Chánh Niệm Về Nghiệp Và Hành Vi Đạo Đức

Bình Luận

Nên phát khởi động lực thích hợp, cụ thể là muốn tạo lợi lạc cho chúng sinh, và thành tựu giác ngộ, để có thể giúp đỡ chúng sinh. Với động lực này thì hãy lắng nghe khai thị về Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp, để áp dụng nó vào việc tu tập cho mục tiêu này, với ước nguyện chân thành.

Hôm qua, chúng ta đã bàn luận về cách để có lòng sùng mộ toàn tâm toàn ý đối với một vị thầy, hay “lòng sùng mộ bổn sư”, là căn nguyên của mọi đường tu. Chúng ta cũng đã bàn luận về nền tảng tu tập tuyệt vời của một kiếp người quý báu, với tất cả những yếu tố tự do và thuận lợi, và việc có được nó thì khó khăn như thế nào. Có tám tự do và mười thuận lợi, và tái sinh làm người mà mình đang có được là một nền tảng tu tập có đầy đủ tất cả những yếu tố này.

Nói chung thì việc tái sinh làm người rất khó được. Ngay khi vừa sinh ra làm người thì mình không thể biết đi ngay lập tức. Phải mất hơn một năm, trước khi chúng ta có được khả năng đó. Thú vật có thể biết đi gần như ngay lập tức, sau khi chúng được sinh ra. Lý do chúng có thể làm như vậy là vì những chúng sinh này đã được sinh ra như làm thú vật vô số lần, nên chúng có bản năng của thú vật rất mạnh mẽ. Việc những đứa trẻ của loài người không thể đi lại thẳng thóm như con người, khi vừa được sinh ra là một dấu hiệu cho thấy việc chúng được sinh ra làm người trước đây thì cực kỳ hiếm hoi, và có bản năng rất yếu ớt khi đi đứng như một con người.

Ngay khi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đản sinh trong sắc tướng con người thì Ngài có thể đi đứng thẳng thóm ngay lập tức, và bước đi bảy bước. Đây là kết quả của việc đã sinh ra làm người trong hàng trăm kiếp sống liên tục trước đó. Do đó, Ngài đã có thể đi bộ ngay lập tức như một con người. Tương tự như vậy, sau tất cả những tái sinh làm người này thì Ngài đã tích tập nhân duyên viên mãn, để có một thân tướng với 32 tướng tốt và 80 tướng phụ của một vị Phật.

Thế thì điểm đầu tiên là nhận thức 18 yếu tố tự do và thuận lợi mà mình sở hữu, rồi thì nhận thức việc có được một nền tảng tu tập như vậy của một tái sinh làm người, với tất cả những yếu tố này thì khó khăn như thế nào. Sau đó thì sẽ nghĩ đến tầm quan trọng của một nền tảng tu tập như vậy, và những mục tiêu cao cả nào mà mình có thể hoàn thành với nền tảng ấy, cụ thể là có thể đạt được giác ngộ. Nên nghĩ đến Milarepa lừng danh. Ngài đã đạt giác ngộ ngay trong kiếp đó, bằng nền tảng tu tập mà ngài đã có được, đó là thân người quý báu.

Thân người của chúng ta cũng giống như vậy, không có sự khác biệt nào. Vì vậy, với một nền tảng tu tập tuyệt vời như vậy thì nên cố gắng hành trì giáo pháp càng nhiều càng tốt, cho đến khi sự sống rời khỏi thân mình. Không thể trì hoãn việc tu hành qua ngày mai, bởi vì ta chẳng bao giờ biết khi nào thì mình sẽ chết. Thời điểm mà cái chết đến thì hoàn toàn không chắc chắn. Do đó, cần phải có một sự xác quyết để tu tập Pháp ngay lập tức.

Hôm qua, chúng ta đã bàn luận về tất cả những điểm này, liên quan đến cái chết và vô thường, và thấy rằng không có tình huống nào là tĩnh tại, thường hằng, và sau khi chết thì mình phải tái sinh. Ta cũng thấy rằng nếu như mình tích tập những ác nghiệp to lớn từ việc làm một người phá hoại và tiêu cực, thì sẽ phải tái sinh trong những cõi tồi tệ hơn. Phải nghĩ về tất cả những khó khăn và đau khổ mà mình sẽ phải kinh qua trong những cõi như vậy, và cảm thấy rất kinh sợ, muốn tránh việc tái sinh trong những tình huống như vậy. Sau đó thì có thể nghĩ về những đối tượng có thể giúp ta quy y, để tránh những khó khăn như vậy. Khi đã nhận ra Tam Bảo quý hiếm là đối tượng quy y như vậy, thì chúng ta đã bàn luận về tất cả các phương pháp để rút tỉa phương hướng an toàn và hợp lý, để đưa nó vào đời sống, bằng cách quy y Tam Bảo. Ngày hôm qua thì chúng ta đã bàn luận về vấn đề này.

Cũng cần phải nhận thức lý do hoặc nguyên nhân để quy y Tam Bảo. Trước tiên là kinh sợ những điều có thể xảy ra với mình trong những kiếp tương lai, nếu như không quy y Tam Bảo. Thứ hai là tín tâm về khả năng mà những đối tượng quy y này sẽ đưa ra một phương hướng an toàn để mình tránh những tái sinh tồi tệ hơn. Thêm vào đó, nếu như quy y theo cách thức Đại thừa, với lòng quảng đại thì phải có thêm động lực phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh. Khi phó thác bản thân một cách trọn vẹn như vậy, với những điều này làm nhân, thì được gọi là quy y, có một phương hướng an toàn trong đời sống.

Cách Tu Tập Quy Y

Một khi đã quy y Tam Bảo thì điều quan trọng là phải rèn luyện những điều để đưa quy y vào đời sống một cách thực tiễn. Khi quy y chư Phật thì cách tu tập là như thế này. Khi nhìn thấy biểu tượng của các đấng giác ngộ thì đừng bao giờ chỉ trích, nói rằng đôi mắt của ngài bị méo, khuôn mặt trông kỳ lạ, hay bất cứ điều gì đại loại như vậy. Không được vô lễ. Xét cho cùng thì mình sẽ xem tất cả các biểu tượng đại diện cho chư Phật như là chư Phật thật sự. Thế thì thay vì chỉ trích Đức Phật thì mình có thể nói về người nghệ sĩ hay tác phẩm điêu khắc. Chúng tôi có thể nói rằng người nghệ sĩ không quá tài tình, rồi sẽ dừng lại ở đó. Hơn nữa là đừng bao giờ buôn bán tượng Phật. Cũng không nên thiếu lòng kính trọng đối với các biểu tượng về thân, khẩu, ý của một đấng giác ngộ. Tốt hơn là không nên bước qua, hay đặt những thứ khác lên trên những biểu tượng này.

Ngoài ra, khi quy y Phật thì chúng ta sẽ hứa không quy y chư Thiên thế tục, như Phạm Thiên (Brahma) hay Đế Thích (Indra), vì họ không thể ban cho mình quy y. Nương tựa vào họ thì giống như dựa vào một tấm màn. Nó giống như những điều được mô tả ngày hôm qua, trong câu chuyện về đứa con trai của chư Thiên đã đến gặp Đế Thích để giúp anh thoát khỏi tình trạng khó khăn, và Đế Thích đã nói, “Ta không thể cho con quy y để thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Người duy nhất có thể làm như vậy là Đức Phật.”.

Khi quy y Pháp thì điều quan trọng là phải cực kỳ tôn trọng tất cả các biểu tượng của giáo pháp, chẳng hạn như Kinh sách, và không đặt thứ gì lên trên những món này. Chẳng hạn như một vài trang trong bản văn mà mình đang đọc có thể bị gió thổi bay đi, nên mình phải đặt cái gì lên trên bản văn, để những trang sách không bay đi. Ngoài điều đó ra thì không thể vô ý để bất kỳ thứ gì lên trên cuốn sách, chẳng hạn như một chuỗi tràng hạt, hay bất cứ món gì.

Tất cả quý vị đều biết những phong tục trong đạo Phật, và đang noi theo chúng một cách đúng đắn, đối với vấn đề Kinh sách. Đó là điều rất tốt. Sách Phật không được để trên sàn nhà, mà nên có vải hay thứ gì sạch sẽ để lót bên dưới. Đối với hình ảnh và tượng Phật thì cũng vậy. Việc vô cùng tôn trọng tất cả các biểu tượng của Đức Phật và giáo pháp là điều rất quan trọng, vì mình sẽ tích tập công đức vô cùng to lớn. Ngoài ra, đừng lật trang sách bằng cách liếm ngón tay để làm ướt sách. Nếu như thấy là phải làm ướt ngón tay để lật trang sách thì hãy đặt một bát nước nhỏ kế bên và sử dụng nó. Ngoài ra, phải có một cách nhận thức tương tự như vậy đối với những ngôn từ được in trên giấy. Báo chí và bất cứ tài liệu in ấn nào là phương tiện để quảng bá giáo pháp. Việc thể hiện lòng kính trọng đối với bất kỳ hình thức nào mà ngôn từ của giáo pháp được in ấn ra là điều quan trọng. Vì vậy, không nên sử dụng báo chí về Phật pháp để bọc rác hay lau sàn nhà, hay lau bụi. Cũng không được bỏ giấy báo này vào bồn cầu, hoặc những nơi bẩn thỉu, mà phải dẹp bỏ chúng với lòng tôn trọng.

Khi quy y Pháp thì một điểm nữa mà mình phải tuân theo là đừng bao giờ làm hại chúng sinh.

Khi quy y Tăng thì phải đối xử với tất cả các thành viên trong Tăng đoàn với lòng kính trọng, không được gọi họ bằng những cái tên khó nghe, chẳng hạn vậy.

Hành Xử Theo Luật Nhân Quả

Điểm quan trọng nhất để đưa quy y vào đời sống là phải uốn nắn hành vi của mình theo luật nhân quả một cách rất cẩn thận. Phải thấy rằng từ việc thực hiện những hành vi tích cực, có tính xây dựng thì mình sẽ tích tập thiện nghiệp, và điều này sẽ đem lại kinh nghiệm hạnh phúc. Nếu như hành xử theo tác động của xung lực tiêu cực, đen tối thì điều đó sẽ tạo ra ác nghiệp. Điều này sẽ mang lại những kinh nghiệm bất hạnh, khó khăn và đau khổ. Do đó, điểm chính để quy y là dẫn dắt đời sống bằng nhận thức về kết quả mà hành vi của mình sẽ tạo ra, và có hành vi phù hợp với điều này.

Có bốn điểm về luật nhân quả, cụ thể là các yếu tố về: (1) tính chắc chắn, (2) tính tăng trưởng, (3) nếu như mình chưa tạo ra nhân để đưa đến quả nào đó, thì sẽ không phải gặt quả ấy, và (4) nếu đã tạo tác một hành vi nào đó, thì hành vi ấy sẽ không trở nên vô ích, mà sẽ tạo ra kết quả.

Hôm qua, chúng ta đã bàn luận về yếu tố chắc chắn và tăng trưởng. Nếu như thắc mắc yếu tố tiếp theo của luật nhân quả là gì, thì cụ thể là nếu như mình chưa tạo tác hành vi nào đó, thì sẽ không phải nhận lãnh kết quả của hành vi ấy.

Trong số mười sáu vị trưởng lão vững chãi và kiên định, đôi khi được gọi là “mười sáu vị A la hán” vào thời Đức Phật, có một vị tên là Ca Nặc Ca Phạt Sa (Kanakavatsa; gNas-brtan gSer-be'u). Ngay khi ngài được sinh ra thì một con voi có phân bằng vàng đã đến với ngài, và luôn ở bên cạnh ngài. Lý do mà con voi đại tiện ra vàng này luôn ở bên cạnh ngài là vì kiếp trước, Ca Nặc Ca Phạt Sa đã sinh ra vào thời Đức Phật Ca Diếp (Kashyapa; Sangs-rgyas Od-srung). Đức Phật Ca Diếp thường cỡi một con voi. Trong kiếp đó, Ca Nặc Ca Phạt Sa đã dâng một chiếc lá bằng vàng cho con voi với lòng kính trọng lớn lao, và nhờ có công đức ấy mà ngài đã tái sinh vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và ngay khi vừa chào đời thì một con voi có phân bằng vàng đã đến với ngài ngay lập tức.

Vị vua của lãnh thổ nơi ngài chào đời được gọi là A Xà Thế (Ajatashatru; rGyal-po Ma-skyes dgra). Vì lòng tham muốn lấy vàng nên nhà vua muốn lấy con voi này, và đã ra lệnh người ta đem nó đến. Nhưng mỗi khi đưa con voi vào trong sân của nhà vua thì nó sẽ biến mất vào trong mặt đất một cách kỳ diệu, và xuất hiện trở lại bên cạnh đứa trẻ. Nhà vua đã làm việc này ba lần, và mỗi lần như vậy thì điều này đều xảy ra. Lý do và điều được minh họa ở đây là nhà vua không có đúng duyên, ông đã không tích tập đúng nhân duyên để hưởng thụ của cải từ con voi, trong khi đứa bé kia lại có. Luật nhân quả thì không thể nghĩ bàn, và ngay cả một nhà vua cũng không có quyền thay đổi nó.

Điểm tiếp theo là nếu như đã thực hiện một hành động nào đó, thì nó sẽ không trở thành vô nghĩa, vì kết quả sẽ xảy ra. Điều này được nêu ra ở đây bằng thực tế là đứa bé này, người đã trở thành một trong mười sáu vị A la hán, đã tích lũy nhân để con voi luôn ở bên mình. Vì vậy, điều đó không phải là một hành vi vô nghĩa mà người này đã làm trong quá khứ, khi dâng lá vàng cho voi của Đức Phật Ca Diếp, vì điều này đã mang lại kết quả này. Hơn nữa, khi Ca Nặc Ca Phạt Sa lớn lên thì ngài đã rời bỏ cuộc sống gia đình, đắp y và cuối cùng đã trở thành một A la hán, bậc giải thoát. Do đó, nhờ ghi nhớ điều này mà mình phải quyết tâm rằng sẽ cố gắng tạo tác ngay cả một thiện hạnh nhỏ nhất. Không cần phải xem bất kỳ thiện nghiệp nào là quá nhỏ nhoi, bởi vì sau cùng thì một cái xô sẽ chứa đầy nước, nhờ sự tích tụ của những giọt nước.

Nhờ vậy mà ta sẽ quyết tâm tích tập công đức bằng bất kỳ thiện hạnh nào mình có thể tạo tác, và tránh ngay cả những ác hạnh nhỏ nhoi nhất. Đừng nên lừa dối bản thân bằng cách nghĩ rằng dù mình có làm gì đi nữa thì cũng không thành vấn đề, bởi vì nếu như không cẩn thận thì ngay cả một hành vi tiêu cực nhỏ nhoi cũng có thể trở thành thảm họa. Nếu như mình đập chết một con muỗi với ác ý, và không thừa nhận rằng những gì mình đã làm là một lỗi lầm và sai trái, thì ác nghiệp mà ta đã tạo ra từ việc giết chết một con muỗi sẽ tăng lên gấp đôi vào ngày hôm sau, như thể mình đã giết hai con muỗi. Đến ngày hôm sau nữa thì nó lại tăng gấp đôi thành bốn, và trong một năm, nếu như không thừa nhận một cách thành thật và công khai rằng những gì mình đã làm là sai trái, và áp dụng các lực đối trị để tịnh hóa ác nghiệp này, thì nó sẽ tích lũy thành ác nghiệp to lớn không thể tưởng tượng nổi, từ hành động giết hại con muỗi đó.

Chẳng hạn như từ việc đập một con muỗi bằng hai tay thì quả trổ là mình sẽ tái sinh vào một trong những cõi địa ngục, và có một cơ thể to lớn. Ta sẽ thấy mình ở giữa hai ngọn núi lớn, và chính mình cũng sẽ bị hai ngọn núi này ép xác như vậy. Rồi thì hai ngọn núi ấy sẽ tách ra, và mình sẽ hồi sinh; rồi sau đó, ta sẽ bị ép xác một lần nữa, sự việc sẽ lặp đi lặp lại như vậy. Điều này sẽ tiếp tục cho đến khi ác nghiệp mà mình tạo tác đã hoàn toàn cạn kiệt.

Vấn đề là phải hứa tránh tạo tác ác nghiệp, và cố gắng hết sức để làm bất cứ thiện nghiệp nào mà mình có thể thực hiện, dù chúng có vẻ nhỏ nhoi đến mức nào. Đây là điểm chính, điều chủ yếu mà chư Phật đã nêu ra. Chúng ta đang nói về giáo lý và hành trì chính mà chư Phật đã nêu ra, và đây là điểm chính: làm việc thiện và tránh điều ác.

Phát Tín Tâm Đối Với Giáo Lý Của Đức Phật Về Luật Nhân Quả

Những điểm này về luật nhân quả được bàn luận trong những Kinh điển khác nhau, ví dụ như trong Kinh Hiền Ngu (The Sutra of the Wise and the Foolish; mDdo mdzangs-blun, Phạn ngữ: Damamuko-nama-sutra) và những Kinh khác, từ Kinh tạng của Đức Phật, Kangyur (bKa'-'gyur). Các tập của King tạng này được đánh số bằng chữ cái Tây Tạng, và các tập được đánh số SA, HA và SHA có rất nhiều tài liệu liên quan đến những điểm này, là điều rất đáng nghiên cứu.

Tất cả những điểm này - ví dụ như, nếu như mình có hành vi tích cực, thì sẽ được hạnh phúc trong một hoàn cảnh nào đó về sau; trong khi nếu như hành xử một cách tiêu cực, thì một sự khó khăn và bất hạnh nào đó sẽ xảy ra - tất cả những điều này sẽ được tìm thấy trong Kinh điển. Chúng ta sẽ chấp nhận điều này trên cơ sở thẩm quyền Kinh điển, bởi vì việc chứng minh nó bằng lý lẽ là điều cực kỳ khó khăn.

Nếu như nghĩ xa hơn về nó, thì phải xem xét kỹ về người đã giảng dạy những điểm này về nghiệp, ai là tác giả, nguồn gốc của thẩm quyền kinh điển. Nếu như nguồn gốc là Đức Phật toàn tri và giác ngộ viên mãn thì không thể có chuyện một người như vậy lại nói dối. Hơn nữa, làm thế nào để phát khởi niềm tin xác tín và tin tưởng vào thẩm quyền Kinh điển, về những điều Đức Phật đã nói về luật nhân quả? Chúng ta sẽ xem xét một vài điểm khác mà Đức Phật đã nói trong Tam Tạng của Ngài - Tripitaka. Có những Tạng nói về cách điều phục tâm (Luật Tạng, Vinayapitaka), về các chủ đề tu tập (Kinh Tạng, Sutrapitaka), và về các chủ đề đặc biệt về kiến thức (Luận Tạng; Abhidharmapitaka).

Hãy xem xét đề tài được tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật về chủ đề bát nhã ba la mật (trí tuệ hoàn hảo), Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (The Prajnaparamita Sutras). Trong sự bàn luận về tánh Không này, tức sự hoàn toàn vắng bóng của tất cả những cách tồn tại bất khả, thì ta sẽ thấy tất cả những dòng lý luận hợp lệ, chứng minh rằng tất cả những cách ảo tưởng bất khả dĩ đều không hề tồn tại. Khi nghĩ về những dòng lý luận này thì dựa trên cơ sở hợp lý, ta sẽ có thể vững tin rằng tất cả những gì Đức Phật nói về tánh Không hay thực tại là sự thật. Dựa vào đó, ta sẽ có niềm tin xác tín, và tin tưởng rằng Đức Phật là một nguồn thông tin hợp lệ. Dựa vào niềm tin đó thì ta cũng có thể tự tin rằng Ngài là một nguồn thông tin hợp lệ về luật nhân quả, và tất cả những điều Ngài nói về nghiệp là chính xác. Trên cơ sở ấy, chúng ta sẽ vững tin, để làm cho hành vi của mình phù hợp với tất cả những điều Ngài dạy về luật nhân quả, ngay cả ở mức độ thấp nhất.

Ví dụ như Đức Phật nói rằng, nếu như mình hành xử theo thập thiện, thì quả sẽ trổ là một kiếp tái sinh như một con người hay một vị trời. Sau đó, ta sẽ xem xét tất cả những điều Đức Phật đã nói về thực tại trong giáo lý của Ngài về bát nhã ba la mật của tánh Không. Khi nhận thức được bằng lý lẽ rằng tất cả những gì Ngài đã nói về thực tại là đúng, thì ta sẽ áp dụng sự kiện đó vào những lời khai thị khác của Đức Phật về thực tại, cụ thể là nếu như mình tạo thiện nghiệp thì sẽ được tái sinh như một con người hay một vị trời. Dựa vào đó mà chúng ta sẽ được thuyết phục trên cơ sở hợp lý rằng lời khai thị này cũng đúng.

Có một số người nói rằng, “Đương nhiên, mình có thể thấy là có con người, nhưng không có vị trời nào cả, và thật nực cười khi nói rằng có những chúng sinh trong địa ngục và ngạ quỷ.”. Họ nói rằng họ có thể chứng minh một vài điều không tồn tại, đơn giản là vì họ chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Nhưng nếu như chỉ nói rằng vì mình chưa bao giờ nhìn thấy chúng, nên đó là bằng chứng rằng chúng không hề tồn tại, thì đó là cách lập luận khá nghèo nàn. Mặt khác, để tin rằng kết quả của thiện nghiệp là tái sinh như một con người hay một vị trời, và kết quả của ác nghiệp là tái sinh trong những cõi thấp hơn như địa ngục, ngạ quỷ vân vân, đó là điều có cơ sở hợp lý, vì nguồn gốc của thông tin này là Đức Phật giác ngộ viên mãn. Do đó, việc tin tưởng rằng những gì Đức Phật đã nói là sự thật là hoàn toàn đúng, bởi vì Ngài là nguồn thông tin và thẩm quyền hợp lệ. Trên cơ sở đó, ta sẽ quyết tâm hành xử một cách chính xác theo những lời Đức Phật dạy, bởi vì tất cả những gì Ngài nói về luật nhân quả, từ chi tiết nhỏ nhoi nhất, đều chính xác và chân thật.

Cách để đưa điểm này vào việc tu tập hàng ngày là xem xét bản thân một cách trung thực, và cố nhận ra khi mình đang hành xử theo cách nào, trong số mười ác nghiệp này. Ngay khi nhận thấy mình đang có hành vi tiêu cực, thì phải tự cấm cản mình làm điều đó. Tương tự như vậy, phải quán sát tự thân, khi đang thực hiện những hành vi có tính cách xây dựng, và khuyến khích mình tiến xa hơn theo chiều hướng ấy. Đây là cách tu hành chủ yếu, là điểm khởi đầu.

Từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã quen thuộc với hành vi tiêu cực. Vì vậy, dù có làm gì đi nữa thì ta sẽ thấy dĩ nhiên là bản năng, thói quen và xu hướng hành xử một cách tiêu cực sẽ chiếm ưu thế. Chúng sẽ xuất hiện rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều mà mình phải làm là tu tập chậm rãi và kiên trì. Dần dần thì ta có thể tạo ra những tập khí tích cực nhiều hơn. Khi rèn luyện bản thân và thanh tẩy những tập khí xấu này thì ta sẽ thấy xu hướng hành xử một cách tiêu cực sẽ giảm dần. Xu hướng hành xử một cách tích cực sẽ gia tăng. Cuối cùng thì ta sẽ luôn hành xử một cách xây dựng và tích cực.

Tấm Gương Của Geshe Ben Gung-gyel

Hãy xem xét thuật ngữ “tích tập và thanh tẩy”, được sử dụng để mô tả các pháp tu sơ khởi. Những gì mình tích tập là những tập khí và tiềm năng thiện hảo và tích cực, và những gì mình tự thanh tẩy là tất cả những xu hướng tiêu cực. Bây giờ, nếu như tôi kể cho quý vị nghe một vài câu chuyện về cuộc đời của Ben Gung-gyel (‘Ban Gung-rgyal), thì có thể là điều hữu ích, vì chúng là những câu chuyện rất hay.

Có một vị thầy thông thái, một Geshe từ truyền thống Kadam ở Tây Tạng, có quý danh là Ben Gung-gyel, nhưng thường được biết đến với biệt danh Pen Kungyel ('Phen rKun-rgyal), nghĩa là Vua Thổ Phỉ từ Penpo. Sau này, khi trở thành một hành giả thì ông đã lấy Pháp danh là Geshe Tsultrim-gyelwa (dGe-bshes Tshul-khrims rgyal-ba), có nghĩa là “vị thầy thông thái, người chiến thắng với giới luật”. Tuy nhiên, trước khi trở thành một hành giả tâm linh thì ông đã là một tên cướp khét tiếng, và đã hành động rất tàn nhẫn. Ông cũng có một trang trại xung quanh ngôi nhà của mình, rộng khoảng bốn mươi mẫu. Ông cũng luôn làm những điều bất thiện trong khi làm việc trên mảnh đất của mình, nên cũng được gọi là “người có bốn mươi mẫu rắc rối”.

Một ngày nọ, khi đang ở trên sườn núi gần nhà thì ông gặp một thương nhân du lịch, người không biết là người mà anh ta gặp là Ben Gung-gyel, nên hỏi rằng, “Có phải là tên cướp khét tiếng Pen Kungyel ở đâu đây phải không?”. Gung-gyel trả lời, “Tôi là Pen Kungyel.”. Người thương nhân đã rất sợ hãi và giật mình đến nỗi bị ngã ngựa và rơi xuống núi. Ben Gung-gyel rất xúc động vì điều này, và nghĩ rằng, “Nếu như chỉ nghe tên của mình thôi mà đã tạo ra một oai lực khủng khiếp như vậy thì thật là khủng khiếp! Mình đã thật sự tạo ra ác nghiệp lớn lao như vậy bằng việc này!”. Vì nghĩ như vậy, rồi phát tâm hối hận và ăn năn mạnh mẽ về hành vi trong quá khứ của mình, nên ông quyết định từ bỏ nghề trộm cướp.

Ông đã hết lòng sùng mộ một vị đạo sư, làm việc và tu hành rất chăm chỉ. Pháp tu chánh của ông là cố gắng từ bỏ thập ác, và thực hành thập thiện. Ông sẽ đánh giá những gì mình đã làm mỗi ngày. Ông có một mẩu than, và nếu như đã làm bất cứ điều gì tiêu cực hay bất thiện thì ông sẽ vẽ một gạch đen trên tảng đá. Ông cũng có một viên phấn trắng, và mỗi khi làm điều gì tích cực và thiện hảo thì ông sẽ vẽ một gạch trắng. Ông sẽ giữ điểm như thế, một sự kiểm điểm về hạnh kiểm. Lúc đầu, mỗi ngày ông sẽ có hầu hết những gạch đen, và hầu như không có gạch trắng nào cả; nhưng cuối cùng thì số gạch đen của ông ngày càng ít đi. Số gạch trắng của ông ngày càng tăng lên, cho đến khi ông chỉ ghi gạch trắng mỗi ngày.

Lúc đầu, khi tự rèn luyện như thế này, khi nhận ra rằng mình có nhiều gạch đen hơn gạch trắng vào cuối ngày thì ông sẽ dùng tay phải nắm lấy tay trái của mình và bóp nó rất mạnh, ông sẽ tự mắng mình một cách nặng nề. Ông nói rằng, “Này Ben Gung-gyel! Trước đây, mi là một người tồi tệ, thối nát, và vẫn tiếp tục hành động theo cách tồi tệ như vậy. Vậy thì không được đâu!” Cứ như vậy, ông đã tự mắng nhiếc mình rất nặng nề, vì đã quá tiêu cực trong ngày hôm đó. Nhưng sau đó, khi tiếp tục tu tập và kiểm điểm hạnh kiểm của mình vào mỗi cuối ngày, giống như một thương gia trong một cửa hàng sẽ đếm số thu nhập của mình vào cuối ngày, cuối cùng thì ông đã có nhiều gạch trắng hơn. Sau đó, ông sẽ nắm lấy tay phải của mình và tự chúc mừng bản thân bằng cách nói rằng, “Bây giờ thì bạn thật sự là Geshe Tsultrim-gyelwa, người chiến thắng với giới luật! Bạn đã làm rất tốt!” Đó là cách ông đã tự chúc mừng bản thân.

Khi trở thành một hành giả vĩ đại như vậy thì tên tuổi của ông đã lan xa. Một ngày nọ, ông đi khất thực ở một thị trấn, và vào một ngôi nhà để thọ thực. Có một giỏ đựng lá trà ở gần cửa, và vì bản năng làm ăn trộm rất mạnh mẽ, nên ông tự động thò tay vào giỏ để lấy một ít lá trà. Ông đã bắt gặp mình đang làm điều này, và đã dùng tay kia nắm lấy bàn tay đang ăn trộm, rồi hét lên để cho bà chủ nhà nghe, “Mama, hãy mau đến đây, tôi đã bắt được một tên trộm!”.

Một lần khác, khi đang sống trong chòi hành thiền thì ông nhận được một tin nhắn rằng một vị thí chủ sẽ đến thăm ông vào ngày hôm sau. Sáng hôm sau, ông thức dậy rất sớm, quét dọn sạch sẽ và sắp xếp các thức cúng dường rất đẹp đẽ trên bàn thờ. Sau đó, ông ngồi xuống và xem xét động lực của mình, bởi vì đây là cách tu tập bình thường. Sau khi sắp xếp bàn thờ vào buổi sáng, khi bắt đầu thời thiền thì chúng ta sẽ ngồi xuống và quán sát động lực cho những điều mình đang làm. Khi ngồi xuống kiểm tra động lực và tư tưởng của mình thì ông nghĩ rằng, “Tại sao mình lại phải chịu đựng những cơn đau như vậy để quét dọn phòng ốc và dọn dẹp nó thật sạch sẽ sáng nay, và chưng bày phẩm vật đẹp đẽ như vậy?”. Ông phát hiện ra là mình đã hành động theo những lo toan thế tục. Ông đã làm những việc trang trọng này để tạo ra ấn tượng tốt với vị thí chủ của mình. Khi nhận ra đây là một động lực rất sai lầm thì ông đứng dậy và đi ra cửa, nơi mà ông có một cái thùng đựng tro từ lò sưởi. Ông lấy một nắm tro tàn và ném nó lên khắp bàn thờ, làm cho gian phòng bừa bãi. Sau đó, ông rất nổi danh là “Geshe Tsultrim-gyelwa, người chiến thắng với giới luật, người đã ném tro vào những lo toan thế tục”.

Một lần khác, có một người đang cúng dường sữa chua cho một nhóm hành giả, và ông đang ngồi ở phía sau, và vì món này được mang đến cho người khác, nên ông thấy rằng tất cả mọi người ở phía trước đã nhận được rất nhiều sữa chua. Vì ngồi ở phía sau nên ông rất lo lắng. vì những người ở phía trước đã nhận được phần sữa chua nhiều như vậy. Ông bắt đầu tự hỏi liệu khi đến phiên mình thì có còn lại gì không, và thế là ông có những ý nghĩ tiêu cực về những gì đang xảy ra ở đó. Cuối cùng, khi người cúng dường sữa chua đến chỗ ông thì Ben Gung-gyel nhận ra những điều ông đã nghĩ, nên úp bình bát xuống và nói, “Không, cảm ơn, tôi đã dùng sữa chua trong khi nhìn những người ngồi ở phía trước!”.

Ben Gung-gyel luôn nói rằng ông chỉ là một hành giả giản dị. Cách ông tu hành là bất cứ khi nào thấy mình hành động một cách tiêu cực thì ông sẽ căng thẳng và vô cùng cảnh giác, trong khi bất cứ lúc nào ông hành xử một cách tích cực, thì sẽ cho phép mình thư giãn. Ông đã từng nói, “Đây là cách tu hành của tôi.”.

Thế thì điểm chính là làm những hành giả tu tập Pháp, chúng ta nên luôn luôn bảo vệ tâm thức của mình. Phải luôn xem xét thái độ của mình là gì, và mình đang hành động như thế nào. Đây là mối quan tâm chính mà mình phải có. Không nên cố gắng làm như diều hâu theo dõi người khác, đó không phải là công việc của mình. Chỉ nên tự chăm sóc bản thân và xem xét mình đang làm gì. Đây là điều mà ngài Tịch Thiên (Shantideva) vĩ đại cũng đã đề cập đến. Điều này được mô tả trong vần kệ tiếp theo của bản văn:

(4) Khi đã có niềm tin vững chắc về điều này, xin hộ trì cho con luôn cẩn trọng, từ bỏ điều bất thiện, dù nhỏ bé nhất, và hoàn thành mọi thiện hạnh, như bóng với hình.

Ở đây, khi vần kệ nói rằng, “xin hộ trì cho con luôn cẩn trọng”, có nghĩa là hộ trì để mình không hành động một cách man rợ và vô ý thức. Chẳng hạn như về thân nghiệp thì để bảo đảm mình không chỉ dành thì giờ để uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy, v.v..., hành xử một cách rất man rợ, thiếu tự chủ. Về khẩu nghiệp thì để xem xét những điều mình nói, và không chỉ để cho miệng mình nói liên tục một cách vô ý thức, chỉ nói bất cứ điều gì phát sinh trong trí óc. Tương tự như vậy, về mặt ý nghiệp thì để cho tâm không có tư tưởng tiêu cực về việc muốn làm hại người khác, hay tham lam, v.v... Điều đó có nghĩa là phải rất cẩn thận, và bảo đảm mình không hành động một cách liều lĩnh. Đây là điều mà ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti), đạo sư vĩ đại cũng nêu ra trong tác phẩm Nhập Trung Quán Luận (Madhyamakavatara; dBu-ma-la 'jug-pa), Luận Giải Về (Chánh Văn của Long Thọ) Về Trung Đạo. Trong đó, ngài Nguyệt Xứng nhấn mạnh nhiều về việc bảo vệ hành vi của mình, để hoàn toàn đoạn trừ thập ác.

Tầm Quan Trọng Của Việc Trì Giới Nghiêm Ngặt

Khi nhìn vào toàn bộ hành trì liên quan đến hành vi đạo đức, và cố gắng tránh bất kỳ hành vi tiêu cực nào, luôn luôn hành xử một cách tích cực và xây dựng, thì ta sẽ thấy những hành trì đó thuộc về tiêu đề tu tập của hành giả có động lực sơ căn. Hiện giờ, khi đã tiến bộ trong việc tu tập và tư duy thì không nên buông bỏ nó và nghĩ rằng, “Đây là một pháp tu tầm thường cho người mới tu tập, nên không liên hệ đến tôi.”, mà đúng hơn là việc trì giới nghiêm ngặt phải là nền tảng ổn định cho bất kỳ pháp tu nào khác mà mình sẽ thực hành trong tương lai. Điều này giống như đứng bằng hai chân, vì nó sẽ tạo ra một nền tảng vững vàng, để mình đi lại.

Nếu như xem thường và đánh giá thấp các hành trì về giới luật như không tạo ác nghiệp và luôn cố gắng tạo thiện nghiệp, và nói rằng điều này không thật sự cần thiết, và nếu như thêm vào đó, lại cố phân tích tánh Không, hoặc thêm vào đó, cố gắng phát bồ đề tâm, hay là thêm vào đó, cố đi sâu vào các mật pháp của Mật tông, thì điều đó sẽ không đi đến đâu. Chúng sẽ không hữu hiệu. Phải có nền tảng đạo đức như đôi chân để đứng, rồi thì tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo, bởi vì mình không thể tu tập mà không có nền tảng này. Trong quá khứ, có một Geshe vĩ đại rất uyên bác từ Mông Cổ, đã sống ở Tu Viện Sera. Khi một người giàu có đến và thỉnh cầu ngài ban cho giáo huấn về tánh Không, và ngài đã nói, “Hãy quên đi tánh Không. Hãy cẩn thận để không trở thành một tên trộm như vậy!”.

Điều cực kỳ quan trọng là phải tuân theo việc tu tập giới luật, và tránh bất cứ hành vi tiêu cực nào. Quý vị có những đạo sư cao cả ở đây, thì nên thỉnh cầu các thầy ban thêm giáo pháp và chỉ giáo về luật nhân quả. Cụ thể là hãy đặt câu hỏi rằng những hành vi thiện hảo và bất thiện là gì, rồi thực hành loại thứ nhất và tránh loại thứ hai một cách tối đa. Nếu như quý vị tu tập rất tốt như vậy thì có thể thoát khỏi những tái sinh tồi tệ hơn. Trên cơ sở đó thì quý vị có thể được tái sinh như một con người hay một vị trời. Sau đó thì quý vị có thể tiếp tục có một tái sinh tốt hơn từ kiếp này sang kiếp khác. Quý vị sẽ có thể tu tập theo cách này, và đạt được quả vị giác ngộ của một vị Phật. Điều này sẽ không quá khó khăn.

Có thập thiện và thập ác căn bản. Phải cố gắng xem xét những điều này, và có ý thức rõ rệt về những gì mình đang làm. Phải hành xử giống như nhà thông thái vĩ đại Ben Gung-gyel về mặt quán sát tự thân, nhờ vậy mà ta sẽ cải thiện hạnh kiểm của mình. Ben Gung-gyel đã từng nói, “Khi còn là một tên cướp và hành xử theo cách xưa kia, thì tôi đã trồng trọt bốn mươi mẫu đất. Tôi đã đi săn, đã đánh cá, đã cướp bóc các đoàn lữ hành khi họ đến vùng đất của tôi, nhưng vẫn không đủ ăn. Tôi không thể sinh nhai qua ngày. Giờ đây, khi tôi đã từ bỏ mọi lo toan thế tục, thì lại có quá đầy đủ các thứ, và mọi người cứ cúng dường càng ngày càng nhiều hơn - nhiều hơn so với số lượng mà tôi có thể sử dụng.”. Ông lại nói thêm: “Trước kia thì khó mà tìm đủ thức ăn để bỏ vào miệng, nhưng bây giờ thì không có đủ thời gian để đưa thức ăn vào miệng.”.

Do đó, phải sử dụng những gì mình sở hữu một cách đúng đắn, chẳng hạn như cúng dường bất cứ của cải nào mà mình có được. Không nên lãng phí chúng. Không nên chỉ quan tâm đến việc cố gắng có đủ thức ăn để nuôi thân. Phải cố gắng không chỉ quan tâm đến việc làm thỏa mãn những dục vọng tức thời. Việc làm như vậy là hành vi đơn giản, giống như một con gà đi quanh, chỉ cố đưa thức ăn vào miệng, hay giống như một con chuột nhỏ. Nếu như mình là một hành giả chân thành, thì sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc chết đói. Chưa bao giờ có điều này, trong số hàng trăm ngàn người tu hành, chưa có ai trong số này đã phải chết đói.

Vì vậy, một khi đã có được nền tảng xuất sắc của kiếp người quý báu, thì điều quan trọng là phải tu tập đàng hoàng và sử dụng nó theo cách này. Lý do là vì mình muốn được hạnh phúc, và không muốn gặp bất cứ khó khăn hay đau khổ nào. Nhân hạnh phúc được giải thích ở đây về mặt thiện nghiệp. Nhân tạo khổ và khó khăn cũng được giải thích tương tự ở đây về mặt ác nghiệp. Do đó, nếu muốn được hạnh phúc thì phải hành động theo cách để tích tập đúng nhân duyên, để mang lại hạnh phúc.

Bất Lợi Của Mọi Kiếp Tái Sinh Trong Luân Hồi

Tuy cách tu hành theo đạo đức có thể giúp mình không phải tái sinh vào một trong những cõi tồi tệ hơn, thay vì vậy thì có thể được tái sinh thành người hay chư Thiên, nhưng không nên hài lòng với điều đó. Bất kể mình có thể tái sinh vào cõi nào trong luân hồi, thì nó sẽ chỉ đem lại thêm nhiều khó khăn và đau khổ hơn nữa. Không có tình huống nào trong luân hồi mà thật sự hạnh phúc và an toàn. Khi đã thấu hiểu vấn đề ở mức độ này, thì giống như mình đã tiến lên lớp cao hơn trong trường. Điều này được bàn luận trong câu kệ tiếp theo:

(5) Theo đuổi lạc thú thế gian là cánh cửa đưa đến khổ đau; chúng bất định và không đáng tin cậy. Khi đã nhận ra những bất lợi này, xin hộ trì cho con phát tâm mạnh mẽ tìm cầu hạnh phúc giải thoát.  

Trước đây, chúng ta đã nói về việc cố tránh tất cả những tình huống rắc rối khi phải tái sinh vào một trong những cõi thấp hơn. Bây giờ thì mình sẽ mở rộng phạm vi, và nghĩ về bất cứ tình huống tái sinh bất tự chủ nào trong luân hồi. Cho dù chúng có vẻ huy hoàng như thế nào đi nữa thì những đối tượng, địa vị và thú vui mà mình có được sẽ không bao giờ đầy đủ. Chúng chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề và khó khăn. Do đó, ta sẽ quyết tâm hoàn toàn thoát khỏi mọi khó khăn và rắc rối. Đây là ý nghĩa của tâm xả ly. Trên cơ sở quyết tâm có được tự do thì mình sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc thành tựu giải thoát. Đây là phạm vi của động lực được giải thích trong câu kệ này.

Cơ sở cho tất cả những điều này, trước hết là có một nền tảng vững chắc - cụ thể là lòng sùng mộ đạo sư - và sau đó là tư duy về nền tảng xuất sắc của tái sinh làm người quý báu, với tất cả tự do và thuận lợi. Cần phải nhận ra và xem trọng những cơ hội này, và chúng khó tìm ra sao. Sau đó, cần phải tư duy về cái chết và không có tình huống nào tĩnh tại, thường hằng cả. Chúng ta sẽ mất đi những cơ hội này, và sau khi chết thì mình có thể đọa vào một trong những tái sinh tồi tệ hơn. Khi nghĩ về tất cả những nỗi khổ và vấn đề kinh khủng mà mình sẽ phải đối mặt ở đó, thì ta sẽ quy y Tam Bảo để tránh những điều này. Cách quy y là hành xử phù hợp với luật nhân quả. Tất cả những điều này đã được bàn luận rồi.

Chúng ta sẽ tiếp tục việc bàn luận về vần kệ này trong thời pháp kế tiếp.

Top