Lời giới thiệu
Theo sự xác định niên đại truyền thống, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakya thub-pa), còn được gọi là Đức Phật Cồ Đàm (Gau-ta-ma), sống trong khoảng thời gian từ năm 566 đến 485 trước Công Nguyên ở miền Trung Bắc Ấn Độ. Các nguồn tài liệu về Phật giáo có rất nhiều bản tường thuật khác nhau về cuộc đời của Ngài, theo thời gian, lại có thêm những chi tiết dần dần xuất hiện. Vì những tài liệu văn học Phật giáo đầu tiên chỉ được viết sau ba thế kỷ từ khi Đức Phật nhập diệt, khó mà biết chắc độ chính xác của các chi tiết tìm thấy trong các bài tường thuật này. Hơn nữa, chỉ vì một số chi tiết trong dạng văn bản xuất hiện muộn hơn các chi tiết khác, ta không có đủ lý do để coi nhẹ giá trị của chúng. Nhiều chi tiết có thể đã được tiếp tục truyền miệng sau khi các chi tiết khác đã được viết ra.
Hơn nữa, các tiểu sử truyền thống của các đạo sư Phật giáo vĩ đại, gồm cả chính Đức Phật, thường được biên soạn vì mục đích giáo huấn, chớ không phải để lưu trữ tài liệu lịch sử. Cụ thể hơn, tiểu sử của các đạo sư vĩ đại đã được viết theo cách để giảng dạy và truyền cảm hứng cho các Phật tử đang theo đuổi con đường tâm linh, đi đến sự giải thoát và giác ngộ. Vì vậy, để có được lợi lạc từ câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật, chúng ta cần hiểu câu chuyện theo bối cảnh này và phân tích các bài học mà ta có thể học hỏi được từ đó.
Nguồn gốc tài liệu
Các nguồn tài liệu sớm nhất về cuộc đời của Đức Phật bao gồm, trong phạm vi kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy, một vài bản kinh bằng tiếng Pali từ Kinh Trung A Hàm (The Collection of Middle -Length Discourses, tiếng Pali: Majjhima Nikaya) và từ các tông phái Tiểu thừa khác nhau, một số bản kinh về Giới Luật, liên quan đến nội quy giới luật của tu viện. Tuy vậy, mỗi một bản kinh này chỉ nêu lên những mảnh nhỏ về cuộc đời của Đức Phật.
Bản tường thuật đầu tiên mở rộng hơn xuất hiện trong bộ thi phẩm Phật giáo vào cuối thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, như Kinh Đại Sự (Great Matters, tiếng Phạn: Mahavastu) của trường phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika school) thuộc Tiểu thừa. Tuy không thuộc về Tam Tạng Kinh Điển (sDe-snod gsum,tiếng Phạn: Tripitaka, Three Baskets), bản văn này đã bổ sung các chi tiết, ngoài Tam Tạng Kinh Điển (sDe-snod gsum, tiếng Phạn: Tripitaka, Three Baskets), chẳng hạn như Đức Phật sanh ra là thái tử trong một gia đình hoàng tộc. Một thi phẩm khác xuất hiện trong kinh văn của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ, thuộc về Tiểu thừa là: Phổ Diệu Kinh (The Extensive Play Sutra, tiếng Phạn: Lalitavistara Sutra). Các bản kinh Đại thừa về sau của tác phẩm này (rGya-cher rol-pa’i mdo) đã mượn và trau chuốt thêm chi tiết dựa vào bản trước, ví dụ bằng cách giải thích rằng Đức Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ rất lâu từ trước, và việc hóa thân làm Thái Tử Tất Đạt Đa chỉ nhằm để chứng minh con đường đạt được giác ngộ, để hướng dẫn chúng sinh.
Cuối cùng, một số trong các bản tiểu sử này được đưa vào Tam Tạng Kinh Điển. Nổi tiếng nhất là bản Huyền Thoại về Cuộc Đời của Đức Phật (Deeds of the Buddha, Sangs-rgyas-kyi spyod-pa zhes-bya-ba’i snyan-ngag chen-po, tiếng Phạn: Buddhacarita) do nhà thơ Ashvaghosha (rTa-dbyangs) viết vào thế kỷ thứ nhất của Công Nguyên. Các bản văn khác còn xuất hiện muộn hơn trong các Mật điển, như trong Chakrasamvara (‘ Khor-lo bde-mchog). Ở đây, chúng ta tìm thấy sự tường thuật rằng trong khi xuất hiện như Đức Thích Ca Mâu Ni, thuyết giảng Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Sutras on Far-Reaching Discriminating Awareness, Sher-phyin mdo, Prajnaparamita Sutras, Perfection of Wisdom Sutras), Đức Phật đồng thời hóa thân thành Đức Kim Cương Trì (Vajradhara) và dạy Mật điển.
Từ mỗi bản tường thuật, chúng ta có thể học hỏi được điều gì đó và có được nguồn cảm hứng. Tuy nhiên, chủ yếu là ta hãy xem xét các bản văn mô tả Đức Phật lịch sử.
Đản Sinh, Cuộc Đời Niên Thiếu và Tâm Xả Ly
Theo những bản tường thuật sớm nhất thì Đức Thích Ca Mâu Ni (Shakya thub-pa) được sinh ra trong một gia đình chiến binh, quý tộc giàu sang ở nước Thích Ca (Shakya), có thủ đô là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu, Ser-skya’i gnas), nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay. Không có sự đề cập về việc Ngài sanh ra là thái tử trong một gia đình hoàng tộc. Chỉ trong những bản tường thuật sau này mới nói đến việc Ngài sanh ra là thái tử và có tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha, Don-grub). Phụ thân ngài là Tịnh Phạn (Shuddhodana, Zas gtsang-ma). Trong các văn bản về sau, danh tánh mẫu thân của Ngài là Ma Gia (Maya-devi, Lha-mo sGyu-‘ phrul-ma) cũng xuất hiện, cũng như tường thuật về việc Đức Phật được thụ thai một cách thần kỳ trong giấc mơ, bà Ma Gia thấy con voi trắng sáu ngà đi vào bên hông bà và lời tiên tri của nhà hiền triết A Tư Đà (Asita), rằng đứa bé sẽ trở thành một ông vua vĩ đại, hoặc một nhà hiền triết cao quý. Về sau, cũng có việc mô tả sự đản sanh thanh tịnh của Đức Phật từ bên hông của mẹ ngài ở một nơi không xa thành Ca Tỳ La Vệ, trong vườn Lâm TỳNi (Lumbini Grove, Lumbi-na’i tshal), việc Ngài bước đi bảy bước lúc đản sanh và nói “ta đã đến nơi”, cùng với cái chết của mẹ ngài sau khi sanh ra ngài.
Thời niên thiếu, Đức Phật sống một cuộc đời hoan lạc. Ngài lập gia đình và có một người con trai là La Hầu La (Rahula, sGra-gcan ‘dzin). Trong những bản văn về sau có ghi tên người vợ của ngài là Da Du Đà La (Yashodhara, Grags ‘ dzin-ma). Tuy nhiên, lúc hai mươi chín tuổi, Đức Phật từ bỏ cuộc sống gia đình và di sản hoàng tộc của mình, trở thành một người tầm đạo lang thang hành khất (dge-sbyong, tiếng Phạn: shramana).
Điều quan trọng là hãy nhìn vào tâm xả ly của Đức Phật trong bối cảnh xã hội và thời điểm lúc bấy giờ. Khi trở thành người tầm đạo lang thang hành khất, Đức Phật đã không bỏ rơi vợ con mình, để họ sống đơn độc trong nghèo đói. Chắc chắn là họ đã được gia đình đông đúc giàu có của Ngài chăm sóc. Hơn nữa, việc Đức Phật thuộc về đẳng cấp chiến binh có nghĩa là chắc chắn một ngày nào đó, Ngài sẽ phải rời khỏi gia đình để ra trận mạc. Gia đình của một người chiến binh phải chấp nhận điều này, vì đây là bổn phận của người đàn ông. Những chiến binh trong thời Ấn Độ cổ đại không hề mang theo gia đình của họ đến các doanh trại.
Mặc dù trận chiến có thể là để chống lại những kẻ thù bên ngoài, nhưng cuộc chiến thật sự là chống lại những kẻ thù bên trong chúng ta, và đây chính là cuộc chiến mà Đức Phật đã ra đi để chiến đấu. Đức Phật rời bỏ gia đình vì mục đích này, cho thấy đó là bổn phận của một người tầm đạo, hiến dâng cả cuộc đời mình để theo đuổi một mục đích. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại của chúng ta, nếu rời bỏ gia đình để trở thành người xuất gia và phát động trận chiến bên trong này, chúng ta cần phải bảo đảm rằng người nhà của mình sẽ được chăm sóc tốt. Điều này có nghĩa là không chỉ lo lắng cho nhu cầu của người hôn phối và con cái của mình, mà còn cho cha mẹ già của chúng ta nữa. Tuy nhiên, dù ta có rời bỏ gia đình hay không thì bổn phận của một Phật tử đi theo con đường tâm linh là làm giảm bớt đau khổ, bằng cách vượt qua sự say mê đối với các thú vui, như Đức Phật đã làm.
Để vượt qua nỗi khổ, Đức Phật muốn hiểu rõ bản chất của sinh, lão, bệnh, tử, tái sinh, buồn phiền và vô minh. Một thời gian sau, một bản văn mở rộng hơn về điều này xuất hiện, qua tình tiết về Xa Nặc, người đánh xe ngựa, đưa Đức Phật du hành một chuyến qua thành phố. Khi Ngài trông thấy người bệnh, người già, người chết và tu sĩ khổ hạnh, Xa Nặc giải thích cho Ngài hiểu về những người này. Nhờ vậy, Đức Phật đã nhận định rõ ràng nỗi khổ thật sự mà mọi người phải trải qua và phương cách khả dĩ để thoát khổ.
Tình tiết liên quan đến việc nhận sự giúp đỡ của người đánh xe ngựa về con đường tâm linh tương quan với tình tiết về Arjuna trong cuốn Bhagavad Gita (Srid-sgrub), nghe người đánh xe ngựa của Ngài là Krishna (‘ Dom-pa nag-po) nói về sự cấp thiết đối với việc theo đuổi nghĩa vụ của một chiến binh như ngài, và chiến đấu trong một trận chiến đối nghịch với những người thân của Ngài. Trong cả hai trường hợp của Phật tử và tín đồ theo Ấn Độ giáo, chúng ta đều có thể thấy một ý nghĩa sâu sắc hơn của việc vượt qua khỏi những bức tường của cuộc sống thoải mái của mình, với những gì thân quen và không bao giờ từ bỏ bổn phận tìm ra chân lý. Trong mỗi trường hợp, có lẽ chiếc xe ngựa tiêu biểu cho cỗ xe của tâm thức dẫn đến sự giải thoát, và lời nói của người đánh xe thể hiện động lực thúc đẩy cỗ xe đó, cụ thể là chân lý về thực tại.
Tu Học và Giác Ngộ
Là một người độc thân lang thang tầm đạo, Đức Phật đã tu học với hai vị thầy về các phương pháp để đạt đến những mức độ định tâm khác nhau (bsam-gtan, tiếng Phạn: dhyana) và định vô sắc. Mặc dù Ngài đã có thể đạt đến các trạng thái sâu xa của định tâm hoàn hảo, không còn trải nghiệm nỗi khổ thô trọng, hay ngay cả hạnh phúc tầm thường của thế gian, nhưng ngài không thấy thỏa mãn. Những trạng thái tâm thức cao hơn này chỉ mang lại sự vơi đi tạm thời, không phải là sự giải thoát vĩnh viễn đối với những cảm thọ ô trược, và chắc chắn không diệt được những nỗi khổ trầm luân, sâu xa hơn mà Ngài đã tìm cách vượt qua. Sau đó, Ngài hành trì pháp tu cực kỳ khổ hạnh với năm người bạn đồng tu, nhưng lối tu hành này cũng không loại bỏ được những vấn đề sâu sắc hơn, liên quan đến sanh tử luân hồi bất khống chế (‘ khor-ba, tiếng Phạn: samsara). Việc Đức Phật chấm dứt việc nhịn ăn sau sáu năm tu hành khổ hạnh bên bờ sông Ni Liên Thiền (Nairanjana River, Chu-bo Nai-ranyja-na), cùng với việc cô gái Tu Già Đa (Sujata, Legs-par skyes-ma) dâng cho Ngài một bát cơm sữa, chỉ xuất hiện trong các bản tường thuật về sau.
Đối với chúng ta, tấm gương của Đức Phật cho thấy ta không nên chỉ thỏa mãn với việc tĩnh tâm hoàn toàn, hay đạt được cảm giác “thăng hoa” nhờ thiền định, không kể đến những phương tiện nhân tạo như chất ma túy. Đi vào một trạng thái hôn mê sâu xa, hoặc hành hạ hay trừng phạt bản thân cũng không phải là giải pháp. Chúng ta phải đi trọn con đường dẫn đến sự giải thoát và giác ngộ, không nên thỏa mãn với những phương tiện tâm linh không thể đưa ta đến những mục tiêu này.
Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh, Đức Phật đã ngồi thiền một mình trong rừng già để chiến thắng nỗi sợ hãi. Bên trong sự sợ hãi là tâm ái ngã và sự bám chấp vào “cái tôi” không thể hiện hữu, thậm chí chúng còn mạnh hơn thái độ thôi thúc tìm kiếm các thú vui và giải trí tiềm ẩn bên trong. Vì vậy, trong tác phẩm Pháp Luân của Vũ Khí Sắc Bén (Blo-sbyong mtshon-cha’i ‘khor-lo) vào thế kỷ thứ 10 trước Công Nguyên, vị đạo sư người Ấn Độ Dharmarakshita (Dharma-rakshi-ta) đã sử dụng hình ảnh các con công đi lang thang trong rừng cây độc để tiêu biểu cho các vị bồ tát sử dụng và chuyển hóa những cảm xúc độc hại của tham sân si, để giúp họ vượt thoát tâm ái ngã và sự bám chấp lấy một “cái tôi” bất khả.
Sau nhiều công phu hành thiền, Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ lúc ngài ba mươi lăm tuổi. Các bản tường thuật về sau còn cung cấp các chi tiết về việc Ngài giác ngộ dưới một cây bồ đề (byang-chub-kyi shing) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya, rDo-rje gdan) ngày nay, sau khi đã ngăn chặn thành công các cuộc tấn công của Ma Vương (bDud). Vị Ma Vương ganh tỵ này đã cố gắng ngăn cản Đức Phật giác ngộ bằng cách biến hiện ra những hình ảnh đáng sợ hoặc cám dỗ, nhằm làm nhiễu loạn việc thiền định của Đức Phật dưới cội bồ đề.
Theo những bản tường thuật đầu tiên thì Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ bằng cách đạt được ba loại tri thức: tri thức toàn vẹn về tất cả các kiếp quá khứ của ngài, về nghiệp và sự tái sinh của tất cả chúng sinh, và Tứ Diệu Đế. Các bản tường thuật về sau còn giải thích rằng với việc giác ngộ, Đức Phật đã đạt được sự toàn trí.
Giảng Dạy và Thành Lập Tăng Đoàn
Sau khi thành tựu giải thoát và giác ngộ, Đức Phật đã ngần ngại về việc chỉ dạy cho người khác phương cách để đạt được những thành tựu như thế. Ngài cảm thấy rằng sẽ không có ai hiểu được điều này. Tuy nhiên, các vị trời Phạm Thiên (Brahma, Tshang-pa) và Đế Thích (Indra, dBang-po) đã khẩn nài xin Ngài chỉ dạy cho. Theo các giáo huấn của Bà La Môn mà sau đó phát triển thành Ấn Độ giáo, Phạm Thiên là vị trời sáng tạo ra vũ trụ và Đế Thích là Vua của chư Thiên. Trong lời khẩn cầu của mình, Phạm Thiên nói với Đức Phật rằng thế gian này sẽ phải chịu nhiều đau khổ triền miên nếu Đức Phật không giảng dạy, và ít nhất cũng có một số người sẽ hiểu được lời của Ngài.
Chi tiết này có thể là một yếu tố trào phúng cho thấy sự thù thắng của giáo huấn của Đức Phật, vượt qua các phương pháp truyền thống tâm linh của Ấn Độ trong thời của ngài. Xét cho cùng, nếu ngay cả những chư Thiên cao trọng nhất còn công nhận rằng thế giới cần những lời dạy của Đức Phật, vì chính họ còn thiếu phương tiện để giúp chúng sinh vĩnh viễn chấm dứt nỗi khổ; thì chúng ta là những đệ tử bình thường, còn cần những giáo huấn này nhiều hơn nữa. Hơn nữa, trong hình tượng của Phật giáo thì Phạm Thiên tiêu biểu cho sự kiêu mạn.Niềm tin sai lầm của vị trời này cho rằng mình là bậc sáng tạo toàn năng, tượng trưng cho mẫu mực của niềm tin sai lầm vào tự ngã tồn tại như một “ cái tôi” bất khả – cụ thể là một “cái tôi” có thể điều khiển hết mọi thứ trên đời. Niềm tin lầm lạc như vậy chắc chắn sẽ mang đến sự thất vọng và đau khổ. Chỉ có giáo huấn của Đức Phật về cách mỗi người chúng ta tồn tại như thế nào sẽ cống hiến phương cách đưa đến sự chân diệt của nỗi khổ thật sự và nguyên nhân thật sự tạo khổ.
Chấp nhận lời yêu cầu của Phạm Thiên và Đế Thích, Đức Phật đã đến Sa Nặc (Sarnath) và ở Vườn Lộc Uyển (Deer Park, Ri-dags-kyi gnas, tiếng Phạn: Mrgadava), Ngài đã dạy Tứ Diệu Đế cho năm người đồng môn của mình trước đây. Trong hình tượng của Phật giáo, nai tượng trưng cho sự nhu hòa, vì vậy, Đức Phật đã giảng dạy một phương tiện nhu hòa, tránh các cực đoan của chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa khổ hạnh.
Chẳng bao lâu sau, một số thanh niên ở Ba La Nại (Varanasi, Va-ra-na-si) gần đó cũng gia nhập theo Đức Phật làm khất sĩ lang thang, giữ lối sống độc thân nghiêm ngặt. Cha mẹ của những người này trở thành những đệ tử tại gia và bắt đầu thí thực cho đoàn khất sĩ. Khi có người nào trong tăng đoàn đã được đào tạo đầy đủ và có đủ khả năng thì Đức Phật gửi người ấy ra ngoài giảng dạy cho người khác. Bằng cách này, nhóm đệ tử khất sĩ theo Đức Phật nhanh chóng phát triển và chẳng bao lâu, họ đã định cư và hình thành những cộng đồng “tăng lữ” riêng biệt tại nhiều nơi.
Đức Phật đã tổ chức những cộng đồng tăng lữ này theo các nguyên tắc thực tiễn. Các tăng sĩ, nếu chúng ta có thể dùng thuật ngữ này ngay từ đầu, có thể nhận những ứng viên gia nhập cộng đồng, nhưng họ phải tuân theo một số giới hạn nhất định để tránh việc va chạm với chính quyền thế tục. Vì vậy, Đức Phật không cho phép các tội phạm, những người phục vụ cho hoàng gia như trong quân đội chẳng hạn, những nô lệ chưa được trả tự do, và những người mắc bệnh truyền nhiễm như phong cùi gia nhập vào cộng đồng tăng lữ. Hơn nữa, những ai dưới hai mươi tuổi cũng không được chấp nhận. Đức Phật muốn tránh bất cứ sự rắc rối nào và bảo đảm sự tôn kính của dân chúng đối với cộng đồng tăng lữ và Phật pháp. Điều này cho chúng ta thấy rằng, là đệ tử của Đức Phật, chúng ta cần tôn trọng những phong tục địa phương và hành động với lòng tôn trọng, để dân chúng có một ấn tượng tốt đẹp về đạo Phật và nhờ vậy, họ sẽ tôn trọng Phật giáo.
Không lâu sau đó, Đức Phật quay về vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha, Yul ma-ga-dha), nơi Bồ Đề Đạo Tràng tọa lạc. Ngài được Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara, gZugs-can snying-po) , người trở thành một thí chủ và đệ tử của Đức Phật, mời đến thủ đô, thành Vương Xá (Rajagrha, rGyal-po’i khab) – ngày nay là Rajgir. Ở đó, những người bạn của Xá Lợi Phất (Shariputra, Sha-ri’i bu) và Mục Kiền Liên (Maudgalyayana, Mo’u dgal-gyi bu) cũng gia nhập vào tăng đoàn đang lớn mạnh của Đức Phật và trở thành một số trong những đệ tử thân cận nhất của Ngài.
Trong vòng một năm sau khi đạt giác ngộ, Đức Phật đã trở về thành phố quê hương của Ngài là Ca Tỳ La Vệ, nơi con trai của Ngài là La Hầu La cũng gia nhập vào tăng đoàn. Trước đó, người em trai khác mẹ của Đức Phật là A Nan (Nanda, dGa’-bo) tuấn tú, cũng rời bỏ gia đình và gia nhập tăng đoàn. Phụ thân của Đức Phật, Vua Tịnh Phạn (Shuddhodana), rất buồn vì không còn ai nối dõi tông đường, nên nhà vua đã thỉnh cầu Đức Phật rằng trong tuơng lai, một người con trai trong gia đình phải có sự chấp thuận của cha mẹ mới được gia nhập tăng đoàn. Đức Phật hoàn toàn đồng ý. Điểm tường thuật này cho thấy không phải Đức Phật tàn nhẫn với cha của mình, mà cho thấy tầm quan trọng trong việc tránh tạo ra ác cảm đối với đạo Phật, đặc biệt là trong gia đình của chúng ta.
Có một chi tiết xuất hiện sau này về việc Đức Phật gặp gỡ gia đình của Ngài là khi Ngài dùng thần thông để đến Cõi Trời Tam Thập Tam Thiên, hoặc theo một số tài liệu, là Cõi Trời Đâu Suất (Tushita, dGa’-ldan) để giảng dạy cho thân mẫu của Ngài, người đã tái sanh vào cõi này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của lòng biết ơn và trả hiếu cho mẹ.
Sự Phát Triển của Tăng Đoàn
Các cộng đồng tăng lữ của Đức Phật buổi ban đầu còn nhỏ, không quá hai mươi người. Mỗi cộng đồng tự trị và tuân theo ranh giới được đặt ra cho đường đi khất thực của các tăng sĩ. Hành động và quyết định của mỗi cộng đồng được thực hiện theo cách bỏ phiếu nhất trí trong nhóm để tránh sự bất hòa. Không ai được đặt để là người có quyền hành duy nhất. Thay vào đó, Đức Phật đã chỉ dẫn cho tăng chúng xem chính giáo pháp là quyền lực. Ngay cả chính giới luật tăng đoàn cũng có thể thay đổi, nếu thấy cần thiết, nhưng bất cứ sự thay đổi nào cũng phải dựa vào sự đồng thuận của cả cộng đồng.
Vua Tần Bà Sa La đã đề nghị Đức Phật chấp nhận tục lệ của các nhóm khất sĩ khác, chẳng hạn như của Kỳ Na giáo (Jains, gCer-bu-pa) , tổ chức lễ Phát Lồ Sám Hối bốn kỳ mỗi tháng (gso-sbyong, Skt. uposhadha). Theo tục lệ này, các thành viên của cộng đồng tăng lữ sẽ tụ họp vào đầu mỗi quý trong mỗi tháng âm lịch để bàn luận về các giáo huấn. Đức Phật đã đồng ý, điều này cho thấy Ngài cởi mở với những đề nghị theo tục lệ của từng thời điểm. Thật ra thì Đức Phật đã tạo mô hình cho nhiều phương diện trong cộng đồng tâm linh và cấu trúc của các bài giảng của Ngài theo Kỳ Na giáo. Đại Cần Dũng (Mahavira), người sáng lập Kỳ Na giáo, đã sống trước Đức Phật khoảng nửa thế kỷ.
Không lâu sau đó, Xá Lợi Phất (Shariputra) đã yêu cầu Đức Phật thành lập quy định về giới luật tăng đoàn. Tuy nhiên, Đức Phật đã quyết định chờ cho tới khi những vấn đề cụ thể phát sinh rồi mới lập một lời thệ nguyện để tránh sự tái diễn của một trường hợp tương tự như thế. Đức Phật đã sử dụng đường lối này đối với cả hai loại hành vi, những hành vi phá hoại tự nhiên, có hại cho người nào phạm phải, và những hành vi đạo đức trung lập bị ngăn cấm đối với một số người trong một số trường hợp, vì một số lý do nào đó. Vì vậy, những giới luật (‘ dul-ba, tiếng Phạn: vinaya) này rất thực dụng và được hình thành đặc biệt, với mối quan tâm chính của Đức Phật là để tránh các vấn đề và không tạo ra hành vi phạm giới.
Dựa trên những giới luật này, Đức Phật lập ra việc tụng giới trong bốn kỳ tăng hội mỗi tháng, cùng với việc chư tăng công khai thừa nhận bất kỳ sự phạm giới nào. Việc trục xuất ra khỏi tăng đoàn sẽ xảy ra đối với những vi phạm nghiêm trọng nhất, ngoài ra thì người phạm giới chỉ phải trải qua thời gian thử thách. Vào thời gian sau, các kỳ họp như thế được tổ chức hai lần mỗi tháng.
Tục lệ kế tiếp Đức Phật đề ra là việc an cư kiết hạ trong ba tháng mùa mưa (dbyar-gnas, tiếng Phạn: varshaka), trong suốt thời gian này, chư tăng phải ở một chỗ, tránh việc đi lại. Mục đích là để ngăn ngừa việc gây hại cho mùa màng khi chư tăng phải băng qua những cánh đồng, khi đường sá bị lũ lụt. Việc giữ gìn khóa an cư kiết hạ mùa mưa dẫn đến việc thiết lập các tu viện cố định. Một lần nữa, sự phát triển này xảy ra là để tránh bất kỳ sự tổn hại nào cho cộng đồng cư sĩ và có được sự tôn trọng của họ. Việc xây dựng các tu viện cố định cũng được chấp thuận vì đó là điều thực tế.
Bắt đầu từ khóa an cư kiết hạ mùa mưa lần thứ hai trở đi, Đức Phật đã trải qua hai mươi lăm mùa an cư kiết hạ ở rừng Kỳ Viên (Jetavana, rGyal-bu rgyal-byed-kyi tshal) bên ngoài Xá Vệ (Shravasti, gNyan-yod) , thủ đô của vương quốc Câu Tát La (Koshala, Ko-sa-la). Ở đây, thương nhân Cấp Cô Độc (Anathapindada, mGon-med zas-sbyin) đã xây một tu viện cho Đức Phật và các tăng chúng của Ngài, và Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit, rGyal-po gSa-rgyal) cũng bảo trợ thêm cho tăng đoàn. Tu viện tại Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên (Jetavana) là nơi nhiều sự kiện lớn đã xảy ra trong đời Đức Phật. Sự kiện nổi tiếng nhất là việc Ngài đánh bại các vị đạo trưởng của sáu trường phái ngoại đạo lớn vào thời của Ngài, trong một cuộc thi triển thần thông.
Ngày nay, không ai trong chúng ta có thể thực hiện những thần thông điêu luyện. Tuy nhiên, việc Đức Phật sử dụng thần thông thay vì dùng lập luận để đánh bại các đối thủ của Ngài cho thấy rằng khi tâm trí của kẻ khác không cởi mở với lý luận, thì cách tốt nhất để thuyết phục họ về giá trị của sự hiểu biết của bản thân là chứng minh cho họ thấy trình độ thực chứng bằng việc làm và hành vi của mình. Có một câu ngạn ngữ trong tiếng Anh: “Hành động có tiếng vang lớn hơn lời nói”.
Thành Lập Ni Đoàn
Trong sự nghiệp hoằng hóa sau này của Đức Phật, Ngài đã thiết lập một cộng đồng nữ tu ở Tỳ Xá Ly (Vaishali, Yangs-pa-can), theo lời thỉnh cầu của người dì của Ngài là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati, sKye-dgu’i bdag-mo chen-mo) . Lúc đầu, Ngài miễn cưỡng với việc khởi xướng một ni đoàn như vậy, nhưng rồi Ngài quyết định việc đó cũng có thể thực hiện được, nếu Ngài lập nhiều giới nguyện hơn cho chư ni, so với chư tăng. Khi làm như vậy, Đức Phật không có ý cho rằng nữ giới ít giữ kỷ luật hơn nam giới và cần phải điều phục tâm nhiều hơn bằng cách giữ nhiều giới hơn. Đúng hơn là Ngài e ngại việc thành lập một ni đoàn sẽ mang lại tai tiếng và giáo pháp của Ngài sẽ sớm chấm dứt. Trên hết, Đức Phật muốn tránh sự bất kính của quần chúng khắp nơi, vì vậy, ni đoàn cần phải vượt qua bất cứ sự nghi ngờ nào về các hành vi vô đạo đức.
Tuy nhiên, nói một cách tổng quát thì Đức Phật đã ngần ngại trong việc thành lập giới luật và sẵn sàng cho xóa bỏ một số quy luật nhỏ hơn, nếu như chúng được xem là không cần thiết. Chính sách của Ngài cho thấy sự năng động của hai chân lý – chân lý sâu xa nhất và vẫn tôn trọng chân lý quy ước phù hợp với phong tục của địa phương. Mặc dầu trong chân lý sâu xa nhất thì không có vấn đề gì với việc lập ni đoàn; tuy nhiên, để tránh cho thường dân xem nhẹ Phật giáo thì cần phải có thêm giới luật cho chư ni. Theo chân lý sâu xa nhất thì dù xã hội có nói gì cũng không thành vấn đề; tuy nhiên, theo chân lý quy ước thì việc cộng đồng Phật giáo xứng đáng được công chúng kính trọng và tin tưởng là điều quan trọng. Vì vậy, trong thời đại và xã hội tân tiến, ở những nơi có thể có sự bất kính đối với đạo Phật nếu như có bất kỳ thành kiến nào xảy ra đối với chư ni hay phụ nữ nói chung, hoặc đối với bất kỳ nhóm người thiểu số nào vì phong tục của Phật giáo, thì noi theo tinh thần của Đức Phật, chúng ta sẽ sửa đổi những phong tục đó, để chúng phù hợp với tiêu chuẩn của thời đại.
Sau cùng, lòng khoan dung và bi mẫn là những nguyên tắc then chốt trong giáo huấn của Đức Phật. Thí dụ, Ngài đã khuyến khích các Phật tử mới, những người trước đây đã hỗ trợ cộng đồng tôn giáo khác, nên tiếp tục việc hỗ trợ này. Trong tăng thân cũng thế, Ngài cũng chỉ bảo các thành viên phải chăm sóc lẫn nhau. Ví dụ, nếu một vị tăng bị bệnh thì các vị tăng khác phải chăm sóc cho người đó, bởi vì tất cả đều là thành viên của gia đình Phật tử. Đây cũng là một giới luật quan trọng đối với tất cả các Phật tử tại gia.
Phương Pháp Giảng Dạy của Đức Phật
Đức Phật dạy mọi người vừa bằng tấm gương sống của Ngài, vừa bằng các chỉ giáo của Ngài. Về các chỉ giáo, Ngài áp dụng hai phương pháp, tùy vào lúc Ngài đang thuyết giảng cho một nhóm hay một cá nhân. Trước các nhóm thính chúng, Đức Phật sẽ giảng giải theo hình thức thuyết pháp, thường lập lại từng điểm với những từ ngữ khác nhau, để thính chúng có thể nhớ kỹ hơn. Tuy nhiên, khi ban chỉ giáo cho các cá nhân, thường là sau buổi thọ trai mà một gia đình nào đó đã thỉnh mời Ngài và tăng chúng của Ngài, Đức Phật sẽ sử dụng cách tiếp cận khác. Ngài không bao giờ phản đối hay thách thức quan điểm của người nghe, mà sẽ chấp nhận lập trường của họ và nêu ra những câu hỏi để giúp người nghe làm sáng tỏ tư tưởng của họ. Bằng cách này, Đức Phật dẫn dắt người nghe cải thiện lập trường của họ và dần dần đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về thực tại. Một ví dụ là việc Đức Phật dẫn dắt một người kiêu hãnh thuộc đẳng cấp tu sĩ Bà La Môn hiểu rằng tính ưu việt không bắt nguồn từ đẳng cấp người đó được sinh ra, mà từ việc phát triển những phẩm chất tốt đẹp của họ.
Một ví dụ khác nữa là lời chỉ dẫn của Đức Phật đối với một bà mẹ tuyệt vọng, người đã mang xác đứa con của mình tìm đến Đức Phật và van Ngài hãy giúp cho đứa bé sống lại. Đức Phật bảo bà mẹ hãy mang đến cho Ngài một hạt giống mù tạt từ một ngôi nhà mà cái chết chưa bao giờ xảy ra, rồi Ngài sẽ xem có thể làm được gì để giúp con của bà. Người đàn bà đó đi hết từ nhà nọ đến nhà kia, nhưng gia đình nào cũng đều có người đã chết. Dần dần, bà nhận ra rằng mọi người đều phải chết và nhờ vậy, bà đã có thể bình tâm đem đứa con của mình đi hỏa táng.
Phương pháp giảng dạy của Đức Thế Tôn cho chúng ta thấy rằng khi giúp người khác giải quyết vấn đề cá nhân, tốt nhất là đừng đối đầu với họ. Cách hữu hiệu nhất là giúp họ tự suy nghĩ cho chính họ. Tuy nhiên, đối với những nhóm người muốn học hỏi về giáo pháp thì chúng ta cần phải giải thích một cách thẳng thắn và rõ ràng.
Những Mưu Đồ Chống Lại Đức Phật và Ly Gián
Bảy năm trước khi Đức Phật nhập niết bàn, người em họ đố kỵ của Ngài là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta, Lhas-byin) đã mưu đồ đoạt quyền lãnh đạo tăng đoàn của Ngài. Tương tự như thế, Thái Tử A Xà Thế (Ajatashatru, Ma-skyes dgra) cũng âm mưu soán ngôi của cha là Vua Tần Bà Sa La, người cai trị xứ Ma Kiệt Đà. Vì vậy nên hai người cùng nhau bày mưu lập kế. Thái Tử A Xà Thế tìm cách mưu sát Vua Tần Bà Sa La, và cuối cùng thì nhà vua từ bỏ ngai vàng, truyền ngôi lại cho con trai của mình. Thấy được sự thành công của Thái Tử A Xà Thế, Đề Bà Đạt Đa đã nhờ thái tử ám sát Đức Phật, nhưng mọi mưu kế sát hại Ngài đều thất bại.
Sau đó, Đề Bà Đạt Đa cố tâm lôi kéo tăng chúng rời xa Đức Phật bằng cách tuyên bố rằng mình “ thánh thiện” hơn cả người anh họ của mình, và vì thế, đã đề nghị ra một hệ thống giới luật nghiêm nhặt hơn. Theo quyển “Thanh Tịnh Đạo” (The Path of Purification, tiếng Pali: Visuddhimagga) của đại sư Phật Âm (Buddhaghosa), một vị thầy của Phật Giáo Nguyên Thủy vào thế kỷ thứ Tư trước Công Nguyên, thì những đề nghị Đề Bà Đạt Đa đưa ra cho tăng sĩ baogồm:
-
mặc y vá từ những vải rách,
-
chỉ mặc ba chiếc y mà thôi,
-
đi khất thực và không bao giờ nhận lời mời đi thọ trai,
-
không bỏ sót nhà nào khi đi khất thực,
-
dùng hết một lượt những thức ăn thọ bát được
-
chỉ ăn từ bình bát của mình
-
từ chối mọi thực phẩm khác,
-
chỉ sống trong rừng,
-
sống dưới tàng cây,
-
sống ngoài trời, không ở trong nhà,
-
chủ yếu là sống ở những khu mộ địa,
-
hài lòng với những nơi trú ngụ nào mình tìm được trong khi đi từ nơi này đến nơi khác,
-
ngủ ngồi, không bao giờ được ngủ nằm
Đức Phật nói rằng nếu tăng chúng nào muốn áp dụng thêm những giới luật này thì cũng được, nhưng Ngài không buộc ai phải làm như thế. Tuy vậy, một số tăng sĩ của Ngài đã chọn đi theo Đề Bà Đạt Đa, rời bỏ tăng đoàn của Đức Phật và lập tăng thân riêng của họ.
Theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì các giới luật phụ trội do Đề Bà Đạt Đa đặt ra được gọi là mười ba hạnh đầu đà (tiếng Pali: dhutanga) . Truyền thống chư tăng sống trong rừng vẫn còn được tìm thấy, ví dụ ở Thái Lan ngày nay, dường như phát xuất từ lối thực hành này. Ngài Đại Ca Diếp (Mahakashyapa, ‘ Od-bsrung chen-po), đệ tử của Đức Phật, là hành giả nổi tiếng nhất về việc tuân theo giới luật nghiêm khắc này. Nhiều hình thức của giới luật này cũng được các vị khất sĩ (tiếng Phạn: sadhu) tuân theo, trong truyền thống Ấn Độ giáo. Việc thực hành của họ dường như là sự tiếp nối truyền thống của các khất sĩ lang thang tầm đạo vào thời Đức Phật.
Đại thừa có một danh mục tương tự về mười hai hạnh đầu đà đặc thù (sbyangs-pa’ispaceyon-tan, tiếng Phạn: dhutaguna) . Danh mục này bỏ đi điều “không bỏ sót nhà nào khi đi khất thực”, thêm vào điều “mặc y đã bị vứt bỏ trong thùng rác”, gộp chung hai điểm “đi khất thực” và “chỉ ăn từ bình bát của mình” vào thành một. Các đại thành tựu giả Mật tông (grub-thob chen-po, tiếng Phạn: mahasiddha) của truyền thống Ấn Độ sau này đã tuân theo đa số những giới luật này. Các vị này có mặt trong cả hai tôn giáo, Phật giáo Đại thừa và Ấn Độ giáo.
Việc tách ra khỏi truyền thống Phật giáo đã được củng cố, rồi thành lập một tăng đoàn khác – ví dụ, trong thời kỳ hiện đại, việc thành lập một trung tâm Phật giáo riêng biệt – không phải là vấn đề. Hành động này, tự bản thân nó không tạo ra một “sự ly gián trong cộng đồng tăng sĩ ”, một trong ngũ nghịch (mtshams-med lnga). Tuy nhiên, Đề Bà Đạt Đa đã tạo ra sự ly gián và phạm vào một trọng tội như thế, bởi vì nhóm tăng sĩ tách ra và đi theo ông đã nuôi một ác ý tột cùng đối với cộng đồng tăng lữ của Đức Phật và chỉ trích họ kịch liệt. Theo một vài bản tường thuật thì ý đồ ly gián xấu xa này đã kéo dài đến vài thế kỷ.
Việc tường thuật về sự ly gián này cho thấy Đức Phật cực kỳ khoan dung và không phải là người theo chủ nghĩa cơ bản. Nếu đệ tử của Ngài muốn áp dụng giới luật nghiêm khắc hơn những gì Ngài đã đặt ra cho họ thì điều đó cũng không sao; và nếu họ không muốn thì cũng được. Không ai bị bắt buộc phải thực hành những gì Đức Phật đã dạy. Ngay cả nếu một vị tăng hay vị ni nào muốn rời khỏi giáo đoàn thì cũng được. Tuy vậy, điều vô cùng tiêu cực là việc chia rẽ cộng đồng Phật giáo, đặc biệt là tách rời cộng đồng tăng ni thành hai hoặc nhiều nhóm, trong đó một nhóm hay cả hai lại có ác ý tột cùng với nhau, cố tâm làm mất uy tín hay hủy hoại nhau. Ngay cả việc tham gia vào một trong những bè phái xung đột này sau đó và tham dự vào chiến dịch thù hận đối với phe kia là điều cực kỳ có hại. Tuy nhiên, nếu một trong những nhóm này tham gia vào hành động phá hoại hoặc gây nguy hại, hay áp dụng giới luật tai hại, thì lòng từ bi nơi bạn sẽ kêu gọi mọi người cảnh giác về mối nguy hiểm khi gia nhập vào nhóm đó. Tuy nhiên, động cơ của bạn khi làm việc này phải không bao giờ trộn lẫn với tâm sân, hận, hoặc ý muốn trả thù.
Đức Phật Nhập Diệt
Mặc dù khi đã thành tựu giải thoát, Đức Phật đã vượt qua cái chết bình thường thiếu sự khống chế; tuy nhiên, ở tuổi tám mươi mốt, Đức Phật quyết định rằng việc dạy cho các đệ tử của Ngài hiểu về lẽ vô thường sẽ là điều lợi lạc, và Ngài đã rời bỏ thân xác của mình. Trước khi thực hiện điều này, Ngài đã cho thị giả của Ngài là A Nan (Ananda, Kun-dga’-bo) một cơ hội để thỉnh cầu Ngài sống và giảng dạy lâu hơn, nhưng A Nan đã không hiểu được sự gợi ý của Đức Phật. Điều này cho thấy rằng một vị Phật chỉ giảng dạy khi có sự thỉnh cầu, và nếu không ai thỉnh cầu hoặc quan tâm nữa thì Ngài sẽ đi nơi khác, nơi nào Ngài có thể tạo nhiều lợi lạc hơn. Sự hiện diện và giáo huấn của một vị thầy tùy thuộc vào các đệ tử.
Thế rồi ở Câu Thi Na (Kushinagara, Ku-sha’i grong-khyer, gNas rtsva-mchog) , tại nhà của Thuần Đà (Chunda), Đức Phật lâm trọng bệnh sau khi thọ dụng bữa ăn do vị thí chủ này cúng dường Ngài và nhóm tăng sĩ của Ngài. Trong giờ phút cuối cùng, Đức Phật nói với các tăng sĩ rằng nếu họ có điều gì nghi ngờ, hoặc có những thắc mắc chưa có câu trả lời, thì họ nên dựa vào các giáo huấn của Ngài và nguyên tắc giới luật của họ. Những điều đó giờ đây sẽ là thầy của họ. Vì vậy, Đức Phật đã chỉ rõ rằng mỗi người phải giải đáp thắc mắc của mình từ những giáo huấn đó. Không một ai có thẩm quyền tuyệt đối để đưa ra câu trả lời. Thế rồi Đức Thế Tôn nhập diệt.
Thuần Đà đã hoàn toàn quẫn trí khi nghĩ rằng mình đã đầu độc Đức Phật. Nhưng A Nan đã an ủi vị gia chủ này, nói rằng thật ra ông đã tạo nghiệp lực thiện hảo to lớn, hay “công đức” lớn khi cúng dường cho Đức Phật bữa ăn cuối cùng, trước khi Ngài nhập diệt.
Lễ trà tỳ đã được cử hành cho Đức Phật, và xá lợi của Ngài được an vị trong các bảo tháp – đài kỷ niệm chứa đựng thánh tích – đặc biệt ở những nơi trở thành bốn thánh địa hành hương lớn cho Phật tử:
-
Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh,
-
Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật đạt giác ngộ,
-
Sa Nặc, nơi Ngài ban Giáo Pháp đầu tiên,
-
Câu Thi Na, nơi Ngài nhập diệt.
Kết Luận
Những truyền thống Phật giáo khác nhau có những sự tường thuật khác nhau về cuộc đời của Đức Phật. Sự khác biệt đó cho thấy mỗi truyền thống quan niệm như thế nào về Đức Phật và những gì ta có thể học được từ tấm gương của Ngài.
-
Những văn bản Tiểu thừa chỉ nói về Đức Phật lịch sử. Bằng cách nêu gương Ngài đã tu tập miên mật ra sao để đạt được giác ngộ, chúng ta sẽ học hỏi cách tự nỗ lực tu hành.
-
Theo văn bản tổng quát của Đại Thừa thì Đức Phật đã đạt giác ngộ từ nhiều a tăng kỳ kiếp trước. Bằng cách thị hiện một cuộc đời với mười hai hạnh giác ngộ, Ngài đã dạy chúng ta rằng việc giác ngộ đòi hỏi sự tu tập mãi mãi vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
-
Theo bản tường thuật của Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga tantra), thì Đức Phật thị hiện là Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (The Sutra on Far-reaching Discriminateing Awareness, The Prajnaparamita Sutras), đồng thời vừa là Đức Kim Cang Trì (Vajradhara) giảng dạy Mật điển. Điều này cho thấy rằng pháp tu Mật tông hoàn toàn dựa vào giáo huấn Trung Luận (Madhyamaka) về không tướng (voidness).
Vì vậy, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều hữu ích từ mỗi một văn bản về cuộc đời của Đức Phật, và có được nguồn cảm hứng ở nhiều mức độ khác nhau.
Tóm tắt
Các truyền thống Phật giáo có sự tường thuật khác nhau về cuộc đời của Đức Phật. Sự khác biệt này cho thấy cách mỗi một truyền thống nhận thức về một vị Phật và chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ tấm gương của ngài. Lối giải thích của Tiểu thừa chỉ nói về Đức Phật lịch sử. Nhờ sự miêu tả cách Đức Phật đã tu tập miên mật để đạt giác ngộ mà ta hiểu rằng ngay cả người thường như chúng ta cũng có thể làm như vậy, và ta sẽ nỗ lực tu tập. Theo lối giải thích chung của Đại thừa thì Đức Phật đã đạt giác ngộ nhiều a tăng kỳ kiếp trước đó. Nhờ hiển lộ cuộc đời với 12 công hạnh giác ngộ, ngài đã dạy cho ta thấy mình phải phụng sự mãi mãi vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, để đạt được giác ngộ. Theo lối giải thích của Vô Thượng Du Già Mật Điển thì Đức Phật đã hiển lộ làm Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết Bát Nhã Tâm Kinh, đồng thời cũng là Đức Kim Cang Trì thuyết Mật điển. Điều này cho thấy pháp tu Mật điển hoàn toàn dựa trên giáp pháp Trung Quán về tánh Không. Vì vậy, ta có thể học hỏi nhiều điều hữu ích từ mỗi một cách giải thích về cuộc đời của Đức Phật, và tạo nguồn cảm hứng ở nhiều mức độ.