Chiều nay, tôi được yêu cầu nói về bồ đề tâm. Đây là một đề tài rộng lớn, nói về động lực của mình – cụ thể là tại sao chúng ta muốn theo đuổi con đường tâm linh. Chúng ta sẽ dần dần huân tập động lực này trong tâm thức, vì việc phát bồ đề tâm ngay lập tức là điều khó khăn. Bồ đề tâm là lòng quyết tâm trở thành Phật, một tâm nguyện quả quyết rằng: “Tôi phải vượt qua mọi chướng ngại và thành tựu tất cả những tiềm năng, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.” Chúng ta nỗ lực để đạt được giác ngộ không chỉ vì điều đó tốt đẹp và cao cả hơn hết, mà vì ta phải đạt giác ngộ thì mới phổ độ được chúng sinh. Dù chúng ta thường nói rằng mình đang tu tập để trở thành Phật, để làm lợi lạc tất cả chúng sinh, nhưng rất khó giữ được tâm nguyện này một cách liên tục và chân thành. Tuy nhiên nếu ta huân tập nguyện ước này nhiều lần, đến một lúc nào đó, nó sẽ tự nhiên phát sanh. Bồ Tát là một người lấy bồ đề tâm chân thật làm động cơ chính, cả ngày lẫn đêm.
Có lẽ quí vị đã được giảng dạy về những cách phát bồ đề tâm nên tôi không nhấn mạnh điều này ở đây. Thay vì vậy, tôi sẽ nói về tầm quan trọng của các giai đoạn tu tập dẫn đến động lực này. Ta rất dễ bỏ qua những giai đoạn này và cố gắng đi thẳng đến động lực Đại thừa cao cả nhất. Ta có thể nói: “Tôi tu vì tôi muốn giúp người khác, đó là trách nhiệm đối với xã hội.”. Hiển nhiên, đây là điều có ích, nên ta sẽ lập tức bắt tay vào việc, nhưng nếu không tu tập những giai đoạn trước đó, ta sẽ gặp khó khăn. Tôi muốn bàn luận về cách làm thế nào để tránh những khó khăn khi chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển động lực từ bi để giúp đỡ những chúng sinh khác.
Theo “ lam-rim”, hay trình tự đường tu đưa đến giác ngộ, ta sẽ tu tập theo những đường tu tuần tự để đi đến tột đỉnh của sự phát triển tâm linh. Động lực đầu tiên là tu tập vì hạnh phúc cho những đời sau. Chỉ tranh thủ cho hạnh phúc của đời hiện tại là điều tất cả mọi người đều thực hiện, ngay cả súc vật cũng vậy. Chúng lo việc săn sóc con cái và thức ăn. Mặc dù đây là những điều cốt yếu, nó không nhất thiết liên quan đến việc tu tập tâm linh.
Tuy nhiên, quan tâm đến đời sống hiện tại là một điều quan trọng. Một số người thật sự không biết lo cho bản thân và hoàn cảnh, và cũng không bao giờ muốn xem xét những gì đang xảy ra trong đời sống của họ, vì vậy nên họ không muốn cải thiện tình trạng hiện tại. Họ chỉ chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra và không bao giờ nhắm đến những gì khả quan hơn. Vì thế, điều quan trọng là ít nhất ta phải bắt đầu ở mức độ quan tâm đến bản thân mình, đến gia đình và hoàn cảnh của mình, mặc dù việc này không phải là một động cơ tâm linh cụ thể. Khi gặp trở ngại, ta sẽ thật sự thừa nhận điều đó; ta sẽ quan sát cuộc sống để xem mình có những khó khăn gì. “Tôi có hạnh phúc không? Tôi có đau khổ không? Phải chăng những khó khăn tôi đang đương đầu khiến cho cuộc sống không được dễ chịu?
Những Kiếp Tương Lai
Sự chú trọng và quan tâm chủ yếu về những kiếp sau là dấu hiệu cho thấy ta đã thực sự đi vào việc tu tập tâm linh. Tất cả các sách vở đều đồng ý về việc này. Khi quan tâm đến những đời sau, ta sẽ muốn tránh những khó khăn tệ hại hơn những điều đang xảy ra trong đời hiện tại. Ta nhìn những hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai như kết quả của những gì mình đang thực hiện trong hiện tại. Ta sẽ nghĩ đến kiếp người quí báu của mình: “Thật may mắn quá, tôi chưa chết đói, tôi chưa vào trại tập trung, không bị trì độn. Tôi không sống ở vùng biên địa, nơi mọi người luôn công kích nhau. Tôi rất may mắn đã không phải đương đầu với những vấn đề này và có cơ hội để phát triển tâm linh. Tuy nhiên, đời sống này đâu có vĩnh cửu. Chắn chắn là cái chết sẽ đến. Nó sẽ đến với tất cả mọi người, chỉ không biết lúc nào nó sẽ xảy ra thôi. Có thể tôi sẽ bị xe đụng bất cứ lúc nào. Đâu phải đợi đến già mới chết. Tôi cũng có thể chết yểu.”. Rồi ta nghĩ đến những gì sẽ xảy ra sau khi chết. Ta có thể sẽ gặp một hoàn cảnh khả quan hơn hoặc xấu hơn. Nhìn vào những cảnh giới xấu hơn, chẳng hạn như trở thành côn trùng hay quỷ đói, ta sẽ thấy rất kinh hoàng. Không phải sợ, mà là kinh hoàng.
Chúng ta không cố gieo nỗi sợ hãi trong đạo Phật. Nếu cho rằng ta sợ tái sinh trong những cõi thấp hơn thì đó là sự diễn dịch sai lầm. Phải nói là kinh hoàng thì đúng hơn. Sợ hãi là một trạng thái tê liệt của tâm trí, khi ta vẽ một đường đậm nét chung quanh một hoàn cảnh mà ta không thích, làm cho nó trở thành một điều quái dị và kinh khiếp, rồi ta bị tê cứng, không ứng xử được. Đây không phải điều mà Phật giáo muốn ám chỉ. Ta đang nói đến sự kinh hoàng, và ta không muốn một sự việc khủng khiếp như vậy xảy ra cho mình. Sự khác biệt giữa sợ hãi và kinh hoàng là như khi ta phải mất cả buổi trưa để tiếp một người đáng ghét và ghê tởm, làm cho ta rất khó chịu. Ta không sợ điều đó, mà cảm thấy kinh hoàng. Kinh hoàng là một ước muốn mãnh liệt để điều gì đó đừng xảy ra.
Quy Y
Vì lo sợ những hoàn cảnh tệ hại hơn có thể xảy ra trong tương lai, ta sẽ tìm một hướng đi để hóa giải khó khăn. Quy y là phương hướng để tránh những hoàn cảnh này. Quy y là phương hướng an toàn mà ta chọn lựa cho mình, đó là quy y theo Phật pháp. Pháp viên mãn là một trạng thái mà tất cả các giới hạn và khó khăn đều được loại trừ, và ta đã thành tựu được tất cả tiềm năng của mình.
Pháp có nghĩa là những phương pháp ngăn ngừa; những gì ta làm để tránh những rắc rối. Việc tối hậu và to tát nhất mà ta có thể làm để tránh mọi khó khăn là tiêu diệt những nhược điểm tạo ra chúng. “Nếu tôi nóng giận, bực mình hay căng thẳng, hoặc lo âu, tôi sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng nếu có thể thành tựu tất cả các tiềm năng của mình thì tôi sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề. Tôi sẽ có khả năng giúp đỡ mọi người một cách tốt đẹp nhất.” Khi thấy được điều này, ta sẽ muốn đi theo phương hướng đó.
Dấn thân theo phương hướng đó là điều tích cực và lợi lạc. Đó là phương hướng mà Đức Phật đã đi qua và Tăng đoàn đang hướng đến. Tăng là đoàn thể gồm những vị có chứng ngộ cao cả, đã thấy được thực tại một cách trực tiếp và vô niêm. Đối với chúng ta thì chư Tăng Ni đại diện cho những vị này. Quy y trong kiếp này là giải pháp để tránh rơi vào phương hướng tiêu cực hơn trong những đời sau.
Nói một cách cụ thể là ta phải nghĩ đến nhân quả của hành động, để nhận thấy những hành động phá hoại sẽ đưa đến những kết quả tai hại và rắc rối. Nếu ta tạo ra nhiều năng lượng tiêu cực thì chính ta sẽ phải kinh nghiệm những năng lượng tiêu cực ấy. Ta sẽ bị ràng buộc với những gì mình đã tạo ra. Nhưng trái lại, nếu biết tự chế, tránh những hành vi phá hoại và chỉ làm những gì có tính cách xây dựng thì ta sẽ tạo ra tiềm năng tích cực, và mọi việc sẽ khả quan hơn trong tương lai. Nhờ vậy, ta sẽ tu tập để cải thiện những kiếp tương lai.
Quyết Tâm Cầu Giải Thoát
Tuy nhiên, dù có được đời sống tương lai ra sao, rắc rối vẫn sẽ tiếp tục tái diễn ngoài tầm kiểm soát, thí dụ như sự chán nản, đối chất, xung đột với người khác; không có được điều mình thích, phải chịu đựng những điều mình không ưa thích, v.v… Những điều này không thể tránh được. Chúng xảy ra vì ta thiếu sự hiểu biết về nguồn gốc ta là ai, ta và những người quanh ta hiện hữu như thế nào. Vì sự vô minh này, chúng ta rất lúng túng, vì lúng túng nên ta cảm thấy không an toàn, và vì cảm giác không an toàn nên ta bám chấp vào một bản thể để cảm thấy một sự an toàn nào đó. Ta bám chấp vào một vài khía cạnh của chính mình, có thật hoặc do tưởng tượng, và đồng hóa mình với nó: “Đó là TÔI.”.
Ta có thể tự nhận mình là một vai trò hay một nghề nghiệp trong xã hội như “Tôi là một THƯƠNG GIA”, “Tôi là một NGƯỜI MẸ”, hoặc “Tôi là một NGƯỜI CHA”. Chúng ta gán toàn bộ cá thể của mình vào những điều này, và vì vẫn thấy bất an nên ta cố bảo vệ hoặc khẳng định chúng bằng cách thúc đẩy và ép buộc người khác. Ta đe dọa con cái, bắt chúng phải kính nể mình. Dĩ nhiên, con cái cũng có nhiều khó khăn chấp nhận điều này và sự xung đột xảy ra giữa cha mẹ và con cái. Đứa con nghĩ nó là một người độc lập và biết những gì nó muốn làm. Cha mẹ vì muốn giữ vững cá thể của mình nên ép “con phải vâng lời cha mẹ.” Người nào cũng cảm thấy bất an nên bám víu càng mạnh hơn vào địa vị xã hội của mình. Điều này liên tục tạo ra sự cãi cọ, dành giật, giận hờn ngoài tầm kiểm soát. Đó là luân hồi, với những vấn đề tái diễn ngoài ý muốn.
Ta cần phát nguyện mạnh mẽ muốn thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của những vấn đề tái diễn bất tận này. Điều này thường được dịch là sự ‘từ bỏ’ và cách dịch này đưa đến sự hiểu lầm. Chữ ‘từ bỏ’ làm nhiều người hiểu là ta phải từ bỏ tất cả, vào sống trong hang động. Đức Phật không hề dạy như thế. Ta có khái niệm này vì ta đọc về những vị như Milarepa, người đã từ bỏ gia đình và xã hội để vào sống trong hang động, nên ta nghĩ cũng phải làm như vậy, nhưng đó không phải là ý nghĩa của sự từ bỏ. Dĩ nhiên, ta phải tránh tâm tham đắm vào các vật sở hữu, nhưng không bắt buộc phải vất tất cả qua cửa sổ.
Đúng ra, ‘từ bỏ’ có nghĩa là ‘quyết định chọn lấy tự do’. Ta đã dứt khoát và quả quyết: “Tôi đã chán và ghê tởm những vấn đề trong gia đình, những khó khăn trong việc làm; đủ lắm rồi, và giờ đây tôi phải tìm cách thoát ly khỏi cảnh này.”. Dựa vào đó, ta cố phát huy trí tuệ để thấy sự thật và hiểu mình hiện hữu như thế nào; vì thật ra ta không hiện hữu để bị giam cầm trong những bản thể cứng nhắc này. Thật ra, sự việc cởi mở hơn thế. Ta không hiện hữu một cách kỳ lạ, đầy ảo tưởng, trong đó ta vừa là cha mẹ, vừa là con, vừa là bạn. Ta đóng nhiều vai trò quá. Vì thế, chúng ta quyết định tìm tự do và điều này thúc đẩy ta đi theo con đường tu tập tâm linh để đạt được trí tuệ.
Bổn Phận Làm Người
Sau đó, ta nghĩ rằng: “Trên vũ trụ này ngoài tôi ra còn nhiều ngưòi khác nữa. Tôi có bổn phận với họ không?” Ta có thể nói: “Cần gì, tôi đâu có liên hệ gì với họ, tôi chỉ cần làm việc cho bản thân tôi.”. Nghĩ như thế là không thực tế. Một vị thầy vĩ đại của Ấn Độ, Tịch Thiên (Shantideva), đã cho ví dụ về tay và chân. Nếu chân đạp nhằm gai và tay nói: “Chân à, xui cho anh quá, nhưng đó là vấn đề của anh, trên đây tôi vẫn không sao.”. Nghĩ như thế là dại dột. Tay phải giúp chân gỡ gai ra vì cả hai được nối liền với nhau. Tương tự như vậy, ta không thể chỉ làm việc cho bản thân vì tất cả chúng ta đều liên kết với nhau.
Ta sẽ thấy rõ điều này nếu ta nghĩ đến từng vật ta sử dụng hoặc hưởng thụ hằng ngày. Ví dụ như món ăn điểm tâm sáng nay của mình có thể là một tô ngũ cốc (cereal). Tô ngũ cốc này từ đâu đến? Có nhiều người đã trồng lúa mì, một số người khác gặt lúa, một số khác chuyên chở đến các xưởng để xay thành bột. Một số người khác làm bột thành ngũ cốc, rồi một số người khác phải vào bọc, đóng thùng. Đây là những người đã làm ra ngũ cốc. Rồi sau đó phải được chở đi bằng máy bay hay tàu thủy, hoặc đường bộ đến đây. Ai đã xây đường sá, đóng thuyền và máy bay? Vật liệu để chế tạo máy bay và đường sá từ đâu có? Và còn nữa, còn nhiên liệu để chuyên chở. Hãy nghĩ đến xác những con khủng long đã tan rã để biến thành dầu hỏa. Biết bao nhiêu người và thú vật đã góp phần làm ra hộp ngũ cốc này.
Làm thế nào để nấu ngũ cốc? Cần phải có điện hoặc ga trong bếp. Những thứ này có được nhờ những người làm việc trong các xuởng điện và những người đào mỏ, bơm dầu lên. Đã có bao nhiêu người phải tham dự vào những công việc khác nhau chỉ vì một tô ngũ cốc. Còn những thức ăn khác, áo quần ta mặc hàng ngày và những vật dụng trong nhà. Cái chén để ăn ngũ cốc từ đâu đến? Miếng giấy hoặc bao ny lông để đựng ngũ cốc từ đâu đến? Ta lại nghĩ đến những người làm việc trong các hãng cưa, hãng giấy, kỹ nghệ làm đồ nhựa và kỹ nghệ ấn loát đã góp phần làm bao đựng ngũ cốc.
Cả trăm ngàn người đã đóng góp vào cho cuộc sống hàng ngày của ta. Chỉ làm việc cho bản thân mình là điều vô lý, vì chúng ta đều có sự tương quan với mỗi một người khác. Khi tất cả mọi người ở trong tình trạng bi đát thì ta không thể bình an được. Tương tự như vậy, nếu ta là người duy nhất sống sót sau một cuộc chiến tranh nguyên tử trong hầm với mặt nạ an toàn, ta sẽ sống được bao lâu? Chắc chắn sẽ không lâu. Vả lại, cũng chẳng có gì vui để sống.
Lúc đó, ta bắt đầu nghĩ đến những người khác. Ta sẽ nghĩ đến sự tử tế của họ và muốn đền ơn họ. Ta sẽ khởi tâm từ, ước mong họ được hạnh phúc, và tâm bi, ước muốn chân thành cho họ thoát khỏi những khó khăn. Thêm vào đó, ta gánh lấy trách nhiệm để giúp họ. Ta chưa làm đủ bổn phận nếu thấy đứa con đang chết đuối trong hồ bơi và chỉ đứng trên bờ than thở: “Trời ơi, phải chi chuyện này đừng xảy ra.” Lòng từ bi chưa đủ. Vì bổn phận và trách nhiệm, ta phải nhảy vào cứu nó. Đây là một giải pháp phi thường; và ta quyết tậm rẳng: “Tôi phải dấn thân để giúp đỡ người khác.”.
Ta tự hỏi: “Tôi có thể thật sự giúp người khác một cách tốt đẹp không? Thật tình là không. Tôi không đủ sức giúp cho bản thân mình thì làm sao tôi giúp họ. Cách duy nhất là tu thành Phật. Thành Phật rồi thì tôi sẽ vượt qua tất cả các khó khăn và thực chứng tất cả các tiềm năng. Lúc ấy, tôi có thể giúp người khác một cách tốt đẹp nhất.”. Chúng ta phát bồ đề tâm, cố gắng tu và thành tựu Phật quả để làm lợi ích cho chúng sinh. Phát bồ đề tâm là mở rộng tâm mình đến tha nhân, hướng đến mục đích đạt được toàn năng và vượt qua mọi trở ngại để giúp đỡ họ một cách hoàn mỹ.
Đây là con đường tiệm thứ mà chúng ta nương theo để phát triển bản thân. Trước tiên, ta muốn có những đời sau tốt đẹp. Kế đó, ta quyết tâm muốn thoát khỏi tất cả các nan đề. Cuối cùng, ta nguyện tu thành Phật để giúp chúng sinh. Ta đảm nhận trách nhiệm này dựa vào tình thương và lòng nhân từ, lo cho hạnh phúc của tất cả những chúng sinh khác và mong cho họ thoát khổ.
Không Nghĩ Đến Những Đời Sau Một Cách Nghiêm Túc
Muốn đạt đến Phật quả, nếu chúng ta đi thẳng vào nguyện ước cuối, nhưng lại bỏ qua những giai đoạn đầu thì sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, bước đầu tiên là nghĩ đến những đời sống tương lai một cách nghiêm túc. Có thể ta không nghĩ nhiều về việc này, hoặc đã chấp nhận nó một cách mơ hồ và không chú tâm đến nó. Nếu không biết mình có vô số kiếp sống, thì khi mối quan hệ với một người nào đó không còn tốt đẹp, ta có thể bỏ rơi họ và đi với người khác. Ta thường có thái độ này với những người không quen biết nhiều, hoặc những bạn bè mình không ưa thích nữa. Khi chán ngán hay gặp khó khăn với người bạn đời, ta chỉ cần đi tìm một người phối ngẫu khác. Tại một số quốc gia, có đến 50% cặp vợ chồng ly dị. Đó thật là một cú sốc, và cũng rất đáng buồn!
Tại sao vậy? Điều này xuất phát từ ý nghĩ mình không có liên hệ với người khác, nên ta có thể vất bỏ họ như vất bỏ một miếng giẻ rách. “Tôi sẽ không giúp người này và gạt họ qua một bên cũng không sao.” Tuy nhiên, nếu nghĩ đến những đời sống tương lai và vô số các đời sống khác, ta sẽ nhận thấy mình không thể tránh liên hệ với người nào đó. Nếu quan hệ không được tốt đẹp, ta không nên dứt khoát bằng cách không cần biết đến họ và không gặp họ nữa. Nếu không giải quyết những vấn đề trong hiện tại, thì hoàn cảnh tương tự sẽ trở lại trong các đời sau. Nếu hiện giờ ta có vấn đề với người này và chỉ bỏ đi thì trong những đời sau, ta sẽ gặp người khác rất tương tựa, một sự nối tiếp của người kia và ta sẽ gặp những khó khăn, vấn đề như trước. Ta không thể chạy trốn được.
Điều này không có nghĩa ta phải sống mãi với người ta gặp khó khăn. Đôi khi cũng có những trường hợp rất khó xử, nhưng ít ra ta nên giải hòa trước khi chia tay, hoặc cố gắng làm cho hoàn cảnh khả quan hơn, vì nó sẽ tiếp diễn trong tương lai. Có lẽ là ta chưa hoàn toàn sẵn sàng đối phó với hoàn cảnh này trong hiện tại, nhưng hy vọng trong những đời sau, ta sẽ làm được.
Nghĩ tưởng đến những đời vị lai là điều rất hữu ích, khi ta hướng tâm đến mọi người và muốn đạt được Phật quả để giúp họ. Nếu không làm thế, có thể sẽ có nhiều vấn đề: “Tôi phát tâm đối với mọi người nhưng tôi không thích người này nên tôi chọn người khác.”. Tâm ta sẽ rộng mở với mọi người khi nhận thức được rằng trong những đời vị lai, ta không trốn tránh được ai, ta sẽ gặp lại họ. Vì thế, ta phải giải quyết vấn đề với họ. Ta cần mở lòng yêu thương rộng lớn hơn, nhiệt tình hơn và niềm nở hơn. Đây là điều quan trọng.
Một khía cạnh khác là chúng ta thường xem mình thuộc về những nhóm nhỏ riêng biệt, Ta đồng hóa mình với người Mỹ hay người Trung Hoa, hay với các Phật tử, với gia đình mình, hay với những người cùng giới tính, hay cùng tuổi tác – ví dụ như thiếu niên, người lớn, hoặc cao niên, và cảm thấy rằng “Tôi chỉ có thể liên hệ với những người cùng nhóm với mình. Tôi chỉ có thể thấu hiểu những khó khăn của họ. Vì vậy, tôi chỉ có thể giúp họ. Tôi chỉ có thể giúp những người Mỹ khác. Làm sao tôi có thể hiểu được người Châu Phi?”; “Tôi chỉ có thể giúp những Phật tử khác, bởi vì không thể nào hiểu được những người theo các tôn giáo khác.”; “Tôi chỉ có thể giúp những người đàn ông khác, vì làm sao tôi hiểu được phụ nữ?”; “Tôi chỉ có thể giúp phụ nữ, vì tất cả đàn ông đều coi thường phụ nữ và hiếp đáp tôi. Làm sao tôi có thể giao tiếp với họ?”; “Tôi chỉ có thể hiểu và giúp đỡ các thiếu niên, vì bậc cha mẹ không biết điều gì đang xảy ra và họ cũng không hiểu được con cái.”; “Tôi chỉ có thể giúp những người lớn đã chín chắn, vì tất cả trẻ con bây giờ hư hỏng và khó dạy.”.
Vì vậy, chúng ta tự giới hạn mình bằng cách chỉ nghĩ đến đời sống này và hoàn cảnh cá nhân của mình, dựa vào tuổi tác, giới tính, gia đình, quốc gia v.v... Nếu nghĩ đến vô số kiếp sống từ quá khứ đến vị lai, ta sẽ nhận ra rằng: “Tôi đã từng trải qua những lứa tuổi khác nhau. Tôi đã có một thời trẻ trung, một thời trung niên và một thời già cả. Tôi có thể liên hệ với những người ở các lứa tuổi khác nhau, vì tôi đã trải qua những lứa tuổi này. Tôi hiểu rõ giá trị của chúng. Tôi đã từng sống trong mỗi một chủng tộc và quốc tịch khác nhau. Tôi đã xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.”. Điều này giúp ta thông cảm với những nhóm khác và cảm thấy mối liên hệ với họ.
Ta có thể nới rộng đìều này và nhớ lại trong quá khứ ta đã từng làm súc vật, đã biết cảm giác như thế nào khi thân thể bị chà đạp. Nhờ thế, ta biết súc vật cũng cảm nhận nỗi đau đớn và vui sướng, nên ta phải cẩn thận trong cách đối xử với chúng.
Do đó, nghĩ đến những đời trong quá khứ và vị lai là điều rất hữu ích để ta nhận thấy có sự liên hệ với tất cả các chúng sinh. Ta có thể liên hệ đến cả hai phái nam và nữ. “Tôi đã từng là đàn ông và đàn bà trong quá khứ.” Ta có thể cảm nhận và thông cảm với những khó khăn, hoàn cảnh của từng nhóm. Điều này rất hữu ích cho việc trải từ tâm để giúp đỡ mọi người và mong ước thành tựu Phật quả để thực hiện điều này một cách tốt đẹp nhất. Đây là những điều sẽ đến từ việc tư duy về những đời sau; nếu không có chúng, việc phát tâm sẽ bị giới hạn.
Không Quyết Tâm Đạt Giải Thoát
Khi phát nguyện làm lợi ích cho tha nhân, có một điều chủ yếu và quan trọng khác là lòng quyết tâm để đạt giải thoát. Khi chúng ta bắt tay vào việc giúp đỡ người khác, ta thường làm vì nhiều lý do điên rồ. Ta giúp đỡ tha nhân vì ta muốn cảm thấy được thương yêu: “Tôi giúp anh vì tôi muốn được nổi tiếng”; “Mọi người thích tôi vì tôi giúp anh ta”; “Tôi làm vì tôi muốn được cảm tình và danh tiếng”; “Tôi làm việc ấy vì mọi người sẽ nghĩ là tôi tốt và tôi sẽ được nổi tiếng”; “Tôi làm điều ấy vì nếu không thì tôi sẽ mất mặt và mọi người sẽ nghĩ xấu về tôi, vì vậy tôi bắt buộc phải làm.” Hoặc ta muốn cảm thấy được người khác cần. “Tôi giúp anh vì tôi cảm thấy quan trọng hơn và sẽ được yêu thương hơn.” Những bậc cha mẹ đôi khi cảm thấy còn bổn phận đối với con cái, mặc dầu chúng đã khôn lớn. Tuy nhiên, giúp đỡ người khác để cảm thấy mình cần thiết là một sự lợi dụng.
Khi nhìn vào những hoàn cảnh tái diễn ngoài tầm kiểm soát của mình, những mối liên hệ phiền não và những hậu quả của chúng, ta sẽ quyết tâm muốn giải thoát. “Đủ rồi, tôi phải thoát khỏi cảnh này. Thật là điên đầu. Nó đã tạo ra không biết bao nhiêu là bực bội, lo lắng và căng thẳng.”
Khi quyết định giải thoát, ta cũng muốn thoát khỏi những sự ràng buộc đảo điên với người mà ta đang giúp đỡ. “Tôi sẽ giúp, nhưng không phải để mọi người nghĩ rằng tôi là người tuyệt vời. Tôi biết có nhiều chuyện ngao ngán sẽ xảy ra: “Tôi lo là không biết mọi người sẽ nghĩ gì về tôi; tôi chỉ giúp người khi có ai chứng kiến để họ còn rao tin cho những người khác biết, hoặc để người khác cảm phục tôi; tôi cho tiền hội từ thiện nhưng sẽ không ẩn danh, vì tôi muốn mọi người đều biết. Tôi sẽ ghi tên và số tiền trên một tấm lắc để mọi người biết tôi đã cho bao nhiêu.” Một khi quyết định tìm tự do, ta sẽ thấy điều tai hại của sự suy nghĩ: “Tôi giúp người khác để họ phải lệ thuộc vào mình và tôi sẽ trở nên quan trọng.”. Nếu quyết tâm một cách mạnh mẽ để thoát khỏi các vấn đề, ta sẽ từ bỏ tất cả những dụng tâm thầm kín khi giúp đỡ người khác.
Mặc dù có thể không từ bỏ tức thời được, nhưng ít nhất, ta sẽ nhận thức được việc giúp người vì những lý do điên rồ sẽ gây ra nhiều vấn đề. Cuối cùng thì người kia sẽ oán hận. Họ sẽ nhận ra được dụng ý của mình và đối chất với ta. Điều này có thể giảm thiểu những cố gắng lợi tha của ta. Không chỉ chất vấn về động cơ điên rồ mà cả những hành động lợi tha của mình có thể khiến ta bỏ cuộc trong việc giúp đỡ người khác.
Chúng ta cần dẹp sạch những dụng tâm điên rồ. Cách làm việc này là quyết tâm thoát khỏi mọi sự trầm trọng và giả tạo thường xảy ra khi ta hành động với dụng tâm bất tịnh. Việc phát triển quyết tâm cầu giải thoát để mối quan hệ giữa ta và người khác không bị ô uế vì những động cơ điên rồ là điều rất quan trọng. Dù đó là điều quan trọng, ta có khuynh hướng bỏ qua nó.
Cải Thiện Bản Thân
Mục đích chánh của Phật pháp là giúp ta nhận ra những khuyết điểm để sửa đổi và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của bản thân. Khi cải thiện bản thân, ta tiến bộ bằng cách tu tập một số phương tiện tiệm tiến và sử dụng kinh nghiệm riêng để tự giác. Ví dụ ta có thói quen hay cằn nhằn người bạn đời của mình. “Tại sao ông/bà không làm việc này, tại sao không về nhà, tại sao không gọi điện thoại, tại sao không đem rác ra ngoài, v.v…” Ta biết điều này rất tai hại, vì nó tạo ra nhiều sự căng thẳng trong mối quan hệ. Nó có thể làm cho người phối ngẫu hay con cái của mình trở thành lạnh nhạt hơn, xa cách hơn và họ sẽ nói: “Hãy để tôi yên thân.”. Hoặc nếu người ấy ít nói, họ sẽ không để ý đến ta nữa và trở nên hoàn toàn lạnh nhạt. Lúc đó, ta lại bảo: “Tại sao anh/cô không nói chuyện với tôi nữa, tại sao không làm thế này, tại sao không làm thế kia?” và người ấy càng trở nên lạnh nhạt hơn, khép kín hơn, rồi không về nhà nữa. Điều này tạo ra quá nhiều đau khổ và làm thế nào để chấm dứt nó?
Trước tiên, ta phải biết tự chủ: “Tôi biết không nên nói như vậy và tôi sẽ không nói nữa.”. Ta kiểm soát thật kỹ, nhưng việc này rất khó, nên ta lại bắt đầu cằn nhằn: “Lý trí khuyên tôi không nên cằn nhằn, nhưng tôi không thể làm được, vì tôi không đủ sức để sửa đổỉ.”. Rồi ta giận chính mình. “Thật là kỳ lạ, tôi muốn ngậm miệng lại, nhưng cũng không được.” Trong lúc giận, ta mất bình tĩnh, nên không dễ gì tự chủ hoặc cải thiện vấn đề, vì ta quá bực bội.
Sự nóng giận biến thành tội lỗi: “Không xong rồi! Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi! Thật là thậm tệ! Tôi không nên cằn nhằn. Tôi đã tạo ra một sự xung đột nữa rồi.”. Cảm giác tội lỗi là một điều không may và bất hạnh, khiến ta thấy mình như một đứa trẻ tinh nghịch: “Tôi thật là hư. Hãy xem những gì tôi đã làm. Ba má sẽ không thương tôi nữa.”. Ta cảm thấy mình xấu xa. Càng thấy tội lỗi thì ta lại càng thấy mình hư hỏng và lại càng cảm thấy tội lỗi hơn. Đó là một vòng lẩn quẩn. Khó mà thay đổi được tình thế khi ta cảm thấy tội lỗi dường ấy.
Rồi thì ta đi đến giai đoạn chán nản. “Cãi vã hoài mệt và chán quá. Tôi quá mệt mỏi với cảnh tượng xảy ra khi tôi cằn nhằn và vợ/chồng hay con tôi rút lui với lòng oán hận, họ bảo tôi đừng cằn nhằn nữa. Tôi đã mệt mỏi lắm rồi! Tôi chán ngán rồi! Đủ rồi, tôi phải thoát khỏi cảnh này.”. Đây là những giai đoạn ta phải trải qua để đi đến quyết tâm cầu giải thoát. Khi giận hay cảm thấy tội lỗi, ta không thay đổi được bản thân. Khi nào chán chường lắm, chúng ta mới thay đổi. “Thật là ngu dại!” Đó là lúc ta mới cố thoát khỏi tình cảnh đó.
Nếu chưa trải qua những giai đoạn cải thiện bản thân thì khi giúp đỡ người khác, ta sẽ có khuynh hướng gán cho họ những cảm xúc tiêu cực. Điều này rất bất công. Ví dụ, tôi muốn giúp một người và việc đầu tiên tôi làm là bắt nạt người ấy: “Tôi muốn áp dụng sự tự chủ cho bản thân, nên anh cũng PHẢI thay đổi, anh PHẢI ngưng hành động như thế.”.
Chúng ta thường đối xử với con cái như vậy. Ta bắt nạt chúng dễ dàng, rồi bắt chúng phải nghe lời ta, dưới sự kiểm soát của ta. Đâu có ai muốn được đối xử như trẻ con, nhất là khi họ không phải là con của mình.
Không ai muốn bị bắt nạt để sửa đổi hoặc cải thiện bản thân. Rồi ta lại thúc đẩy người kia: “Anh phải thay đổi, phải đi học, phải tìm việc làm, phải làm việc này, việc nọ.”. Ta còn dùng uy thế để thúc dục một cách mạnh mẽ. Thế là người ấy không nghe lời, hoặc không nhận sự giúp đỡ của ta. Lúc trước, ta đã giận chính mình, bây giờ ta lại quát lên: “Anh thật là kỳ lạ, tôi bảo anh làm như vầy mà anh không chịu. Anh hãy nhìn hậu quả tai hại do chính anh gây ra.” Sự giúp đỡ này không được lý tưởng lắm. Nếu ta giận người khác thì họ cũng sẽ phản đối.
Giai đoạn tiếp theo là ta làm cho người nhận sự giúp đỡ cảm thấy tội lỗi giống như ta đã cảm thấy tội lỗi trước đây. “Anh không nhận thức được những gì tôi đã giúp anh. Hãy nhìn những khó khăn tôi đã trải qua. Ít nhất, anh cũng phải biết như vậy và cố gắng.”.
Sau đó, vì mệt mỏi, ta muốn thoát khỏi vấn đề và khó khăn. Rồi nhìn người kia, ta lại nghĩ: “ Chúng ta phải ra khỏi hoàn cảnh này, chịu hết nổi rồi!”. Ta sẽ trở lại giúp người nọ thoát ra khỏi những vấn đề của họ. Nếu không tự vượt qua nhiều giai đoạn, nhiều kinh nghiệm thì khi giúp người khác, ta sẽ gán những vấn đề của mình cho người nọ. Ta cố gắng thay đổi họ bằng cách đe dọa, giận dữ và làm cho họ cảm thấy tội lỗi. Đây là những chướng ngại lớn trong việc giúp đỡ tha nhân.
Lòng Tự Trọng
Một khía cạnh khác mà ta cần nhận thức rõ khi giúp người là trường hơp có một ai đến nhờ ta giải quyết một vấn đề, họ sẽ kể cho ta nghe chuyện của họ, và sau một thời gian, ta cảm thấy chán, không muốn nghe nữa. Cũng như khi xem truyền hình, nếu có một chương trình không hấp dẫn, ta vặn sang đài khác. Điều này xảy ra vì ta không coi trọng người đó. Trong khi họ đang kể chuyện của họ thì ta nghĩ: “Chương trình này dài quá, nhưng mình đói bụng rồi”, nên ta tắt máy. Ta xem thường người kia, mặc dầu những vấn đề của họ có thật và đang làm cho họ đau khổ. Ta làm như thế vì trước đây, ta cũng xem thường chính mình.
Điều rất quan trọng là xem xét những khó khăn của mình và cố gắng hóa giải chúng. Nếu không làm được như vậy thì làm sao ta có thể xem xét vấn đề của người khác được? Nếu không quan tâm cho hạnh phúc của chính mình thì làm sao ta có thể phát tâm mong muốn cho tha nhân được hạnh phúc?
Lo lắng cho chính mình không có nghĩa là ích kỷ, không có nghĩa là “Tôi phải có một triệu đồng để mua sắm.”. Đúng hơn là ta phải kính trọng bản thân mình như một chúng sinh.
Nhiều người có thái độ và tư tưởng rất tiêu cực về bản thân họ, “Tôi không phải là người tốt, không đáng được sống hạnh phúc, không đáng được thương yêu.”. Vì cảm nhận như vậy nên họ nghĩ: “Nếu tôi không đáng được hạnh phúc thì làm sao anh lại xứng đáng?” Tuy nhiên, nếu họ nhìn vào bản thân mình và nghĩ rằng: “Tôi có Phật tánh, tôi có đủ các yếu tố để giúp bản thân phát triển và trưởng thành để thành Phật, để có thể giúp mọi người. Tôi có một tâm thức, năng lực và khả năng truyền đạt và ở một mức độ nào đó, tôi có thiện tâm. Tất cả những yếu tố này có thể được phát triển. Vì vậy, dĩ nhiên là tôi đáng được hạnh phúc và một đời sống khả quan hơn.”.
Hành động như thế là có cái nhìn nghiêm chỉnh và coi trọng bản thân. Ta chấp nhận rằng: “Tôi xứng đáng được hạnh phúc và thoát khỏi mọi vấn đề.”. Trên cơ sở đó, ta có thể chuyển sự kính trọng sang người khác. Ta thấy họ cũng có khả năng cải thiện, cũng có Phật tánh, có đủ tất cả tiềm năng. Trên cơ sở đó, họ cũng xứng đáng được hạnh phúc, và đáng thoát khỏi mọi vấn đề. Ta đã có cái nhìn nghiêm chỉnh về họ.
Từ Lúc Khởi Đầu
Đây là những điểm rất quan trọng khi phát bồ đề tâm để giúp tha nhân đạt được giác ngộ và lợi tha một cách tối đa. Điều này không có nghĩa là ta không nên giúp người khác ngay từ lúc đầu, là chỉ lo tu tập đến một trình độ thượng thừa rồi mới làm việc này. Trên quan điểm Đại thừa, ta giúp ngay từ lúc đầu, nhưng khi làm, ta không nên nghĩ: ‘‘Tôi có thể bỏ các giai đoạn trước và bắt tay vào việc.”. Trên con đường tu tập, ta luôn giúp tha nhân với tất cả khả năng của mình. Đó là điều thiết yếu trong đạo Phật.
Tuy nhiên, ta nên dành khá nhiều thời gian để phát triển động cơ căn bản hay nền tảng, đó là việc tạo dựng động lực và kinh nghiệm. Nếu không làm như vậy thì khi giúp đỡ người khác, ta sẽ gặp nhiều vấn đề sau này. Chúng ta có thể nghĩ là khi có khó khăn với ai, ta có thể lờ họ đi. Không được đâu! Chúng ta có vô lượng kiếp và ta sẽ luôn luôn gặp lại họ. Hay ta có thể nghĩ mình chỉ cần giúp những người cùng nhóm, cùng lứa tuổi hoặc cùng văn hóa. Không phải thế! Chúng ta đã từng sống ở mọi lứa tuổi, trong mọi nền văn hóa và đã từng là nam hay nữ. Vì thế, ta có thể liên hệ với mọi người.
Ta không nên giúp người khác chỉ vì muốn được mến chuộng, để thấy mình quan trọng và cần thiết đối với người khác. Hãy quyết tâm vượt qua những cách tương tác điên đảo như thế, vì chúng chỉ đem lại những khó khăn cứ tái diễn ngoài tầm kiểm soát. Ta sẽ không dùng uy quyền khi giúp người, hay đe dọa họ phải nghe lời khuyên nhủ của ta. Ta sẽ không giận hoặc làm cho họ có mặc cảm tội lỗi khi họ không theo lời khuyên của ta. Đó là nhờ ta đã trải qua những giai đoạn tu tập như cố gắng tự kiểm soát, giận bản thân mình và cảm thấy tội lỗi, nhưng rồi ta cảm thấy chán nản và quyết tâm giải thoát. Chúng ta đã cương quyết vượt qua những điều này. Khi đã trải qua những giai đoạn ấy, ta sẽ không gán ghép chúng cho người khác.
Trải qua toàn bộ quá trình này, ta sẽ coi trọng bản thân. Chúng ta thừa nhận Phật tánh nơi mình, biết mình có đủ khả năng và yếu tố giúp ta phát triển và giác ngộ, để giúp mọi người. Khi nhìn mình một cách nghiêm chỉnh, ta sẽ tôn trọng bản thân. Trong Phật giáo, tôn kính một người nào không phải là sợ họ. Tôn kính có nghĩa là: “Tôi nhìn bản thân một cách nghiêm chỉnh và phấn khởi. Tôi đáng được hạnh phúc.”. Thế rồi ta cũng kính trọng người khác vì ta biết họ cũng có Phật tánh. “Cho dầu anh hành động như một người ngu xuẩn, tôi vẫn thấy anh có khả năng để trở thành một người đầy lòng nhân ái và sáng suốt. Vì tôi xem trọng những vấn đề của chính tôi, nên tôi cũng xem trọng những vấn đề của anh. Tôi đã đau khổ vì những vấn đề của tôi nên tôi biết anh cũng đang đau khổ vì những vấn đề của anh.”. Thái độ ấy khiến ta làm lợi lạc và giúp đỡ người khác một cách chân thành hơn.
Thấu Hiểu Về Nghiệp
Một vấn đề khác là đôi khi cố gắng giúp người, nhưng không thành công, nên ta nản chí. Một ví dụ đau lòng là ta cố gắng giúp một người trong gia đình và người ấy lại tự tử. Trong hoàn cảnh khủng khiếp này, ta dễ tự trách mình: “Nếu tôi làm như vầy thì đâu có chuyện gì xảy ra.”. Ta có thể nản chí trong tiến trình cố gắng hành xử như Bồ tát. Khi việc không thành công, ta cảm thấy tội lỗi và kinh hoảng đến độ nó có thể trở thành một chướng ngại lớn trên đường tu.
Vấn đề ở đây là ta nghĩ đến những tấm gương không thích hợp. Ta nghĩ mình là Trời, hoặc nên là Trời, và phải có khả năng ngăn chận một việc xấu xảy ra cho người khác. Phật giáo cho rằng đây là điều bất khả dĩ. Không có một đấng toàn năng. Trong vũ trụ chỉ có một số năng lượng cố định và các khoa học gia cũng đồng ý như vậy. Một khía cạnh của năng lượng trong vũ trụ là năng lực hoạt động của chư Phật, đó là tác động giác ngộ mà một vị Phật ban bố cho bất cứ chúng sinh nào. Một khía cạnh khác là năng lượng từ những xung động đi vào tâm thức của con người, nói một cách khác là nghiệp. Nghiệp là những xung động đến với tâm thức từ những thói quen hành động. Vì chỉ có một số năng lượng cố định, một nguồn năng lượng không thể vượt trội nguồn năng lượng khác. Những gì một vị Phật hay Bồ tát có thể làm là cố gắng tạo ảnh hưởng tích cực đối với người nào đó, nhưng không thể ngăn cản họ làm việc gì. Nếu xung động tự sát quá mạnh mẽ trong tâm thức người ấy, thì thế nào họ cũng hành động như vậy.
Một ví dụ rất thú vị xảy ra khi tôi ở Dharamsala, tại Ấn Độ. Trước thư viện tôi làm việc có một con chuột bị rớt trong ống cống. Một người bạn của tôi cứu nó và đặt nó trên mặt đất để nó sống lại. Khi anh ta mới vừa bỏ đi thì có một con diều hâu xà xuống đớp con chuột ngay tức khắc.
Từ ví dụ này, ta không cần nghĩ là ta không thể giúp ai vì những gì sẽ xảy ra do nghiệp của họ. Đừng nghĩ rằng nghiệp là định mệnh. “Con chuột tới số chết thì nó sẽ chết. Không có lý do gì để giúp nó, vì nghiệp của nó là phải chết.” Ta nên cố gắng hết sức. Nếu người được giúp có một số chủng tử hay tiềm năng thì sự giúp đỡ của ta sẽ nối kết với chủng tử đó và ta có thể tạo lợi lạc cho họ. Nhưng nếu họ không có chủng tử thì cũng giống như trường hợp con chuột kia. Ta đã cố gắng cứu nó, nhưng nó vẫn chết.
Giúp người khác cũng vậy. Khi tha thiết muốn làm Bồ tát, ta cố gắng hết sức để giúp họ. Nếu thành công thì tốt, ta không tự chúc mừng và không khoe khoang là mình có lòng nhân từ và rất phi thường. Nhưng nếu không thành công, ta không cần phải cảm thấy tội lỗi, hành hạ hay trừng phạt mình. Ta đã cố gắng hết sức và nếu người kia tiếp nhận sự giúp đỡ thì việc làm đã thành công, nhưng nếu họ không tiếp nhận thì không thể làm gì hơn. Không ai có thể làm vị Trời toàn năng. Chắc chắn rằng chúng ta không phải là Trời. Nếu những xung năng trong tâm người kia quá mạnh thì không ai có thể ngăn cản được hành động của họ.
Ta cần phải thực tế khi giúp đỡ người khác và nhận thức rằng không ai có thể loại bỏ khó khăn của tất cả mọi người. Ta có thể phát triển ước muốn để có khả năng làm việc ấy. Ta thật tâm lo lắng và sẵn sàng gánh trách nhiệm giúp họ. Nếu được thì tốt; nếu không thì ta cũng đã cố gắng hết sức rồi. Ta không cần phải nản lòng.
Mục Đích Giác Ngộ
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng khi chúng ta cầu nguyện: “Nguyện cho con đạt được giác ngộ để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh”, thứ tự của nguyện ước này có một chút bất ổn. Thường thì đối với mình, điều quan trọng dường như là “ nguyện cho con đạt được giác ngộ”. Tại sao? Vì đó là phần thưởng lớn nhất, cao cả nhất và hỷ lạc nhất. Sau cùng thì ta muốn được chức tước cao nhất, điạ vị cao nhất. Nhưng theo sau câu “Nguyện cho con đạt được giác ngộ” là “để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh”, thì giống như có một món thuế nặng nề mà ta phải trả sau đó. Nó không thật sự là điều mà ta muốn làm, nhưng vì muốn được thành Phật, nên ta bắt buộc phải làm như vậy. Ta phải làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Ngài nghĩ là nên nói ngược lại, vì điều cần nhấn mạnh là “Con muốn giúp chúng sinh càng nhiều càng tốt, và để thực hiện điều này, con phải trở thành một vị Phật.”. Điều cần nhấn mạnh là “Tôi muốn giúp đỡ mọi người.”.
Thỉnh thoảng, khi nghĩ về việc làm lợi lạc cho người khác, ta có thể gặp trở ngại vì không thật lòng trong lúc giúp đỡ tha nhân. Ta nói: “Tôi sẽ giúp mọi người vì tôi thương yêu họ” nhưng khi cha mẹ hoặc con cái nhờ ta làm việc gì, ta nạt lại: “Đừng quấy rầy tôi! Tôi đang cố gắng giúp chúng sinh.”. Pháp luyện tâm (lojong) có nói rằng trước hết, ta phải khởi sự giúp bản thân mình, rồi mới đến gia đình, kế đó là những người quanh, v.v… Nói một cách khác, ta cần phải giúp những người gần gũi với mình, chứ không bỏ rơi họ. Thường thì con cái của những người làm việc xã hội không hiểu vì sao cha mẹ chúng chỉ lo giúp những người khác, đến nỗi không có thời giờ cho gia đình của họ. Đó là một điều bất công. Nếu như tuân theo lời dạy của Đức Phật thì chúng ta phải bắt đầu săn sóc cho gia đình mình trước tiên.
Phát tâm bình đẳng không có nghĩa là “Bây giờ, tôi sẽ bỏ bê con cái và chỉ lo cho nguời khác.”, mà có nghĩa là “Chính vì tôi rất yêu thương con cái, nên tôi sẽ trải rộng tình thương đó đến nhiều người hơn nữa. Thay vì có hai đứa con, nay tôi có đến năm, mười, một trăm, một ngàn đứa.”. Ta nới rộng tình thương ấy. Ta không chuyển sự săn sóc và tình thương của mình từ người này sang người khác. Điều quan trọng là chăm sóc những người gần gũi với mình trước, rồi trải rộng điều này đến những người khác như bạn bè, người lạ, những người mình không ưa thích, súc vật và chúng sinh trong tất cả những cõi giới khác nhau.
Phát bồ đề tâm có nghĩa là mở rộng tâm mình. Mở rộng tâm không phải là nhảy vọt từ một con người ích kỷ thành một người thương mến tất cả các chúng sinh. Ta phải đi từ từ, vì làm như thế thì ta sẽ chân thành hơn. Nếu ta nói như vầy thì sẽ không thành thật: “Tôi sẽ tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh”, nhưng lại không săn sóc cha mẹ và con cái của mình. Bồ đề tâm không hề mâu thuẫn với giá trị văn hóa thông thường, xem trọng gia đình, cha mẹ và con cái. Bồ đề tâm xây dựng trên nền tảng đó và dần dần lan rộng thêm.
Đây là những điểm quan trọng cần biết khi chúng ta dấn thân vào con đường Đại thừa, mở rộng tâm đến những chúng sinh khác, chú tâm vào mục đích loại trừ mọi khuyết điểm và thành tựu mọi tiềm năng, để có thể lợi tha một cách tốt nhất. Nếu có thể ghi nhớ những điều này, ta sẽ gặp ít khó khăn hơn trên đường tu.
Vấn Đáp
Nếu đã có kinh nghiệm trong những đời trước thì đời này, ta có thể đốt giai đoạn và đi đường tắt được không?
Được, đó là điều có thể xảy ra. Có hai nhóm hành giả, một nhóm thì phải tu từ từ và một nhóm thì mọi sự xảy ra cùng một lúc. Vì thế nên mới có con đường đốn ngộ và con đường tiệm thứ. Tuy nhiên, rất hiếm có người tu mà mọi việc đều xảy ra cùng một lúc. Trường hợp tích lũy tập khí và bản năng tốt trong những đời quá khứ để giúp cho hành giả đốt giai đoạn trong đời này rất hiếm. Thông thường, vì lười biếng và không muốn mất thời giờ tu tập tất cả các giai đoạn, nên ta tự bào chữa rằng, “Tôi đã đạt nhiều tiềm năng trong những đời trước. Tôi thuộc về một trong vài trường hợp đặc biệt mà mọi việc đồng loạt xảy ra, nên tôi có thể đốt giai đoạn và tu tập ở trình độ cao hơn.”. Ta phải thành thật với chính mình. Rất hiếm có người tích lũy được nhiều tiềm năng tích cực như thế trong tiền kiếp. Tu tập theo đường tu tiệm thứ không có gì tai hại, dù ta không cần phải mất nhiều năm cho từng giai đoạn của đường tu. Một trong những tác phẩm viết về đường tu tuần tự đưa đến giác ngộ có khẳng định là mặc dầu bản năng đã có sẵn, ta nên xác nhận lại điều đó bằng cách tu tập từng bước một cách nhanh chóng, nhưng không đốt giai đoạn, và đó là điều tốt đẹp.
Chúng ta có thể tử tế và có tâm bi mẫn mà không bị lợi dụng hay không?
Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche đã nêu ra một câu xuất sắc, rất thích hợp với câu hỏi này, đó là: “lòng bi mẫn dại dột.”. Đó là lòng bi mẫn không có trí tuệ. Ví dụ như trẻ con thì luôn luôn xin kẹo. Với lòng bi mẫn dại dột, chúng ta sẽ cho chúng kẹo, mỗi khi chúng xin. Hoặc một người điên đến bảo ta: “Đưa cho tôi cây súng, vì tôi muốn giết người.”. Nếu chúng ta nói rằng: “ Vì mình đang thực hành lòng bi mẫn, nên tôi sẽ ông ấy một cây súng.” Đó là lòng bi mẫn dại dột.
Tương tự như vậy, nếu bị người khác lạm dụng mà ta cứ tiếp tục giúp thì đó không phải là cách giúp đỡ họ. Trên thực tế, nó có hại cho sự trưởng thành của họ. Đôi khi, ta cần phải cứng rắn và khắc khe. Nên cho họ những gì họ cần, và điều này có thể là kỷ luật. Họ cần nghe ai nói câu: “Không được”, hoặc cần người nào giới hạn sự đòi hỏi của họ. Ví dụ, một đứa trẻ ngỗ nghịch cần có kỷ luật. Ở phương Tây, có một thế hệ lớn lên với triết lý là không cần kỷ luật. “Hãy để cho trẻ con được tự do, muốn làm gì thì làm.” Thật là một điều tai hại! Những đứa trẻ này cảm thấy không được yêu thương và bất an, vì cha mẹ của những đứa trẻ khác đặt quy luật, nhưng cha mẹ của các em thì lại không. Chúng nghĩ cha mẹ chúng không thương yêu và quan tâm đến chúng, nên không bắt chúng phải theo quy luật. Vì vậy, đôi khi, ta phải nói “Không được”, để tạo giới hạn, chứ không để mọi người lạm dụng. Đây là điều rất quan trọng.
Bi mẫn một cách dại dột không có lợi ích gì. Bi mẫn phải đi đôi với trí tuệ. Đây là điều căn bản trong Phật pháp và đã được biểu hiện trong câu minh chú “ Om Mani Padme Hum”. Mani là “châu báu”, tượng trưng cho lòng bi mẫn, và padme nghĩa là “hoa sen”, tượng trưng cho trí tuệ. Hai điều này đi đôi với nhau.
Đôi khi, cần phải nói “Không được”. Điều này có thể làm tổn thương người khác, vì họ không hiểu. Như vậy có tốt không? Giáo lý về nghiệp có dạy nếu chỉ có chút ít tai hại trong thời gian ngắn, nhưng rất có lợi về lâu về dài thì nên làm điều đó. Dĩ nhiên, tốt nhất là lúc nào cũng tạo ra lợi lạc, nhưng thí dụ như nếu tôi đưa kẹo cho một em bé, dỗ em nín khóc để tôi có thể ngủ thì điều ấy chỉ có lợi tức khắc, nhưng lâu dài thì không tốt. Nó sẽ có hại vì đứa trẻ sẽ bị bệnh vì ăn kẹo thường xuyên. Hơn nữa, đứa bé sẽ được nuông chìu và trở thành hư hỏng. Trong trường hợp này, tốt hơn là để cho nó khóc. Dù việc này có chút ít tai hại và khó chịu trong thời gian ngắn, nhưng sẽ có lợi về mặt lâu dài. Ta cần có trí tuệ để thấy được những điều lợi hại, nhưng đa số các trường hợp đều là lý lẽ thông thường.
Nếu chết yểu, ta sẽ trở thành vợ/chồng của cùng một người trong đời sau không?
Có thể, nhưng không hẳn phải như vậy. Việc này có thể xảy ra nếu quan hệ giữa hai người rất mật thiết. Ví dụ như một gia đình có một đứa con chết sớm. Nếu quan hệ giữa đứa bé với gia đình rất mật thiết, nó sẽ tái sinh như một đứa bé khác trong gia đình ấy. Điều này có thể xảy ra, nhưng nói chung thì nghiệp của một người có nhiều khả năng khác nhau. Vào lúc lâm chung, có nhiều nghiệp khác nhau có thể được khởi động để đưa ta đến những tái sinh khác nhau.
Hơn nữa, chúng ta không chỉ liên hệ với một người như vợ hay chồng, mà có quan hệ với nhiều người trong nhiều đời khác nhau. Những mối liên hệ này thay đổi liên tục. Trong một đời, sự giao tiếp với một người nào đó xảy ra, và quan hệ của chúng ta thay đổi. Vì vậy, sự tiếp nối của mối quan hệ đó không nhất thiết sẽ đồng dạng như là người chồng hay vợ của mình. Do đó, sự quen biết này không hẵn sẽ tiếp tục dưới dạng vợ chồng. Có thể là hai anh chị sẽ trở thành hai con bò cái gặm cỏ bên nhau, hoặc hai con kiến làm việc chung trong một tổ, tùy theo mối liên hệ xảy ra trước đó, và có thể ta sẽ không gặp lại người kia trong kiếp kế tiếp, hay kiếp sau đó nữa, mà cũng có thể là cả ngàn kiếp trong tương lai.
Điều quan trọng là ta phải phối hợp sự hiểu biết về tái sinh với giáo lý căn bản là không có một con người thật sự hiện hữu, một bản ngã hay con người vững chắc. Không phải là tôi sẽ không gặp lại chồng hay vợ tôi, có tên gì đó trong một đời sau. Mỗi người là một sự tương tục – dòng năng lượng tương tục, tâm thức tương tục, khuynh hướng và tập khí tương tục. Trong những kiếp tương lai nào đó, dòng tương tục của hai người sẽ gặp nhau, nhưng không phải là tôi và anh giống như mình trong hiện tại.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm là khi vào một đám đông, ta sẽ thấy một vài người làm ta chú ý. Ta cảm thấy gần gũi, thân thương với họ và muốn nói chuyện với họ. Ngược lại, cũng có những người khác ta chẳng muốn quen biết hoặc liên hệ. Vì sao lại có chuyện này? Đó là vì ta đã có mối liên hệ với người ấy từ tiền kiếp. Chúng ta đã quen biết với hàng triệu, triệu chúng sinh. Có những mối liên quan gần đây hay mật thiết hơn nên tạo ảnh hưởng nhiều hơn. Những mối quan hệ khác có thể không mật thiết bằng, có thể ta đã sinh ra trong cùng một thành phố với họ, nhưng chưa bao giờ gặp nhau.
Một số người đeo tượng Phật để được che chở. Điều này có hiệu quả như thế nào?
Có hai yếu tố liên quan ở đây. Thứ nhất là từ phía tượng Phật. Những tượng Phật này đã được các vị cao tăng ban phép. Có thể là nhiều vị thầy đã tụ họp và trì tụng Om Mani Padme Hum mười triệu lần và thổi vào những tượng Phật này. Một vị cao tăng cũng có thể làm việc này, hay nhập định. Nói một cách khoa học, trì chú hay ngồi thiền làm thay đổi từ trường, năng lượng của những tượng Phật kia, nên chúng có một từ trường tâm linh.
Yếu tố thứ nhì là tín ngưỡng và niềm tin của người đeo tượng Phật, cũng như hành động hay nghiệp mà họ đã tạo ra trước kia. Nếu người ấy có niềm tin rằng điều gì đó có thể che chở cho họ thì niềm tin đó có thể bảo vệ họ. Có thể nó không che chở họ khi có bom nguyên tử, nhưng nó có thể giúp họ khi họ thiếu lòng tin để đương đầu với nghịch cảnh một cách hữu hiệu.
Tôi không biết là nếu một con heo đeo tượng Phật hoặc một sợi dây đã được ban lực gia trì có thể được bảo vệ để khỏỉ bị giết hay không, nhưng nếu một người có tiềm năng để nhận lực gia trì thì điều đó sẽ xảy ra. Hai yếu tố đều cần thiết, giống như hai mẫu hình của trò chơi ráp hình sẽ ăn khớp với nhau. Xin cảm ơn.