì việc họ làm hại thật không đáng kể. Do đó, việc chào đón người này như người thân cận và hất hủi kẻ khác như người xa cách là điều không đúng đắn.
  3. Chắc chắn là chúng ta phải chết, nhưng thời điểm của cái chết thì hoàn toàn không chắc chắn. Ví dụ, nếu như ngày mai, chúng ta bị kết án tử hình. Nếu như sử dụng ngày cuối cùng của mình để giận dữ và làm tổn thương ai đó thì thật là phi lý. Khi chọn lựa việc nhỏ nhặt thì ta sẽ mất đi cơ hội làm điều gì tích cực và có ý nghĩa trong ngày cuối đời. Ví dụ, có một vị quan lớn nổi cơn thịnh nộ với người nọ, và nghĩ rằng ông sẽ trừng phạt người đó nặng nề vào ngày hôm sau. Ông đã mất cả ngày để dự trù kế hoạch, rồi sáng hôm sau, trước khi có thể làm bất cứ chuyện gì thì ông đã chết một cách đột ngột. Sự giận dữ của ông hoàn toàn phi lý. Điều đó cũng đúng, nếu như người kia bị kết án tử hình vào ngày hôm sau thì việc hãm hại hắn hôm nay sẽ là điều vô nghĩa.

Cách Viên Thành Tâm Xả Theo Tri Kiến Tha Nhân

Điều này cũng được chia ra làm ba điểm:

  1. Chúng ta cần xem xét, về phía tự thân thì ta không muốn khổ, ngay cả trong giấc mơ, và dù có được bao nhiêu hạnh phúc thì ta không bao giờ cảm thấy đủ. Đối với tất cả mọi người thì điều đó cũng đúng một cách tuyệt đối. Tất cả chúng sinh, từ con sâu nhỏ bé trở lên, ai cũng đều ước mong hạnh phúc, chẳng bao giờ muốn khổ đau hay gặp bất cứ khó khăn gì. Do đó, việc đón nhận người này và xa lánh kẻ khác là không đúng đắn.
  2. Giả dụ như có mười người ăn mày đến trước cửa nhà tôi. Nếu tôi chỉ bố thí thức ăn cho một vài người và không cho những người còn lại thì điều đó hoàn toàn không đúng đắn và bất công. Họ đều đói khát như nhau, và cần có thức ăn. Tương tự như thế, đối với hạnh phúc không ô nhiễm vì vô minh thì ai là người có được điều này? Nhưng ngay cả loại hạnh phúc ô nhiễm vì vô minh thì tất cả chúng sinh còn không có đủ. Đó là điều mà ai cũng quan tâm tìm kiếm. Do đó, việc hất hủi một số người, xem họ như xa cách và đón chào người khác như gần gũi với mình là điều không đúng đắn.
  3. Một ví dụ khác, chẳng hạn như có mười người đau ốm. Họ đều bình đẳng về mặt khốn khổ và đáng thương. Do đó, nếu chỉ ưu đãi và chữa trị cho một số người, và bỏ mặc những người còn lại thì sẽ bất công. Tương tự như vậy, tất cả chúng sinh đều khốn khổ như nhau, vì những nỗi khó khăn cá nhân cụ thể, cùng với những khó khăn chung của sự hiện hữu thiếu tự chủ luôn tái diễn, hay luân hồi. Do đó, việc hất hủi một số người như xa cách và đón chào người khác như gần gũi với mình là điều bất công và không đúng đắn.

Cách Viên Thành Tâm Xả Theo Tri Kiến Cứu Cánh                                               

Điều này cũng có ba loại tư tưởng.

  1. Hãy nghĩ về cách, vì vô minh mà ta đã đặt tên cho người đã giúp đỡ hay tốt bụng với mình là bạn bè thật sự, và người làm ta tổn thương là kẻ thù thật sự như thế nào. Tuy nhiên, nếu họ thật sự hiện hữu như cách ta quy gán cho họ, thì chính Đức Như Lai cũng phải thấy như vậy. Nhưng Ngài không bao giờ thấy như vậy. Như ngài Pháp Xứng (Dharmakirti) có nói trong tác phẩm Luận Giải Về (“Lượng Thích Luận” của Trần Na) (Phạn ngữ: Pramanavarttika):Đức Phật luôn luôn bình đẳng đối với người rải nước thơm một bên trên thân ngài, và người khác dùng gươm xẻo thịt ngài phía bên kia.

    Chúng ta cũng thấy tính không thiên vị này qua ví dụ về cách Đức Phật đối xử với người em họ của Ngài là Đề Bà Đạt Đa, kẻ luôn tìm cách hãm hại Ngài vì lòng ganh tị. Do đó, ta cũng cần phải tránh việc bè đảng và theo phe những người mà vì vô minh, ta cho rằng họ thật sự hiện hữu theo các phạm trù mà mình quy gán cho họ. Chẳng có ai hiện hữu theo cách đó cả. Chúng ta cần phải chấm dứt tâm bám chấp vào sự hiện hữu thật sự được thiết lập. Tâm bám chấp này xuất phát từ tâm vô minh, khiến cho các pháp hiện ra một cách không chân thật đối với ta.
  2. Hơn nữa, nếu chúng sinh thực sự hiện hữu như họ được thiết lập trong các phạm trù  bạn và thù mà ta chấp họ là như vậy, thì họ phải luôn tồn tại như vậy. Hãy nghĩ xem, ví dụ như cái đồng hồ mà ta cho là luôn luôn đi đúng giờ. Giống như tình trạng của nó đôi khi có thể thay đổi và chạy chậm lại, thì tương tự như vậy, địa vị của người khác không cố định, mà cũng có thể thay đổi.

    Nếu nghĩ đến giáo huấn về sự thật là không có gì là chắc chắn, đối với những cảnh ngộ cứ tái diễn theo cách bất tự chủ trong luân hồi thì ở đây, điều này sẽ giúp ích cho ta, như trong ví dụ về con ăn thịt cha, đánh mẹ và nâng niu kẻ thù. Ví dụ này xuất phát từ chỉ giáo để phát động lực ở phạm vi trung trình, trong Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (lam-rim). Một ngày kia, Bậc Chứng Ngộ Vĩ Đại Ca Chiên Diên (Katyayana) đến một ngôi nhà, nơi mà người cha đã tái sinh thành con cá trong ao và con trai của ông đang ăn thịt ông. Sau đó, người con đánh con chó, vốn đã là mẹ nó, bằng xương cá của cha mình, rồi lại nâng niu đứa trẻ trong tay, đã từng là một kẻ thù của hắn. Ca Chiên Diên cả cười vì sự phi lý của việc hoán chuyển vị thế của chúng sinh trôi lăn trong luân hồi. Vì vậy, cần phải chấm dứt việc nắm giữ hay bám chấp người khác hiện hữu theo những phạm trù cố định và thường hằng như bạn hay thù, rồi dựa trên căn bản ấy mà chào đón người này và chối bỏ người kia.
  3. Trong Giáo Tập Yếu (Phạn ngữ: Shikshasamuccaya), ngài Tịch Thiên đã giải thích ngã và tha phụ thuộc vào nhau như thế nào. Giống như thí dụ về các ngọn núi ở xa và gần, chúng phụ thuộc vào nhau, hoặc là những pháp định danh tương đối. Khi chúng ta đứng trên ngọn núi ở gần thì ngọn núi kia có vẻ như xa hơn và ngọn này gần hơn. Khi đi về phía bên kia thì ngọn núi này thành ngọn núi xa và ngọn kia thành gần. Giống như vậy, chúng ta không được thiết lập để hiện hữu như “ngã” từ phía của mình,  bởi vì khi nhìn vào bản thân mình từ quan điểm của người khác thì ta trở thành “người khác”. Tương tự như vậy, bạn hay thù chỉ là những cách nhìn khác nhau, hay liên hệ với một con người. Một người có thể vừa là bạn của người này và kẻ thù của người khác. Giống như những ngọn núi xa và gần, tất cả đều tương đối, theo quan điểm của ta.

Năm Quyết Định

Sau khi đã nghĩ như thế về các điểm trên, chúng ta cần đưa ra năm quyết định.

Tôi Sẽ Chấm Dứt Tính Phe Phái

Bất kể ta nhìn từ quan điểm tương đối hay cứu cánh thì không có lý do gì để xem người này thân cận và kẻ khác cách xa. Vì thế, cần có một quyết định vững chắc: Tôi phải chấm dứt tính phe phái. Tôi phải đoạn trừ cảm giác thiên vị, hất hủi người này, chào đón kẻ khác. Bởi vì tâm thù địch và luyến ái đều hại ta trong cả kiếp này và những kiếp sau, về cả hai mặt tạm thời và rốt ráo, về mặt ngắn hạn và dài hạn, nên chúng không có ích lợi gì. Chúng là cội nguồn của hàng trăm nỗi khổ. Chúng giống như tên cai ngục, khiến tôi lẩn quẩn trong nhà tù của những nỗi khó khăn bất tự chủ, luôn tái diễn trong luân hồi.

Hãy nghĩ đến ví dụ về những người ở lại Tây Tạng, sau cuộc nổi dậy năm 1959. Họ là những người lưu luyến với tu viện, sự giàu có, của cải, nhà cửa, họ hàng, bạn bè v.v... , không thể để lại những thứ này. Hậu quả là họ bị giam trong tù hay các trại tập trung đến 20 năm hay hơn nữa, chỉ vì tham ái. Những cảm giác thiên vị như vậy chính là kẻ sát sinh, dẫn chúng ta tới ngọn lửa của cảnh giới địa ngục buồn thảm. Chúng là những con quỷ nương náu trong ta, khiến ta hằng đêm mất ngủ. Bằng mọi cách, ta phải tiêu diệt chúng tận gốc.

Mặt khác, thái độ bình đẳng đối với mọi người, ước mong tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc, xa rời những khó khăn và nỗi khổ của họ, là điều quan trọng từ bất cứ quan điểm nào, tạm thời hay rốt ráo. Đây là đại lộ mà chư Phật và chư Bồ tát đã đi qua, để thành tựu chánh quả. Đó là tôn ý và tâm nguyện sâu xa nhất của chư Phật trong ba thời. Vì vậy,  ta cần phải nghĩ rằng, bất kể những điều lợi hay hại nào mà bất kỳ chúng sinh nào đã tạo ra cho ta, về phần mình, ta không có lựa chọn nào khác. 

Tôi không nên nổi giận hay tham luyến. Tôi sẽ không xem người xa, kẻ gần. Không có cách nào hay phương tiện nào khác hơn để ứng xử trong các tình huống. Dứt khoát là như  vậy. Tôi sẽ có thái độ bình đẳng trong ý nghĩ và hành động đối với mọi người, bởi vì ai cũng muốn hạnh phúc, không bao giờ muốn khổ. Đây là điều tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện. Hỡi bậc thầy tâm linh, xin ban cho con nguồn cảm hứng để thành tựu ước nguyện này. Đây là những ý tưởng mà chúng ta cần phải có trong khi tụng đọc câu đầu trong năm vần kệ Guru Puja – Lama Chopa (Cúng Dường Đạo Sư), liên hệ với pháp tu này:

Xin ban nguồn cảm hứng cho chúng con, để gia tăng sự an nhàn và niềm vui cho người khác, bằng cách nghĩ rằng người và ta không hề khác biệt: Chẳng ai mong muốn nỗi khổ nhỏ nhoi nhất, hay mãn nguyện với hạnh phúc mà họ đang có bao giờ.

Vậy thì với vần kệ đầu, ta sẽ cầu nguyện để phát triển thái độ bình đẳng, không có cảm giác thân, sơ trong ý nghĩ hay hành động, đối với việc mang lại hạnh phúc và đoạn trừ khổ đau cho mọi người một cách bình đẳng. Thái độ bình đẳng đó đáp ứng đầy đủ định nghĩa về loại tâm xả, hay thái độ bình đẳng hóa mà chúng ta quan tâm đến ở đây. Ta sẽ có quyết định vững chắc, để phát triển và thành tựu thái độ ấy, giống như khi ta thấy một phẩm vật tuyệt vời trong tiệm và quyết định mua nó.

Tôi Sẽ Đoạn Trừ Tâm Ái Ngã

Kế tiếp, ta sẽ nghĩ về sự sai lầm của thái độ ái ngã. Vì tâm vị kỷ của thái độ ái ngã mà ta hành động một cách tiêu cực, phạm mười ác nghiệp, và hậu quả là tự mang đến cho mình những tái sinh trong địa ngục. Từ đó, suốt cả con đường cho đến việc không thành tựu giác ngộ của một bậc A la hán (chúng sinh giải thoát), tâm vị kỷ này sẽ khiến cho tất cả hạnh phúc và an lạc đều biến mất. Mặc dù chư Bồ tát đã gần kề giác ngộ, nhưng một số vị thì gần giác ngộ hơn những vị khác. Sự khác biệt giữa chư vị xuất phát từ lượng tâm ái ngã mà họ còn dính mắc. Từ sự tranh chấp giữa các quốc gia đến sự bất hòa giữa thầy và đệ tử, trong gia đình hay giữa bạn bè, tất cả đều vì tâm ái ngã.

Do đó, cần phải nghĩ rằng, nếu tôi không tiêu diệt sự hỗn độn của lòng vị kỷ và ái ngã bên trong, thì không có cách nào an hưởng bất cứ niềm hạnh phúc nào. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ để cho tâm ái ngã thống trị. Hỡi bậc thầy tâm linh, xin ban cho con nguồn cảm hứng, để đoạn trừ lòng vị kỷ này. Đây là những tư duy trong vần kệ thứ hai:

Xin ban cho con nguồn cảm hứng, để hiểu rằng căn bệnh kinh niên ái ngã này là nhân tạo ra nỗi khổ không ai mong cầu, nhờ vậy mà con sẽ xem đó là điều đáng trách, để tiêu diệt con quỷ vị kỷ ghê gớm này.

Thế thì với vần kệ thứ hai, ta sẽ cương quyết đoạn trừ thái độ ái ngã vì lòng vị kỷ.

Tôi Sẽ Biến Lòng Yêu Quý Tha Nhân Thành Tu Tập Chính

Kế tiếp, hãy nghĩ đến những lợi ích và phẩm chất tốt đẹp, phát sinh từ việc yêu thương tha nhân. Trong kiếp này, tất cả hạnh phúc và mọi việc hanh thông; trong những kiếp sau, được sinh ra làm người hay chư thiên; và nói chung, tất cả hạnh phúc, cho đến khi thành tựu giác ngộ, đều xuất phát từ lòng ái tha. Cần phải suy tư nhiều về điều này, qua nhiều thí dụ. Giả dụ như một viên chức được quần chúng ngưỡng mộ là vì ông yêu thương và quan tâm đến người khác. Việc giữ giới, không sát sinh hay trộm cắp, xuất phát từ lòng ái tha, và điều này có thể giúp ta tái sinh làm người.

Ví dụ như Đức Dalai Lama luôn nghĩ tới phúc lợi của mọi người ở mọi nơi, và tất cả các phẩm hạnh của ngài đều bắt nguồn từ lòng ái tha. Bồ tát Togmey-zangpo không thể bị Kama hãm hại.  Kama là thần dục vọng, kẻ muốn tạo ra chướng ngại cho ngài. Đại hành giả Tây Tạng này thuộc loại người có thể bật khóc, nếu một con côn trùng bay vào ngọn lửa. Ngài chân thành lo lắng cho tất cả chúng sinh, nên ngay cả ma quỷ hay những kẻ quấy nhiễu cũng không nỡ hại ngài. Đó là vì, như các thần linh đã nói, ngài chỉ có ý tưởng làm lợi lạc và thương yêu chúng ta.

Trong một tiền kiếp của Đức Phật, ngài sinh ra làm Đế Thích, vua của chư thiên, có một trận chiến giữa chư thiên và A tu la. Các A tu la thắng thế, nên Đế Thích phải bỏ trốn trên chiếc xe ngựa. Đến một đoạn đường có nhiều chim bồ câu đậu, vì sợ cán phải chúng nên ngài dừng xe lại. Thấy vậy, các A tu la tưởng rằng ngài dừng xe để quay lại tấn công họ, nên họ bỏ chạy. Nếu như phân tích thì ta sẽ thấy việc họ bỏ chạy là vì thái độ yêu quý tha nhân của Đế Thích. Trong những hoàn cảnh như vậy, cần phải nghĩ đến lợi thế của lòng ái tha, từ nhiều quan điểm.

Khi một vị quan tòa hay bất cứ một quan chức nào ngồi trang trọng nơi công sở, thì chức vị của ông và mọi thứ liên hệ đều dựa vào sự hiện hữu của người khác. Trong ví dụ này, lòng tốt của người khác chỉ giản dị ở điểm là họ hiện hữu. Nếu không có họ ở đó mà chỉ có một mình vị quan tòa, thì ông không thể làm quan tòa. Ông sẽ không có gì để làm. Hơn nữa, ngay cả khi có người hiện hữu, nhưng họ không đến với ông thì vị quan tòa này cũng chỉ ngồi đó, chẳng làm gì cả. Mặt khác, nếu nhiều người đến với ông, tìm ông để giải quyết vấn đề của họ, thì nhờ có họ mà ông sẽ ngồi ngay ngắn để phục vụ họ. Điều này cũng đúng đối với một vị lama . Nhờ có người khác mà ngài ngồi ngay ngắn để giảng dạy. Toàn bộ địa vị của ngài là nhờ có người khác để ngài giúp đỡ. Ngài thuyết Pháp để mang lợi ích cho họ. Vì vậy, sự giúp đỡ của ngài tùy thuộc vào người khác, chẳng hạn như nhờ vào việc ngài nhớ đến lòng tốt của họ.

Tương tự như thế, nhờ lòng từ bi, từ lòng yêu thương người khác mà ta có thể nhanh chóng đạt giác ngộ. Giả dụ như có kẻ thù hãm hại ta, và ta phát tâm kham nhẫn, nhờ vậy mà đến gần giác ngộ hơn, điều này xảy ra cũng nhờ lòng ái tha. Vì thế, bởi chúng sinh là nền tảng và cội nguồn của mọi niềm hạnh phúc và phúc lợi, không loại trừ một ai, nên ta phải quyết định, không cần biết họ có thể làm gì, hay có thể hại ta bằng cách nào, ta sẽ luôn luôn yêu thương họ. Những chúng sinh khác giống như các vị thầy tâm linh của ta, Đức Phật, hay những viên ngọc quý giá mà ta sẽ trân quý, cảm thấy mất mát, khi bất cứ điều gì không may xảy ra cho họ, và không bao giờ hất hủi họ, vì bất cứ chuyện gì. Ta sẽ luôn luôn có lòng nhân từ và nhiệt tình đối với họ.

Xin ban nguồn cảm hứng, hỡi bậc thầy tâm linh, để con chẳng bao giờ lìa xa tấm lòng yêu mến tha nhân, dù chỉ một sát na.  Đó là ý nghĩa của vần kệ thứ ba:

Xin ban cho con nguồn cảm hứng, để hiểu rằng tâm thức yêu thương các bà mẹ và gìn giữ họ trong cực lạc là cửa ngỏ dẫn đến vô lượng đức hạnh, vì vậy, con sẽ trân quý những chúng sinh này hơn sinh mạng của mình,  dù họ có hiện ra như kẻ thù của con.

Nhờ vậy, ta sẽ quyết định xem điều này là điểm trọng yếu của pháp tu ái tha.

Chắc Chắn Tôi Có Khả Năng Hoán Chuyển Thái Độ Giữa Ngã Và Tha

Nhờ cách tư duy về nhiều lỗi lầm của tâm ái ngã, và nhiều phẩm chất tốt đẹp của tâm ái tha, khi thấy mình phải thay đổi giá trị về việc phải thương yêu ai, ta sẽ tự hỏi mình có thể thật sự thay đổi chúng hay không, thì chắc chắn ta có thể làm được. Chúng ta có thể thay đổi thái độ, vì trước khi giác ngộ, Đức Phật cũng giống như chúng ta. Ngài cũng trôi lăn từ tái sinh này đến tái sinh khác, trong những tình huống và khó khăn bất tự chủ, tái diễn liên tục của luân hồi. Dù sao thì Đức Phật đã có khả năng hoán chuyển thái độ về việc nên yêu thương ai. Nhờ giữ vững tâm ái tha mà ngài đã đạt đến đỉnh cao, để có thể hoàn thành mục tiêu của tự thân và tha nhân.

Ngược lại, chúng ta đã chỉ yêu thương bản thân và bỏ mặc người khác. Không kể việc tạo ra bất cứ lợi lạc nào cho họ,  ta cũng chẳng tạo ra lợi ích nhỏ nhoi nào cho bản thân mình. Việc yêu thương tự thân và bỏ bê người khác đã khiến ta trở nên bất lực, không thể đạt được bất cứ điều gì có ý nghĩa thực thụ. Chúng ta không thể phát tâm xả ly chân thật, hay quyết tâm thoát khỏi những vấn đề của mình. Ta chẳng thể tự ngăn chận, để mình không rơi vào một trong những tình huống tái sinh xấu xa nhất. Nhờ những cách này, hãy nghĩ về những sai lầm của tâm ái ngã, so với lợi ích của tâm ái tha. Nếu Đức Phật có khả năng thay đổi thái độ của ngài, và cũng khởi đầu như chúng ta, thì ta cũng có thể thay đổi thái độ của mình.

Không chỉ vậy, khi đã đủ quen thuộc với tâm ái tha thì thậm chí, ta có thể yêu thương thân thể người khác, như ta đã chăm sóc cho thân mình. Dù sao thì ta đã nhận tinh trùng và trứng từ cơ thể của người khác, cụ thể là cha mẹ mình, và giờ đây, ta yêu thương chúng như thân thể của chính mình. Ngay từ đầu thì nó chẳng phải là của mình. Do đó, cần phải nghĩ việc thay đổi thái độ không phải là điều bất khả. Tôi có thể hoán chuyển thái độ về ngã tha của tôi. Do đó, dù có nghĩ sao về điều này thì vẫn không đến đâu, trừ khi tôi hoán chuyển thái độ về ngã tha của mình. Đó là điều mà tôi có thể làm được, không phải là điều bất khả. Vì vậy,  xin các bậc thầy tâm linh ban cho con nguồn cảm hứng, để thực hiện điều  này. Đó chính là lực đẩy của vần kệ thứ tư:

Tóm lại, xin ban nguồn cảm hứng, để con thấu hiểu sự khác biệt giữa những lỗi lầm của chúng sinh ấu trĩ, làm nô  lệ cho tâm vị kỷ, và đức hạnh của đấng Pháp Vương của chư Hiền Thánh, người chỉ hành động vì lợi lạc của tha nhân, nhờ vậy, con có thể bình đẳng hóa và hoán chuyển thái độ đối với ngã tha.

Do đó, quyết định ở đây là ta dứt khoát có thể hoán chuyển thái độ về ái ngã và ái tha.

Chắc Chắn Tôi Sẽ Hoán Chuyển Thái Độ Về Ngã Tha

Một lần nữa, hãy nghĩ về những lỗi lầm của tâm ái ngã, so với lợi ích của tâm ái tha, nhưng lần này, ta sẽ thực hiện nó theo cách khác, trộn lẫn cả hai với nhau. Nói cách khác là ta sẽ lần lượt xem xét mười ác nghiệp và mười thiện nghiệp, từ một ác nghiệp rồi đến một thiện nghiệp, luân phiên thay đổi giữa hai danh sách, và xem kết quả của chúng về mặt ái ngã và ái tha.

Ví dụ, nếu như thương yêu bản thân mình thì tôi sẽ không ngần ngại kết liễu đời kẻ khác. Kết quả là tôi sẽ tái sinh trong cõi địa ngục buồn thảm, ngay cả nếu được sinh ra làm người sau này thì tôi sẽ có một cuộc sống ngắn ngủi, đầy bệnh tật, Mặt khác, nếu thương yêu tha nhân thì tôi sẽ không lấy đi mạng sống kẻ khác, và kết quả là tôi sẽ tái sinh trong hoàn cảnh tốt hơn, trường thọ, v.v... . Rồi hãy lập lại tiến trình này với việc trộm cắp và không trộm cắp, ham mê việc tà dâm và kềm chế hành vi này v.v... . Nói ngắn gọn là như vần kệ thứ năm có nói:

Bởi tâm ái ngã là cửa ngõ của mọi thống khổ, trong khi thương yêu những bà mẹ của mình là nền tảng của mọi điều thiện hảo, xin ban cho con nguồn cảm hứng, để xem hành trì chính là pháp du già hoán chuyển địa vị của tha nhân cho mình.

Quyết định thứ năm là tôi dứt khoát sẽ hoán chuyển thái độ về ngã và tha. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là quyết định bây giờ tôi là bạn, và bạn là tôi. Đúng hơn, nó có nghĩa là hoán chuyển quan điểm ai sẽ là người mà mình thương yêu. Thay vì yêu thương mình và bỏ mặc kẻ khác thì giờ đây, ta sẽ bỏ mặc mối quan tâm ích kỷ của mình, và thương yêu tất cả những người khác. Nếu không làm được điều này thì không có cách nào ta có thể đạt được bất cứ điều gì.

Video: Tsenshap Serkong Rinpoche đời thứ Hai — “Ý Nghĩa Cuộc Đời”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tóm Tắt

Nhập Bồ Tát Hạnh (Phạn ngữ: Bodhicharyavatara) của ngài Tịch Thiên, giáo pháp của các đạo sư Kadampa, và dĩ nhiên Guru Puja – Lama Chopa (Cúng Dường Đạo Sư) của Đức Ban Thiền Lạt Ma Thứ Tư. Chúng xuất hiện dưới hình thức này, với các danh mục được đánh số trong Bộ Sưu Tập Sáng Tác của Kyabje Trijang Dorjechang, vị cố Trợ Giáo Phụ của Đức Dalai Lama. Tuy nhiên, nếu quá quan tâm về bản phác thảo và những con số trong đó, thì giống như có bảy cái momo (bánh hấp) trên một cái dĩa trước mặt, nhưng thay vì ăn momo thì ta lại muốn ai đó chứng nhận có bao nhiêu cái momo, nguồn gốc về hình dạng của chúng là gì, v.v... Hãy ngồi xuống và ăn đi!

Top