Phát Triển Một Xã Hội Lành Mạnh

40:33

Dẫn Nhập

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong Phật giáo Tây Tạng là duyên khởi. Không có pháp nào tồn tại hay có thể tự nó sinh khởi mà không liên quan và dựa vào các yếu tố khác. Hơn nữa, vạn pháp sinh khởi từ một phức hệ của nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh; không có điều gì phát sinh mà chỉ dựa vào một nguyên nhân, hoặc không có nguyên nhân nào cả. Ví dụ, ở lãnh vực bên trong thì một cơ thể lành mạnh phụ thuộc vào tất cả các cơ quan nội tạng và hệ thống trong cơ thể hoạt động đúng đắn và hài hòa với nhau. Ở lãnh vực bên ngoài thì sức khỏe tốt cũng phụ thuộc vào thuốc men, dinh dưỡng, sự chăm sóc tử tế của người khác, môi trường, v.v. Tương tự như vậy, ở lãnh vực bên trong thì một xã hội lành mạnh phụ thuộc vào tất cả các nhóm thành viên hợp tác với nhau và làm việc hài hòa với nhau. Ở  lãnh vực bên ngoài thì sức khỏe xã hội cũng phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế, chánh trị và môi trường, cũng như tình hình thế giới nói chung.

Đạo đức cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại sức khỏe cho cả hai, cá nhân và xã hội. Nếu mọi người không rèn luyện đạo đức tự giác để kềm chế lối sống và hành vi không lành mạnh, và áp dụng lối sống và hành vi lành mạnh, thì họ sẽ bị bệnh. Tương tự như vậy, nếu các nhóm trong một xã hội không đề cao các nguyên tắc đạo đức mà họ cùng áp dụng thì xã hội cũng bị bệnh. Quan trọng nhất trong số các nguyên tắc đạo đức này là việc kềm chế hành vi vị kỷ và thay vì vậy, tham gia vào hành động vị tha, với sự quan tâm chân thành đối với phúc lợi của người khác.

Trong các xã hội đa văn hóa, mỗi nhóm thành viên có tôn giáo hoặc triết lý riêng để cung cấp thông tin và hướng dẫn hành vi đạo đức của họ, và một số thành viên trong xã hội không theo bất kỳ tôn giáo hay triết lý cụ thể nào cả. Đối với mỗi nhóm thì phương pháp giảm thiểu tâm vị kỷ và trưởng dưỡng lòng vị tha có thể khác nhau, nhưng nếu mục đích đều giống nhau, đó là tạo ra một xã hội đa văn hóa hài hòa và hạnh phúc, thì một xã hội như vậy sẽ phát sinh nhờ vào sự hiểu biết, tôn trọng và hợp tác của tất cả các nhóm thành viên trong xã hội ấy.

Để minh họa điểm này, hãy tưởng tượng bạn là một trong những hành khách trên chiếc tàu nghiên cứu, bị mắc kẹt trong tảng băng ngoài khơi Nam Cực vào tháng 12 năm 2013. Năm mươi hai nhà khoa học và khách du lịch lâm vào cảnh khó khăn ở đó trong mười ngày, thậm chí phi hành đoàn của con tàu đã bị kẹt ở đó lâu hơn, sau khi hành khách được một chiếc tàu Trung Quốc đưa đến nơi an toàn, khi chiếc tàu này đến cứu họ. Trong thử thách gay go này, không ai biết họ sẽ bị mắc kẹt bao lâu, trước khi được giải cứu. Cách duy nhất để nhóm người này tồn tại trong môi trường khó khăn và nguồn thực phẩm hạn chế là hợp tác với nhau. Nếu mỗi người lo lắng cho bản thân một cách ích kỷ thì điều đó sẽ là một thảm họa. Chìa khóa cho sự sống còn của họ là tất cả mọi người đều tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản, mặc dù họ xuất thân từ các bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Hãy tưởng tượng trong số các hành khách có các nhà lãnh đạo tinh thần từ các cộng đồng Phật giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và Khổng giáo, và cũng có một nhà lãnh đạo thế tục được mọi người trên tàu tôn trọng, kể cả những người không theo tôn giáo hay triết lý có tổ chức. Các nhà lãnh đạo này sẽ phải đối diện với sự thách thức này như thế nào? Cách suy nghĩ của mỗi người trong số họ ra sao, và mỗi người sẽ khuyên nhủ những người khác trong nhóm như thế nào? Cuối cùng thì mọi người đều lo lắng và sợ hãi, thậm chí một số hành khách còn tức giận với những gì đã xảy ra, hoặc gây gổ với người khác, và hầu hết đều phiền muộn.

Phương Pháp Phát Triển Đạo Đức, Dựa Vào Phật Giáo Tây Tạng

Nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng có thể đã nhắc nhở các Phật tử khác trong nhóm những lời dạy của ngài Tịch Thiên (Shantideva), đạo sư Phật giáo Ấn Độ vĩ đại, về hạnh nhẫn nhục: “Nếu có thể khắc phục vấn đề thì tại sao lại lo âu về điều đó? Và nếu không thể khắc phục vấn đề thì lo lắng sẽ có ích lợi gì? Nói cách khác là nếu như có điều gì bạn có thể làm để thoát khỏi một tình huống khó khăn thì không có gì phải buồn bã, cứ làm như vậy là xong. Nhưng nếu bạn không thể làm gì được, thì tại sao lại buồn bực? Điều đó không có ích lợi gì. Trên thực tế, nó chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Vì vậy, không có lý do gì để tức giận hay phiền muộn. Thay vì vậy, bạn cần phải phát triển hạnh nhẫn nhục và can đảm để đối diện với thử thách.

Hiện nay, điều giúp ích trong tình huống khó khăn như ở trên một chiếc tàu bị mắc kẹt trong tảng băng là có một thái độ thực tế. Trước hết, tình hình đã xảy ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố; không có một người hay yếu tố nào để đổ lỗi và nổi giận. Thực tế là việc mỗi một người trong số quý vị có mặt trên con tàu này đều phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, có nhiều lý do khác nhau để mỗi một người tham gia cuộc thám hiểm, và những lý do đó có liên quan đến sự kiện là mỗi một cá nhân đã phát triển kỹ năng chuyên môn trong một số lãnh vực khoa học, hay có sự quan tâm, có tiền và thời gian để có mặt ở đây. Rồi thì có các nguyên nhân từ những kiếp trước đã chín thành sự việc bạn rơi vào hoàn cảnh này trong kiếp sống hiện tại. Ngoài ra, còn có sự ảnh hưởng của những người khác, không chỉ trong việc tham gia cuộc thám hiểm, mà còn đối với việc bạn có thể tham gia, giống như không có sự phản đối nào từ gia đình hay người chủ công ty của bạn. Rồi có những lý do mà cuộc thám hiểm khoa học được thực hiện, lý do cho ngày khởi hành cụ thể đã được chọn, tình trạng của con tàu và lý do tại sao nó được chọn, vị trí địa lý của Nam Cực, thời tiết, v.v... Việc bị mắc kẹt ở đây trong tảng băng đã phát sinh phụ thuộc vào tất cả các yếu tố này. Đó là thực tại. Nếu như thiếu bất cứ một trong những yếu tố này thì bạn sẽ không ở đây, trong tình trạng khó khăn này. Vậy thì trong mạng lưới nhân duyên khổng lồ này, đâu là điều cụ thể để đổ thừa và nổi giận? Thế thì khi nhận thấy mình bắt đầu tức giận hay phiền muộn, hay có rất nhiều suy nghĩ phiền não lo lắng thì hãy tĩnh tâm bằng cách tập trung vào hơi thở, thở chậm bằng mũi, và nếu bạn thích thì hãy đếm hơi thở của mình theo vòng, đến số mười một.

Hãy nhớ rằng, cho đến khi có thời tiết tốt hơn, và tàu cứu hộ có thời gian để đến đây thì không ai có thể làm gì để giúp cho việc giải cứu xảy ra nhanh hơn. Thật là hoang đường khi nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể kiểm soát tình hình, bởi vì những gì xảy ra và cách tất cả chúng ta xử lý việc này cũng sẽ phát sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hơn nữa, thực tế là tất cả chúng ta đều ở trong hoàn cảnh này với nhau. Nó không chỉ là vấn đề của tôi, hay vấn đề của bạn. Vấn đề sống còn là vấn đề của mọi người, nên chúng ta cần phải nhìn xa hơn quan điểm ích kỷ, để nghĩ cách làm thế nào mình có thể đối phó với tình huống khó khăn này? Chúng ta không thể khống chế thời tiết hay sự xuất hiện của một con tàu cứu hộ, nhưng điều chúng ta có thể ảnh hưởng là tâm trạng của mình, đặc biệt là cách chúng ta quan tâm đến nhau.

Một cách để khắc phục việc chỉ nghĩ cho bản thân mình là nhận ra mọi người ở đây đã là mẹ hay cha của bạn ở những kiếp trước, đã đối xử tử tế và thương yêu bạn. Thế thì hãy xem mỗi người ở đây như người mẹ hoặc người cha đã thất lạc từ lâu của bạn, người mà bạn chưa gặp lại trong nhiều đời kiếp. Với sự cảm kích sâu xa về lòng tốt mà bạn đã thọ nhận được từ mỗi một người trên tàu trong quá khứ thì bất cứ lúc nào, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy ấm áp, khi nhìn thấy ai trong số những người này. Hãy đưa cảm giác ấm áp đó đi xa hơn và ước nguyện mỗi người đều được hạnh phúc và không đau khổ, vì cuối cùng thì tất cả mọi người đều có cùng một ước muốn. Cũng giống như bạn, tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc và không ai muốn bất hạnh. Tất cả chúng ta đều bình đẳng về mặt này. Hơn nữa, tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc và không phải khổ đau như nhau. Giống như đối với nguồn  thực phẩm hạn chế của chúng ta thì mọi người đều muốn và cần phải ăn như nhau. Bản thân bạn không muốn đói, và không có ai khác muốn như vậy. Với thái độ của lòng từ bi, dựa vào việc bình đẳng hóa thái độ của mình về bản thân và tha nhân, hãy gánh lấy trách nhiệm để cố đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, và làm vơi mọi nỗi khổ. Điều này có nghĩa là chăm sóc phúc lợi cho cả nhóm trong tình huống khó khăn này, và giúp đỡ họ một cách tối đa, như bạn sẽ làm cho cha mẹ của mình trong kiếp này.

Nhà lãnh đạo Phật giáo cũng có thể khuyên các Phật tử khác trong nhóm phát triển sức mạnh và lòng can đảm để giúp đỡ người khác, bằng cách thực hành phương pháp được gọi là “cho và nhận”. Ông sẽ bảo họ ngồi thiền yên lặng, khởi đầu bằng việc tĩnh tâm bằng cách tập trung vào hơi thở và tái khẳng định động lực từ bi của mình một vài lần trong mỗi ngày. Với lòng bi mẫn mạnh mẽ ước mong cho tha nhân thoát khổ, hãy tưởng tượng nỗi sợ hãi và lo lắng trong dạng ánh sáng đen của mọi người đã thoát ra khỏi thân thể họ và đi vào mũi bạn, khi bạn thở vào một cách chậm rãi vài lần. Hãy tưởng tượng nó di chuyển xuống tim, và hòa tan vào sự tĩnh lặng và trong sáng trong tâm thức của mình. Hãy nghỉ ngơi trong trạng thái tĩnh lặng và trong sáng ấy một thời gian ngắn.

Rồi với niềm hạnh phúc thầm lặng sẽ tự nhiên nảy sinh từ việc làm vơi bớt sự hỗn loạn tinh thần của các bậc cha mẹ của mình trong tiền kiếp, hãy quán rằng cảm giác bình yên của hạnh phúc, ấm áp và thương yêu đi ra từ tim của bạn trong dạng ánh sáng trắng, thoát ra ngoài bằng mũi, khi bạn từ từ thở ra. Ánh sáng trắng của lòng thương yêu và hạnh phúc này đi vào tất cả mọi người, tràn đầy cơ thể họ, và bây giờ, hãy quán rằng họ đều được an lạc, có thái độ vui vẻ và tích cực. Trong khi thực hiện tất cả những điều này, nếu như bạn trì tụng minh chú của lòng bi mẫn, “Om mani padme hum”, thì nó sẽ giúp cho tâm bạn an tĩnh và tập trung, và duy trì chánh niệm về lòng bi.

Dù cách thiền như thế này có thể không có tác dụng trực tiếp đối với những người khác trên tàu, nhưng nó sẽ cho bạn sức mạnh, lòng can đảm và lòng tự tin để đối phó với tình huống, và chính bạn tự nhiên cũng sẽ thấy an lạc, và có một thái độ vui vẻ, tích cực. Tuy nhiên, thực hành này sẽ có ảnh hưởng gián tiếp đối với người khác, bởi vì nhờ pháp thiền quán này mà cách bạn cư xử và giao tiếp với họ sẽ trở thành một ví dụ tốt, để có thể truyền cảm hứng cho người khác.

Phương Pháp Dựa Vào Hồi Giáo

Có thể nhà lãnh đạo tinh thần Hồi giáo đã nói chuyện với các tín đồ đạo Hồi ở trên tàu. Ông sẽ giải thích rằng việc tất cả chúng ta mắc kẹt ở đây trong tảng băng là ý Chúa. Chúng ta không thể kiểm soát những gì sẽ xảy ra; dù cho bây giờ, tất cả chúng ta được giải cứu hay chết đi đều nằm trong tay của Chúa. Nhưng hãy nhớ rằng, bản chất của Thiên Chúa là hoàn toàn nhân từ, đặc biệt là nhân từ với những kẻ ăn năn về lỗi lầm của họ. Vì vậy, nếu bạn đã mất niềm tin nơi Chúa, và bắt đầu nghi ngờ thì hãy ăn năn và xin Chúa tha thứ. Nếu có niềm tin trọn vẹn vào nền công lý của Thiên Chúa thì không cần phải lo âu.

Ông có thể bảo họ nhớ đến ba điều dạy của Hồi giáo: phục tùng hay quy hàng Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, đức tin vào Thiên Chúa, dựa trên sự khiêm nhường trước mọi tạo vật của Thiên Chúa, và xuất sắc trong cả tính cách và hành động phụng sự tất cả những tạo vật này của Thiên Chúa. Ông có thể đã khuyến khích họ bằng cách nhắc nhở rằng nếu bạn kiên định với niềm tin vào ý  Chúa thì bạn sẽ hoàn toàn bình an. Không có gì để nghi ngờ hay lo lắng.

Có thể ông đã nói thêm với họ rằng Chúa đã tạo ra tất cả các bạn bằng Linh Hồn của Ngài trong  tim bạn, trong trạng thái tinh khiết nguyên thủy, và ban cho mỗi người những phẩm chất tốt đẹp của Ngài, chẳng hạn như tình thương. Tình thương mà Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta là cảm giác gần gũi của Ngài đối với tất cả những điều xuất sắc mà Ngài đã tạo ra. Cách tốt nhất để bạn bày tỏ tình yêu đối với Chúa là tôn thờ Ngài qua hành động phụng sự tuyệt vời của mình đối với tạo vật của Ngài, đặc biệt là bằng những hành động tử tế và giúp đỡ tất cả các hành khách trên tàu. Xét cho cùng thì Kinh Koran (Qur'an) dạy rằng Chúa thương những người làm điều đạo đức và tốt lành, những ai giữ mình trong sạch, những ai hành động đúng bằng cách hành xử theo luật pháp và những điều cam kết của họ, như cầu nguyện năm lần một ngày, và những người công bằng, chính trực.

Hãy nhớ rằng, khi bạn phát triển tình thương cho người khác theo cách thuần khiết nhất thì tình thương của bạn không dành cho chính những người này, mà là tình thương dành cho Chúa, người đã tạo ra phẩm chất xuất sắc và tính cách tốt lành trong bản thân họ. Vì vậy, hãy đấu tranh chống lại nỗi sợ hãi, nghi ngờ và tư tưởng vị kỷ của mình. Cuối cùng thì cuộc đấu tranh cao cả nhất là chống lại những mệnh lệnh tiêu cực của tâm mê muội, khiến bạn quên đi Thiên Chúa, và điều đó khuyến khích bạn có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.

Phương Pháp Dựa Trên Cơ Đốc Giáo

Tiếp theo, nhà lãnh đạo tinh thần đạo Cơ Đốc có thể đã nói chuyện với các tín đồ Cơ Đốc trên tàu. Ông cũng có thể nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa, Cha của chúng ta, đã tạo ra tất cả chúng ta từ tình thương của Ngài. Càng để tâm đến tình thương đó thì bạn sẽ càng thấy gần gũi với Chúa hơn. Cách tốt nhất để cảm nhận sự gần gũi với Chúa là tôn trọng triệt để đạo đức và giá trị, dựa vào tình thương đã tạo ra bạn. Thiên Chúa đã tạo ra tất cả các bạn trong hình ảnh của Ngài, với tia sáng tình thương của Ngài trong tất cả các bạn. Vì vậy, tất cả các bạn đều có tiềm năng để thể hiện tình thương đó.

Hãy nghĩ đến Chúa Giê-su, người không hề nghĩ về sự thoải mái hay an toàn của bản thân mình, đã chịu khổ vì tất cả chúng ta, chết trên thập tự giá và sau đó sống lại từ cõi chết, để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Nếu bạn tin vào Chúa Giê-su thì hãy noi gương vị tha của Ngài, đối với việc chăm sóc người bệnh, người nghèo và túng thiếu bằng tình yêu vị tha của Chúa Giê-su. Chúa cũng tạo ra họ, và Chúa phải có mục đích khi tạo ra họ. Do đó, bạn cần tôn trọng tất cả, đặc biệt là những người thiếu thốn, là con của Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tình huống bị mắc kẹt trong tảng băng như một thách thức về đức tin của mình. Sẽ có nhiều người trên tàu tràn đầy sợ hãi và phiền muộn. Hãy khẳng định lại đức tin của bạn bằng cách chăm sóc những đứa con túng quẫn của Chúa, vì Chúa Giê-su sẽ chăm sóc họ bằng lòng thương yêu và cảm mến.

Methods Based on Confucian Principles/Phương Pháp Dựa Trên Nguyên Tắc Đạo Khổng

Tiếp theo, nhà lãnh đạo Khổng giáo có thể đã nói chuyện với những hành khách có cùng niềm tin với ngài. Ông cũng có thể bảo họ đừng lo lắng. Bạn cần phải hành động với yi (义), sự công bằng đối với mọi người, ông có thể đã nói, theo li ( 礼), điều gì đúng đắn và phù hợp khi gặp khó khăn.

Dù bạn có sống sót hay sẽ chết là kết quả của ming (命), số phận, nhưng miễn sao bạn làm điều đúng thì sẽ không hối tiếc. Điều đúng đắn để làm là tuân theo tất cả các thủ tục chánh thức trên tàu, để xử lý các trường hợp khẩn cấp. Theo các nguyên tắc của zhengming (正名), việc cải chánh dang xưng, nếu thuyền trưởng hành xử như một thuyền trưởng nên làm và hành khách hành động như cách hành khách nên làm, và nếu hành khách cư xử với nhau như bạn đồng hành thì bạn sẽ hài hòa với những điều mà tình hình đòi hỏi.

Tất cả các bạn đều có “ren” (仁), năng lực bên trong để làm những điều tốt lành, những điều đúng đắn trong mối quan hệ với người khác. Ren là nguồn gốc của tất cả các phẩm chất nhân từ, như tình thương, trí tuệ, sự chân thành và công bằng trong khi giao tiếp với mọi người. Bạn cần phải trau dồi khả năng bên trong này cho sự tốt lành, bởi vì nếu không có nó thì bạn sẽ không thể chịu đựng những khó khăn, không thể làm những điều đúng đắn.

Khi được hỏi khả năng bên trong là gì thì Đức Khổng Tử nói rằng:

Khi mà trước hết có những khó khăn, rồi thì giải quyết chúng - đó gọi là ren.

Nói cách khác, khi gặp một tình huống khó khăn như hiện tại thì bạn có thể nắm giữ tình huống và xử lý một cách nhân từ đúng đắn, công bằng với mọi người, bằng cách trau dồi năng lực bên trong của mình, để làm những điều gì đúng Một cách khác để hiểu câu nói này là:

Làm người đầu tiên khi gặp khó khăn và làm người cuối cùng khi nắm giữ (lợi lạc), đó gọi là ren.

Điều này cho thấy rằng trong những tình huống khó khăn, bạn cứ làm điều gì  đúng, bởi vì nó đúng, mà không có bất cứ sự quan tâm nào về công lao vì đã làm điều đó, hay nhận được bất cứ sự đền đáp nào.

Bạn có thể học cách trau dồi khả năng nội tâm này bằng cách xem xét các ví dụ từ lịch sử của những người đàn ông xuất chúng, những người đã làm những điều đúng đắn về mặt đạo đức, khi đối diện với thảm họa xã hội.  Đức Khổng Tử nói:

Một người đã trau dồi khả năng nội tâm của mình cho sự tốt lành, khi mong muốn tạo dựng bản thân một đúng đắn thì sẽ tạo dựng mọi người một cách đúng đắn, và khi mong muốn bản thân thành công, sẽ khiến mọi người thành công.

Đức Khổng Tử còn nói:

Để khắc phục tâm vị kỷ và làm theo những điều đúng đắn, đó là khả năng nội tâm dành cho sự tốt đẹp. Nếu trong một ngày mà con có thể khắc phục tánh vị kỷ và làm theo những điều đúng đắn thì mọi người dưới bầu trời sẽ trở về với ren.

Khi được hỏi thêm ren là gì thì Đức Khổng Tử nói rằng đó là yêu thương con người. Ông giải thích rằng những người có ren thì can đảm và dũng cảm. Vì vậy, hãy trau dồi khả năng nội tâm để làm những điều đúng mà những hành khách đúng đắn nên làm, hành động theo đúng phương thức mà thuyền trưởng hướng dẫn, rồi dù cho điều gì có xảy ra thì bạn chẳng bao giờ phải thấy xấu hổ về bất cứ điều gì.

Phương Pháp Dựa Trên Giá Trị Đạo Đức Cơ Bản Của Con Người

Rồi thì nhà lãnh đạo thế tục có thể đã nói chuyện với cả nhóm hành khách. Có thể ông đã nói với họ rằng dù có những người theo Phật giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và Khổng giáo trong số các bạn, nhưng cũng có nhiều người không theo bất kỳ tôn giáo hay triết lý có tổ chức nào. Tất cả chúng ta cần phải hành động một cách đạo đức đối với nhau, để sống sót qua thử thách này. Điều đó cũng bao gồm cả những người không có đức tin. Nếu như gây hấn với nhau thì chúng ta sẽ không bao giờ sống sót. Những người nào trong số các bạn theo một hệ thống tôn giáo hay triết học có tín ngưỡng và niềm tin trong giáo lý của hệ thống ấy, để hướng dẫn hành vi đạo đức của mình thì thật là tuyệt vời. Mặc dù lý do mà bạn hành động một cách đạo đức có thể khác nhau trong số các bạn, tuy nhiên, niềm xác tín sẽ đem lại cho bạn sức mạnh bên trong cần thiết để hành động một cách yêu thương đối với tha nhân. Tất cả các hệ thống tôn giáo và triết học này dạy chúng ta phải có lòng từ, lòng bi, sự tha thứ, hài lòng và để giảm bớt hành vi phá rối vị kỷ. Tuy nhiên, đây là những giá trị mà những người thiếu tín ngưỡng hoặc niềm tin vào một hệ thống có tổ chức cũng chấp nhận là đáng để phát triển. Chúng được gọi là “những giá trị đạo đức cơ bản của con người”.

Nếu nghĩ về mức độ của những giá trị cơ bản của con người thì tất cả chúng ta đều có cơ sở chung đối với hành vi đạo đức, và đó là chìa khóa cho sự sống còn của chúng ta như một nhóm người. Chúng ta cần phải duy trì hòa bình, hòa hợp và hợp tác với nhau, nhưng hòa bình bên ngoài phụ thuộc vào hòa bình bên trong. Nói cách khác thì hòa bình bên ngoài sẽ phụ thuộc vào việc mỗi một người trong chúng ta duy trì một tâm thức bình tĩnh, an lạc. Sự an lạc liên quan rất nhiều đến thái độ của bạn đối với người khác. Nếu bạn ôm ấp những tư tưởng thiếu tình người với tha nhân, chỉ luôn nghĩ về bản thân và làm cách nào để thành công thì khi giao tiếp với người khác, bạn sợ rằng họ sẽ làm tổn thương bạn bằng cách nào đó, hay ngăn cản bạn thành công. Bạn không tin tưởng họ nên tràn đầy sợ hãi và nghi ngờ. Về phần họ thì họ sẽ cảm nhận được điều này về bạn, nên cũng sẽ không tin bạn. Điều này tạo ra một khoảng cách giữa bạn và người khác; nó tạo ra một rào cản đối với việc tạo ra bất kỳ sự giao tiếp thật sự nào với họ. Khoảng cách và rào cản này khiến bạn cảm thấy bất an và cô đơn. Khi cảm thấy bất an thì bạn sẽ thiếu tự tin để đối mặt với những thách thức trong tình huống khó khăn. Bạn trở nên chán nản. Mặt khác, càng cảm thấy gần gũi hơn với những người trong nhóm thì bạn sẽ càng cảm thấy mình là một thành viên của cộng đồng. Bạn cảm thấy mình thuộc về nhóm này, và điều này sẽ khiến bạn an tâm hơn. Một khi cảm thấy an toàn hơn thì tự nhiên bạn sẽ tự tin hơn.

Con người chúng ta là động vật xã hội. Giống như khi một con vật xã hội, chẳng hạn như một con trừu bị tách khỏi đàn thì nó cảm thấy rất khó chịu và sợ hãi, nhưng khi trở lại với đàn thì nó lại thấy vui vẻ. Tương tự như vậy, chúng ta cũng đau khổ khi bị cô lập với người khác. Tuy nhiên, thường thì ngay khi ở bên cạnh người khác, nếu tâm bạn chứa đầy sự ngờ vực và nghi ngờ thì thái độ của bạn sẽ ngăn cản bạn nhận được bất kỳ sự an ủi hay hỗ trợ nào từ những người trong nhóm. Vì vậy, xin hãy nhận thức rằng sự thoải mái cơ bản về mặt tinh thần của bạn và khả năng duy trì hy vọng cho một kết quả đáng mừng về việc bị mắc kẹt ở đây trong tảng băng phụ thuộc vào thái độ của bạn đối với những người trong nhóm. Khi bạn phát triển cảm giác gần gũi với mỗi một người khác thì cảm giác đó mang lại cho bạn sức mạnh nội tâm và tự tin. Bạn không còn cảm thấy yếu đuối và nghi ngờ. Sự tự tin và cảm giác an toàn sẽ cho phép các bạn tin tưởng lẫn nhau, và niềm tin sẽ mang lại tình bạn chân chính.

Một số người nghĩ rằng họ sẽ có nhiều bạn bè hơn, nếu họ có tiền bạc hay quyền lực. Nhưng những người như vậy chỉ là bạn đối với tiền bạc và quyền lực của bạn. Khi tiền bạc và quyền lực của bạn không còn nữa thì những người bạn này cũng biến mất. Những người bạn thật sự thì không như thế. Tình bạn chân chính đem lại cho bạn niềm vui và hạnh phúc, được xây dựng trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Khi cởi mở và chân thành với nhau thì bạn sẽ cảm thấy không chỉ an toàn và tự tin hơn, mà còn giúp cho tâm mình thoải mái hơn. Trong trạng thái như vậy, bạn có thể hợp lực với nhau và đối phó với những khó khăn mà hiện nay, tất cả chúng ta là một nhóm. Cuối cùng thì không phải chỉ có tôi bị mắc kẹt trong tảng băng hay chỉ có bạn bị kẹt trong tảng băng; mà là tất cả chúng ta đều bị kẹt trong đó.

Ngay cả khi chúng ta thoát khỏi tình trạng khó khăn này, nếu bạn duy trì thái độ tích cực, cởi mở này đối với người khác thì bạn sẽ tiếp tục có những tình bạn ấm áp, đáng tin cậy. Sẽ luôn luôn có những khó khăn trong cuộc sống. Thật ngây thơ khi tưởng tượng rằng bạn sẽ không bao giờ phải đối mặt với bất cứ vấn đề nào trong tương lai, nhưng với sự cởi mở, chân thành, tự tin và tin tưởng của người xung quanh, bạn sẽ có sự chuẩn bị tinh thần tốt để liên kết với người khác, và người ta sẽ sẵn sàng hơn để liên kết với bạn để đối phó với bất cứ điều gì có thể xảy ra, dù tốt hay xấu.

Nếu bạn hỏi lý do để làm người đạo đức là gì thì đơn giản là vì chúng ta là con người. Chúng ta phải có đạo đức, vì chúng ta sống với nhau và phụ thuộc vào nhau để sống. Nếu bạn không quan tâm đến hạnh phúc và phúc lợi của người khác, mà lại gây rắc rối thì cuối cùng, chính bạn sẽ phải gặp đau khổ bằng cách cô lập bản thân, và mất đi sự quan tâm, lo lắng của người khác.

Có hai hình thức chăm sóc và quan tâm đến người khác. Một hình thức dựa trên cảm xúc và hướng về bản thân nhiều hơn, và những gì bạn có thể đạt được từ người khác. Miễn là người ta tốt với bạn, hay nói chung là cư xử tử tế thì bạn thích họ và quan tâm đến hạnh phúc của họ. Bạn không muốn họ đau khổ hay bất hạnh. Nhưng ngay khi họ bắt đầu có hành vi sai trái và làm tổn thương bạn, hoặc thậm chí chỉ đơn giản không đồng ý với bạn, thì thái độ của bạn đối với họ sẽ thay đổi. Bạn không còn yêu thích họ và không quan tâm đến việc họ có hạnh phúc hay không. Bạn chối bỏ họ vì hành vi của họ. Đây là lòng từ bi dựa trên cảm xúc, và nó không bao giờ là cơ sở ổn định cho tình bạn thật sự.

Hình thức khác về việc chăm sóc và quan tâm đối với tha nhân không phụ thuộc vào hành vi hay thái độ của họ. Nó chỉ dựa trên sự kiện rằng họ là con người, giống như bạn. Bạn muốn bản thân được hạnh phúc, bất kể bạn hành động như thế nào hay tâm trạng của bạn là gì. Và nó chỉ dựa trên sự kiện là bạn muốn được hạnh phúc, nên mới chăm sóc bản thân; bạn trông nom cho phúc lợi của mình. Nhưng điều đó cũng đúng với tất cả tha nhân, kể cả những người mà bạn có thể không thích vì cách họ cư xử, hay thái độ của họ ra sao. Tuy nhiên, họ cũng muốn được hạnh phúc; họ cũng phát triển mạnh khi được chăm sóc và thương yêu. Xét về ước muốn được hạnh phúc thì tất cả chúng ta đều bình đẳng. Ai cũng muốn được hạnh phúc. Không chỉ tất cả chúng ta đều giống nhau đối với việc muốn được hạnh phúc, mà tất cả chúng ta đều có quyền có một cuộc sống hạnh phúc; và đời sống hạnh phúc sẽ xảy ra, khi bạn có sự quan tâm chân thành với người khác, và quan tâm là họ cũng được hạnh phúc. Điều này dựa trên tình bạn chân thành với mọi người, bất kể bạn ở bên cạnh ai.

Chỉ có con người mới có khả năng quan tâm đến những người hành động sai lầm. Chỉ có con người mới có khả năng chăm sóc phúc lợi của họ. Khả năng này có thể xuất phát từ trí thông minh của con người, hay từ tín ngưỡng về hệ thống tôn giáo hay triết học nào đó. Thú vật không có những yếu tố này - chúng thiếu trí thông minh và đức tin của con người. Nếu như bị con thú khác đe dọa hay hãm hại thì chúng sẽ tấn công nó. Tuy nhiên, là con người, không phải tất cả chúng ta đều có tín ngưỡng hoặc niềm tin vào một hệ thống tôn giáo hoặc triết học, nhưng chúng ta đều có trí thông minh cơ bản của con người. Cần phải sử dụng trí thông minh ấy, để hiểu lý do tại sao việc quan tâm đến hạnh phúc và phúc lợi của người khác là chìa khóa mở ra hạnh phúc của chính mình.

Dù bạn tin vào một đấng sáng tạo hay kiếp trước, hay tin vào ảnh hưởng mạnh mẽ của tổ tiên thì không ai có thể phủ nhận rằng một người mẹ đã sinh ra bạn. Nếu không có sự chăm sóc và tình cảm của mẹ, hay của một người chăm sóc bạn như một người mẹ, khi bạn còn là một đứa trẻ bất lực, thì bạn sẽ không thể sống sót. Các nhà khoa học cho thấy rằng những người nhận được tình thương và tình cảm tối đa khi còn bé sẽ cảm thấy an toàn hơn, tự tin hơn và hạnh phúc hơn trong suốt cuộc đời của họ; trong khi những người bị bỏ bê hay hành hạ khi còn bé sẽ cảm thấy không an toàn, bất kể điều gì xảy ra với họ. Họ luôn luôn thấy khó chịu. Sâu thẳm bên trong, họ cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó trong cuộc sống, nên về cơ bản thì họ không hạnh phúc. Các bác sĩ cũng đã cho thấy rằng sự tiếp xúc về mặt thể chất với lòng trìu mến của người mẹ là điều thiết yếu cho sự phát triển đúng đắn cho bộ não của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, các bác sĩ cũng đã ghi nhận cách mà sự tức giận, sợ hãi và thù hận liên tục ăn mòn hệ thống miễn nhiễm.

Mọi người đều phải tự bảo trọng để có một cơ thể lành mạnh. Vì vậy, để có một cơ thể khỏe mạnh thì bạn cần chú ý nhiều hơn đến việc có một tâm thức lành mạnh, bình tĩnh. Câu hỏi quan trọng là làm thế nào để có được một tâm thức lành mạnh và bình tĩnh. Ngay cả khi bạn được nuôi dưỡng như một đứa con duy nhất, với nhiều tình cảm và sự chăm sóc, nhưng nếu bạn phải đối diện với áp lực lớn để thành công trong một xã hội cạnh tranh, cho dù ở trường hay ở nơi làm việc, bạn vẫn có thể cảm thấy bất an và căng thẳng. Nhưng nếu bạn cảm thấy cần phải đánh bại người khác để thành công, vì vậy mà tâm bạn chứa đầy sự ngờ vực, sợ hãi và ganh tị, thì kết quả là tâm trí của bạn sẽ bị xáo trộn và không ổn định. Tâm trạng không thoải mái này sẽ phá hoại không chỉ cơ hội thành công của bạn, mà còn cả sức khỏe của bạn.

Mặt khác, trong khi cố gắng hết sức mình mà bạn cũng quan tâm đến phúc lợi của người khác, thì bạn sẽ nhận ra rằng giống như bạn muốn nhận được sự khích lệ, giúp đỡ và hỗ trợ tình cảm thân thiện từ phía họ, thì họ cũng muốn nhận được những điều đó từ phía bạn Nếu bạn phát triển lòng bi mẫn chân thành đối với họ, mong muốn họ không thất bại, mà cũng thành công, thì điều này sẽ đem lại cho bạn sức mạnh nội tâm và niềm tự tin để áp dụng toàn bộ nỗ lực của mình vào nhiệm vụ làm việc vì sự thành công của tất cả mọi người. Việc thể hiện lòng bi mẫn và quan tâm đến người khác là dấu hiệu của sức mạnh, không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Trên thực tế, nó là cội nguồn của sức mạnh và tâm bình tĩnh.

Phân tích tương tự cũng áp dụng cho tình huống bị mắc kẹt trong tảng băng ở đây của chúng ta. Nếu bạn không tin tưởng lẫn nhau mà tranh cãi và cạnh tranh về nguồn vật chất hạn hẹp thì tất cả chúng ta sẽ khổ. Tất cả chúng ta sẽ trở nên yếu ớt hơn. Nếu bạn phát triển sự quan tâm chân thành với nhau và an ủi lẫn nhau, khi bất kỳ ai trong số các bạn bị quẫn trí, thì giống như một người mẹ an ủi trẻ sơ sinh đang khóc, cả người mẹ lẫn đứa bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Khi có sự bình tĩnh và cảm giác thuộc về một nhóm người đáng yêu, gồm có những người bạn chân thành, thì tất cả chúng ta sẽ có sức mạnh để tồn tại.

Vì vậy, hãy sử dụng trí thông minh của con người. Khi ai đó bắt đầu làm phiền bạn, và bạn bắt đầu tức giận, muốn hét lên với anh ấy hay cô ấy thì hãy nhớ rằng cách hành động như vậy chỉ khiến sự việc tồi tệ hơn. Nó sẽ làm đảo lộn tâm trạng của bạn, và cả tâm trạng tập thể của cả nhóm. Mọi người đều sợ hãi và lo lắng, nên nếu như bất cứ ai trong số người này cư xử sai lầm thì đó là vì họ cảm thấy bất an và sợ hãi. Hãy cố gắng giúp cho những người như vậy cảm thấy an tâm hơn và không mất hy vọng, bằng cách biểu lộ sự quan tâm và thông cảm với họ.

Hạnh phúc bắt nguồn từ việc hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, và hy vọng phát sinh nhờ sự hỗ trợ của những người bạn thân ái, tâm đầu ý hợp. Nói ngắn gọn thì trên cơ sở của những giá trị cơ bản chung của con người, tất cả chúng ta đều có thể hành động một cách đạo đức. Nếu đức tin tôn giáo hay tín ngưỡng triết học của bạn củng cố những giá trị đạo đức này thì điều đó thật tuyệt vời. Nếu bạn thiếu một đức tin như vậy thì hãy dựa vào trí thông minh của con người, và những giá trị đạo đức cơ bản của con người. Với sự hòa hợp tôn giáo giữa chúng ta, và tất cả mọi người nuôi dưỡng những giá trị cơ bản của con người, thì tất cả chúng ta sẽ sống sót qua thử thách này, và trở thành con người tốt đẹp hơn, nhờ có kinh nghiệm chung này.

Tóm Tắt

Từ phân tích này, chúng ta có thể thấy rằng mỗi một hình thức trong các tôn giáo, triết học và quan điểm thế tục này đều dẫn đến kết luận rằng khi đối diện với một tình huống khó khăn trong xã hội thì chìa khóa để tồn tại là đạo đức tự giác. Điều này có nghĩa là khắc phục tâm vị kỷ, sợ hãi, phiền muộn và hợp tác với nhau trên cơ sở của lòng từ, lòng bi, lòng nhân từ và tôn trọng. Mỗi trong năm quan điểm này - Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Khổng giáo và phi tôn giáo - đều có những phương pháp riêng để phát triển những phẩm chất tốt đẹp này:

  • Phật tử Tây Tạng thấy những tình huống khó khăn như sự sinh khởi phụ thuộc vào một số nhân duyên rộng lớn. Không có một yếu tố hay người nào có thể kiểm soát kết quả, mặc dù mọi người đều có thể đóng góp điều gì tích cực, để tạo ảnh hưởng cho điều gì sẽ xảy ra. Họ xem tất cả mọi người bình đẳng về cả hai mặt, đối với việc họ đều là cha mẹ của chúng ta trong những kiếp trước, đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau.
  • Người Hồi giáo thì xem những khó khăn đến từ ý Chúa, và việc giải quyết vấn đề nằm trong tay của Chúa. Họ phục tùng ý Chúa và tôn thờ Thiên Chúa bằng các phụng sự tất cả các tạo vật của Thiên Chúa một cách xuất sắc.
  • Các tín đồ Cơ Đốc xem những tình huống khó khăn như những thử thách do Thiên Chúa  ban cho để thử thách chúng ta, và noi gương Chúa Giê-su trong việc phụng sự người nghèo và túng thiếu.
  • Những người theo nguyên tắc Khổng giáo xem khó khăn là điều chắc chắn phải phát sinh lúc này hay lúc khác. Những gì xảy ra là tùy theo định mệnh của mình. Để đối phó với khó khăn, họ sẽ tuân theo các quy trình đúng đắn, khi vị thuyền trưởng hướng dẫn họ, và trau dồi ý thức nhân từ và lòng tốt, để đối xử công bằng với mọi người theo phép tắc và tình thương.
  • Những người chỉ tuân theo các giá trị đạo đức cơ bản của con người sẽ hiểu rằng dù sự việc có khó khăn đến đâu thì mọi người đều đánh giá cao tình thương và sự chăm sóc trìu mến. Là động vật xã hội, chúng ta cần hợp tác với nhau để tồn tại, và nếu chịu chăm sóc lẫn nhau thì chúng ta sẽ có sức mạnh và tự tin để vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Thế thì mỗi một nhóm trong năm nhóm này có hệ thống đạo đức riêng; tuy nhiên, những người chân thành làm theo giáo lý và lời khuyên của mỗi hệ thống này sẽ đạt được kết quả giống nhau. Họ có thể chấp nhận hoàn cảnh mà không tức giận. Ngay cả khi họ thấy một trong những hành khách có hành động đe dọa phúc lợi của cả nhóm, ví dụ như bằng cách tích trữ lương thực, và họ phải thi hành biện pháp kỷ luật để sửa sai vấn đề này, thì mỗi hệ thống giá trị đạo đức sẽ giúp họ làm việc này không vì lòng sân hận, mà vì lo lắng cho cả nhóm hành khách lâm vào cảnh khó khăn. Họ sẽ duy trì sự bình tâm và đóng góp cho phúc lợi của mọi người trên tàu một cách tích cực. Kết quả là cả cộng đồng không chỉ sống sót sau sự thử thách, mà các thành viên thậm chí còn trở nên thân thiết với nhau hơn trước đây, vì kinh nghiệm chung về trách nhiệm đối với phúc lợi của nhau.

Kết Luận

Ví dụ về con tàu bị mắc kẹt trong tảng băng ở Nam Cực là một phép ẩn dụ hữu ích, đối với việc thấu hiểu cách mà một xã hội đa văn hóa có thể đương đầu với những thách thức và khó khăn chắc chắn sẽ phát sinh trong cuộc sống, theo cung cách lành mạnh, hữu hiệu nhất. Để hoàn thành việc này, mọi người cần phải học hỏi về văn hóa và tín ngưỡng của tất cả các nhóm lớn trong xã hội của họ. Việc sợ hãi và nghi ngờ người khác xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về niềm tin của họ. Với nền giáo dục đúng đắn, chúng ta có thể biết rằng tất cả các tôn giáo và triết học đều có một hệ thống đạo đức, và những gì các hệ thống đạo đức này chia sẻ cũng phù hợp với các giá trị đạo đức cơ bản của con người mà mọi người đều có thể chấp nhận, kể cả những người vô thần. Đây là những giá trị của lòng từ bi và sự chăm sóc trìu mến dành cho người khác, với mối quan tâm sâu sắc về phúc lợi của họ.

Khi có sự biểu hiện chân thành về các giá trị cơ bản của con người, bất kể hệ thống tín ngưỡng mà những người từ các nhóm khác nhau tin tưởng là gì, thì xã hội sẽ hoạt động hài hòa, vào thời điểm tốt hay xấu. Đó là vì các nhóm người sẽ tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau; nhờ đó mà sự tin tưởng lẫn nhau sẽ phát sinh. Khi người dân từ các nền văn hóa khác nhau tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau thì họ sẽ sống mà không cảm thấy sợ hãi lẫn nhau. Điều này giúp cho một xã hội lành mạnh, hài hòa, dựa trên các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà mọi người chia sẻ.

Do đó, vì một xã hội lành mạnh sẽ phát sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố - kinh tế, môi trường, hệ thống xã hội, pháp lý và giáo dục, và như chúng ta đã thấy, đạo đức và hòa hợp tôn giáo - nếu bất kỳ yếu tố nào trong số này trở nên yếu kém thì xã hội sẽ không phát triển mạnh. Chúng ta cần bắt đầu ở mức cá nhân, đặc biệt là trong lãnh vực đạo đức và tôn trọng người khác và niềm tin của họ. Nếu chúng ta phát triển một tâm thức bình tĩnh và một thái độ bi mẫn đối với người khác, rồi mở rộng điều đó đến gia đình, bạn bè, cộng đồng trực tiếp của mình, thì dần dần, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội lành mạnh. Sức khỏe của xã hội sẽ phát sinh phụ thuộc vào việc mỗi thành viên của nó phát triển một tâm thức lành mạnh và ý thức đạo đức. Điều này đặc biệt đúng trong các xã hội đa văn hóa, và trong thế giới đa văn hóa nói chung.

Mỗi tôn giáo và triết học lớn trên thế giới, như chúng ta đã thấy trong trường hợp Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và Khổng giáo, chia sẻ các giá trị đạo đức cơ bản của con người mà những người không có tôn giáo hay triết học cũng có thể khẳng định. Chúng ta cần phải giáo dục con cái theo giá trị đạo đức cơ bản của con người, để dần dần, cả thế giới sẽ trở thành một nơi lành mạnh hơn vì lợi ích của tất cả mọi người. Xin cảm ơn các bạn.

Top