Vì Sao Tôi Thành Lập Berzin Archives

Bắt Đầu Một Trang Mạng Để Tiếp Cận Với Số Độc Giả Lớn Hơn So Với Sách Vở

Hiện nay, vào năm 2004, đã khoảng hai năm rưỡi, từ khi tôi bắt đầu trang mạng, www.berzinarchives.com. Ý tưởng đằng sau việc này xuất phát từ việc tôi đã cống hiến trọn đời, đến nay là 42 năm, để nghiên cứu và thực hành giáo pháp, mà không làm bất cứ điều gì khác. Tôi đã viết một vài cuốn sách, mà sách thì mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị và làm việc với ban biên tập, nhưng việc phân phối rất yếu và sách bán không chạy. Sách không tiếp cận được số độc giả rất lớn. Đối với tôi thì dường như cách tốt nhất để tiếp cận số độc giả lớn hơn là một trang mạng, và tận dụng các phương tiện truyền thông mới mà hiện nay chúng ta có được như một công cụ học hỏi.

Giống như đi từ tài liệu viết tay đến sách in, bây giờ, chúng ta có một cách học hỏi khác, đó là Internet (mạng lưới điện tử toàn cầu). Mặc dù trang mạng của tôi không tận dụng tối đa các khía cạnh giao thoa của Internet, nhưng với một trang mạng thì bạn có thể làm được nhiều việc mà bạn không thể làm với những cuốn sách dài. Bạn có thể viết và đăng tải các bài viết ngắn, liên quan đến những chủ đề cụ thể. Rồi với một phương tiện tìm kiếm hay liên kết, người ta có thể theo đuổi những điểm riêng biệt, tạo ta tất cả những sự kết nối, và thử xem mọi thứ ăn khớp với nhau như thế nào. Đây là cách học hỏi mới.

Cách học hỏi mới này hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta cần thiết, để thấu hiểu giáo pháp. Có rất nhiều mảnh ghép trong đồ hình giáo pháp (Dharma puzzle), và chúng ăn khớp với nhau theo nhiều cách khác nhau. Phương tiện truyền thông Internet thì hoàn hảo đối với điều đó, bởi vì ở đó, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và đi đến bất kỳ mảnh ghép nào khác của đồ hình, và cố đặt nó vào với những mảnh mà bạn đang đọc.

Điều rất quan trọng là phải đối phó với thực tế của những gì chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai, đang phát triển ngày càng nhiều hơn theo chiều hướng này của Internet. Nếu muốn giáo pháp tồn tại trong những thế hệ tương lai thì chúng ta cần phải trình bày nó bằng phương tiện truyền thông này. Điều này có nghĩa là không chỉ sử dụng Internet như một thư viện, như đặt sách lên kệ sách. Chúng ta có thể thực hiện nhiều điều hơn nữa đối với tài liệu giáo pháp.

Trở Về Phương Tây Với Một Số Tài Liệu Lớn Từ Ấn Độ

Sau khi sống ở Ấn Độ 29 năm, tôi đã quay trở lại phương Tây năm 1998, để giúp  cho mình có cơ sở tốt hơn để làm những việc như thiết lập trang mạng này; vì làm việc này ở Ấn Đố thì rất khó. Nên tôi trở về phương Tây, trở lại với số lượng tài liệu rất lớn từ những công việc mà tôi đã làm suốt cả đời. Tôi đã đặt cho nó một cái tên là Berzin Archives (Viện Lưu Trữ Phật Pháp Berzin).

Lúc ở Ấn Độ, tôi đã ghi chép một cách chi tiết về mỗi một giáo pháp mà tôi đã thọ nhận. Tôi đã viết các bản dịch nháp của tất cả các bản văn mà tôi đã nghiên cứu, và có bản sao chép của các giáo pháp mà tôi đã dịch cho Serkong Rinpoche và Đức Dalai Lama, hoặc thâu âm chúng. Có nhiều bản văn mà tôi đã dịch, và  băng thu âm của các bài giảng của tôi, v.v... Tất cả những thứ này đã lên đến khoảng 30 000 trang giấy, vậy là khá nhiều, đó là không kể các băng thu âm; và số băng thu âm tiếp tục tích lũy càng ngày càng nhiều hơn.

Phần lớn các tài liệu này được viết bằng tay, nên không dễ dàng cho việc sao chép. Tôi cũng đã chuẩn bị các bản thuật ngữ, danh sách từ vựng khổng lồ và thuật toán (algorithms) cho các chương trình vi tính, để đổi hoán chuyển ngày Tây Tạng và Tây phương, và để tính toán biểu đồ chiêm tinh Tây Tạng. Có tài liệu tôi đã viết về bốn truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, và các khía cạnh khác nhau của văn hóa Tây Tạng, không chỉ liên quan đến đạo Phật, mà còn về lịch sử, chiêm tinh học và y học. Tôi đã đọc và ghi chú cực kỳ chi tiết về 1200 cuốn sách và bài viết tiếng Anh, Pháp, Đức và Nga, một người khác đã viết tiếng Nga giùm tôi, vì tôi không đọc tiếng Nga, về lịch sử chánh trị Trung Á và về lịch sử Phật giáo ở Tây Tạng, Trung Á và Mông Cổ, cũng như tài liệu về các tôn giáo Trung Á khác đã giao thoa với Phật giáo. Tôi phải mất rất nhiều công sức để tìm ra những bản văn này trong những chuyến đi đến các thư viện và trường đại học trên khắp thế giới. Tôi cũng có bản sao chép về các cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện với các học giả ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ai Cập, Uzbekistan, Kazakhstan và các quốc gia khác ở Trung Á. Nếu không làm gì được với những tài liệu độc đáo này thì khi tôi qua đời, tất cả sẽ biến thành rác ngay lập tức và bị vứt đi. Tôi không muốn điều đó xảy ra.

Tôi đã có dịp may và đặc quyền tuyệt vời để tu học với những vị thầy giỏi nhất trong số những vị xuất sắc nhất, không phải là những Geshe bình thường của bạn, mà là những vị xuất sắc nhất như Đức Dalai Lama và các vị thầy của Ngài. Vì vậy, các tài liệu tôi đã thu thập được rất là quý giá, như những bài sao chép về những buổi vấn đáp riêng tư về các điểm giáo pháp cao cấp mà tôi đã thực hiện với Đức Dalai Lama.

Tôi muốn bảo tồn tất cả những điều này và đưa nó tới tay người khác. Rõ ràng là tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ to tát ấy trong đời này, nhưng tôi muốn thực hiện càng nhiều càng tốt, và thiết lập cơ chế, để nó có thể tiếp tục sau khi tôi qua đời. Và chắc chắn tôi không muốn làm công việc này mà chỉ chú trọng vào Anh ngữ, mà tôi muốn trình bày nó bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Mông Cổ, tiếng Tàu, v.v. .. càng nhiều càng tốt. Tôi hình dung một dự án rất lớn. Để làm cho nó tệ hơn, tôi có xu hướng tệ hại là không thích trở lại làm việc với các tài liệu cũ, mà luôn viết những điều mới mẻ, vì sự hiểu biết của tôi luôn luôn cải thiện, thay đổi và phát triển.

Quan Điểm Lịch Sử Về Sự Phát Triển Cách Trình Bày Phật Pháp

Nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ sự phát triển lịch sử của đạo Phật thì tôi nghĩ một trong những sự đóng góp chính mà tư duy phương Tây, tâm thức phương Tây, có thể đóng góp là sự phát triển xa hơn nữa của văn học luận giải, nhưng là một thể loại khác với những gì đã có trước đây.

Kinh điển rất thiếu tính tổ chức. Về cơ bản, đó là những bài thuyết pháp mà Đức Phật đã công khai hoặc thường xuyên ban cho những người khác nhau tại tư gia của họ, nơi Ngài và chư tăng đã được thỉnh mời đến để thọ trai. Trong các buổi nói chuyện này, Đức Phật đã giải thích một loạt các chủ đề hoàn toàn khác biệt nhau về mức độ phức tạp, và từ các quan kiến hoàn toàn khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của những người đã thỉnh mời Ngài, và có mặt tại bữa ăn trưa.

Các bài luận giải của Ấn Độ kết hợp tất cả những điều này với nhau, theo cách giải quyết các chủ đề cụ thể, chẳng hạn như  lòng bi, vô thường, tánh Không, các giai đoạn phát triển trên đường tu, v.v... Rồi thì người Tây Tạng đã bổ sung thêm phác thảo chi tiết, để có thể đối phó với các bài luận giải Ấn Độ một cách dễ dàng hơn, và học hỏi từ chúng. Mỗi thế hệ tiếp theo của các học giả Tây Tạng và Mông Cổ đã cố giải thích rõ ràng hơn những từ ngữ của những bài luận giải Ấn Độ này, vì chúng rất khó hiểu và có thể được hiểu theo nhiều quan điểm khác nhau.

Một Sự Đóng Góp Khả Dĩ Của Phương Tây Đối Với Sự Tiến Hóa Này

Hiện nay, đạo Phật đang đi đến phương Tây, thế thì chúng ta có thể đóng góp điều gì? Chỉ cần đóng góp các thức cúng dường và những nhạc cụ khác nhau cho các lễ cúng dường (pujas) và những điều như thế là một sự phát triển thiển cận, cần thiết, nhưng hời hợt. Hoặc bổ sung thêm một nhóm các đấng bảo hộ thế gian khác, bên cạnh tất cả các thần linh địa phương của núi non và cây cối, như bạn có ở Mễ Tây Cơ hoặc Brazil thì đó là điều không sâu sắc lắm. Tất nhiên, bạn cũng có thể bổ sung thêm các vị Hộ Phật địa phương này từ các truyền thống pháp sư địa phương, nhưng đây cũng là một sự đóng góp rất thiển cận.

Tuy nhiên, tôi nghĩ một trong những sự đóng góp thật sự mà chúng ta có thể thực hiện là dựa trên sự đào tạo ở phương Tây để tìm ra các mô hình và theo dõi sự phát triển lịch sử của các chủ đề theo cách so sánh. Ví dụ, chúng ta rất giỏi về việc kết hợp nhiều hệ thống khác nhau để truy nguyên, ví dụ như làm thế nào mà một chủ đề nào đó như sự quy gán bằng tinh thần được phát triển qua các trường phái triết thuyết của Phật giáo Ấn Độ. Tâm thức phương Tây được đào tạo một cách độc đáo để làm điều đó. Người Tây Tạng không rèn luyện tâm thức để tư duy bằng cách như vậy. Người Tây Tạng được đào tạo trong việc tranh luận những điểm rất cụ thể, riêng biệt. Về mặt ngũ trí thì người Tây Tạng chuyên đào tạo trí tuệ cá nhân hóa để chọn lọc các chi tiết cụ thể, trong khi người phương Tây chúng ta đào tạo trí tuệ bình đẳng hóa để tìm ra các mô hình.

Tôi quen biết với người Tây Tạng duy nhất chịu tiếp cận lối suy nghĩ phương Tây, đó là Đức Dalai Lama. Ngài đã cố gắng đưa ra một lý thuyết thống nhất rộng lớn, để xem bốn truyền thống Tây Tạng ăn khớp với nhau như thế nào, thay vì chỉ mô tả từng hệ thống riêng biệt. Tuy nhiên, Đức Dalai Lama độc đáo theo rất nhiều cách, nên cách Ngài tiếp cận vấn đề này cũng không giống với tâm thức phương Tây; nó có sự khác biệt.

Ở phương Tây, vào Thời Đại Thông Tin thì chúng ta phải đối mặt với tất cả các hình thức Phật giáo từ mọi quốc gia châu Á mà đạo Phật đã từng phát triển ở đó. Hiện nay, tất cả những điều đó đều có sẵn một cách dễ dàng. Vậy thì làm sao để giúp cho chúng có ý nghĩa? Đây là một sự thách thức mà trí óc phương Tây được đào tạo một cách đặc thù, để có thể xử lý vấn đề, đó là khám phá các mô hình chung.

Việc làm cho tất cả các tài liệu này có ý nghĩa là điều hoàn toàn cần thiết cho tương lai, bởi vì càng ngày sẽ càng có nhiều thông tin có sẵn. Làm sao bất cứ ai có thể thật sự tiếp cận và tu tập đạo Phật, khi họ có tất cả những thông tin mâu thuẫn này? Làm sao bạn gom nó lại với nhau? Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Vì vậy, đây là một đóng góp rất quan trọng mà đầu óc Tây phương thì phù hợp nhất để thực hiện việc này, trong sự phát triển lịch sử của đạo Phật. Đây là điều mà tôi muốn đóng góp chút ít, nên trang mạng là một phương tiện truyền thông tốt để làm điều đó.

Chuẩn Bị Tài Liệu Để Có Thể Sử Dụng Nó Trong Những Kiếp Tương Lai

Khi tiếp cận việc tu học và hành trì Phật pháp thì tôi nghĩ nếu chúng ta thật sự cố gắng có động lực Đại thừa và phạm vi Đại thừa thì sẽ rất hữu ích, và không chỉ làm điều đó vì sự phát triển cá nhân, bởi vì mình quá rối trí và có quá nhiều vấn nạn luân hồi. Chúng ta không nên dừng lại ở việc “Tôi đang làm điều này cho tất cả chúng sinh”, đó là điều vô nghĩa đối với hầu hết chúng ta. Cách tôi nhìn vào công việc này trên trang mạng là đây là cơ hội để thật sự cố gắng tiếp cận nhiều người, và không chỉ đem lại lợi ích cho những người trong hiện tại, mà còn tạo lợi lạc cho các thế hệ tương lai.

Từ cách suy nghĩ đó, chúng ta có thể đi xa hơn và nghĩ đến việc đem lại lợi ích cho những kiếp tương lai, trong bối cảnh động lực của phạm vi lam-rim sơ căn. Nếu dồn đủ sức lực vào công việc này, với động lực cải thiện những kiếp sống tương lai thì chúng ta sẽ tạo ra một sự kết nối duyên nghiệp với trang mạng này, để nếu như may mắn có được tái sinh quý báu làm người lần sau, thì ta sẽ dễ dàng tìm thấy trang mạng này, và nó sẽ làm cánh cửa sau để giúp ta thể nhập giáo pháp lần nữa. Đây cũng có thể là động lực của chúng ta để làm việc cho trang mạng, ít nhất đây là cách mà cá nhân tôi nghĩ về việc này.

Chúng ta nghiêm túc như thế nào về việc chuẩn bị cho tái sinh kế tiếp của mình? Nếu như thật sự dấn thân với giáo pháp thì chúng ta đang thực hiện những biện pháp cụ thể nào để kết nối lại với Pháp? Đó là điều mà tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cố gắng xem động lực của phạm vi sơ căn một cách nghiêm chỉnh. Vì vậy, xin đừng tầm thường hóa hoặc coi thường động lực của phạm vi sơ căn. Chúng ta cần phải quán sát xem mình nghiêm túc đến mức nào, và ta cảm nhận nó nghiêm túc đến mức nào, để thật sự hành động?

Tất nhiên, rõ ràng là có nhiều cách khác để chuẩn bị cho kiếp tương lai, ngoài việc làm việc cho trang mạng này. Nhưng điều quan trọng là làm một cái gì đó. Chẳng hạn, sẽ tuyệt vời biết bao khi bạn bỏ nhiều công sức vào một trung tâm Phật giáo và tạo ra môi trường thuận tiện để người khác học hỏi, đặc biệt là khi bạn nghĩ rằng, “vì lợi lạc của tất cả chúng sinh”, nhưng bao gồm động lực phạm vi sơ căn này như là một phần của lời cầu nguyện. “Nguyện tôi có thể kết nối, và tiếp tục kết nối nhiều lần, với giáo pháp trong tất cả những kiếp sau, với tái sinh làm người quý báu, và tiếp tục tu học với những bậc thầy thật sự hội đủ các phẩm hạnh cao quý.”.

Hãy nghĩ đến ngài A Đề Sa (Atisha) đã thực hiện một chuyến đi khó tưởng tượng nổi đến Sumatra vào thời của ngài, để tìm những vị thầy thật sự hội đủ các phẩm hạnh cao quý. Thế thì hãy làm việc với nỗ lực và quyết tâm tương tự như vậy, để tạo ra thuận duyên trong môi trường, như ở đây, tại trung tâm Phật giáo này, để người khác có thể tiếp cận với giáo pháp đích thực. Hãy sẵn sàng chịu đựng tất cả những sự khó khăn liên quan đến việc này. Chúng chẳng là gì cả, nếu đem so với những điều ngài A Đề Sa đã chịu đựng sau chuyến hành trình lạ thường trên biển đến Sumatra, và sau đó, khi đã lớn tuổi, ngài đã đến Tây Tạng bằng cách đi bộ và sử dụng thú vật thồ hàng, và làm việc để mang lại giáo pháp xác thực ở đó, nơi mà tình hình thật sự khó khăn hơn ở đây rất nhiều, nhưng không phải là một nhà truyền giáo. Và hãy nhìn vào kết quả của sự nỗ lực của ngài! Những gì ngài thực hiện đã tiếp tục đem lại lợi lạc cho người dân cho đến ngày nay, thậm chí ở những nơi như ở Mễ Tây Cơ, cách xa Ấn Độ và Tây Tạng.

Top