Tu Tập Bồ Đề Tâm

Bồ Đề Tâm Nguyện Và Bồ Đề Tâm Hành

Chư Bồ tát là những người có bồ đề tâm (byang-sems) – một tấm lòng hoàn toàn hướng về tha nhân và đạt được giác ngộ, để tạo lợi lạc cho chúng sinh một cách trọn vẹn nhất. Có hai cấp độ bồ đề tâm:

  1. Tâm nguyện (smon-sems)
  2. Tâm hành ('jug-sems)

Bồ đề tâm nguyện là ước nguyện mạnh mẽ để khắc phục những khiếm khuyết và chứng ngộ tiềm năng của mình, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Bồ đề tâm hành có nghĩa là dấn thân vào những pháp tu sẽ đưa mình đến mục tiêu này, và thọ bồ tát giới để kềm chế những hành vi tạo ra bất lợi cho việc tu tập. Sự khác biệt giữa hai cấp độ này tương tự như giữa việc mong muốn trở thành bác sĩ, và thật sự vào trường y khoa.

Bồ Đề Tâm Nguyện Và Cam Kết Đơn Thuần

Chúng ta có thể phát bồ đề tâm nguyện, bằng cách tham dự một buổi lễ đặc biệt. Tuy nhiên, việc này không đòi hỏi việc thọ Bồ tát giới.

Bồ đề tâm nguyện có hai giai đoạn:

  1. Chỉ có ước nguyện thành Phật, vì lợi lạc của tha nhân  (smon-sems smon-pa-tsam)
  2. Cam kết không bao giờ từ bỏ mục tiêu này, cho đến ngày thành tựu nó (smon-sems dam-bca'-can).

Nhờ có lòng cam kết với bồ đề tâm, mà ta sẽ hứa tu tập năm hành vi, là những điều giúp cho lòng quyết tâm này không bao giờ biến mất. Việc phát triển lòng ước nguyện đơn thuần thì không liên quan đến lời hứa này. Bốn pháp tu đầu tiên sẽ giúp cho lòng quyết tâm của bồ đề tâm không suy giảm trong kiếp này. Pháp tu thứ năm giúp cho mình không mất đi quyết tâm trong những kiếp tương lai. 

Bốn Pháp Tu Để Giúp Cho Sự Phát Triển Của Bồ Đề Tâm Không Suy Thoái Trong Kiếp Này

  1. Mỗi ngày và đêm, hãy nhớ đến những lợi điểm của động lực bồ đề tâm. Khi phải chăm sóc cho con cái, thì ta sẽ vượt qua sự mệt mỏi và tận dụng sức lực của mình, thì cũng giống như vậy, khi động lực chính trong đời sống là bồ đề tâm, thì ta sẽ vượt qua tất cả những khó khăn một cách dễ dàng, và sử dụng tất cả tiềm năng của mình.
  2. Khẳng định lại và củng cố động lực này bằng cách hướng lòng về giác ngộ và chúng sinh ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm.
  3. Nỗ lực để tích tập hai bồ công đức và trí tuệ. Nói cách khác là giúp đỡ chúng sinh một cách hiệu quả nhất, và thực hiện điều này bằng trí bát nhã về thực tại càng nhiều càng tốt.
  4. Đừng bao giờ từ bỏ việc cố gắng giúp đỡ bất cứ ai, hay ít nhất là mong muốn có khả năng làm điều đó, cho dù người đó có khó khăn đến mức nào.

    Tu Tập Để Không Mất Bồ Đề Tâm Trong Những Kiếp Tương Lai

    Điểm thứ năm cho việc tu tập đòi hỏi mình phải đoạn trừ bốn loại hành vi mờ ám (nag-po'i chos-bzhi, bốn hành động "đen") và thay vì vậy thì áp dụng bốn hành vi sáng sủa (dkar-po'i chos-bzhi, bốn hành động "trắng"). Trong mỗi bộ trong bốn bộ sau đây thì loại hành vi đầu tiên là hành vi mờ ám mà mình sẽ cố gắng chấm dứt, và loại thứ hai là hành vi sáng sủa mà mình sẽ cố áp dụng.

    1. Đừng bao giờ lừa dối đạo sư, cha mẹ hay Tam Bảo. Thay vì vậy thì hãy luôn luôn trung thực với họ, đặc biệt là về động lực và nỗ lực của mình để giúp đỡ người khác.
    2. Đừng bao giờ phạm lỗi hay khinh thường chư Bồ tát. Vì chỉ có chư Phật mới biết chắc ai thật sự là bồ tát, nên thay vì vậy thì hãy nhìn mọi người một cách thanh tịnh như thầy của mình. Ngay cả khi người ta cư xử một cách thô lỗ và ghê tởm, thì họ vẫn dạy cho mình đừng bao giờ hành xử như vậy.
    3. Đừng bao giờ khiến cho người khác phải hối tiếc về điều gì tích cực mà họ đã làm. Nếu như người nào  đánh máy một lá thơ giùm mình, mà đã viết sai nhiều chỗ, và mình hét lên vì phẫn nộ, thì họ có thể không bao giờ muốn giúp mình nữa. Thay vì vậy thì hãy khuyến khích người khác làm những việc tích cực, và nếu như họ sẽ tiếp thu ý kiến của mình, thì hãy khuyến khích họ tu tập để khắc phục những khiếm khuyết, và chứng ngộ tiềm năng của họ, để tạo ra nhiều lợi lạc hơn cho mọi người.
    4. Đừng bao giờ ra vẻ đạo đức giả, hay tự phụ trong khi giao tiếp với người khác, hay nói cách khác là che giấu lỗi lầm của mình, và giả vờ là mình có những phẩm chất mà mình không có. Thay vì vậy thì hãy gánh lấy trách nhiệm giúp đỡ người khác, luôn trung thực và thẳng thắn về những nhược điểm và khả năng của mình. Việc hứa hẹn nhiều hơn những điều mà mình có thể thực hiện, sẽ khiến cho người khác nuôi hy vọng hão huyền, và đó là điều rất tàn nhẫn.
    Top