Đối với Phật tử, chữ “Pháp” được dùng để nói về giáo huấn của Đức Phật, giúp chúng ta đi từ trạng thái mê lầm và bất hạnh trong hiện tại, đến trạng thái tỉnh thức và hoan hỷ. Cũng giống như chữ “tôn giáo” trong tiếng Anh bắt nguồn từ thuật ngữ Latinh “gắn kết với nhau,” Pháp bắt nguồn từ tiếng Phạn “dhr”, có nghĩa là giữ gìn chặt chẽ hay hỗ trợ. Trên cơ bản thì Pháp hỗ trợ chúng ta một cách vững vàng, bằng cách giúp cho mình không rơi vào những cõi thấp hơn và bất hạnh, nơi mà chúng ta sẽ phải trải qua những nỗi khổ không thể khống chế được trong một thời gian dài.
What is dharma

Khai Thị Đầu Tiên Của Đức Phật

Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng hơn 2500 năm trước, lúc đầu, Ngài đã do dự về việc thuyết Pháp, vì e rằng nó quá sâu sắc và khó hiểu, hoặc người dân không có hứng thú, đơn giản là vì họ say mê thú vui thế tục. Trong những bản văn đầu tiên, người ta nói rằng Phạm Thiên (Brahma), đấng sáng tạo ra vũ trụ, đã xuất hiện trước mặt Đức Phật và thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp, để tạo lợi lạc cho chúng sinh, vì chắc chắn là một số người cũng có thể giác ngộ. Dựa vào đó, Đức Phật đã thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Deer Park) về Tứ Diệu Đế, tạo ra khuôn khổ cho toàn bộ đường tu nhà Phật, và vẫn là nền tảng của tất cả các truyền thống Phật giáo trên thế giới ngày nay.

Diệu đế đầu tiên mà Đức Phật dạy là cuộc sống luôn luôn bất toại nguyện. Dù bất cứ lúc nào ta có cảm thấy hạnh phúc, thì trạng thái hạnh phúc này không ổn định và tạm bợ. Đây là điều phổ quát, mà tất cả chúng ta đều trải qua trong đời. Bất kỳ niềm hạnh phúc nào mà mình có được, cũng không tồn tại mãi mãi, và bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành nỗi bất hạnh. Diệu đế thứ hai là nỗi bất hạnh của chúng ta không thật sự đến từ bên ngoài, mà bắt nguồn từ tâm tham ái của chính mình, để đạt được những gì ta muốn, và hơn hết là không nhận thức được vạn pháp thật sự tồn tại như thế nào. Diệu đế thứ ba nói rằng có thể thoát khỏi tất cả những nỗi khổ và vấn đề, và diệu đế thứ tư vạch ra con đường, mà nếu như chúng ta noi theo, thì có thể giúp mình đạt được giải thoát, thoát khỏi mọi vấn đề mãi mãi.

Khai Thị của Đức Phật nhắm vào việc đoạn trừ nỗi khổ

Vào thời Đức Phật, tất cả giáo pháp đều được truyền khẩu và ghi nhớ. Chúng đã được trao truyền bằng cách này qua nhiều thế hệ, trước khi được sưu tập thành các bản thảo. Ngày nay, chúng ta còn lại hàng trăm bộ kinh, bản văn về giới luật dành cho các tín đồ xuất gia của Đức Phật, và những bài thuyết giảng về triết học, tạo ra cái gọi là Tripitaka, hay Tam Tạng. Theo truyền thống, đôi khi người ta nói rằng tổng cộng, Đức Phật đã ban 84000 pháp môn, để khắc phục 84000 phiền não của chúng ta. Mặc dù đây có thể là một con số tùy tiện, nhưng đó là một cách đơn giản để cho thấy chúng ta phải chịu đựng bao nhiêu nỗi khó khăn, thất vọng và nỗi khổ, và vô số giáo lý mà Đức Phật đã dạy, để đối trị với những điều này.

Trên thực tế, tất cả giáo huấn của Đức Phật là nhằm khắc phục nỗi khổ. Đức Phật không quan tâm đến việc suy đoán về hiện tượng siêu hình, thậm chí còn từ chối trả lời một số thắc mắc liên quan đến bản ngã và vũ trụ, bởi vì việc suy tư về những vấn đề này không đưa chúng ta đến gần giải thoát hơn. Đức Phật đã nhìn vào thân phận con người, thấy rằng tất cả chúng ta đều đau khổ, và tìm ra giải pháp cho điều này. Đây là lý do tại sao Đức Phật thường được ví như một y sĩ, và giáo pháp được so sánh với thuốc men. Pháp dược này sẽ giải quyết tất cả vấn đề của chúng ta một cách dứt khoát, chỉ trong một lần và mãi mãi.

Tuy trong pháp quy y có Tam Bảo, đó là Phật, Pháp và Tăng, thì chính Pháp mới là quy y thật sự. Dù chư Phật thuyết Pháp, nhưng các ngài không thể đoạn diệt nỗi khổ của chúng ta bằng một cái búng tay. Tuy Tăng đoàn có thể hỗ trợ và khuyến khích chúng ta, nhưng không thể ép buộc mình hành trì giáo pháp. Chúng ta phải thực sự tự mình nghiên cứu và dấn thân vào giáo pháp. Đó là cách duy nhất để thoát khổ. Trên thực tế, chúng ta là cứu tinh của chính mình.

Phẩm Chất Của Giáo Pháp

Pháp có vô số phẩm chất, nhưng có thể nói rằng những phẩm chất chủ yếu là: 

  1. Pháp phù hợp với nhiều căn cơ khác nhau. Tuy đạo Phật có những hình thức khác biệt đáng kể ở những nơi như Thái Lan, Tây Tạng, Tích Lan (Sri Lanka), Nhật Bản, v.v., nhưng các truyền thống đều chứa đựng giáo huấn cốt tủy của nhà Phật, nhắm vào thành tựu giải thoát.
  2. Pháp dựa trên lý lẽ, đòi hỏi ta phải nhìn vào tâm thức của mình và tất cả những điều mà ta trải nghiệm một cách thực tế. Nó không phải là giáo điều, đòi hỏi tín tâm vào một vị trời hay chư Thiên, mà đòi hỏi chúng ta đặt câu hỏi về tất mọi việc bằng lý lẽ. Đức Dalai Lama đã làm việc với các nhà khoa học qua nhiều năm, để xem xét các khái niệm chính trong đạo Phật như ý thức và tâm trí, và Phật tử cũng như các nhà khoa học đang học hỏi lẫn nhau.
  3. Pháp không chỉ hướng về một vấn đề duy nhất, mà nhắm vào căn nguyên của tất cả vấn đề. Nếu cứ bị nhức đầu khủng khiếp mỗi ngày mà không khỏi, thì chúng ta có thể uống một viên aspirin. Tất nhiên, điều đó sẽ hữu ích trong một thời gian ngắn, nhưng chứng đau đầu sẽ trở lại. Nếu có một loại thuốc có thể chữa dứt chứng nhức đầu mãi mãi, thì chắc chắn là mình sẽ sử dụng nó. Pháp là như vậy, vì nó không chỉ chữa dứt bệnh nhức đầu, mà còn trị hết tất cả những khó khăn và đau khổ.

Tóm Tắt

Đức Phật giống như một y sĩ rất thiện xảo, người chẩn đoán nỗi khổ của mình, và cung cấp cho chúng ta phương thuốc tốt nhất, đó là Pháp. Nhưng việc dùng thuốc hay hành trì giáo pháp là tùy theo mình. Không ai có thể ép buộc chúng ta làm như vậy, nhưng khi thật sự thấy được những lợi lạc và tâm an lạc mà Pháp sẽ mang lại cho tự thân, và cách nó thật sự giúp ta đoạn trừ tất cả những sự khó khăn, thất vọng và đau khổ, thì ta sẽ hoan hỷ hành trì Pháp, để tạo lợi lạc cho tự thân và tha nhân.

Top