Lời Mở Đầu
Khi muốn tìm hiểu về Đức Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập đạo Phật là ai, thì ta sẽ thấy rằng có nhiều phiên bản khác nhau về cuộc đời của Ngài. Vì vấn đề là như vậy, nên ta có thể đặt câu hỏi: Có phải họ đều nói về cùng một người hay không? Đây không phải là một thắc mắc đơn giản để trả lời.
Một phiên bản về cuộc đời Đức Phật đã nổi bật lên từ Kinh điển Pali, Kinh điển của truyền thống Nguyên thủy (Theravada). Thật ra thì chúng không chứa đựng việc tường thuật đầy đủ về cuộc đời của Đức Phật tại một nơi, nhưng ta có thể chắp vá những mẩu chuyện lại với nhau từ nhiều sách vở. Về sau thì văn học Phật giáo đã bổ sung thêm nhiều chi tiết vào câu chuyện thô sơ này.
Đại thừa đã mở rộng rất nhiều về bản sắc của Đức Phật, là một phiên bản khác về cuộc đời của Đức Phật, một phiên bản khác với phiên bản của Phật giáo Nguyên thủy. Trong phiên bản của Nguyên thủy thì Đức Phật là một nhân vật lịch sử, thường được chấp nhận là đã tại thế từ năm 566 đến năm 485 trước Công nguyên, và đã giác ngộ trong kiếp đó, chấm dứt dòng tâm thức khi Ngài nhập diệt. Phiên bản Đại thừa nói thêm về câu chuyện đã được trình bày trong kinh điển Pali, và mô tả cách Đức Phật đã giác ngộ vô số kiếp trước đó, và đã giáng thế bằng sắc tướng Thích Ca Mâu Ni. Ở trái đất này, Ngài đã thực hiện mười hai công hạnh giác ngộ như một tấm gương, để chỉ cho người khác thấy cách nó có thể được thực hiện như thế nào, và khi nhập niết bàn thì dòng tâm thức của Ngài tiếp tục, để hiển lộ trong nhiều cõi khác, thuyết pháp và tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Một phiên bản khác về Đức Phật là phiên bản được tìm thấy trong Mật tông. Trong phiên bản này thì Đức Phật xuất hiện qua nhiều sắc tướng khác nhau, trong cùng một lúc. Những sắc tướng này được gọi là “chư Hộ Phật”, có nhiều màu sắc khác nhau, nhiều tay châm và mặt, tất cả đều đại diện cho những khía cạnh khác nhau về các chứng ngộ của Đức Phật. Ngài đã xuất hiện trong những sắc tướng khác nhau, nhưng đồng thời cũng thuyết Pháp trong sắc tướng của một con người, ví dụ như trên đỉnh Linh Thứu ở Ấn Độ, nơi Ngài cũng thuyết giảng Kinh điển.
Cuộc Đời Của Đức Phật Trong Những Bối Cảnh Cụ Thể
Những phiên bản khác nhau, bao gồm luôn những phiên bản phụ, có vẻ rối rắm, nên thật ra thì Đức Phật là ai? Để hiểu được những phiên bản khác nhau thì trước tiên, cần phải hiểu nguyên tắc cơ bản của đạo Phật, rằng mỗi phiên bản về cuộc đời của Đức Phật đã giảng dạy kinh điển theo khía cạnh cụ thể đó trong đạo Phật, ví dụ như trong một bối cảnh cụ thể. Hình thức của vị Phật được mô tả trong Kinh điển Pali đã thuyết pháp trong bối cảnh của giáo pháp Nguyên thủy. Do đó, điều đó sẽ không có nghĩa gì, nếu như cũng cùng một vị Phật ấy lại giảng dạy pháp Đại thừa và Mật tông.
Trong kinh sách Đại thừa thì hình thức của vị Phật được mô tả không phải là “Đức Phật lịch sử” (ví dụ như là người đã giác ngộ trong một đời, và dòng tâm thức chấm dứt vào lúc nhập diệt). Điều này cũng đúng, khi nhắc đến thể dạng của vị Phật được mô tả trong giáo lý Mật tông.
Tóm lại, khi bàn luận về cuộc đời của Đức Phật, hay các chủ đề khác, thì phải nhớ một nguyên tắc cơ bản trong đạo Phật là bất cứ điều gì được mô tả hoặc trình bày trong các giáo huấn khác nhau đều phải được hiểu theo một bối cảnh cụ thể. Một cách khác để xem xét cùng một tài liệu trong những bối cảnh khác nhau là nêu ra những câu hỏi nào đó, chẳng hạn như: Việc học hỏi tài liệu này có ích lợi gì trong đời sống hàng ngày của tôi? Tài liệu này có lợi ích gì về đường tu của nhà Phật?
Khi nhìn vào cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong những bối cảnh khác nhau thì hy vọng là ta có thể tránh được những câu hỏi có vấn đề như sau: Thật sự thì Đức Phật có thuyết Kinh điển Đại thừa hay không? Ngài có thật sự dạy Mật tông không? Vào thời Đức Phật, vì giáo lý chỉ được truyền khẩu, và không có điều gì được viết xuống, nên đã có nhiều cuộc tranh luận giữa các Phật tử về việc Đức Phật có giảng pháp Đại thừa và Mật tông hay không. Một cuộc tranh luận đã được trình bày trong tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh” (“Engaging in Bodhisattva Behaviour”) của Tịch Thiên (Shantideva), đạo sư vĩ đại người Ấn Độ, mà trong đó, ngài đã nói rằng, “Dù các hành giả Tiểu thừa (hành giả Phật giáo Nguyên thủy v.v...) có nêu ra bất kỳ lý do nào để bác bỏ giá trị Kinh điển Đại thừa thì tôi có thể sử dụng chính những lý do đó để bác bỏ giá trị Kinh điển của quý vị.”. Nói cách khác là cả hai trường phái Tiểu thừa và Đại thừa đều nói rằng giáo pháp của họ đã được trao truyền theo truyền thống khẩu truyền. Do đó, nếu như các hành giả Nguyên thủy nói với hành giả Đại thừa rằng, “Giáo pháp của các ông không xác thực, vì chúng không được Đức Phật thuyết giảng, bởi vì chúng ra đời sau này”, thì các hành giả Đại thừa có thể đáp lại rằng, “Giáo pháp của các ông cũng giống như vậy thôi. Giáo huấn của các ông cũng được trao truyền theo truyền thống truyền khẩu, và rất lâu sau đó mới được ghi chép lại. Nếu như giáo pháp của chúng tôi không xác thực thì giáo pháp của các ông cũng không xác thực.”.
Một lập luận khác đã được trình bày sớm hơn trong bài này là có một khái niệm khác biệt về Phật trong cả hai bối cảnh của Nguyên thủy và Đại thừa. Vị Phật Nguyên thủy đã thuyết giảng Kinh điển Nguyên thủy, và vị Phật Đại thừa đã thuyết Kinh điển Đại thừa. Từ những bối cảnh này trong ba truyền thống: Nguyên thủy đại diện cho Tiểu thừa, truyền thống kinh điển Đại thừa, và truyền thống Mật tông Đại thừa, chúng ta có thể tìm hiểu về đời sống chung chung của Đức Phật.
Thời Của Đức Phật
Trước tiên thì cần phải đặt câu hỏi: Đức Phật đã sống vào lúc nào? Ngài đã sống trong một thời điểm nào đó trong một xã hội cụ thể, ví dụ như trong một bối cảnh được xác định. Xã hội này đã có những tín ngưỡng cơ bản nào đó, mà Đức Phật đã nói đến. Trong hệ thống tín ngưỡng này thì các chủ đề cơ bản được tìm thấy trong tất cả những cách suy nghĩ của người Ấn Độ đã có mặt vào thời đó, và được phát triển qua lịch sử. Đức Phật đã giải thích những chủ đề này, chẳng hạn như tái sinh, được xác định theo nghiệp lực (hành vi cá nhân), và cách để thoát khỏi luân hồi. Tất cả các hệ thống Ấn Độ nói chung đều nói rằng kiến thức, hay sự hiểu biết về thực tại, là phương tiện giúp cho người ta thoát khỏi tái sinh. Vì không hài lòng với giải đáp của các triết lý và tôn giáo vào thời đó, nên Đức Phật đã tư duy, thiền định và tu tập nhiều pháp tu khác nhau, để đi đến chứng ngộ về chân lý.
Ở Ấn Độ, vào thời Đức Phật, có một phong trào mạnh mẽ hướng về hệ thống chuyên quyền. Có nhiều loại vương quốc, trong đó, các thương nhân trở nên giàu có hơn, nên lại cạnh tranh với các nhà vua về mức độ giàu sang. Để đáp lại thì nhà vua trở nên chuyên quyền hơn. Trong một vài khu vực của Ấn Độ thì các nước cộng hòa nhỏ bắt đầu thành lập một hệ thống tư tưởng không phân cấp hơn, dựa vào tư tưởng của người dân nói chung. Vì Đức Phật ra đời [hay ở gần] một trong những nước cộng hòa này, nên Ngài đã chịu ảnh hưởng của hệ thống này, và thành lập một hệ thống tu viện mà những quyết định trong đó phải được tất cả các thành viên chấp hành.
Ngoài ra, vào thời điểm đó, có một phong trào của những người chống lại tôn giáo Vệ đà cũ, cùng với các nghi lễ và thầy tu của tôn giáo này, v.v..., một tôn giáo đã được tất cả mọi người tin theo, bao gồm các nước cộng hòa và chuyên chế. Những người phản động là những vị “Sa di” (“Shramana”), những vị đầu đà lang thang hay “những người rời xa” xã hội, những người rút lui khỏi xã hội để lang thang trong rừng, thiền định và cải thiện sự phát triển tâm linh của mình. Đại diện của loại phong trào này không chỉ có Đức Phật, mà còn có các trường phái và tín đồ khác. Việc rút lui ra khỏi xã hội, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó, là điều quan trọng, nếu như người ta muốn theo đuổi con đường tâm linh – trở nên độc lập, để đi tìm chân lý. Một khi cảm thấy rằng mình đã tìm thấy sự thật thì không nên áp đặt nó lên người khác theo cách phân cấp và chuyên quyền, mà hãy tiết lộ nó bằng một cách “dân chủ” hơn.
Mục Tiêu Và Tính Hợp Lệ Của Các Tiểu Sử
Trong bối cảnh Phật giáo, Ấn Độ hay Tây Tạng, thì tiểu sử được sử dụng để giảng dạy và minh họa một số điểm nào đó trong chuyện đời của một nhân vật vĩ đại, thay vì chỉ trình bày các sự kiện. Trong bối cảnh này thì đời sống của một nhân vật tôn giáo vĩ đại là để truyền cảm hứng cho người khác, và do đó, theo quan điểm Tây phương thì có những phần trong câu chuyện có vẻ rất tuyệt vời. Ví dụ như từ cuộc đời của Đức Phật, khi mẹ của Ngài được một con voi trắng có sáu ngà viếng thăm trong chiêm bao, hoặc khi Đức Phật được sinh ra từ hông của người mẹ, và bước bảy bước, nói rằng “Duy ngã độc tôn!” vân vân. Theo quan điểm của Ấn Độ và Tây Tạng thì việc câu chuyện có chính xác về mặt lịch sử hay không không quan trọng. Vấn đề là câu chuyện đại diện hay dạy cho người khác điều gì? Điều quan trọng là mình có ráp nối lại cuộc đời của Đức Phật lịch sử hay không, để tìm hiểu xem thật ra Ngài đã làm gì, hay điều gì đã xảy ra trong nhóm tín đồ của Ngài. Hay là ta muốn nhìn vào câu chuyện từ quan điểm về cách mà một người Ấn Độ hoặc Tây Tạng sẽ đọc nó. Trong mỗi một bối cảnh thì chuyện đời của Ngài là để dạy chúng ta điều gì đó, chứ không có cách nào hợp lệ hơn cách khác. Một nguyên tắc quan trọng về cách tư duy trong nhà Phật vận hành là có thể hiểu sự việc ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhiều quan điểm khác nhau, và thấy rằng nhiều quan điểm trong số này có thể hoàn toàn hợp lệ; có nhiều hơn một chân lý về cách sự việc đã xảy ra.
Một ví dụ phổ biến trong văn học Phật giáo là về chất lỏng. Đối với con người thì chất lỏng này trông giống như nước; đối với ngạ quỷ thì nó giống như mủ; đối với chúng sinh trong địa ngục thì nó trông giống như axit; đối với chư thiên thì nó giống như cam lồ. Cái nào là đúng? Theo cách nghĩ của đạo Phật thì tất cả đều đúng, vì tính hợp lệ của một cái gì đó chỉ là điều tương đối, trong một bối cảnh nào đó.
Một ví dụ khác là trong một chi nhánh trong pháp trị liệu gia đình, được gọi là liệu pháp ngữ cảnh, mà mỗi thành viên trong gia đình được yêu cầu mô tả tình huống của họ trong hoàn cảnh gia đình. Người cha sẽ kể theo một cách, người mẹ sẽ nói theo cách khác, và mỗi đứa con sẽ nói theo cách của chúng. Mỗi một trong những cách tường thuật này đều chính xác và được tôn trọng như nhau, vì tất cả các thành viên trong gia đình đều trải qua hoàn cảnh theo cách riêng của họ. Đây là một cách suy nghĩ rất giống đạo Phật, và có thể được áp dụng vào chuyện đời của Đức Phật. Nếu như mình đọc câu chuyện theo nhiều cách khác nhau, thì mỗi một phiên bản đều đúng, và sẽ dạy cho ta điều gì đó.
Những Sự Kiện Chính Trong Cuộc Đời Của Đức Phật, Và Sự Liên Hệ Của Điều Này Đối Với Việc Tu Tập Của Chúng Ta
Đức Phật sinh ra trong một gia đình có đặc quyền và giàu có (liệu Ngài có phải là hoàng tử hay không là một điều tạo ra tranh luận), do đó, đã hưởng thụ những niềm vui và lợi lạc lớn lao, kể cả một nền giáo dục tốt. Ngài đã lập gia đình và có một đứa con trai. Về sự nghiệp thì Ngài sẽ nối dõi quyền cai trị của cha Ngài, là người trị vì một nước cộng hòa, nhưng vì Ngài là người theo phong trào Sa di, nên đã từ chối đề nghị này. Ở đây, điều quan trọng phải nhấn mạnh là Đức Phật không vô trách nhiệm khi rời bỏ vợ con. Trong xã hội Ấn Độ thì vợ và con cái được chăm sóc trong đại gia đình, gồm có ông bà và các thành viên khác. Ngoài ra, Đức Phật đã sinh ra trong đẳng cấp chiến binh, đẳng cấp mà những người đàn ông sẽ đi chinh chiến xa nhà. Đức Phật đã tham dự trận chiến của chính mình, cuộc chiến nội tâm chống lại vô minh và những phiền não khác.
Việc Đức Phật quyết định rời bỏ cuộc sống gia đình dạy cho ta rằng việc tìm cầu chân lý, chẳng hạn như chấm dứt nỗi khổ về mặt tái sinh, hay thống khổ về tinh thần và cảm xúc thì quan trọng hơn nhiều, so với việc có một địa vị cao, quyền uy và tiền bạc. Điều quan trọng hơn là phải hiểu cách để tìm ra giải pháp cho những vấn đề cá nhân phổ quát, chẳng hạn như sân hận, tham lam, ích kỷ, v.v., hay vấn đề xã hội, hơn là tìm kiếm quyền lực và tiền bạc cho bản thân mình. Đó là bài học mà cuộc đời của Đức Phật đã dạy cho chúng ta.
Đức Dalai Lama nói rằng việc theo đuổi đời sống tâm linh 100% không dành cho tất cả mọi người. Thay vì vậy thì điều quan trọng là chất lượng đời sống của bạn và đời sống của những người xung quanh bạn. Đức Phật đã hoàn toàn theo đuổi con đường tâm linh, rời bỏ cung điện trên một chiếc xe ngựa (một ví dụ từ Bhagavad Gita) và chứng kiến nhiều nỗi khổ vì lão, bệnh, và tử, và những người lang thang mà Ngài không thể nhìn thấy trong cung điện.
Nét biểu tượng trong những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật có thể được áp dụng cho lý thuyết Jungian, khi mà Đức Phật bị mù quáng vì sự giàu sang và những thú vui nhục dục, nên Ngài không nhìn thấy những nỗi khổ trên thế gian. Chỉ đến khi ra khỏi cung điện bằng cỗ xe, và bắt đầu hành trình tâm linh thì Ngài mới thấy được nỗi khổ, và nhận ra tất cả những vấn đề mà tất cả mọi người đều phải đối diện.
Một khía cạnh rất quan trọng về câu chuyện của Đức Phật và giáo lý nhà Phật là không tu hành theo cực đoan cuồng tín. Sau khi rời khỏi cung điện thì Đức Phật đã thiền định miên mật và thực hành pháp tu khổ hạnh rất cực đoan, đến nỗi Ngài sắp chết đói. Trong khi ngồi dưới cội cây, Ngài nhận ra rằng những pháp tu này không có lợi, nên đã ngưng tuyệt thực và nhận bát sữa chua từ một cô gái chăn trừu. Theo suy nghĩ của người Ấn Độ thì một con bò (sữa chua, sữa) đại diện cho lòng từ bi của người mẹ. Vì vậy, đó là biểu tượng rằng Đức Phật đã được cúng dường thực phẩm từ một con bò, để dạy chúng ta rằng chính lòng từ bi đã đánh thức mình thoát khỏi viêc hành xác, để giúp ta tìm ra một cách phù hợp, một cách liên hệ với nỗi khổ phổ quát.
Ngay trước khi đạt giác ngộ thì Đức Phật an tọa dưới cây bồ đề (cây thánh trong tư tưởng Ấn Độ là một chủ đề chung) và Ma vương (Mara) đã xuất hiện. Mara, trong tiếng Phạn là cái chết, đại diện cho những chướng ngại, trở ngại và cám dỗ, v.v... Từ đó, ta có thể thấy rằng ngay cả Đức Phật, ngay trước khi Ngài giác ngộ, cũng phải đối mặt với những chướng ngại và cản trở trong việc cố gắng đạt được điều gì tích cực.
Ngay trước khi giác ngộ thì Đức Phật đã vô cùng tiến bộ về mặt tâm linh. Vào thời điểm này thì Ngài đã không đi từ một người hoàn toàn sơ cơ để trở thành bậc giác ngộ. Ngay cả ở giai đoạn cuối cùng của việc tu hành thì những chướng ngại và khó khăn thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, và khi Đức Phật phải đối mặt với những chướng ngại, ngăn trở Ngài hoàn thành mục tiêu của mình, thì chúng ta cũng vậy. Trên thực tế thì hành động mà mình đang cố gắng thực hiện càng tích cực bao nhiêu thì trở ngại sẽ càng lớn hơn bấy nhiêu. Do đó, lời dạy ở đây là không được nản lòng, mà thay vì vậy thì hãy chiến đấu để vượt qua chướng ngại bằng sức mạnh, như một dũng sĩ. Điều này liên quan đến ý tưởng rằng Đức Phật xuất thân từ đẳng cấp chiến binh, bởi vì nó thật sự là một cuộc chiến nội tâm, chống lại lòng si mê và sợ hãi, v.v...
Sau khi Đức Phật giác ngộ thì Ngài đã ngần ngại về việc thuyết Pháp, và tự hỏi ai trên thế gian này sẽ hiểu được giáo pháp của mình. Tuy nhiên, khi được thỉnh cầu thuyết Pháp thì Ngài vẫn nghĩ rằng mình sẽ cố gắng. Điều này dạy cho ta thấy rằng ngay cả khi việc giảng dạy hay giải thích giáo pháp cho người khác là điều cực kỳ khó khăn, nhưng vì lòng bi mẫn thì mình vẫn phải làm như vậy, dù điều đó có thể khó khăn ra sao.
Sau khi Ngài thuyết pháp thì nhiều người đã muốn đi theo Đức Phật, nên từ đó, đời sống tu viện mới bắt đầu. Lúc đầu thì không có giới luật trong tu viện. Tuy nhiên, vì các nhà sư đang sống trong xã hội, nên nhiều giới luật gọi là “Vinaya” đã được đề ra, để tránh những vấn đề, khi chư tăng sinh sống trong một cộng đồng và xã hội. Những giới luật này không được lập ra vì người nào đã ra lệnh như vậy, mà được đề ra, khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ như, để người dân không nghĩ rằng chư tăng tham lam khi đi khất thực (phong tục của sa di vào thời ấy), thì giới luật được đặt ra để các ngài không thể xin thực phẩm, mà chỉ có thể nhận những gì người khác cúng dường; không thể tích trữ thức ăn; không thể xin thêm thức ăn, v.v... Những giới luật này được đặt ra để đảm bảo là xã hội sẽ không phản đối giới xuất gia, và cho đến ngày nay, vẫn còn hiệu lực đối với chúng ta.
Lúc đầu, Đức Phật đã ngần ngại về việc cho phụ nữ tham gia tăng đoàn, vì Ngài e rằng xã hội sẽ nghĩ việc nam giới và phụ nữ sẽ sống trong rừng với nhau thì không thích hợp. Nhưng cuối cùng, khi chấp nhận cho phụ nữ gia nhập tăng đoàn thì Ngài đã đặt ra những giới luật cực kỳ cụ thể, để bảo đảm xã hội không có ý niệm sai lầm, chẳng hạn như một tăng và một ni không được phép ở chung với nhau, mà một vị nữ xuất gia (ni cô) phải luôn luôn có mặt, và tăng ni không thể ngồi cùng một chỗ hay chung một giường. Những giới luật này dạy chúng ta rằng một mặt, Đức Phật đã chối bỏ tất cả những điều vinh quang của xã hội để tìm ra chân lý, và mặt khác thì ngài không muốn cho xã hội có ý niệm sai lầm. Mặc dù người ta có thể không đồng ý với tất cả các nguyên tắc của xã hội về mặt giá trị của chúng, tuy nhiên, bạn cũng không muốn xa lánh xã hội. Điều này liên quan đến các chính trị gia ngày nay cần học hỏi cách ngoại giao, để hiểu cách làm thế nào để không xúc phạm, cũng không gây ra sự nghi ngờ vô căn cứ, mặc dù họ không đồng ý về việc các giá trị xã hội đó là gì.
Phật có một người em họ, Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người rất thù ghét Đức Phật, và luôn gây rắc rối cho Ngài. Trên thực tế, nếu như nhìn xa hơn trong Kinh điển Pali thì có rất nhiều người đã tạo rắc rối cho Đức Phật, và không thích Ngài. Điều này dạy cho ta một bài học quý giá là ngay cả Đức Phật còn không được người khác yêu thích, và không thể làm hài lòng tất cả mọi người, vậy thì làm sao mình có thể làm được điều đó? Do đó, phải thực tế và không trầm cảm, khi người khác không ưa thích mình, nếu ta không thể làm tất cả mọi người hài lòng.
Trong những câu chuyện về cuộc đời của Ngài, khi việc Đức Phật nhập niết bàn được nhắc đến thì ngài A Nan (Ananda, một trong những đại đệ tử của Ngài) đã có cơ hội thỉnh cầu Đức Phật đừng nhập diệt, nhưng lại không làm như vậy, và thế là cuộc đời của Ngài kết thúc. Điều này dạy chúng ta rằng Phật chỉ thuyết pháp khi được thỉnh cầu, và chỉ trụ thế khi được thỉnh cầu. Nếu không ai muốn Ngài ở lại thì Ngài sẽ ra đi. Ta có thể áp dụng điều này cho bản thân mình, rằng nếu như người khác không muốn mình giúp đỡ họ, hay không cần mình thì không nên ép buộc họ. Có rất nhiều người khác có thể tiếp nhận mình tốt hơn, và có thể mong muốn sự giúp đỡ của mình.
Kết Luận
Chúng ta có thể nhìn cuộc đời của Đức Phật từ nhiều góc độ. Chúng ta có thể cố gắng tìm kiếm tất cả các sự kiện lịch sử, tuy có giá trị trong bối cảnh lịch sử Tây phương, nhưng sẽ không giúp cho mình biết chắc chắn về ngày, hay năm tháng cụ thể. Hay ta có thể nhìn vào những bài học mà mình có thể học hỏi được từ những biểu tượng hiển nhiên trong một câu chuyện, chẳng hạn như trong sự phân tích của Jungian, để đặt câu hỏi: Nó nói lên điều gì? Nó đại diện cho cái gì?
Ta có thể nhìn vào cuộc đời của Đức Phật trong bối cảnh Đại thừa rộng lớn hơn, với cách trình bày về việc Đức Phật đã đạt giác ngộ nhiều a tăng kỳ kiếp trước đây, và điều này giảng dạy chủ đề Đại thừa phổ quát, cũng như tạo lợi lạc cho chúng sinh trong nhiều kiếp sống hơn. Điều này dạy cho ta rằng những gì mình đang làm hiện nay là kết quả của tất cả những thế hệ đi trước, và nếu mình đang cố gắng làm điều gì tích cực, thì phải nghĩ đến tất cả các thế hệ tương lai.
Trong cách trình bày của Mật tông thì Đức Phật đã thuyết giảng về triết lý thậm thâm ở một nơi, và ở một nơi khác, Ngài đã xuất hiện với bốn mặt, mà mỗi một mặt đã thuyết giảng những điều khác nhau trong cùng một lúc. Điều này cho thấy tất cả những khía cạnh khác nhau trong giáo lý nhà Phật mà ta thấy được trong suốt dòng lịch sử đều ăn khớp với nhau từ cùng một nguồn gốc hay ý niệm cơ bản, và có thể được trình bày theo cách khác nhau.
Chúng ta thấy những nguyên tắc cơ bản có mặt trong tất cả các loại giáo pháp của Phật, dù có nghĩ đến cách trình bày của Nguyên thủy, của Kinh điển Đại thừa, hay Mật tông Đại thừa. Trong tất cả những cách trình bày này thì có những nguyên tắc cơ bản được đại diện bằng nhiều tay chân và mặt của các Bổn tôn. Giáo pháp cơ bản của Đức Phật là về Tứ Diệu Đế, có thể được xem là đại diện cho bốn khuôn mặt! Cách trình bày về cuộc đời của Đức Phật không được đưa ra theo dạng sự kiện có thể đọc được, mà để giúp mình tìm hiểu về sự ứng dụng của mỗi cách trình bày, và mục đích của nó. Từ việc tìm hiểu này, ta có thể có một sự cảm kích sâu sắc hơn về tài liệu này.
Tóm Tắt
Có ba phiên bản về cuộc đời Đức Phật: cách trình bày của Phật giáo Nguyên thủy, và hai cách trình bày theo Kinh điển Đại thừa và Mật tông. Có những cuộc tranh luận về vấn đề liệu những sự trình bày này có xung đột với nhau hay không, nhưng qua luận lý học, ta có thể nêu rõ là mỗi một cách trình bày được dạy trong một bối cảnh khác nhau. Những cách trình bày khác nhau là để truyền cảm hứng và giảng dạy chúng ta. Nếu như nhìn vào câu chuyện của Đức Phật thì Ngài sống trong một xã hội cụ thể, có một hệ thống tín ngưỡng giải thích một số chủ đề về cách thoát khổ. Vì không hài lòng với hệ thống này, nên Đức Phật đã tìm cầu chân lý, được giảng dạy trong một hệ thống bất phân cấp. Ngài đã rời xa mái ấm gia đình để chiến đấu với phiền não, trong cuộc chiến nội tâm. Cuộc chiến đã không thành tựu bằng pháp tu khổ hạnh, mà nhờ lòng bi mẫn, liên hệ với nỗi khổ phổ quát. Đức Phật phải đối diện với những chướng ngại lớn, nhưng điều này đã không khiến Ngài chùng bước, và một khi đã giác ngộ thì với lòng từ bi, Ngài đã chấp thuận lời thỉnh cầu thuyết Pháp. Đối với các tín đồ đi theo Đức Phật thì hệ thống tăng đoàn cho chư tăng ni được hình thành bằng những giới luật được thiết lập hài hòa với xã hội.