Hãy xem xét lục độ ba la mật. Ba la mật đầu tiên là bố thí.
Định Nghĩa Của Bố Thí
Bố thí được định nghĩa là sẵn sàng cho đi. Đó là một thái độ, một tâm trạng. Ngài Tịch Thiên đã viết:
(V.9) (Nói đến cùng,) nếu như bố thí ba la mật sẽ chấm dứt sự nghèo khó của chúng sinh; vậy thì làm sao các đấng Bảo Hộ ngày xưa có thể hoàn thiện nó, vì cho đến bây giờ, chúng sinh vẫn còn đói kém?
(V.10) Bố thí ba la mật được xem là tâm địa muốn bố thí tất cả những gì thuộc về tôi, cũng như quả của nó; do đó, đó là chính tâm bố thí.
Bố thí không có nghĩa là chính mình phải nghèo khó, phải cho đi tất cả những gì mình có. Chúng ta không nói về việc nghèo hèn như một đức tính mà bạn có thể có trong những tôn giáo khác. Nó có nghĩa là sẵn sàng bố thí mà không do dự, không có chướng ngại, nếu như việc bố thí là điều thích hợp. Phải sử dụng trí phân biệt. Bạn sẽ không tặng súng cho người nào, để họ đi bắn người khác: “Ồ, tôi thật là hào phóng. Đây là khẩu súng.". "Đây là tiền để mua súng.". "Đây là tiền để mua ma túy.".
Ngay cả khi vô cùng nghèo khó, và không có thứ gì, thì mình vẫn có thể sẵn sàng bố thí. Nếu không thì những người nghèo không thể phát tâm bố thí. Đó là lý do khi nhìn thấy cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, thì hãy phát tâm bố thí: “Nguyện tất cả mọi người đều tận hưởng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp này. Nguyệt tất cả mọi người đều tận hưởng cảnh đẹp này. Nguyện tất cả mọi người tận hưởng thời tiết đẹp.”. Hãy bố thí những thứ mình không sở hữu, cũng như những thứ thuộc về mình. Điều này đối ngược với tâm keo kiệt; vì keo kiệt là: “Tôi không muốn chia sẻ bất cứ thứ gì với người nào. Tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Nếu bố thí cho người khác, thì mình sẽ thiếu hụt.".
Nhưng dĩ nhiên là phải cẩn thận, để không trở thành một người cuồng tín, bởi vì nếu đang làm việc để giúp đỡ người khác, thì chúng ta cũng phải ăn, phải ngủ, phải làm những việc này. Vậy thì chúng ta đang nói nhiều hơn về việc chia sẻ ở đây. Bạn không thể cho đi tất cả mọi thứ, đến mức chết đói. Rõ ràng nếu như mình là một đại Bồ tát, thì đó là chuyện khác, nhưng ta không phải là người như vậy. Là một đại Bồ tát, ta có thể hy sinh mạng sống để giúp đỡ người khác, nhưng hiện nay, mình chưa tu tập đến giai đoạn này. Chúng ta có thể mong ước đạt được điều đó, nhưng khi chưa sẵn sàng, thì phiền não sẽ phát sinh, khi mình làm như vậy, nên đó không phải là điều ích lợi nhất, vì mình chưa sẵn sàng. Giống như ví dụ về Đức Phật, trong một kiếp trước, đã bố thí thân mình cho một con hổ cái đang đói khát. Chúng ta chưa sẵn sàng để làm điều đó.
Tuy nhiên, ở mức độ của mình, thì phải sẵn sàng bố thí thân thể của mình cho người khác. Điều đó giống như giúp họ làm những việc khó khăn, dùng thân mình để giúp đỡ người khác, không ngại làm bẩn tay, những việc đại loại như vậy. Hoặc khi gặp nguy hiểm để cứu ai, thì hãy làm như vậy. Tất nhiên là hãy bố thí tài sản, nếu họ cần những thứ này, và chúng có thể giúp ích cho người nào, cũng như chia sẻ những điều gọi là thiện căn (dge-ba'i rtsa-ba), nghĩa là công đức từ thiện nghiệp mà mình đã tích tập. Nói cách khác thì chỉ là một ví dụ… Hãy lấy một ví dụ từ đời sống của tôi: Nếu như nhờ kết quả của công đức từ những kiếp trước, mà tôi đã liên hệ với rất nhiều người trên thế giới, với những bậc thầy cao cả và đạo sư vĩ đại ở Ấn Độ, v.v..., và chia sẻ điều đó với người khác, không chỉ giữ nó cho riêng mình. Nếu như có người nào thích hợp, thì tôi sẽ giới thiệu, sử dụng tiềm năng mà tôi đã tích tập, để có thể giúp ích cho người khác, chứ không chỉ giữ nó cho riêng mình. “Nguyện tất cả những công phu khó nhọc mà tôi đã trải qua trong việc học hành và tu học ở Ấn Độ sẽ tạo lợi lạc cho tha nhân.”. Đó là điều mà chúng ta đang nói đến. Hãy mở cửa cho người khác.
Tài Thí
Có ba hay bốn loại bố thí khác nhau. Trước hết là tài thí. Điều này có nghĩa là bố thí của cải, những thứ mình sở hữu, dù đó là thức ăn, quần áo, tiền bạc, bất cứ thứ gì mình có. Nhưng một lần nữa, ý của tôi là, chúng ta sẽ làm việc này, sẽ bố thí khi nào thích hợp. Cũng có thể bố thí những thứ mà mình không sở hữu, những thứ thuộc về công cộng. Như vậy không có nghĩa là đi ăn trộm, mà chúng ta đang nói về việc bố thí những việc công ích, chẳng hạn như quét dọn nơi nào, để người khác thấy thoải mái khi đến đó. Đó là một món quà cho tha nhân. Như tôi đã nói rằng: "Nguyện tất cả mọi người có thể tận hưởng thời tiết đẹp", v.v...
Không nên nghĩ chỉ về vật chất ở đây, (như tôi đã nói về việc bố thí thân thể) mà còn bố thí công việc, thời gian, lòng quan tâm, năng lượng, động viên tinh thần, tất cả những điều này. Đó là hạnh bố thí.
Còn có việc bố thí gia đình của mình cho người khác. Điều đó nghĩa là gì? Là mời họ đến nhà mình ăn Giáng Sinh, để họ được hưởng không khí gia đình ấm áp. Những việc như vậy rất tốt. Khi có một người lạ hay người ngoại quốc đến thành phố của mình, thì họ có thể rất cô đơn trong những ngày lễ, và nhớ gia đình của họ, nên ta sẽ chia sẻ gia đình của mình với họ.
Pháp Thí
Điều thứ hai là bố thí giáo pháp, Pháp thí. Điều đó không chỉ đề cập đến việc giảng dạy, thông dịch hay sao chép giáo pháp, phát kinh sách hay xây bảo tháp, tất cả những điều đó. Đó là một khía cạnh của Pháp thí. Nó có thể là việc xây dựng trung tâm Phật giáo, và làm việc ở đó. Nhưng việc này cũng đòi hỏi mình phải giải đáp thắc mắc của mọi người, cung cấp thông tin cho họ, khi họ cần thông tin. Tất cả những việc như vậy.
Truyền thống Sakya có cái gọi là cúng dường đại định, và điều này đề cập đến việc cúng dường hay bố thí cho chúng sinh tất cả những khía cạnh khác nhau trong công phu tu hành, trong việc tu tập Pháp của mình. Vậy thì ta sẽ cúng dường tất cả những gì mình đã đọc được hay học hỏi cho người khác, sử dụng điều này để giúp đỡ họ. Ta sẽ cúng dường và sử dụng tất cả những kiến thức mình đã thu thập được cho họ. Cúng dường tâm xác tín đối với giáo pháp, và tất cả những thứ này. Ta sẽ sử dụng định tâm của mình. Có một danh sách về những điều này. Những điều này sẽ thuộc về phạm trù này của Pháp thí, bố thí công phu tu hành của mình.
Vô Úy Thí
Sau đó, loại thứ ba là vô úy thí. Tất nhiên, điều này có thể nói về việc cứu mạng người khác, cứu mạng thú vật sắp bị làm thịt, hay những loài bị nhốt trong lồng - dù là chim hay người, hay bất cứ loài gì - và vớt những con ruồi rớt xuống nước trong hồ bơi, đại loại là những việc như vậy. Cứu thú vật, không cần để giúp chúng thoát chết, để khỏi bị làm thịt, mà là để giúp chúng thoát khỏi cái lạnh hay cái nóng khắc nghiệt. Nếu có một con bọ cánh cứng ở trong nhà, thì không chỉ ném nó ra ngoài cửa sổ, từ trên tầng thứ năm, bởi vì "Nếu như rơi xuống đất, thì nó sẽ không bị thương tổn gì.". Nếu như không muốn nó ở trong nhà của mình, hãy đem nó ra ngoài, chứ đừng ném nó ra ngoài cửa sổ, hoặc bỏ nó vào bồn cầu, rồi chúc cho nó may mắn.
Ngoài ra, việc an ủi người khác khi họ rất sợ hãi, cho dù đó là con cái của mình, hay người nào đang bị lùng bắt, hay một con vật đang bị săn bắt, cũng được tính trong đó. Hãy cố gắng bảo vệ họ. Nếu như thấy con ruồi bị mắc kẹt trong mạng nhện, thì hãy cố gắng đem nó ra. Đó là một điều khó khăn, vì lúc đó thì ta có thể nói rằng: "Chẳng phải mình đang tàn nhẫn với con nhện hay sao?". Nhưng tôi không nghĩ chúng ta có thể đứng đó 24 tiếng trong một ngày, và quan sát con nhện, để nó không ăn bất cứ thứ gì. Khi có cơ hội để cứu những sinh vật như vậy, thì đó là việc tốt. Không cần phải làm cảnh sát để canh chừng con nhện. Nếu con mèo đang hành hạ con chuột mà nó bắt được, thì hãy đem con chuột đi chỗ khác, hãy cứu nó.
Bây giờ đến một vấn đề rất khó khăn, đó là vấn đề an tử (euthanasia), đặc biệt là đối với thú vật. Nếu con mèo hay con chó đang đau khổ, thì liệu mình có giúp cho nó chết hay không, hay để người khác làm việc đó? Thường thì chúng ta không tự mình làm cho nó chết. Đó không phải là một vấn đề dễ dàng. Theo một quan điểm, nếu như làm gián đoạn tiến trình tự nhiên của cái chết và nỗi khổ của một con thú, hay một người, thì mình đang làm gián đoạn việc trổ quả của một số ác nghiệp nào đó, đang trở thành nỗi khổ. Nếu đã làm gián đoạn điều đó, thì trong một kiếp tương lai nào đó, chúng sinh này vẫn phải trải qua nỗi khổ đó. Vậy thì theo một quan điểm, đó không phải là điều quá khôn ngoan. Nhưng theo một quan điểm khác, nếu như có thể giảm thiểu nỗi đau mà họ phải cảm nhận bằng cách nào đó, như cho họ uống thuốc giảm đau vì bệnh ung thư và những điều tương tự, thì điều này có vẻ phù hợp hơn, nhưng đó là vấn đề rất khó khăn.
Bởi vì Đức Dalai Lama cũng giải đáp những điều này như vậy… Bởi vì bạn sẽ gặp những vấn đề như vậy, khi người nào được trợ sinh bằng máy móc, nhưng về cơ bản thì họ đã chết rồi. Hay tôi nghĩ việc bỏ ra một triệu đô la để cứu một đứa trẻ sinh non là điều khó mà tin được. Một lần nữa, Đức Dalai Lama nói rằng nếu có vô số tiền của, thì đó là một chuyện; nhưng nếu như tài sản của bạn có hạn, thì sẽ không bỏ ra một triệu đô la để giúp cho người nào sống sót, trong khi bộ não của họ đã chết rồi, mà lại không có đủ tiền để chữa trị cho những người có thể hồi phục. Nên rất nhiều việc tùy thuộc vào hoàn cảnh. Đối với vấn đề phá thai, vân vân, thì cũng giống như vậy.
Bởi vì chúng ta phải tránh cực đoan phi lý ở đây. Nếu như đi đến cực đoan là: “Con vật phải trải qua nỗi khổ, để có thể thiêu đốt những ác nghiệp đang trổ ở đây”, thì chúng ta đã đưa điều này đến một kết luận vô lý, đến một cực đoan, có nghĩa là mình sẽ không bao giờ cho ai uống thuốc. “Họ phải chịu đựng quả khổ do ác nghiệp mà họ đã tạo ra, đó là bệnh tật.”. Rõ ràng đó không phải là ý nghĩa ở đây, hoàn toàn không phải là ý nghĩa, bởi vì chúng ta cũng cho người khác uống thuốc, và cũng cố gắng giúp họ lành bệnh, và nếu họ có nghiệp để hết bệnh, thì nhờ việc cho họ uống thuốc và vân vân, họ sẽ hết bệnh. Vậy thì tất nhiên là mình sẽ làm như vậy.
Tuy nhiên, trong trường hợp mà não bộ của người nào đã chết, hoàn toàn không có khả năng cải thiện sức khỏe, thì đó là chuyện khác. Bây giờ, đối với vấn đề phá thai, nếu vì bất cứ lý do gì mà người nào đã phá thai, thì điều mà một thiền sư Nhật Bản ở Mỹ đã làm có thể rất hữu ích. Tôi không biết phương pháp này bắt nguồn từ đâu, liệu nó có được thực hiện theo truyền thống ở Nhật Bản hay không, nhưng những gì nữ thiền sư này đã làm thì vô cùng hữu ích, đó là khuyến khích cha mẹ (hay chỉ người mẹ, nếu người cha không có mặt ở đó) đặt tên cho cái thai đã bị phá, đây là một chúng sinh, và thừa nhận điều đó với một cái tên, có nghi lễ và đám tang cho đứa bé, vì bất cứ lý do gì mà nó đã không phát triển, và phát tâm ăn năn, cầu nguyện nhiều, để chúng sinh này có một tái sinh tốt trong hoàn cảnh thuận lợi. Nhờ vậy mà cha mẹ sẽ có thái độ rất tích cực đối với cái thai đã bị phá. Điều này có vẻ vô cùng hữu ích, đặc biệt là đối với những phụ nữ liên quan trong vấn đề này – kể cả nam giới, nhưng đặc biệt là người phụ nữ - vì sau khi phá thai, họ có thể gặp nhiều vấn đề về mặt tinh thần, và cảm thấy tội lỗi.
Bố Thí Tâm Bình Đẳng
Trong Mật tông, vô úy thí có một cách diễn dịch khác, đó là nói về việc bố thí tâm bình đẳng cho người khác. Nói cách khác là họ không phải sợ hãi với mình, bởi vì ta sẽ không bám lấy họ với tâm luyến ái, hay chối bỏ họ vì tâm sân hận và thù địch, hoặc thờ ơ với họ vì si mê, mà sẽ cởi mở với mọi người, nên họ không phải cảm thấy sợ hãi với mình, rằng ta sẽ bám lấy họ, từ chối họ, hay thờ ơ với họ. Đó là tặng phẩm rất tuyệt vời, rất cao cả.
Từ Ái Thí
Mật tông cũng nói về loại bố thí thứ tư, đó là từ ái thí. Việc bố thí tình thương không phải là ôm tất cả mọi người, mà đề cập đến việc trao tặng ước muốn tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc – đó là định nghĩa của lòng từ - mong muốn họ có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc.
Cách Bố Thí Đúng Đắn
Khi hành trì mỗi một ba la mật này, ta sẽ cố gắng kết hợp tất cả các ba la mật khác. Vậy thì trong khi tu hạnh bố thí:
- Bố thí kết hợp với trì giới là đoạn trừ tất cả những động lực sai lầm, hay không đúng đắn bên trong.
- Với hạnh nhẫn, ta sẽ không ngần ngại, khi gặp khó khăn trong công việc, có thể chịu đựng khó khăn.
- Bố thí với lòng hoan hỷ, chứ không làm vì nhiệm vụ, hay bổn phận. Đó là kết hợp việc tu hạnh tinh tấn với hạnh bố thí.
- Thiền định là có định tâm trong khi hồi hướng công đức đã tích tập được từ hạnh bố thí.
- Với trí tuệ, ta sẽ chứng ngộ người bố thí (đó là mình), người nhận (người nhận những gì mình đã bố thí) và món được bố thí - tất cả những điều này đều không có tự tánh từ phía của chúng, mà đều phụ thuộc lẫn nhau. Không thể có người cho mà không có người nhận.
Có nhiều tình huống mà việc bố thí điều gì không được thực hiện một cách đúng đắn. Vậy thì không nên làm như vậy. Việc đầu tiên là bố thí với hy vọng người khác sẽ có ấn tượng tốt với mình, hay sẽ nghĩ rằng mình rất ngoan đạo và sùng đạo, rằng mình rất tuyệt vời. Nếu bố thí mà mong cầu đền đáp, thì không đúng đắn, thậm chí không được mong đợi một lời cảm ơn, đừng nói gì đến việc thành công lớn lao, vì mình đã cải thiện tình hình của người kia. Vấn đề có được cải thiện hay không thật sự là do nghiệp lực của người kia. Chúng ta có thể giúp đỡ, nhưng không nên mong đợi thành công, đừng nói gì đến lời cảm ơn.
Tôi nhớ một lần ở Ấn Độ, tại Dharamsala vào mùa mưa, có một con chuột chết đuối trong ống cống, nên tôi đã vớt nó lên, và để nó trên mặt đất, để hong khô thân thể của nó, và trong khi nó đang nằm đó để hong nắng, thì một con diều hâu lớn xà xuống, vồ lấy nó rồi bay đi. Vậy thì mọi việc đều phụ thuộc vào nghiệp của mỗi chúng sinh, ngay cả khi mình cố gắng giúp họ. Ta có thể cho ai tất cả cơ hội và sự hỗ trợ, để cố gắng thành công, nhưng dù sao thì việc này cũng có thể thất bại một cách thảm hại. Tôi đã có kinh nghiệm này. Điều quan trọng là đừng bao giờ tỏ ra hả hê với người kia, và nhắc nhở họ về tất cả những gì mình đã làm cho họ, hay tất cả những gì mình đã trao tặng cho họ, hoặc mong họ làm điều gì để trả ơn.
Đó cũng là động cơ không đúng đắn, để bố thí vì bổn phận, cảm thấy vì người khác đã quyên góp, nên mình cũng phải làm như vậy, hay thậm chí qua mặt người kia, và cho nhiều tiền hơn, hay làm nhiều việc thiện hơn. Bố thí vì cảm giác tội lỗi hay cạnh tranh, hay đại loại như vậy.
Ý tưởng duy nhất của mình nên có là chỉ muốn giúp ích cho người kia, về cả hai mặt, tạm thời và tối hậu. Hãy cố gắng làm hết sức mình, dù có thành công hay không, thì ít nhất mình cũng cố gắng.
Điều quan trọng là đừng chỉ nghĩ ở mức trừu tượng - “Đúng, tôi muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh,” nhưng lại không giúp người khác rửa chén. Ngoài ra, điều quan trọng là không được xem thường những người mà mình đã bố thí hay trao tặng thứ gì, cảm thấy mình đang ban cho họ một ân huệ. Đúng ra thì họ đang giúp mình, bằng cách chấp nhận để cho mình tích tập công đức, là điều sẽ đưa mình đến giác ngộ, và giúp cho mình có khả năng phổ độ chúng sinh. Vậy thì họ đang ban cho mình ân huệ, khi chấp nhận sự giúp đỡ của mình.
Điều này cũng rất quan trọng, khi người khác làm việc gì cho mình. Nhiều người rất tự hào, và không muốn nhận sự giúp đỡ nào, hay không muốn nhận lời mời, hoặc bất cứ điều gì như vậy - khi người nào đề nghị trả tiền cho món gì giùm mình. Nếu từ chối sự giúp đỡ này, thì ta sẽ khiến cho họ mất đi cơ hội tích lũy công đức. Điều này nằm trong Bồ tát giới, để chấp nhận lời mời, chấp nhận sự giúp đỡ của người khác, khi họ muốn giúp mình, trừ khi điều đó sẽ làm hại họ.
Tôi nhớ có một lần, khi đang đi du lịch với Serkong Rinpoche ở Ý, và có người đến phòng ngài, để xin ngài giải đáp một vài thắc mắc, và khi ra khỏi phòng, họ chỉ để lại một phong bì và lễ vật cúng dường trên bàn, kế bên cánh cửa. Sau đó, Thầy đã nói với tôi rằng: “Đây là cách đúng đắn để cúng dường. Không phải những người đóng một màn kịch lớn, và đích thân cúng dường nó cho vị Lạt ma, để ngài biết ai đã cúng dường nó, rồi sẽ cảm kích và có thiện cảm hơn với họ.". Tốt hơn là nên làm điều đó một cách lặng lẽ, ẩn danh, không phô trương, và làm một cách vui vẻ, thoải mái và tôn trọng.
Cũng đừng bắt người kia phải chờ đợi. “Tôi sẽ cho bạn, nhưng hãy đợi nhé. Tôi sẽ giúp bạn, nhưng ngày mai nhé”, rồi bắt họ phải chờ đợi hoài. Đó cũng là một vấn đề tương tự như vậy. Thầy nói rằng Thầy thấy điều này rất là thiếu tế nhị, khi Thầy là một trong các đạo sư của Đức Dalai Lama, nên nhiều người đã đến gặp Thầy, và phải đợi ở ngoài. Thầy nói điều này thật kỳ cục, bởi vì họ sẽ đợi cho đến khi đến trước mặt Thầy, thì mới lễ lạy dài dòng. Thầy nói rằng: “Họ chỉ làm lãng phí thời giờ của ta. Cách đúng đắn là ta không cần phải thấy họ lễ lạy; việc họ lễ lạy không phải vì lợi ích của ta. Họ nên lễ lạy trước đó, rồi khi vào phòng thì cứ nói điều gì mà họ muốn nói.”. Ý của tôi là người Tây Tạng thường chỉ dâng katas (khăn lễ) hay thứ gì tương tự, nhưng đừng phô trương. Đừng cố gây ấn tượng với Thầy bằng cách cúng dường món gì, thậm chí là thể hiện lòng tôn trọng, chẳng hạn như lễ lạy. Khi các Lạt ma đến thăm thì đó là điều quan trọng. Việc lễ lạy là vì lợi ích của chúng ta, không phải lợi ích cho thầy.
Ngoài ra, nếu muốn cúng dường món gì, thì điều quan trọng là phải tự mình cúng dường. A-đề-sa (Atisha) có một thị giả, và vị thị giả muốn làm mọi việc cúng dường thay cho ngài, như rót chén nước và làm tất cả những việc đó, nên ngài nói rằng: “Việc này rất quan trọng, nên ta phải tự làm. Có phải con sẽ ăn giùm ta, đúng không?”. Vậy thì ta phải làm việc đó… nếu muốn tặng ai món gì, và nếu có thể thì hãy tự mình làm việc đó. Đừng đổi ý, hay hối hận. Một khi đã quyết định tặng thứ gì, thì điều quan trọng là không được thay đổi ý định, hay hối tiếc, hoặc lấy lại món quà, hay nhấn mạnh là khi mình đã cho ai món gì rồi, thì hãy sử dụng nó theo cách mà mình muốn, đặc biệt là khi bạn cho ai tiền, rồi đòi hỏi họ phải sử dụng nó theo cách này hay cách khác. Hay cho họ thứ gì như một bức tranh, hay món gì đó, rồi họ không treo nó lên tường khi mình đến nhà họ, thì ta sẽ rất đau lòng. Một khi đã tặng món gì cho người khác, thì nó thuộc về họ, chứ không phải của mình nữa.
Tôi nhớ một lần ở Dharamsala, có một tu viện, và chất lượng thức ăn của tu viện này rất tệ, nên các nhà sư không được khỏe, nên những người Tây phương chúng tôi đã quyên góp một số tịnh tài, và cúng dường cho các thầy, để mua thực phẩm tốt hơn, để các thầy dùng thực phẩm tốt hơn. Tất nhiên, một khi chúng tôi cúng dường tịnh tài, thì các thầy chỉ dùng nó để mua thêm gạch, và xây một ngôi chùa to hơn, tốt hơn. Điều này thật sự khiến cho nhiều người Tây phương khó chịu, và bắt đầu làm lớn chuyện: “Các thầy phải mua thức ăn tốt hơn” và những điều như vậy. Giải pháp là nếu như muốn các thầy ăn uống tốt hơn, thì hãy mua thức ăn và cúng dường cho các thầy. Hãy cúng dường thức ăn, thì các thầy sẽ phải dùng nó, chứ không cúng dường tịnh tài, nên bạn phải khéo léo một chút, và hãy mua những món các thầy thích ăn. Đối với người Tây Tạng, thì điều này có nghĩa là thịt, mặc dù một số người Tây phương có thể nghĩ rằng điều này không tốt cho lắm. Nhưng nếu mua đậu nành hay đậu phụ, hoặc thứ gì tương tự, những món mà các thầy sẽ không bao giờ ăn và không thích, thì không đúng, và không thích hợp.
Nó giống như… tôi thường mang theo món gì, khi đến gặp Serkong Rinpoche, và hầu như ngày nào tôi cũng gặp Thầy, nhưng luôn luôn mang theo một chút gì đó. Và sau một thời gian, Thầy đã mắng tôi: "Tại sao con lại đem cho ta tất cả những katas và nhang này? Ta không cần những thứ tạp nhạp này.". Thầy gọi chúng là đồ tạp nhạp. "Đúng là kinh khủng. Mọi người đem tất cả những thứ tạp nhạp này đến đây. Ta sẽ làm gì với một ngàn cái katas, những chiếc khăn lụa này?". Rồi thầy nói rằng: "Nếu con sẽ đem cho ta thứ gì, hãy đem món mà ta thích, và sử dụng được.". Vì tôi biết Thầy thích chuối, nên đã đem chuối cho Thầy. Nếu muốn cúng dường, thì hãy cúng thứ gì mà Thầy thích.
Ngoài ra, điều quan trọng là phải mang đến những món có chất lượng tốt, chứ không phải thứ mà: “Tôi không thích món này đâu, nên bạn lấy nó đi.”. Tuy nhiên, đôi khi bạn phải khéo léo với những người không muốn nhận bất cứ thứ gì, nên sẽ nói rằng: “Người nào đã cho tôi cái này, và tôi sẽ không bao giờ sử dụng nó. Tôi không muốn vứt bỏ nó. Nếu bạn thích thì làm ơn lấy nó giùm tôi…”. Vậy thì bạn phải khéo léo trong việc tặng quà cho người nào. Nhưng hãy tin tôi, các vị Lạt ma này có đủ nhang rồi, nên sẽ không cần hai trăm hộp nhang.
Cũng có những thứ không thích hợp để tặng, nếu như người nào đang theo chế độ ăn kiêng, thì bạn không cho họ những thức ăn mà họ thấy là không thích hợp để ăn. Bạn sẽ không tặng một cái hamburger cho người ăn chay; và nếu ai đang ăn kiêng, thì đừng mang bánh cho họ.
Nếu như người nào muốn tranh luận với mình, với lòng sân hận hay tham ái, hoặc tự hào, hay chỉ vì tò mò, thì việc tranh luận hay cho họ kinh sách v.v. là điều không thích hợp. Chỉ giảng dạy và bàn luận Phật pháp với những người có thể tiếp thu. Nếu họ không tiếp thu, mà chỉ muốn tranh luận với mình, và cố gắng hạ thấp mình, thì việc giảng dạy hay bàn luận với họ sẽ không thích hợp, mà chỉ lãng phí thời gian, và tất cả những việc này chỉ góp phần cho tâm trạng tiêu cực, thái độ thù địch của họ. Hãy dạy những người có tư tưởng cởi mở, muốn học hỏi.
Ngoài ra, nếu bạn sẽ giảng dạy, thì điều quan trọng là phải dạy theo trình độ của người kia, chứ đừng đổ cả biển học và kiến thức của mình lên đầu họ, chỉ để chứng minh là mình thông tuệ ra sao. Vậy thì điều quan trọng là không dạy những giáo pháp quá cao cấp, mặc dù đôi khi việc nêu ra những giáo pháp cao hơn một chút so với trình độ của đệ tử là để truyền cảm hứng cho họ tu tập chăm chỉ hơn, thì hãy giảng dạy chút ít, để xem sao. Bạn cũng có thể làm như vậy, nếu người ta hơi kiêu ngạo. Đôi khi, Đức Dalai Lama sẽ thuyết Pháp một cách rất phức tạp cho các giáo sư đại học, v.v..., để chứng minh giáo lý nhà Phật tinh vi đến mức nào, bởi vì họ nghĩ rằng: “Ồ, đây là điều thô sơ”, hay đại loại như vậy.
Tôi còn nhớ một lần, đã cùng đi với Serkong Rinpoche đến một trung tâm Phật giáo Tây phương, và mọi người muốn Rinpoche dạy chương sách về tánh Không trong tác phẩm của ngài Tịch Thiên trong hai ngày. Điều này hoàn toàn phi lý, vì đó là điều phải mất một năm hay lâu hơn để giảng dạy tận tường. Rinpoche đã dạy ở trình độ cao đến mức không ai hiểu Thầy đang nói gì vào lúc đầu, để cho họ thấy họ đã kiêu căng đến mức nào, khi nghĩ rằng đây là điều quá đơn giản mà chúng ta sẽ học xong trong hai ngày. Họ không thỉnh cầu phần dẫn nhập hay tổng quan về chương sách, mà chỉ nói rằng: "Xin hãy dạy cho chúng con chương này.".
Vì vậy, đôi khi, nếu muốn dạy cho người ta một bài học, thì phải dạy trình độ cao hơn. Nhưng nói chung, trừ khi mình muốn truyền cảm hứng cho họ, nếu không thì điều quan trọng là phải dạy ở trình độ mà người ta sẽ hiểu. Tuy nhiên, trong một đại chúng đông đảo, đặc biệt là… Ý tôi là, bạn thấy khi Đức Dalai Lama thuyết Pháp, thì Ngài sẽ giảng một chút cho những người ở mỗi một trình độ khác nhau. Điều quan trọng nhất là Ngài sẽ giảng ở trình độ rất cao trong hầu hết thời Pháp. Ngài thuyết Pháp ở một trình độ rất cao, vì đang dạy cho các Lạt ma vĩ đại, các Geshe và Khenpo có mặt ở đó. Bởi vì Ngài là người duy nhất tiến bộ hơn tất cả mọi người, nên có thể dạy họ, và sau đó, họ có thể giảng dạy và giải thích cho các đệ tử của mình, nên bạn sẽ không dạy cho những người có trình độ thấp nhất, vì người khác có thể dạy họ. Trong hoàn cảnh đó, thì bạn sẽ thuyết giảng cho những người có trình độ cao nhất, để họ có thể truyền đạt nó cho những người có trình độ thấp hơn.
Đối với câu chuyện về Serkong Rinpoche, thì Thầy đã giải thích ở một trình độ cao và phức tạp, chỉ là một vài chữ đầu tiên trong chương đó (chứ không phải toàn bộ chi tiết), chỉ cho đại chúng thấy rằng mỗi một chữ đều phức tạp như thế nào.
Ngoài ra, rõ ràng nếu như cho người ta chất độc và vũ khí, và những thứ mà họ có thể sử dụng để làm tổn thương bản thân, hay người khác, thì không đúng. Ngoài ra, điều quan trọng là chỉ cho những thứ này cho những người cần chúng. Nếu như người nào không cần nó, và chỉ muốn nó vì lòng tham và luyến ái, giống như con cái của mình muốn ăn sô-cô-la suốt ngày, thì việc đưa sô-cô-la cho chúng là không thích hợp, và chúng không thể xem truyền hình suốt ngày. Vậy thì phải có trí phân biệt, đâu là điều thích hợp, đâu là điều không thích hợp, khi nào thì không thích hợp để cho, khi nào thì thích hợp, ai là người thích hợp để nhận món này, v.v... Không nên thực hành điều mà… Trungpa Rinpoche đã đặt ra chữ “bi mẫn ngu ngốc” tuyệt vời, vì đừng nghĩ rằng: “Tôi phải giúp tất cả mọi người làm mọi thứ.”, khi điều đó đôi khi không thích hợp, hay ngu ngốc.