Làm Thế Nào Để Hiểu Vấn Đề Tái Sinh?
Làm thế nào để biết điều gì là đúng? Theo giáo lý nhà Phật thì các pháp có thể được biết một cách hợp lệ theo hai cách: bằng nhận thức đơn giản và bằng suy luận. Nhờ cách làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm mà ta có thể xác nhận sự tồn tại của một điều gì đó, thông qua nhận thức đơn giản. Chẳng hạn như bằng cách dùng kính hiển vi thì mình sẽ biết điều này là đúng, đơn giản bằng giác quan của mình, rằng có rất nhiều vi khuẩn nhỏ li ti trong một giọt nước hồ.
Tuy nhiên, một số điều mà mình không thể biết bằng nhận thức đơn giản. Phải dựa vào lý luận học, lý do và suy luận, chẳng hạn như sự tồn tại của từ tính (magnetism), bằng cách suy ra nó, từ cách mà nam châm và kim sắt hoạt động. Tái sinh là điều rất khó chứng minh bằng nhận thức giác quan đơn giản. Tuy nhiên, có nhiều ví dụ về những người nhớ về tiền kiếp của họ, và những người có thể xác định được đồ đạc cá nhân của họ, hay những người họ đã quen biết trước đây. Ta có thể suy ra rằng tái sinh có tồn tại, nhưng một số người có thể nghi ngờ kết luận này, và hoài nghi rằng đây là một sự lừa bịp.
Khi để việc kể lại những ký ức về tiền kiếp qua một bên, thì ta có thể quay qua luận lý học (logic) để thấu hiểu về tái sinh. Đức Dalai Lama nói rằng nếu như một số điểm nào đó không phù hợp với thực tế, thì Ngài sẵn sàng loại bỏ chúng ra khỏi đạo Phật. Điều này cũng được áp dụng đối với tái sinh. Trên thực tế thì Ngài đã đưa ra tuyên bố này ngay từ đầu, trong bối cảnh này. Nếu như các nhà khoa học có thể chứng minh rằng tái sinh không tồn tại, thì chúng ta phải từ bỏ niềm tin đó là sự thật. Tuy nhiên, nếu các nhà khoa học không thể chứng minh là nó sai lầm, và vì họ dựa vào luận lý học, cũng như các phương pháp khoa học, cởi mở đối với sự hiểu biết về những điều mới mẻ, nên sẽ phải điều tra liệu nó có tồn tại hay không. Để chứng minh rằng tái sinh không tồn tại, thì họ sẽ phải tìm ra cách mà nó không tồn tại. Nếu chỉ nói rằng, “Tái sinh không tồn tại, bởi vì tôi không thấy được nó bằng mắt của mình”, thì không phải là không tìm ra sự bất tồn tại của tái sinh. Có nhiều thứ hiện hữu mà chúng ta không thể thấy bằng mắt, như từ tính và sức hút của trái đất.
Cách Lý Luận Để Khảo Sát Có Tái Sinh Hay Không
Nếu như các khoa học gia không chứng minh được là tái sinh không tồn tại, thì họ có nhiệm vụ phải nghiên cứu xem tái sinh có thật sự hiện hữu hay không. Phương pháp khoa học là đưa ra một giả thuyết, dựa vào một số dữ kiện, và xem giả thuyết đó có giá trị hay không. Do đó, ta sẽ nhìn vào các dữ kiện. Ví dụ như ta sẽ thấy là khi trẻ sơ sinh chào đời thì không giống như những băng thâu âm còn mới tinh. Chúng đều có những thói quen và cá tính ngay lúc còn rất bé. Điều này bắt nguồn từ đâu?
Nếu như mình nói những thói quen và cá tính này xuất phát từ sự tiếp nối về thể chất của cha mẹ, từ tinh trùng và trứng thì không hợp lý. Không phải mỗi một tinh trùng và trứng nào kết hợp với nhau và được cấy vào trong tử cung, đều sẽ phát triển thành bào thai. Điều gì tạo ra sự khác biệt khi bào thai thành hình và không thành hình? Điều gì tạo ra thói quen và bản năng của đứa trẻ? Ta có thể nói do DNA và gen di truyền. Điều này thuộc về mặt thể chất, và không ai chối cãi đây là tiến trình thành hình của bào thai trên bình diện vật chất. Nhưng còn về phương diện kinh nghiệm thì sao? Làm sao giải thích về mặt tâm thức?
Trong tiếng Anh, chữ “tâm” không có cùng ý nghĩa với danh từ trong Tạng ngữ hay Phạn ngữ mà nó phải thông dịch ra. Trong các ngôn ngữ nguyên thủy thì “tâm” nói về hoạt động tinh thần (tâm hành) hay những sự kiện tinh thần, chứ không phải là cái gì đang thực hiện hoạt động ấy. Hoạt động hay sự kiện này là sự nhận thức phát sinh về các pháp như ý nghĩ, hình ảnh, tiếng động, cảm xúc, cảm giác v.v... và có một sự nhận thức liên quan đến chúng – cái thấy, nghe, thấu hiểu hay không thấu hiểu chúng.
Hoạt động tinh thần của sự phát khởi và sự liên hệ với những đối tượng này trong một con người xuất phát từ đâu? Ở đây, chúng ta không đề cập đến nguồn gốc của thân thể, bởi vì hiển nhiên là nó bắt nguồn từ cha mẹ, cũng không đề cập đến trí thông minh và v.v..., vì mình cũng có thể lý luận rằng nó dựa trên cơ sở di truyền, nhưng nếu như mình cho rằng sở thích của một người là kem sô cô la, là vì gen di truyền quyết định thì hơi quá đáng.
Ta có thể cho rằng một vài sở thích của mình có thể chịu ảnh hưởng của gia đình, điều kiện kinh tế hay môi trường xã hội. Tất cả những yếu tố này chắc chắn có ảnh hưởng đến những gì mình làm, nhưng khó mà giải thích được tất cả những điều mình làm theo cách này. Ví dụ như trường hợp của tôi, tại sao tôi lại thích yoga từ thuở bé? Không một ai trong gia đình hay xã hội của tôi thích yoga cả. Có một số sách sở viết về đề tài này ở nơi tôi sinh sống, nên bạn có thể nói xã hội đã tạo ra chút ít ảnh hưởng đối với sở thích của tôi, nhưng tại sao tôi lại thích đọc các sách về hatha yoga? Tại sao tôi lại chọn cuốn sách này? Đó là một câu hỏi khác. Có phải sự việc chỉ xảy ra một cách tình cờ, nên nó liên quan đến sự may mắn, hay là mình có thể giải thích tất cả mọi việc?
Tâm Hành Của Mỗi Cá Nhân Bắt Nguồn Từ Đâu?
Hãy gát những chuyện này qua một bên, để trở lại câu hỏi quan trọng là sự phát khởi của các pháp, và sự nhận thức liên hệ với những đối tượng này bắt nguồn từ đâu? Khả năng nhận thức này xuất phát từ đâu? Mầm sống bắt nguồn từ đâu? Cái gì đã giúp cho sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng có sự sống? Cái gì đã làm cho sự phối hợp này trở thành một con người? Điều gì đã cho phép các tư tưởng và và hình ảnh phát sinh, điều gì tạo ra sự nhận thức liên hệ với chúng, và phương diện kinh nghiệm của phản ứng hóa học và điện tử của não bộ là gì?
Không dễ nói rằng hoạt động tinh thần của một đứa trẻ sơ sinh xuất phát từ cha mẹ nó, vì nếu như đây là sự thật, thì nó đã bắt nguồn từ cha mẹ bằng cách nào? Phải có một cơ cấu nào liên hệ trong đó. Liệu mầm sống ấy, được biểu thị bằng sự nhận thức về các pháp, có bắt nguồn từ cha mẹ, theo cùng một cách mà tinh trùng và trứng đã xuất phát từ cha mẹ hay không? Nó có xảy ra ở điểm cực khoái, hay khi trứng rụng? Có phải là nó nằm trong tinh trùng hay trứng? Nếu như mình không thể chứng minh một cách hợp lý và khoa học về thời điểm mà nó xuất phát từ cha mẹ, thì phải tìm một giải pháp khác.
Theo cái nhìn thuần lý thì các hiện tượng có chức năng đều sinh khởi từ sự tiếp nối của chính nó, từ những khoảnh khắc trước đó của cái gì có cùng thể loại với hiện tượng ấy. Ví dụ như một hiện tượng vật lý, dù là vật chất hay năng lượng, xuất phát từ những khoảnh khắc trước đó của vật chất hay năng lượng ấy. Đó là một sự tương tục.
Hãy lấy tâm sân làm ví dụ. Một mặt, ta có thể nói đến năng lượng vật lý mà mình cảm nhận được, khi ta tức giận, đó là một chuyện. Tuy nhiên, xét về hoạt động tinh thần của việc kinh nghiệm tâm sân, cảm nhận sự sinh khởi và ý thức, hay không ý thức về cảm giác này. Việc cảm nhận sự tức giận có những khoảnh khắc tương tục trước đó trong đời này, nhưng trước đó thì nó bắt nguồn từ đâu? Một là nó phải bắt nguồn từ cha mẹ, nhưng dường như không có cơ chế nào mô tả cách nó xảy ra như thế nào, hay là phải bắt nguồn từ Thượng Đế. Tuy nhiên, đối với một số người thì việc giải thích bằng lý luận mâu thuẫn về một đấng toàn năng sẽ tạo ra vấn đề. Để tránh những vấn đề này thì giải pháp khác là khoảnh khắc đầu tiên của sân hận trong đời của một người bắt nguồn từ một khoảnh khắc trước đó của dòng tương tục. Thuyết tái sinh giải thích điều này như vậy.
Ẩn Dụ Về Một Bộ Phim
Ta có thể cố gắng hiểu về tái sinh theo hình thức của một cuốn phim. Cũng như cuốn phim là một sự tiếp nối của nhiều hình ảnh khác nhau, thì dòng tâm thức của mình là sự tiếp nối liên tục của việc ý thức về mọi hiện tượng trong suốt cả đời, từ kiếp này đến kiếp khác. Không có một thực thể vững chắc mà mình có thể thấy được, như là “tôi” hay “tâm tôi”, được tái sinh. Tái sinh không phải như một pho tượng nhỏ ngồi trên một tấm băng tải di động, đi từ đời này qua đời khác. Đúng hơn thì nó giống như một cuốn phim biến đổi không ngừng. Mỗi hình ảnh đều khác nhau, nhưng có một sự tiếp diễn liên tục, và hình ảnh nào cũng liên quan đến hình ảnh kế tiếp. Tương tự như vậy thì những khoảnh khắc ý thức về các pháp thay đổi liên tục, tuy một số khoảnh khắc trong dòng tâm thức này thì vô thức. Hơn nữa, tuy đều được gọi là phim, nhưng trong số tất cả các bộ phim thì không có phim nào giống nhau. Tương tự như vậy thì tất cả các dòng tâm thức hay “các tâm thức” không phải là một tâm thức. Có hằng hà sa số những dòng tâm thức riêng biệt, ý thức về các pháp, mỗi một dòng tâm thức này có thể được quy gán như một cái “tôi”, từ quan điểm riêng của nó.
Đây là những lý lẽ mà mình có thể bắt đầu nghiên cứu về câu hỏi về tái sinh. Nếu như có một lý thuyết nào hợp lý, thì ta có thể nhìn vào sự kiện là có người đã nhớ lại những kiếp quá khứ của họ một cách nghiêm chỉnh hơn. Nhờ vậy mà ta sẽ khảo sát sự hiện hữu của tái sinh bằng một cách tiếp cận theo lý lẽ.
Cái Gì Sẽ Tái Sinh?
Theo đạo Phật thì ẩn dụ về tái sinh không phải là có một linh hồn như một pho tượng nhỏ cụ thể, hay một người ngồi trên tấm băng tải di động, đi từ kiếp này sang kiếp khác. Tấm băng tải di động tượng trưng cho thời gian và hình ảnh, ngụ ý là một cái gì rắn chắc, một cá tính bất biến, hay một linh hồn được gọi là “tôi”, trải qua dòng thời gian: “Hiện giờ thì tôi còn trẻ; bây giờ thì tôi già nua; bây giờ thì tôi đang sống trong kiếp này, hiện tại thì tôi đang sống trong kiếp kia.”. Đây không phải khái niệm về tái sinh trong đạo Phật. Đúng hơn thì phép ẩn dụ về tái sinh giống như một cuốn phim. Có một sự tiếp nối trong một cuốn phim, và những khung ảnh tạo ra một sự diễn biến liên tục.
Phật pháp cũng không cho rằng tôi sẽ trở thành anh, hay tất cả chúng ta là một. Nếu như tất cả chúng ta là một, và tôi là anh, thì khi cả hai chúng ta đều đói bụng, thì anh có thể ngồi chờ trong xe, trong lúc tôi đi ăn. Sự việc không phải như vậy. Mỗi người đều có một dòng tâm thức riêng biệt. Sự diễn biến trong phim của tôi sẽ không trở thành cuốn phim của anh, nhưng cuộc sống chúng ta diễn ra như những cuốn phim, theo cách là nó không có gì cụ thể và cố định. Cuộc sống trôi qua từ hình ảnh này sang hình ảnh khác. Nó đi theo một trình tự, dựa vào nghiệp, nên tạo ra một sự tương tục.
Mỗi một dòng tâm thức là một chúng sinh nào đó, và có thể được gọi là một cái “tôi”; chứ không phải mỗi dòng tâm thức không phải là ai hết. Nhưng giống như tựa đề của một bộ phim nói về cả bộ phim, và mỗi một hình ảnh trong đó, nhưng không thể được tìm thấy như điều gì cụ thể trong mỗi một hình ảnh, tương tự như vậy thì “tôi” cũng đề cập đến một dòng tâm thức cá nhân, và mỗi một khoảnh khắc của nó, nhưng không thể được tìm thấy như một cái gì cụ thể trong bất cứ thời điểm nào. Dù sao đi nữa, theo thông lệ thì có một cái “tôi”, một “bản ngã”. Đạo Phật không phải là một hệ thống theo chủ nghĩa hư vô.
Liệu Con Người Có Luôn Tái Sinh Thành Con Người Hay Không?
Những điều mà mình đang nói ở đây là tâm hành, và các yếu tố chung biểu trưng cho tâm hành của mình là gì. Điểm đặc trưng cho tâm hành của con người là trí thông minh, và như mình biết thì trí thông minh này có thể ở mức độ nào, từ “không quá thông minh”, cho đến “rất thông minh”. Nhưng có những yếu tố khác cũng là một phần của tâm hành, chẳng hạn như sân hận, tham lam, luyến ái, phóng dật, và các hành vi được những tâm sở này tạo này tạo ra. Ở một số người thì những yếu tố này chi phối hoạt động tinh thần của họ, khiến họ không sử dụng trí thông minh của con người, mà lại hầu hết dựa vào lòng tham lam hay sân hận, v.v...
Chẳng hạn như có những người có nhiều dục vọng, và đi đến các quán bar để gặp gỡ người khác, và có quan hệ tình dục với hầu hết những người mà họ gặp, thì người đó đang hành động như một con chó, bạn có nghĩ vậy không? Một con chó sẽ giao phối với bất cứ con chó nào mà nó gặp, vào bất cứ lúc nào, mà không có sự tự chủ. Nếu như một con người hành xử như vậy, thì họ sẽ tạo nên những tập khí theo tâm tính loài vật. Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên, nếu như nghĩ về mặt tái sinh thì tính khí dục vọng của người đó sẽ là tâm hành vượt trội mà họ sẽ có trong một kiếp tương lai, và họ sẽ tái sinh trong một thân thể có nền tảng thích hợp cho tâm hành ấy, đó là một tái sinh thành thú vật.
Thế thì việc khảo sát hành vi của mình là điều rất ích lợi: “Liệu mình có đang hành động như con thú này hay con thú kia hay không?” Hãy nghĩ về một con ruồi. Tâm tính của con ruồi thì hoàn toàn tản mạn. Một con ruồi không thể ở yên một chỗ lâu hơn một vài sát na. Nó liên tục di chuyển và liên tục bị phân tâm. Có phải là tâm thức của mình cũng như vậy, giống như một tâm trí của con ruồi? Nếu là như vậy thì ta sẽ kỳ vọng điều gì trong kiếp sau? Liệu chúng ta có hy vọng là mình sẽ thông minh và có được định tâm tốt hay không?
Đây là một số ý tưởng để giúp ta hiểu rằng con người không nhất thiết phải tái sinh như con người. Chúng ta có thể được tái sinh trong nhiều dạng sống khác nhau, và nó sẽ thăng trầm. Tuy nhiên, nếu như mình tích tập nhiều tập khí tích cực như một con người, thì ngay cả khi tái sinh thành một con vật, khi nghiệp lực của hành vi thú vật trước đây của mình đã chấm dứt, thì công đức trước đây của mình có thể vượt trội lên, và ta có thể tái sinh như một con người một lần nữa. Chúng ta sẽ không bị kết án, để tái sinh trong những cõi thấp hơn mãi mãi.
Vấn đề là phải hiểu rằng không có cái gì có thực chất trong tâm hành, làm cho nó trở thành hoạt động tinh thần của con người, hay làm cho nó trở thành nam hay nữ, hoặc bất cứ điều gì giống như vậy. Nó chỉ đơn giản là tâm hành thôi. Vì vậy nên dạng tái sinh mà mình sẽ có thì phụ thuộc vào nghiệp lực, vào những tập khí khác nhau mà ta đã tích tập bằng những hành vi của mình. Trong những kiếp tương lai thì ta sẽ có một thân thể hoạt động như một nền tảng thích hợp, để thực hiện những tập khí này.
Tóm Tắt
Khi khảo sát về sự trình bày về tái sinh của đạo Phật bằng lý lẽ, thì phải khảo sát quá trình nhân tố khiến cho dòng tâm thức cá nhân bất diệt: sự tương tục của tâm hành không bao giờ suy thoái. Kết luận mà ta sẽ đi đến là tái sinh là vô thỉ, với những tập khí được tích tập trước đó, hình thành mỗi một kiếp sống.