Hạnh Phúc, Chư Đại Sư Trong Quá Khứ, Và Nhận Lấy Nỗi Khổ Của Tha Nhân

Mưu Cầu Hạnh Phúc

Chúng ta có hai loại hạnh phúc, hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tinh thần, và hầu hết nỗ lực cho đời sống đều liên quan đến việc mưu cầu sự thoải mái và hạnh phúc về mặt vật chất. Rất nhiều người sẽ làm đủ các việc để mưu cầu hạnh phúc vật chất và được thoải mái. Họ có thể trở thành kẻ giết người và cướp của, ăn cắp đủ thứ, rồi bán chúng để lấy tiền, để được thoải mái và hạnh phúc về mặt vật chất, và trên thực tế, nhờ vậy mà họ có được một sự thoải mái nào đó. Nhưng đây chỉ là lấy vấn đề này để thay thế cho vấn đề kia, và về lâu về dài, nó chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề. Giống như quý vị có một vết thương lớn ở trên má, và đã cắt cái mũi để cấy nó lên trên má, để chăm sóc vết thương ở đó, thì đó chỉ là lấy vấn đề này để thay thế cho vấn đề kia. Rồi có những người khác thì mưu cầu sự thoải mái và hạnh phúc về vật chất bằng chánh mạng trung thực như nông dân, thương nhân, v.v..., và có nhiều người thành công trong việc kiếm sống theo cách này, bằng cách canh tác hay thương mãi.

Cũng có những người rất không may, và không bao giờ được suôn sẻ. Cho dù họ cố gắng điều hành một doanh nghiệp bao nhiêu, thì cũng không thành công, hay có một cửa hàng, mà không thể bán chạy, hay có một trang trại, và công việc không trôi chảy. Khi có hai người làm cùng một loại công việc, cả hai đều làm việc chăm chỉ như nhau, nhưng một người thành công, còn người kia thất bại, thì bạn có thể thắc mắc rằng:  “Đâu là sự khác biệt? Điều gì làm cho một người thành công và người kia thất bại?”. Đó là vì những nghiệp lực khác nhau mà họ đã tích tập trong kiếp trước. Nếu như trong quá khứ, họ đã tích lũy công đức, thì sẽ thành công trong những gì họ đang làm, và mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Nếu họ đã tích tập ác nghiệp, thì không có điều gì suôn sẻ cả.

Tuy nhiên, quý vị sẽ thấy rằng dù người ta có thành công bao nhiêu trong việc mưu cầu vật chất và sự nghiệp, dù có bao nhiêu tiền của và tài sản, tuy điều này có thể tạo ra sự thoải mái về vật chất, nhưng lại không đem lại hạnh phúc tinh thần. Quý vị sẽ thấy rằng khi mình càng có nhiều thứ hơn, thì lại càng có nhiều vấn đề và lo lắng hơn. Nếu một người có hết tiền bạc và tài sản của cả đất nước này, của nước Mỹ, thì họ sẽ có cách suy nghĩ như thế này: “Ồ, ước gì mình có nhiều hơn nữa.”. Nói cách khác là không ai hài lòng, không có ai cảm thấy rằng: “Bây giờ thì tôi đã có đủ vật chất rồi, nên không cần thứ gì khác nữa.”. Do đó, chúng ta phải tìm cầu cách tu tập theo giáo pháp, là điều có thể mang lại cho mình hạnh phúc lớn lao hơn điều này, một hạnh phúc lâu dài, rất tuyệt vời, và sẽ không bao giờ kết thúc. Phải nhận ra và chấp nhận rằng ngoài việc noi theo các phương tiện của giáo pháp, hành trì các pháp phòng ngừa này, thì không có cách nào để thật sự có được hạnh phúc lâu dài.

Video: Tiến sĩ Chönyi Taylor — “Vì Sao Chúng Ta Lầm Lẫn Giữa Hạnh Phúc Và Lạc Thú?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Khổ Đau

Khi đã được sinh ra, thì sẽ có những nỗi khổ và vấn đề của lão, bệnh, tử. Không có ai mà không có những vấn đề này, vì chúng là những vấn đề thông thường đối với tất cả mọi người. Đến một lúc nào đó, thì tất cả mọi người đều bị bệnh, và đều sẽ qua đời, chỉ là vấn đề thời gian, khi nào thì sẽ tới phiên quý vị thôi. Nếu khi quý vị bị bệnh, và thấy khó chịu về điều đó, thật sự hoảng loạn và lo lắng rằng: “Ồ, tôi bị bệnh, thật là kinh khủng!”, rồi ngoài nỗi bất hạnh về thể chất và khó chịu vì bệnh tật, quý vị còn thêm vào đó một gánh nặng thêm không cần thiết, đó là sự bất an trong tinh thần. Vậy thì khi nào bị bệnh, mà quý vị nghĩ rằng: “Việc mình bị bệnh là kết quả của những ác nghiệp mà mình đã tích tập trong quá khứ. Đó là điều khiến cho mình bị bệnh.”, thì quý vị có thể cảm thấy rất vui, bởi vì: “Bây giờ thì quả này đã trổ, và tôi đã loại bỏ nó, không phải kinh qua điều đó nữa. Tôi không phải cưu mang nó nữa. Bây giờ thì nó đã trổ thành căn bệnh này, và tôi đã dứt nghiệp với nó. Trong tương lai, tôi sẽ không tạo ra những hành vi xấu ác nữa, để tránh tạo ra thêm ác nghiệp.”. Quý vị sẽ chấp nhận bệnh tật với thái độ tích cực này, ý thức được rằng hiện nay, quý vị đã thoát khỏi ác nghiệp mà mình đã tích tập, và hoan hỷ khi đã thoát khỏi nó. Không chỉ vậy, mà quý vị còn nói rằng: “Ước gì tôi cũng có thể nhận lấy bệnh tật của tất cả chúng sinh như vậy, và bệnh của tôi sẽ đủ để giúp cho chúng sinh không phải bị bệnh. Hãy để tất cả những đau khổ vì bệnh tật của bất cứ chúng sinh nào khác đến với tôi. Nguyện cho bệnh tật của tôi sẽ chấm dứt bệnh tật của tất cả chúng sinh.”. Sau đó, quý vị sẽ thấy rằng kinh nghiệm bệnh tật của mình hoàn toàn khác biệt, và sẽ không gặp khó khăn gì với nó nữa, mà thay vì vậy, sẽ rất hoan hỷ khi bị bệnh, vì quý vị có thể sử dụng điều này một cách tích cực.

Kunu Lama Rinpoche vĩ đại, một đạo sư cao cả gần đây, đã kể rằng ở vùng quê của ngài, có một người đàn ông đã thực hành cách chữa bệnh này cho người khác, bằng cách tự mình gánh lấy bệnh tật của họ. Một lần nọ, có một người bị chấn thương đầu và nhiễm trùng rất nặng, rất đau đớn, và ông lão này đã đến bên cạnh anh ta, vẫy tay và nói rằng: “Nguyện cho bệnh tật này đến với tôi, nguyện cho nó đến với tôi.”. Ộng đã có thể chữa lành cho người này, nhưng chính ông đã bị chấn thương đầu và nhiễm trùng, rồi qua đời vì bệnh này.

Tính Đáng Tin Cậy Của Chư Đạo Sư Trong Quá Khứ

Ngay cả khi quý vị đang ở trong một ngôi nhà sang trọng, chứa đầy vật dụng, tài sản và những thứ mà quý vị có thể tưởng tượng ra, có thức ăn thức uống ngon nhất, thì quý vị vẫn có thể khổ tâm khi sống ở đó, vì thái độ của mình, không cần biết có bao nhiêu thức ăn, thức uống và đồ dùng để giải trí trong ngôi nhà này. Ngược lại, một người khác có thể sống ở một nơi thật khủng khiếp, thấp kém, nhưng vì thái độ của họ, nên họ rất vui vẻ và hài lòng. Quý vị có thể nhìn vào ví dụ về Milarepa luôn tỉnh giác, người đã sống trong hang động. Hoàn toàn không có thứ gì trong hang động cả. Nếu như mắc kẹt ở một nơi như vậy, thì chúng ta sẽ thấy nó thật gian nan và khó khăn, nhưng Milarepa rất mãn nguyện và hài lòng. Ngài nói rằng: “Ta không quan tâm đến những pháp thế gian, hay biến hoại”, và đã vô cùng hoan hỷ với đời sống không có một thứ gì.

Milarepa luôn tỉnh giác đã từng ngủ ngoài trời, trên một đồng cỏ bên đường. Ông chỉ nằm đó, trông rất gầy gò. Một cô gái đi ngang qua và nhìn thấy ông, đã nói rằng: “Trời ơi, người này có một thân thể khốn khổ làm sao. Nguyện cho tôi không bao giờ có một thân thể như vậy trong những kiếp tương lai. Nguyện cho tôi không bao giờ rơi vào tình trạng như người này.”. Milarepa đã ngồi dậy và nói rằng: “Cô không có gì phải lo lắng đâu. Ngay cả khi cô cầu nguyện được trở thành như tôi, cô cũng không thể được như vậy.”.

Thầy của Milarepa, tức dịch giả Marpa, đã đến Ấn Độ ba lần để gặp Naropa, thầy của ông. Khi ông đến Ấn Độ lần thứ ba, thì Naropa đã viên tịch. Trên đường đến Ấn Độ, ông đã gặp A-đề-sa (Atisha) vĩ đại trên một đường đèo, khi ngài đang trên đường đến Tây Tạng. A-đề-sa biết rằng Naropa đã viên tịch, và trên thực tế, đang mang theo một số xá lợi và vật dụng của Naropa về Tây Tạng. Tuy nhiên, ngài không nói về cái chết của Naropa với Marpa, vì biết rằng Marpa là một hành giả phi thường, người sẽ có thể gặp Naropa, dù ngài đã viên tịch, nên A-đề-sa đã để cho Marpa đến Ấn Độ. Marpa tiếp tục đi qua Nepal, đến Ấn Độ và quay trở lại nơi Naropa đang sống, và trên thực tế, đã có một linh kiến về Naropa, và đã nhận được giáo huấn của thầy.

Tất cả những hành giả vĩ đại này, như Milarepa, v.v..., đã không nói nhiều điều vô nghĩa, khi các ngài nói về kiếp quá khứ và vị lai. Các ngài không có lý do để lừa gạt ai. Các ngài không muốn dính mắc với các pháp thế gian, hay bất cứ điều gì tương tự, bằng cách dựng chuyện để lừa gạt mọi người. Ước nguyện duy nhất của các ngài là tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, nên những gì các ngài nói về kiếp quá khứ và tương lai là đúng, và có nguyên nhân để tin lời của các ngài.

Có những người bịp bợm, có thể cố thuyết phục quý vị rằng một cái máy nào đó có tâm thức, để bán nó cho quý vị, và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng nếu như nhìn vào ví dụ về Milarepa, thì không có lý do gì để ngài phải hành động như một người bịp bợm. Ngài không hề cố gắng rao bán thứ gì, không hề cố gắng làm tiền mọi người. Ngài đã sống trong hang động, hoàn toàn từ bỏ tài sản và các pháp thế gian, và chỉ đơn thuần thuyết Pháp, để làm lợi lạc cho mọi người. Hãy nhìn vào tấm gương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và A-đề-sa: cả hai vị đều từ bỏ đời sống của một hoàng tử, hết lòng dấn thân truy cầu tâm linh. Hãy nhìn vào các truyền thống Nyingma, Kagyu, Sakya, Gelug: tất cả các truyền thống này đều có nhiều bậc thầy vĩ đại, những người cũng đã từ bỏ các mối quan tâm thế tục, và tất cả những vị đại sư này đã giảng dạy về sự tồn tại của tiền kiếp, không phải để thuyết phục quý vị, để bán thứ gì cho quý vị. Đúng hơn là bản thân các ngài không hề quan tâm đến vật chất. Các ngài chỉ muốn tạo lợi lạc cho quý vị bằng những giáo huấn này, và thuyết phục quý vị rằng nếu quý vị hành động theo cách tích cực, thì quý vị sẽ được lợi lạc, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn cho quý vị. Nên giáo huấn của các vị về kiếp quá khứ và vị lai đều có mục đích giúp đỡ mọi người.

Vào lúc đầu, việc dấn thân cho đời sống tâm linh là điều rất khó khăn, và đòi hỏi rất nhiều công phu khó nhọc. Nó không phải là một việc truy cầu rất dễ dàng để noi theo. Nếu nó dễ dàng đến mức quý vị có thể ngồi xuống, thư giãn, mà vẫn là một hành giả tâm linh tuyệt vời, thì quý vị sẽ hơi nghi ngờ về điều đó. Nó đòi hỏi rất nhiều công phu và nỗ lực, nhưng dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng quý vị sẽ thấy rằng bất kể mọi việc có khó khăn đến mức nào, thì sâu thẳm bên trong, quý vị sẽ thấy an lạc và hạnh phúc, và mọi việc sẽ êm xuôi. Trong số nhiều hành giả chân thành ở Tây Tạng và Ấn Độ, không có ai nghe nói rằng một số những hành giả này đã không thể vượt qua gian khó, vì mọi việc quá khó khăn. Trên thực tế, quý vị thấy rằng các ngài có thể vượt qua tất cả, vì các ngài có được hạnh phúc, sức mạnh nội tâm và tâm an lạc.

Việc tu tập Pháp là điều có thể đi đến chung cuộc. Quý vị có thể hoàn tất việc truy cầu và hành trình tâm linh, và sẽ kết thúc với hạnh phúc tuyệt vời. Ngược lại, việc mưu cầu vật chất là điều không có đoạn kết, và khi buộc phải dừng lại việc này vào lúc chết, thì nó sẽ kết thúc trong bi kịch và nỗi bất hạnh, hoàn toàn khác biệt với việc truy cầu tâm linh, có một chung cuộc, và kết thúc trong hạnh phúc.

Quý vị nên nghĩ về ý nghĩa của việc hoàn tất hành trình truy cầu tâm linh của mình, rằng thật ra, nó có ý nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là đi đến điểm cuối cùng, mà quý vị đã học hỏi tất cả mọi thứ, đã thành tựu mọi phẩm chất tốt đẹp, và không còn gì để học nữa, vì đã tinh thông mọi việc. Không phải là quý vị hoàn tất việc truy cầu tâm linh, và điều đó có nghĩa là quý vị đã hoàn thành công việc, nên chỉ cần nằm xuống ngủ, và không làm gì cả. Vậy thì nên nghĩ về việc hoàn tất hành trình tâm linh mà quý vị đang vạch ra có nghĩa là gì.

Đây là tất cả những điều dành cho ngày hôm nay. Quý vị có thắc mắc gì không?

Câu Hỏi

Có Điều Gì Về Mặt Vật Chất Sẽ Tiếp Tục Trong Những Kiếp Tương Lai Hay Không?

Có ba câu hỏi. Câu đầu tiên liên quan đến ví dụ của Rinpoche về ngài Pháp Xứng và viên ngọc trong miệng. Con hiểu rằng trong quá trình chết, chỉ có ý thức vi tế và chủng tử nghiệp tiếp nối. Ví dụ này có vẻ ngụ ý rằng người ta cũng tiếp tục mang theo thân thể nữa? 

Không phải là quý vị có thể mang theo một số vật chất vào trong những kiếp tương lai. Cũng có những ví dụ mà tôi đã đưa ra trong một ngày khác, về những người cúng dường vàng và đã tái sinh với bông tai vàng, hay khả năng có những đồng tiền vàng rơi ra từ tay của họ, và những điều tương tự. Tất cả những điều này xuất phát từ bản năng và tiềm năng đã được gieo vào dòng tâm thức một cách rất mạnh mẽ, rồi trổ quả trong lần tái sinh tiếp theo. Không phải là quý vị để một viên ngọc trai vào miệng ai đó, rồi họ có thể đem nó theo đến kiếp sau, và có cùng một viên ngọc trai mà họ đã ngậm trong miệng, khi qua đời. Đúng hơn là nhờ vào định tâm rất mạnh mẽ của ngài Pháp Xứng, mà khi ngài để viên ngọc trai vào trong miệng của người này, nó đã tạo ra một tiềm năng và bản năng cực kỳ mạnh mẽ dòng tâm thức của người đó, để tạo ra một viên ngọc trai trong miệng người này một lần nữa, khi họ tái sinh.

Chẳng hạn, quý vị có ví dụ về con trai của Marpa, Dharmadodey, người bị thương ở chân, và trong tái sinh kế tiếp, anh đã sinh ra với một dấu vết ở chân. Không phải là anh mang theo vết thương tương tự, nhưng đó là một bản năng rất mạnh mẽ đã tiếp nối trong dòng tâm thức, và đã tạo ra một điều tương tự như vậy.

Cây Cỏ Có Tâm Thức Hay Không?

Câu hỏi thứ hai. Rinpoche đã nói về cách mà một cây cột hay xà nhà không có tâm thức, và nếu như con không có ý thức, thì thân thể của con sẽ giống như cây cột hay xà nhà. Theo con hiểu thì truyền thống Phật giáo nói rằng thực vật không có tâm thức, nhưng con không thể ví một cái cây ở ngoài kia với xà nhà này, bởi vì cái cây có sự sống. Mặt khác, con không thấy nó có một tâm thức, nên hiện giờ, con đang bối rối về mối quan hệ này, nếu đó là bằng chứng là cái gì có tâm thức và có sự sống, thì chúng ta sẽ phải nói rằng cây cỏ có một tâm thức hay sao?

Một xác chết có tâm thức không?

Con không tin rằng nó có.

Có phải là cái xác ra khỏi bụng mẹ không? Có phải là có một xác chết ra đời vào thời điểm đó, và nó có tâm thức không? 

Không phải là xác chết đã sinh ra, không. Một chúng sinh đã ra đời, và nó vô thường, biến đổi từng sát na, nên khi nó là một xác chết, thì không phải là đối tượng đã ra đời từ tử cung của người mẹ.

Vậy nếu như cơ thể không có tâm thức, thì có phải quý vị nói rằng cây cối có tâm thức, bởi vì nó sinh ra lá và cành, đó là những thứ giống như cơ thể, mà không có tâm thức? 

Con đang nói rằng nếu như cái gì đang sống, thì điều đó chứng tỏ nó có tâm thức. Rồi nếu như con nói rằng bởi vì cơ thể này đang sống, và có tâm thức, thì con cũng có thể áp dụng cùng một bằng chứng cho một cái cây, rằng bởi vì nó đang sống, nên nó có tâm thức. 

Quý vị có ý gì, khi nói rằng nó sống, rằng nó có sức sống?

Dạ đúng. Thực tế thì đó là tất cả những gì con có thể thấy, để phân biệt giữa bản thân mình và cái cột đó – con đang sống, có một sức sống năng động nào đó, còn cây cột thì không - đó là cách duy nhất con có thể thấy sự khác biệt ở điểm này.

Có phải quý vị đang nói rằng nếu như cái gì có sức sống, thì nó có tâm thức? Vậy thì quý vị có nói rằng bởi vì một cây đã sinh ra lá và cành, nên nó có sức sống?

Con sẽ nói không quá nhiều về lá và cành, nhưng thực tế là nó có thể tạo ra một cây mới, dường như là một ví dụ về sức sống của nó?

Vậy thì quý vị đang nêu ra lý do nào cho vấn đề nó có sức sống? Thực tế là nó sinh ra lá và cành, hay thực tế là nó tạo ra hạt giống, và khi hạt giống được gieo, thì sẽ mọc ra cây khác?

Con sẽ nói cả hai. Thực tế là nó đang phát triển, và có lực phát triển, nên không phải là một pháp thường hằng, mà đang sử dụng vật chất và chuyển hóa nó trong một quá trình phát triển, và nó có khả năng để có một sự giao cấu, để tạo ra con cái, điều đó chứng tỏ nó có sức sống.

Vậy còn ví dụ về việc có một số xác chết được ướp, và sau khi chúng được ướp qua nhiều thế kỷ, quý vị sẽ thấy rằng tóc và móng tay đã mọc ra trên những xác ướp này? Nhiều điều kỳ lạ đã xảy ra với xác ướp. Liệu quý vị có nói rằng những xác ướp này còn sống không, bởi vì chúng đã tạo ra thêm tóc và móng tay? Nếu vậy thì quý vị sẽ phải nói rằng bắp và lúa mì cũng có đời sống, vì chúng cũng tạo ra hạt giống, và quý vị có khẳng định rằng nếu bắp và lúa mì có sức sống, thì chúng cũng có tâm thức không?

Đây là chỗ mà con thấy bối rối. Dường như không cần phải có một bước nhảy vọt lớn về tín tâm, để xem những thứ này như sự sống, mà để xem chúng là có tâm thức? Con chưa bao giờ hiểu rằng cây cỏ có tâm thức.

Nếu quý vị đang định nghĩa chữ “đời sống” về mặt chỉ đơn thuần có khả năng phát triển và tạo ra hạt giống mà sau đó, có thể phát triển thành một đối tượng mới, và không đánh đồng nó với việc có một tâm thức, thì đó là một vấn đề hoàn toàn khác, và chỉ là thắc mắc về thuật ngữ, nên không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, nếu như quý vị đang sử dụng chữ "đời sống" như một từ ngữ tương đương với chữ “srog” trong tiếng Tây Tạng, mà tiếng Phạn là prana, thì vì chữ Tây Tạng có nghĩa là “có ý thức”, là “có cách hiểu biết và có tâm thức”, thì sẽ không xong. Vì vậy, đó là vấn đề thuật ngữ.

Quý vị có thể nói rằng những thân cây khô như cây cột này cũng không có sức sống, nhưng nếu như ngâm những cây cột này trong nước, thì chúng sẽ rất ẩm ướt, rồi bắt đầu xanh trở lại thì sao?

Nhưng đó là một sinh vật khác phát triển trên cây cột. Dựa trên cơ sở này thì một sinh vật có thể phát triển trên cơ thể của con. 

Nhưng quý vị đã cho đó là một lý do để có sự sống, nên phải nói rằng cây cột còn sống, bởi vì nó đã tạo ra một hình tướng mới.

Con không hoàn toàn thấy điều đó, bởi vì mốc có thể mọc trên sàn nhà, nhưng sàn nhà không có sự sống, mặc dù nó tạo ra nhân duyên cho điều gì phát triển. Nhưng có một câu hỏi là liệu mình có thể giết một cái cây hay không. Ý con là, liệu chúng ta có nói về việc giết những cái cây hay không?

Tiến sĩ Berzin: Điều mà Rinpoche đang nói là đây chỉ là vấn đề thuật ngữ. Trong tiếng Anh, chúng ta nói đến một cái cây như có sự sống, đến việc giết cây cỏ. Điều đó không giống như việc nói điều này trong tiếng Tây Tạng hay tiếng Phạn, bởi vì trong những ngôn ngữ đó, khi họ nói về sức sống và giết hại, thì nó cụ thể hơn, và các định nghĩa không bao hàm những điều mà chúng ta sẽ bao hàm, bằng cách sử dụng những chữ “giết chết” và “sống”. Nó không phải là vấn đề bất đồng với nhau, mà chỉ là vấn đề có những từ ngữ có ranh giới rộng hơn hay hạn hẹp hơn, theo phạm vi ý nghĩa của chúng. 

Vậy thì điều đó có nghĩa là trong những ngôn ngữ này, chữ “đời sống” có được đánh đồng với tâm thức hay không? 

Tiến sĩ Berzin: Có.

Nói vậy thì nếu như đúng là nếu như mình ngâm nó trong nước, và mốc hay một số sinh vật sẽ phát triển trên đó, thì lý lẽ sẽ cho rằng cái cột đó phải có tâm thức, để tạo ra một đời sống khác.

Tiến sĩ Berzin: Hiện nay, chúng ta đang nói về một câu hỏi khác. Hãy để điều đó sang một bên, Rinpoche đang đặt câu hỏi về định nghĩa phương Tây của thứ gì có sự sống.

Nếu như chúng ta bàn luận về việc này, thì điều đó có nghĩa là nếu như không thể chứng minh điều đó là đúng - rằng nếu như cái gì có sự sống, thì nó phải có khả năng tạo ra một đời sống khác - thì điều đó sẽ chứng minh rằng nó đã chết. 

Serkong Rinpoche: Liệu con có nói rằng hỏa tiễn có đời sống, rằng nó có sự sống không? Đâu là lý do để nói rằng hỏa tiễn không có sự sống?

Nó thiếu khả năng tiếp nhận chất liệu hữu cơ hay vô cơ, và khả tự sinh sản, tự triển khai bản thân, hay sản xuất một hạt giống, để tạo ra một hỏa tiễn khác.

Vậy thì máy móc nói chung có đời sống không? Nếu như thứ gì có sự sống, thì nó phải ăn thực phẩm?

Nó phải sử dụng một hình thức dinh dưỡng nào đó, dù là tinh vi hay thô thiển. 

Tiến sĩ Berzin: Điều đó khiến cho Rinpoche bối rối, bởi vì hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu của hỏa tiễn, và máy móc sử dụng điện. Chúng có sự chuyển động, di chuyển và hơn nữa, máy móc có thể tạo ra những cái máy khác. Vậy thì đối với Rinpoche, việc hiểu ý nghĩa của chữ “đời sống” của Tây phương là gì là điều hơi khó khăn một chút.

Phân bào?

Tiến sĩ Berzin: Bạn có thể giải thích thêm một chút về sự phân bào hay không, bởi vì có những máy móc có thể tạo ra những máy móc khác.

Phân bào là sự tăng trưởng. Các tế bào phân chia và sinh sản.

Tiến sĩ Berzin: Rất khó để tìm một chữ trong tiếng Tây Tạng để dịch chữ tế bào. Thay vì vậy, tôi đang giải thích cho Rinpoche về trường hợp một vài loại giun mà khi bạn chặt nó ra làm hai, và sẽ có hai con giun.

Con cũng có nói rằng nếu muốn giải thích nó, nếu như mình làm hư tế bào đó bằng cách nào đó, thì nó sẽ mất đi khả năng để nhân đôi. Nó có khả năng để nhân đôi, nhưng có thể mất đi khả năng này.

Serkong Rinpoche: Vậy còn các tế bào gỗ trong cây cột thì sao? Liệu gỗ đó không có tế bào hay sao?

Chúng là những tế bào đã mất khả năng nhân lên.

Đâu là cách phân biệt về việc chúng có khả năng đó hay không?

Dù cho mình có làm gì đi nữa, thì chúng sẽ không nhân đôi. Nhưng nếu bỏ thêm một tế bào khác còn sống vào, thì nó có thể sử dụng tế bào đó làm cơ sở cho sự tăng trưởng, rồi chính nó có thể nhân đôi.
Liệu tôi có thể nói thêm điều gì, để khai triển nó không? Có những cây đặc biệt, có những cây đơn lẻ, hay những nhóm cây, được cho là có những phẩm chất nào đó, năng lượng đặc biệt, tinh thần đặc biệt, thì bản chất của điều đó là gì?

Tiến sĩ Berzin: Hiện nay, bạn đang đi đến một cuộc thảo luận hoàn toàn khác biệt. Chúng ta đang nói về cây, không phải về linh hồn.

Tôi muốn biết theo quan điểm của người Tây Tạng thì có một sự khác biệt giữa cây và đá hay không. Ý tôi là không phải đá, thậm chí không phải là một phần của trái đất, mà là cây và kim loại?

Tiến sĩ Berzin: Thực vật tạo ra cây và cành, và những thứ tương tự như vậy, trong khi đá và những miếng sắt thì không. Nó giống nhau, chỉ là bạn muốn gọi nó là gì thôi, cách mà bạn muốn phân chia cái bánh của mình.

Nhưng những thứ này không được xem là có sự sống, vì chúng không có tâm thức?

Liệu quý vị có chấp nhận rằng cây cỏ, một cái cây có sự sống, nhưng không có tâm thức không? Đúng, nó chính xác như vậy trong tiếng Tây Tạng. Tốt hơn hết là không sử dụng chữ “đời sống” để dịch chữ Tây Tạng, bởi vì nó sẽ tạo ra sự nhầm lẫn, vì chúng không tương đương với nhau. Chữ mà họ sử dụng, rằng cái gì có một “srog”, là cái gì có ý thức. Bây giờ, cái gì có sự sống là một vấn đề khác. Ở Tây Tạng thì có động vật, thực vật và khoáng chất, và người Tây Tạng sẽ xếp động vật vào trong một phạm trù, còn thực vật và khoáng chất thì thuộc về một phạm trù khác. Người Tây phương để khoáng chất trong một phạm trù, thực vật và động vật ở trong một phạm trù khác, đó là vấn đề. Nên Rinpoche muốn biết lý do của bạn, khi sắp xếp động vật và thực vật chung với nhau trong một phạm trù, trong khi người Tây Tạng sẽ gom thực vật và kim loại với nhau trong một phạm trù, dù vẫn thừa nhận chúng là những thứ khác nhau? Có phải bạn đang nói rằng “đời sống” không giống như việc “có tâm thức”, theo nghĩa mà người Tây Tạng sẽ khẳng định rằng “đời sống” không giống hệt như “có ý thức” không?

Trong một buổi thuyết Pháp trước đây, một người nào đó đã nhận xét rằng anh ta gặp khó khăn đối với việc phân biệt giữa thực vật và động vật, và đã hỏi Rinpoche về điều này. Để trả lời  cho câu hỏi đó, Rinpoche đã đưa ra ví dụ về một đám tang ở Tây Tạng, khi người ta đang đem xác của một người đàn ông đi hỏa táng. Một bác sĩ có chứng ngộ rất cao đã đến và nói rằng: “Người đàn ông này chưa chết.”. Ông đã đưa người đàn ông về nhà, và giúp cho anh ta hồi sinh, vì người này đã ở trong một trạng thái ý thức rất vi tế. Nếu như chúng ta không biết, nếu như thậm chí mình không biết một con người còn sống hay đã chết, thì liệu anh ta có tâm thức trong thân xác ấy hay không, thì đối với một cái cây, bạn sẽ không biết điều này. Nên khó mà nói liệu một cái cây có tâm thức hay không, hay một con người có tâm thức hay không, nếu bạn không biết tâm thức ấy là gì. Nhưng mặt khác, tôi thấy khó mà nói rằng một cái cây không có sự sống, rằng nó không phát triển.

Tiến sĩ Berzin: Vâng, nhưng toàn bộ cuộc thảo luận của chúng ta là về ý nghĩa của việc cái gì có sự sống. Rinpoche muốn hiểu khái niệm về sự sống và đời sống của phương Tây là gì?

Nó chỉ là lực tăng trưởng. Làm sao bạn có thể giải thích về sự tăng trưởng của cây được cải thiện, bằng cách nói chuyện với nó? 

Tiến sĩ Berzin: Rinpoche nói rằng rất có thể vì lời nói hướng về cái cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Điều đó không có gì phi thường hay lạ lùng, nhưng nó không chứng minh rằng cây này có tâm thức. Đó chỉ là phản ứng của nó đối với các nhân duyên, trong phần khai thị tổng quát về vạn pháp sinh khởi do duyên khởi. Chỉ vì nó phản ứng với sự kích thích, thì không chứng tỏ rằng nó có tâm thức.

Serkong Rinpoche: Chẳng hạn như có những loài thực vật như cây bắt ruồi Venus, và những loài thực vật giống như vậy sẽ ăn côn trùng, và một số trong đó, không phải tất cả, sẽ có tâm thức. Chỉ vì nó bắt côn trùng và tiêu diệt chúng, nhưng quý vị không thể dùng lý do đó để nói rằng chúng có tâm thức, bởi vì quý vị cũng có thể có một cái bẫy bằng điện có thể bắt ruồi và tiêu diệt chúng, và sẽ không nói rằng chỉ vì nó làm như vậy, nên nó có sự sống. Không chỉ là nó có sự sống, mà còn có tâm thức nữa.

Liệu chúng ta có thể nói rằng khi thứ gì trông giống như con người đi vòng quanh, thì không có tâm thức hay không? 

Tiến sĩ Berzin: Chắc chắn là được, có rất nhiều người máy, và những thứ tương tự như vậy. Trên bờ biển phía Đông và ở giữa miền Tây, có những tiệm pizza có người máy mang hình dạng của những con gấu, vượn và khỉ đột trên sân khấu, được máy vi tính điều khiển, để hát những bài hát và nhảy múa. Khi chúng tôi bước vào một trong những tiệm pizza có máy vi tính này, thì trước tiên, Rinpoche nói rằng chúng đều có sự sống, dù rõ ràng là chúng không có sự sống, nên có hàng tấn những điều như vậy. Nói cho cùng thì đây là vùng đất nổi tiếng về đủ loại máy móc kỳ dị, nên không phải suy nghĩ nhiều, để trả lời câu hỏi của bạn.

Liệu Một Người Có Thể Nhận Lấy Bệnh Tật Của Người Khác Hay Không?

Còn một câu hỏi nữa. Câu hỏi cuối cùng liên quan đến câu chuyện mà Kunu Lama đã kể về người đàn ông có khả năng gánh lấy bệnh tật của người khác. Đối với con thì dường như điều này mâu thuẫn với một trong những quy luật về nghiệp mà Đức Phật đã dạy, rằng trừ khi đã tạo ra nhân, chẳng hạn như nếu đã tạo ra nhân cho một căn bệnh nào, thì nó sẽ xảy ra cho bạn, nếu không thì bạn sẽ không phải trải nghiệm nó?

Tất nhiên là người này đã tích lũy nghiệp để có thể gánh lấy căn bệnh này của người kia, chứ không phải là nó chỉ xảy ra mà không có lý do nào.

Tiến sĩ Berzin: Rinpoche đã tạo ra nghiệp, hay một số hành vi trong quá khứ, hay tích tập công đức, để có thể dùng một bữa ăn mà quý vị cúng dường ở đây, và có được bữa ăn đó. Nếu không thì Rinpoche sẽ không thể dùng thức ăn ở đây, giống như một người ăn xin đến đây, và bị đuổi đi.

Có một thành ngữ rằng Đức Phật không thể đoạn trừ vọng tưởng của bạn, như lấy cái gai ra khỏi chân bạn, nhưng điều này không ít thì nhiều, làm cho nó có vẻ như bạn có thể thực hiện điều này, rằng tất cả những nỗi khổ của bạn mà Đức Phật không thể đoạn trừ, thì người khác lại có thể đoạn trừ?

Đối với người trong ví dụ thì cũng vậy. Anh ta đã tích lũy nghiệp để được người này gánh lấy căn bệnh của mình. Nó cũng giống nhau: Đức Phật không thể đoạn trừ nỗi khổ của quý vị, như rút một cái gai ra khỏi chân, trừ khi quý vị có đúng nghiệp để được Đức Phật giúp đỡ. Nếu như quý vị chưa tích tập nghiệp, và không có tiềm năng cho điều đó xảy ra, thì nó sẽ không xảy ra. Như thể quý vị đang làm việc trong nhà máy, và phải được dạy cách sử dụng máy móc, v.v..., rồi mới biết cách sử dụng chúng. Quý vị không thể chỉ bước vô, rồi mọi việc sẽ trôi chảy, mà không có lý do nào cả, mà việc này phải bắt nguồn từ quá trình nhân quả.

Tuy nhiên, loại câu hỏi này thật sự khá quan trọng; việc thắc mắc về nghiệp là những điều rất tốt để hỏi. Nó không phải là câu hỏi thông minh, khi hỏi rằng liệu quý vị có thể có những thứ trông giống con người mà không có mắt hay không. Đó là một câu hỏi rất ngu ngốc! Tất nhiên, đúng là nếu chưa tích lũy nghiệp trong quá khứ để có những điều này xảy ra, về việc được người khác chữa cho mình lành bệnh, vân vân, thì việc này sẽ không xảy ra. Những điều này không chỉ xảy ra mà không có lý do gì, nếu không thì như quý vị nói, sẽ có những sự mâu thuẫn. Việc nghĩ về những câu hỏi này là điều rất tốt. Giống như khi người ta nói về việc được tái sinh trong tịnh độ, giống như một loại thiên đàng nào đó, tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng điều này sẽ không xảy ra, nếu như mình chưa tích tập nhân của nó. Không phải là bạn có thể làm bất cứ điều gì, rồi đến một thiên đàng, và có thể tận hưởng tất cả mọi thứ. Quý vị phải tự tạo ra một hoàn cảnh như vậy, bằng hành động của mình.

Chẳng hạn như hôm nay, có nhóm người ở đây, và chúng ta đã tích tập mọi nguyên nhân, và có đúng nghiệp để có mặt ở đây, vào ngày hôm nay, trong nhóm này. Nếu như quý vị không có đúng nghiệp để ở đây trong nhóm này, và tham dự buổi thuyết Pháp này, sự kiện này, thì quý vị đã không có mặt, sẽ không đến đây. Vài năm trước, tại tu viện Gomang, tôi nhớ có một nhà sư Mông Cổ rất uyên bác. Hòa Thượng Trụ Trì Tu Viện Gomang lúc đó cũng cực kỳ uyên bác, là một bậc thầy vĩ đại. Trong hệ thống giáo dục của các tu viện, có cái được gọi là bằng cấp Geshe Lharampa, giống như cấp bậc cao nhất của bằng Tiến sĩ Phật học, trong hệ thống giáo dục của tu viện. Vị Trụ Trì nói với nhà sư Mông Cổ đang ở tu viện rằng: “Con đừng lấy bằng Tiến sĩ này, đừng làm bài thi, đừng trải qua quá trình ấy”, nhưng người này muốn có được bằng cấp đó.

Khi Hòa Thượng Trụ Trì đi ra ngoài, thì nhà sư Mông Cổ nói rằng: “Khi nói rằng tôi không nên dự thi, thì Hòa Thượng Trụ Trì đã biểu hiện thần thông với tôi. Nhưng theo giới luật, thì người ta không được hiển lộ thần thông, vậy thì ngài hẳn đã nói dối với tôi.”.

Trong bất cứ trường hợp nào, vì nghĩ đến thẩm quyền của Hòa Thượng Trụ Trì, nên nhà sư Mông Cổ đã dự thi cho cấp bậc thấp hơn, ngay sau cấp bậc cao nhất, bởi vì ông đã học rất siêng năng, hiểu rõ kinh sách, và muốn dự thi, để có được bằng cấp. Trong hệ thống tu viện, một khi đã làm bài thi cho cấp bậc thấp hơn cho bằng cấp đó, và nhận được bằng cấp đó rồi, thì bạn không thể làm bài thi cho cấp bậc cao hơn của bằng cấp đó nữa, bởi vì bạn đã nhận được bằng cấp ở một thứ hạng nào đó rồi.

Khi Hòa Thượng Trụ Trì viên tịch, thì nhà sư Mông Cổ này quyết định muốn dự thi ở cấp bậc cao hơn, vì Sư Trụ Trì không còn có mặt ở đó nữa, và ông cảm thấy điều này sẽ ổn thỏa. Có mười ngàn tăng sĩ có mặt trong kỳ thi. Cách làm bài thi là trước tập hội tăng chúng đông đảo này, trước tiên, quý vị phải tụng thuộc lòng một số kinh sách nào đó, rồi dự kỳ thi ứng khẩu, theo hình thức của một cuộc biện luận. Thế là nhà sư này đã đi ra và đứng trước một cây cột để tụng thuộc lòng kinh sách, như một phần của bài thi, và khi đi đến chỗ ngồi ở cây cột, để bắt đầu trì tụng, ngay khi vừa đặt chân lên chỗ ngồi, thì ông đã qua đời.

Thế là nhà sư này không thể dự thi ở cấp bậc cao hơn, bởi vì không có đúng nghiệp để làm điều đó. Trên thực tế thì Hòa Thượng Trụ Trì đã biết điều này, và đó là lý do mà ngài đã nói rằng: “Con không nên dự thi.”. Sau đó, người ta đã xem xét những quyển tập và đồ đạc của nhà sư Mông Cổ này, người đã chết ngay tại chỗ, khi cố gắng dự thi, và trong lời ghi chép của ông, người ta thấy rằng thật ra ông đã hỏi vị Hộ Pháp của mình là việc dự thi có tốt hay không, giống như hỏi nhà tiên tri. Câu trả lời là anh không nên dự thi, nhưng vì không thích câu trả lời đó, và dù sao cũng muốn dự thi, nên ông đã buộc tội vị Cố Trụ Trì, nói rằng ngài đã giả vờ có thần thông, và tiếp tục cố gắng tham dự kỳ thi.

Trong ví dụ này, vấn đề không phải là Hòa Thượng Trụ Trì có có thần thông hay không, nhưng nếu như quý vị chưa hề tích tập nghiệp để một sự kiện nào đó xảy ra, thì nó sẽ không xảy ra, cho dù có cố gắng đến mức nào đi nữa. Điều tương tự cũng đúng, khi nói về việc gánh lấy bệnh tật của người khác. Cả hai bên đều phải đã tích tập nghiệp, để điều này xảy ra.

Top