Tất Cả Chúng Ta Đều Có Những Yếu Tố Cơ Bản Để Phát Bồ Đề Tâm
“Bodhichitta” (“Bồ đề tâm”) là danh từ tiếng Phạn. Chữ này không dễ dịch cho lắm. “Chitta,” từ thứ hai, có nghĩa là “tâm thức”, nhưng khi nói về tâm trong đạo Phật, thì chúng ta nói về cả tâm thức và trái tim. Không có sự khác biệt giữa hai điều này trong đạo Phật, như cách chúng ta có khuynh hướng tạo ra sự khác biệt theo cách suy nghĩ của Tây phương. Vì vậy, mình không chỉ nhắm vào mục tiêu phát triển trí tuệ - khía cạnh lý trí của tâm thức - với định tâm và chứng ngộ, v.v..., mà thêm vào đó, còn phải phát triển trái tim, nghĩa là cả mặt cảm xúc của mình, để tất cả chúng ta đều có thể đạt được phần đầu tiên trong chữ bodhichitta, đó là "bodhi".
“Bodhi” là một chữ biểu thị trạng thái tăng trưởng và tịnh hóa cao tột nhất, nên tịnh hóa có nghĩa là loại bỏ tất cả những chướng ngại, về cả hai mặt chướng ngại tinh thần và cảm xúc, và cũng có nghĩa là đoạn trừ tâm mê lầm, thiếu hiểu biết, thiếu tập trung. Nó cũng có nghĩa là tịnh hóa về mặt cảm xúc, để đoạn diệt phiền não. Các phiền não bao gồm tâm sân hận, tham lam, tham ái, ích kỷ, kiêu mạn, ganh tỵ, si mê… Chúng ta có kể tiếp một danh sách dài dòng về những điều này. Đây là những điều tạo cho mình rắc rối trong đời sống, nên điều mà ta toàn tâm toàn ý nhắm vào, là đoạn diệt tất cả những điều gây rắc rối này.
Khía cạnh khác của “bodhi” có nghĩa là “tăng trưởng”, và điều này có nghĩa là tất cả chúng ta có những nguyên liệu cơ bản bên trong, như một cơ thể. Chúng ta có khả năng giao tiếp. Với cơ thể, ta có khả năng để hành động, để làm các việc. Tất cả chúng ta đều có tâm thức (khả năng thấu hiểu mọi việc) và trái tim (tình cảm, khả năng biểu hiện sự nồng nhiệt với người khác) và trí tuệ (khả năng phân biệt điều gì có lợi, điều gì có hại).
Vậy thì chúng ta có tất cả những yếu tố này, tất cả những phẩm chất tốt đẹp này, và việc ta sẽ làm gì với chúng thì tùy theo mình. Ta có thể sử dụng chúng để tạo ra vấn đề cho bản thân và người khác, bằng cách mình hành động, cách mình nói năng và suy nghĩ, hay có thể sử dụng chúng để mang lại nhiều lợi lạc và hạnh phúc hơn cho tự thân và tha nhân. Nếu như cách mình hành động, giao tiếp và suy nghĩ bị ảnh hưởng vì tâm mê lầm và phiền não, thì tất nhiên điều này sẽ tạo ra vấn đề. Khi hành động vì ảnh hưởng của tâm sân, thì ta thường làm những điều khiến mình hối hận sau này, đúng không? Khi hành động một cách ích kỷ, thì sẽ tạo ra những vấn đề lớn. Không có ai thích người ích kỷ.
Đó là một mặt. Mặt còn lại là nếu như mình hành động, giao tiếp và suy nghĩ dựa trên những phẩm chất tích cực, như lòng từ, lòng bi, quan tâm đến người khác, thì có thể thấy điều này sẽ đem lại cho mình nhiều hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn trong đời sống, vì người khác sẽ yêu thích mình, và sẽ đem lại lợi ích tốt hơn cho người khác. Ví dụ như ta có thể thấy điều này rất rõ ràng trong những mối quan hệ với bạn bè. Nếu như luôn chỉ trích và nổi giận với họ, thì không có ai thích ở gần mình. Nhưng nếu mình tử tế với họ, và đối xử tốt với họ, thì đương nhiên là họ sẽ thích bầu bạn với mình. Ta có thể thấy điều này, ngay cả trong cách mình đối xử với chó mèo ở trong nhà, vì ngay cả chúng cũng không thích bị la lối và mắng nhiếc, mà thích được đối xử tử tế. Vậy thì những yếu tố cơ bản của mình có thể phát triển. Chúng ta có thể phát triển chúng ngày càng nhiều hơn, theo hướng tích cực.
Bồ đề tâm là một trạng thái, một hoàn cảnh, một tình trạng của tâm thức và trái tim, hướng về tâm bồ đề này. Nó hướng về tâm thái này, mà trong đó, tất cả những thiếu sót này, tất cả những điều gây rắc rối cho bản thân sẽ được đoạn trừ mãi mãi, và tất cả những phẩm chất tích cực sẽ được phát triển một cách trọn vẹn nhất. Đây là một trạng thái của tâm thức và trái tim, một điều khá phi thường để có được.
Điều này được tạo ra bằng những cảm xúc rất tích cực. Những cảm xúc này là gì? Về cơ bản, chúng ta không nhắm vào trạng thái này, chỉ vì nó cao tột nhất, và tôi muốn là người cao cả nhất. Đó không chỉ là vì tôi muốn mình là người hạnh phúc nhất, và đây là điều hạnh phúc nhất mà tôi có thể có được, mà đúng hơn là mình đang nghĩ đến tha nhân, vô lượng chúng sinh trên thế giới như con người, thú vật, bất cứ loài nào, và hiểu rằng tất cả chúng ta đều giống nhau, theo nghĩa là ai cũng muốn hạnh phúc, và không ai muốn khổ. Điều đó đúng, ngay cả với thú vật, đúng không? Tất cả mọi người đều cố gắng theo cách của riêng mình, để đem lại hạnh phúc cho bản thân, và những người thân yêu của họ. Tuy nhiên, điều không may là hầu hết chúng ta không thật sự biết điều gì sẽ đem lại hạnh phúc, và sẽ thử làm nhiều việc khác nhau, mà thường thì chỉ tạo ra thêm vấn đề, hơn là hạnh phúc. Ta sẽ mua thứ gì tốt đẹp cho người khác, một món quà, và họ không thích nó. Vậy thì rất đơn giản. Khó mà làm hài lòng tất cả mọi người, đúng không? Nhưng dù ở trong trường hợp nào đi nữa, thì mình cũng phải cố gắng.
Hướng Về Giác Ngộ, Với Chủ Ý Tạo Lợi Lạc Cho Tha Nhân
Tất nhiên, điều quan trọng nhất là ý định của mình, vì ta muốn giúp đỡ người khác: Thật tuyệt vời biết bao, nếu tất cả chúng sinh có thể thoát khổ và nhân tạo khổ. Lòng bi mẫn là như vậy. Lòng bi là mong muốn tha nhân thoát khổ và nhân tạo khổ.
Nếu tất cả chúng sinh đều có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc, thì tuyệt vời biết bao. Đó là định nghĩa của lòng từ trong đạo Phật. Lòng từ không dựa vào việc mong muốn điều gì đáp trả, để người ta phải nói: "Tôi sẽ thương bạn, nếu như bạn thương tôi.". Không phải như vậy. Nó không dựa trên cách người kia cư xử - “Tôi sẽ thương bạn, nếu bạn là một chàng trai tốt, hay một cô gái tốt. Nếu như bạn hư hỏng, thì tôi sẽ không thương bạn nữa.". Cách người khác cư xử với mình không quan trọng. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là nếu tất cả chúng sinh đều hạnh phúc, thì tốt đẹp biết bao. Đó là lòng từ.
Nếu tôi có thể làm được điều gì trọng đại, để đem lại hạnh phúc này cho tất cả chúng sinh, và giúp họ thoát khổ và rắc rối, thì tốt biết bao nhiêu. Bây giờ thì khả năng của mình rất hạn hẹp, vì ta có tâm mê lầm và phiền não, thường lười biếng và gặp khó khăn trong khi đi tìm việc làm, tìm bạn đời… đủ thứ khó khăn mà tất cả chúng ta phải đối diện trong đời sống. Nhưng nếu tôi có thể đạt được trạng thái mà tất cả những thiếu sót, tất cả những khó khăn này sẽ được xóa bỏ mãi mãi, và nếu tôi có thể phát huy toàn bộ khả năng của mình, thì sẽ ở vị trí tốt nhất, để giúp đỡ chúng sinh.
Vì vậy, mục đích ở đây, với bồ đề tâm, là ta sẽ hướng về trạng thái trong tương lai, về cái gọi là “giác ngộ”, với tác ý cố gắng hết sức, với mọi nỗ lực, để thành tựu trạng thái đó, với chủ ý tạo lợi lạc tốt nhất cho tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt, trên đường tu đưa đến trạng thái giác ngộ này, và đến trạng thái viên mãn nhất, một khi ta đã thành tựu nó.
Hiện nay, không ai trong chúng ta có thể trở thành một vị trời toàn năng, đó là điều bất khả. Nếu điều đó có thể xảy ra, thì không có ai phải khổ nữa. Nhưng tất cả những điều ta có thể làm là cố gắng hết sức, và người khác phải tiếp nhận và cởi mở với sự giúp đỡ của mình. Dù ta có thể giải thích rõ ràng mọi việc cho người khác, nhưng họ phải tự hiểu nó, vì ta không thể làm việc đó cho họ, đúng không? Chúng ta có thể đưa ra lời khuyên tốt, nhưng người khác phải tiếp nhận nó.
Đó là điều mà mình hướng tới, là có được vị trí tốt nhất, để giúp đỡ tha nhân, nhưng với ý tưởng thực tế, và hiểu biết rằng họ có được giúp đỡ hay không là tùy theo nỗ lực của họ. Nhưng nếu như mình đoạn trừ mọi sự mê lầm, thì sẽ có khả năng tốt nhất để biết đâu là cách hữu hiệu nhất để giúp đỡ chúng sinh, biết tất cả những yếu tố liên quan đến hiện trạng của một chúng sinh nào đó.
Tất cả chúng ta đều bị nhiều yếu tố ảnh hưởng, như gia đình, bạn bè, xã hội và thời đại mà mình đang sống trong đó, đôi khi có chiến tranh, đôi khi có khó khăn về kinh tế, đôi khi thì phồn thịnh. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến mình. Đạo Phật nói về kiếp trước và kiếp sau, và theo quan điểm đó, tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của những kiếp trước của mình. Vì vậy, nếu muốn giúp ai, muốn cho họ lời khuyên bổ ích, thì ta phải hiểu họ, hiểu tất cả những điều đang ảnh hưởng đến hành vi của họ, cách hành động, cách cảm nhận của họ, nghĩa là thật sự quan tâm đến họ, chú ý và nhạy cảm với tính cách của họ.
Tôi nghĩ bạn có thể hiểu điều đó một cách khá dễ dàng, nếu chỉ xét về mối quan hệ giữa mình và người khác. Nếu bạn đang giao tiếp với một người bạn, mà lại không thật sự quan tâm đến họ, và chỉ nói về bản thân, thì sẽ biết rất ít về họ. Và nếu như không chú ý đến bạn của mình, ví dụ như khi đang ngồi với một người, mà lại nhắn tin cho người khác trên điện thoại di động, thì thậm chí bạn không chú ý đến người ngồi trước mặt, không để ý rằng có lẽ họ hơi thiếu kiên nhẫn và không hài lòng, vì bạn không chú ý đến họ. Nếu muốn giúp đỡ ai, thì phải chú ý đến họ, phải quan tâm đến họ, để ý những gì đang xảy ra, và ứng phó với những sự kiện đó, giống như ta cũng muốn người khác xem trọng mình, và chú ý đến mình.
Hiểu Tính Bình Đẳng Của Tự Thân Và Tha Nhân
Bạn thấy đó, tất cả những điều này đều dựa vào sự hiểu biết về tính bình đẳng của tự thân và tha nhân. Tất cả mọi người đều có cảm xúc, cũng như tôi có cảm xúc. Tất cả mọi người đều muốn được coi trọng, cũng như tôi muốn được người khác coi trọng. Nếu như tôi bỏ mặc người khác, hay đối xử tệ với họ, thì họ sẽ cảm thấy tồi tệ, cũng như tôi sẽ cảm thấy tệ hại, khi mọi người bỏ mặc tôi, hay không quan tâm tới mình. Tất cả mọi người đều muốn được yêu thích, giống như tôi muốn được người khác yêu thích. Không ai muốn bị từ chối và bỏ mặc, cũng như tôi không thích điều đó. Chúng ta đều có sự tương quan với nhau, tất cả chúng ta đều có mặt ở đây.
Đôi khi, một ví dụ vui nho nhỏ được sử dụng, để minh họa điều này: Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong thang máy với mười người khác, rồi thang máy bị hư, và bạn bị mắc kẹt trong thang máy cả ngày với những người này. Bạn sẽ đối xử với mọi người ra sao? Nếu bạn chỉ nghĩ về tôi, tôi, tôi, và không nghĩ về người khác trong không gian nhỏ hẹp này, thì sẽ có rất nhiều sự xung đột và tranh cãi, và đó sẽ là thời gian cực kỳ khó chịu. Nhưng nếu như bạn nhận ra rằng: "Tất cả chúng ta đều mắc kẹt trong cùng một cảnh ngộ, và phải quan tâm đến nhau, nghĩ cách để hợp tác với nhau, để tồn tại và thoát khỏi tình trạng khó khăn này", thì chắc chắn là việc bị kẹt trong thang máy là điều không dễ chịu, nhưng ta có thể xoay sở được, trong tình huống này.
Nếu mở rộng ví dụ này: nếu như tất cả chúng ta đều mắc kẹt trên hành tinh này, giống như bị mắc kẹt trong một thang máy rất lớn, và nếu không hợp tác với nhau, thì đây sẽ là thời gian khốn khổ, vì tất cả mọi người đều ở trong cùng một hoàn cảnh. Cách mình cư xử với nhau, cho dù chỉ có mười người trong thang máy, hay có tất cả mọi người trên hành tinh này, thì vẫn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì vậy, việc cố gắng hợp tác với tất cả mọi người là điều hợp lý. Thay vì chỉ nghĩ về việc: "Làm sao tôi có thể thoát khỏi tình trạng khủng khiếp này đây?", thì ta sẽ nghĩ về mặt: "Làm thế nào để tất cả chúng ta thoát khỏi tình trạng khủng khiếp này?". Vậy thì sự việc cũng giống như vậy đối với cuộc sống, không chỉ với thang máy.
Làm thế nào để tôi chỉ nghĩ về cách giải quyết vấn đề của riêng mình (vì thật sự là ta không có gì đặc biệt, mà chỉ là một trong những người bị kẹt trong thang máy)? Thật ra vấn đề không chỉ là vấn đề của riêng mình, mà là của tất cả mọi người. Hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về vấn đề giận dữ, ích kỷ, tham lam, vô minh… những điều như vậy. Đây là vấn đề của mọi người, chứ không có ai sở hữu chúng một cách riêng rẽ.
Mở Rộng Lòng Với Tất Cả Chúng Sinh
Chính vì điều này mà khi nói về bồ đề tâm, thì ta đang nói về tấm lòng phổ quát. Chúng ta đang nghĩ về tất cả chúng sinh, không thiên vị với ai, cũng không bỏ rơi chúng sinh nào, nên đây là một thái độ, một tâm trạng rất quảng đại. Khi nói về việc mở rộng lòng mình, thì đây là mức độ rộng lớn nhất mà ta có thể mở rộng nó. Chúng ta đang nghĩ về tất cả chúng sinh, chẳng hạn như không chỉ con người trên hành tinh này, mà tất cả sự sống trên hành tinh, tất cả sự sống trong vũ trụ. Ví dụ, nếu nghĩ về sự suy thoái của môi trường, thì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến những người sống trong môi trường, mà chắc chắn cũng ảnh hưởng đến đời sống của tất cả thú vật, đúng không?
Vậy thì ta sẽ quan tâm đến phạm vi rộng lớn này. Chúng ta có một phạm vi rộng lớn, về việc nghĩ về những giải pháp lâu dài, không chỉ là giải pháp nhanh chóng, chỉ hữu ích trong một thời gian ngắn. Khi nghĩ về tiềm năng của mình, thì ta đang nghĩ đến phạm vi lớn nhất của việc chứng ngộ tiềm năng của mình, không chỉ một chút, mà là càng nhiều càng tốt.
Như tôi đã nói, nó dựa vào lòng tôn trọng đối với tự thân. Ta sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều có những nguyên liệu để thành tựu trạng thái này, và người khác cũng vậy. Vì vậy, ta sẽ xem trọng bản thân, xem trọng người khác, tôn trọng bản thân và người khác, bởi vì tất cả chúng ta đều là con người, và đều muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ. Tất cả đều tùy thuộc vào việc ta sẽ làm gì, và cách sống của mình.
Hành Thiền Để Phát Triển Những Tâm Trạng Và Tập Khí Ích Lợi
Đạo Phật rất phong phú, đối với việc cung cấp nhiều phương pháp khác nhau, để phát triển những tâm trạng này, chứ không chỉ nói rằng: "Hãy yêu thương tất cả mọi người.", rồi không nói gì nữa. Nếu chỉ nói rằng mình phải yêu thương mọi người, thì rất tốt, nhưng ta sẽ thực hiện điều đó như thế nào? Vì vậy mà mới có pháp thiền, và thiền có nghĩa là tạo dựng tập khí ích lợi. Giống như nếu mình muốn chơi một môn thể thao, hay nhạc cụ, thì phải tập luyện. Ta sẽ tập đi tập lại cho đến khi thành thạo. Và khi thực hành, thì ta sẽ học hỏi, để sau một thời gian, thì thậm chí mình không phải nghĩ về nó, mà vẫn có thể chơi một môn thể thao hay chơi đàn một cách rất dễ dàng.
Tương tự như vậy, ta cũng làm điều đó, để luyện tâm. Đây là điều mà ta sẽ làm, đối với việc hành thiền. Hãy cố gắng tạo ra cảm giác nào đó, một tâm trạng nào đó, bằng cách tạo dựng ra nó. Giống như khi tập luyện một môn thể thao, thì trước tiên, bạn phải làm một vài động tác khởi động, rồi mới tập môn thể thao đó, nên cũng thực hiện một số bài tập khởi động, với tâm trạng của mình.
Nếu muốn phát khởi một tâm thái tích cực, thì trước tiên, phải tĩnh tâm, giúp cho tâm trí và cảm xúc lắng dịu, nếu như tư tưởng của mình đang tán loạn khắp nơi, hay cảm xúc bị xáo trộn. Chúng ta thường làm việc này, bằng cách chú tâm vào hơi thở. Hơi thở luôn luôn có mặt ở đó, và nếu như chú tâm vào đó, thì nó sẽ giúp mình bình tĩnh theo nhịp thở đều đặn, và sẽ kết nối tâm mình với cơ thể, trong trường hợp ý nghĩ của mình lại “bay lên mây”. Đây là bài tập khởi động cơ bản.
Hãy nghĩ về động lực của mình. Tại sao tôi muốn hành thiền? Đó cũng là một phần của quá trình khởi động. Giống như nếu mình đang luyện tập một môn thể thao, hay chơi nhạc, thì điều rất quan trọng là phải hiểu và phối kiểm lại: “Tại sao mình lại làm điều này?”. Ngay cả khi mình đang làm điều đó, chỉ vì thích nó, và nó hứng thú, thì phải nhắc nhở bản thân về điều đó, bởi vì rõ ràng việc tu tập sẽ đòi hỏi công phu khó nhọc, nên ta sẽ khẳng định lại lý do mình muốn tạo dựng một tập khí tích cực, bằng cách hành thiền. Lý do là vì nó sẽ giúp mình giải quyết vấn đề trong cuộc sống một cách tốt đẹp hơn, ví dụ như, nếu tôi không nổi nóng dễ dàng như vậy, và nếu tôi cứ luôn tức giận, thì không thể giúp đỡ người khác. Nếu cảm thấy buồn bực, thì tôi không thể giúp đỡ cho ai hết.
Vậy thì hãy thực hành tất cả những bài tập khởi động này, rồi đến phần hành thiền. Hãy sử dụng một vài dòng tư tưởng, để tạo ra tâm trạng mà mình muốn có. Điều rất quan trọng khi làm như vậy, là hãy liên hệ điều này với đời sống của mình. Không chỉ nghĩ về lý thuyết trừu tượng, mà còn phải nghĩ về những bước mà tôi có thể thực hiện, để giúp đỡ mình trong đời sống.
Ví Dụ
Giả sử như một trong những người bạn của mình đã hành xử rất khó chịu với mình, đã nói điều gì tàn nhẫn, hay không gọi điện thoại cho mình, thờ ơ với mình, hay người khác chế nhạo ta. Đây là những điều khủng khiếp có thể xảy ra với tất cả mọi người. Và ta đã phản ứng bằng cách cảm thấy rất tồi tệ, rất bực bội với người này, đặc biệt khi ta nghĩ họ là bạn của mình.
Hãy xem xét điều đó trong thời thiền, khi tâm trí bình tĩnh hơn một chút, sau khi chú tâm vào hơi thở. Hãy khẳng định lại rằng bạn bè hay bạn học của mình là những người giống như mình, cũng muốn hạnh phúc, và không muốn khổ. Phải có điều gì làm cho họ khó chịu, khiến cho họ đối xử với mình như vậy, hay là lầm lẫn, không cảm kích những phẩm chất tốt đẹp của mình, nên mới chế giễu mình. Nếu mình nổi giận với họ, hay buồn rầu, thì chẳng giúp ích được gì. Thay vì vậy, tôi mong rằng họ có thể bỏ qua điều gì làm cho họ khó chịu, để đối xử tử tế với tôi, bởi vì như vậy thì cả mình và họ đều sẽ vui vẻ.
Thay vì tức giận với họ, thì ta sẽ phát tâm từ bi: “Nếu như họ không hề bực bội, thì tốt biết bao nhiêu. Nguyện cho họ được hạnh phúc. Nếu như họ vui vẻ, thì sẽ không cư xử khó chịu như vậy.". Nhờ vậy, ta sẽ thấy yêu thương họ, thay vì tức giận. Điều đó sẽ giúp mình kiên nhẫn hơn với hoàn cảnh của họ. Nếu như hành động một cách bình tĩnh hơn, yêu thương và tha thứ hơn, thì ta sẽ giúp họ bình tĩnh hơn, và tình huống sẽ dễ xử lý hơn nhiều.
Không Phiền Lòng Vì Rác Rến Mà Người Khách Ném Vào Mình
Có một lần, Đức Phật đã hỏi một đệ tử: "Nếu như người nào tặng cho con thứ gì, mà con không nhận, thì nó thuộc về ai?". Rõ ràng là nếu bạn không nhận món quà này, thì nó sẽ thuộc về người trao tặng nó cho bạn. Vì vậy, nếu có ai đang ảnh hưởng bạn bằng những tầng số rung động xấu xa, cảm giác tiêu cực, những lời chỉ trích, v.v..., thì điều quan trọng là không chấp nhận nó, và không nghĩ là nó đang nhắm vào cá nhân mình, nói cách khác là thay vì vậy, hãy xem nó như điều gì đang làm cho người kia bực bội. Tất nhiên, nếu có người chỉ trích mình, thì việc tự kiểm điểm, để xem có thể họ đang nêu ra điều gì mà tôi phải cải thiện cũng hữu ích thôi. Vậy thì ta sẽ không bỏ qua điều đó, nhưng điều quan trọng là không đi vòng quanh như một thủ môn trong trò chơi đá banh, khi mà mình luôn sẵn sàng chụp bất cứ quả banh rác rến nào, và những ý tưởng xấu mà người nào đang ném vào mình.
Đôi khi, chúng ta sẽ hành động như vậy, đúng không, khi chỉ lo lắng để chụp lấy bất cứ thứ gì mà mọi người ném vào mình, những lời khó chịu, ánh mắt bẩn thỉu, bất kể điều gì. Tuy điều đó không dễ thực hiện, nhưng ta sẽ cố gắng không xem tất cả những điều xảy ra với mình một cách riêng tư, như một sự chối bỏ bản thân, mà là vấn đề người kia đang gặp phải. Nói cách khác là thay vì có thái độ xem người kia là kinh khủng, thì ta sẽ coi họ như: “Ồ, có điều gì làm cho họ bực mình. Có điều gì không ổn với họ.".
Giống như khi mình đang chăm sóc một đứa bé hai hay ba tuổi, và nó rất mệt mỏi, nhưng không muốn đi ngủ, và ta sẽ nói: "Đã đến lúc đi ngủ rồi.", và đứa trẻ nói rằng: "Con ghét mẹ!". Liệu ta có xem điều này một cách nghiêm trọng hay không? Đứa bé quá mệt mỏi, nên ta sẽ không xem những lời khó chịu mà đứa bé nói với mình một cách nghiêm trọng, mà thay vì vậy, sẽ kiên nhẫn hơn, thương yêu đứa bé hơn, và cố gắng làm cho nó bình tĩnh lại.
Trong thời thiền, ta sẽ cố gắng nhìn người đang tạo ra vấn đề cho mình một cách xây dựng hơn, và luyện tính kiên nhẫn hơn, yêu thương hơn, thái độ tích cực hơn đối với người đó, trong hoàn cảnh khó khăn này, để khi gặp những điều như vậy trong đời sống thực tế, thì ta có thể xử lý nó tốt hơn. Nói tóm lại là bồ đề tâm phi thường này là điều mà ta phải nỗ lực để thành tựu, nhờ vậy mà sẽ gánh lấy trách nhiệm giúp đỡ người khác một cách tốt nhất, theo khả năng của mình, bằng cách tu tập với những bài thiền và những phương pháp khác, để đoạn trừ tất cả những khuyết điểm càng nhiều càng tốt, và chứng ngộ tất cả những tiềm năng của mình, bởi vì nếu tôi làm việc để giúp cho mọi người hạnh phúc, thì tất nhiên tôi cũng sẽ là người hạnh phúc nhất. Nhưng nếu tôi làm việc chỉ vì hạnh phúc của riêng mình, và làm như vậy với thái độ bỏ mặc người khác, hoặc gây thiệt hại cho họ, thì tất cả chúng ta sẽ đều đau khổ.
Hiện tại, khi bạn còn trẻ, là sinh viên, đây là thời điểm hoàn hảo để học cách tôn trọng tiềm năng, khả năng của mình, và nhận ra là bạn có tất cả các nguyên liệu để phát triển, và phát triển theo chiều hướng tích cực, thay vì theo chiều hướng tiêu cực, hay không có phương hướng nào cả. Chúng ta không sống một mình trên thế giới, trong thời đại thông tin và truyền thông xã hội này, vân vân, thì tất cả mọi người đều liên kết với nhau, có thể phát triển theo những cách tích cực hơn, và sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người một cách tích cực.
Đó là một vài điều về bồ đề tâm. Bây giờ, đến phần đặt câu hỏi.
Lòng Từ Là Gì, Theo Quan Điểm Của Nhà Phật
Liệu ông có thể nói thêm về lòng từ, theo quan điểm của nhà Phật hay không, đặc biệt là trong quan hệ nam nữ?
Khi nói về lòng từ, theo quan điểm nhà Phật, như tôi đã đề cập trong buổi thảo luận, thì lòng từ là mong muốn cho người nào có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc. Điều này có nghĩa là hoàn toàn chấp nhận người kia, về cả điểm mạnh và điểm yếu của họ. Việc mong cho họ hạnh phúc không phụ thuộc vào cách họ đối xử với tôi, hay cách họ cư xử. Tôi muốn họ được hạnh phúc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải dành cho họ một khoảng không gian riêng tư, bất kể là như thế nào.
Tình yêu thường lẫn lộn với dục vọng (dục vọng là khi mình không có điều gì, và phải có được nó). Nó có thể xen lẫn với tham luyến (ngay cả khi mình đã có điều gì rồi, thì không muốn buông bỏ nó) và tham lam (ngay cả khi mình đã có người nào là bạn rồi, người mà ta yêu thương, nhưng lại muốn sở hữu họ ngày càng nhiều hơn nữa). Tất cả những điều này chỉ dựa vào việc chỉ nhìn vào những phẩm chất tốt đẹp của họ, và phóng đại chúng, làm lớn chuyện này, và bỏ qua những khuyết điểm của họ. Những phẩm chất tốt mà họ có, có thể chỉ là vì họ thích tôi, điều đó khiến cho tôi thấy dễ chịu, khi ở bên người này, vì họ đẹp đẽ, quyến rũ, bất cứ điều gì. Vậy thì ta chỉ xem xét một phần rất nhỏ về người này, điều mà ta coi trọng hơn bất cứ điều gì khác. Vì vậy, đây không phải là thái độ rất thực tế, và rất phụ thuộc vào cách người này đối xử với tôi: Nếu họ đối tốt với tôi, thì tôi yêu họ; nếu họ không đối xử tử tế với tôi, thì tôi không yêu họ nữa. Đây không phải là tình yêu ổn định.
Như tôi đã nói, tình thương ổn định, điều mà chúng ta nói trong nhà Phật, là tình thương mà ta thừa nhận cả mặt tốt và mặt xấu của người nào đó, bởi vì ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu; không có ai lý tưởng hay hoàn hảo. Bạn thấy đó, vấn đề là nhiều người trong chúng ta vẫn tin vào chuyện cổ tích. Trong câu chuyện cổ tích, thì có Hoàng Tử Quyến Rũ hay Công Chúa Quyến Rũ trên con bạch mã, sẽ trở nên hoàn hảo, và ta luôn tìm kiếm hoàng tử hay công chúa, và phóng chiếu hoàng tử hoặc công chúa vào những người mà mình phải lòng. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là chuyện cổ tích, giống như Ông Già Noel, không hề nói đến điều gì chân thật.
Đó không phải là điều dễ chịu để nhận ra, rất khó chấp nhận, và ta không bao giờ bỏ cuộc: "Hóa ra người này không phải là hoàng tử hay công chúa, nhưng có thể người kế tiếp mà mình gặp sẽ là như vậy.". Ngày nào ta vẫn còn gán ghép và tìm kiếm hoàng tử hay công chúa trên con bạch mã, thì những mối quan hệ của mình, những mối quan hệ thương yêu của mình đối với người khác sẽ có vấn đề, bởi vì không ai có thể sống theo lý tưởng này về người bạn đời hoàn hảo của mình. Chúng ta sẽ tức giận, khi họ không hành xử như hoàng tử hay công chúa. Điều đó có nghĩa là mình không chấp nhận thực tế rằng họ cũng là một con người như tôi, cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Vậy thì tình yêu chân thật, tình yêu ổn định, phải dựa vào việc chấp nhận thực tại về người kia.
Một khía cạnh thực tế khác về người mình yêu, mà ta thường quên mất, là mình không phải là điều duy nhất trong đời của họ. Thường thì ta sẽ quên mất sự kiện là họ còn có một đời sống, bên cạnh việc ở gần mình, và còn có những người bạn khác, có gia đình, có những trách nhiệm khác. Những việc khác cũng là một phần trong đời sống của họ, tôi không phải người duy nhất. Vậy thì thật vô lý, khi họ dành thời gian cho người khác, những việc khác trong đời sống của họ, thì mình lại ganh tỵ và khó chịu, và khi họ không vui, hoặc không muốn ở gần ta, thì đó không chỉ là lỗi của mình. Tôi không phải là nguyên nhân của tất cả mọi việc mà người này cảm nhận và hành động. Nếu như họ không vui, thì có thể là vì ảnh hưởng của những việc đang xảy ra trong gia đình của họ; nó có thể bị ảnh hưởng vì những người bạn khác, vì họ bị bệnh, cảm thấy không khỏe, họ có thể bị ảnh hưởng vì rất nhiều thứ. Tại sao tôi phải nghĩ rằng mình là nguyên nhân duy nhất cho tất cả mọi việc mà người kia đang cảm nhận?
Tương tự như vậy, nếu tôi có quan hệ lâu dài với người này, thì có rất nhiều điều xảy ra hàng ngày, trong việc giao tiếp giữa hai người. Thường thì điều sẽ xảy ra là: “Hôm nay, họ đã không gọi điện thoại cho tôi. Họ đã không trả lời tin nhắn của tôi.”, và ta sẽ phóng đại tầm quan trọng của sự kiện này, mà không thấy nó trong bối cảnh lâu dài, trong mối quan hệ với họ qua thời gian, và vì một sự cố này, mà ta kết luận là họ không còn yêu mình nữa. Nhưng điều này rất thiển cận, vì ta chỉ nhìn vào một điều nhỏ nhặt, và cô lập nó ra khỏi mối quan hệ này.
Thực tế là cuộc sống và tâm trạng của tất cả mọi người sẽ lên xuống thất thường. Điều đó đúng đối với mình, với tất cả mọi người. Vì vậy, tự nhiên là đôi khi, người mà tôi yêu cảm thấy muốn ở gần tôi, và đôi khi thì sẽ không muốn. Đôi khi thì họ có tâm trạng vui vẻ; đôi khi thì có tâm trạng tồi tệ, và nếu họ đang có tâm trạng không vui, hoặc nếu họ quá bận rộn với những việc khác, để có thể trả lời tin nhắn của tôi, hay bất cứ điều gì ngay lập tức, thì điều đó không có nghĩa là họ không còn yêu tôi nữa, mà chỉ là một phần trong đời sống.
Đó là một vài điều rất quan trọng để học hỏi và thấu hiểu, nếu như muốn giúp cho mối quan hệ thương yêu của mình được bền vững, nếu không thì sẽ tạo ra rất nhiều rối loạn về mặt cảm xúc.
Có một ví dụ rất hay, được một bậc thầy người Ấn Độ trong đạo Phật nêu ra, đó là mối quan hệ giữa mình và những người khác giống như những chiếc lá bay trong gió, khi lá rụng vào mùa thu. Đôi khi, những chiếc lá sẽ cùng bay trong gió; đôi khi thì lại cách xa nhau. Đó chỉ là một phần trong đời sống. Vì vậy nên bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể tồn tại suốt đời, nhưng cũng có thể không kéo dài như vậy.
Điều quan trọng là hãy cố gắng nhìn người kia như một con chim rừng đã đậu trên cửa sổ nhà mình. Một con chim rừng xinh đẹp đã đậu trên cửa sổ của mình, thì tuyệt vời biết bao. Thật đẹp làm sao, hạnh phúc biết bao, khi mình có được con chim rừng này trong một thời gian. Nhưng tất nhiên, nó sẽ bay đi, vì nó có tự do của nó. Và nếu con chim lại bay đến cửa sổ nhà mình một lần nữa, thì điều đó tuyệt vời biết bao, mình thật may mắn biết bao. Nhưng nếu tôi cố bắt con chim, và nhốt nó trong lồng, thì nó sẽ rất buồn bã, thậm chí có thể chết.
Vậy thì việc này cũng giống như khi người nào bước vào đời mình, và ta yêu thương họ. Họ giống như con chim rừng xinh đẹp này. Họ bước vào đời mình, đem lại rất nhiều niềm vui và vẻ đẹp, nhưng họ có tự do, giống như con chim rừng. Nếu như cố bám víu vào họ, và nắm giữ như thể họ là vật sở hữu của mình, và cứ cằn nhằn với họ: “Tại sao bạn không gọi điện thoại cho tôi? Tại sao bạn không đến gặp tôi? Tại sao bạn không dành nhiều thời gian hơn cho tôi?", thì sẽ giống như mình cố nhốt con chim rừng trong lồng. Nó sẽ cố gắng thoát ra khỏi lồng. Và nếu con chim rừng ở lại với ta, giống như người này ở lại với mình, vì cảm giác tội lỗi, thì họ sẽ rất đau khổ.
Đây là ý nghĩ rất hữu ích, đối với bất cứ người nào mà ta yêu thương, những người bước vào đời mình, hãy xem họ như loài chim rừng xinh đẹp này. Khi ta càng thư thái, càng ít bám chấp, thì con chim rừng sẽ càng thích đến bên cửa sổ nhà mình hơn.