Ba la mật thứ hai là trì giới. Chúng ta không nói về kỷ luật chơi nhạc cụ hay đá banh, mà liên quan đến hành vi đạo đức của mình. Không phải mình là cảnh sát đang phạt người khác, huấn luyện chó hay những người trong quân đội, mà đang nói về kỷ luật của bản thân.
Giới Không Tạo Ác Nghiệp
Có ba loại giới. Loại đầu tiên là giới không tạo ác nghiệp. Điều này đề cập đến cách mình hành xử, nói năng hay suy nghĩ, nên điều này liên quan đến việc giữ những giới mà mình đã nhận, để tránh những loại ác nghiệp nào đó. Ngay cả khi chưa thọ giới, thì hãy kềm chế, để không tạo thập ác nói chung, như sát sanh, trộm cắp, nói dối, v.v...
Và khi nói về những điều nên tránh, thì có những loại hành vi tiêu cực tự nhiên, như sát sanh hay trộm cắp, rồi có những hành vi mà tự chúng không tiêu cực, nhưng Đức Phật nói rằng đối với một số người, hay ở một vài thời điểm nào đó, thì nên tránh những điều này. Ví dụ như đối với chư tăng ni, thì không nên ăn vào buổi tối. Điều đó không áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng nếu muốn đầu óc minh mẫn vào ban đêm, để có thể hành thiền, và trí óc minh mẫn vào buổi sáng, thì tốt hơn là không nên ăn vào buổi tối. Vì vậy, đối với một số người cụ thể này thì Đức Phật đã khuyên nên tránh những điều như vậy. Hay việc cạo đầu khi trở thành một nhà sư hay ni cô, rõ ràng là không phải ai cũng phải làm như vậy. Một lần nữa, đây là giới luật để không làm những điều này, là loại đầu tiên.
Giới Tạo Thiện Nghiệp
Loại giới luật thứ hai là kỷ luật tham gia vào những hành vi tích cực, có tính xây dựng, sẽ tích tập công đức v.v..., để thành tựu giác ngộ. Việc này đề cập đến giới luật để học hỏi, tư duy về giáo pháp, hành thiền, tu tập ngondro (sngon-'gro, pháp tu sơ khởi) - lễ lạy, cúng dường - đi nghe thuyết Pháp, đại loại là những việc này, kỷ luật liên quan đến việc thực hiện chúng.
Như bạn thấy, giới luật cũng lại là một tâm trạng. Chúng ta không đề cập đến hành vi thực tiễn. Đó là tâm trạng không làm điều gì không thích hợp, chẳng hạn như làm những điều tiêu cực về mặt giới nguyện, nhưng cũng về mặt tham gia vào những điều tích cực, khi cố gắng làm điều đó. Đó là kỷ luật. Giới bắt nguồn từ trong tâm thức, và định hình cách mình sẽ hành xử, nên đó là một tâm trạng. Nếu không có nó, thì ta sẽ hoàn toàn mất tự chủ, và chỉ chịu ảnh hưởng của phiền não: “Tôi không muốn làm điều đó. Tôi không cảm thấy thích làm điều đó.”, v.v...
Giới luật này dựa vào sự phân biệt và trí phân biệt. Đối với giới luật để kềm chế ác nghiệp, thì phải phân biệt nhược điểm của việc tạo ác nghiệp. Phải thấy đó là gì, phải rất quả quyết về sự bất lợi của điều này, nên sẽ không tạo tác nó. Hay với cách thứ hai (để dấn thân vào những việc tích cực), thì mình sẽ phân biệt lợi ích của việc hành thiền, lợi ích của việc hành trì pháp tu sơ khởi, v.v..., nên sẽ thực hiện chúng.
Giới Để Làm Việc Vì Lợi Lạc Của Tha Nhân
Loại giới luật thứ ba là kỷ luật làm việc để tạo lợi lạc cho tha nhân, để giúp đỡ họ. Ở đây, có sự phân biệt về lợi ích của việc giúp đỡ người khác, và tránh việc không giúp đỡ họ, vì: "Tôi không thấy thích việc này, hoặc tôi không thích bạn, nên không muốn giúp bạn.".
Bốn Cách Thu Thập Đệ Tử
Có nhiều khía cạnh, đối với việc giúp đỡ người khác. Nếu nói một cách chung chung, thì có kỷ luật để thực hành bốn cách… theo nghĩa đen thì được gọi là [bốn] cách để thu thập đệ tử (bsdu-ba rnam-pa bzhi). Nói cách khác là hành động theo những cách để họ dễ tiếp nhận mình, để có thể giảng dạy những điều sâu sắc hơn cho họ.
Rộng Lượng
Điều đầu tiên trong số bốn điều này là rộng lượng với họ. Khi có người nào đến thăm, thì bạn sẽ mời họ một tách trà. Chỉ là những điều rất đơn giản.
Nói Năng Êm Ái
Điều thứ hai là nói chuyện rất tử tế và dễ chịu với họ. Tất nhiên là điều này đòi hỏi kỷ luật để làm như vậy. Điều này có nghĩa là nói chuyện với họ theo cách mà họ có thể hiểu được, sử dụng ngôn ngữ mà họ hiểu, nói về sở thích của họ - không phải một cách tầm thường, mà là giúp đỡ cho họ, và dạy họ… Giống như nếu có người quan tâm đến trận bóng đá, thì bạn không chỉ nói rằng: “Ồ, đó là điều ngu ngốc. Chỉ lãng phí thời gian.". Bạn có thể nói theo cách làm cho họ thấy thoải mái với mình. Điều này rất quan trọng; nếu không thì họ sẽ không tiếp nhận mình, và nghĩ rằng mình xem thường họ. Không cần phải đi vào chi tiết như: "Ồ, ai đã thắng trận đấu hôm nay vậy?". Thật ra thì mình không quan tâm ai đã thắng, nhưng điều đó giúp cho người kia cảm thấy mình chấp nhận họ.
Nếu có ước nguyện trở thành Bồ tát, thì điều quan trọng là phải quan tâm đến mọi người và những điều họ thích thú, và ít nhất là biết một chút, hay càng nhiều càng tốt về họ, để có thể kết nối với họ. Hãy nói chuyện một cách vui vẻ và tử tế, cũng có nghĩa là khi nào thích hợp, thì hãy sử dụng tính hài hước.
Một lần nọ, đúng ra thì tôi biết người đó. Đức Dalai Lama đang đến thăm một trường đại học rất danh tiếng ở Mỹ, và người này để lại một chiếc mặt nạ của một diễn viên hài người Mỹ tên là Groucho Marx trong phòng của Ngài, và nó có cặp lông mày to, mắt kiếng, cái mũi to, và ria mép, vân vân. Các giáo sư cao cấp, những người rất quan trọng đã đến phòng của Đức Dalai Lama ở khách sạn, để có một cuộc thảo luận về phương diện trí thức với Ngài. Họ đang ngồi đó, mặc đồ com-lê trông rất nghiêm túc, rất đứng đắn, và Ngài bước vào phòng, đeo chiếc mặt nạ Groucho Marx. Điều đó thật hay ho, bởi vì những người này rất căng thẳng và quá nghiêm túc, nhưng họ không thể không bật cười, vì tính kỳ dị của sự việc, và Đức Dalai Lama cũng cười phá lên. Sau đó thì họ có thể thảo luận một cách thoải mái hơn nhiều, còn trước đó thì họ rất căng thẳng, nên việc này sẽ quá dễ sợ đối với họ. Đó là điều tuyệt diệu, nếu như nghĩ về một người như Đức Dalai Lama. Khó mà tưởng tượng được tổng thống của một quốc gia sẽ làm điều đó. Đức Dalai Lama không quan tâm đến việc họ nghĩ về mình, mà xem đây là một cách rất khéo léo để làm cho mọi người thoải mái và dễ chịu hơn.
Thúc Đẩy Người Khác Đạt Mục Tiêu Của Họ
Phương pháp thứ ba là thúc đẩy người khác đạt được mục tiêu của họ. Nếu muốn hoàn thành việc này, thì phải hành động một cách có ý nghĩa. Cách có ý nghĩa có nghĩa là… không chỉ lãng phí thời giờ, mà còn cố gắng khuyến khích người khác tiếp thu những biện pháp tích cực, để cải thiện bản thân. Đức Dalai Lama không chỉ tạo ra trò đùa, để thể hiện tính lanh lợi, mà còn giúp những người có mặt ở đó thư giãn, và không quá xem trọng bản thân, bằng một việc làm có ý nghĩa. Điều đó không có nghĩa là bạn phải sâu sắc và nồng nhiệt trong mỗi một phút, và nói rằng: “Hãy trò chuyện một cách sâu sắc và có ý nghĩa.”. Làm như vậy thì quá mức.
Nhất Quán Với Những Mục Tiêu Này
Điều thứ tư là nhất quán với những mục tiêu này, nghĩa là sống phù hợp với những điều mình khuyến khích và dạy người khác làm. Nói cách khác là nếu mình sẽ dạy học, thì chính mình phải có kỷ luật, để nêu gương cho người khác, không chỉ dạy điều gì mà ta sẽ làm ngược lại. Đây là cách mà người khác sẽ dễ tiếp thu, để học hỏi, để mình có thể giúp họ ở mức độ sâu sắc hơn. Điều này đòi hỏi kỷ luật để hành động như vậy. Không phải lúc nào cũng hành động một cách ngu xuẩn, hay lãng phí thời gian với mọi người.
Giúp Đỡ Mười Một Loại Người
Giới giúp đỡ tha nhân là kỷ luật làm việc để giúp ích cho họ… Có một danh sách sẽ luôn luôn xuất hiện về lục độ ba la mật, đó là mười một loại người đặc biệt mà mình nên cố gắng giúp đỡ, và tạo lợi lạc cho họ.
Những Người Đang Đau Khổ
Đầu tiên là những người đang đau khổ, đang đau đớn. (Đây là một danh sách rất hữu ích. Bạn không nên chỉ coi đây là một danh sách, mà còn cho mình ý niệm rằng khi gặp những người như vậy, thì đừng bỏ mặc họ.).
Những Người Đang Bối Rối Về Cách Để Tự Giúp Mình
Thứ hai là những người đang bối rối về cách để tự giúp mình, nên không biết phải làm gì, làm sao để giúp đỡ bản thân, làm thế nào để đối phó với tình huống khó khăn. Đây là những người cần sự giúp đỡ. Họ cần lời khuyên, hay ít nhất là cần sự thông cảm, nếu như mình không biết phải làm gì để giúp họ, thì hãy lắng nghe họ nói.
Những Người Đã Giúp Mình
Hãy làm việc để giúp những người trước đây đã giúp đỡ mình. Điều quan trọng là phải xem trọng lòng tốt mà người khác đã đối đãi với mình, không chỉ bỏ mặc cha mẹ, hay những người đã tử tế với mình, không phải là vì nghĩa vụ, mà là cảm kích tấm lòng của họ.
Những Người Đang Sợ Hãi
Hãy làm việc để giúp những người tràn đầy sợ hãi. Cố gắng an ủi họ.
Những Người Đau Buồn
Hãy giúp đỡ những người đang đau buồn. Ai đó đã mất một người thân, vì người thân của họ đã chết hoặc ly dị, hay đại loại như vậy, và họ rất đau lòng.
Những Người Nghèo Khó Và Thiếu Thốn
Hãy giúp đỡ những người rất nghèo khó và thiếu thốn, bởi vì đôi khi, phải có kỷ luật để làm điều đó, đặc biệt nếu như người đó bẩn thỉu, và nhìn không hấp dẫn cho lắm, hay mình không muốn gặp họ, hay đi đến chỗ của họ. Phải có kỷ luật để không rút lui, mà còn phải giúp đỡ họ.
Những Người Gần Gũi Với Mình
Hãy làm việc để giúp đỡ những người gần gũi với mình, và luôn luôn muốn ở gần mình. Bạn không muốn làm cho họ phụ thuộc vào mình, nhưng nếu họ có mối liên hệ và gắn bó chặt chẽ với mình, thì hãy cố gắng giúp họ, bằng cách giảng Pháp cho họ, và những điều tương tự, nếu họ thích thú với những điều này. Nói cách khác là hãy làm cho nó có ý nghĩa. Việc này không nhất thiết phải nặng tính cách truyền giáo, mà chỉ có tính cách chung chung thôi. Rõ ràng là có những duyên nghiệp đưa các bạn đến với nhau.
Giúp Đỡ Người Khác, Theo Ý Của Họ
Hãy làm việc để giúp ích cho người khác, phù hợp với sở thích và mong muốn của họ. Người nào có thể yêu cầu mình dạy họ theo kiểu nào đó… Nếu như mình là một giáo viên, nếu mình đang học Phật pháp, nếu họ yêu cầu mình dạy cho họ một pháp tu nào đó, thì có thể nó không phải là pháp tu của mình, hay pháp tu mình thích nhất, nhưng nếu nó thích hợp với họ, hãy dạy cho họ, theo ý họ muốn. Giống như khi đi ăn nhà hàng với ai đó, thì không cần phải khăng khăng đòi gọi món ăn mà mình thích, mà chìu theo ý người khác. Rõ ràng là trong một mối quan hệ, thì người ta phải thỏa thuận với nhau, và không phải lúc nào cũng làm theo ý người kia, nhưng điều quan trọng là đừng khăng khăng đòi hỏi sự việc phải xảy ra theo ý của mình.
Những Người Sống Ngay Thẳng
Hãy làm việc để giúp ích cho những người có đời sống ngay thẳng - đó là thành ngữ - những người đang noi theo con đường tích cực, và làm tốt mọi việc. Hãy giúp họ bằng cách khuyến khích, khen ngợi họ, v.v... Nhưng hãy làm điều đó, khi nó thích hợp và hữu ích, vì nếu điều đó chỉ làm tăng thêm lòng tự hào và kiêu căng của họ, thì tốt hơn là không nên làm như vậy.
Chẳng hạn như lúc còn trẻ, tôi rất tự hào và kiêu căng, đã làm việc và giúp đỡ thầy tôi, tức Serkong Rinpoche, trong chín năm, đã làm rất nhiều việc cho Thầy như thông dịch, sắp xếp tất cả các chuyến hoằng Pháp, liên lạc với các nơi, làm giấy thị thực (visa) và những điều như vậy. Trong chín năm, Thầy chỉ cảm ơn tôi và nói: “Con đã làm rất tốt” hai lần thôi. Đối với tôi thì điều đó rất thích hợp. Đối với người khác, nếu như họ có lòng tự ti, thì cách này sẽ không phù hợp với họ. Nhưng đối với một số người rất kiêu căng, thì điều này vô cùng hữu ích. Và nó rất hữu ích. Như một vài vị thầy của tôi đã nói, và Geshe Ngawang Dhargyey nói rằng: “Con đang làm gì vậy? Sao cứ đứng ở đó như một con chó, để chờ chủ vỗ đầu, sau khi con đã hoàn thành công việc một cách tốt đẹp, rồi vẫy đuôi hay sao?".
Thật ra Serkong Rinpoche đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đang làm những điều rất tích cực, và Thầy đã giúp tôi, bằng cách không cảm ơn tôi, đó là cách mà Thầy đã giúp ích cho tôi, để tôi sẽ giúp đỡ người khác, đơn giản là vì tôi muốn giúp cho họ có được lợi lạc từ lời giảng và những chuyến hoằng Pháp của Thầy. Thầy chưa bao giờ dạy tôi điều gì [riêng tư], cho đến cuối thời gian mà chúng tôi ở gần nhau. Thầy không bao giờ dạy riêng cho tôi bất cứ điều gì, mà tôi phải luôn luôn thông dịch điều gì cho người khác. Thầy chỉ dạy tôi, nếu tôi dịch nó cho người khác. Điều đó rất hữu ích.
Tôi đã làm rất nhiều điều tích cực, và Thầy đã giúp tôi bằng cách gọi tôi là thằng ngốc, khi tôi hành động như một tên ngốc. Điều này rất hữu ích. Đối với người khác thì nó có thể không hữu ích lắm, nhưng Thầy rất cứng rắn với tôi.
Hiện giờ, với tư cách là một giáo sư, hay là người đang giúp đỡ người khác, thì rất khó thực hiện điều này. Nó đòi hỏi rất nhiều kỷ luật. Tại sao? Bởi vì khi ở trong vị trí này, thì ta sẽ muốn người khác yêu thích mình, nên bạn không muốn làm khó với họ, vì có thể họ sẽ không thích mình nữa, rồi bỏ đi. Vậy thì điều này đòi hỏi rất nhiều kỷ luật, để hành động theo cách có lợi cho người kia, chứ không chỉ là điều ta nghĩ sẽ có lợi cho bản thân mình.
Đôi khi, có thể ta không muốn trừng phạt con cái của mình, vì chúng đã làm điều gì không đúng, đã có hành vi sai trái, nhưng phải áp dụng kỷ luật, phải rất nghiêm khắc với chúng, vì điều này sẽ giúp ích cho chúng. “Ta sẽ không cho con tất cả mọi thứ. Con phải tự mình làm việc, để có được nó, để biết quý nó.”. Việc này đòi hỏi rất nhiều kỷ luật từ phía cha mẹ, đặc biệt là khi họ có đủ khả năng để cung cấp cho con cái tất cả mọi thứ.
Những Người Sống Đời Tiêu Cực
Điều tiếp theo là làm việc để giúp cho những người đang có đời sống rất tiêu cực. Nói cách khác là không gạt bỏ và từ chối họ, hay lên án họ, hay làm những điều tương tự, nhưng nếu có cách nào để giúp họ khắc phục hành vi này, thì hãy cố gắng làm như vậy. Ví dụ như có một số giảng sư dạy Phật pháp trong nhà tù, hay giúp đỡ những người nghiện ma túy. Rõ ràng là họ phải tiếp nhận mình, và mình cũng không từ chối họ, bởi vì: “Ồ, bạn là người nghiện ngập. Bạn là người xấu.”.
Sử Dụng Thần Thông Để Giúp Đỡ Người Khác
Điều cuối cùng là làm việc để giúp ích cho người khác, bằng cách sử dụng thần thông hay khả năng ngoại cảm, nếu như mình có khả năng này. Hãy giúp họ bằng cách sử dụng thần thông, khi tất cả những phương pháp khác đều thất bại, nhưng chỉ làm như vậy khi cần thiết.
Thầy của tôi, Serkong Rinpoche, chắc chắn có thần thông. Tôi đã nhìn thấy việc này một vài lần. Một lần nọ, tôi cùng đi với Thầy trên xe jeep. Chúng tôi đang lái xe đến Thiền Viện Tushita ở Dharamsala. Chúng tôi đã gần tới nơi, và Serkong Rinpoche nói: “Nhanh lên. Lái xe nhanh lên, hãy lái nhanh hơn nữa. Có một ngọn lửa bắt đầu cháy ở chánh điện, trong phòng thờ.". Thế là chúng tôi đã chạy đến đó, và một cây nến đã rớt xuống, nên một tấm màn đã bốc cháy. Đó là tình huống mà Thầy không che giấu thần thông của mình, mà đã sử dụng nó để giúp cho người khác. Thầy là người tạo ra ấn tượng rất mạnh mẽ. Thầy là người mà hầu hết các Lạt ma khác sẽ nói rằng: "Nếu bạn muốn thấy điều gì chân thật, không chỉ là người nào với danh xưng bề ngoài thôi, thì ngài là tấm gương về điều chân thật.". Thầy đúng là người như vậy.
Tịch Thiên Nói Về Giới Luật
Xin nói thêm một vài điểm nữa về giới luật thôi. Ngài Tịch Thiên đã bàn luận về đề tài này trong hai chương trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh. Chương đầu tiên được gọi là “Tâm bất phóng dật”, và đây là nền tảng của giới luật. Nói cách khác là ta sẽ quan tâm đến ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra, và nghiêm túc về điều đó. Ta sẽ quan tâm đến việc không bị ảnh hưởng vì phiền não, sẽ quan tâm và coi trọng việc người khác là cũng con người, và cũng có cảm giác, và nếu như mình hành động một cách tiêu cực, thì sẽ làm họ tổn thương. Chúng ta sẽ quan tâm đến hậu quả mà hành vi của mình sẽ tạo ra cho bản thân trong tương lai. Chúng ta sẽ nghiêm túc về điều đó. Đây là nền tảng của giới luật. Nếu như mình không quan tâm, vì “Đối với tôi thì những điều này ngang hàng với nhau. Tôi không quan tâm việc gì sẽ xảy ra. Tôi không quan tâm là bạn sẽ không vui, vì tôi đến muộn.”, thì ta sẽ không có hành động đạo đức nào cả.
Trong nhiều ngôn ngữ thì tâm bất phóng dật (bag-yod, Phạn ngữ: apramada) là một chữ rất khó dịch. Ví dụ như tiếng Đức hay tiếng Tây Ban Nha thì rất khó. Tiếng Nga cũng vậy? Nó không có nghĩa là ... Ý tôi là, việc cẩn thận là một phần nhỏ của nó, nhưng không có nghĩa là lo lắng hay chỉ cẩn thận thôi, mà phải xem xét ảnh hưởng của hành vi của mình một cách nghiêm túc.
Chương thứ hai thì Tịch Thiên đã dành cho chủ đề nói về chánh niệm (dran-pa, Phạn ngữ: smrti) và tỉnh giác (shes-bzhin, Phạn ngữ: samprajanya). Chánh niệm có nghĩa là giữ gìn kỷ luật trong tâm thức, về cách hành xử, và không bị ảnh hưởng vì phiền não, nên nó giống như chất keo tinh thần, để giữ gìn kỷ luật. Điều này giống như mình đang ăn kiêng, mà lại đi ngang qua tiệm bánh, và thấy chiếc bánh thơm ngon mà mình yêu thích trong cửa sổ, và ta phải giữ gìn, không bỏ việc ăn kiêng: “Tôi sẽ không bước vào tiệm để mua cái bánh này, và không bị ảnh hưởng vì lòng tham lam và quyến luyến của mình.”. Điều này rất quan trọng đối với giới luật. Rồi thì phải tỉnh giác, để đề phòng khi tâm mình bắt đầu giao động, và nói rằng: “Có lẽ mình chỉ ăn một miếng nhỏ xíu thôi”, hay đại loại như vậy. Hay giống như chị tôi nói, khi chị ấy đang ăn kiêng, rằng chị sẽ không ăn miếng bánh nào, mà chỉ ăn những mảnh vụn thôi, và chúng không được tính là bánh. Những mảnh vụn, những mảnh nhỏ còn sót lại trên dĩa thì không tính, và bạn có thể ăn chúng. Vậy thì phải đề phòng những điều này. Đây là những điều hỗ trợ cho giới luật, những công cụ giúp mình giữ kỷ luật, rồi sử dụng chúng sau này, để thành tựu định tâm.
Cuối cùng thì ngài Tịch Thiên đã nêu ra ba yếu tố giúp mình phát triển và giữ gìn chánh niệm này.
- Điều đầu tiên mà ngài nói là khi ở bên cạnh thầy mình, hay luôn nghĩ rằng mình đang ở đứng ở trước mặt thầy. Nếu như ở trước mặt thầy, thì ta sẽ không hành động một cách ngu xuẩn hay tiêu cực, vì tôn trọng thầy. Điều đó rất hữu ích. “Liệu tôi sẽ hành động như vậy, hay nói như thế này trước mặt Thầy hay không?”. Nếu ta sẽ không làm như vậy, thì ngài Tịch Thiên nói rằng: "Hãy trơ trơ như khúc gỗ", đừng làm điều đó. Điều này giúp cho mình giữ chánh niệm. Rõ ràng là ta sẽ không ăn hết mấy cái bánh, hay la hét với người nào, nếu như đang ăn tối với thầy của mình.
- Điều thứ hai là làm theo chỉ giáo và lời khuyên của thầy, ghi nhớ những gì thầy đã nói. Điều đó giúp cho mình có chánh niệm.
- Điều thứ ba là khiếp sợ hậu quả của việc thiếu chánh niệm. Nó không có nghĩa là sợ hãi, mà là "Tôi thật sự khiếp sợ ... Tôi không muốn gánh lấy hậu quả của việc thiếu chánh niệm.". Điều này dựa vào ý thức về lòng tự trọng, giá trị của bản thân. Tôi đã nghĩ cho bản thân, theo một cách tích cực, rằng tôi không muốn đi xuống dốc mãi, vì luôn hành động dưới ảnh hưởng của tâm sân hận, tham lam, v.v...
Và ngài nói rằng điều đi đôi với việc đó, là kính nể thầy. Đó là một chữ khó. Nó không có nghĩa là ta sợ các thầy, rằng các ngài sẽ la mắng mình, hay bất cứ điều gì như vậy, mà kính nể có nghĩa là tôi tôn trọng thầy của mình. và tôn trọng đạo Phật đến nỗi nó khiến cho mình cảm thấy tồi tệ về cách mà hành vi tiêu cực của mình sẽ phản ánh về việc người khác sẽ nghĩ sao về mình: "Đây là cách mà đệ tử của vị thầy như vậy sẽ hành xử hay sao?". Hay họ sẽ nghĩ rất xấu về đạo Phật và việc tu hành - “Đúng ra bạn là một Phật tử, mà lại say sưa và phá hoại, rất sân hận, v.v...”. Vậy thì vì lòng kính nể và tôn trọng, mà ta sẽ giữ chánh niệm và giới luật.