Câu Chuyện Của Tôi

Việc nghiên cứu học thuật về Phật giáo và thật sự áp dụng giáo pháp trong đời sống hàng ngày là hai thế giới khác nhau. Người ta thường nói, nếu chỉ nghiên cứu Phật giáo về mặt trí thức thì không thật sự tạo lợi lạc cho cuộc sống của mình. Tiến sĩ Alexander Berzin, vừa là một học giả, vừa là một hành giả, sẽ nói về kinh nghiệm của ông về việc có mặt trong cả hai thế giới học thuật và tâm linh.

Thế Hệ Sputnik

Tôi sinh ra ở Mỹ, năm 1944, trong một gia đình rất bình thường. Gia đình tôi không có nhiều tiền, họ chỉ là những người đi làm, và cũng không có nhiều học vấn. Tuy nhiên, từ nhỏ, tôi đã có thích thú theo bản năng rất mạnh mẽ, đối với những điều thuộc về châu Á. Điều này không được gia đình tôi khuyến khích, nhưng cũng không bị ngăn cản, vì dù sao thì cũng không có nhiều thông tin về châu Á vào thời đó. Lúc 13 tuổi, tôi bắt đầu tập yoga với một người bạn, và tôi đã đọc tất cả mọi thứ mà tôi có thể tìm thấy về Phật giáo, tư tưởng Ấn Độ, tư tưởng Trung Quốc, v.v...

Tôi là một thành phần của cái mà nước Mỹ gọi là “Thế hệ Sputnik”. Khi phi thuyền Sputnik bay vào vũ trụ thì nước Mỹ rất, rất là buồn bực, vì chúng tôi cảm thấy mình bị nước Nga qua mặt. Tất cả trẻ em ở trường, bao gồm cả tôi, được khuyến khích nghiên cứu khoa học, để có thể theo kịp nước Nga. Vì vậy, vào năm 16 tuổi, tôi đã vào Đại học Rutgers để học môn hóa học. Đại học Rutgers ở New Jersey, nơi tôi lớn lên, và mặc dù Geshe Wangyal, một vị thầy Phật giáo Kalmyk Mông Cổ, có lẽ chỉ sống cách đó 50 km, nhưng tôi không biết gì về sự có mặt của thầy.

Là một phần trong việc học, tôi đã học thêm một lớp Nghiên cứu châu Á, nói về cách đạo Phật đi từ nền văn minh này sang nền văn minh khác, và cách mỗi nền văn minh lãnh hội nó theo một cách khác nhau. Mặc dù mới 17 tuổi, nhưng nó đã gây một ấn tượng mạnh đối với tôi, đến mức tôi đã nói rằng, “Đây là điều tôi muốn tham dự, toàn bộ quá trình Phật giáo đi từ nền văn minh này sang nền văn minh khác.”. Và đó là điều mà tôi đã thực hiện trong quãng đời còn lại của mình, mà không có bất kỳ sự lệch hướng hay thay đổi nào.

Princeton: Từ Hóa Học Đến Ngôn Ngữ, Tư Tưởng Và Triết Lý Trung Hoa

Tại Đại học Princeton, một chương trình mới đã được bắt đầu để thu hút nhiều sinh viên tham gia khoa Nghiên cứu Châu Á. Vào thời đó, có rất ít sinh viên; đó là vào thời kỳ đầu của chiến tranh Việt Nam, và có rất ít người Mỹ biết bất kỳ ngôn ngữ Á châu nào. Tôi rất phấn khởi vì có cơ hội học tiếng Tàu, nên đã nộp đơn và được chấp nhận. Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu học tiếng Tàu tại Princeton, và hoàn tất hai năm cuối của bằng tú tài ở đó.

Tôi luôn luôn quan tâm đến cách triết học Trung Quốc ảnh hưởng đến cách mà đạo Phật được lãnh hội, khi nó đến Trung Quốc, và sau đó, cách đạo Phật ảnh hưởng triết học Trung Quốc ra sao. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu tư tưởng, triết học, lịch sử, Phật giáo Trung Hoa, v.v... Tôi đã được gởi đến các trường ngôn ngữ chuyên sâu vào mùa hè: một năm tại Harvard, một năm đến Stanford để bắt đầu học tiếng Tàu cổ điển, và sau khi lấy bằng cấp, một mùa hè ở Đài Loan. Tôi đã trở lại Harvard để làm nghiên cứu tốt nghiệp. Tôi đã bắt đầu học tiếng Nhật như một phần của chương trình học tiếng Tàu, và khi lãnh bằng thạc sĩ về Ngôn Ngữ Viễn Đông thì tôi đã nghiên cứu rất nhiều về Trung Quốc.

Tiếng Tàu, Tiếng Phạn Và Tiếng Tây Tạng: Nghiên Cứu So Sánh

Tôi muốn biết về phía Ấn Độ, cũng như về phía Trung Quốc, để xem sự phát triển của đạo Phật có những ảnh hưởng gì, nên tôi bắt đầu học tiếng Phạn (Sanskrit). Tôi đã nhận được bằng tiến sĩ đôi từ hai khoa: Nghiên cứu Phạn ngữ và Ấn Độ, và Khoa Ngôn Ngữ Viễn Đông. Nghiên cứu tiếng Phạn và Ấn Độ đã đưa tôi đến Tây Tạng, và chú trọng về triết học và lịch sử Phật giáo.

Bạn biết đó, tôi khao khát kiến thức một cách mãnh liệt, nên đã tham gia các khóa học thêm về triết học và tâm lý học, và tiếp tục quan tâm đến khoa học, qua tất cả những môn học này. Nhờ vậy, tôi đã hoàn tất việc học, và học hỏi về các phương pháp chung của đạo Phật, để so sánh các bản dịch. Chúng tôi sẽ xem xét kinh sách Phật giáo bằng tiếng Phạn, rồi xem cách chúng được dịch sang tiếng Tàu và tiếng Tây Tạng, cũng như nghiên cứu lịch sử phát triển ý tưởng, và cách mà điều này liên quan đến lịch sử tổng quát. Hình thức đào tạo này rất hữu ích đối với sự nghiệp của tôi.

Từ Harvard Đến Truyền Thống Sinh Động

Trong suốt thời gian này, tôi luôn quan tâm đến việc nếu như suy nghĩ theo cách này về tất cả những triết lý và tôn giáo của Châu Á mà tôi đã nghiên cứu, những hình thức khác nhau của Phật giáo và Ấn Độ giáo (Hiduism), Đạo giáo (Daoism) và Nho giáo (Confucianism), thì sẽ ra sao. Tuy nhiên, không có cơ hội thật sự để tiếp xúc với truyền thống sinh động; cứ như thể tôi đang nghiên cứu các tôn giáo của Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, tôi rất quan tâm đến điều đó.

Nhưng khi tôi bắt đầu học tiếng Tây Tạng vào năm 1967 thì Robert Thurman đã trở lại Harvard, và chúng tôi là bạn học. Thurman đã là một trong những đệ tử thân thiết của Geshe Wangyal, và đã sống với ngài một vài năm. Thậm chí, anh ấy còn là một nhà sư trong khoảng một năm, và đã đến Ấn Độ để tu học ở Dharamsala. Anh là người đã nói với tôi về Geshe Wangyal và cơ hội tu học ở Dharamsala, nơi có người Tây Tạng và Đức Dalai Lama. Tôi bắt đầu đến thăm Geshe Wangyal tại tu viện của ngài ở New Jersey, mỗi khi tôi về nhà lúc nghỉ phép, và bắt đầu lãnh hội Phật giáo như một truyền thống sinh động. Dù đã đến thăm Geshe Wangyal nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội sống và tu học với ngài. Tuy nhiên, ngài đã thật sự truyền cảm hứng để tôi đi Ấn Độ và tiếp tục việc học ở đó, nên tôi đã nộp đơn xin Học bổng Fulbright, để có thể thực hiện luận án nghiên cứu về người Tây Tạng ở Ấn Độ.

Tôi đến Ấn Độ vào năm 1969, lúc 24 tuổi, và đã gặp Đức Dalai Lama ở đó, và hoàn toàn đắm mình trong xã hội Tây Tạng. Tôi có cảm giác như thể cả đời mình cho đến lúc đó, giống như đang ở trên băng tải (conveyor belt), đưa đẩy tôi đến đó - từ một gia đình bình thường ở New Jersey, đến học bổng toàn phần tại Princeton và Harvard, và bây giờ đến Đức Dalai Lama và các vị thầy Tây Tạng vĩ đại chung quanh Ngài. Tôi thấy tất cả mọi thứ tôi đã nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng rất sống động, và đây là những người thật sự hiểu biết tất cả mọi điều có ý nghĩa gì trong giáo lý nhà Phật. Đây là cơ hội bằng vàng để học hỏi từ chư vị.

Học Nói Tiếng Tây Tạng Ở Dalhousie

Khi đến Ấn Độ thì tôi không biết nói tiếng Tây Tạng. Giáo sư của tôi tại Harvard, Professor Nagatomi, thật sự không biết làm cách nào để phát âm ngôn ngữ này. Ông là người Nhật, và chúng tôi đã học tiếng Tây Tạng theo ngữ pháp tiếng Nhật, bởi vì vào thời điểm đó, sách giáo khoa duy nhất đã giải thích ngữ pháp Tây Tạng so với tiếng La-tinh! Tiếng La-tinh và tiếng Tây Tạng không có gì giống nhau, trong khi ngữ pháp tiếng Nhật thì thật ra khá gần gũi với ngữ pháp tiếng Tây Tạng.

Tôi phải học nói tiếng Tạng, nhưng không có sách giáo khoa hay tài liệu nào cả. Nhờ vào mối quan hệ với Geshe Wangyal mà tôi đã có thể liên hệ với hai vị tulku trẻ (Lạt ma tái sinh), Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche, những người đã trú ngụ ở tu viện của Geshe la vài năm, và rất giỏi tiếng Anh. Hai ngài sống ở Dalhousie, nơi mà nhiều người tị nạn Tây Tạng đã định cư. Ở đó, các ngài đã có lòng tử tế, sắp xếp cho tôi sống với một nhà sư Tây Tạng, Sonam Norbu, trong một ngôi nhà nhỏ nằm bên sườn núi. Thầy Sonam không biết tiếng Anh, tôi thì không thể nói tiếng Tây Tạng, nhưng khi sống với nhau thì chúng tôi phải giao tiếp bằng cách nào đó. Ở đây, khóa đào tạo Phật học và những khóa đào tạo khác của tôi đã xảy ra. Tôi thấy mình giống như một nhà nhân chủng học ở Borneo hoặc Châu Phi, cố gắng hiểu một ngôn ngữ khác.

Tất cả các ngôn ngữ Á châu mà tôi nghiên cứu đã giúp ích rất nhiều, để tôi có thể nghe âm điệu trong tiếng Tây Tạng và tiến bộ chút ít. Khi muốn nói chuyện với thầy Sonam thì tôi sẽ viết điều gì đó (vì tôi biết cách viết tiếng Tây Tạng), và thầy sẽ chỉ cho tôi cách phát âm nó. Chúng tôi đã hợp tác với nhau như vậy, và tôi cũng có một vài lớp học ngôn ngữ với người khác. Cuối cùng, hai vị Rinpoche trẻ đã đề nghị tôi học với thầy của họ, Geshe Ngawang Dhargyey.

Học Lam-rim Trong Chuồng Bò

Tôi đã đến Ấn Độ để viết luận án, và mặc dù đã có kế hoạch nghiên cứu về chủ đề Mật tông rất rộng lớn của Guhyasamaja, nhưng Serkong Rinpoche, một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama, người mà tôi đã đến để xin lời khuyên, đã thuyết phục tôi rằng điều đó hoàn toàn vô lý, rằng tôi hoàn toàn chưa được chuẩn bị để làm việc nghiên cứu này. Trijang Rinpoche, Trợ Giáo Phụ của Đức Dalai Lama, đề nghị là thay vì vậy thì trước hết, tôi nên nghiên cứu lam-rim, trình tự đường tu giác ngộ. Vào thời điểm đó, không có tài liệu lam-rim nào được dịch ra ngoại ngữ, nên nó hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Vào thời đó, những cuốn sách duy nhất có sẵn về Phật giáo Tây Tạng là sách của Alexandra David-Neel, Evans-Wentz, Lama Govinda và một vài người khác. Tôi đã học truyền thống khẩu truyền của lam-rim với Geshe Ngawang Dhargyey, rồi dựa vào đó để làm luận án.

Ở Dalhousie, tôi sống rất thô sơ, trong nhà không có nước và không có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, Geshe Dhargyey còn sống thô sơ hơn nhiều, trong một nhà kho đã từng được sử dụng để nuôi bò, trước khi Geshe la đến đó. Nó chỉ vừa đủ chỗ để cái giường, và một chút khoảng trống ở trước giường, nơi mà ba vị Rinpoche trẻ, là đệ tử của Thầy, và tôi, ngồi trên sàn nhà bằng bùn, trong khi Thầy dạy học. Jhado Rinpoche đã học chung với Sharpa Rinpoche, Khamlung Rinpoche và tôi. Sau đó, ngài  đã trở thành Thầy Trụ Trì của Tu Viện Namgyal, là tu viện của Đức Dalai Lama. Chuồng bò này có đầy ruồi và đủ loại côn trùng khác, là nơi chúng tôi đã tu học.

Đây là một giai đoạn thật thú vị, bởi vì rất nhiều điều mới mẻ đang bắt đầu. Đức Dalai Lama đã quan tâm đến những gì chúng tôi đang làm, việc tu học của chúng tôi, rồi đã đưa một số bản văn ngắn, để chúng tôi dịch cho Ngài. Khi Đức Dalai Lama xây dựng Thư Viện Tác Phẩm Và Văn Khố Tây Tạng ở Dharamsala thì ngài đã yêu cầu Geshe Dhargyey làm thầy ở đó cho người Tây phương,  và Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche, những người đã giúp tôi, thì thông dịch cho Geshe la. Tôi có hỏi tôi có thể giúp được gì không, và Đức Dalai Lama đã nói, “Được, nhưng trước tiên hãy trở về Mỹ, nộp luận án, nhận bằng, rồi quay lại đây.”.

Hội Nhập Với Xã Hội Tây Tạng: Trở Thành Một Dịch Giả

Trong thời kỳ đầu ở Ấn Độ, tôi đã cố gắng hội nhập với xã hội Tây Tạng, bằng cách đảm nhận một vai trò truyền thống mà người Tây Tạng có thể liên hệ đến; do đó, tôi trở thành dịch giả. Tôi đã vô cùng thích thú khi bắt đầu việc tu tập Phật pháp, nên đầu năm 1970, tôi đã trở thành một Phật tử chính thức, và bắt đầu hành thiền. Kể từ đó, tôi tiếp tục thiền mỗi ngày.

Trong vai trò của một dịch giả, bạn không những cần có kỹ năng ngôn ngữ, mà còn cần sự hiểu biết rất sâu sắc về đạo Phật, nghĩa là hành thiền và hành trì giáo pháp trong đời sống thực tiễn. Không có cách nào để dịch các thuật ngữ kỹ thuật, bàn luận về các tâm trạng khác nhau hoặc kinh nghiệm khác nhau trong khi hành thiền, mà không tự mình thật sự trải nghiệm chúng. Các thuật ngữ thông dịch được sử dụng thì phần lớn là do các nhà truyền giáo chọn lựa, những người chủ yếu quan tâm đến việc dịch Kinh thánh sang tiếng Tây Tạng, và có rất ít liên hệ đối với ý nghĩa thật sự của từ ngữ trong đạo Phật. Vì vậy, từ lúc đầu, tôi đã kết hợp việc tu tập giáo pháp với việc nghiên cứu Phật học.

Tôi trở lại Harvard vào cuối năm 1971, và sau vài tháng, tôi đã nộp luận án và lấy bằng tiến sĩ vào mùa xuân năm 1972. Giáo sư của tôi đã sắp xếp một công việc giảng dạy rất tốt cho tôi tại một trường đại học danh tiếng khác, vì tôi luôn có ý định trở thành một giáo sư đại học, nhưng tôi đã từ chối. Tôi đã không muốn sống quãng đời còn lại với những người chỉ suy đoán đạo Phật có nghĩa là gì. Thay vì vậy, tôi muốn sống với những người biết chính xác ý nghĩa của nó, để nghiên cứu và học hỏi từ truyền thống chân chính, trong khi vẫn giữ quan điểm khách quan từ khóa nghiên cứu Phật học của mình. Tất nhiên là giáo sư của tôi nghĩ tôi bị điên, nhưng dù sao đi nữa thì tôi vẫn trở về Ấn Độ. Đời sống ở đó rất rẻ, nên việc sống ở đó là điều khả dĩ.

Đời Sống Mới Của Tôi Ở Ấn Độ

Tôi dọn về Dharamsala, và bắt đầu làm việc với Geshe Ngawang Dhargyey, Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche, những người đã làm việc tại Thư Viện. Tôi sống trong một cái chòi, thậm chí còn nhỏ hơn cái ở Dalhousie, vẫn không có nước hay nhà vệ sinh, và thậm chí cửa sổ độc nhất trong chòi còn không có kiếng nữa. Sonam Norbu, nhà sư Tây Tạng mà tôi đã từng sống chung, cũng đến đó để sống với tôi. Nói chung thì tôi sống ở Ấn Độ trong cái chòi rất đơn giản, đó là nhà của tôi trong 29 năm.

Trong thời gian đó, tôi đã giúp thành lập Văn Phòng Phiên Dịch tại Thư viện cho Đức Dalai Lama, và tiếp tục việc học. Tôi thấy bối cảnh Phật học của mình đã cung cấp công cụ để tôi nghiên cứu thêm giáo pháp. Tôi biết lịch sử và tựa đề của các bản văn, và đã có người dạy tôi nội dung thật sự, nên tôi có thể kết hợp mọi thứ một cách khá dễ dàng. Đức Dalai Lama khuyến khích tôi học hỏi cả bốn truyền thống Tây Tạng, mặc dù chủ yếu là tôi tu học với truyền thống Gelug, để có thể thấy được bức tranh rộng lớn hơn về toàn bộ phạm vi của Phật giáo Tây Tạng. Đó là thời gian rất thú vị, bởi vì vào thời đó, người ta không biết gì về toàn bộ những điều chứa đựng trong giáo pháp của Phật giáo Tây Tạng.

Luyện Trí Nhớ Và Tính Khiêm Tốn Với Serkong Rinpoche

Năm 1974, tôi bắt đầu học với một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama, Serkong Rinpoche, người mà tôi đã gặp lần đầu tiên vào năm 1969. Ngay từ lúc mới khởi sự tiếp xúc với tôi ở Dharamsala thì Rinpoche đã thấy rằng tôi có duyên để làm thông dịch viên cho ngài, và cuối cùng là cho Đức Dalai Lama, nên ngài đã huấn luyện tôi về việc này. Mặc dù tôi đã dịch sách, nhưng đây là việc đào tạo về cách dịch miệng và giảng dạy. Ngài cho tôi ngồi gần ngài, để xem cách ngài đối xử với những người khác nhau ra sao. Ngài cũng luyện trí nhớ của tôi, bất cứ khi nào tôi ở cạnh ngài, ngài sẽ bất ngờ dừng lại và nói, “Hãy lặp lại từng chữ một về điều ta vừa nói.”, hay “Hãy lập lại những gì con vừa nói, từng chữ một.”.

Tôi bắt đầu dịch cho Rinpoche vào năm sau, khi ngài đang dạy những người Tây phương khác. Ngài không bao giờ dạy bất cứ điều gì cho một mình tôi, mà tôi luôn luôn học hỏi qua việc thông dịch cho người khác, ngoại trừ Kalachakra (Thời Luân). Kalachakra thì ngài dạy riêng cho tôi; ngài thấy rằng tôi có một mối liên hệ sâu sắc nào đó. Tôi không bao giờ được phép ghi chép trong bất kỳ buổi thuyết pháp nào, mà luôn luôn phải ghi nhớ mọi điều và viết nó xuống sau đó. Sau một thời gian, thậm chí ngài còn không cho tôi ghi chú sau buổi học. Ngài sẽ cho tôi  việc khác để làm, rồi chỉ có thể ghi chép mọi thứ vào đêm khuya.

Giống như cách Geshe Wangyal đã làm với các đệ tử thân thiết của mình, Serkong Rinpoche luôn mắng tôi. Tôi nhớ một lần, khi đang thông dịch cho Rinpoche thì tôi hỏi về một chữ mà ngài vừa nói có nghĩa là gì mà tôi không hiểu. Ngài trách mắng tôi và nói, “Ta đã giải thích chữ đó cho con bảy năm trước. Tại sao con không nhớ? Ta nhớ mà!"

Cái tên mà Rinpoche yêu thích và đã đặt cho tôi là “thằng ngốc”, và ngài không bao giờ quên nêu ra điều đó, khi tôi hành động như một thằng ngốc, đặc biệt là trước mặt người khác. Đây là việc rèn luyện xuất sắc. Tôi nhớ một lần, khi tôi thông dịch cho Đức Dalai Lama, trước một đại chúng khoảng 10 000 người, và Đức Dalai Lama đã bảo tôi dừng lại, Ngài cười và nói rằng, “Anh ấy đã dịch sai.”. Nhờ đã quen được gọi là thằng ngốc trong khi tu học, nên tôi có thể tiếp tục thông dịch và không chỉ chui xuống dưới tấm thảm vì mất mặt. Việc thông dịch đòi hỏi sự chú tâm phi thường và một trí nhớ phi thường, nên tôi rất may mắn, khi không chỉ được rèn luyện về Phật học, mà còn về truyền thống Tây Tạng.

Tôi đã tu tập rất chăm chỉ với Serkong Rinpoche trong 9 năm. Tôi đã thông dịch cho ngài, giúp ngài với những lá thơ và những chuyến đi của ngài, và trong suốt thời gian đó, ngài chỉ nói “cảm ơn” với tôi hai lần. Điều này cũng rất hữu ích đối với tôi, bởi vì như ngài đã từng nói, tôi mong đợi điều gì chứ? Rằng tôi sẽ nhận được một cái vỗ nhẹ vào đầu, rồi thì giống như một con chó, tôi sẽ vẫy đuôi? Động lực của một người đối với việc thông dịch phải là mang lại lợi ích cho người khác, không được khen ngợi với một lời “cảm ơn”. Đương nhiên, tất cả những việc hành thiền và hành trì Phật pháp của tôi là điều vô cùng cần thiết, để có thể trải qua quá trình rèn luyện truyền thống này, mà không bao giờ tức giận hay bỏ cuộc.

Giúp Cho Việc Xây Dựng Cầu Nối Giữa Các Nền Văn Hóa

Serkong Rinpoche đã viên tịch vào năm 1983. Sau đó, tôi bắt đầu nhận được những lời mời đi vòng quanh thế giới để thuyết giảng, bởi vì tôi đã đến thăm nhiều nơi trong số những nơi này, với tư cách là thông dịch viên của Rinpoche. Vào lúc đó, đôi khi, tôi đã thông dịch cho Đức Dalai Lama. Nhưng việc phiên dịch không chỉ là về lời nói, mà còn là việc giải thích và thông dịch ý tưởng. Trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Dalai Lama và các nhà tâm lý học, khoa học gia và lãnh đạo tôn giáo Tây phương thì nhiệm vụ cơ bản của tôi là giải thích ý tưởng của họ, chứ không phải lời nói của họ (vì hầu hết các từ ngữ của họ không có trong tiếng Tây Tạng), và tạo ra một cầu nối về văn hóa. Và đó chính xác là điều mà tôi luôn quan tâm, từ khi còn rất nhỏ, làm thế nào để bắt cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau về lãnh vực giáo pháp. Để tạo ra một cây cầu như vậy, bạn cần phải biết rõ cả hai nền văn hóa, để biết mọi người nghĩ như thế nào, và cuộc sống của họ ra sao. Nên tôi đã có một đặc ân lớn và rất hiếm hoi, được sống với người Tây Tạng rất lâu, có được sự quen thuộc sâu sắc về cách họ suy nghĩ, cách họ sống và vân vân. Điều này hoàn toàn cần thiết  trong việc trao truyền Phật pháp.

Tôi đã khởi xướng và cũng được yêu cầu thực hiện nhiều dự án quốc tế cho Đức Dalai Lama. Một trong những điểm chính là cố gắng mở rộng thế giới cho Đức Dalai Lama và người Tây Tạng. Người Tây Tạng không có hộ chiếu, chỉ có giấy tị nạn, nên không thể được thị thực để đến bất kỳ quốc gia nào, trừ khi được thỉnh mời. Nhưng họ chỉ có liên lạc với một vài nơi. Bây giờ thì bằng tiến sĩ Harvard của tôi rất hữu ích, bởi vì tôi có thể được mời đến khắp nơi trên thế giới để nói chuyện như một người khách tại các trường đại học. Nhờ vậy mà tôi đã thiết lập các liên hệ giúp cho người Tây Tạng trong tương lai, và cuối cùng thì Đức Dalai Lama được mời ra nước ngoài, và mở văn phòng ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Năm 1985, tôi bắt đầu đi đến tất cả các quốc gia cộng sản cũ, hầu như tất cả các nước Châu Mỹ La-tinh, và một phần lớn của Châu Phi. Sau đó, tôi bắt đầu đến Trung Đông để mở một cuộc đối thoại giữa Phật tử và người Hồi giáo.

Qua tất cả những việc này, tôi đã tập trung vào việc viết báo cáo để gởi cho Đức Dalai Lama, để Ngài biết một chút về văn hóa và lịch sử của mỗi quốc gia mà tôi đã viếng thăm. Một lần nữa, việc xuất thân từ Harvard đã cho phép tôi gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của các quốc gia này, và tìm hiểu thêm về tôn giáo của họ từ chính họ, để khi Đức Dalai Lama viếng thăm các quốc gia này thì Ngài sẽ hiểu rõ đức tin của họ là gì. Tất cả các khóa đào tạo Phật học và khoa học mà tôi đã trải qua, đã giúp tôi thấy điều gì là quan trọng, sắp xếp nó và trình bày nó một cách hữu ích.

Tôi đã tham gia rất nhiều dự án. Một trong những điều thú vị nhất là một dự án sử dụng thuốc Tây Tạng để giúp các nạn nhân của Chernobyl, do Bộ Y tế Liên Xô tổ chức. Mặc dù y học Tây Tạng tỏ ra vô cùng hiệu quả, nhưng khi Liên Xô tan rã thì Nga, Belarus và Ukraine đã từ chối hợp tác trong dự án này, và nhất định là chúng tôi phải đề ra ba dự án hoàn toàn riêng biệt, đó là điều không thể thực hiện, về mặt vật chất và tài chánh. Đáng buồn thay, thế là dự án phải kết thúc.

Một dự án thú vị khác là việc tổ chức dịch thuật và xuất bản sách của Bakula Rinpoche sang tiếng Mông Cổ hiện đại, để giúp cho sự hồi sinh của đạo Phật ở đó. Bakula Rinpoche là đại sứ Ấn Độ tại Mông Cổ vào thời điểm đó.

Trở Về Phương Tây

Nói chung, có lẽ tôi đã du lịch và giảng dạy ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Qua tất cả những việc này, tôi đã duy trì việc hành thiền hàng ngày, là điều rất hữu ích để giúp tôi tiếp tục làm việc. Thời gian trôi qua, tôi tiếp tục được mời đến nhiều nơi để giảng dạy và thuyết trình. Các chuyến đi diễn thuyết ngày càng dài hơn; chuyến dài nhất là mười lăm tháng , hai hoặc ba thành phố khác nhau mỗi tuần, đi khắp mọi nơi. Với tất cả các chuyến đi này, chính việc hành thiền của đạo Phật đã mang lại cho tôi sự ổn định, để thực hiện tất cả những điều này, đặc biệt là khi tôi luôn du lịch một mình.

Trong những năm đó, tôi đã viết một vài cuốn sách, và vào một thời điểm nhất định, tôi thấy việc đặt trụ sở ở Ấn Độ không phải là chuyện dễ dàng để làm việc với nhà xuất bản của tôi, Snow Lion. Ngoài ra, tôi muốn đi theo chiều hướng Internet, và điều này quá khó thực hiện ở Ấn Độ. Vì vậy, năm 1998, tôi đã dọn nhà từ Ấn Độ sang phương Tây. Sau một năm sống thử ở nhiều nơi mà người ta đã mời tôi đến, tôi quyết định định cư ở Berlin, nước Đức. Tôi đã biết tiếng Đức, nên không có vấn đề gì, và ở đó, tôi được độc lập nhiều nhất. Điều này rất quan trọng đối với tôi, vì tôi không muốn gắn bó với bất kỳ tổ chức nào. Berlin cũng là một địa điểm thuận tiện để tiếp tục di chuyển dễ dàng đến các quốc gia Đông Âu, Nga và các nước cộng hòa Liên Xô cũ, nơi tôi thường xuyên giảng dạy, và cảm thấy có mối liên hệ gần gũi đặc biệt.

Tôi đến phương Tây với hơn 30 000 trang bản thảo chưa xuất bản, một số sách mà tôi chưa viết xong, ghi chú cho những cuốn sách này, bản dịch cho các bản văn mà tôi đã nghiên cứu, bản sao của một số bài diễn thuyết của tôi và bài thuyết pháp của các vị thầy của tôi mà tôi đã dịch. Ngoài ra, còn có hàng đống ghi chú tôi đã ghi chép từ những bài thuyết pháp của Đức Dalai Lama, ba vị thầy chánh của Ngài và Geshe Dhargyey. Tôi rất lo lắng rằng tất cả những thứ này cuối cùng sẽ không bị ném vào thùng rác khi tôi qua đời.

Berzin Achives

Tôi đã ở trong một vị thế được đặc quyền không thể tưởng tượng, và khá độc đáo, để tu học rất lâu với vị Lạt ma vĩ đại nhất trong các Lạt ma vĩ đại của thế hệ trước. Những gì tôi đã học và ghi lại thì quá quý giá, và thật sự cần được chia sẻ với thế giới. Mặc dù sách vở thì có thể rất tốt để cầm trên tay và trông rất đẹp, nhưng không tiếp cận được một số độc giả lớn, trừ khi bạn viết một cuốn sách bán chạy nhất, mà không có cuốn sách nào của tôi được như vậy. Nói chung là sách ấn tống thì mắc tiền; sách mua thì mắc tiền; mất rất nhiều thời gian để ấn tống sách, và bạn không thể sửa chúng cho đến khi ấn tống phiên bản sau. Mặc dù là một người rất hâm mộ việc nghiên cứu lịch sử, tôi cũng là một người rất hâm mộ việc nhìn vào tương lai, và tương lai là Internet. Trên thực tế, hiện tại cũng là Internet. Với ý nghĩ đó, tôi quyết định đem tất cả công việc của mình lên một trang mạng, nên đã bắt đầu berzinarchives.com vào tháng 11 năm 2001.

Nguyên tắc chính mà tôi luôn luôn tuân theo là mọi thông tin trên trang mạng nên được cung cấp miễn phí, không có quảng cáo và không bán bất cứ thứ gì. Các tài liệu trên trang mạng bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của Phật giáo Tây Tạng, bao gồm bốn truyền thống Tây Tạng, mặc dù chủ yếu là truyền thống Gelug. Ngoài ra, còn có rất nhiều tài liệu so sánh, tài liệu về y học Tây Tạng, chiêm tinh, lịch sử Phật giáo, lịch sử châu Á, lịch sử Tây Tạng và rất nhiều tài liệu nói về mối quan hệ giữa Phật giáo và Hồi giáo. Tôi cũng là một người rất tin tưởng vào việc có những tài liệu được phiên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác.

Tôi cảm thấy công việc đối với trang mạng Hồi giáo thì rất, rất là quan trọng, và Đức Dalai Lama đang hỗ trợ điều này rất mạnh mẽ. Từ những chuyến đi của tôi trong thế giới Hồi giáo, và giảng dạy tại các trường đại học ở đó, tôi thấy rõ là mọi người đang khát khao kiến thức về thế giới. Điều quan trọng đối với sự hòa hợp toàn cầu không loại trừ những người này, mà là cung ứng cho họ, kể cả giáo pháp Tây Tạng, nhưng không có một sự gợi ý nào về việc cố gắng cải đạo để họ theo  đạo Phật.

Kết Thúc

Vào năm 2015, trang mạng Berzin Archives đã có 21 ngôn ngữ, và có khoảng hai triệu lần truy cập mỗi năm. Đây là kết quả của công lao khó nhọc của hơn 100 nhân viên được trả lương và tình nguyện viên. Trong những năm gần đây, Đức Dalai Lama đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự cần thiết của đạo Phật trong thế kỷ 21. Với nguồn cảm hứng xuất phát từ việc này, tôi đã quyết định tuyển dụng một số người trẻ trong đầu thế kỷ 21, có thể giúp tôi thiết kế lại trang mạng, để tiếp cận số độc giả rộng lớn hơn trong tương lai. Điều này đã sản sinh ra studybuddhism.com.

Trang mạng mới có thiết kế hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của độc giả, nên nó hiển thị tốt trên máy vi tính để trên bàn, và tất cả các máy cầm tay. Dựa trên việc thử nghiệm người dùng và phân tích kết quả, chúng tôi đã tạo ra một trang mạng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Chúng tôi cũng đã mở rộng sự hiện diện của mình trên phương tiện truyền thông xã hội rất nhiều, và bổ sung thêm nội dung hình ảnh và âm thanh phong phú. Mục đích là để tạo ra một trung tâm cho những người quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng, bằng cách cung cấp kiến thức dễ tiếp cận, dễ lãnh hội, từ mức độ sơ khởi đến mức độ cao cấp. Chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng người dùng có thể cùng nhau học hỏi và cung cấp một nền tảng mở rộng cho những giáo pháp tốt đẹp nhất hiện có.

Ở thời điểm này, chúng tôi đang bắt đầu với một số ít ngôn ngữ và số lượng hạn chế về nội dung đã đăng tải trước đó. Nhiều bài viết mới đã được bổ sung, đặc biệt hướng về những người mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật. Trang mạng cũ sẽ tiếp tục được tiếp cận qua trang mạng mới, cho đến khi chúng tôi hoàn tất việc thuyên chuyển toàn bộ tài liệu trong trang mạng cũ sang phiên bản cập nhật.

Tóm Tắt Kết Thúc

Vậy thì đây là một phần nhỏ về câu chuyện của tôi. Trải qua tất cả những điều này, tôi đã duy trì việc thực hành Phật pháp rất mạnh mẽ. Ví dụ, trong hầu hết những năm qua, tôi đã hành thiền khoảng hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tôi cũng đã thực hiện nhiều khóa nhập thất dài. Ngày nay, tôi đã rút ngắn thời gian hành thiền, nhưng chắc chắn tôi vẫn hành thiền ít nhất 30 phút mỗi ngày. Và những khía cạnh mà tôi luôn chú trọng đến thì nhấn mạnh nhiều về giáo pháp về lòng bi mẫn, động lực đúng đắn, khắc phục tính tự cao tự đại, v.v... Với nguồn cảm hứng từ các vị thầy của tôi, khởi đầu với Geshe Wangyal, người đã dẫn dắt tôi đến Đức Dalai Lama, và từ đó, đến các vị thầy của Đức Dalai Lama, tôi đã có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa, mà tôi hy vọng là có ích và tạo lợi lạc cho tha nhân, kết hợp việc hành trì Phật pháp và Phật học, với cả hai mặt kinh nghiệm và khách quan của đạo Phật. Có lẽ câu chuyện của tôi có thể truyền cảm hứng cho một số bạn, để họ cũng sẽ làm như vậy.

Top