Bồ Đề Tâm Như Bối Cảnh Của Lục Độ Ba La Mật Bồ Đề Tâm Quy Ước Và Tối Hậu

Bồ đề tâm có hai khía cạnh: bồ đề tâm quy ước hay tương đối, và bồ đề tâm tối hậu. Cả hai bồ đề tâm đều nhắm vào giác ngộ trong tương lai, chưa xảy ra của mình, nhưng dựa vào cơ sở của Phật tánh, cộng với rất nhiều nỗ lực và công phu tu tập, thì chắc chắn ta có thể thành tựu giác ngộ. Bởi vì mình tin chắc là có thể đạt được điều này, và có khái niệm chính xác nó là gì, thì với bồ đề tâm quy ước mà mình nhắm vào, ta sẽ xem xét giác ngộ trong tương lai là gì - nó sẽ là gì, phẩm chất của nó, v.v... - với hai chủ ý: chủ ý thành tựu giác ngộ, nhờ các phương pháp thực tiễn, sẽ đưa mình đến mục tiêu; và làm lợi lạc tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt, bằng cách thành tựu giác ngộ. Chúng ta hoàn toàn hiểu rằng mình sẽ không trở thành một vị Trời toàn năng, chỉ cần búng tay một cái, hay thậm chí không cần phải búng tay, là vấn đề của tất cả chúng sinh sẽ biến mất. Điều đó không thể xảy ra, nhưng ta có thể giảng dạy người khác bằng chỉ giáo thực tế, bằng tấm gương của mình, cách thành tựu giác ngộ. Rồi việc họ có làm điều đó hay không là tùy theo họ.

Nói một cách cụ thể hơn, thì bồ đề tâm quy ước nhắm vào tâm chưa giác ngộ của tự thân – trí Pháp thân. Bồ đề tâm tối hậu nhắm vào Không tướng (tánh Không) và những sự chân diệt của giác ngộ chưa xảy ra của chúng ta - Tự Tánh Thân (Svabhavakaya).

Những Tâm Trạng Đi Kèm Với Bồ Đề Tâm

Bồ đề tâm quy ước đi kèm với nhiều tâm trạng khác sinh khởi đồng thời với nó, là một phần động lực của mình, nhắm vào thành tựu giác ngộ. Những tâm trạng khác này trước hết tập trung vào tất cả hữu tình - có nghĩa là tất cả chúng sinh (hay chúng sinh với thân tâm hạn hẹp) một cách bình đẳng, nên chúng ta đang nói về mọi loài côn trùng, tất cả mọi người - với lòng từ, mong cho họ có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc, và lòng bi, ước muốn cho họ thoát khổ và nhân tạo khổ. Vậy thì lòng từ nhắm vào hạnh phúc và phúc lợi của những chúng sinh này, và đó là ước muốn cho nó tăng lên và phát triển, và lòng bi nhắm vào nỗi khổ của họ; đó là ước nguyện để họ thoát khổ. Sau đó, những tâm trạng từ bi này sẽ đi kèm với sự chú trọng vào tâm giác ngộ chưa xảy ra của mình.

Phải hiểu rõ rằng những tâm trạng này đang tập trung vào điều gì, và cách chúng đang tập trung vào điều đó như thế nào, để có thể phát khởi chúng. Nếu không, thì ta sẽ không biết mình phải làm gì với trí óc và cảm xúc của mình, trong khi thiền quán về lòng từ hay lòng bi, hoặc bồ đề tâm. Như Đức Dalai Lama giải thích thì lòng bi mẫn không chỉ mong muốn cho khó khăn của họ sẽ biến mất, mà không có ý niệm hay vững tin rằng họ thật sự có thể đoạn diệt chúng; dựa trên sự hiểu biết rằng họ có thể đoạn trừ chúng. Nếu không có sự hiểu biết này, thì đó là mong muốn vô nghĩa. Nó cũng đi kèm với sự hiểu biết về cách họ có thể đoạn trừ khó khăn của họ. Không phải là một vị cứu tinh nào đó, một vị cứu tinh toàn năng nào sẽ cứu rỗi họ, mà là mình có đủ can đảm để giúp họ vượt qua những khó khăn này. Với những cảm xúc này, những cảm giác này, những cảm giác tích cực này, thì có sự hiểu biết, luôn luôn có sự lãnh hội. 

Cũng có một tâm trạng hay cảm xúc khác đi kèm với bồ đề tâm, hay bạn muốn gọi nó như thế nào cũng được, đó là quyết tâm phi thường (lhag-bsam, Phạn ngữ: adhyashaya). Khi chú ý vào tất cả chúng sinh và hoàn cảnh của họ một cách bình đẳng, thì đây là quyết tâm phi thường mà Đức Dalai Lama đôi khi đề cập đến như trách nhiệm phổ quát, không chỉ là lòng can đảm để cố gắng giúp đỡ họ, mà còn là quyết tâm rằng: “Tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp họ, làm lợi lạc cho họ. Tôi sẽ gánh lấy trách nhiệm, ý thức trách nhiệm, để thực hiện việc này, làm điều gì về vấn đề này.”.

Vậy thì đó là lòng từ, lòng bi, trách nhiệm phổ quát, bồ đề tâm. Đây là tất cả những tâm trạng khá riêng lẻ, mặc dù tất nhiên là chúng đi cùng với nhau, nhưng điều quan trọng là đừng lẫn lộn về chúng, mà phải có khái niệm rõ ràng về mỗi một tâm trạng này - chúng là gì, chúng đang chú trọng vào điều gì, cách chúng chú trọng vào đối tượng - để tâm mình không thiếu yếu tố nào, và có chúng một cách đúng đắn.

Chú Thích Về Bồ Đề Tâm Đỏ Và Trắng

Tôi nên đề cập là đôi khi người ta bắt gặp điều này trong Mật tông, và nó khá khó hiểu, rằng trong bộ Mật điển cao nhất, thì chúng ta nói về bồ đề tâm trắng và đỏ. Đây là những hiện tượng vật chất, hiện tượng thể chất rất vi tế. Đây không phải là trạng thái của tâm thức. Đây là những điều rất vi tế… khó mà tìm được một chữ hay, nhưng hãy gọi chúng là những tia sáng của năng lượng sáng tạo, mà mỗi người trong chúng ta đều có. Trong bộ Mật điển cao nhất, trong những giai đoạn rất cao cấp, một khi đã có khả năng làm được điều này - điều cực kỳ khó khăn để đạt được, khả năng này - thì ta có thể di chuyển những năng lượng sáng tạo rất vi tế này trong cơ thể, và hòa tan chúng vào luân xa tim, để có thể thành tựu hay tiếp cận mức độ vi tế nhất của tâm. Nó được gọi là tâm thanh quang ('od-gsal), rồi sử dụng nó để chú trọng vào tánh Không, và thành tựu giác ngộ, bởi vì đó là mức độ hiệu quả nhất của tâm thức.

Đây là những chất liệu và phương pháp mà mình sẽ tu tập, bồ đề tâm trắng và đỏ, để thành tựu bồ đề tâm tối hậu, tâm thanh quang này, chú trọng vào tánh Không. Thường thì trong đạo Phật, người ta nói tên của kết quả được đặt cho nguyên nhân, nên kết quả - đó là bồ đề tâm, bồ đề tâm tối hậu – cái tên này được đặt cho nó, như cái tên khác cho hai loại năng lượng vi tế sáng tạo này trong cơ thể. Bồ đề tâm trắng và đỏ là như vậy - đó là lý do tại sao chúng được gọi là bồ đề tâm.

Để các bạn không nhầm lẫn, vì tôi biết điều này có thể tạo ra sự nhầm lẫn tệ hại, khi thấy những cái tên này. Ở mức độ tu tập của chúng ta, thì đây là điều hoàn toàn không liên quan đến mình, vì nó rất cao cấp. Ngoài ra, để người ta không bị nhầm lẫn, thì cả nam và nữ đều có bồ đề tâm trắng và đỏ. Vì vậy, dù có những mức độ thô lậu khác nhau, nhưng không nên liên kết chúng với những đại diện thô lậu nhất về chúng, và nghĩ rằng chỉ có nam giới mới có màu trắng, và chỉ có phụ nữ mới có màu đỏ, vì điều này không đúng.

Bồ Đề Tâm Nguyện Và Tâm Hành

Trong bồ đề tâm quy ước thì có giai đoạn tâm nguyện (smon-sems, bồ đề tâm nguyện), mà mình khát khao hay mong muốn thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, rồi đến giai đoạn tâm hành ('jug-sems), khi mà mình thật sự dấn thân vào hành động, sẽ đưa ta đến mục tiêu này. Vậy thì trước tiên, phải phát triển tâm nguyện, rồi đến tâm hành.

Tâm hành có hai giai đoạn, trước tiên là chỉ phát bồ đề tâm nguyện (smon-sems smon-pa-tsam), khi chỉ ước nguyện thành tựu giác ngộ, rồi đến bồ đề tâm nguyện cam kết (smon-sems dam-bca'-can), khi mà mình rất kiên quyết, và quyết định không bao giờ buông bỏ điều này. Khi đạt được trạng thái bồ đề tâm hành của bồ đề tâm tương đối, thì đó là giai đoạn đòi hỏi việc thọ bồ tát giới, như một phần của việc này. Chúng đi đôi với nhau. Không phải là bạn có thể phát bồ đề tâm hành  mà không cần thọ bồ tát giới.

Giới (sdom-pa, Phạn ngữ: samvara) là việc định hình tâm thức, định hình hạnh kiểm của mình. Nó đặt ra những ranh giới nhất định mà mình sẽ không vi phạm. “Tôi sẽ không ca ngợi bản thân và xem thường người khác, vì tôi thích được nổi tiếng và được người khác yêu thích, thích tình và tiền, và tất cả những thứ này.”. Đây là những điều mà mình cam kết sẽ không tạo tác, bởi vì nếu làm như vậy, thì mình sẽ mất đi khả năng giúp đỡ tha nhân rất nhiều. Chúng ta sẽ chỉ bóc lột người khác và nói rằng: "Tôi là người giỏi nhất", như bạn sẽ làm, nói chung, như những người tranh cử cho một chức vụ trong chánh phủ, và muốn làm điều đó, chỉ để có quyền lực, nên họ sẽ vận động: "Tôi là người giỏi nhất, và ứng cử viên khác thì tồi tệ và quỷ quyệt.". Bạn không thể tin một người như vậy. Điều đó sẽ làm thiệt hại khả năng giúp đỡ người khác rất nhiều, bởi vì thật ra họ chỉ thổi phồng bản thân, để có quyền lực. Vì lý do này mà toàn bộ quá trình bầu cử và vận động tranh cử là điều rất xa lạ với người Tây Tạng, và rất khó để họ chấp nhận hay tham gia, bởi vì cách mà nhiều quốc gia vận động một cuộc bầu cử thì hoàn toàn đi ngược với tất cả những nguyên tắc của một vị Bồ tát. “Tôi là người giỏi nhất. Người kia không tốt đâu. ”.

Ngài Tịch Thiên, một bậc thầy vĩ đại người Ấn Độ đã viết trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Bodhicharyavatara) rằng:

(IV.2) Đối với điều gì được thực hiện một cách đột ngột, hay không khảo sát kỹ càng, ngay cả khi tôi đã hứa sẽ làm, thì việc tìm hiểu "Nên làm hay bỏ?" là điều đúng đắn.
(IV.3) Nhưng làm sao tôi có thể bỏ cuộc với những điều mà chư Phật và các trưởng tử, trưởng nữ của các ngài đã khảo sát bằng trí tuệ vĩ đại, và chính tôi cũng đã làm như vậy nhiều lần?

Hai câu kệ này rất quan trọng. Chúng nói rằng trước khi thọ bồ tát giới, tức bồ đề tâm hành, thì điều quan trọng là phải học hỏi về chúng, việc nghiên cứu là điều quan trọng, để xem xét và khảo sát, vì Đức Phật đã nói rằng: "Nếu muốn thành tựu giác ngộ, thì đây là những điều phải tránh, nếu như muốn tạo lợi lạc cho tha nhân”, và sau đó, hãy tự quán sát bản thân: "Đây có phải là điều mà tôi có thể noi theo hay không?”, rồi mới thọ giới. Đây không phải là điều mà bạn sẽ làm một cách đột ngột, bởi vì người khác đang làm điều đó, và có một vị lạt ma nào đang có mặt ở đây để truyền giới, nên mình sẽ làm theo, mà không tìm hiểu kỹ càng. Vì vậy nên ngài Tịch Thiên đã nêu ra điều này rất rõ ràng.

Định Nghĩa Của Y Tự Khởi Và Cụ Duyên về Các Ba La Mật

Nếu muốn giữ bồ tát giới, thì cần phải có điều gì? Trên cơ bản thì điều đó đòi hỏi sự phát triển cái mà tiếng Phạn gọi là paramita (pha-rol-tu phyin-pa), thường được dịch là ba la mật, nhưng tôi thích dịch theo nghĩa đen của nó hơn, đó là những thái độ sâu rộng. Nó sẽ đưa chúng ta đi rất xa, đến bờ bên kia, đó là giác ngộ.

Trong Phật giáo Ấn Độ có một số trường phái khác nhau, và theo một trong những trường phái này (được gọi là Y Tự Khởi [Svatantrika]), thì chỉ có trạng thái của một vị Phật - ý tôi là, đây là nơi mà chữ này có nghĩa là hạnh hoàn hảo - khi ở trong trạng thái của một vị Phật, đó mới là những thái độ sâu rộng thật sự. Những điều mà chúng ta làm, với tư cách là Bồ tát (và thậm chí trước khi trở thành Bồ tát, khi đã thọ những bồ tát giới này)… bởi vì mình chỉ thật sự trở thành bồ tát, khi có được bồ đề tâm bất dụng công, và không phải trải qua quá trình: “Tất cả chúng sinh đều là mẹ của tôi”, vân vân, để cảm nhận được điều đó, và luôn luôn ôm ấp nó, cả ngày lẫn đêm, thì bạn thật sự trở thành Bồ tát… nhưng trong quá trình, trong những giai đoạn trước khi thành tựu Phật quả, thì những ba la mật này chỉ gần giống như các ba la mật thật sự thôi.

Trong khi đó trong trường phái Cụ Duyên (Prasangika) thì cả hai giai đoạn - từ bồ tát giới đến Phật quả, cũng như trong Phật quả – đều được gọi là “hạnh hoàn hảo”.

Bất kể mình noi theo trường phái nào, thì chúng ta đang nói về cùng một điều. Tôi đã đề cập đến điều này, bởi vì một số trường phái Tây Tạng noi theo trường phái này, còn một số thì đi theo trường phái kia.

Thập Độ Ba La Mật 

Ngoài ra, còn có một lời giải thích xa hơn về thập độ ba la mật, trong đó bốn ba la mật cuối cùng trên cơ bản là phân nhánh của ba la mật thứ sáu, trí tuệ ba la mật, hay prajnaparamita. Vì vậy, dù nói đến lục độ ba la mật, hay trong hình thức đầy đủ hơn là thập độ ba la mật, thì đây là những tâm trạng, hay thái độ, không nhất thiết phải là một dạng hành vi, mặc dù chúng định hình hành vi của mình, vì ta sẽ hành động, áp dụng chúng vào việc tu hành càng nhiều càng tốt, tùy theo hoàn cảnh, khả năng, v.v... Nhưng những gì mình đang nỗ lực để phát triển là những thái độ này, những tâm trạng này. Ngài Tịch Thiên đã khiến cho điều đó rất rõ ràng.

Ngoài ra, không nên nghĩ rằng hệ thống gồm có thập độ ba la mật chỉ dành riêng cho Đại thừa, mà cũng có mặt trong Tiểu thừa, trong Phật giáo Nguyên thủy. Đó là một nhóm thập độ ba la mật hơi khác biệt một chút, tuy nhiều điều trong số các ba la mật này thì giống nhau, nhưng một số thì khác biệt. Và một lần nữa, như chúng ta đã đề cập đến, bởi vì họ tu tập nhiều điều giống nhau, nên sự khác biệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa là có hay không có pháp hồi hướng…  công đức có được hồi hướng cho thành tựu giải thoát hay giác ngộ hay không. Vì vậy nên họ sẽ tu tập thập độ ba la mật, bao gồm nhiều ba la mật trong số này, với việc hồi hướng công đức này cho thành tựu giải thoát.

Đừng bao giờ nghĩ rằng các hành giả Tiểu thừa không làm việc để tạo lợi lạc cho tha nhân, và không có hạnh bố thí, nhẫn nhục, v.v... Đương nhiên là họ cũng có những điều này, và có lòng từ, cũng phát triển tâm bi, và tất cả những điều này. Kinh sách Đại thừa đưa quan điểm của Tiểu thừa đến một cực đoan - rằng bạn chỉ làm việc một cách ích kỷ để làm lợi lạc cho bản thân, và không quan tâm đến người khác - để nêu ra vấn đề cực đoan mà mình nên tránh. Không nên nghĩ rằng trên thực tế, đặc biệt là ngày nay, các hành giả Nguyên thủy là như vậy. Chúng ta có thể thấy các hành giả Đại thừa là những người như thế, cũng như thấy hành giả Tiểu thừa là những người như vậy.

Đây là một phương pháp được sử dụng trong trường phái Trung Quán Cụ Duyên của Đại thừa, đó là đưa mọi thứ đến kết luận phi lý, cực đoan, để giúp người ta tránh những nguy cơ có thể tồn tại trong cách suy nghĩ nào đó. Và cũng giống như kết luận ngớ ngẩn, cực đoan của việc tu tập để thành tựu giải thoát là bạn trở nên hoàn toàn ích kỷ, và không quan tâm đến tha nhân - không làm bất cứ điều gì để giúp đỡ người khác, không có lòng từ bi - tương tự như vậy, thì người ta có thể nói kết luận ngớ ngẩn và cực đoan của Đại thừa là bạn chỉ lo giúp đỡ mọi người, mà không bao giờ cố gắng khắc phục tâm sân hận và tham ái của chính mình, v.v... đó cũng là một sai lầm lớn. Do đó, phải hiểu phương pháp được sử dụng ở đây, và không rơi vào lập trường sai lầm của chủ nghĩa bộ phái, khi nghĩ rằng Đại thừa chỉ trích Tiểu thừa quá mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao trong bồ tát giới, có một số giới nguyện nói về việc không được xem thường Tiểu thừa.

Vậy thì hãy sử dụng hệ thống tóm tắt cơ bản của lục độ ba la mật, đó là:

  • bố thí (sbyin-pa)
  • trì giới (tshul-khrims)
  • nhẫn nhục (bzod-pa)
  • tinh tấn (brtson-’grus)
  • thiền định (bsam-gtan)
  • trí tuệ (shes-rab

Sự Khác Biệt Giữa Trí Phân Biệt Và Trí Tuệ Siêu Việt 

Trong tiếng Anh, chữ “trí tuệ” được sử dụng để dịch rất nhiều danh từ kỹ thuật khác nhau, tất cả đều khác nhau, nên nếu chỉ sử dụng chữ này, thì sẽ mất đi sự khác biệt giữa các thuật ngữ này, nên ở đây, tôi sử dụng trí phân biệt cho ba la mật thứ sáu.

Tôi đã tạo ra sự khác biệt trong cách dịch hai chữ Tây Tạng - chúng cũng khác nhau trong tiếng Phạn - mà cả hai thường được dịch là trí tuệ (rồi thì sự khác biệt giữa hai chữ này sẽ mất đi). Một chữ được gọi là trí phân biệt, đó là sherab (shes-rab) trong tiếng Tây Tạng, hoặc prajna trong tiếng Phạn. Còn chữ kia được gọi là trí tuệ siêu việt, đó là yeshe (ye-shes) trong tiếng Tây Tạng, hoặc jnana trong tiếng Phạn. Hai chữ này rất khác nhau, nên tôi sẽ giải thích sự khác biệt.

Dù có nhiều cách sử dụng mỗi chữ này theo những cách khác nhau, nhưng nếu cố gắng hiểu rõ hơn một chút về nó, thì định nghĩa của trí phân biệt là nó bổ sung thêm tính quả quyết để phân biệt. Phân biệt - thường được dịch là nhận ra - là để phân biệt điều gì là cái này, chứ không phải là cái kia, nên điều này bổ sung thêm tính quả quyết về điều đó. Vậy thì nó phân biệt giữa điều gì tích cực, điều gì tiêu cực; điều gì hữu ích, điều gì không hữu ích; điều gì thích hợp, điều gì không thích hợp; điều gì chính xác và điều gì không chính xác, về mặt đâu là thực tại và đâu không phải thực tại, nên thường được liên hệ với Không tướng (tánh Không). Đó là sự hiểu biết về tánh Không, phân biệt rằng các pháp không tồn tại theo những cách bất khả, mà tồn tại theo cách khả dĩ. Đó là trí phân biệt.

Ngay cả con sâu cũng có điều này. Con sâu có thể phân biệt, biết chắc thứ gì là thức ăn, thứ gì không phải là thức ăn. Bò có thể phân biệt giữa cửa chuồng được mở, và bức tường, để không đâm đầu vào tường. Nếu như gọi điều này là trí tuệ, thì nó không phải là điều cao cả nhất.

Nếu nói về tánh Không, thì trí phân biệt chỉ là chân lý tối hậu của các pháp, về tánh Không. Mặt khác thì trí tuệ siêu việt là nhận thức về nhị đế, một là nhị đế kết hợp với nhau, hai là nhị đế trong bối cảnh của nhau. Tuy nhiên, trí tuệ siêu việt cũng là một phần trong Phật tánh, là điều gì rất sâu sắc mà ai cũng có, nên nó đề cập đến đại viên cảnh trí (me-long lta-bu'i ye-shes) (khả năng tiếp nhận thông tin), bình đẳng tánh trí (mnyam-nyid ye-shes) (để xem các khuôn mẫu, sắp xếp mọi thứ lại với nhau), diệu quan sát trí (sor-rtog ye-shes) (để nhận thức tánh cá biệt của cái này hay cái kia), v.v...

Xét về những khía cạnh Phật tánh này, thì con sâu cũng có. Vậy thì một lần nữa, nếu như gọi nó là trí tuệ thì hơi bất tiện một chút.

Chữ trí tuệ siêu việt này có thể được sử dụng theo những cách hơi khác nhau, trong những truyền thống Tây Tạng khác nhau, nhưng trong trường hợp nào, thì nó không giống với trí phân biệt. Trong phái Gelug, nó cũng được sử dụng cho điều mà thánh nhân ('phags-pa) sở hữu - một người có nhận thức vô niệm về tánh Không - như một ý nghĩa bổ sung cho chữ này. 

Hai Bồ Tư Lương

Nếu muốn thành tựu giác ngộ, để đạt được bất cứ mục tiêu tâm linh nào trong nhà Phật, thì phải củng cố và tích tập hai bồ tư lương (mạng lưới). Hai bồ tư lương này mà tất cả chúng ta đều có ở một mức độ nào đó, như một phần trong Phật tánh, thì không giống như thể mình bắt đầu từ con số không, mà phải củng cố, tích tập chúng càng ngày càng nhiều hơn nữa. Và tùy theo cách hồi hướng, mà chúng có thể tạo ra luân hồi (đó là khi mình không làm hồi hướng gì cả, không thực hiện lời hồi hướng nào, thì nó chỉ cải thiện tình trạng trong luân hồi của mình) hay tạo ra giải thoát (khi hồi hướng nó cho thành tựu giải thoát) hoặc tạo ra giác ngộ (khi mình hồi hướng hai bồ tư lương này cho thành tựu giác ngộ). Vậy thì một lần nữa, hồi hướng là pháp tu vô cùng quan trọng ở đây.

Hai mạng lưới này – nó là mạng lưới, bởi vì tất cả mọi thứ trong đó kết nối với nhau, cộng tác với nhau và củng cố cho nhau, và chúng sẽ phát triển, chứ không chỉ giống như một bộ sưu tập tem. Vì vậy nên nó thường được dịch là bồ công đức (bsod-nams-kyi tshogs, Phạn ngữ: punyasambhara), không phải là bộ sưu tập điểm, mà công đức thật ra có nghĩa là thiện lực - nên đó là mạng lưới của thiện lực - từ việc làm những việc tích cực, v.v... Rồi có bồ trí tuệ siêu việt (ye-shes-kyi tshogs, Phạn ngữ: jnanasambhara), đôi khi được gọi là bồ trí tuệ, nhưng đó là một chữ khác với trí phân biệt. Vậy thì chẳng hạn như khi giúp đỡ người khác mà không hồi hướng gì cả, thì tất nhiên điều đó sẽ cải thiện kiếp luân hồi, trừ khi mình hồi hướng nó cho thành tựu giải thoát hay giác ngộ, nếu không thì nó sẽ không góp phần vào việc này.

Phân Phối Các Ba La Mật Vào Hai Bồ Tư Lương

Trong phần trình bày về Đại thừa tổng quát mà ta đã phân chia lục độ ba la mật thành hai bồ tư lương này, thì có một hệ thống. Nếu noi theo trường phái Cụ Duyên, là một nhánh đặc biệt của Đại thừa, thì sẽ có một cách phân chia khác. Hiện nay, nếu như lãnh hội điều này, thì nó sẽ giúp ta hiểu rằng: “Đâu là mục tiêu của những bồ tư lương này? Chúng sẽ làm cái gì?". Như tôi cũng đã giải thích trước đây trong tuần này, đối với giác ngộ thì chúng có thể được phân chia theo nhiều cách, nhưng đôi khi, có cái gọi là các thân Phật, bởi vì thật ra chúng là một mạng lưới của nhiều thứ khác nhau, chứ không chỉ là một thân thể như cơ thể này, mà là một mạng lưới của rất nhiều thứ, nên chúng ta có Pháp thân (chos-sku, Phạn ngữ: Dharmakaya, Thân Bao Gồm Vạn Pháp), là toàn bộ mạng lưới của tâm toàn tri của một vị Phật, và tánh Không của tâm đó, v.v... Rồi có mạng lưới các sắc thân giác ngộ (gzugs-sku, Phạn ngữ: Rupakaya, Sắc thân), nên có các sắc thân vi tế (Báo thân (longs-spyod rdzogs-pa'i sku, Phạn ngữ: Sambhoghakaya, Thọ Dụng Thân)) và sắc thân thô (Hóa thân (sprul-sku, Phạn ngữ: Nirmanakaya)). Có rất nhiều, rất nhiều sắc tướng mà một vị Phật có thể hiển lộ, hàng triệu sắc tướng trong cùng một lúc, đó là lý do tại sao nó được gọi là một mạng lưới, vì nó không chỉ là một thân thôi, và một vị Phật biết tất cả mọi thứ trong cùng một lúc, nên nó không chỉ là một điều, mà là một mạng lưới.

Vậy thì hai bồ tư lương này, mạng lưới tạo ra giác ngộ… nếu nói về Phật quả, thì chúng giống như… Trong đạo Phật, chúng ta nói về rất nhiều loại nhân khác nhau, sáu loại nhân khác nhau, và nhiều loại trợ duyên khác nhau. Rất là phức tạp. Nhưng có một loại nhân: nếu sử dụng một ví dụ, thì nó sẽ giống như bột nhào để làm bánh mì. Đó là chất liệu trở thành bánh mì, nhưng khi bạn có bánh mì, thì không còn bột. Theo một nghĩa nào đó, thì bột biến thành bánh mì, khi nó được nướng chín. Những nhân như vậy được gọi là “chánh nhân” (nyer-len-gyi rgyu).

Các bồ tư lương tạo ra giác ngộ này giống như bột nhào: chúng biến thành, là chất liệu mà từ đó… Từ bồ công đức, chuyển hóa thành mạng lưới của các sắc tướng giác ngộ này, để phổ độ chúng sinh. Và bồ trí tuệ siêu việt là bột nhào biến thành, chuyển hóa thành mạng lưới của Pháp thân, tâm toàn tri của một vị Phật. Nhưng bạn cần có cả hai, để hoàn thành hai thân này. Chúng phải hỗ trợ lẫn nhau. Không thể chỉ đạt được một thân, và tu tập để thành tựu thân kia. Hai thân này phải đi cùng với nhau.

Đối với mỗi một trong hai thứ này, thì một thứ sẽ đóng vai trò như bột nhào. Đối với mỗi mạng lưới giác ngộ này của một vị Phật, thì một mạng lưới tạo ra giác ngộ sẽ đóng vai trò như bột nhào, và mạng lưới kia sẽ giống như hơi nóng trong lò. Bột nhào sẽ không biến thành bánh mì, nếu không có hơi nóng trong lò. Cứ như vậy, chúng sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Bạn cần có cả hai, để thành tựu bất cứ thân nào của một vị Phật - mỗi một thân của một vị Phật, mạng lưới của một vị Phật.

Như tôi đã nói, có hai cách để chia lục độ ba la mật thành hai bồ tư lương tạo ra giác ngộ. Theo quan điểm chung của Đại thừa, là mạng lưới ba la mật… Bây giờ, chúng ta phải làm từng việc một, để bạn hiểu rõ, và tôi sẽ trả lời. Vậy thì bây giờ, chúng ta sẽ đưa ra danh sách, theo Đại thừa nói chung, thì ba la mật nào trong số lục độ ba la mật này sẽ đóng góp vào bồ tư lương nào trong hai bồ tư lương ba la mật này, mạng lưới tạo ra giác ngộ, Đại thừa tổng quát.

Theo điều này, đối với bồ công đức tạo ra giác ngộ, thì trước hết là hạnh bố thí, rồi đến trì giới. Rồi nhẫn nhục thì có ba dạng khác nhau, và hai dạng của hạnh nhẫn là nhẫn nhục không tức giận vì gặp khó khăn với người khác, và nhẫn nhục không tức giận vì những vấn đề của riêng mình. Những điều này đóng góp cho bồ công đức.

Những ba la mật nào sẽ đóng góp cho bồ trí tuệ siêu việt? Trước hết là trí tuệ ba la mật và thiền định ba la mật, và loại nhẫn nhục thứ ba, nhẫn nhục để không nản lòng vì những khó khăn trong khi tu tập.

Tinh tấn ba la mật góp phần vào, và củng cố cả hai bồ tư lương.

Kalachakra (Thời Luân) có nói về ba bồ tư lương, ba bồ tư lương tạo ra giác ngộ. Vậy thì ở đây, cái thứ ba là bồ giới luật. Trong sơ đồ phân loại này thì giới luật, theo Đại thừa nói chung, đã đóng góp vào bồ công đức, nhưng giờ đây, lại được tính riêng, để tích tập bồ giới luật.

Nói Chi Tiết Hơn Về Việc Phân Phối Các Ba La Mật Vào Hai Bồ Tư Lương

Về việc phân loại chung của lục độ ba la mật này thành hai hoặc ba bồ tư lương thì không hữu ích, nếu chỉ nghĩ rằng: “Đó chỉ là một sơ đồ về mặt trí thức. Nó không có ý nghĩa gì cả.”, nhưng ta có thể thấy rằng: “Cái gì sẽ chuyển hóa thành tất cả những sắc tướng này, v.v..., để mình có thể phổ độ chúng sinh, với tư cách là một vị Phật?”. Việc có tâm bố thí quảng đại sẽ đặc biệt giúp đỡ người khác. Phải có giới luật, để giúp đỡ và không làm tổn thương người khác, và hãy kiên nhẫn, để mình sẽ không nản lòng, khi cố gắng giúp đỡ tha nhân, bởi vì điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, và kiên nhẫn với những khó khăn cũng như thiếu sót của chính mình, khi đang giúp đỡ người khác – dĩ nhiên là hãy cải thiện những điều này, nhưng không bỏ cuộc. Vậy thì sự kết hợp này là điều sẽ chuyển hóa thành việc sở hữu tất cả các sắc tướng và khả năng của một vị Phật, để phổ độ chúng sinh.

Điều gì sẽ chuyển hóa thành tâm Phật? Đương nhiên là phải có trí phân biệt. Phải có tâm vững chãi, nghĩa là không chỉ có định tâm, mà còn không có tính khí lên xuống thất thường, phiền não v.v... Và phải có hạnh nhẫn, để không nản lòng trước những khó khăn trong việc tu tập Pháp, đặc biệt là về mặt hành thiền và cố gắng đạt được cái gọi là trí tuệ. Vậy thì đây là những điều sẽ chuyển hóa thành tâm Phật.

Phải có hạnh tinh tấn cho cả hai. Nếu nói một cách rất chung chung, thì mình phải gắn bó với cả hai việc, không bỏ cuộc và xem đó là niềm vui, khi giúp đỡ tha nhân và hành thiền. Vậy thì nó sẽ đóng góp cho cả hai, trong việc giúp đỡ người khác, đó là tích tập công đức - nếu nói theo từ ngữ rất chung chung - và tích tập trí tuệ siêu việt, bằng cách thiền định. Hiển nhiên là chúng ta sẽ giúp đỡ và thiền định, thực hiện cả hai, tích tập công đức và trí tuệ siêu việt. Tôi chỉ nêu ra một điểm chung ở đây, để dễ hiểu hơn.

Bất kể mình đang làm gì, thì phải kiên trì, không bỏ cuộc. Đó là tinh tấn. Và hãy hoan hỷ khi làm điều đó, chứ không phải là: “Việc này thật là kinh khủng. Tôi ghét làm việc này, nhưng dù sao thì cũng sẽ làm, vì cảm thấy mình có nghĩa vụ phải làm, hay sẽ thấy tội lỗi, nếu không làm điều đó.”. Hãy tận hưởng nó. “Tôi thích hành thiền. Tôi thích giúp đỡ người khác. Nó mang lại cho tôi nhiều niềm vui.”. “Tôi thích thông dịch. Nó đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Không có điều gì khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc hơn điều này.”.

Ngài Tịch Thiên đã viết rằng:

(VII.64) Tuy người ta hành động để được hạnh phúc, nhưng không chắc là có được hạnh phúc hay không; nhưng đối với (một vị Bồ tát) có hành động thật sự tạo ra hạnh phúc, thì làm sao ngài lại có thể hạnh phúc, nếu không thực hiện những hành động ấy?

Nói cách khác là nếu có niềm vui trong công việc, thì bạn sẽ không thấy vui, nếu không làm việc đó. Chúng ta không nói về việc trở thành một người nghiện công việc trong văn phòng, mà đang nói về việc giúp đỡ người khác. Trừ khi mình đang làm điều gì ích lợi cho người khác, nếu không thì sẽ không thật sự hạnh phúc. “Tôi luôn muốn làm điều gì để giúp đỡ người khác. Đó là điều mang lại nhiều niềm vui nhất trong cuộc sống.". Đó là những gì chúng ta đang nói ở đây về hạnh tinh tấn. Vậy thì không cần biết mình đang làm gì để giúp đỡ người khác, dù đó là chăm sóc con cái, làm việc trong doanh nghiệp hướng về việc giúp đỡ người khác theo cách này hay cách khác, hay thuyết Pháp. Không cần biết đó là điều gì. Hãy làm bất cứ việc gì mình có thể làm.

Một cách khác để phân phối lục độ ba la mật cho hai bồ tư lương được thấy trong trường phái Cụ Duyên (Prasangika) theo phái Gelug, do Tông Khách Ba (Tsongkhapa) trình bày. Các truyền thống Tây Tạng trước đó - Nyingma, Sakya và Kagyu - có cách hiểu khác nhau về lập trường của Cụ Duyên. Tông Khách Ba phân biệt lục độ ba la mật theo nhị đế, nên trí phân biệt về chân lý tối hậu, tánh Không, góp phần vào bồ trí tuệ siêu việt, vào tâm của một vị Phật. Và tất cả những ba la mật khác, bao gồm cả trí phân biệt về điều gì có lợi và có hại, đều đóng góp vào bồ công đức, cho các Sắc thân của Phật. Vì vậy, nó chỉ là một cách phân loại khác ở đây, theo nhị đế.

Top