Những Sự Hiểu Lầm Về Mật Điển
Nghĩ Rằng Mật Điển Hay Đại Viên Mãn Là Đường Tu Dẫn Đến Giác Ngộ Dễ Dàng
Có rất nhiều sự hiểu lầm về Mật tông. Thông thường thì những sự hiểu lầm này xảy ra vì việc tiếp thị tài tình. Vì bất kỳ lý do nào đó mà nhiều đạo sư Tây Tạng hoặc Tây phương đã tiếp thị Mật tông hay Đại Viên Mãn (dzogchen) như đường tu dễ dàng, nhanh chóng và cao cấp nhất. Chính vì cách tiếp thị đó mà các đệ tử đã có ý niệm sai lầm, và nghĩ rằng Mật tông hay Đại Viên Mãn thật sự là đường tu dễ dàng.
Tại sao mọi người lại bị lôi cuốn vì những pháp tu mà họ nghĩ là sẽ nhanh chóng và dễ dàng? Như một trong những vị thầy của tôi đã nêu ra, có thể vì họ lười biếng, nên không muốn hạ thủ công phu khó nhọc, hay muốn tìm ra một món hời. Nó giống như đạt được giác ngộ bằng giá rẻ, theo cách mà mình đi tìm những món hời, khi đi mua sắm ở một cửa hàng. Chúng ta thường có tâm lý đó, khi nhìn vào các phương tiện tu tập giáo pháp: “Món nào được bán hạ giá trong tuần này vậy?”
Sự thật phũ phàng là Mật tông và Đại Viên Mãn là những pháp tu cực kỳ vi tế, khó khăn, đòi hỏi rất nhiều công phu tu tập khó nhọc. Ngay từ đầu thì tất cả các pháp tu như vậy xác định rằng ngay trước khi bắt đầu, bạn phải thực hiện pháp tu sơ khởi, ngondro, với 100,000 cái lạy hoặc nhiều hơn nữa và v.v... Điều đó không dễ dàng lắm, vì có thể mất nhiều năm để thực hiện điều này!
Nghĩ Rằng Việc Thực Hành 100,000 Cái Lạy Sẽ Đem Lại Phép Mầu
Ngay cả khi chấp nhận rằng mình phải thực hành những pháp tu sơ khởi này như lễ lạy, mà lại tưởng tượng mình sẽ có được phép mầu khi thực hiện điều này thì đó là một sự hiểu lầm. Điều này cũng có thể xảy ra từ vấn đề tiếp thị, hoặc có thể là do sự đánh giá quá cao về oai lực của những pháp tu sơ khởi này. “Tôi quá tuyệt vọng. Hãy cho tôi biết mình phải làm những gì. Được, tôi sẽ gieo mình xuống đất 100,000 lần, lặp lại một số âm tiết của một ngôn ngữ khác 100,000 lần, rồi thì tất cả những vấn đề sẽ biến mất. Tuyệt vời, tôi sẽ làm điều đó.”. Đây là một sự hiểu lầm. Nhưng trong tuyệt vọng thì bạn sẽ làm điều đó và hy vọng rằng cuối cùng thì cách chữa trị mầu nhiệm nào đó sẽ xảy ra. Nhưng nó không xảy ra như vậy. Rồi thì bạn hoàn toàn vỡ mộng về việc tu tập Pháp và bỏ cuộc.
Đương nhiên là hiện nay, các pháp tu tịnh hóa có thể có hiệu quả, nhưng không hiệu quả khi mà 99.9% thời gian thì tâm trí của bạn đi lang thang, không tập trung vào những điều bạn làm, và không có cảm giác hay hiểu biết gì về điều đó. Hay là bạn không có động lực mạnh mẽ và đúng đắn. Để cho những pháp tu này có hiệu quả - và ngay cả khi có hiệu quả thì chúng sẽ không tạo ra phép mầu – thì có nghĩa là mình phải thực hiện chúng một cách đúng đắn, với sự tập trung hoàn toàn, động lực đầy đủ, đúng đắn, một cảm giác chân thành sâu sắc về quy y, với sự hiểu biết rõ ràng rằng điều đó có nghĩa là gì, v.v... Việc này không dễ dàng, phải không?
Việc nghĩ rằng sau khi hoàn thành một pháp tu 100,000 lần, thì “Xong rồi, tôi đã trả xong nợ của mình. Bây giờ thì hãy tiếp tục với pháp tu hay ho.”, cũng là điều sai lầm. Theo một ý nghĩa nào đó thì thái độ như vậy gần giống như mình miễn cưỡng thực hành những pháp tu sơ khởi này, giống như phải trả tiền vô cửa. Bạn chỉ muốn làm cho xong, và không thật sự thấy giá trị của chính nó, để tịnh hóa một số ác nghiệp và tích tập công đức - ví dụ như lặp đi lặp lại lời quy y Tam Bảo. “Xin quy y Phật, Pháp và Tăng.”. Hay lặp đi lặp lại việc phát bồ đề tâm. Những loại pháp tu sơ khởi này rất, rất là hữu ích.
Thực Hành Pháp Tu Sơ Khởi Quá Sớm, Khi Không Có Kiến Thức Cơ Bản Về Giáo Pháp
Ngoài ra, về mặt pháp tu sơ khởi ngondro thì việc thực hiện chúng trước khi mình có một sự hiểu biết căn bản về Phật pháp, nên chỉ đơn giản nghĩ về chúng như một cách để thanh tẩy tội lỗi là một sự sai lầm. Đôi khi, điều đó xảy ra ở phương Tây, khi bạn đến gặp một vị thầy và ngay lập tức, trước khi có buổi thuyết pháp nào, hay hiểu biết nào thì thầy đã bảo: “Hãy lạy 100,000 lạy!”, và điều đáng kinh ngạc là một số người đã làm như vậy!
Thế thì bạn tự hỏi mình, “Tại sao người ta lại làm như vậy?” Và thường thì là vì tuyệt vọng, nghĩ rằng phép mầu sẽ xảy ra khi họ làm như vậy. Hoặc giống như việc tham gia một giáo phái, họ sẽ từ bỏ trách nhiệm với đời sống, và chỉ tuân theo một vị thầy cứng rắn, giống như trong quân đội. Đó là điều sai lầm, khi nghĩ rằng mối quan hệ với thầy giống như mối quan hệ với một số sĩ quan trong quân đội mà bạn phải tuân theo lệnh của họ, không hề thắc mắc điều gì.
Việc không bao giờ đánh mất khả năng phê phán là điều rất quan trọng. Đức Dalai Lama luôn nhấn mạnh điều này. Hãy phê phán. Điều đó không có nghĩa là chỉ trích, mặc dù chữ này nghe có vẻ giống như chỉ trích trong tiếng Anh. “Phê phán” có nghĩa là tìm hiểu điều gì đang xảy ra. “Chỉ trích” có ý nghĩa xem thường người nào với thái độ kiêu căng, hung hăng, tiêu cực và nghĩ rằng, “Tôi tốt hơn nhiều, còn bạn thì tồi tệ.”. Nên điều quan trọng là nếu như sẽ thực hành những pháp tu sơ khởi này thì nên có kiến thức căn bản về giáo lý nhà Phật, và hiểu mình đang làm gì, tại sao phải làm như vậy. Điều đó không có nghĩa là chỉ cần biết chi tiết của một pháp quán tưởng phức tạp, mà là hiểu rõ tâm thái mà mình đang cố gắng tạo ra, và giúp cho nó khắc sâu vào tâm khảm.
Tu Tập Các Pháp Tu Mật Tông Quá Sớm
Đây là dấu hiệu về một sự hiểu lầm lớn hơn, đó là dấn thân vào việc tu tập Mật tông quá sớm, ngay cả khi mình sẽ khởi đầu bằng việc tu tập một pháp tu ngondro. Ví dụ như trong các truyền thống nhấn mạnh nhiều về ngondro, các pháp tu sơ khởi, thì có một pháp tu ngondro chung hay thông thường, đó là bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp. Trên cơ bản thì điều này bao gồm các chủ đề tương tự như trong các chủ đề của lam-rim (chủ đề của đường tu tuần tự đến giác ngộ). Chỉ sau đó thì mới tới những pháp tu sơ khởi không phổ biến, đó là lễ lạy và vân vân. Việc bỏ qua, tầm thường hóa, hay giảm thiểu những pháp tu sơ khởi chung (giáo pháp lam-rim cơ bản) và đi ngay lập tức vào việc lễ lạy v.v... thường đưa đến thái độ không thực tiễn về pháp lễ lạy, trì tụng mật chú 100 âm, v.v... Sau một thời gian thì bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi, “Tại sao mình lại làm điều này? Mục đích của nó là gì?”. Trong khi đó, nếu như trước đó mà bạn có một sự hiểu biết rõ ràng, ít nhất là ở một mức độ nào đó, về tầm quan trọng của việc tích tập công đức, loại bỏ ác nghiệp (hoặc ít nhất là giảm thiểu chúng), bởi vì bạn muốn đạt những mục tiêu tâm linh thuộc thể loại này và thể loại kia, thì các pháp tu sơ khởi sẽ có một chút ý nghĩa.
Vấn đề ở đây không chỉ là việc tu tập ngondro quá sớm, mà là đi vào pháp tu Mật tông quá sớm. Tại sao điều này lại thường xảy ra như vậy? Có thể là vì chúng ta đã thỉnh cầu lạt ma ban lễ điểm đạo, ngay cả khi nhóm bạn đạo của mình chưa sẵn sàng để tu tập Mật tông. Hay chính các vị lạt ma đến viếng trung tâm Phật giáo muốn ban lễ điểm đạo, ngay cả khi hầu hết đại chúng chưa chuẩn bị sẵn sàng. Do đó, chúng ta không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự hiểu lầm này, về việc quá nhấn mạnh vào Mật tông, và hành trì Mật tông được trình bày quá sớm cho hầu hết công chúng.
Tại sao chúng ta lại thỉnh cầu một lễ điểm đạo? Có thể có nhiều lý do. Chúng ta có thể nghĩ rằng bởi vì nó rất cao cấp. Đó là pháp tu thứ thiệt. Nó rất kỳ lạ. Hay những người điều hành trung tâm Phật giáo có thể nghĩ rằng lễ điểm đạo sẽ thu hút nhiều người hơn, và điều đó có nghĩa là họ sẽ thu được nhiều tiền hơn, để có thể trang trải chi phí thỉnh mời đạo sư đến đó, và giúp cho trung tâm của họ. Vì vậy, nó có thể là vì lý do tài chánh, là điều không may nhất có thể xảy ra.
Chính các đạo sư cũng có thể bị thúc đẩy bằng ý nghĩ rằng, “Được, họ sẽ không tu tập, nhưng nó sẽ gieo chủng tử cho những kiếp tương lai.”. Hầu hết các giảng sư Tây phương không tin vào kiếp sau, nên đó là một sự hiểu lầm. Hay chính các đạo sư không thật sự hiểu rằng người Tây phương không có đúng bối cảnh để có thể tu tập Mật tông một cách hiệu quả. Hoặc các ngài có thể bị áp lực phải quyên tiền để hỗ trợ các tu viện và chư tăng ở quê nhà.
Có thể có nhiều lý do để người ta thỉnh cầu lễ điểm đạo, hay một đạo sư đề nghị việc ban lễ quán đảnh. Nhưng điều khuyên luôn luôn là nếu có một đạo sư đến viếng thăm thì hãy thỉnh cầu ngài dạy những giáo pháp cơ bản. Và nếu như muốn học những giáo pháp cao hơn, thì hãy thỉnh cầu ngài dạy những giáo lý Kinh điển cao cấp như bồ đề tâm hay tánh Không.
Cho Rằng Nếu Như Đã Nhận Lễ Điểm Đạo Quá Sớm Thì Sẽ Mắc Kẹt Với Hành Trì Cam Kết
Thực tế là nhiều người nhận lễ điểm đạo Mật tông trước khi họ được chuẩn bị đầy đủ để tu tập. Nhưng một số người cảm thấy rằng nếu như không tu tập thì họ sẽ là những Phật tử xấu, và sẽ đọa vào địa ngục nào đó. Vì vậy nên họ cố gắng duy trì pháp tu, nhưng hầu như không hiểu gì về những gì họ đang làm, hay tại sao phải làm như vậy, và chẳng mấy chốc thì lại thù hận pháp tu của mình. Tuy nhiên, đó là một sự sai lầm, khi nghĩ rằng những chọn lựa duy nhất là phải tu hành khổ sở, hay là bị tra khảo trong địa ngục.
Serkong Rinpoche đã đưa ra lời khuyên rất hữu ích cho những người như vậy. Ngài nói rằng, trong những trường hợp như vậy thì nên xem việc nhận lễ điểm đạo như cách gieo hạt giống trong dòng tâm thức của mình cho tương lai. Nếu như sau khi tự xét mình một cách trung thực mà bạn thấy mình chưa sẵn sàng với việc tu tập, thì trong trí tưởng tượng, hãy đặt các pháp tu lên một cái kệ cao trong tâm thức của mình. Tuy nhiên, hãy làm điều đó với sự tôn trọng hoàn toàn, và chủ ý chân thành rằng bạn sẽ đưa chúng xuống khỏi cái kệ này, và thực hành khi đã chuẩn bị tốt hơn.
Cho Rằng Mình Có Thể Đạt Giải Thoát Hay Giác Ngộ Mà Không Cần Khắc Phục Vấn Đề Sinh Học, Đặc Biệt Là Nhu Cầu Tình Dục
Việc nghĩ rằng mình có thể đạt được giải thoát hay giác ngộ mà không phải khắc phục vấn đề sinh học, đặc biệt là nhu cầu tình dục, là một sự hiểu lầm. Đây là một điểm đặc biệt khó khăn. Mặc dù trên thực tế, ở giai đoạn cao cấp thì hành giả có thể sử dụng dục vọng và năng lượng tình dục để đoạn diệt dục vọng và năng lượng tình dục, nhưng điều này chỉ được thực hiện khi hành giả đã tu tập đến giai đoạn cực kỳ cao cấp, và có thể làm chủ hệ thống năng lượng vi tế của mình. Việc xem Mật tông là một phương tiện để có quan hệ tình dục kỳ lạ là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta đang nhắm vào việc đạt được giải thoát. Giải thoát có nghĩa là thoát khỏi thân vật chất luân hồi, với tất cả các động lực sinh học của nó và vân vân. Chúng ta đang nhắm đến mục tiêu để có được thân của một đấng giải thoát hay giác ngộ: được cấu tạo bằng ánh sáng, và không phải chịu những hạn chế sinh học này. Tuy nhiên, thường thì ta lại đi tìm một món hời trong pháp tu của mình. Chúng ta muốn có được giải thoát và giác ngộ bằng giá rẻ, mà không phải từ bỏ những thú vui của thân thể. Đây là một sự hiểu lầm lớn.
Cho Rằng Điều Quan Trọng Nhất Trong Pháp Tu Mật Tông Là Quán Tưởng Đúng Tất Cả Các Chi Tiết
Ngoài ra, khi tu tập Mật tông và muốn nhận chỉ giáo về cách hành trì thì việc nghĩ rằng điểm nhấn chính trong pháp tu là pháp quán tưởng, nên lo lắng rất nhiều về việc phải quán tưởng đúng tất cả những chi tiết nhỏ nhặt là một sự hiểu lầm. Thầy tôi, Serkong Rinpoche, đã từng sử dụng một ví dụ về sự hiểu lầm này ở phương Tây, “Người ta đến đây và hỏi ta Yamantaka hay Vajrayogini có cái rốn hay không? Chuyện này thật vớ vẩn. Họ đã bỏ qua những điểm quan trọng trong những pháp tu này.”.
Khi như muốn có định tâm nhất điểm bằng pháp quán tưởng trong Mật tông thì chắc chắn là bạn cần phải có tất cả các chi tiết, nhưng đó không phải là điều mà bạn tập trung vào, hay nhấn mạnh vào lúc đầu. Điều mà bạn cần phải tập trung vào là kiến thức cơ bản về điều mà ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) gọi là “ba điểm tinh yếu của đường tu”, và cách chúng liên quan đến việc hành trì pháp tự quán tưởng mình trong sắc tướng của vị Bổn tôn, như Đức Quán Âm, hay Tara.
- Tâm xả ly - quyết tâm để được tự do - từ bỏ tâm bám chấp vào diện mạo bình thường của mình, vào niềm tin rằng mình và vạn pháp đều có sự tồn tại chân thật, tự lập.
- Bồ đề tâm - chúng ta đang nhắm vào thành tựu giác ngộ. Chư Bổn tôn này đại diện cho tâm giác ngộ trong tương lai của chính mình, điều mà ta đang nhắm đến. Vì vậy, để có thể đạt được điều đó nhanh hơn thì ta sẽ quán rằng mình hiện đang ở đó. Nếu như không có bồ đề tâm thì tại sao bạn lại quán mình trong sắc tướng này, và tưởng tượng mình đang thực hiện tất cả các hoạt động làm lợi lạc cho người khác? Chúng ta muốn được như vậy, để tạo lợi lạc cho tha nhân.
- Tánh Không – chúng ta hiểu rằng hiện nay thì mình không thật sự tồn tại như vậy, nhưng mình có tiềm năng thành Phật, giống như điều mà chư Bổn tôn này đại diện. Nhưng ta cũng nhận ra rằng để đạt được giác ngộ thì phải nỗ lực tu hành. Nói cách khác là mình hiểu cách mà tánh Không và công năng của nhân quả, duyên khởi lại đi cùng với nhau. Chúng ta không tự lừa dối mình, khi nghĩ rằng mình thật sự là Tara, hay Cleopatra, đối với vấn đề này.
Vậy thì nếu như mình sẽ thỉnh cầu khai thị về Mật tông, thì hãy bảo đảm là người khác đang ở mức độ này. Đây là những điều mà mình phải nhấn mạnh: mục đích của tất cả những pháp tu Mật tông này là gì, và mình đang cố gắng thực hiện điều gì với nó. Đó là lý do tại sao mình phải chuẩn bị mọi việc trước đó, chứ không chỉ lo lắng về tất cả những chi tiết quán tưởng nhỏ bé như những món trang sức nhìn ra sao, và những thứ như vậy. Tuy có những chỉ giáo về những điều này ra sao, nhưng đừng nhấn mạnh điều này, đặc biệt là vào lúc đầu.
Điều thú vị là trong lễ điểm đạo Kalachakra ở Toronto, Canada, vào năm 2004, Đức Dalai Lama đã ban cho ba ngày thuyết pháp sơ khởi về một trong những tác phẩm của ngài Long Thọ (Nagarjuna) về tánh Không, Căn Bản Trung Luận Tụng (Root Verses on the Middle Way), được gọi là “Trí Bát Nhã”. Sau đó, Ngài đã ban lễ điểm đạo. Điều rất đáng chú ý là có nhiều người ở đó để nhận lễ điểm đạo hơn là lúc nghe thuyết pháp về tánh Không. Đức Dalai Lama nói với đại chúng rằng Ngài thật sự cảm kích những người chỉ đến để nghe giáo pháp của ngài Long Thọ, và không ở lại để nhận lễ điểm đạo, hơn là những người đã làm ngược lại, đã bỏ qua những giáo pháp cơ bản khởi đầu, và chỉ đến để nhận lễ điểm đạo. Điều đó cho ta thấy rất nhiều điều.
Xem Bổn Tôn Như Những Vị Thánh Mà Mình Cầu Nguyện Để Được Ban Phước
Đó là một sự hiểu lầm xa hơn về Mật tông, khi xem các vị Bổn tôn hay yidam giống như những vị thánh mà mình cầu nguyện để được giúp đỡ: Thánh Tara, Thánh Quán Âm, v.v..., và tôn thờ các ngài. Sự hiểu lầm này không chỉ giới hạn cho người phương Tây. Nhiều Phật tử truyền thống cũng nghĩ như vậy, tuy không tương tự như ẩn dụ về các vị thánh trong đạo Cơ đốc. Chư Bổn tôn này có thể truyền cảm hứng cho chúng ta, cũng như chư Phật và chư bổn sư của dòng truyền thừa cũng làm như vậy, nhưng mình phải tự tu tập để giác ngộ.
Một số trong những sự hiểu lầm này xuất phát từ vấn đề dịch thuật, khi chúng ta thỉnh cầu chư bổn sư và Bổn tôn trong bài cầu nguyện. Trước hết, chữ “cầu nguyện” đối với chúng ta có ý nghĩa là cầu nguyện với Thượng Đế: “Xin Thượng Đế ban cho con điều mà con cầu nguyện.”. Hay nó có nghĩa là cầu nguyện với một vị thánh, đóng vai trò trung gian với Thượng Đế, để Thượng Đế ban cho mình điều gì đó. Đây là một sự nội suy từ Cơ Đốc giáo, và nó không phù hợp.
Những gì mình thỉnh cầu trong cái gọi là “lời cầu nguyện” này là những gì được gọi trong tiếng Tây Tạng là chin-gi-lab (byin-gyis rlabs), và thường được dịch là “ban phước” (“blessing”). Theo lời phiên dịch thì ta sẽ thỉnh cầu “Xin ban phước cho con để có thể thực hiện điều này. Xin ban phước cho con để có thể thực hiện điều kia.”, như thể điều duy nhất mà mình phải làm là thỉnh cầu những vị này đến ban phước, rồi thì bỗng nhiên, mình sẽ có tất cả các thực chứng. Đó không phải là đạo Phật.
Cách thông dịch chữ “ban phước” tạo ra một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt và lầm lạc, so với ý nghĩa thật sự của thuật ngữ này. Thuật ngữ Tây Tạng có nghĩa đen là làm rạng rỡ và thăng hoa. Thuật ngữ chánh gốc tiếng Phạn, adhisthana, có nghĩa là đặt người nào hay điều gì ở vị trí cao hơn, để thăng hoa nó. Tôi thích dịch chữ này là “truyền cảm hứng”. Chúng ta thỉnh cầu Đức Phật, chư bổn sư (gurus), chư Bổn tôn truyền cảm hứng, để mình đạt được điều này hay chứng ngộ kia. Tuy nhiên, chư vị này, từ phía các ngài, bằng oai lực của họ, không thể ban cho ta những điều mà mình mong muốn, và làm mọi việc cho mình, và điều duy nhất mà mình phải làm là phục tùng các ngài. Đó lại là một phép nội suy, phóng chiếu một ý tưởng hay khái niệm Tây phương vào đạo Phật. Điểm nhấn chính luôn luôn là ta phải tự mình tu tập. Chư Phật và chư bổn sư có thể truyền cảm hứng cho chúng ta, có thể giảng dạy và hướng dẫn, nhưng không thể làm việc cho mình. Chúng ta phải tự mình hiểu lấy.
Hiểu Lầm Về Hộ Pháp
Tương tự như vậy, việc quá chú trọng vào pháp tu Hộ Pháp là một sự hiểu lầm. Điều này thường xảy ra ở các trung tâm Phật giáo, nơi mà người ta có một nhóm hành trì pháp tu Hộ Pháp mỗi tuần hay mỗi tháng. Ngay cả những người mới đến cũng được hoan nghênh để tham gia vào nhóm trì tụng mà không có một chút khái niệm nào về những điều họ đang làm. Mọi người bị mắc kẹt vào tình huống mà họ xem Hộ Pháp là người sẽ bảo vệ cho họ (như ngụ ý về chữ bảo vệ) để thoát khỏi mọi chướng ngại và nguy hiểm. Họ đánh mất tầm nhìn, hay thậm chí chẳng bao giờ nhận ra là về phương diện quy y và nghiệp thì họ phải tự bảo vệ bản thân mình.
Về vấn đề quy y thì chúng ta sẽ noi theo phương hướng an toàn mà Phật, Pháp và Tăng đã nêu ra, để tránh những tái sinh tồi tệ hơn. Đây là động lực của phạm vi sơ căn trong lam-rim. Không phải là mình đến với một Hộ Pháp để tránh những tái sinh tồi tệ hơn. Giáo pháp không hề nói điều nào như vậy hết, đúng không? Chúng ta mong rằng Phật, Pháp, Tăng sẽ làm điều đó, nhưng Tam Bảo sẽ không bảo vệ mình theo cách cứu rỗi mình. Tam Bảo dạy ta phải làm điều gì để tránh những tái sinh thảm khốc như vậy, rồi mình phải tự làm điều đó. Chư vị chỉ nêu gương cho mình. Còn về nghiệp thì ta sẽ tự bảo vệ bản thân để tránh những tái sinh tồi tệ hơn, bằng cách tránh tạo ác nghiệp.
Ý nghĩa của việc noi theo phương hướng an toàn của Phật, Pháp và Tăng là gì? Phương hướng an toàn chủ yếu mà Pháp nêu ra, cụ thể là Pháp Bảo sâu sắc nhất, đề cập đến diệu đế thứ ba và thứ tư. Diệu đế thứ ba là sự chân diệt của nhân tạo khổ, và qua đó, là chân diệt của khổ. Diệu đế thứ tư là chân đạo, hay đạo lộ tâm thức sẽ đưa đến chân diệt, cụ thể là chứng ngộ tánh Không, cũng như chứng ngộ chân thật, là kết quả từ đó. Hai diệu đế này tồn tại một cách viên mãn trong dòng tâm thức của chư Phật, và tồn tại như một phần trong dòng tâm thức của chư Thánh Tăng. Đó là phương hướng mà chúng ta đang hướng đến, để được như các ngài, và đạt được những gì mà chư vị đã đạt được. Nếu như mình thực hiện điều đó, thì sẽ thoát khổ. Pháp, là một từ ngữ tiếng Phạn, xuất phát từ gốc dhr, có nghĩa là giữ gìn. Pháp đề cập đến những biện pháp mà ta sẽ thực hiện, để giữ gìn cho mình, để mình không phải khổ.
Chư Hộ Pháp không thể làm điều này cho mình. Một vị Hộ Pháp giống như sự bổ sung cho hành trì chánh. Đúng ra thì có nhiều cách để nhìn chư Hộ Pháp. Serkong Rinpoche thường mô tả họ như những con chó to lớn hung ác. Ngài nói nếu như bạn ở trong trung tâm cung điện mạn đà la như một vị Bổn tôn, hãy cho là Yamantaka dũng mãnh và hung nộ, thì phải có khả năng khống chế những vị Hộ Pháp mà bạn đã triệu tập vào mạn đà la của mình, và ra lệnh để họ phụng sự cho bạn. Chẳng hạn như, mặc dù bạn có thể đứng ở cổng và xua đuổi bọn cướp, nhưng tại sao lại làm như vậy, khi bạn có thể bắt một con chó làm việc đó cho bạn? Nhưng bạn phải là chủ nhân; bạn phải có khả năng khống chế. Vì vậy, ngay cả khi nghĩ về một vị Hộ Pháp theo cách giúp mình xua đuổi chướng ngại hay ăn cướp, v.v..., thì trên cơ bản, mình phải là người khống chế tất cả những điều đó.
Nếu mình xem Hộ Pháp như những đấng thần linh hay bất cứ điều gì mà người Tây Tạng cũng cho là vậy, thì cách duy nhất họ có thể giúp ta là tạo ra đúng duyên để nghiệp của mình trổ quả. Nếu như chưa tích lũy đủ nghiệp để trổ quả, thì những gì chư Hộ Pháp có thể làm sẽ không có ích lợi gì. Đó là cơ chế tương tự khi mình thực hiện lễ cúng dường (puja) Phật Dược Sư và lễ cầu trường thọ. Chúng không phải là nhân khiến cho mình khỏe mạnh hơn, mà chỉ đơn thuần là trợ duyên, để thiện nghiệp của mình trổ. Trong một số trường hợp đối với chư Hộ Pháp thì có một cơ chế hơi khác biệt. Sự hỗ trợ của họ xảy ra qua hình thức tạo ra tình huống cho ác nghiệp của mình trổ một cách rất tầm thường, để nó thiêu đốt những trở ngại nghiêm trọng hơn mà mình sẽ phải gặp trong tương lai, ngăn trở việc tu tập thành công. Nghi lễ trong hành trì Hộ Pháp có thể hoạt động theo nhiều cách.
Nhưng sự sai lầm ở đây, sự hiểu lầm là quá coi trọng các pháp tu Hộ Pháp, và biến chúng thành trọng tâm chính của mình, thay vì Phật, Pháp và Tăng. Rồi thì pháp tu Hộ Pháp có nguy cơ trở thành việc tôn thờ một loại thần linh nào đó. Nhiều vấn đề có thể xảy ra từ đó, như được minh họa bằng vấn đề Hộ Pháp, gây ra tranh cãi giữa những người Tây Tạng. Vì vậy nên phải thật sự cẩn thận về điều đó.
Tôi nghĩ rằng việc một trung tâm Phật giáo thực hành pháp tu Hộ Pháp mở rộng cho công chúng mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng, mà ai cũng có thể tham dự, đặc biệt là những người mới đến, là một việc không khôn ngoan cho lắm. Đặc biệt là nếu như những bài tụng lễ cúng dường Hộ Pháp này được tụng bằng bản dịch theo ngôn ngữ của bạn, thì chúng rất nặng nề, chẳng hạn như “đập tan kẻ thù của tôi”, v.v... Chúng có thể dễ bị hiểu lầm.
Hiểu Lầm Về Điểm Đạo
Nhận Lễ Điểm Đạo Mà Không Khảo Sát Vị Thầy Hay Pháp Tu Trước Đó, Và Không Có Chủ Ý Dấn Thân Tu Tập Pháp Tu
Đối với lễ điểm đạo Mật tông thì việc nhận lễ điểm đạo mà không tìm hiểu về vị thầy hay pháp tu trước là một sự hiểu lầm. Và ngay cả khi mình tìm hiểu những vấn đề này, thì việc nhận lễ điểm đạo mà không có chủ ý tu tập hệ thống Mật tông sau đó là một lỗi lầm, hay một sự hiểu lầm. Xét cho cùng thì mục tiêu của lễ điểm đạo hay quán đảnh là để kích hoạt, củng cố và tăng cường các yếu tố Phật tánh của mình, để có thể hành trì một hệ thống Mật tông cụ thể nào đó. Đó là toàn bộ mục đích của nó. Các “yếu tố Phật tánh” đề cập đến tiềm năng mà khi được phát triển một cách đầy đủ, thì sẽ giúp mình thành Phật. Các nghi lễ và pháp quán tưởng trong lễ điểm đạo kích hoạt chủng tử của tiềm năng Phật tánh, và gieo thêm hạt giống, để mình có thể tham gia vào một pháp tu cụ thể. Theo nghĩa đen thì nó là một sự khởi đầu để bắt đầu pháp tu ấy.
Khi hiểu lầm điều này thì ta sẽ tham dự bất cứ lễ điểm đạo nào của bất cứ vị lạt ma nào, để thực hành bất kỳ pháp tu nào, và để nhận được cái gọi là “lực gia trì”, hay vì áp lực của bạn đạo. Nhưng việc dự lễ điểm đạo hay quán đảnh là việc nghiêm túc. Cần phải tìm hiểu vị thầy một cách cặn kẽ, “Liệu mình có muốn thiết lập mối quan hệ đặc biệt với vị thầy này, với tư cách là bổn sư Mật tông của mình hay không?” Hầu hết chúng ta không biết điều đó có nghĩa là gì. “Liệu mình có muốn thực hành pháp tu Hộ Phật này, thay vì tu tập vị Hộ Phật khác?” “Liệu mình có muốn hành trì pháp tu hàng ngày của vị Hộ Phật này một cách nghiêm túc hay không? Nếu như không thể tu tập ngay bây giờ thì liệu mình có toàn tâm toàn ý thực hành nó sau này hay không?”
Rõ ràng là mình có thể đến dự lễ điểm đạo như một sự kiện nhân chủng học, như một nhà nhân chủng học, để xem những người thổ dân bí ẩn này đang làm gì trong một số nghi lễ bí truyền. Đức Dalai Lama nói nếu như bạn muốn tham dự với tư cách là một người quan sát trung lập, như cách Ngài gọi nó, thì điều đó không phải là vấn đề. Nhưng nếu chỉ đi dự lễ điểm đạo một cách mù quáng, mà không xem xét lý do tại sao mình lại đi, thì sẽ có nguy cơ hiểu lầm về quá trình điểm đạo.
Nghĩ Rằng Mình Đã Thọ Giới Và Cam Kết, Nếu Như Chỉ Dự Lễ Điểm Đạo Để Nhận “Lực Gia Trì”
Việc nghĩ rằng nếu như mình tham dự một lễ điểm đạo như một sự kiện nhân chủng học, hay chỉ để nhận lực gia trì, hay vì áp lực của bạn đạo, là mình đã thọ giới và cam kết, vì đã có mặt trong lễ điểm đạo, là một sự hiểu lầm xa hơn nữa. Bạn chỉ thọ giới nếu như bạn có ý thức và sẵn sàng thọ giới. Chỉ cần có mặt ở đó không có nghĩa là bạn đã thọ giới, hay đã nhận lễ điểm đạo. Người Tây Tạng còn dẫn chó vào lễ điểm đạo nữa, nhưng không có nghĩa là những con chó này đã thọ giới, và bây giờ chúng có thể khởi sự hành trì pháp tu. Nhưng liệu mình có muốn dự lễ điểm đạo giống như một con chó hay không? Đây là điểm chánh. Hay là bạn dự lễ điểm đạo, với hy vọng mình sẽ có cảm giác lâng lâng, giống như sử dụng ma túy?
Nghĩ Rằng Mình Có Thể Nhận Điểm Đạo Và Hành Trì Pháp Tu Mà Không Cần Thọ Giới Và Giữ Giới
Mặt khác, việc nghĩ rằng mình có thể nhận lễ điểm đạo và hành trì pháp tu mà không cần phải thọ giới và giữ giới cũng là một sự hiểu lầm không kém. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của lễ điểm đạo là giới nguyện. Điều này được nêu ra rất rõ ràng trong nhiều sách vở: “Không có lễ điểm đạo nào mà không có giới nguyện đi kèm”. Tối thiểu là trong tất cả những lễ điểm đạo của tất cả các bộ Mật tông, kể cả Đại Viên Mãn (dzogchen), đều có Bồ tát giới.
Tông Khách Ba và A Đề Sa (Atisha) nhấn mạnh rằng Bồ tát giới đòi hỏi một số đạo đức căn bản chung. Do đó, cũng cần phải có một số ba la đề mộc xoa (pratimoksha) của biệt giải thoát giới, ngay cả khi đó chỉ là giới tại gia. Không cần phải thọ cả năm giới - tránh giết hại, trộm cắp, nói dối, tà dâm và sử dụng những chất làm say, đặc biệt là rượu. Có thể thọ bao nhiêu giới cũng được, thậm chí chỉ một giới thôi. Hơn nữa, nếu như nhận lễ điểm đạo vào hai bộ Mật tông cao hơn, Du Già Mật Điển (yoga tantra) và Tối Thượng Du Già Mật Điển (Anuttarayoga), thì phải thọ Mật giới. Đó là điều thiết yếu, và phải xem tất cả các loại giới nguyện này một cách rất nghiêm túc, tìm hiểu trước để xem mình có giữ được giới hay không.
Nghĩ Rằng Có Thể Thương Lượng Với Thầy Sau Lễ Điểm Đạo, Để Có Hành Trì Cam Kết Ít Hơn
Nếu như có hành trì cam kết với một lễ điểm đạo, thì việc mình có thể mặc cả với thầy để giảm bớt cam kết, như mặc cả với một người bán hàng ngoài chợ ở phương Đông để mua hàng với giá rẻ hơn là một sự hiểu lầm. Đôi khi, tôi đã thấy người phương Tây làm điều đó. Khi Đức Dalai Lama ban lễ quán đảnh ở Dharamsala thì cam kết thông thường là hành trì pháp tu mỗi ngày cho đến cuối đời. Người phương Tây muốn đến đó, nhưng sẽ cố gắng mặc cả, “Chúng con có đời sống bận rộn, nên có thật là phải làm điều đó hay không? Liệu có thể thỉnh thoảng mới tu tập hay không, khi con có thời gian?” Họ cố gắng để nhận lễ điểm đạo với giá rẻ hơn. Ngay cả khi Đức Dalai Lama đưa ra cam kết ở nhiều mức độ khác nhau thì nhiều người phương Tây vẫn muốn nhận được cam kết tối thiểu, với giá rẻ hơn.
Đặc biệt, nếu như mình đi thọ nhận chỉ giáo và giáo lý về một pháp tu Mật tông thì vấn đề là vì mình muốn hành trì pháp tu, vì mình nghiêm túc về điều đó. Nếu không thì sao lại đi thọ pháp để làm gì? Chỉ vì bạn tò mò? Đó không phải là điểm chính. Những giáo pháp này được xem là quý giá, là điều thiêng liêng mà bạn chỉ học hỏi, khi thật sự muốn thực hành, và có động lực thích hợp để tu tập. Đương nhiên là điều này trở thành một vấn đề khó khăn, khi Internet và sách vở về pháp tu Mật tông có mặt khắp nơi. Do đó, Đức Dalai Lama nói rằng dù sao cũng có rất nhiều thông tin về Mật tông có mặt sẵn sàng, và rất nhiều thông tin trong số đó lại sai lầm, nên tốt hơn hết là nên cung cấp thông tin chính xác cho đại chúng.
Như Đức Dalai Lama đôi khi nói đùa rằng, “Tốt hơn là đọa địa ngục với hiểu biết đúng đắn, hơn là đọa địa ngục với hiểu biết sai lầm. Với sự hiểu biết đúng đắn thì bạn sẽ thoát khỏi địa ngục nhanh hơn rất nhiều.”. Điều này nên được hiểu theo nghĩa đen, hay như một trò đùa thì tôi không biết, nhưng nó khiến cho mình phải suy nghĩ về điều đó. Tuy nhiên, chỉ vì mọi thứ có sẵn trong sách vở và Internet thì đó không phải là lý do để không tu tập. Nếu như mình đang nhận một lễ điểm đạo và giáo huấn về pháp tu, thì phải thực hiện hành trì cam kết một cách nghiêm chỉnh.
Khi Có Hành Trì Cam Kết Mỗi Ngày, Nhưng Lại Nghĩ Rằng Mình Có Thể Nghỉ Tu Một Ngày, Hay Nhận Quá Nhiều Hành Trì Cam Kết Hàng Ngày
Nếu có hành trì cam kết trì tụng hàng ngày từ một lễ điểm đạo mà mình đã nhận, thì việc không xem điều này một cách nghiêm túc, và nghĩ rằng mình có thể nghỉ tu một ngày, khi không cảm thấy thích làm điều đó: “Tôi chỉ tu tập khi cảm thấy thích thú với việc hành trì thôi.”. Hay là bạn đã nhận quá nhiều hành trì cam kết cho đến cuối đời, mà không xem xét một cách thực tế, để xem mình có thể duy trì chúng hay không.
Đó là một sai lầm rất phổ biến vào thập niên 70 ở Ấn Độ. Vào thời đó, các lễ điểm đạo trọn vẹn với hành trì cam kết đầy đủ đã được ban một cách dễ dàng hơn nhiều, và người Tây phương chúng ta đã nhận những điểm đạo ấy. Chúng ta đã nhận các lễ quán đảnh và cam hết hành trì này, nghĩ rằng mình luôn có thể hành trì chúng. Nhưng thậm chí khi chỉ nhìn vào mười năm sau thôi, đừng nói gì đến hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm sau, thì có bao nhiêu người đã thật sự giữ những hành trì cam kết này và tiếp tục tu tập chúng? Chỉ có một số ít thôi. Và ngay cả khi vừa mới nhận những cam kết này thì nhiều người đã phải vật vã để tu tập chúng hàng ngày. Họ nói rằng họ quá bận rộn vào buổi sáng. “Buổi sáng không phải là thời gian tốt cho tôi.”. Khi nghĩ như vậy thì họ sẽ dời việc tu tập đến ban đêm, rồi thì chỉ có hai hoặc ba tiếng đồng hồ để hành trì. Nhưng họ đã mệt đến mức ngủ thiếp đi trong khi tu tập. Họ sẽ ngồi xuống và ngủ gục, rồi giật mình tỉnh dậy, và phải mất nửa đêm để hành trì xong pháp tu. Hành trì Mật tông của họ trở thành một cực hình. Đây là một vấn đề lớn.
Nếu bạn sẽ tu tập hành trì cam kết thì hãy thực tế về những gì bạn có thể làm. Những hành trì cam kết này là việc nghiêm túc, khi chúng đòi hỏi việc hứa nguyện hành trì mỗi ngày cho đến hết đời. Tại sao bạn muốn dấn thân làm việc gì mỗi ngày cho đến hết đời? Lý do duy nhất là vì bạn thật sự nghiêm túc về việc thành tựu giải thoát và giác ngộ, và bạn hiểu phương tiện Mật tông cơ bản, và tự tin rằng nếu như tu tập đúng cách, thì nó sẽ đưa bạn đến những mục tiêu ấy. Điều này rất quan trọng.
Đức Dalai Lama luôn nhấn mạnh rằng nếu bạn sẽ tu tập Mật tông thì điều này nên dựa trên cơ sở của việc thấu hiểu thế nào là Mật tông, và tin tưởng vào hiệu quả của phương tiện này. Nếu không thì tại sao bạn lại tu tập nó? Đặc biệt là nếu như bạn nghĩ rằng nó chỉ bao gồm một số quán tưởng kỳ lạ và lẩm bẩm trì tụng vài câu mật chú, rồi sau một thời gian thì bạn bỏ cuộc, vì nó có vẻ vô lý: “Tại sao tôi lại làm điều này?”. Nên điều quan trọng là phải xem xét liệu mình có làm tròn những hành trì cam kết này hay không.
Nghĩ Rằng Pháp Tu Mật Tông Chỉ Có Nghĩa Là Trì Tụng Nghi Lễ Và Mật Chú
Cuối cùng thì việc xem pháp tu Mật tông chỉ đơn thuần là việc tụng niệm nghi lễ, hay chỉ đơn thuần trì tụng mật chú là một sự hiểu lầm. Nếu không thiền quán mạnh mẽ về bồ đề tâm và tánh Không, mà chỉ tụng “blah blah blah...” và dù cố gắng quán tưởng thì hầu hết thời gian, ta sẽ không thể quán tưởng, vì nó quá phức tạp, nên lại muốn hành trì những phiên bản đơn giản nhất của pháp tu, và nghĩ rằng điều gì sẽ thật sự xảy ra, dựa trên cơ sở đó. Hành trì của mình rất thường trở thành một sự trốn tránh vào ảo tưởng, mà không thật sự là một phương pháp hiệu quả để kết hợp tất cả các giáo lý.
Mật tông là một cách để kết hợp tất cả các giáo lý. Chẳng hạn như trong một nghi quỹ thì ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ phát khởi tứ vô lượng tâm. Ở một điểm khác thì sẽ phát tâm quy y; tại thời điểm nọ thì phát bồ đề tâm; tại thời điểm kia thì bạn sẽ tái khẳng định giới nguyện; và ở điểm đó thì bạn thiền quán về tánh Không. Ở những điểm khác nhau trong nghi quỹ thì bạn sẽ có những sự hiểu biết và chứng ngộ khác nhau về giáo pháp. Nếu bạn chưa hành trì những phương pháp này trước đó, thì trong nghi quỹ, khi một vài chữ xuất hiện, “Bây giờ thì tôi sẽ thấu hiểu tánh Không” thì bạn sẽ làm gì? Bạn chỉ tụng bằng lời thôi. Nhưng nếu chỉ tụng bằng lời thôi thì không có lợi lạc gì hết. Do đó, pháp tu Mật tông đòi hỏi rất nhiều việc tu học. Việc nghĩ rằng nó chỉ là một bài tụng niệm “blah blah blah”, được thực hiện hầu hết bằng tâm tán loạn, là một sự sai lầm.
Tóm Tắt
Rõ ràng là có nhiều quan niệm sai lầm về Mật tông. Một số phát sinh từ cách mà Mật tông được quảng cáo, và một số xuất phát từ mong muốn của riêng mình: tất cả chúng ta đều muốn có được cách nào để thành tựu giác ngộ một cách nhanh chóng và dễ dàng. Nếu như hiểu được thực tại của pháp tu Mật tông, thì mình sẽ có khả năng gắn bó với pháp tu và tiến triển một cách ổn định, thay vì bỏ cuộc khi gặp phải chướng ngại đầu tiên.