Phát Bồ Đề Tâm Và Áp Dụng Vào Việc Tu Tập

Lòng Từ

Lòng từ là thái độ mong muốn tất cả chúng sinh được hạnh phúc, là điều được gọi là lòng từ ái. Tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, nhưng hầu hết mọi người không thật sự biết cách để được hạnh phúc, nên mới rơi vào hoàn cảnh khó khăn, những tình huống tái diễn một cách bất tự chủ, chỉ liên quan đến rất nhiều vấn đề, nên không có được hạnh phúc mà họ mong muốn. Do đó, điều rất quan trọng là phát triển cảm giác mạnh mẽ, mong muốn người khác được hạnh phúc. Cách mà tu tập là trước tiên, hãy nghĩ về việc mong muốn bản thân được hạnh phúc, sau đó là mong muốn cho mẹ của mình được hạnh phúc, cha mình được hạnh phúc, và rèn luyện ý tưởng ngày càng xa hơn, nới rộng đến bạn bè, kẻ thù, và sau đó, mong muốn tất cả chúng sinh được hạnh phúc. Đây là cách mà bạn sẽ thiền quán về lòng từ.

Quyết Tâm Phi Thường

Thêm vào đó, cần phải phát triển ý thức về trách nhiệm phổ quát, mà bạn cảm thấy mình sẽ gánh trách nhiệm và cảm thấy rằng: “Tôi sẽ làm điều gì để mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề của tất cả chúng sinh, và đưa họ thoát khỏi bất cứ tình huống khó khăn nào.”. Phải có tâm trạng rất là mạnh mẽ này, gọi là quyết tâm phi thường, mà bạn quyết tâm sẽ tự mình thực hiện điều đó.

Bồ Đề Tâm

Ngay cả khi phát triển quyết tâm phi thường này, mà ta cảm thấy rằng: “Tôi sẽ đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Tôi sẽ đoạn trừ khó khăn của tất cả chúng sinh”. Tuy nhiên, khi tự quán sát bản thân, thì ta thật sự không có khả năng làm việc này. Chúng ta thật sự không thể đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Chúng ta thật sự không thể giải quyết vấn đề của chúng sinh. Nếu như tự hỏi ai có khả năng làm điều này, thì chỉ người nào có tâm toàn tri và giác ngộ viên mãn, người đã thành tựu mọi tiềm năng của mình, cụ thể là một vị Phật, mới làm được điều đó. Vì vậy, nếu thành tựu được Phật quả, thì ta mới có khả năng giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách trọn vẹn.

Đây là điều mà chúng ta thật sự có thể đạt được, trên cơ sở của kiếp người quý báu, mà mình có được. Chúng ta có thể trở thành một vị Phật giác ngộ viên mãn. Do đó, thái độ mà mình sẽ hết lòng dấn thân vì tha nhân, và thành tựu Phật quả, để có thể giúp đỡ mọi người được gọi là bồ đề tâm. Một khi bạn thật sự phát triển thái độ của lòng dấn thân, mong muốn thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, thì những lợi lạc lớn lao sẽ theo sau.

Lợi Ích Của Việt Phát Bồ Đề Tâm

Người ta nói rằng việc phát bồ đề tâm dù chỉ trong một sát na, sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn nhiều, so với việc cúng dường cả thế giới đầy châu báu, vàng bạc và kim cương cho Đức Phật. Nếu bạn chỉ đơn giản cúng dường một bông hoa với bồ đề tâm, cảm thấy mình đang làm điều này để thành tựu giác ngộ, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thì vì bạn đang làm việc đó với chủ ý vì lợi ích của tất cả chúng sinh, nên công đức được tích tập bằng tâm nguyện này sẽ tương xứng với mục tiêu ấy. Nó có kích thước tương đương với tất cả chúng sinh.

Tái Khẳng Định Bồ Đề Tâm

Buổi sáng, khi thức dậy thì trước tiên, bạn sẽ cảm thấy mình may mắn biết bao nhiêu, khi đã không chết trong buổi tối, rằng mình đã tỉnh dậy, và vẫn sống còn, rồi thì bạn sẽ phát nguyện trong suốt cả ngày, với cảm giác là: "Dù có làm những việc thiện nào, nguyện cho điều này tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh”, thì bất cứ thiện nghiệp nào mà bạn tạo tác trong ngày, sẽ được chuyển tải bằng năng lượng tích cực này, và lời hồi hướng của mình vào buổi sáng. Ngay cả khi bạn không có ý tưởng này vào những thời điểm khác trong ngày, thì cả ngày của bạn vẫn trôi qua với nguồn năng lượng tích cực tuyệt vời mà bạn đã tích tập, với tác ý mạnh mẽ vào buổi sáng. Vì vậy, việc có bồ đề tâm làm động lực là điều vô cùng quan trọng.

Vào cuối ngày, nên kiểm điểm hành vi của mình, mọi việc bạn đã làm trong ngày, chẳng hạn như, nếu bạn đã hành xử rất tích cực và xây dựng trong ngày, thì nên rất hoan hỷ về điều đó. Sau đó, nên hồi hướng công đức mà ta đã tích tập được nhờ điều này, cho thành tựu giác ngộ của mình, và cho khả năng giúp đỡ tất cả chúng sinh. Nên hồi hướng công đức cho lợi lạc của tất cả chúng sinh. Sau đó, khi đi ngủ, cũng nên có tác ý mạnh mẽ rằng: “Ngày mai, tôi cũng sẽ hành động rất tích cực. Tôi cũng sẽ tu tập để hướng về giác ngộ. Tôi sẽ làm việc để làm lợi lạc tất cả chúng sinh.". Nếu như bạn đi ngủ với thái độ này, thì một lần nữa, năng lượng tích cực này sẽ tiếp diễn trong suốt thời gian bạn ngủ, và đó cũng là điều tích cực.

Nếu như hồi hướng tất cả công đức mà mình đã tích tập như thiện căn, để nó sẽ trổ quả như thành tựu giác ngộ, thì công đức này sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi mình đạt  giác ngộ. Nó sẽ là điều gì tồn tại lâu dài và không cạn kiệt, cho đến khi mình đạt được mục tiêu mà việc hồi hướng công đức nhắm vào, cụ thể là tâm giác ngộ của mình, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, đã được thành tựu. Điều quan trọng là phải hồi hướng công đức một cách rất sâu rộng như vậy.

Hai Giai Đoạn Của Bồ Đề Tâm

Bồ đề tâm có hai cấp độ. Khi bạn đơn thuần ước nguyện hay khao khát để thành tựu giác ngộ như một vị Phật, để có thể phổ độ tất cả chúng sinh, thì đó là bồ đề tâm nguyện. Có cả hai loại, một loại bồ đề tâm nguyện, và một loại bồ đề tâm hành.

Loại bồ đề tâm hành là tâm trạng mà bạn cảm thấy nó không chỉ đơn giản là tâm nguyện đạt được giác ngộ, để làm lợi lạc tất cả chúng sinh, mà bạn phải dấn thân tu tập tất cả những pháp tu của Bồ tát, để đưa mình đến quả vị giác ngộ này. Bạn sẽ toàn tâm toàn ý dấn thân vào các pháp tu, để đưa mình đến giác ngộ, và những hành trì sẽ tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Chúng được viết tắt như cái gọi là Lục độ ba la mật, hay sáu hạnh hoàn hảo, và bốn cách để trở thành người có ảnh hưởng tích cực đối với tha nhân. Thái độ mà bạn muốn rèn luyện bản thân trong tất cả những điều này được gọi là bồ đề tâm hành.

Một ví dụ để hiểu sự khác biệt giữa hai loại bồ đề tâm này, chẳng hạn như, nếu bạn nghĩ về việc đi Ấn Độ, thì việc chỉ đơn thuần muốn đi đến đó là bồ đề tâm nguyện. Nhưng chỉ muốn đi Ấn Độ thôi thì chưa đủ. Bạn còn phải thực hiện những bước để đạt được điều đó. Bạn phải xin giấy thị thực (visa), bạn phải mua vé máy bay, đặt chỗ, v.v..., và khi tham gia vào quá trình này, thì nó cũng giống như bồ đề tâm hành.

Bố Thí

Đối với cách rèn luyện thái độ này, thì trước tiên là phát tâm bố thí. Tâm bố thí là thái độ mà bạn sẵn sàng trao tặng mọi thứ cho người khác. Bất kỳ thứ gì mà mình có được trong kiếp này, mà chúng ta hưởng thụ, tất cả tài sản của mình, vân vân, tất cả những thứ này đều là kết quả của hạnh bố thí mà mình đã thực hành trong những kiếp trước. Nói chung thì có rất nhiều đối tượng mà bạn có thể bố thí. Bạn có thể cúng dường phẩm vật cho chư Phật, và tương tự như vậy, bạn có thể bố thí những thứ mà người khác đang cần, chẳng hạn như người bệnh, người nghèo và người thiếu thốn. Chẳng hạn như bạn có thể bố thí cho người nào đang trong hoàn cảnh rất khó khăn, và có thể bố thí cho họ điều gì rất dễ chịu.

Có một ví dụ về tiền kiếp của Đức Phật, khi có một con hổ cái đang đói khát, đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn với đàn con, và trong tiền kiếp ấy của Đức Phật, Ngài đã sẵn sàng hy sinh thân mình để nuôi con hổ đói. Xét cho cùng, thân thể của mình là điều mà chúng ta trân quý nhất, và Đức Phật đã có tâm bố thí quảng đại đến mức Ngài đã sẵn sàng để cho con hổ cái ăn thịt. Đây là một câu chuyện được biết rất rộng rãi.

Trì Giới

Ba la mật thứ hai là trì giới nghiêm ngặt, và điều này nói về giới luật, chẳng hạn như không sát sanh, cướp đi mạng sống của những sinh vật hay chúng sinh khác, và không tạo tác bất cứ điều gì trong thập ác. Trì giới là như vậy. Nếu không trì giới, thì không có cách nào để tái sinh làm người hay một vị Trời. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải giữ giới nghiêm ngặt, nếu muốn tiếp tục có một tái sinh tốt.

Nếu như tu hạnh bố thí mà không trì giới, thì kết quả của việc này không phải là tái sinh làm người, mà là tái sinh làm một con thú, có nhiều của cải vật chất, chẳng hạn vậy. Nhờ hạnh bố thí, bạn sẽ có của cải vật chất, nhưng vì không có giới luật và đạo đức, nên bạn không được tái sinh làm người, mà phải làm súc sanh, và có nhiều thú vật đã tích trữ rất nhiều của cải.

Nhẫn Nhục

Điều thứ ba là tu hạnh khoan dung và nhẫn nhục, như một tập khí ích lợi. Nếu không có lòng khoan dung và nhẫn nại, thì bạn sẽ nổi giận, và tâm sân sẽ tiêu hủy bất kỳ công đức nào mà bạn đã tích lũy. Bạn đang tích tập công đức, nhưng khi tức giận, thì nó sẽ tiêu hủy mọi công đức, chẳng hạn như khi đưa một cuồn phim không được che kín vào máy rọi quang tuyến X ở sân bay, thì nó sẽ xóa hết phim. Một khi bạn tức giận, thì rất khó bình tĩnh lại ngay lập tức, nhưng nên nghĩ về những điều bất lợi gì sẽ xảy ra sau khi tức giận, để không mất bình tĩnh.

Có một vài loại người có những tập khí và bản năng mà họ đã tạo dựng trong quá khứ, nên có xu hướng mạnh mẽ là luôn luôn không vui, buồn khổ, mất bình tĩnh và tức giận. Có những vấn đề như vậy, có những người tức giận đến nỗi lúc nào cũng mất bình tĩnh. Những điều này có xảy ra. Nếu như tình huống này phát sinh, khi bạn luôn tức giận và bực bội trong hoàn cảnh nào đó, khi gặp một loại người hay đối tượng nào đó, hay bất cứ điều gì luôn khiến cho bạn phiền phức, thì đôi khi, việc rời khỏi nơi đó, và tránh xa bất cứ điều gì luôn làm cho bạn tức giận là điều rất hữu ích. Việc không tiếp xúc với điều luôn làm cho mình tức giận có thể giúp bạn khắc phục tính khí sân hận như vậy, và là điều rất hữu ích.

Tương tự như vậy, có nhiều nguyên nhân làm cho bạn tức giận, và tốt nhất là không nên nghĩ về điều đó. Tốt nhất là không nên tìm tòi và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân làm cho mình tức giận, mà tốt nhất là nên quên nó đi, và đừng để ý đến nó nữa. Lý do là khi có nhiều hình thức học hỏi, và nếu bạn không nghĩ về nó, thì sẽ quên đi những gì bạn đã học, và tương tự như vậy, khi không nghĩ về tâm sân hận, thì bạn sẽ quên nó đi.

Nếu có thể khắc phục cơn giận theo cách này, để không bao giờ nổi giận, không bao giờ mất bình tĩnh trong mọi tình huống, thì bạn sẽ thấy mọi người sẽ yêu thích và ngưỡng mộ bạn, và nói rằng: "Người này thật tuyệt vời, vì chẳng bao giờ mất bình tĩnh.". Nếu bạn không kềm chế được cơn giận, mà luôn luôn cố chấp, thì sẽ thấy mình nổi giận, chỉ vì điều nhỏ nhất. Nếu người nào nói với bạn rằng: “Bạn có cái mũi nhìn tiếu lâm”, thì bạn sẽ nổi giận ngay lập tức.

Nếu như bạn nổi giận, thì không thể duy trì sự hài hòa với người khác, rồi không thể hoàn thành bất cứ điều gì mà bạn muốn làm. Nếu như muốn hoàn thành mục tiêu, thì bạn phải có mối quan hệ hài hòa với những người xung quanh, nhưng sẽ không bao giờ đạt được điều đó, nếu cứ tức giận với người khác. Nếu có thể hòa hợp với các cộng sự, thì bạn có thể thành tựu những điều lớn lao. Bạn sẽ xây dựng được năng lực làm việc hữu hiệu với người khác, nếu có quan hệ hòa thuận với họ.

Tinh Tấn

Ba la mật kế tiếp là tinh tấn với lòng nhiệt tình tích cực, đó là cảm giác tinh tấn, nhiệt tình và hạnh phúc khi làm điều gì tích cực. Nếu như chỉ làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực vì những vấn đề bình thường, thế tục, thì không được gọi là nhiệt tình tích cực. Nếu bạn bỏ rất nhiều công sức và nỗ lực vào việc tu tập, thì mới được gọi là nhiệt tình tích cực.

Đối ngược với tinh tấn là giải đãi lười biếng. Có ba loại giải đãi khác nhau. Trước tiên, có loại giải đãi vì thối chí. Chẳng hạn như khi bạn xem xét tất cả những công hạnh kỳ diệu của chư bồ tát, như cho chúng sinh ăn thịt của mình, v.v..., và cảm thấy thiếu sót rằng: “Tôi không thể làm những việc như vậy”, thì điều đó được gọi là cảm giác thối chí. Đó là một cách giải đãi, và là một cách lười biếng, bởi vì nếu bạn rèn luyện và tu tập, thì có thể đạt đến mức có thể làm những việc như vậy.

Sau đó, loại giải đãi thứ hai là bỏ cuộc, đó là khi mới bắt đầu làm điều gì tích cực, thì bạn sẽ làm việc như một kẻ cuồng tín trong một vài tuần hay một tháng đầu, rồi sau đó lại không hoàn thành những điều mình muốn, và bỏ cuộc. Đây là một hình thức lười biếng, và điều quan trọng là không nên có thái độ đó, mà phải kiên trì với nỗ lực đều đặn, không bỏ cuộc.

Hình thức giải đãi tiếp theo là trì hoãn, luôn gác lại mọi việc đến ngày hôm sau. Bạn cảm thấy “Ta sẽ làm việc ngày mai, hay ngày sau đó”, và cứ bỏ qua hoài. Đây là một thái độ vô cùng yếu ớt. Nếu như một người lười biếng, thì rất khó phát huy những phẩm chất tốt đẹp, để có thể học hỏi, hay thông thạo bất cứ điều gì. Bản chất lười biếng có vẻ là điều gì không một lỗi lầm lớn, nhưng thật ra, đó là một điều vô cùng tiêu cực, vì nó khiến cho mình lãng phí cuộc đời. Vì vậy, việc phát triển một thái độ nhiệt tình là điều vô cùng quan trọng.

Trong quá khứ, có một vị đạo sư vĩ đại tên là Dromtonpa, là hóa thân của Dức Quán Thế Âm (Chenrezig hay Avalokiteshvara). Ngài đã hết lòng tận tụy với một vị thầy, và phụng sự ông một cách rất chân thành, vị đạo sư đó được gọi là Setsunpa. Cách ngài tu tập là sẽ dùng chân để làm mềm tấm da thú của thầy, dùng tay để khuấy sữa, và dùng lưng ngả tới ngả lui để làm sữa chua. Trong khi đang làm tất cả những việc này, thì ngài sẽ để sách kế bên để học, với sự nhiệt tình và tinh tấn. Ngài sẽ dùng chân dậm lên tấm da thú, để làm cho nó mềm. Nếu bạn muốn làm cho da thú mềm, thì phải dùng chân dậm lên nó. Ngài sẽ dùng tay để khuấy sữa, và dùng lưng ngả tới ngả lui để làm sữa chua. Khi A-đề-sa đến Tây Tạng và gặp Dromtonpa, thì đã hỏi thăm về những gì ngài đã làm trong quá khứ, và Dromtonpa giải thích điều này. Rồi A-đề-sa nói rằng: "Trong số tất cả những pháp tu mà ông đã thực hiện, thì điều tích cực nhất là việc phụng sự đạo sư, những việc như vậy.".

Nếu bạn là một người rất có khả năng, thì có thể làm tốt cả hai loại hoạt động thế tục và tâm linh, nhưng nếu là người không có đủ khả năng, thì bạn không thể làm được. Do đó, tôi rất vui, khi thấy những người như quý vị, những người có công ăn việc làm vào ban ngày, buổi tối thì đi nghe thuyết Pháp, và tham gia những sinh hoạt về mặt tâm linh. Điều này khiến cho tôi rất vui.

Thiền Định

Ba la mật tiếp theo là thiền định. Phải phát triển định tâm vững chãi. Điều cần thiết là có một phương pháp để làm tĩnh tâm, và điều này được thực hiện bằng cách tập trung vào một đối tượng. Nếu đã chọn đối tượng nào, thì bạn sẽ thiền định và chú tâm vào đối tượng đó. Nên chọn đối tượng một cách cẩn thận, và khi đã có đối tượng nào, thì đừng thay đổi nó, mà hãy cố gắng chú tâm vào đó. Nếu tu tập đúng cách, thì bạn có thể đạt được tâm định tĩnh (shamatha), với đại định trong vòng sáu tháng.

Khi bắt đầu hành thiền, hay cố gắng tạo dựng những tập khí ích lợi cho tâm thức, bằng cách tập trung tinh thần, thì nên có những thời thiền rất ngắn, nhưng thường xuyên. Chẳng hạn như nên có 18 thời thiền ngắn trong một ngày, thì việc tu tập sẽ tiến triển tốt đẹp. Chúng ta thực hiện đủ các pháp trì tụng về chư Hộ Phật, cố gắng có được linh kiến về các ngài, và viên thành vị Hộ Phật ấy, nhưng lại không thành công. Lý do mà mình không thành công, là vì không có tâm định tĩnh. Chúng ta không có định tâm. Bạn sẽ cố trì tụng một chuỗi OM MANI PADME HUM, và tuy thân ta ở đó, nhưng tâm thì tán loạn khắp nơi trong suốt thời trì tụng.

Có một người luôn không nhớ việc họ đang làm là gì. Anh ta sẽ quên những việc kinh doanh, và khi điều này xảy ra, anh sẽ nói với mọi người rằng: "Hãy đợi một chút, tôi sẽ ngồi xuống cầu nguyện, thì sẽ nhớ ra những việc phải làm." Điều quan trọng là phải rất mạnh mẽ và quyết tâm rằng bạn sẽ trì tụng một chuỗi OM MANI PADME HUM, chẳng hạn vậy, và trong suốt thời gian đó, sẽ không để cho tâm trí lang thang chút nào, và nếu có thể làm được điều này, thì bạn sẽ gặt hái nhiều lợi lạc to lớn từ pháp tu này.

Nếu có thể phát triển định tâm, thì bạn có thể hướng tâm vào bất cứ việc tích cực nào mà mình muốn nỗ lực thực hiện. Nếu có thể phát triển định tâm, thì dựa vào cơ sở đó, bạn sẽ phát triển thần thông. Bạn sẽ không có được thần thông, trừ khi thành tựu định tâm.

Nếu có thể phát triển định tâm, thì giống như có một chiếc máy bay tuyệt vời theo ý của mình. Bất cứ điều gì tích cực mà bạn muốn dụng tâm để thực hiện, thì tâm sẽ hướng vào điều đó với mãnh lực và năng lượng tuyệt vời, và khi muốn hướng tâm vào nơi nào, thì nó chỉ duy trì ở đó, và trở nên bất động.

Ngay cả khi đã phát triển định tâm, thì một mình nó vẫn chưa đủ. Ngoài ra, bạn còn phải phát triển minh sát tuệ, vipashyana, bởi vì tâm trí của bạn phải có cả hai yếu tố định và tuệ, hướng về tánh Không.

Trí Tuệ

Phải phát triển trí tuệ, thì bạn mới chứng ngộ được thực tại, tức tánh Không, sự vắng mặt của tất cả những cách hiện hữu trong ảo tưởng, và điều này sẽ dẫn đến đến ba la mật thứ sáu, đó là ba la mật trí tuệ. Trí tuệ này là ý thức mà nhờ đó, bạn sẽ chứng ngộ rằng không có cái gọi là bản thể chân thật về tự thân, hay bất cứ bản ngã nào.

Khi nói như vậy, thì bạn nên hiểu rằng điều được bác bỏ là một ảo tưởng, cụ thể là người khác, hay bản thân bạn có một bản thể chân thật, có thể được tìm thấy, nhưng nó không phủ nhận là có những người, hay một bản ngã nói chung. Nó chỉ phủ nhận là có một bản thể cụ thể, chân thật, có thể được tìm thấy.

Điều rất quan trọng là cố gắng phân biệt một cách chính xác hai loại “tôi”; có hai loại "tôi" sẽ xuất hiện, cái "tôi" hay tự ngã sẽ xuất hiện. Có một tự ngã chỉ là cái ngã quy ước thông thường, rồi có một tự ngã hoàn toàn ảo tưởng, và phải được bác bỏ; và nếu không phân biệt hai điều này một cách cẩn thận, thì bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

Cái tôi quy ước là bản ngã chỉ quay qua quay lại. Tôi ăn, tôi đi bộ, tôi làm những điều tiêu cực, nên mới gặp rắc rối. Tôi làm những điều tích cực, và cảm thấy hạnh phúc. Đó chỉ là cái “tôi” thông thường. Đó là bản ngã quy ước. Tuy nhiên, ngoài ra còn có một cái “tôi” được tưởng tượng ra, là cái “tôi” tồn tại một cách cụ thể từ chính phía nó. Nó không chỉ tồn tại như điều gì được quy gán trên các uẩn trong kinh nghiệm của bạn, mà dường như nổi bật một mình, độc lập với tất cả những pháp khác. Đó là ảo tưởng, và là điều phải được bác bỏ; nhưng không phải là cái “tôi” quy ước thông thường, tôi đi vòng quanh và làm các việc.

Do đó, trên cơ sở của kiếp người quý giá, nên cố gắng phát triển trí tuệ lãnh hội rằng không có điều gì gọi là bản thể chân thật, có thể được tìm thấy, v.v... Tương tự như vậy, cũng nên cố gắng phát bồ đề tâm, dấn thân vì tha nhân và thành tựu giác ngộ, và có tấm lòng nhân hậu, và nồng nhiệt đối với người khác. Đây là những điều ta nên cố gắng thực hiện, dựa trên nền tảng của kiếp người quý giá.

Nếu như có được trí tuệ chứng ngộ tánh Không, khi mà tất cả những cách hiện hữu trong ảo tưởng đều vắng bóng, thì bạn có thể loại bỏ mọi vấn đề, và thoát khỏi mọi khó khăn. Nhưng nếu như ngoài điều này ra, mà bạn còn có bồ đề tâm, thì sẽ có khả năng thành tựu Phật quả. Một khi đã có được kiếp người quý giá, thì nên cố gắng hết sức, để tu tập hai điều này.

Lời Khuyên Cuối

Nếu chỉ sử dụng đời sống để chạy theo vật chất, và không ngừng tích lũy càng ngày càng nhiều của cải vật chất trong kiếp này, thì bạn sẽ không bao giờ thấy đủ, và sẽ luôn cảm thấy bất toại nguyện. Do đó, điều rất quan trọng là phải hài lòng với những gì mình có, và không phải lúc nào cũng tìm cầu nhiều hơn nữa, mà không biết dừng lại. Nên tri túc, biết đủ. Nếu như không biết tri túc, thì ngay cả khi có được tài sản của cả thế giới, bạn vẫn cảm thấy điều đó chưa đủ, và muốn có nhiều hơn nữa.

Nếu có một số thức ăn mà bạn nghĩ là rất ngon, và rất thích nó, nhưng không biết khi nào là đủ, thì bạn sẽ ăn quá nhiều, rồi cảm thấy khó chịu, và nôn mửa. Nên học cách hài lòng, biết toại nguyện, tri túc, có ý tưởng giúp đỡ tha nhân, đừng bao giờ làm tổn thương người khác, và cố gắng tu tập hết mình, để có lòng nhân hậu, và trì tụng OM MANI PADME HUM. Cách tu tập như vậy sẽ giúp cho cuộc sống của bạn đầy ý nghĩa. Đừng lãng phí đời sống của mình, chỉ để hoàn thành những điều nhỏ nhặt, mà hãy cố gắng hoàn thành điều gì rất cao cả.

Hãy tu tập để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai. Thật ra thì điểm chính của việc tu tập là luôn có tấm lòng nhân hậu, để luôn vui vẻ với người khác. Bất cứ khi nào gặp ai, thì bạn hãy vui vẻ, hài lòng và luôn luôn tử tế; đây mới là điểm chính. Đừng bao giờ có ý tưởng muốn làm tổn thương hay làm hại ai. Hãy đoạn trừ mọi ý tưởng xấu xa, và phát triển ý tưởng tốt lành, ước muốn giúp đỡ người khác, đây là những điểm chính của việc tu hành.

Nếu tu tập như vậy vì tha nhân, và đưa họ đến quả vị cao cả, thì bạn sẽ thấy chính bản thân mình sẽ thành tựu giác ngộ. Chính bạn sẽ thành Phật trước. Chẳng hạn, nếu như bạn đang rèn luyện, để có được những đức tính tốt, có học thức và uyên bác, thì trước tiên, chính bạn sẽ trở thành một quan chức lớn. Sau khi đã đạt được địa vị có thế lực, thì bạn có thể giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu. Do đó, điều quan trọng là phải phát bồ đề tâm, để giúp đỡ tha nhân, và phát huy tiềm năng của mình một cách trọn vẹn, để có khả năng thực hiện điều này, nên hãy xem lòng tận tụy này như pháp tu cơ bản của mình. Nếu như mỗi ngày, bạn có thể liên tục làm mới động lực bồ đề tâm, luôn tận tụy hết lòng vì tha nhân, để đạt được tiềm năng trọn vẹn của mình, và luôn luôn mong muốn tất cả chúng sinh thoát khổ và được hạnh phúc, thì đó là điều vô cùng ích lợi.

Khi lắng nghe về chỉ giáo về lòng từ và bồ đề tâm, thì nên xem đó là lời khuyên cá nhân, là điều mà bạn nên cố gắng phát triển ngay bây giờ. Không nên xem nó như điều gì mình sẽ thực hành trong tương lai, điều gì rất tiên tiến, mà bạn sẽ không bao giờ đạt được. Chẳng hạn như lần đầu tiên đi học, thì ngay sau khi đến trường, bạn sẽ bắt đầu học cách viết bảng chữ cái, khởi đầu với chữ A. Từ đó, bạn sẽ tiến bộ, nên với cùng một ví dụ, nên khởi sự từ đầu, để hết lòng vì tha nhân, và thành tựu tiềm năng viên mãn của mình. Nếu như cứ phát bồ đề tâm nhiều lần theo cách này, thì bạn sẽ tạo dựng nó như một tập khí ích lợi trong tâm thức, và bồ đề tâm sẽ phát sinh một cách tự nhiên, để trở thành yếu tố rất ổn định. Vì vậy, nên cố gắng thay đổi thái độ của mình về tự thân và tha nhân. 

Top