Những Phẩm Chất Tốt Đẹp Nhất Của Một Kiếp Người Quý Giá

Tám Phẩm Chất Tốt Đẹp, Và Nhân Của Chúng

Hôm qua, chúng ta đã nói về việc quy y, đưa một phương hướng tích cực, an toàn và đúng đắn vào trong đời sống. Quy y là một pháp tu rất quan trọng, và là một điểm rất quan trọng, bởi vì dựa trên cơ sở này, chúng ta có thể thành tựu giác ngộ một cách nhanh chóng. Do đó, việc nỗ lực theo phương hướng này là điều vô cùng xứng đáng. Hiện nay, chúng ta đã có được nền tảng tuyệt vời là thân người quý giá, và nếu như có được thân người với tám phẩm chất cao cả hay tốt đẹp, có thể trổ từ thiện nghiệp trong quá khứ, thì mình sẽ có cơ hội tốt nhất để tiến triển trên đường tu. Đâu là tám phẩm chất chín muồi này, điều giúp cho việc tu tập trở nên hiệu quả nhất?

  • Trường thọ
  • Tướng hảo trang nghiêm
  • Xuất thân từ tầng lớp xã hội cao quý, gia đình danh gia vọng tộc, v.v...
  • Là người có oai lực rất mạnh mẽ, có nhiều của cải để sử dụng
  • Lời nói có uy tín, nói cách khác là một người nói rất ít, nhưng những điều thốt ra thì tràn đầy ý nghĩa và trung thực, nhưng không nặng lời, và tất cả mọi người sẽ thấy đó là lời phù hợp và hữu ích.
  • Là loại người có nhiều thế lực, có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với người khác. 
  • Là người có thể lực, sức chịu đựng cao.
  • Có tâm thức hay ý chí mạnh mẽ. 

Quý vị sẽ sử dụng những phẩm chất này như thế nào?

  • Nếu như có thọ mạng lâu dài, thì quý vị có thể hoàn thành pháp tu. Quý vị sẽ có đủ thời gian, để có thể phát triển tự thân, và tạo lợi lạc cho người khác.
  • Nếu có tướng hảo trang nghiêm, thì tự nhiên người khác sẽ thấy quý vị lôi cuốn, và quý vị có thể giúp đỡ và giảng dạy cho nhiều người.
  • Nếu như quý vị xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc và giai cấp xã hội cao, thì đây là điều rất hữu ích, theo nghĩa là người khác sẽ tự động chú ý đến quý vị nhiều hơn, và lắng nghe những điều quý vị nói một cách nghiêm túc hơn.
  • Nếu như có oai lực và sức ảnh hưởng lớn, thì quý vị sẽ có thể sử dụng tài nguyên, để giúp đỡ người khác.
  • Nếu như có lời nói rất trung thực, thì người khác sẽ nghiêm túc với những gì quý vị nói, và lắng nghe quý vị.
  • Tiếp theo, nếu quý vị có quyền lực và ảnh hưởng mạnh, thì có thể sử dụng điều đó để ảnh hưởng người khác theo chiều hướng tích cực một cách dễ dàng hơn.
  • Nếu có sức chịu đựng và ý chí cao, thì quý vị có thể sử dụng chúng để đạt được thần thông, và những thành tựu khác dễ dàng hơn. Quý vị có thể sử dụng bản thân mình một cách trọn vẹn, cả về thể chất và tinh thần.

Đối với những nguyên nhân giúp cho quý vị có thọ mạng lâu dài, thì điều đầu tiên là không sát sanh, cũng như cứu mạng những chúng sinh sắp bị ăn thịt, chẳng hạn như cứu một con chuột đồng, hay một sinh vật nhỏ bé sắp bị diều hâu bắt, hoặc con gì đang bị những con thú lớn hơn săn bắt trong rừng, hay những con chuột nhỏ sắp bị mèo ăn thịt. Việc cứu mạng chúng sinh cũng mang lại kết quả là kéo dài thọ mạng của mình; quý vị sẽ sống lâu. Việc giúp đỡ người bệnh và người nghèo cũng là điều rất tích cực, và có kết quả tốt. Tất cả những điều này là nhân để có thọ mạng lâu dài.

Nhân trổ thành tướng hảo trang nghiêm là nhờ cúng dường đèn bơ, cũng như tặng quần áo và các loại nữ trang, v.v... cho người khác. Hơn nữa là không ghen tuông và tức giận, đó là tất cả những điều sẽ mang lại kết quả là có ngoại hình đẹp đẽ.

Nhân để được sinh ra trong một gia đình tốt, và có giai cấp xã hội tốt là rất tôn trọng chư đạo sư của mình, tôn trọng thầy cô, ngay cả những người đã dạy mình những môn học thế gian như đọc và viết, và tôn trọng cha mẹ.

Nhân của việc có rất nhiều tài nguyên mà mình có thể sử dụng, để giúp đỡ người khác là rất hào phóng và bố thí cho người nghèo, làm từ thiện, vân vân, khi người khác nhờ vả, và ngay cả khi không có ai nhờ vả, hay tặng quà cho người khác. Tất cả những điều này sẽ tạo ra kết quả là sẽ có rất nhiều của cải, mà quý vị có thể sử dụng, để giúp đỡ người khác.

Ngày xưa, ở một vùng xa xôi, có hai ông bà già, chỉ có một mảnh vải để quấn quanh mình làm y phục, mà họ phải chia sẻ với nhau. Có một vị Duyên giác (pratyekabuddha) đã giải thoát, đã đến nhà họ để khất thực. Tuy không có thức ăn hay phẩm vật gì để cúng dường cho bậc cao quý này, nhưng họ có tín tâm rất lớn đối với ngài, nên đã cúng dường cho ngài mảnh vải duy nhất mà họ có. Kết quả là vì người mà họ cúng dường là một bậc tôn quý và thánh thiện, nên có một cơn mưa y phục, thực phẩm và tất cả các loại của cải rơi xuống nhà của họ ngay lập tức. Hơn nữa, trong những kiếp tương lai, họ đã được mặc vải trắng, khi sinh ra đời.

Nhân để có ảnh hưởng lớn, để có khả năng ảnh hưởng người khác một cách tích cực, là rèn luyện bản thân và học hỏi nhiều kỹ năng khác nhau, cầu nguyện để có thể giúp đỡ người khác; thêm vào đó là cúng dường Tam Bảo với khả năng tốt nhất của mình. Nếu như không có tiền của, thì không cần phải cúng dường thật nhiều, mà dù cho cúng dường bất cứ phẩm vật gì, thậm chí là một món rất nhỏ bé, thì hãy làm như vậy một cách thanh tịnh, không có tâm keo kiệt, và có ý nghĩ rằng: “Nguyện cho việc cúng dường này có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.”. 

Có nhiều câu chuyện về những cách khác nhau mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết lòng vì tha nhân và giác ngộ trong những kiếp trước. Ngài đã cúng dường rất nhiều. Ngài đã không có nhiều tiền bạc và đồ vật để cúng dường, nhưng vì đã cúng dường với lòng thanh tịnh, và với lòng chân thành sâu sắc như vậy đối với tha nhân, nên đã thành tựu kết quả rất lớn lao. Vậy thì khi quý vị cúng dường, phẩm vật có thể chỉ là một mảnh vải trắng, hay một bông hoa, hay bất cứ thứ gì tương tự như vậy. Có một câu chuyện vào thời Nhiên Đăng Cổ Phật (Buddha Dipamkara), rằng có người chỉ cúng dường bằng cách ném một vài bông hoa ưu bát la lên trên không trung, và vấn đề là nếu như cúng dường với lòng thành và thanh tịnh, thì kết quả sẽ rất lớn lao. Có một câu chuyên về một người đã cúng dường chỉ một chén cát cho Đức Phật, và cầu nguyện rằng ước gì những gì mình đang cúng dường là một chén bụi vàng, và đã làm như vậy với lòng thanh tịnh, và ước nguyện chân thành, nên kết quả thật to lớn đã xảy ra.

Bất cứ hoạt động tích cực nào mà quý vị đang thực hiện, chẳng hạn như nghe thuyết pháp, rồi tư duy về giáo pháp, suy nghĩ và cố gắng tạo dựng chúng như những tập khí lợi lạc, hành thiền, đi nhiễu, hay bất kỳ pháp tu mà nào quý vị đang hành trì, nếu như quý vị nói rằng: “Nguyện cho công đức được tích tập từ việc này sẽ trổ thành khả năng giúp đỡ tất cả chúng sinh, thành tâm giác ngộ, để con có thể phổ độ chúng sinh.”, thì điều này sẽ có cả hai yếu tố, một là lời cầu nguyện mà mình mong ước điều gì, hai là lời hồi hướng.

Nếu như quý vị có một mục tiêu cụ thể cho một hành động, và nói rằng: “Nhờ công đức của điều này, nguyện cho những điều như vậy sẽ xảy ra, nguyện cho con có thể thành tựu giác ngộ”, và v.v..., thì đó là cả hai cách, nói cách khác thì nó vừa là lời cầu nguyện, vừa là lời hồi hướng. Trong khi đó, nếu như chỉ đơn giản ước mong điều gì sẽ xảy ra, như “Nguyện cho con có được tái sinh quý giá làm người trong những kiếp tương lai”, hay “Nguyện cho con có thể thành tựu giác ngộ”, nếu đó chỉ là ước nguyện như vậy, mà không có điều gì cụ thể để hồi hướng, thì đó chỉ là một lời cầu nguyện. Có một sự khác biệt giữa hai điều này, nếu đó là lời hồi hướng, thì nó cũng là lời cầu nguyện, nhưng nếu như đó là lời cầu nguyện, thì không nhất thiết phải là lời hồi hướng. Sự khác biệt về một ước nguyện, một lời cầu nguyện, thì chỉ là một ước nguyện để điều gì sẽ xảy ra, trong khi lời hồi hướng là sử dụng công đức nào mà mình đã tích tập, hay chỉ là tấm lòng nhân hậu của mình, hay điều gì, để cho những ước nguyện của mình trở thành sự thật.

Nếu như quý vị hồi hướng công đức của bất cứ điều gì thiện hảo mà mình đã tạo tác cho thành tựu giác ngộ, như trong câu: “Nguyện cho tất cả những công đức này hướng về thành tựu giác ngộ”, thì công đức ấy sẽ không cạn kiệt, cho đến khi quý vị đạt giác ngộ. Nếu như quý vị hồi hướng cho một thành tựu lớn lao như vậy, thì công đức sẽ không cạn kiệt, cho đến khi mình thành tựu điều đó, nên nó sẽ tồn tại trong một thời gian rất lâu dài. Trong khi đó, nếu không hồi hướng công đức cho điều gì lớn lao như vậy, thì công đức từ một hành vi thiện hảo sẽ chỉ trổ thành một điều gì đó, rồi sẽ kết thúc, và ngắn ngủi hơn rất nhiều. Nếu như quý vị hồi hướng nó một cách đúng đắn, thì công đức ấy sẽ tồn tại suốt cả đường tu, cho đến khi thành tựu giác ngộ.

Nếu như chưa hồi hướng những công đức mà mình đã tạo ra, thì quý vị có thể phá hủy công đức ấy, bằng cách sân hận, nên điều rất quan trọng là đừng tức giận, vì kết quả có thể khá tai hại, về mặt tiêu diệt công đức mà mình đã tích tập, mà chưa được hồi hướng. Nó giống như khi mình đi qua máy rọi quang tuyến X ở phi trường. Nếu như quý vị đem theo một cuồn phim đã chụp, mà không được che đậy, thì tất cả các hình ảnh mà quý vị đã chụp sẽ bị quang tuyến X xóa hết. Tâm sân cũng xóa bỏ mọi công đức mà mình đã tích tập, theo một loại quy trình tương tự. Vì tâm sân có những nhược điểm tệ hại như vậy, và có rất nhiều khuyết điểm xảy ra từ đó, nên hãy cố gắng giảm bớt tâm sân hận càng nhiều càng tốt, theo khả năng của mình. Tâm sân có thể khiến quý vị tái sinh ở một trong những cõi địa ngục. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là giảm bớt tâm sân hận, và cố gắng đoạn trừ nó.

Để trở lại danh sách mà chúng ta đã bàn luận, thì nhân để có được thể chất và tinh thần mạnh mẽ là bố thí thức ăn bổ dưỡng, vân vân cho người khác, và cũng hoàn thành tất cả những việc mà người khác thậm chí không thể tưởng tượng họ có thể làm được.

Nên cầu nguyện để có được một nền tảng để tu tập một cách tốt đẹp nhất, một thân người với tất cả những phẩm chất, cho phép mình giúp đỡ tha nhân một cách hữu hiệu nhất. Khi có một nền tảng như vậy, một thân người có tất cả những phẩm chất này, thì quý vị sẽ có thể noi theo đường tu một cách đắc lực và hiệu quả nhất, và sẽ có mọi khả năng để thực hiện điều này. Tuy nhiên, nếu không noi theo đường tu nào, thì quý vị có thể dễ dàng lạm dụng những phẩm chất này, khiến cho chúng trở thành nhân để tích tập rất nhiều ác nghiệp. Do đó, điều quan trọng là khi cầu nguyện để có những phẩm chất như vậy trong tương lai, thì hãy cầu nguyện để có những phẩm chất này, để sử dụng chúng cho mục tiêu tâm linh lợi lạc.

Trong số các tuệ giác của phạm vi sơ căn, trung căn và thượng căn, thì mức độ tuệ giác của phạm vi sơ căn trên đường tu sẽ được thành tựu, khi quý vị thấy rằng việc đơn thuần nỗ lực cho mọi việc trong kiếp này, để có được những thứ như thức ăn, thức uống, quần áo v.v... chỉ cho kiếp này thôi, sẽ không có ý nghĩa gì. Nhờ vậy, quý vị sẽ có tuệ giác rằng nếu chỉ làm việc vì kiếp này thì sẽ không có ý nghĩa gì cả, nên sẽ quyết tâm rằng: “Tôi sẽ làm việc để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai.”. Do đó, quý vị sẽ nỗ lực làm việc, để cải thiện những kiếp tương lai, và đưa năng lượng của mình vào con đường tâm linh, để tạo lợi lạc cho tương lai, để cải thiện những kiếp tương lai.

Hành Thiền

Để có được tuệ giác ở mức độ này, thì những điểm mà quý vị phải thiền quán, để cố tạo ra những tập khí tốt này, là trước tiên, hãy nghĩ đến kiếp người quý giá mà mình đã có được, với tất cả tự do và thuận lợi phong phú. Tiếp theo, hãy thiền quán về cái chết, và tình huống hiện tại sẽ không kéo dài mãi mãi, rằng tất cả những điều này đều vô thường. Điều thứ ba là để có một phương hướng an toàn và đúng đắn trong đời sống, bằng cách quy y. Thứ tư là nghĩ về luật nhân quả.

Khi thiền quán về những điều này, và cố gắng tạo dựng chúng như một tập khí tốt, thì cách thực hiện điều này là trước tiên, hãy áp dụng pháp thiền quán, đôi khi được gọi là thiền phân tích, và sau đó là thiền định, chú tâm vào một điểm, hay thiền chỉ. Trong pháp thiền đầu tiên, tức thiền phân tích hay thiền quán, thì quý vị sẽ nghĩ về tất cả những điểm này, phân tích, điều tra và cố gắng phân biệt sự việc. Sau đó, khi đã đi đến một quyết định chắc chắn rằng đây là cách mà sự việc là như vậy, thì hãy chú tâm vào điều đó, và đó được gọi là thiền định, hay thiền chỉ. Hãy luân phiên giữa hai điều này, cố gắng phân biệt một sự kiện nào đó theo cách phân tích, rồi sau đó chú tâm vào sự xác quyết rằng sự kiện này là đúng.

Bây giờ, tôi sẽ nêu ra một vài câu hỏi. Trước tiên, quý vị sẽ bắt đầu hành thiền như thế nào, điểm khởi đầu là gì? Đâu là mà điểm khởi đầu, giúp cho quý vị hành thiền?

Đó là nghĩ về cách mà mình đang hành thiền, vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Tiến sĩ Berzin: Về mặt động lực thì điều đó đúng, nhưng Rinpoche hỏi lại rằng đâu là điểm khởi đầu thật sự, để đi vào pháp thiền? Ý của tôi là đúng là phải có động lực, nhưng điểm khởi đầu là gì?

Tập trung vào hơi thở, để tĩnh tâm.

Tiến sĩ Berzin: Rinpoche hỏi còn có điều gì khác hay không?

Việc ý thức về bản chất bất toại nguyện của luân hồi, sẽ thúc đẩy mình vượt qua nó? 

Serkong Rinpoche: Đối với tất cả quý vị, thì điều đó cũng thuộc về phạm trù động lực của việc hành thiền, và cả ba câu trả lời đã được nêu ra là những câu trả lời tổng quát hơn về quy trình hành thiền. Câu hỏi là đâu là cửa ngõ phân biệt giữa một người tu tập Pháp, và một người không thật sự tu tập Pháp, hay giữa một Phật tử và một người ngoại đạo. Nên câu hỏi nhấn mạnh nhiều hơn về đâu là điểm phân chia, định nghĩa về thiền?

[Tạm ngừng]

Tiến sĩ Berzin: Nếu như quý vị đang thiền quán về tánh Không, thì có lẽ chữ cửa ngõ hay cánh cửa không phiên dịch đúng từ này. Thật ra thì tôi không hiểu chính xác về điều mà Rinpoche đang đặt câu hỏi, nên không thể truyền đạt nó một cách rất rõ ràng.

Có phải ý của Thầy là nền tảng của việc hành thiền?

Tiến sĩ Berzin: Nó có nghĩa là “Đâu là cửa ngõ mà quý vị bắt đầu hành thiền”, đúng hơn thì đó là câu hỏi được nêu ra. Rinpoche đã giải thích rằng khi quý vị bắt đầu học viết, chẳng hạn vậy, thì đâu là điểm khởi đầu, việc đầu tiên mà quý vị sẽ làm là gì? Đúng hơn thì đó là câu hỏi được nêu ra. Đâu là điều đầu tiên mà quý vị sẽ làm, để bắt đầu? Khi bắt đầu viết chữ, thì điều đầu tiên mà quý vị sẽ làm là học bảng chữ cái. Tương tự như vậy, khi bắt đầu hành thiền, thì điều đầu tiên mà quý vị sẽ làm là quán sát xem động lực của mình là gì, khi hành thiền. Điều này tổng quát hơn những câu trả lời cụ thể mà quý vị đã đưa ra. Quý vị sẽ xem động lực của mình là gì, rồi nếu như động lực của mình không tốt, thì quý vị sẽ làm những gì quý vị đã nói, đó là tập trung vào hơi thở, để tĩnh tâm, nếu như tâm mình đang ở trong tâm trạng rất thù hằn, hay bất cứ điều gì, khi quý vị tọa thiền, thì hãy áp dụng pháp thiền thở.

Thế thì sau khi quét dọn, lau chùi phòng thiền, và an tọa trong tư thế thích hợp, thì điểm khởi đầu cho bất cứ pháp thiền nào là xem xét động lực để tọa thiền của mình là gì. Điều đầu tiên mà quý vị sẽ làm là quán sát điều này, và nó không có nghĩa là quý vị bắt đầu bằng cách ngồi xuống, nhắm chặt mắt lại và chỉ cần tiếp tục như vậy. Vấn đề đầu tiên là xem xét động lực của mình là gì, khi làm việc này. Rinpoche sẽ kể cho quý vị một câu chuyện hay về việc phát khởi động lực cho việc hành thiền.

Serkong Rinpoche: Ở Tây Tạng, có một tên trộm khét tiếng tên là Ben Gungyal (’Ban Gung-rgyal, ’Phen rKun-rgal). Ông có một nông trại với bốn mươi mẫu đất, và cố gắng  sử dụng đất đai để sinh sống, nhưng không đủ sống, nên cũng đi ăn cướp, câu cá và săn bắn. Một lần nọ, khi đang ở trên một sườn núi cao, thì một du khách cỡi ngựa đến đó. Vì không nhận ra Ben Gungyal, nên người này đã hỏi ông rằng: “Ông có nghe, hay thấy tên cướp khét tiếng Ben Gungyal ở vùng này không?”. Và thế là Ben Gungyal gầm lên với người này: “Ta là Ben Gungyal đây.”, và người du khách đã quá sợ hãi, đến nỗi đã ngã ngựa và rơi xuống sườn núi. Ben Gungyal khá buồn phiền, khi thấy một người rơi xuống núi, chỉ vì nghe âm thanh tên của mình, nên quyết định rằng việc làm kẻ cướp và tất cả những việc mình đã làm thật là sai trái. Ông đã tự thừa nhận những hành động sai trái của mình một cách trung thực, hối hận về những điều đó, và từ đó, quyết định thay đổi cách sống, bắt đầu tu tập Pháp và sống đời lương thiện.

Đối với việc tu hành, thì ông đã đặc biệt theo dõi mọi hành vi cũng như ý nghĩ thiện và ác trong ngày, đếm tất cả những điều này. Mỗi ngày, ông đã tự kiểm điểm. Đối với mỗi một điều xấu ác mà ông đã làm hay nghĩ, thì sẽ vẽ một gạch đen, và đối với mỗi một điều thiện hảo, thì ông sẽ vẽ một gạch trắng. Lúc đầu, hầu như ông chỉ có những gạch đen, và hầu như không có gạch trắng nào. Khi ông hành thiền và tạo dựng những tập khí ích lợi, thì những gạch đen càng ngày càng ít đi vào cuối ngày, và càng ngày, ông càng có nhiều gạch trắng hơn. Sau này, ông nhận ra mình có rất nhiều gạch trắng trong mỗi ngày. Sau đó, ông đã lấy pháp danh là “Người Chiến Thắng Với Giới Luật”. 

Khi tiếp tục tu tập như vậy, nếu như vào cuối ngày mà ông thấy rằng mình đã có nhiều gạch đen hơn, thì ông sẽ dùng tay trái nắm lấy tay phải, và bóp chặt nó một cách rất nghiêm trọng, và sẽ nói rằng: “Ben Gungyal, mi thật là thối nát! Mi đang cố gắng tu hành, nhưng tất cả những điều mi đang làm chỉ tạo ra rắc rối”, và sẽ tự trách mắng mình. Nếu như có nhiều gạch trắng hơn, thì ông sẽ dùng tay phải để nắm lấy tay trái, và tự chúc mừng mình rằng: “Đúng, bạn đang làm rất tốt, bạn thật sự là người chiến thắng với giới luật”, và tự tán thán, khích lệ bản thân.

Sau đó, ông rất lừng danh như là bậc thầy, hay Geshe Ben Gungyal, người chiến thắng với giới luật, nên nhiều người đã viếng thăm và gặp gỡ ông, và nhiều thí chủ đã đến giúp đỡ ông. Một ngày nọ, một người phụ nữ là một trong những thí chủ của ông đã thỉnh mời ông đến nhà bà để thọ trai. Khi ông đến nhà, thì bà lại bước ra khỏi nhà, và theo bản năng của một tên trộm, ông đã nhìn thấy một cái giỏ lớn mà vị thí chủ chứa trà trong đó, nên đã thò tay vào giỏ để ăn cắp một ít lá trà. Nhưng khi nhận ra mình đang làm gì, thì ông đã dùng tay kia nắm lấy cánh tay đang ăn trộm lá trà, và hét to cho người thí chủ nghe: “Này bà ơi, hãy mau đến đây, tôi đã bắt được một tên trộm!”.

Một lần khác, một người khác cũng là thí chủ của ông báo tin rằng anh ta sẽ đến căn chòi nhỏ bé để viếng thăm ông. Sáng hôm đó, ông đã thức dậy rất sớm, dọn dẹp phòng óc thật sạch sẽ và sắp xếp bàn thờ khang trang, với các thức cúng dường đẹp đẽ, thắp đèn bơ và đốt nhang thơm. Rồi ông ngồi xuống để hành thiền, và điều đầu tiên mà ông đã làm là quán sát động lực của mình, đối với những điều ông đã làm sáng nay. Ông nhận ra là mình đã chuẩn bị tất cả những điều này, chỉ vì thí chủ của mình sắp đến đây, và ông muốn vị thí chủ này có ấn tượng tốt với mình. Ông nhận ra đây là động lực rất tệ hại, nên đã đứng lên, đi đến lò sưởi, nơi mà ở Tây Tạng, người ta có một cái hủ nhỏ để đựng tro, và ông đã lấy cái hủ này, đi vòng quanh căn chòi và đổ tro lên tất cả mọi thứ, khiến cho ngôi nhà trở nên bẩn thỉu.

Điều này minh họa điểm mà mình sẽ khởi đầu bất cứ thời thiền nào, bằng cách khảo sát động lực đối với những gì mình đang làm. Nếu như thấy rằng mình có tâm rất thù địch, sân hận, ham muốn hay bất cứ điều gì, nếu quý vị thấy mình có nhiều phiền não, thì đó là lúc nên thực hành các bài thiền thở. Chẳng hạn như thở ra thật chậm, rồi hít vào một cách chậm rãi, và đếm là một, sau đó lặp lại 21 lần, và giúp cho tâm lắng dịu nhờ quá trình này. Quý vị sẽ thấy rằng trong chốc lát, bất cứ điều gì phiền não cũng sẽ lắng xuống.

Sau đó, Ben Gungyal, người hiện có rất nhiều thí chủ, và đang được mọi người giúp đỡ, đã nhận xét rằng: “Trước đây, khi là một tên cướp, tôi có bốn mươi mẫu đất, và đã đi ăn cướp vào ban đêm, câu cá và săn bắn, nhưng miệng tôi vẫn không thể tìm đủ thực phẩm để ăn. Bây giờ, khi đã trở thành người tu hành, ngay cả khi không cần thức gì, thì mọi người vẫn đến và cho tôi các thứ. Trong khi trước đây thì miệng tôi không thể tìm ra đủ thực phẩm để ăn, thì bây giờ, thức ăn không thể tìm ra đủ miệng để đi vào trong bụng.”.

Sau khi đã khảo sát động lực của mình, nếu như đó là động lực thấp kém, và quý vị có tâm trạng tồi tệ, thì hãy tĩnh tâm bằng cách tập thở. Sau đó, sẽ đi đến phần chính của thời thiền, chẳng hạn như tạo dựng những tập khí ích lợi, nghĩ về kiếp người quý giá mà mình có được, v.v..., bất cứ đề tài nào ta có thể thiền quán trong thời thiền đó. Nếu như quý vị thấy rằng động lực của mình ổn thỏa, thì không cần phải áp dụng pháp thiền thở, mà có thể đi thẳng vào đề tài chính.

Tư thế hành thiền được đề cập đến như bảy điểm hay tám điểm tọa thiền Tỳ Lô Giá Na. Phần thứ tám, là điều có thể được kể đến hay không, thì nói về hơi thở. Có một sự so sánh, để hiểu cách đếm hơi thở có thể đánh lừa phiền não của mình, để chúng sẽ biến mất trong giây lát. Việc so sánh là giả sử như căn phòng này đã có đầy người đến dự buổi thuyết pháp. Nếu có thêm một người muốn tham dự vào ngày mai, thì sẽ không có chỗ cho người này ngồi. Nếu như anh ta chỉ đi vô và nói với ai rằng: “Này, hãy cho tôi chỗ ngồi của bạn, tôi muốn ngồi xuống”, thì sẽ không xong, và anh sẽ không có chỗ ngồi. Nhưng nếu như anh ta bước vào, và dựng lên một câu chuyện, và nói với ai rằng: “Này bạn, có điều gì rất thú vị ở bên ngoài. Tại sao bạn không ra ngoài để xem?”. Thế là người đó sẽ đứng dậy, đi ra ngoài, thì anh ta có thể ngồi xuống ghế của người đó. Vậy thì anh ta đã âm thầm tìm ra cách, để có một chỗ ngồi. Hơi thở sẽ đánh lừa phiền não của quý vị giống như vậy, trong thời gian này.

Thắc Mắc Về Những Kiếp Quá Khứ Và Vị Lai

Tiến sĩ Berzin: Tôi đã hỏi Rinpoche câu hỏi về những kiếp quá khứ và vị lai mà quý vị đã nêu ra tối hôm qua. Câu hỏi là, nếu như mình vẫn đang giải quyết vấn đề liệu có những kiếp quá khứ và vị lai hay không, trong khi đang tu tập nhiều pháp tu, thì liệu điều đó có còn được xem là Pháp, theo ý nghĩa chính thức hay không? Rinpoche nói rằng nếu như quý vị định nghĩa Pháp là pháp phòng ngừa, để ngăn chận mình không phải rơi vào một tái sinh thấp hơn trong tương lai, và nếu như quý vị không nghĩ đến việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, thì hành động của mình sẽ không đi theo hướng ngăn ngừa việc mình phải rơi vào một tái sinh thấp hơn, bởi vì ta không thật sự nghĩ đến điều này. Điều đó không phủ nhận sự kiện là những gì mình đang làm là tích tập công đức. Điều này vẫn có lợi, vì các pháp ngăn ngừa có nhiều mức độ, về mặt sử dụng chung của thuật ngữ này, như cách thông dịch chữ Pháp.

Chẳng hạn như quý vị đi bác sĩ và chích ngừa, hay đại loại là làm điều gì như vậy. Đó là một biện pháp phòng ngừa, để không bị bệnh, và đó là lợi ích cho kiếp này, và tự nhiên là một biện pháp phòng ngừa ở một mức độ bình thường nào đó. Tương tự như vậy, những điều quý vị làm trong đời này, bất cứ biện pháp cụ thể nào mà quý vị phải áp dụng vào lúc này, khi chúng có kết quả ở đây, thì đó cũng là biện pháp phòng ngừa cho kiếp này. Nhưng nếu như đang chính thức nói về những đường tu được mô tả trong Lam rim, thì những đường tu tuần tự của một người có động lực sơ căn, trung căn và thượng căn mà họ đang tu tập, tất cả những điều đó đều đi trước phạm vi sơ căn. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu bước đầu tiên, sau khi đã được mô tả về những đường tu, khi mình thật sự nghĩ đến việc tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai.

Là người Tây phương thì đó là nơi mà chúng ta sẽ bắt đầu, từ bước trước đó. Nếu như ranh giới thật sự, nơi mà người Tây Tạng bắt đầu mô tả đường tu nằm ở nơi quý vị thật sự tu tập, để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, nếu như muốn đạt được giai đoạn đó, thì phải hiểu biết về những kiếp tương lai, và cách thiết lập sự tồn tại của những kiếp này, đối với bản thân mình.

Serkong Rinpoche: Hiện nay, tất cả chúng ta đều biết rằng mình có thân và tâm. Cột nhà, xà nhà và những thứ này không có tâm thức, theo nghĩa về ý thức mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu được. Nếu như mình chỉ đơn giản là một thân thể, mà không có những cách khác nhau để có ý thức, hay tâm trí, nếu như tất cả các pháp chỉ là vật chất, thì chúng ta sẽ không khác gì một xác chết, và không khác gì một cây cột nhà hay xà nhà.

Tên của con là gì?

Thubten.

Khi con nói Thubten là tên của mình, thì chúng ta thấy thân thể của con, nhưng không thể nhìn thấy tâm thức của con, cách mà con có ý thức. Nhưng khi con nói về tâm thức của mình như là hoạt động tinh thần, thì có hoạt động tinh thần của con trong ngày hôm qua và hôm nay, và cả ngày mai. Không bao giờ có một sát na nào mà tâm thức, hoạt động tinh thần lại không tồn tại, đó là một dòng tương tục. Khi bắt đầu nghĩ theo những thuật ngữ đó, thì nên cố nhận ra rằng tuy thân thể có thể có một sự kết thúc, và trở nên không tồn tại, nhưng tâm thức thì không giống như vậy.

Đối với cách mà quý vị thật sự được thuyết phục về luật nhân quả - rằng việc thực hiện một thiện hạnh sẽ tích lũy công đức, và đem lại hạnh phúc như quả của nó - như tôi đã bàn luận vào một ngày khác, đó là điều mà quý vị sẽ vững tin, dựa trên cơ sở thẩm quyền của kinh điển. Rất khó để thấy điều đó bằng mắt, để có thể chứng minh cho bản thân rằng nhân và quả hoạt động như thế. Quý vị phải chấp nhận lời Phật dạy về vấn đề đó

Bây giờ, nếu như đó là điều mà quý vị không thể nhìn thấy bằng mắt, và phải chấp nhận lời Phật dạy, thì làm sao có thể chấp nhận lời Phật dạy về những vấn đề này? Điều gì khiến cho Đức Phật trở thành một người có thẩm quyền đúng đắn và hợp lệ về những điều này, về việc hạnh phúc là kết quả từ thiện hạnh, và dòng tâm thức tiếp tục đi đến những kiếp tương lai? Cách mà quý vị có thể chấp nhận lời Phật dạy một cách thoải mái và hợp lệ về những vấn đề này, là nghĩ về một vài điều khác mà Đức Phật đã nói. Cụ thể là Đức Phật đã nói về tánh Không hay thực tại, và cũng nói về phương pháp để thành tựu định tâm, đó là trạng thái an định. Nếu như nhìn vào những gì Đức Phật đã nói về những vấn đề này, và thật sự hành trì theo những điều Ngài nói, thì quý vị sẽ thấy rằng trên thực tế, tất cả những điều này đều đúng. Từ kinh nghiệm của bản thân, quý vị có thể tự xác minh rằng những gì Ngài nói về thực tại là đúng, vì quý vị có thể thấy điều đó. Những gì Ngài nói về việc thành tựu định tâm là đúng, bởi vì quý vị đã đạt được nó. Vì vậy, trên cơ sở này, quý vị có thể chấp nhận lời Phật dạy về những vấn đề khác, như những kiếp tương lai.

Quý vị có thể xem xét ví dụ về cặp song sinh, hay sinh ba, giống hệt nhau. Về bề ngoài thì hai hoặc ba đứa trẻ này có thể giống hệt nhau, nhưng một đứa trẻ sẽ thông minh hơn những đứa kia; một trong số những đứa trẻ này sẽ học hỏi mọi việc rất nhanh, còn những đứa kia thì trì độn hơn. Lý do của điều này nằm trong tiền kiếp của họ. Một đứa bé đã luyện tâm rất tốt trong kiếp trước, và có bản năng thông minh hơn, trong khi những đứa bé kia đã không làm như vậy, nên tâm trí của chúng chậm lụt hơn một chút. Trong trường hợp nào thì ngay cả khi quý vị không thể chứng minh rằng tâm bắt nguồn từ kiếp trước, và kiếp trước và kiếp sau tồn tại, ngay cả khi không thể chứng minh điều đó, thì quý vị cũng không thể chứng minh chắc chắn rằng chúng không hề tồn tại. Tuy nhiên, nếu như thành tựu định tâm, shamatha này, khi mà quý vị có định tâm hoàn hảo, thì sẽ có được các thần thông, và khi có thần thông, thì quý vị sẽ có thể thấy những tiền kiếp của mình. Có thể quý vị không thấy nhiều kiếp trước, nhưng ít nhất là quý vị có thể nhìn thấy một vài kiếp. Điều tương tự cũng áp dụng cho những kiếp tương lai: quý vị có thể biết nơi mình sẽ tái sinh. Bằng cách noi theo những phương pháp này, thì ta thật sự có thể thấy sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau.

Con có thể đặt câu hỏi không ạ?

Được.

Chúng ta có thể thấy được những loại chi tiết nào?

Tự nhiên là sẽ có những người có trí nhớ ở những mức độ khác nhau, về những gì họ đã làm trong kiếp trước, và điều đó cũng đúng về kiếp này. Một số người có thể nhớ tất cả những bữa ăn của họ trong kiếp này; những người khác thì có lẽ không có ký ức về hầu hết những bữa ăn đã xảy ra trong nhiều năm trước, những gì họ đã ăn và làm vào một ngày cụ thể, chứ đừng nói đến việc họ đã làm gì vào mỗi ngày cụ thể trong những kiếp trước. Nó tùy thuộc vào từng cá nhân. Một số người có thể nhìn thấy nhiều hay ít chi tiết. Quý vị có nhớ mỗi bữa ăn của mình vào tám năm trước, trong mỗi ngày của năm đó không?  

Có thể là bốn năm rưỡi về trước.

Con có nhớ mỗi bữa ăn của mình bốn năm rưỡi trước đây không?

Từ tháng Giêng đến tháng Ba, nhưng con chỉ nhớ món ăn trưa thôi.

Nhưng con không nhớ mình đã ăn món gì vào tháng trước đó phải không?

Dạ không.

Điều tương tự cũng đúng về những kiếp trước. Việc nhớ rõ từng chi tiết về nó sẽ rất hiếm hoi. Ngay cả trong dân gian cũng có những người bình thường có ký ức về tiền kiếp.

Việc chứng minh sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau một cách hợp lý là điều khá khó khăn. Nhà lý luận học và bậc thầy vĩ đại Pháp Xứng (Dharmakirti) trong thời Ấn Độ cổ đại cũng đã gặp khó khăn trong việc chứng minh điều đó bằng lý luận với một nhà vua. Điều mà ngài đã làm là tìm một người sắp chết, và đặt một viên ngọc trai trong miệng người này. Sau đó, vài tháng sau, một đứa trẻ ra đời, có một viên ngọc trai trong miệng, và nhờ cách này mà ngài đã chứng minh sự tồn tại của tái sinh ở mức độ vật chất. Quý vị cũng nên xem xét Đức Dalai Lama, người hiện thời là tái sinh thứ 14 của dòng Dalai Lama; cũng như Panchen Lama, là người có nhiều hơn 10 đời trong dòng Panchen Lama; cũng như dòng của các vị Karmapa, mà Đức Karmapa trong quá khứ là vị thứ 16 trong dòng này. Mặc dù những Lạt ma vĩ đại này đã thay đổi thân thể trong tất cả những hóa thân này, nhưng dòng tâm thức của các ngài vẫn tiếp tục, không gián đoạn. Nó không đơn giản như đi tìm một vị quan chức, để thay thế một quan chức cũ, đã về hưu, nó không giống như vậy. Khi tìm kiếm vị tái sinh, thì người ta không tìm kiếm một người thay thế, mà đang tìm kiếm tính tương tục của dòng tâm thức ấy. Sau khi Dalai Lama thứ 13 viên tịch, và người ta đã tìm kiếm những dấu hiệu để tìm ra Đức Dalai Lama thứ 14, thì rất nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra. Có một hồ thiêng dành cho Palden Lhamo, và những hình ảnh của ngôi nhà, địa điểm và những chữ cái, cho thấy tên của vùng đất mà Đức Dalai Lama thứ 14 sẽ tái sinh, đã xuất hiện trong hồ này.

Khi nghĩ về tất cả những vấn đề này, thì quý vị sẽ bắt đầu hiểu sâu hơn về ý tưởng về kiếp quá khứ và vị lai. Khi chấp nhận điều này, thì quý vị sẽ thấy rằng việc tạo thiện hạnh để làm lợi lạc cho những kiếp tương lai sẽ trở nên rất quan trọng đối với mình. Nếu như tâm chỉ đơn giản là một thiết bị cơ học hay vật lý mà quý vị có thể cài đặt vào máy móc, chẳng hạn vậy, thì quý vị có thể tạo ra một cái máy vi tính, rồi cài đặt một tâm thức vào đó, và nó sẽ là một chúng sinh. Rồi thì quý vị có thể tạo ra chó, mèo, côn trùng và nhiều chúng sinh khác từ máy móc, và trên thực tế, có thể đưa ý thức vào tất cả mọi thứ. Kết luận ngớ ngẩn từ điều này là nếu như tâm hoàn toàn là vật chất, thì quý vị có thể đặt tâm thức vào tất cả mọi thứ trên thế gian, và mọi thứ xung quanh mình sẽ có sự sống, nhờ vậy mà sẽ có khả năng tăng trưởng. Một là như vậy, hay nó sẽ suy ra một cách vô lý là nếu như quý vị có thể đưa sự sống và tâm thức vào trong máy móc, thì khi tất cả các máy móc bị hư, thì sự sống cũng sẽ tuyệt chủng. Tất cả chúng ta đều trở thành như khủng long, và biến mất, nếu như nó hoàn toàn là thứ gì bằng máy móc, rằng khi những cỗ máy bị hư, thì sự sống cũng kết thúc. Khi quý vị nghĩ về việc này, thì cả hai khả năng đều vô lý. 

Top