Ký Ức Của Tôi Về Yongdzin Ling Rinpoche

Lần đầu tiên tôi gặp Yongdzin Ling Rinpoche là tháng Giêng năm 1970, tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi ngài thường xuyên cư ngụ vào những tháng mùa đông, và thuyết Pháp tại ngôi chùa Tây Tạng ở đó hàng năm. Lúc đó, Bồ Đề Đạo Tràng chưa phát triển và rất nghèo nàn. Nhóm người cùi ngang ngược sắp hàng dọc theo con đường đất ở trước bảo tháp, chìa những cánh tay cụt mưng mủ ra trước mặt khách hành hương để xin xỏ với tiếng khóc than đơn điệu. Tôi là một trong số ít những người nước ngoài ở đó nên lũ trẻ ăn mặc rách rưới cứ đi theo tôi bất cứ nơi nào như một đàn muỗi, níu áo tôi xin vài đồng xu và cao giọng than khóc, lập đi lập lại câu "Baksheesh, Memsahab" một cách đơn điệu. Khách hành hương nhiệt thành thì đi nhiễu và lễ lạy quanh bảo tháp, trong khi những con chó hoang và những con heo nhìn giống như trong thời tiền sử thì tự do tìm thức ăn trên cánh đồng phía sau bảo tháp, nơi được xem như nhà vệ sinh lộ thiên địa phương. Đó là quang cảnh tôi không bao giờ quên được.

Vào dịp đó, tôi đã nhận lễ điểm đạo Đức Quán Thế Âm (Chenrezig) lần đầu tiên với Yongdzin Ling Rinpoche, và thọ bồ tát giới lần đầu tiên. Sự hiện diện phi thường của Yongdzin Rinpoche tỏa ra nhân cách và sức mạnh tương phản một cách rõ rệt với sự nghèo khổ và hỗn loạn ở môi trường xung quanh, bên ngoài cổng tu viện. Ấn tượng đặc biệt là giọng nói của Yongdzin Rinpoche khi thuyết pháp. Lời của ngài tuôn ra một cách dễ dàng và du dương, tựa như dòng suối chảy đều đặn, dường như không bao giờ ngưng lại để thở.

Lần gặp gỡ kế tiếp của tôi với Yongdzin Ling Rinpoche là ở Dharamsala, vào tháng 9, năm 1971. Từ Dalhousie, thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey, đã dẫn tôi đến đó, cùng với Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche, để tham dự một sự kiện lớn. Hai vị trợ giáo của Đức Dalai Lama đã ban cho Ngài và tăng đoàn từ các Học Viện Mật Tông ba lễ quán đảnh Tối Thượng Mật Điển chánh của truyền thống Gelug. Yongdzin Ling Rinpoche ban lễ quán đảnh 13 vị Hộ Phật Vajrabhairava và Guhyasamaja, và Kyabje Trijang Rinpoche ban lễ quán đảnh Chakrasamvara Luipa. Theo tôi biết thì có lẽ đó là dịp cuối cùng mà Đức Dalai Lama công khai nhận lễ quán đảnh từ hai vị trợ giáo của Ngài. Là đệ tử chánh, Đức Dalai Lama ngồi trước mặt các vị trợ giáo của Ngài, trên một pháp tòa hơi thấp hơn. Là người Tây phương duy nhất tham dự lễ quán đảnh, tôi ngồi trong hốc tường bên cạnh các pháp tòa, là nơi mà hiện nay tôn tượng Guru Rinpoche và Đức Thiên Thủ Quán Âm (1000-Armed Chenrezig) được an vị. Từ vị trí đó, tôi có tầm nhìn hoàn hảo. Sự trang trọng, khiêm tốn và tôn kính của Đức Dalai Lama đối với các vị trợ giáo của Ngài đã trở thành tấm gương bất diệt về cách một đệ tử liên hệ với vị thầy tâm linh và đạo sư Mật tông.

Trong vài năm sau đó, tôi đã thọ nhận một vài giáo pháp và lễ điểm đạo khác từ Yongdzin Rinpoche. Kỷ niệm đáng nhớ nhất cũng lại là Vajrabharava, một lần nữa, tại ngôi chùa Bồ Đề Đạo Tràng. Trong lễ quán đảnh ấy, Yongdzin Rinpoche đã mô tả cung điện mạn đà la bằng cách nêu ra các đặc điểm khác nhau trong không gian xung quanh ngài. Pháp quán tưởng ấy thật rõ rệt đối với ngài, nên nó cũng trở thành sống động đối với đại chúng. 

Khả năng phát huy tiềm năng của những người xung quanh ngài là một trong những đặc điểm nổi bật của Yongdzin Ling Rinpoche. Tôi thường trích dẫn điều này như một ví dụ về cái được gọi là "hoạt động giác ngộ của sự tăng trưởng." Trước khi tôi có đủ khả năng về Tạng ngữ để có thể thông dịch cho các vị thầy của mình, tôi luôn luôn ngạc nhiên vì khi đến thăm Yongdzin Rinpoche thì bằng cách nào đó, nhờ sự sáng suốt và cảm hứng tỏa ra từ ngài mà tôi có thể hiểu được lời ngài nói bằng tiếng Tạng khá hơn nhiều so với bất kỳ ai khác vào lúc đó. Giống như ngài đã trực tiếp phóng chiếu sự sáng suốt vào não bộ của tôi.

Một khi khả năng sử dụng Tạng ngữ của tôi đã tiến bộ đủ thì thỉnh thoảng, tôi bắt đầu thông dịch cho Yongdzin Rinpoche, khi ngài ban giáo pháp cho người ngoại quốc. Ngài rất rộng lòng giải thích các pháp tu khi có sự thỉnh cầu, và từ bi giải đáp những thắc mắc của tôi, bất cứ khi nào cần thiết. Tôi đã cẩn thận không lạm dụng đặc quyền quý hiếm lạ thường này.

Một lần nọ, khi tôi đang thông dịch lời giảng giải về pháp tu Đức Quán Thế Âm mà Yongdzin Rinpoche đã ban thì ngài nói với tôi, trước khi người đệ tử bước vào phòng, rằng ngài tự hỏi không biết thật ra người đệ tử này sẽ áp dụng những giáo huấn này vào pháp tu hay không, nhưng ngài cảm thấy việc giải thích cho anh ta điều gì đó là điều đáng làm. Rồi Yongdzin Rinpoche đã ban cho lời giải thích rất thiện xảo mà không đào sâu hay đi vào chi tiết, nhưng vừa đủ để hy vọng rằng điều này sẽ kích thích và tạo nguồn cảm hứng cho người đệ tử tìm hiểu về pháp tu này. Điều này đã trở thành tấm gương cho tôi noi theo, đó là khi giảng dạy thì động lực vị tha để ban giáo pháp là yếu tố quan trọng nhất đối với vị thầy. Với động lực ấy thì tự nhiên bạn sẽ đưa ra lời giải thích vừa tầm với người đệ tử và nhu cầu của họ. Còn việc đệ tử có thực hành giáo huấn hay không là trách nhiệm của họ.  Tiêu chuẩn cao về cách làm một vị thầy hoàn hảo như thế này là điều khó mà đạt được.

Là người được thừa nhận là hiện thân của Vajrabhairava, dạng hung nộ của Đức Văn Thù, vị bổn tôn kết hợp sự sáng suốt, thông tuệ và trí huệ của toàn thể chư Phật, Yongdzin Ling Rinpoche tỏa ra năng lượng mạnh mẽ của sự sáng suốt, trong khi ngài giống như một tảng đá vững chắc đầy sự kiên định và hỗ trợ. Đó là loại năng lượng mà khi có mặt, sẽ khiến bạn ngưng hành xử và suy nghĩ như một đứa bé bị lẫn lộn, bối rối, và trở nên rõ rệt, nhạy bén, tỉnh táo và ổn định về cả hai mặt tình cảm lẫn tinh thần.

Như một ví dụ về phẩm chất này, tôi nhớ có một lần đã viếng thăm Yongdzin Rinpoche tại nhà của ngài ở Dharamsala. Yongdzin Rinpoche đang ngồi trên một cái giường thấp, ở một bên trong góc phòng, và tôi thì ngồi trên một cái giường thấp khác, ở phía bên kia của góc phòng đó. Trong khi ngài đang trả lời những thắc mắc của tôi về việc hành thiền thì bỗng nhiên một con bò cạp lớn xuất hiện dưới đất, giữa hai chúng tôi. Yongdzin Rinpoche, người luôn luôn rất có phẩm cách, đã giơ hai tay lên trời và kêu lên với giọng sôi nổi, đầy cảm xúc, "Ồ, con bò cạp!", rồi ngài nhìn tôi với đôi mắt mở to và nói, "Con không sợ sao?". Tôi nhìn vào mắt ngài và nói, "Trước mặt của Vajrabhairava thì làm sao con có thể sợ được?". Và điều này đúng, vì tôi không sợ. Yongdzin Rinpoche cười ngất vì câu trả lời của tôi. Sau đó, thị giả của ngài bước vào với một cái ly và tờ giấy, đặt miếng giấy phía dưới con bò cạp, úp cái ly lên trên và đem nó ra ngoài một cách trịnh trọng, rồi thả nó ra ngoài sân. Có vẻ như Yongdzin Rinpoche đã dàn cảnh toàn bộ sự việc như một phần trong bài học của tôi.

Mặc dù hầu hết mọi người đều kinh sợ Yongdzin Ling Rinpoche vì năng lượng cực kỳ mạnh mẽ và áp đảo của Vajrabhairava, nhưng bản thân ngài thì không bao giờ cho rằng phản ứng đó là điều thích hợp. Một lần nọ, khi ngài và tôi đang ở trong phòng của ngài tại ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng thì một chú tiểu đi vào phòng với một dĩa đựng các thức cúng dường từ “tsog" puja mà các nhà sư đã thực hiện ở dưới lầu. Rõ ràng là chú tiểu nhỏ đang lo lắng và sợ hãi trước sự hiện diện của một đạo sư vĩ đại như vậy. Sau khi chú tiểu ra khỏi phòng thì Yongdzin Rinpoche cười khúc khích và nói với tôi rằng, "Tất cả bọn họ đều rất sợ tôi. Không cần phải sợ hãi, đúng không?".

Giống như Vajrabhairava hung nộ, với Đức Văn Thù thanh bình ở trong tim, Yongdzin Ling Rinpoche là một nền tảng nghiêm khắc, đứng đắn của tính ổn định ở bên ngoài, trong khi lại nồng hậu, tử tế và uyên bác một cách vô hạn ở bên trong. Tôi nghĩ rằng mình may mắn một cách khó tin, khi được làm đệ tử của ngài, và thỉnh thoảng là thông dịch viên cho ngài.

Top