Lời Khuyên về Cách Khắc Phục Tâm Ái Ngã

Quý vị đặt ra các quy tắc, luật lệ và thể chế cho riêng mình. Nếu người khác phá luật của mình thì quý vị sẽ bắt bớ và trừng phạt họ, nhưng nếu chính bản thân mình vi phạm chúng thì quý vị lại bỏ qua. Geshe Sharmawa có nói, “Chừng nào quý vị không nhận thấy sự yếu kém của riêng mình và tự ngã là kẻ thù của mình, thì quý vị sẽ không đón nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào.” Nếu quý vị xem cảm giác của mình là quan trọng nhất thì không ai có thể đến với quý vị. Kể cả các vị lama đắc đạo cũng không thể giúp người bị ám ảnh vì bản thân, bởi vì lời khuyên của các ngài sẽ xung khắc với tâm ái ngã của quý vị. Để tiếp nhận sự hướng dẫn của các vị thầy trên đường tu, trước tiên, quý vị phải nhận ra sự sai lầm của tâm ái ngã. Với tâm ái ngã, quý vị có tất cả lý do để làm những điều xấu. Vì vậy, quý vị phải cân nhắc lý do cho những hành động của mình. Không những các vị thầy không thể giúp đỡ, mà ngay cả bạn bè thông thường cũng không thể giúp quý vị, bởi vì quý vị sẽ không cởi mở đối với lời khuyên của họ.

Chúng ta phải thừa nhận rằng mình đều có lỗi lầm của tâm ái ngã – chỉ Đức Phật là không có. Chúng ta nên nhận ra lỗi lầm này trong bản thân mình và cố loại trừ nó. Ít nhất, nếu ta nhận ra mình có tâm ái ngã thì đó là một tiến triển lớn. Khi nghe lời phê bình, quý vị nên luôn luôn hiểu rằng mình đã tạo ra nó bằng tâm ái ngã của bản thân. Nếu không hiểu điều này, quý vị sẽ tức giận. Nếu bị gai đâm và quý vị giận dữ, đánh lại nó thì ai sẽ là người thua cuộc? Nếu không thể chịu đựng những lời phê bình nhỏ nhặt và cảm giác khó chịu trong hiện tại thì làm sao quý vị có thể chịu đựng nỗi khổ của những tái sinh trong cảnh giới thấp hơn?

Geshe Chenngawa nói rằng chúng ta phải phát triển tâm kham nhẫn tương tự như mục tiêu. Khi nghe lời phê bình, ta sẽ cảm thấy mình đã đưa ra một mục tiêu. Nếu không có mục tiêu ngay từ ban đầu thì sẽ không có mũi tên nào được bắn ra. Có một câu nói rằng “Bạn tự đưa cổ vào thòng lọng.” Nếu quý vị bị phê bình, dù chẳng làm gì sai cả, đó là vì trong những kiếp trước, quý vị đã coi thường người khác. Ví dụ như có một lần, có một vị đệ tử của Đức Phật đã trở thành một A la hán, thoát khỏi các phiền não liên quan đến ba loại giới nguyện, nhưng một số người nói rằng vị A la hán này đã phá giới, và họ lần lượt làm chứng giả để chống lại vị này. Đức Phật buồn phiền và nói rằng không thể nào một vị A la hán lại có thể phá giới. Hơn nữa, ngài sẽ không xem bất kỳ người nào là Phật tử, nếu họ vu cáo một đệ tử có chứng ngộ cao đã phá giới. Thay vì vậy, ngài sẽ xem những người này như một mối đe dọa đối với Phật giáo. Những người khác hỏi tại sao vị A la hán này lại bị vu cáo. Đức Phật trả lời là trong kiếp trước, vị A la hán này đã từng là một người hay đàm tiếu và vu khống người khác, khiến cho nhà vua lưu đày hoàng hậu. Giờ đây, điều này là quả báo.

Phê bình, đàm tiếu và đổ tội cho người khác là những hành vi mang tính phá hoại, bởi vì chúng không những không giúp ích cho sự tu hành của quý vị, mà còn làm tổn thương người khác và gây ra sự hiểu lầm. Người ta nói rằng chỉ có hai bậc giác ngộ mới có thể xét đoán lẫn nhau. Chúng ta sẽ tích lũy nghiệp xấu, dù là lời phê bình đúng hay sai, hay trong trường hợp chỉ trích một vị Bồ tát làm điều gì kỳ lạ, nhưng có lý do chính đáng, thì kết cục cũng vẫn sẽ tiêu cực.

Những người có thói quen lúc nào cũng chê bai người khác thì có tâm ái ngã sâu sắc. Người ta tin rằng mặc dù một số nhà sư có thể nghe rất nhiều giáo lý, nhưng họ không áp dụng chúng vào việc tu tập, vì tâm ái ngã trong những kiếp trước. Làm hại kẻ thù của mình cũng là một kết quả của tâm ái ngã.

Một lần, trong thời của Đức Phật, một nhà sư đang nhuộm y và một con khỉ bị mất tích trong lúc đó. Khi nhà sư này lấy chiếc y ra khỏi nồi nước nhuộm, nó có vẻ như đã biến thành nồi thịt khỉ. Mọi người đổ tội vị sư này đã đánh cắp con khỉ và làm thịt nó. Nhà sư này bị giải ra tòa và bị trừng phạt. Một thời gian sau, con khỉ này xuất hiện trở lại và vị sư này được chứng minh vô tội. Vị sư hỏi Đức Phật tại sao điều này xảy ra. Đức Phật trả lời đó là vì trong một kiếp trước, nhà sư này đã đổ tội cho một vị sư khác đánh cắp một con khỉ.

Chúng ta rất quan tâm đến việc có được hạnh phúc và sự thoải mái, siêng năng làm việc chăm chỉ để tích lũy tiền bạc, nên chúng ta biến mình thành mục tiêu của những tên trộm. Có một câu chuyện về một người đã bỏ tất cả các đồng xu của anh ta vào một cái túi và buộc lên trần nhà, bởi vì người này rất lo lắng về việc mất của. Một ngày nọ, túi tiền rơi xuống đầu người này và làm anh ta bị thương. Câu chuyện này ý muốn nói rằng tâm ái ngã cản trở hạnh phúc trước mắt và lâu dài của chúng ta. Vì đã có tâm ái ngã trong tất cả những kiếp trước, nên ta không thể tiêu diệt nó ngay lập tức, dù có thể nhận ra đây là vấn đề lớn nhất của mình.

Vì vậy, chúng ta nên cố gắng không phản ứng đối với bất kỳ lời phê bình nào, khi hiểu rằng nó gồm có lỗi lầm của người khác và tâm ái ngã của riêng ta. Nhận thức đầy đủ về tâm ái ngã là điều ích lợi cho việc phát triển lòng kiên nhẫn. Ta nói rằng “lửa thì nóng” là điều tự nhiên. Chẳng có gì lạ về việc này. Tương tự như vậy, nếu một người lên tiếng chỉ trích và quý vị có thể hiểu được sự phê phán của họ bắt nguồn từ tâm ái ngã của cả hai bên thì đó cũng là điều tự nhiên. Hiểu biết như vậy sẽ không tạo ra sự giận dữ hay điên rồ, bởi vì không cần thiết để chứng minh người kia sai hay hoàn toàn có lỗi. Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh có nói, “Tâm ái ngã phá hoại bản thân và tha nhân, tiêu hủy đức hạnh.” Bất kỳ điều gì chúng ta thực hiện như hành vi của tâm ái ngã, đều sẽ mở đường cho mình đi vào các cảnh giới thấp hơn, hay địa ngục. Chư Phật và Bồ tát khinh miệt tâm ái ngã, vì nó tạo ra nhiều sự phiền phức, và người ta bị tái sinh trong các cõi thấp hơn, không có tự do.

Tâm ái ngã làm phí phạm tất cả những nỗ lực mà trước đây, ta đã tạo ra, và làm trì trệ bước tiến của mình. Nó nên được xem là một chất độc, tước đoạt bản chất của đời sống. Hãy luôn nỗ lực tiêu diệt tâm ái ngã này. Dù tu tập pháp tu nào, ta cũng nên hành trì nó để loại trừ tâm ái ngã. Một Kadampa Geshe nói bất cứ khi nào đọc một bản văn, ông đều xem tất cả những phẩm chất xấu được mô tả trong đó là của mình, và tất cả các phẩm chất tốt thuộc về người khác. Vì vậy, ông đã đấu tranh với tâm ái ngã. Một người không thể có phẩm chất của tâm bồ đề mà không giảm thiểu tâm ái ngã. Khi bồ đề tâm và tâm bi mẫn, các yếu tố đối nghịch với tâm ái ngã, trở nên mạnh mẽ hơn, tâm bi sẽ vượt trội lên và thiết lập một cây như ý (wish-fulfilling tree) trong chúng ta. Nếu quý vị thực hành tâm bi, tác động tích cực của nó sẽ lớn mạnh hơn tác động tiêu cực của tâm ái ngã đã có mặt từ vô thủy.

Geshe Potowa nói rằng, “Trong một khu vực của Penpo, không ai hạnh phúc hơn Geshe Khamlungpa, và ở một nơi khác, điều này cũng đúng đối với Geshe Channgawa. Đó là vì các ngài đã loại bỏ tâm ái ngã.” Geshe Channgawa rất nghèo, nên ông ít khi có thức ăn, và chỉ có một chiếc váy da chắp vá để mặc, nhưng ông vẫn cảm thấy giàu có và nói rằng, “Bây giờ, tôi có thể bảo trợ cho cả vũ trụ.” Tâm ái ngã phát sinh từ sự bám chấp vào sự hiện hữu thật sự, và là cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của bồ đề tâm. Một bản văn nói rằng, “Viên ngọc như ý là có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Vì không bao giờ nhận ra điều này, chúng ta đã đi lạc hướng. Thay vì hận thù tâm ái ngã và chấp ngã, chúng ta lại thù hận chúng sinh như kẻ thù, và xem kẻ thù thực sự như là bạn của mình.” Một bản văn khác lại nói, “Ma quỷ lớn nhất không phải ở bên ngoài, mà là ở bên trong ngôi nhà bị ma ám của cơ thể, dưới dạng tâm ái ngã.”

Với bồ đề tâm, chúng ta có thể tiêu diệt tâm ái ngã. Vì tâm ái ngã mà chúng ta trở thành người bị quỷ dữ ám hại, khiến ta chống lại lời phê bình và lợi dụng, trở thành người đồi bại. Với mục tiêu thoả mãn tham vọng riêng tư, chúng ta hành động với tâm ái ngã, xem việc làm bản thân hài lòng là mối quan tâm lớn và dự án chính của mình.

Một người đôi khi không thể tránh làm trái ý người khác, nhưng với tâm ái ngã, việc ta coi thường và làm hại người khác trở thành hoạt động chính, nhằm thỏa mãn bản thân. Tâm ái ngã tạo ra nhiều kiêu hãnh và ghen tỵ. Nếu ai đó đạt được điều gì, mặc dù có thể nói, “Chúc mừng,” nhưng quý vị cảm thấy ghen tỵ vì mình không có nó. Nếu không có tâm ái ngã thì thay vì ghen tỵ, quý vị sẽ tích lũy thiện nghiệp bằng tâm tùy hỷ, khi thấy người khác thành tựu điều gì. Tâm ái ngã là lý do tạo ra sự bất hòa trong cuộc sống. Nếu có tâm ái ngã mạnh mẽ, quý vị sẽ rất đề phòng thủ thế, tạo ra xung đột với người khác, ít kiên nhẫn và cảm thấy tất cả những gì người khác làm đều phiền toái, làm quý vị căng thẳng. Vì sự đề phòng thủ thế mà có nhiều sự chia rẽ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Một vị Kadam Geshe khác đã từng là một tên trộm cho đến khi ông bốn mươi tuổi. Dù có rất nhiều đất đai để canh tác, ông vẫn trở thành một tên cướp. Ban ngày, ông cướp giựt người qua đường, đêm đến, ông đột nhập vào các hộ dân. Một ngày nọ, ông thay đổi cách sống, bước vào con đường tâm linh và tiêu diệt tâm ái ngã. Ông nói, “Trước kia, tôi không thể tìm thấy thức ăn, nhưng bây giờ, tôi có rất nhiều thức cúng dường, đến nỗi thức ăn không thể tìm ra miệng của tôi.”

Đối với việc phát triển bồ đề tâm, tất cả những điều này đều hữu ích để ta suy ngẫm. Tự nhốt mình trong hang động với tâm ái ngã to như núi Tu Di là điều vô dụng, nhưng nếu quý vị có thể giảm thiểu tâm ái ngã thì sống nơi cô tịch có thể là điều rất lợi lạc.

Top