Bồ Đề Tâm Quy Ước Và Bồ Đề Tâm Tối Hậu
Như được định nghĩa trong học thuyết Đại thừa, thì có hai loại bồ đề tâm tương ứng với nhị đế:
- Bồ đề tâm quy ước (kun-rdzob byang-sems, bồ đề tâm tương đối)
- Bồ đề tâm tối hậu (don-dam byang-sems, bồ đề tâm sâu sắc nhất)
Đối với bồ đề tâm quy ước, thì tâm sẽ chú trọng vào sự giác ngộ chưa xảy ra, có thể được quy gán vào dòng tâm thức, mà mình sẽ đạt được, dựa vào Phật tánh, khi hội tụ đủ nhân duyên. Đi kèm theo đó là chủ ý đạt giác ngộ, và tạo lợi lạc cho tất cả những chúng sinh, bằng cách thành tựu giác ngộ. Nói một cách cụ thể hơn, thì tâm sẽ hướng về Trí Pháp thân (Jnanadharmakaya) chưa xảy ra, mà mình sẽ đạt được, đó là tâm toàn giác của một vị Phật.
Với bồ đề tâm tối hậu, thì tâm sẽ chú trọng vào Không tướng (tánh Không), với mãnh lực của bồ đề tâm quy ước. Nói một cách cụ thể hơn, thì tâm sẽ nhắm vào Tự Tánh thân (Svabhavakaya) mà mình sẽ đạt được – Không tướng (tánh Không) và những chân diệt của tâm toàn giác chưa xảy ra cho mình.
Các Giai Đoạn Phát Triển Của Bồ Đề Tâm Quy Ước
Bồ đề tâm quy ước nhắm vào thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, có hai giai đoạn:
- Bồ đề tâm nguyện (smon-sems)
- Bồ đề tâm hành (‘jug-sems)
Bồ đề tâm nguyện là ước nguyện thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Điều này có hai giai đoạn:
- Bồ đề tâm nguyện đơn thuần (smon-sems smon-pa-tsam) - chỉ ước nguyện thành Phật, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt
- Bồ đề tâm nguyện cam kết (smon-sems dam-bca’-can) - cam kết không bao giờ từ bỏ bồ đề tâm, cho đến khi thành tựu giác ngộ. Giai đoạn này đòi hỏi ta phải cam kết thực hiện một số hành động nào đó, để không đánh mất mục tiêu của mình trong kiếp này, hoặc trong những kiếp sau, trên suốt đường tu đến giác ngộ.
Ngoài hai trạng thái ước nguyện ra, bồ đề tâm hành còn có bồ tát giới và bồ tát hạnh, để hành trì lục độ ba la mật (sáu hạnh hoàn hảo), sẽ thật sự đưa mình đến giác ngộ.
Những Tâm Sở Khác Đi Kèm Với Bồ Đề Tâm Hành
Trong Tự Luận Về Những Điểm Khó Trong “Đèn Soi Nẻo Giác” (Byang-chub lam-gyi sgron-me'i dka'-'grel), A-đề-sa (Atisha) đã trích dẫn Kinh Hư Không Tạng (Sutra Requested by the Arya Gaganaganja, 'Phags- pa nam-mkha' mdzod-kyis zhus-pa'i mdo). Trong kinh này, Đức Phật đã giải thích rằng bồ đề tâm hành có hai tâm sở, gồm có:
- Chân thành (bsam-pa)
- Chân thành phi thường (lhag-bsam)
Chân Thành
Chân thành có hai yếu tố được kể trong đó:
- Không đạo đức giả (g.yo-med) – không che giấu lỗi lầm của tự thân.
- Không giả vờ (sgyu-med) – không giả vờ có những phẩm chất mà mình không có.
Không đạo đức giả có hai yếu tố được kể trong đó:
- Trung thực và thẳng thắn (drang-po)
- Minh bạch và cởi mở (gsal-ba)
Không giả vờ có hai yếu tố được kể trong đó:
- Không bịa đặt hay giả tạo (không đặt điều) (bcos-ma ma-yin-pa)
- Có động lực thanh tịnh (bsam-pa dag-pa), không pha trộn với động cơ thầm kín.
Chân Thành Phi Thường
Bên cạnh hai yếu tố tạo ra chân thành, thì chân thành phi thường còn có thêm hai yếu tố nữa:
- Vô tham (ma-chags-pa)
- Tiến lên bằng một cách đặc biệt (khyad-par-du ‘gro-ba)
Vô tham có hai yếu tố được kể trong đó:
- Không từ bỏ bồ đề tâm, vì gắn bó với mục tiêu khác (sems ma-god-pa).
- Không mất đi hạnh tinh tấn, vì quyến luyến với điều gì khác.
Tiến tới (giác ngộ) bằng một cách đặc biệt có hai yếu tố được tính trong đó, tiến hành với:
- Bồ công đức (bsod-nams-kyi tshogs).
- Bồ trí tuệ (ye-shes-kyi tshogs).
Vì vậy, tuy thuật ngữ Tây Tạng dành cho chữ chân thành phi thường (lhag-bsam) cũng là thuật ngữ dành cho chữ quyết tâm phi thường, là điểm thứ sáu trong giáo lý tinh hoa bảy điểm nhân quả để phát bồ đề tâm, nhưng ở đây, có một ý nghĩa khác. Quyết tâm phi thường là thật sự gánh lấy trách nhiệm phổ quát, để làm vơi nỗi khổ, và đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Là một nhân để phát bồ đề tâm quy ước, đó là một tâm sở đi kèm với cả hai bồ đề tâm nguyện và bồ đề tâm hành.