Mạn Đà La Là Gì?

08:47
Mạn đà la (mandala) là một đại diện phức tạp của vũ trụ, với các thành phần trong vũ trụ đại diện cho những khía cạnh khác nhau trong giáo lý nhà Phật. Có nhiều loại mạn đà la, thường được tái tạo bằng tranh vẽ, mô hình 3 chiều và cát. Bất kể chúng được sử dụng bằng pháp tu nào, thì mạn đà la luôn luôn là một công cụ tinh vi, để phát triển những phẩm chất tốt đẹp mà mình cần phải có, để tạo lợi lạc cho chúng sinh.

Dẫn Nhập

Mạn đà la bắt nguồn từ Ấn Độ hàng ngàn năm trước, như một pháp hỗ trợ cho những pháp thiền cao cấp của Ấn Độ giáo và Phật giáo, và ngày nay, đã thể nhập vào ý thức cộng đồng. Đầu thế kỷ 20, nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Jung, đã đưa mạn đà la vào tư tưởng phương Tây, như một công cụ trị liệu, để khám phá vô thức. Trong những năm qua, văn hóa nhạc pop đã sử dụng thuật ngữ “mạn đà la” không chỉ cho những khái niệm Thời Đại Mới, mà còn sử dụng nó như một thương hiệu cho khách sạn, spa, hộp đêm, tạp chí và nhiều hơn nữa. Gần đây, các nhà sư Tây Tạng đã kiến tạo các mạn đà la cát, có màu sắc rực rỡ, trong các viện bảo tàng trên khắp thế giới, để trưng bày văn hóa tinh vi của Tây Tạng. Vậy nói một chính xác thì mạn đà la là gì?

Mạn đà la là biểu tượng hình tròn của vũ trụ, được sử dụng để thể hiện một ý nghĩa sâu sắc hơn

Mạn đà la được sử dụng trong nhiều hình thức hành thiền trong nhà Phật [đọc thêm về thiền trong đạo Phật tại đây] và tu tập. Bài viết này sẽ xem xét những pháp tu chính. 

Cận cảnh mạn đà la Lục Quán Âm (Green Tara) đã được hoàn tất, do chư tăng của Tu Viện Drepung Loseling kiến tạo tại Agnes Scott College, ở Atlanta, Georgia, năm 2009. Ảnh: © Zlatko Unger
Cận cảnh mạn đà la Lục Quán Âm (Green Tara) đã được hoàn tất, do chư tăng của Tu Viện Drepung Loseling kiến tạo tại Agnes Scott College, ở Atlanta, Georgia, năm 2009. Ảnh: © Zlatko Unger

Mạn Đà La Trong Mật Tông

Trong các thực hành cao cấp được biết như "Mật điển", thì các thiền giả sẽ hòa tan hình ảnh bình thường của họ về một cái “tôi” vững chắc, thường hằng, và quán tưởng mình trong sắc tướng của một yidam, hay Bổn tôn. Điều này đại diện cho một hay nhiều khía cạnh của một vị Phật giác ngộ viên mãn, chẳng hạn như ví dụ tương đối phổ biến về Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) như hiện thân của lòng bi. Các hành giả Mật tông sẽ tự quán tưởng mình trong sắc tướng của Đức Quán Thế Âm, và cảm thấy mình là hiện thân của lòng bi, giống như ngài. Bằng cách quán rằng mình đã có thể giúp đỡ tha nhân giống như vị Bổn tôn có thể thực hiện - trong khi cũng nhận thức là mình chưa đến mức độ đó - ta có thể tích tập nhân duyên cho thành tựu giác ngộ của mình một cách hữu hiệu. 

Một bức tranh tường về mạn đà la của vũ trụ tại Tu Viện Sera, Tây Tạng, 2015.
Một bức tranh tường về mạn đà la của vũ trụ tại Tu Viện Sera, Tây Tạng, 2015.

Chư Bổn tôn sống trong những thế giới hoàn toàn thanh tịnh, được gọi là mạn đà la, với thuật ngữ “mạn đà la” không chỉ nói về môi trường của thế giới ấy, mà còn bao gồm chư vị an trụ trong đó. Các thế giới này hơi khác nhau, nhưng nói chung thì chúng gồm có một cung điện vuông được trang trí công phu, giữa một phong cảnh đẹp, được bao quanh bằng một hàng rào hình tròn, ngăn cản chướng ngại đối với việc hành thiền. Bổn tôn chính có thể là nam hay nữ, an trụ đơn độc hay có đôi, ngồi hoặc đứng ở vị trí trung tâm của cung điện. Vị này thường được hàng loạt các Bổn tôn khác bao quanh, và đôi khi, cũng có những Bổn tôn khác bên ngoài cung điện. Nhiều vị trong số các vị này có nhiều mặt và tay chân, và cầm nhiều loại pháp khí.

Việc dấn thân vào pháp tu Mật tông cần có một lễ quán đảnh hay điểm đạo, [đọc thêm về các lễ điểm đạo ở đây], một buổi lễ tuyệt đẹp và công phu, do một đạo sư Mật tông hội đủ trình độ chủ trì. Trong lễ điểm đạo thì một bản vẽ hai chiều của một mạn đà la của vị Bổn tôn được bố trí gần vị đạo sư, thường được vẽ trên vải hay làm bằng cát, sau đó được đặt trong khung gỗ của một biểu tượng đơn giản về cung điện. Tuy nhiên, nếu như quán tưởng mạn đà la, thì mình luôn xem chúng như ba chiều.

Trong buổi lễ, vị đạo sư sẽ truyền giới cho những người nhận lễ điểm đạo, và cho phép họ đi vào cung điện, khi mà họ quán rằng chính mình đang đi trong cung điện. Nhờ nhiều pháp quán tưởng khác nhau, cái gọi là những tiềm năng “Phật tánh” để đạt giác ngộ qua pháp tu này, sẽ được kích hoạt. Nếu như mạn đà la được kiến tạo bằng cát, thì những hạt cát sẽ được gom thành một tụ trong lễ bế mạc, đại diện cho lẽ vô thường, và được cúng dường trong nước.

Toàn cảnh mạn đà la Lục Quán Âm (Green Tara) đã được hoàn tất, do chư tăng Tu Viện Drepung Loseling kiến tạo tại Agnes Scott College ở Atlanta, Georgia, năm 2009. Ảnh: © Zlatko Unger
Toàn cảnh mạn đà la Lục Quán Âm (Green Tara) đã được hoàn tất, do chư tăng Tu Viện Drepung Loseling kiến tạo tại Agnes Scott College ở Atlanta, Georgia, năm 2009. Ảnh: © Zlatko Unger

Sau đó, những người nhận lễ điểm đạo sẽ được quán đảnh, để tự quán mình là các Bổn tôn và mạn đà la, như một phần trong pháp tu hàng ngày của họ. Mỗi một Bổn tôn và pháp khí mà vị này cầm trên tay đại diện cho điều gì liên quan đến công phu hành thiền. Ví dụ như sáu cánh tay của một Bổn tôn có thể đại diện cho Lục độ ba la mật, hay sáu hạnh hoàn hảo.

Hành giả không chỉ quán họ là tất cả các nhân vật trong và ngoài cung điện, mà còn quán mình là cung điện, với các đặc điểm kiến trúc trong cung điện mạn đà la cũng đại diện cho những khía cạnh khác nhau của pháp thiền. Trong một số mạn đà la thì bốn bức tường có thể đại diện cho Tứ Diệu Đế, trong khi cung điện có hình vuông, với những cạnh dài bằng nhau, cho thấy về mặt tánh Không hay Không tướng thì chư Phật và chúng sinh chưa giác ngộ đều như nhau.

Một mạn đà la Guhyasamaja ba chiều trong một tu viện ở miền Trung Tây Tạng, 2011.
Một mạn đà la Guhyasamaja ba chiều trong một tu viện ở miền Trung Tây Tạng, 2011.

Một vài pháp thiền Mật tông rất cao cấp, thậm chí còn quán tưởng các bộ phận trong cơ thể họ như những thành phần trong cung điện, hay quán các Bổn tôn của cung điện ở trong cơ thể của họ. Đây được gọi là “mạn đà la thân”, và điều này rất khó, vì đòi hỏi định tâm xuất sắc, và lãnh hội thấu đáo về triết lý Phật giáo.

Mạn Đà La Trong Pháp Tu Chung

Trước khi thọ nhận bất kỳ giáo pháp nào từ một đạo sư, dù là giáo pháp Mật điển hay giáo pháp chung, thì các đệ tử sẽ cúng dường một mạn đà la thỉnh cầu giáo pháp, trong khi một mạn đà la tạ ơn được cúng dường vào cuối buổi thuyết Pháp. Ở đây, mạn đà la đại diện cho một vũ trụ hoàn hảo, đầy đủ những món quý giá. Vì các đệ tử xem trọng giáo pháp hơn bất cứ điều gì khác trên thế giới, nên việc cúng dường mạn đà la cho thấy là họ sẵn sàng cúng dường bất cứ điều gì, cũng như tất cả mọi thứ, để thọ nhận giáo pháp.

Một mạn đà la cúng dường, chứa đầy gạo.
Một mạn đà la cúng dường, chứa đầy gạo.

Việc cúng dường mạn đà la có thể được thực hiện theo hình thức của một cái bát có đáy phẳng, úp xuống, với các tụ làm bằng hạt sống, hay đá quý chồng lên nhau trên bề mặt, được chứa trong các khoen tròn nhỏ dần ở những tầng trên. Sau đó thì đỉnh mạn đà la được trang nghiêm bằng một vương miện. Ngoài ra, mạn đà la còn có thể được thực hiện bằng “thủ ấn”, với những ngón tay đan vào nhau theo một mô hình cụ thể. Trong cả hai trường hợp thì mạn đà la đại diện cho cái nhìn lý tưởng hóa của vũ trụ, xuất hiện trong văn học Phật giáo truyền thống. Khi cúng dường mạn đà la thì đệ tử sẽ trì tụng những câu kệ, nguyện rằng mọi nhân duyên trên khắp thế giới sẽ được thuận lợi cho việc thọ nhận giáo pháp, tất cả chúng sinh có thể sống trong một thế giới hoàn hảo, và tham dự các buổi thuyết pháp tuyệt vời này.

Nhiều Phật tử thực hiện “pháp tu sơ khởi” (ngondro trong tiếng Tây Tạng) - thường bao gồm 100,000 lần lặp lại các hành trì nào đó - như một cách chuẩn bị để bước vào các pháp thiền cao cấp hơn. Các pháp tu sơ khởi này giúp ta đoạn trừ phiền não chướng, và tích tập công đức cần thiết, để thành công với việc hành thiền. Việc cúng dường mạn đà la 100,000 lần là một trong những pháp tu sơ khởi, giúp cho hành giả loại bỏ sự dè dặt đối với việc cống hiến toàn bộ thời gian và nỗ lực cho việc hành thiền, và sẵn sàng hiến dâng tất cả, để thành công trong việc tu tập.

Chư tăng Tu Viện Tashi Lhunpo kiến tạo một mạn đà la Kim Cang Tát Đỏa bằng cát ở Nottingham, Vương quốc Anh, năm 2008.
Chư tăng Tu Viện Tashi Lhunpo kiến tạo một mạn đà la Kim Cang Tát Đỏa bằng cát ở Nottingham, Vương quốc Anh, năm 2008.

Tóm Tắt

Như chúng ta đã thấy, mạn đà la được sử dụng trong các pháp tu khác nhau trong nhà Phật, để đại diện không chỉ cho vũ trụ, mà còn cho nhiều khía cạnh trong đường tu nhà Phật. Trong khi chư tăng Tây Tạng tiếp tục kiến tạo các mạn đà la cát tuyệt đẹp ở khắp nơi trên thế giới, để nâng cao ý thức về tình hình Tây Tạng, thì điều quan trọng là đừng xem chúng chỉ là một hình thức nghệ thuật kỳ lạ. Mạn đà la là một công cụ hành thiền tinh vi, đóng một vai trò chính trong cả hai pháp tu chung và hành trì Mật tông cao cấp, và điều đó sẽ giúp mình tiến xa hơn trên đường tu đến giác ngộ.

Tham khảo thêm:

Bài viết về mạn đà la trong Wikipedia

Top