Xã Hội Và Tư Tưởng Ấn Độ Vào Thời Đức Phật

Harappa-Mohenjodaro

Nền văn minh Harappa-Mohenjodaro đã phát triển hưng thịnh ở thung lũng sông Indus vào thiên niên kỷ thứ 3 và thứ 2 trước Công nguyên. Nó đã có mối liên hệ thương mại với người dân trước thời của người Babylon Sumeria ở vùng Lưỡng Hà (Mesopotamian) của Iraq hiện đại ngày nay, nhưng ít chịu ảnh hưởng văn hóa của họ. Người dân rất có thể là người nguyên thủy Dravidian, với tôn giáo có một Thượng đế tối cao, đại diện cho khả năng sinh sản, sáng tạo, hành giả du già khổ hạnh có thần thông, và chúa tể gia súc, có phần giống như nguyên mẫu của vị thần Shiva của Ấn Độ giáo sau này. Tín ngưỡng tôn giáo cũng bao gồm một vị Mẫu thần (mother goddess), nghi thức rửa tội, thờ phượng dương vật, tôn kính cây đa (peepal, Phạn ngữ: pippala) thiêng thiêng, và tôn kính những con thú thánh thiện, chẳng hạn như bò. Cây đa là một loại cây sung, được biết trong đạo Phật như cây bồ đề.

Khởi đầu từ nửa thời gian sau của thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên thì các bộ lạc Ấn-Iran (Indo-Iranian) đã xâm chiếm và chinh phục thung lũng Sông Indus. Sau đó, họ đã định cư ở đó và xa hơn nữa, về phía Đông, ở phía Bắc Ấn Độ. Những bộ lạc này rất có thể đã bắt nguồn từ vùng A Phú Hãn (Afghanistan), miền Đông Iran và miền Nam của Tây Turkistan, và được biết đến như người “Aryan”, “những người cao quý”. Thật ra, chữ Iran bắt đầu từ cùng một nguồn với chữ Aryan. Các nền văn hóa đầu tiên của Iran và Ấn Độ có chung một số đặc điểm ngôn ngữ và tôn giáo là nhờ các bộ lạc này.

Với cuộc xâm lăng của người Aryan thì nhiều người bản địa da đen Harappa-Mohenjodaro trở thành nô lệ, trong khi những người khác di cư đến Nam Ấn Độ. Sự phân chia giai cấp của người Aryan thành quý tộc và bộ lạc được mở rộng, để trở thành hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ. Varna, từ ngữ tiếng Phạn cho đẳng cấp, cũng có nghĩa là màu sắc.

Kinh Vệ Đà

Vào thế kỷ 13 trước Công nguyên, người Aryan đã thành lập Đế chế Paurava ở miền Bắc Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, tôn giáo của họ đã được lập thành điều lệ trong kinh Vệ Đà (Vedas).

Các vị thần Vệ Đà ít nhân tính hơn, so với các vị thần Hy Lạp cổ xưa ngang hàng với họ. Họ là những người duy trì trật tự vũ trụ, là người nắm giữ lý tưởng đạo đức. Trong thời kỳ đầu tiên, việc thực hành tôn giáo Vệ Đà chủ yếu là hát những bài thánh ca khen ngợi và thỉnh cầu các vị thần trong đạo này. Tuy nhiên, với sự mã hóa của Kinh Vệ Đà thì xã hội đã ủy thác một đẳng cấp tu sĩ để thực hiện việc hiến tế lễ vật vào trong ngọn lửa thiêng liêng để dâng cho các vị thần. Các tu sĩ được xem là những người “Bà la môn” (“Brahmins”). Các lễ vật là điều cần thiết, để buộc các vị thần duy trì trật tự; nếu không thì họ sẽ không làm như vậy. Các lễ vật được dâng cúng vào lửa thiêng bao gồm sữa, bơ thanh lọc (ghee), ngũ cốc, và đặc biệt là “soma”, nước ép có men say của một loại cây có thể ảnh hưởng đến tâm trí.

Nghi lễ cúng dường được tôn sùng, thậm chí còn hơn cả các vị thần, do đó, các tu sĩ Bà la môn đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội. Nói cách khác thì xã hội tin rằng phúc lợi của nó không bắt nguồn nhiều từ sự ưu ái của các vị thần, mà là từ việc thực hiện đúng nghi thức của các vị Bà la môn. Vì điều này mà Ấn Độ giáo trong thời kỳ đầu thường được gọi là “đạo Bà la môn” (“Bhamanism”). Hơn nữa, xã hội xem việc dâng cúng các lễ vật như  là trả nợ cho các vị thần. Niềm tin này đã dẫn đến khái niệm Bà la môn về thiện hạnh là việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ban đầu, “mật chú” là những bài thánh ca có vần điệu của kinh Vệ Đà, cụ thể là Rg Vệ Đà, được hát trong các nghi lễ dâng cúng lễ vật cho các vị thần. Âm thanh của nó được xem là có oai lực đặc biệt, được tôn sùng như bất biến và vĩnh cửu.

Hơn nữa, theo giáo lý Bà la môn thì vũ trụ được tạo ra bằng sự hy sinh của Phạm Thiên (Brahma), người có phần giống như một người khổng lồ nguyên thủy. Nói cách khác thì Phạm Thiên là người nguyên thủy mà từ đó, vũ trụ mới tiến hóa, và là người duy trì vũ trụ cũng như mọi sự sống. Các bộ phận trong cơ thể của ông trở thành những khía cạnh khác nhau của vũ trụ, và các đẳng cấp trong xã hội. Do đó, xã hội đã xem vũ trụ như một tổng thể hữu cơ, được phản ảnh trong cơ thể con người. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ du hành qua con đường của ngọn lửa hỏa táng để đến thiên đàng cao nhất của ánh sáng vĩnh cửu. Những người bất thiện sẽ chìm vào bóng tối dưới lòng đất.

Một nền văn học lớn phát triển từ kinh Vệ Đà. Brahmanas, theo văn xuôi, đã giải thích các nghi thức Vệ đà, và hỗ trợ cho việc thực hiện nghi thức của họ. Kinh văn Puranas đã nêu ra những bài tường thuật lịch sử. Một sử thi nói riêng, Mahabharata, đã trở thành tinh hoa cho sự phát triển của Ấn Độ giáo phổ biến sau này. Nó được sáng tác vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên. Cũng trong thời kỳ này thì những ý tưởng ban đầu đã phát triển về một vị thần vĩ đại khác, đó là Vishnu.

Áo Nghĩa Thư

Đế chế Paurava bắt đầu suy tàn vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, sau một trận lụt lớn, khiến cho thủ đô của nó phải dời sang nơi khác. Dần dần, Đế quốc tan rã thành nhiều quốc gia nhỏ hơn. Một số là vương quốc; số khác là các nước cộng hòa. Những thay đổi lớn trong xã hội Ấn Độ đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ suy đoán về triết học và tôn giáo.

Phần cuối cùng của BrahmanasÁo Nghĩa Thư (Upanishads), một khối văn học đã phát triển, đầy đủ hơn, là cơ sở triết học cho đạo Bà la môn. Được sáng tác trong vài trăm năm, bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, mười hai Áo Nghĩa Thư đã ra đời trước thời Đức Phật. Mặc dù mỗi một tác phẩm trong số mười hai tác phẩm này trình bày những giáo lý hơi khác nhau, nhưng đã có nhiều chủ đề chung.

Từ ý tưởng Bà la môn về tính song hành giữa con người và người khổng lồ nguyên thủy, Áo Nghĩa Thư đã phát triển sự khẳng định về bản sắc của atman, bản ngã cá nhân hay “linh hồn”, với Phạm Thiên. Hơn nữa, họ giải thích rằng Phạm Thiên, là nguyên nhân chính của vũ trụ, đã tạo ra thế giới từ bản thân mình, và thu hồi nó lại vào bản thân, theo định kỳ. Tùy vào Áo Nghĩa Thư cụ thể nào mà quá trình này sẽ xảy ra theo một trong hai cách. Một là Phạm Thiên tiến hóa vào trong vũ trụ và tất cả những sinh vật trong đó; hai là vũ trụ và tất cả các chúng sinh trong đó chỉ đơn thuần là hiện tướng của Phạm Thiên. Trong cả hai trường hợp thì thực tại chân thật là tính hợp nhất của tất cả mọi vật và mọi người như Phạm Thiên. Thế giới của hiện tướng của các vật thể và chúng sinh riêng biệt là ảo ảnh (Phạn ngữ: maya). Trên thực tế thì tất cả những bản ngã cá nhân, hay linh hồn, đều giống hệt như Phạm Thiên.

Áo Nghĩa Thư cũng giới thiệu sự khẳng định về nghiệp và tái sinh. Những sự khẳng định này phù hợp với lời giải thích của họ rằng vũ trụ trải qua các chu kỳ sáng tạo và hủy diệt, lặp đi lặp lại trong những khoảng thời gian khổng lồ. Tương tự như vậy, các linh hồn cá nhân cũng trải qua sinh tử lặp đi lặp lại, qua vô lượng kiếp. Chu kỳ tái sinh lặp đi lặp lại này (Phạn ngữ: samsara) xảy ra, vì họ không nhận thức được bản sắc của chính mình và Phạm Thiên. Hơn nữa, nó bị khống chế vì mãnh lực từ “nghiệp” của họ - hành động của họ, dựa trên sự vô minh rằng tất cả chỉ là ảo ảnh. Khi người ta chứng ngộ ra rằng sự việc luôn luôn là như vậy, cụ thể là sự hợp nhất cơ bản giữa bản thân và Phạm Thiên, và sự cách biệt giữa hai người hoàn toàn là một ảo ảnh, thì người ta sẽ thành tựu giải thoát (Phạn ngữ: moksha). Con đường đưa đến giải thoát bao gồm việc phát triển tâm buông bỏ, và trưởng dưỡng một sự hiểu biết đúng đắn về thực tại, thông qua việc văn, tư, tu về tánh hợp nhất của vũ trụ. Tuy nhiên, quá trình phát triển tâm linh thông thường của con người trải qua bốn giai đoạn trong đời sống:

  • Sống đời độc thân của một đệ tử (Phạn ngữ: Brahmacharya).
  • Trở thành một gia chủ lập gia đình (Phạn ngữ: grhastha) và nuôi dưỡng gia đình.
  • Về hưu và sống rừng (Phạn ngữ: vanaprastha) như một ẩn sĩ.
  • Từ bỏ tất cả mọi thứ (Phạn ngữ: sannyasa), và trong khi vẫn sống một mình trong rừng thì noi theo thực hành tâm linh miên mật, để đạt giải thoát.

Do đó, Áo Nghĩa Thư nhấn mạnh vũ trụ là điều có thể thấu hiểu được, và nếu muốn thoát khỏi những nỗi khổ trong luân hồi, vì vô minh và nghiệp, thì người ta phải nhìn thấy bản chất chân thật của thực tại, và tự mình trải nghiệm nó. Đạo Phật và nhiều hệ thống triết học và tôn giáo khác của Ấn Độ sau này chấp nhận những tiền đề này.

The Political Situation in India during the Time of Shakyamuni Buddha/ Tình Hình Chánh Trị Ở Ấn Độ, Trong Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Sự phân chia miền Bắc Ấn Độ thành các nước cộng hòa và vương quốc tiếp tục trong thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (566-485 trước Công nguyên). Những nước lớn là Cộng hòa Bạt Kỳ (Vrji), với các nhóm họp công cộng và tổ chức dân chủ, và các vương quốc chuyên chế như Câu Tát La (Kosala) và Ma Kiệt Đà (Magadha). Tuy nhiên, cả hai loại nhà nước đều hoạt động theo cấu trúc nghi thức của đạo Bà la môn. Đó là vì đạo Bà la môn mô tả nhiệm vụ của một nhà cai trị, thay vì quyền hành và hình thức chính phủ của ông. Đức Phật ra đời ở nước Thích Ca (Shakya), một nước cộng hòa cũ, được sáp nhập vào Vương quốc Câu Tát Lat, và được giảng dạy ở cả hai nước Câu Tát La và Ma Kiệt Đà, cũng như tại Cộng hòa Bạt Kỳ.

Thời kỳ của Đức Phật đã chứng kiến sự tăng trưởng của tầng lớp thương gia và việc tích lũy tài sản to lớn, được đo lường bằng tiền, thay vì bằng gia súc. Các thương nhân trở nên giàu có hơn các vị vua, nên các nhà vua đã chống cự lại, bằng cách áp dụng biện pháp độc đoán hơn, để kiểm soát việc thương mại và xã hội nói chung. Do đó, trong các vương quốc thì mối bận tâm chính là có được sức mạnh kinh tế và chánh trị. Vì vậy, với sự chú trọng vào tiền bạc và việc sử dụng vũ lực, các vương quốc trở nên mạnh hơn nhiều, so với các nước cộng hòa – về mặt kinh tế, chánh trị và quân sự. Do đó, mọi người cảm thấy tự do của họ ngày càng bị hạn chế, và nỗi khổ của họ ngày càng lớn hơn. Nhiều triết gia thời đó, kể cả Phật, đã tìm cách giải thoát bằng những phương tiện tâm linh.

Có hai nhóm tâm linh chính đưa ra những con đường giải thoát, để đáp ứng với tình huống khó khăn này.

  • Các vị Bà la môn (brahmanas) có tính chất chính thống, người giữ gìn các nghi lễ Bà la môn cũ. Họ noi theo Áo Nghĩa Thư như nền tảng triết học, nhưng trong bối cảnh trước tiên là sống với nghĩa vụ trong xã hội, và chỉ trở thành những người độc thân thoát tục, sau khi đã về hưu. Họ chỉ xuất thân từ đẳng cấp Bà la môn, và theo đuổi con đường giải thoát như những nhà tu khổ hạnh cô độc, sống trong rừng.
  • Các vị Sa môn (shramanas) là những khất sĩ tìm cầu chân lý. Họ xuất thân từ các đẳng cấp khác, ngoài đẳng cấp Bà la môn, và tìm cách giải thoát bằng cách rời khỏi xã hội ngay từ đầu. Họ sống với nhau ở trong rừng, không có sự khác biệt về đẳng cấp, như một cộng đồng tâm linh (Phạn ngữ: sangha), thay vì khổ hạnh đơn độc. Họ tổ chức các cộng đồng tự trị theo mô thức của các nước cộng hòa, khi quyết nghị được hội đồng đưa ra. Hơn nữa, tất cả mọi người đều bác bỏ một chư Thiên tối thượng, chẳng hạn như Phạm Thiên, hay bất cứ hình thức nào khác của một đấng sáng tạo. Mặc dù các cộng đồng Sa môn không có sự khác biệt về đẳng cấp, nhưng các cư sĩ là những người tuân theo giáo lý của họ ở mức độ thấp hơn và hỗ trợ họ, thì vẫn sống với hệ thống đẳng cấp.

The Five Main Shramana Schools/Năm Trường Phái Sa Môn Chánh

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ đời sống hoàng tử, thì Ngài đã đi theo các Sa môn. Cũng theo thể thức đó, sau khi giác ngộ, Ngài đã sắp xếp cho những người tầm đạo theo Ngài sống trong những cộng đồng tự trị, giống như những nhóm Sa môn khác. Vì vậy mà đạo Phật đã trở thành trường phái thứ năm trong năm trường phái Sa môn vào thời đó.

[Xem: Cuộc Đời Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni]

Năm trường phái Sa môn và tri kiến cơ bản của họ là như sau:

  • Trường phái Ajivika, được Gosala thành lập, có tính tiền định, nên bác bỏ quá trình nhân quả của nghiệp. Họ khẳng định rằng các đại tạo ra vũ trụ - đất, nước, lửa, gió, hạnh phúc, bất hạnh và linh hồn (Phạn ngữ: jiva) - là những nguyên tử hoặc đơn bào (monad) cực vi (partless), không được sáng tạo ra, và chúng không tương tác với nhau. Bởi vì mọi việc đều là tiền định, mặc dù các hành vi xảy ra nhờ các nguyên tử của các đại này; nhưng không phải là chính hành động hay các nguyên tử khiến cho điều gì xảy ra. Các linh hồn trải qua vô số tái sinh, và sau khi đã trải qua tất cả những kiếp sống khả dĩ, thì sẽ tự động thể nhập vào trạng thái an lạc, thoát khỏi tái sinh. Vì vậy, giải thoát không phụ thuộc vào điều gì mà người nào thực hiện.
  • Trường phái Lokayata hoặc Charvaka, được Ajita giảng dạy, cũng bác bỏ nghiệp. Không chỉ vậy, nó còn bác bỏ tái sinh và bất cứ cái gì như linh hồn. Nó ủng hộ chủ nghĩa khoái lạc, dạy rằng tất cả các hành động nên tự phát. và nên xuất phát từ tự tánh của một người (Phạn ngữ: svabhava) - nói cách khác là chúng nên tự nhiên. Mục đích của cuộc sống là trải nghiệm càng nhiều lạc thú càng tốt. Trường phái này từ chối tất cả các hình thức luận lý học và lập luận như những cách hợp lệ để nhận biết bất cứ điều gì.
  • Trường phái Kỳ Na giáo (Jain) hoặc Nirgrantha, được Mahavira sáng lập, đã tách ra khỏi trường phái Lokayata như một phản ứng mạnh, chống lại nó. Do đó, nó khẳng định linh hồn trải qua tái sinh bằng nghiệp lực. Kỳ Na giáo vẫn còn tồn tại đến ngày nay là một trong những hệ thống tôn giáo lớn của Ấn Độ, giảng dạy hành vi đạo đức cực kỳ nghiêm ngặt, và chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan là phương tiện để thành tựu giải thoát.
  • Trường phái Agnostics Ajnana, do Sanjayin lãnh đạo, khẳng định rằng không thể có được kiến thức xác quyết về bất cứ điều gì bằng suy đoán triết học, hay tranh luận dựa trên lý luận học. Nó ủng hộ việc sống trong cộng đồng độc thân, chỉ nhấn mạnh vào tình bạn. 
  • Đạo Phật đã phát triển như một trường phái Sa môn, chấp nhận tái sinh bằng lực nghiệp, đồng thời bác bỏ sự tồn tại của loại linh hồn mà các trường phái khác khẳng định. Ngoài ra, Đức Phật chấp nhận việc sử dụng nhân minh học (logic) và lý luận, cũng như hành vi đạo đức là một phần của đường tu đến giải thoát, nhưng không đến mức khổ hạnh của Kỳ Na giáo. Nhờ vậy mà đạo Phật đã tránh được các cực đoan của bốn trường phái Sa môn trước đó.
Top