Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa. Ngài Long Thọ đã trao truyền giáo huấn thậm thâm về tri kiến tánh Không của dòng truyền thừa từ Đức Văn Thù Sư Lợi, trong khi ngài Vô Trước thì trao truyền giáo huấn về pháp hành bồ tát sâu xa của dòng truyền thừa từ Đức Di Lặc.
Long Thọ sanh ra trong một gia đình Bà la môn, có lẽ vào khoảng giữa thế kỷ thứ Nhất hay đầu thế kỷ thứ Nhì sau Công Nguyên, ở miền Nam Ấn Độ, tại Vidarbha, một vương quốc hiện nay nằm trong hai tiểu bang Maharashtra và Andhra Pradesh. Một số Kinh điển đã có lời tiên tri về ngài, chẳng hạn như Kinh Lăng Già (Lan-kar gshegs-pa’i mdo, Phạn ngữ Lankavatara Sutra). Lúc chào đời, một thầy bói tiên đoán rằng ngài chỉ sống được bảy ngày thôi, nhưng nếu cha mẹ ngài cúng dường một trăm vị tăng thì ngài sẽ sống đến bảy tuổi. Vì lo cho mạng sống của con trai, vào năm ngài bảy tuổi, cha mẹ ngài đã gởi ngài đến Đại Học Phật Giáo Na-lan-đà (Nalanda Monastic University) ở miền Bắc Ấn Độ, nơi ngài đã gặp đại sư Saraha. Ngài Saraha nói rằng nếu Long Thọ từ bỏ thế tục và trì tụng mật chú Phật A Di Đà thì ngài sẽ sống lâu. Long Thọ làm theo lời khuyên, rồi gia nhập vào Tu Viện, nhận pháp danh “Shrimanta”.
Tại Na-lan-đà, Long Thọ tu học Mật điển và Kinh điển với Ratnamati, một vị hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi, và với đại sư Saraha, đặc biệt là pháp tu Mật điển Guhyasamaja (dPal gsang-ba ‘dus-pa’i rgyud). Ngoài ra, ngài còn học thuật giả kim (alchemy) với một vị Bà la môn và biết cách biến sắt thành vàng. Nhờ có khả năng này, ngài có thể nuôi chư Tăng Na-lan-đà trong nạn đói. Cuối cùng, ngài trở thành vị trụ trì của Na-lan-đà. Ở đó, ngài đã đuổi tám ngàn vị tăng không giữ gìn giới luật đúng đắn. Ngài cũng đánh bại năm trăm người ngoại đạo trong các cuộc tranh luận.
Hai vị thanh niên là hóa thân của các con trai của vua Thiên Long (naga king), đã đến Na-lan-đà. Thân họ phát ra mùi gỗ đàn hương tự nhiên. Long Thọ hỏi thăm sự tình và họ thú thật về thân thế của mình. Ngài bèn hỏi xin mùi gỗ đàn hương cho một pho tượng Tara và nhờ các Thiên Long giúp ngài xây dựng các ngôi chùa. Họ trở về cõi Thiên Long và hỏi ý kiến vua cha. Vua Thiên Long nói rằng ông có thể giúp ngài Long Thọ, với điều kiện ngài chịu đến long cung dưới biển để dạy cho họ. Long Thọ đồng ý, mang theo nhiều phẩm vật cúng dường và giảng dạy các Thiên Long.
Long Thọ biết các Thiên Long có Kinh Thiên Bách Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa (Shes-rab-kyi pha-rol-tu phyin-pa stong-pa brgya-pa, Phạn ngữ Shatasahasrika-prajnaparamita Sutra) và đã xin thỉnh một bổn. Khi Đức Phật giảng về Bát nhã Ba la mật (Trí tuệ Ba la mật), các Thiên Long đã mang một bổn Kinh này về long cung để bảo quản, chư Thiên mang một bổn khác và các Dạ Xoa thần Tài Lộc giữ một bổn khác. Long Thọ thỉnh bổn một trăm ngàn câu kệ, mặc dù các Thiên Long giữ lại hai chương cuối làm tin, để ngài Long Thọ phải trở lại long cung giảng dạy thêm cho họ. Sau đó, hai chương cuối đã được bổ sung thêm, cùng với hai chương cuối của Kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa (Shes-rab-kyi pha-rol-tu phyin-pa brgyad stong-pa, Phạn ngữ Ashtasahasrika-prajnaparamita Sutra) . Đây là lý do hai chương cuối của hai bổn duyệt lại giống nhau. Long Thọ còn đem đất sét của cõi Thiên Long về để xây dựng nhiều ngôi chùa và bảo tháp.
Một lần nọ, khi ngài đang thuyết giảng Bát nhã Ba la mật thì sáu vị Thiên Long đã đến và xếp thành hình chiếc dù để che nắng cho ngài. Vì điều này mà hình tượng tiêu biểu của Long Thọ có sáu Thiên Long trên đầu của ngài. Từ sự kiện này, ngài có tên Naga (Thiên Long). Vì khả năng thuyết Pháp của ngài đi thẳng vào trọng điểm, như mũi tên của cung thủ nổi tiếng Arjuna (tên một anh hùng trong Kinh điển Ấn Độ giáo, Bhagavad Gita), nên ngài có tên Arjuna. Do đó, ngài được gọi là “Nagarjuna”.
Sau này, Long Thọ du hành đến Bắc Đảo (Bắc Lục địa) để thuyết pháp. Trên đường đi, ngài gặp mấy đứa trẻ đang nô đùa trên đường phố. Ngài tiên đoán rằng một trong những đứa trẻ này, tên Jetaka, sẽ trở thành một vị vua. Khi ngài từ Bắc Đảo trở lại khu vực này, thằng bé đã lớn lên và trở thành Vua của một vương quốc lớn ở miền Nam Ấn Độ. Long Thọ đã ở lại với nhà vua trong ba năm, giảng dạy cho ông và sống những năm cuối đời ở một nơi khác trong vương quốc của ông, tại Shri Parvata, ngọn núi thiêng nhìn xuống thành phố Nagarjunakonda ngày nay. Long Thọ đã viết Bảo Hành Vương Chính Luận (Rin-chen ‘phreng-ba, Phạn ngữ Ratnavali) cho nhà vua. Đây cũng là nhà vua mà Long Thọ đã viết Bằng Hữu Thư để gởi tặng (bShes-pa’i spring-yig, Phạn ngữ Suhrllekha), đó là VuaUdayibhadra (bDe-spyod bzang-po).
Một số nhà học giả Tây phương xác nhận Vua Udayibhadra là Vua Gautamiputra Shatakarni (trị vì từ 106 – 130 sau Công Nguyên) của triều đại Shatavahana (230 trước Công Nguyên – 199 sau Công Nguyên), ở tiểu bang Andhra Pradesh ngày nay. Một vài học giả thì xác nhận ông là vị vua kế tiếp, Vua Vashishtiputra Pulumayi (130 – 158 sau Công Nguyên). Khó mà nhận diện ra ông một cách chính xác. Những người của triều đại Shatavahana là các nhà bảo trợ cho bảo tháp ở Amaravati, nơi Đức Phật đã giảng dạy Mật điển Thời Luân (The Kalachakra Tantra) lần đầu tiên, và là nơi gần Shri Parvata.
Vua Udayibhadra có một đứa con trai, Kumara Shaktiman, người muốn trở thành vua. Mẹ ông nói rằng ông không thể làm vua cho đến khi nào Long Thọ qua đời, vì Long Thọ và nhà Vua có cùng thọ mạng. Mẹ ông bảo ông đi xin thủ cấp của Long Thọ, và vì là người rất từ bi, chắc chắn ngài sẽ đồng ý. Long Thọ thật sự đã đồng ý, nhưng Kumara không thể chặt đầu của ngài bằng gươm. Long Thọ nói trong một tiền kiếp, ngài đã giết một con kiến trong khi cắt cỏ. Vì nghiệp quả này, chỉ có lá cỏ Kusha mới cắt đứt đầu của ngài. Kumara làm theo lời ngài và Long Thọ qua đời. Máu từ thủ cấp đã lìa khỏi thân ngài trở thành sữa và cái đầu của ngài nói, “Bây giờ, ta sẽ đến Tây Phương Cực Lạc (Sukhavati Pure Land), nhưng ta sẽ nhập vào thân này lần nữa.” Kumara đem chiếc đầu đi thật xa thân thể, nhưng người ta nói mỗi năm, chiếc đầu và thân ngài càng đến gần nhau hơn. Khi chúng sát nhập lại với nhau, ngài Long Thọ sẽ quay trở lại và giảng dạy lần nữa. Tổng cộng, ngài đã sống sáu trăm năm.
Một trong số nhiều bản Kinh luận mà Long Thọ đã viết là Bộ Sưu Tập Lý Luận (Rigs-pa’i tshogs), Bộ Sưu Tập Xưng Tán (bsTod-pa’i tshogs), và Bộ Sưu Tập Giải Thích Mô Phạm (gTam-pa’i tshogs).
Sáu Bộ Sưu Tập Lý Luận (Rigs-tshogs drug) là:
Một số tác phẩm trong Bộ Sưu Tập Xưng Tán của Long Thọ là:
Một số tác phẩm trong Bộ Sưu Tập Giải Thích Mô Phạm của Long Thọ là:
Một vài luận giải về Mật điển Guhyasamaja cũng do ngài Long Thọ sáng tác gồm có:
Vị đệ tử lừng danh nhất của ngài Long Thọ là Thánh Thiên (Aryadeva, ‘Phags-pa lha), tác giả của Tứ Bách Kệ Tụng Bồ Tát Hạnh Du Già (Byang-chub sems-dpa’i rnal-‘byor spyod-pa bzhi-brgya-pa’i bstan-bcos kyi tshig-le’ur byas-pa, Phạn ngữ Bodhisattvayogacarya-catu:shatakashastra-karika), và một vài luận giải về Mật điển Guhyasamaja.