Những Điều Phải Quán Chiếu, Khi Nghĩ Về Cái Chết

Có Được Kiếp Người Quý Báu Là Điều Khó Khăn, Và Cách Tốt Nhất Để Tận Dụng Nó 

Điều quan trọng phải suy nghĩ ngay từ đầu là việc có được kiếp người quý báu, thoát khỏi tất cả những tình huống bất lợi đối với việc tu tập Pháp, cũng như tất cả những sự phong phú của nó, với hoàn cảnh thuận lợi và cơ hội để tu hành là điều khó khăn ra sao. Có nhiều điều để tư duy và xem xét, chẳng hạn như một nền tảng tu tập như vậy thì khó có được, từ quan điểm của các ví dụ, từ quan điểm về bản tánh, và nguyên nhân của nó.

Hiện nay, chúng ta đang sở hữu một nền tảng rất khó có được, và làm sao mà mình đã có được một tái sinh làm người như vậy? Đó là vì mình đã tu tập rất nhiều trong những kiếp trước, và điều này đã mang lại nhân cho tái sinh trong hiện tại. Một ví dụ cho điều này là giống như mình đã hoàn thành công việc cần thiết để lăn một quả bóng kim loại lớn lên lưng chừng núi. Nói cách khác thì ta đã thực hiện tất cả công việc để có được kiếp người trong hiện tại, và nhiệm vụ của mình ở thời điểm này là tiến xa hơn nữa. Tuy đã đưa được quả bóng này lên lưng chừng núi, nhưng nếu như không cẩn thận thì có nguy cơ là nó sẽ lăn xuống dưới, và rất khó để đem nó lên trở lại.

Thế thì điều cần phải làm, dựa trên nền tảng kiếp người quý báu mà mình đang hiện có, là cố gắng phát tâm từ bi và bồ đề tâm. Sau rốt thì điều tốt nhất mà mình có thể làm là cố gắng để đạt giác ngộ bằng nền tảng này. Nhưng nếu như không sử dụng những gì mình đang hiện có một cách đúng đắn, mà chỉ cầu nguyện để có được tái sinh làm người quý giá như vậy trong tương lai, thì cũng giống như có một thùng gạo lớn, nhưng lại để nó qua một bên, không sử dụng nó, mà chỉ ngồi đó cầu nguyện để có được một thùng gạo khác!

Hiện nay, chúng ta đang có được nền tảng tuyệt vời này mà mình có thể sử dụng để tu tập Pháp, và phải nỗ lực tu tập, cũng như cầu nguyện để tận dụng nó một cách triệt để. Nên cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có được nó. Cách để tiếp cận vấn đề này là nghĩ rằng, “Nếu như đã có được thứ gì quý giá như nền tảng này, thì mình sẽ sử dụng nó một cách đúng đắn hôm nay, và cầu nguyện để có thể tiếp tục làm như vậy vào ngày mai. Buổi sáng, khi thức dậy thì điều quan trọng là phải nghĩ rằng, “Thật tuyệt vời là mình đã thức dậy! Mình đã không chết trong giấc ngủ!”. Sau đó, điều quan trọng là bắt đầu một ngày mới bằng cách phát tâm mạnh mẽ, “Hôm nay, tôi sẽ tiếp tục sử dụng kiếp người quý giá một cách đúng đắn!”.

Đời sống mà mình đang hiện có thì rất quý giá, bao gồm tám tự do tạm thời thoát khỏi tám tình huống khó khăn, là những điều khiến cho mình không có cơ hội để tiến triển về mặt tâm linh. Đây là tám tình huống làm phi nhân và tám tình huống làm người không có cơ hội. Thế thì buổi sáng, khi thức dậy, nên nghĩ rằng mình đã may mắn không chết trong đêm qua. Nếu như mình đã chết và được tái sinh với bất kỳ hoàn cảnh nào trong số tám tình huống này, mà không có cơ hội nào để tiến triển tâm linh, chẳng hạn như tái sinh thành một con côn trùng bò trên sàn nhà, thì thậm chí mình sẽ không có cơ hội để nghe về những giáo pháp này. Do đó, điều quan trọng là cảm thấy rất hạnh phúc và tri ơn là mình đã may mắn thức dậy vào buổi sáng, và tiếp tục có những cơ hội này, và phát tâm mạnh mẽ để tận dụng chúng một cách tối đa. Buổi tối, nếu như đã nghĩ theo cách như vậy, và phát tâm rất mạnh mẽ để tận dụng triệt để cơ hội của mình, thì ngay cả khi mình ngủ, giấc ngủ cũng sẽ có tính cách xây dựng.

Ở đây, khi Tông Khách Ba viết câu, “xin hộ trì cho tâm con không sao lãng, ngày cũng như đêm, sử dụng tinh túy kiếp người”, thì ngài đang nói đến loại hành trì mà ta có thể làm cả ngày lẫn đêm, cụ thể là tận dụng tinh túy của kiếp người quý báu.

Ở điểm này trong bản văn, khi Tông Khách Ba nói về chủ đề này, là nơi mà mình cần phải đưa vào tất cả các giáo lý và phương tiện liên quan đến cùng một chủ đề được tìm thấy trong Kinh điển trước tiên. Kinh điển là lời của Đức Phật. Tương tự như vậy thì các luận giải hoặc sách vở giải thích được các đạo sư Phật giáo Ấn Độ sáng tác, và tương tự như vậy, tất cả các bản văn được các đạo sư Tây Tạng trong tất cả các truyền thống của Phật giáo Tây Tạng sáng tác, như Kagyu, Nyingma, Sakya và Gelug - bất cứ phương tiện cụ thể nào được tìm thấy trong bất cứ nguồn tài liệu nào liên quan đến vấn đề này, thì mình cũng phải áp dụng ở đây. Nói cách khác là phải áp dụng bất kỳ giáo huấn nào liên quan đến kiếp người quý báu, với những tự do và thuận lợi của nó, bất kể nó xuất phát từ nguồn gốc Phật pháp hợp lệ nào. Chẳng hạn như, nếu mình có một thùng đựng đường, và sẽ bỏ hết đường vào trong đó, bất kể mình đã mua đường đó từ những cửa hàng nào.

Nếu như có một nền tảng quý giá như vậy để tu tập, mà không sử dụng nó một cách đúng đắn, thì rất khó để có được nó một lần nữa. Nếu như mình có thể có được kiếp người quý báu như vậy hết lần này đến lần khác, thì đó là một chuyện, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Do đó, nếu như không sử dụng nó một cách đúng đắn, thì sẽ không dễ có được cơ hội này một lần nữa. Nó giống như người nào rất mạnh mẽ và can đảm, nhưng nếu họ không có tay chân và được đặt trên mặt đất ở một nơi nào đó, thì không cần biết là họ mạnh mẽ và can đảm đến mức nào, cũng không thể làm được gì nhiều. Tương tự như vậy, nếu như mất đi thân người quý giá thì mình sẽ không làm được bao nhiêu việc.

Nếu như thân người là điều gì vô cùng mạnh mẽ và bất hoại thì đó là một chuyện, nhưng nó không phải như vậy. Đó là điều gì không mạnh mẽ cho lắm. Ngoài ra, khi đã có sinh thì phải có tử, không có điều gì khác có thể xảy ra. Nếu như có một nơi nào mà mình nghe nói là nếu như đến đó thì mọi người sẽ không chết, thì thật là tuyệt vời, vì ta có thể đi đến đó. Nhưng trên thực tế thì không có nơi nào như vậy cả. Vì không có nơi nào mà mình có thể tránh khỏi cái chết, nên điều quan trọng là phải có chánh niệm về nó.

Cái Chết Và Vô Thường

Khi nghe về cái chết và những cõi thấp hơn thì hầu hết chúng ta đều thấy rất khó chịu, so với những vấn đề và to loan thế tục. Nó giống như nghe một câu chuyện tồi tệ. Chúng ta sẽ không thích, hay thưởng thức điều này. Thay vì vậy, nếu như nghe nói là không có cái chết hay những cõi thấp hơn, thì giống như mình đang nghe một câu chuyện rất hay. Nhưng để nghe một câu chuyện hay, nói rằng không có những điều như thế, trong khi trên thực tế thì có những chuyện như vậy, là một sự lừa đảo lớn, đó chỉ là một lời dối trá.

Nếu như đã quyết định là vì không thích nghe những chuyện về cái chết và những cõi thấp hơn thì tốt hơn hết là đừng nghe những câu chuyện đó, bởi vì nó rất khó chịu và buồn bã, và nếu như có một thái độ như vậy mà mình có thể làm cho cái chết và tái sinh ở cõi thấp không xảy ra, thì sẽ rất tốt. Nhưng trên thực tế thì sự việc không xảy ra như vậy. Việc không thích nghe hay không tin vào những điều như vậy không làm cho chúng biến mất, và trên thực tế thì những điều tường thuật về chúng không chỉ là chuyện bịa đặt, mà tất cả đều là sự thật. Vì kết cục bằng cái chết là điều chắc chắn sẽ xảy ra với mỗi một người trong chúng ta, và chỉ là vấn đề sớm hay muộn, nên cần phải lắng nghe điều này, và cố tìm ra một phương pháp nào để tránh vấn đề hoàn toàn sợ hãi, khi nó xảy ra.

Đó không chỉ là vấn đề hoàn toàn hoảng sợ, “Tôi sẽ chết, tôi sẽ chết!”, và hoàn toàn buồn bã. Đó không phải là vấn đề, bởi vì trên thực tế thì có những phương pháp, biện pháp phòng ngừa mà ta có thể thực hành, để đảm bảo cái chết không phải là một trải nghiệm đáng sợ như vậy. Nếu có những phương pháp như vậy, và nếu như mình không sử dụng chúng, thì thật là đáng tiếc, vì đó là một điều lãng phí lớn.

Chúng ta cũng có thể có lỗi, khi nghĩ rằng tốt hơn là không nên có chánh niệm về cái chết. Nhưng nếu như không chánh niệm về cái chết, thì lỗi lầm theo sau là mình sẽ không hề có chánh niệm về việc thực hành các pháp đối trị. Và ngay cả khi có chánh niệm về những pháp đối trị mà mình có thể áp dụng, nếu như không có chánh niệm liên tục về cái chết sắp xảy ra, thì mình sẽ không hoàn thành việc tu tập các pháp đối trị này. Khi thực hành các pháp tu và không hoàn tất chúng cho đến chung cuộc, thì lỗi lầm là mình đã không có đủ chánh niệm về cái chết.

Có những người dành cả đời để làm đủ điều tiêu cực, chẳng hạn như trộm cắp, giết người và vân vân. Họ tham gia vào tất cả những điều này, bởi vì họ cũng không quan tâm đến cái chết sắp xảy ra cho mình, và những gì có thể xảy ra sau đó. Nếu như trong suốt đời, chúng ta chỉ bận rộn với những chuyện thế tục - đặc biệt là những vấn đề tiêu cực, phá hoại - rồi khi cái chết sắp xảy ra thì không cần phải nói, đương nhiên là ta sẽ rất buồn bã. Mọi người xung quanh ta cũng sẽ hoàn toàn buồn rầu và không vui. Nhưng ngoài việc buồn bã thì ta sẽ chết trong trạng thái vô cùng đau khổ, vì lòng hối hận lớn lao. Tất cả những điều này là lỗi lầm của việc không có chánh niệm về cái chết, trước khi nó xảy ra.

Mặt khác, khi có chánh niệm về cái chết thì điều này sẽ hoạt động như một động lực thúc đẩy mình tu tập Pháp. Vì vậy, khi nghĩ về hành trì tâm linh và động cơ nào đã thúc đẩy mình tu tập, thì động lực đầu tiên là có chánh niệm về cái chết sắp xảy ra.

Khi Đức Phật chuyển Pháp luân lần thứ nhất thì một trong những điều đầu tiên mà Ngài dạy là lẽ vô thường, cách mà không có tình huống nào tĩnh tại hay tồn tại mãi mãi. Ví dụ như Đức Phật đã sinh ra trong một gia đình hoàng tộc; là một hoàng tử sống trong giàu sang và vinh quang lạ thường. Nhưng khi nhìn thấy một xác chết được khiêng đi ở gần hoàng thành thì đó là điều khiến Ngài rời bỏ sự giàu sang ấy, và bắt đầu hành trình tâm linh. Việc nhìn thấy một ví dụ về cái chết là trợ duyên để đưa Ngài đến hành trì tâm linh.

Việc ý thức về cái chết và vô thường không chỉ là lực thúc đẩy để mình bắt đầu việc tu tập Pháp, mà cũng là lực thúc đẩy để giúp ta tiếp tục trong suốt quá trình tu tập, cho đến khi thành tựu. Nó là điều mà ta có thể nhìn thấy trong những bức tranh của một số hành giả chứng ngộ vĩ đại nhất. Nhiều người trong số chư vị đeo các trang sức bằng xương người và sử dụng pháp khí làm bằng xương người, chẳng hạn như cốc sọ hay kèn làm bằng xương đùi. Mục đích của tất cả những điều đó là để giúp các ngài luôn luôn chánh niệm về cái chết và vô thường.

Hơn nữa, việc tiếp tục suy nghĩ và duy trì chánh niệm về vô thường là lực thúc đẩy, để mình hoàn tất hành trình tâm linh. Nếu như có được chứng ngộ vô cùng mạnh mẽ về vô thường, thì ta sẽ có một tâm thức cực kỳ mạnh mẽ, hướng về tâm linh. Khi Đức Phật nhập niết bàn tại Câu Thi Na (Kushinagar), thì điều cuối cùng mà ngài đã dạy cũng là lẽ vô thường.

Khi thật sự có được chứng ngộ về cái chết và vô thường, chứng ngộ rằng không có điều gì thường hằng, tĩnh tại, thì đây là đạo lộ tâm thức của một hành giả thuộc phạm vi sơ căn. Nó là sự chứng ngộ sẽ đưa mình đến việc phát triển đạo lộ tâm thức của một hành giả có động lực của phạm vi trung căn, và nó sẽ đóng vai trò như lực thúc đẩy để ta tiến xa hơn nữa, để trở thành một hành giả thuộc phạm vi thượng căn. Nhận thức về lẽ vô thường là điều trọng yếu, để mình có thể phát tâm từ bi, và trên thực tế, để có một hành trì tâm linh hoàn toàn thanh tịnh và đúng đắn. Hơn nữa, nếu như dựa trên cơ sở của sự chứng ngộ về vô thường một cách vững vàng mà ta có thể thực hành Pháp một cách tốt đẹp, thì có thể là vào phút lâm chung, ta có thể có một tâm trạng rất hạnh phúc, rất an lạc. Tất nhiên là không có cách nào mà mình không chết, nhưng sự chứng ngộ về lẽ vô thường sẽ khiến cho cái chết trở thành điều mà ta có thể đối mặt với tâm trạng hạnh phúc, bình an và không hối tiếc.

Cách Phát Tâm Chánh Niệm Về Cái Chết

Có thể bàn luận nhiều điểm về cái chết và vô thường, và những lợi điểm của việc có chánh niệm về những điều này, và những khuyết điểm của việc không có chánh niệm về chúng. Nhưng tóm lại, khi mình đặt câu hỏi, “Làm thế nào để thật sự có chánh niệm về cái chết?”, thì điều này được mô tả trong hai dòng đầu tiên của vần kệ tiếp theo:

(3) Cuộc đời này phù du như bọt nước; hãy nhớ rằng nó sẽ tan rã nhanh, khi cái chết đến. Sau khi chết, quả báo đen trắng sẽ theo sau, tựa như hình với bóng. 

Điểm đầu tiên mà ta sẽ nghĩ đến là yếu tố chắc chắn của cái chết – sự thật là cái chết chắc chắn sẽ xảy ra. Điểm thứ hai là không biết khi nào thì cái chết sẽ xảy ra. Thứ ba là xem xét cách mà ngoài việc tu tập những pháp đối trị của nhà Phật trong suốt đời, thì không có điều gì khác lợi lạc vào lúc chết.

Có nhiều điểm cần phải xem xét về việc cái chết là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Dù ta có thể tái sinh bằng loại thân thể nào đi nữa, thì không có loại cơ thể nào mà không bao giờ hoại diệt. Ngày nay, có những bệnh viện rất tốt, bác sĩ rất giỏi và những loại thuốc rất hữu hiệu và kỳ diệu. Nhưng dù cho tất cả những điều này có thể mạnh mẽ đến mức nào đi nữa, thì vẫn không có cách nào chữa trị cái chết. Không có điều gì có thể loại bỏ cái chết, và không có bệnh viện nào mà ta có thể đến đó để thoát khỏi cái chết, bởi vì nếu như có một nơi như vậy, thì chắc chắn người ta sẽ xây một bệnh viện như vậy. Ngay cả chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tuy đã có thành tựu viên mãn và tâm toàn tri, nhưng cũng đã minh họa cho chúng ta thấy cách Ngài đi đến cái chết thông thường tại Câu Thi Na. Tất cả chúng ta đều có thể đến đó và nhìn thấy nơi này.

Một số người thậm chí đã sống hàng ngàn năm. Tuy nhiên, bất kể người nào có thể là một Methuselah vĩ đại ra sao, và một vài người trong số những người này vẫn có thể còn tại thế, nhưng không ai trong số họ sẽ thoát khỏi cái chết, hay cuối cùng đã thoát chết, vào thời điểm nào đó.

Tuy có rất nhiều nơi để đi đến, nhưng không có nơi nào mà mình có thể đến, để thoát khỏi cái chết. Một số người Tây Tạng đã đi du lịch khắp Ấn Độ, với hy vọng tìm ra nơi nào có cách điều trị, để không phải chết vì một căn bệnh nan y, nhưng không có nơi nào mà họ có thể tìm thấy cách điều trị này. Thậm chí, họ còn sang phương Tây để tìm kiếm các bệnh viện lớn, nhưng khi thọ mạng đã chấm dứt, thì sự sống của ta cũng kết thúc. Chúng ta phải chết. Dù mình có những bệnh viện tuyệt vời như thế nào, hay bao nhiêu thuốc men kỳ diệu ra sao mà khi thọ mạng của mình chấm dứt, thì tất cả những điều đó cũng không có lợi ích gì. Ngay cả bác sĩ cũng bị bệnh và phải nằm nhà thương, rồi qua đời.

Hơn nữa, không có cách nào để biết chắc khi nào thì cái chết sẽ đến. Đó là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ở đây, nó được mô tả trong một ví dụ của bản văn: “Cuộc đời này phù du như bọt nước, hãy nhớ rằng nó sẽ tan rã nhanh, khi cái chết đến.”. Khi nhìn vào bong bóng nước hay bọt nước trên dòng suối luôn chảy ào ạt, thì ta có thể thấy rõ chúng là những điều không thể nào tồn tại lâu dài. Chúng không ổn định, và có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Đời sống của chúng ta cũng giống y như vậy.

Tất cả những điểm này là những điều mà mình có thể tự nhìn thấy. Trên thực tế thì không có gì chắc chắn về thời điểm mà cái chết sẽ xảy ra. Không cần phải nghiên cứu điều này trong kinh sách, vì ta có thể nhìn thấy điều này từ kinh nghiệm sống của riêng mình. Vấn đề chính của tất cả những điều này là không nên tự lừa dối mình, khi nghĩ rằng nếu như không tu tập ngay bây giờ thì ta có thể lười biếng và để việc này qua ngày hôm sau. Đó là vì chẳng ai biết khi nào thì mình sẽ chết. Do đó, phải kiên quyết tu tập và tuân theo các pháp đối trị ngay bây giờ, và thừa nhận rằng cái chết có thể xảy ra rất nhanh. Như bản văn này có nói, “cuộc đời này sẽ tan rã nhanh”.

Chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ về việc mọi thứ nhanh chóng kết thúc ra sao. Sau khi mặt trời mọc thì nó sẽ lặn một cách nhanh chánh, và khi mình đang di chuyển trên một chiếc xe lửa hay máy bay thì nó sẽ không đứng yên, mà cứ tiếp tục đi đến đích. Cuộc sống trôi qua cũng tương tự như vậy. Cái chết là điều chắc chắn sẽ đến, vì không có cách nào để tránh nó, và ngay cả khi chúng ta tự lừa dối mình, để chỉ quan tâm đến việc tích lũy của cải và giàu sang trong kiếp này thôi, nhưng những thứ mình đang tích lũy sẽ không có ích gì. Vào phút lâm chung, ta sẽ không thể mang theo bất cứ thứ gì với mình.

Nghiệp Trắng Và Đen

Thế thì nếu như mình đặt câu hỏi rằng điều gì có thể xảy ra cho mình, sau khi chúng ta chết, thì ví dụ là hình với bóng. Những gì đi theo mình như hình với bóng là những nghiệp dĩ mà mình đã tạo tác trong đời sống, cả hai loại nghiệp sáng sủa và âm u - được gọi là nghiệp “trắng” và “đen”.

Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, và không ai muốn gặp khó khăn hay đau khổ. Điều này bắt nguồn từ đâu? Tất cả hạnh phúc của mình xuất phát từ những nghiệp trắng, cao thượng, tích cực mà ta đã thực hiện; trong khi tất cả những vấn đề và đau khổ xuất phát từ những nghiệp đen, tối ám, tiêu cực mà mình đã tạo ra. Nếu như đây là hai điều mà khi chết, mình sẽ đem theo - nghiệp lực từ hai loại hành vi này - thì rõ ràng là nếu như có nhiều thiện nghiệp thì tình hình sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Chúng ta muốn đem theo những tiềm năng tích cực cho những kiếp tương lai, là những điều mà mình đã tích tập từ thiện hạnh, để đem lại hạnh phúc cho tự thân. Chúng ta không muốn có bất kỳ tiềm năng tiêu cực, tối ám nào từ ác nghiệp, sẽ tạo ra cho mình những khó khăn và bất hạnh. Đó là điểm chính, đối với việc thực hành tất cả các pháp đối trị trong Phật pháp, và noi theo việc tu tập. Chúng ta sẽ làm điều đó để tích tập những tiềm năng tích cực, hay tiềm năng cho hạnh phúc, điều sẽ làm lợi lạc cho những kiếp tương lai. Ta cũng nhận ra rằng ngoại trừ điều này ra thì không có điều gì khác có thể giúp ích cho mình vào phút lâm chung. Thế thì quyết định đúng đắn là phải dồn tất cả sức lực vào phương hướng này.

Có vô số nghiệp trắng và đen, nhưng tất cả đều có thể được tóm tắt thành thập thiện và thập ác. Điều quan trọng là phải thấu hiểu một cách chi tiết những thiện nghiệp và ác nghiệp này là gì. Phải hiểu rằng đó là cơ sở mà mình có thể mở rộng thêm, khi chúng ta tiến tu, để trở thành hành giả có động lực của phạm vi thượng căn.

Nếu như sau khi chết mà không có tái sinh, thì cái chết chỉ là một sự kiện đơn độc, và không có vấn đề gì lớn lao, nhưng vì bản văn nói rằng “sau khi chết”, và nói về những điều diễn ra sau đó, nên ta có thể chắc chắn rằng đó là sự thật, rằng có những kiếp tương lai. Có nhiều người khẳng định rằng không có cái gọi là tái sinh. Nhưng dù cho họ chỉ nghĩ rằng không có điều đó, nhưng không có cách nào họ có thể hoàn toàn chắc chắn là điều họ nghĩ là đúng. Dù có thể là chúng ta không thật sự nhìn thấy những kiếp tương lai, nhưng không có cách nào chắc chắn là chúng không tồn tại.

Trên thực tế thì có những kiếp tương lai, và điều này là sự thật. Điều gì sẽ quyết định loại tái sinh mà mình sẽ có? Đó là nghiệp mà ta đã tích tập – nghiệp trắng, có tính tích cực, hay nghiệp đen, có tính tiêu cực. Chúng sẽ xác định loại tái sinh mà mình sẽ có được. Tuy không thể nhìn thấy những chúng sinh trong địa ngục, hay ngạ quỷ, nhưng trên thực tế thì ta có thể thấy các loài súc sanh, và những loài bò sát xung quanh mình. Nếu như không thể chấm dứt cách hành xử một cách tiêu cực, thì ta có thể tái sinh vào những dạng thân thể giống như vậy, và rơi vào tình huống khủng khiếp giống như những loài này. Có thể nói chắc như vậy. Nếu như nghĩ về tất cả những khó khăn và đau khổ mà các loài thú phải chịu đựng, và tất cả những khó khăn của một tái sinh như vậy, thì ta sẽ thấy kinh sợ, không muốn trải nghiệm những điều đó. Chúng ta sẽ tìm cầu một phương hướng an toàn, hay quy y, để tránh một tái sinh khủng khiếp như vậy.

Phương Hướng An Toàn – Quy Y

Nếu không có cách quy y để tránh những điều này, thì tốt hơn hết là đừng nghĩ về những vấn đề khủng khiếp như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế thì có một phương hướng an toàn để thực hành; có một nơi nương tựa mà ta có thể tìm thấy. Nếu như mình đặt câu hỏi, “Các phương pháp mà mình phải thực hiện là gì?” thì trước tiên, phải biết rằng có những đấng cao cả đã nêu ra những phương pháp mà mình phải thực hiện, cụ thể là chư Phật.

Chư Phật có cả hai thân, Sắc thân (Rupakaya) và Pháp thân (Dharmakaya). Nếu như ta thắc mắc, “Làm sao mà chư Phật thành tựu được Sắc thân?”, thì đó là kết quả của việc tích tập công đức trong hơn ba vô lượng a tăng kỳ kiếp. Tương tự như vậy, nếu như mình đặt câu hỏi, “Làm thế nào để chư Phật thành tựu được Pháp thân?”, thì đó là kết quả của việc phát triển tâm thức một cách viên mãn, để có tâm toàn tri, thấu hiểu vạn pháp, và đặc biệt là để có thể chứng ngộ tánh Không, tức là sự vắng bóng của những cách tồn tại bất khả.

Sắc thân có hai khía cạnh: Báo thân hay Sambhogakaya, và Hóa thân hay Nirmanakaya.

Báo thân, Sambhoghakaya, là một tập hợp của các thọ dụng thân viên mãn của pháp Đại thừa quảng đại. Chỉ có chư Bồ tát có chứng ngộ cao, chư Bồ tát thánh nhân, với tâm thức từ sơ địa đến thập địa, mới có thể gặp gỡ và thọ nhận giáo pháp từ Sắc thân. Những thân như vậy chỉ an trụ trong cõi tịnh độ, như Sắc Cứu Cánh Thiên (Akanistha), nơi mà không có cõi nào cao hơn nữa. Sắc thân không thị hiện trong các cõi phàm trần, hay bất tịnh. Các thân này chỉ thuyết pháp Đại thừa quảng đại, và không giống như các Hóa thân tối thượng, các Báo thân không bao giờ thị hiện việc nhập niết bàn tịch diệt, hay parinirvana. Hơn nữa, các thân này thị hiện tất cả 32 tướng tốt và 80 tướng phụ của một vị Phật.

Tuy Sắc thân bao gồm trong đó các Báo thân này, nhưng việc chư Phật thị hiện trong những sắc tướng có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh là điều cần thiết, không chỉ làm lợi lạc cho chư Bồ tát thánh nhân. Những sắc tướng mà chúng sinh phàm trần, những người chưa chứng ngộ tánh Không có thể gặp gỡ là Hóa thân – hiện thân của các Báo thân.

Một Hóa thân bao gồm ba dạng thân: Hóa thân Tối thượng; Hóa thân như Nghệ sĩ, và Hóa thân như Nhân vật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một ví dụ về Hóa thân Tối thượng. Nếu như ai có nghiệp thanh tịnh thì có thể hội ngộ với một Hóa thân như vậy, và thọ nhận giáo pháp trực tiếp từ Ngài. Nhưng vì chưa tích tập đủ nghiệp thanh tịnh, nên chúng ta chưa gặp được một Hóa thân như thế. Các dạng Hóa thân mà mình có thể hội ngộ là Hóa thân như Nghệ sĩ, hay Hóa thân như Nhân vật.

Hóa thân như một Nhân vật mà chúng ta có thể gặp là, ví dụ như hiện thân của Đức Quán Thế Âm. Đức Dalai Lama là hiện thân của Đức Quán Thế Âm, trong sắc tướng của một nhân vật. Một ví dụ về Hóa thân như Nghệ sĩ là như trong câu chuyện sau đây. Một thời nọ, có một vị vua của chư Thiên làm nhạc sĩ, hay Càn thát bà (gandharvans), người vô cùng tự hào về khả năng chơi đàn luýt (lute). Đức Phật đã hiển lộ một hóa thân làm một nghệ sĩ, thậm chí còn chơi đàn luýt tinh thông hơn vị vua trời này nữa, nhờ vậy mà Ngài đã sử dụng nhiều phương tiện để giúp đỡ vị này.

Chúng ta có thể nghĩ về những vị Phật khác nhau trong cách trình bày của Kinh điển hay Mật điển. Xét về các hệ thống Kinh điển thì có việc bàn luận về hàng ngàn vị Phật của a tăng kỳ kiếp may mắn này. Ngoài ra, còn có sự bàn luận về chư Phật trong cả ba thời và mười phương. Về phương diện Mật điển thì có tất cả các Bổn tôn hay yidam khác nhau, cũng là các sắc tướng giác ngộ khác nhau. Tất cả những sắc tướng khác biệt mà một vị Phật có thể hiển lộ sẽ tạo nên Phật Bảo hiếm hoi và tối thượng của chư Phật, mà chúng ta có thể quy y.

Về mặt tu tập thì điều quan trọng là phải tôn trọng và nhận ra những hình thức đại diện cho Đức Phật. Phải xem tất cả những điều đại diện cho một vị Phật, từ những bức tranh lớn trong chùa, cho đến những hình vẽ nhỏ xíu của trẻ em, như thật sự là chư Phật. Đó là vì khi mình phát triển Tư Lương đạo (một đạo lộ tâm thức tích tập công đức) – đạo lộ đầu tiên trong ngũ đạo - đặc biệt là trong ba mức độ của một tâm thức như vậy thì ta sẽ phát triển mức độ cao, khi mà mình có thể thật sự nghe và thọ nhận giáo lý từ tất cả các biểu tượng của chư Phật, ngay cả những hình vẽ nhỏ xíu của trẻ em. Ngoài ra, khi đạt được mức độ cao trong Tư Lương đạo thì mình có thể nhớ lại và trì tụng tất cả các giáo lý mà ta đã từng nghe mà không cần nỗ lực. Chúng ta sẽ có những kỹ năng và khả năng tuyệt vời như thế này, với tâm thức ở mức độ này.

Thế thì đó là Phật Bảo tối thượng và hiếm hoi của chư Phật, những vị thật sự chỉ cho ta phương hướng an toàn trong đời sống, tức là quy y. Có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của thân, khẩu, ý giác ngộ của những đấng giác ngộ như vậy, và tất cả những phẩm chất này được miêu tả trong những bản văn vĩ đại. Quý vị có các đạo sư xuất sắc ở đây, và có thể học hỏi về tất cả những phẩm chất này với các thầy.

Khi nhận thức được tất cả những phẩm chất, kỹ năng và khả năng tốt đẹp này thì chúng ta sẽ có một trạng thái đặc biệt mạnh mẽ và ổn định về tín tâm đối với những điều chân thật. Nếu như không nhận thức được tất cả những phẩm chất tốt đẹp thì khó mà có được tín tâm thật sâu sắc và ổn định. Ta chỉ có thể có thái độ sùng mộ, khi xem Đức Phật là một bậc rất thánh thiện và quý báu, nhưng đó không phải là nền tảng để đạt được bất kỳ sự tiến triển nào.

Đối với Pháp Bảo tối thượng và hiếm hoi về các pháp đối trị, tức là giáo pháp, thì điều này nói về những phẩm chất của những sự đoạn diệt, và phẩm chất của các chứng ngộ trong dòng tâm thức của một đấng giác ngộ, một vị Phật. Không chỉ vậy, mà đó là phẩm chất của những sự đoạn diệt và chứng ngộ trong dòng tâm thức của tất cả những bậc có chứng ngộ cao, tất cả các thánh nhân. Đây là cội nguồn giáo pháp thật sự, đối với pháp quy y. Theo cách thông thường để tiếp cận Pháp Bảo thì mình sẽ nhận ra tất cả các kinh sách là đại diện cho việc quy y Pháp.

Tăng Bảo tối thượng và hiếm hoi của một cộng đồng có mục tiêu tích cực, Tăng đoàn, là những người giúp ta thành tựu mục tiêu của việc quy y Pháp. Nói một cách cụ thể thì Tăng Bảo quý hiếm tối thượng là tất cả những bậc chứng ngộ cao cả, là những bậc thánh nhân. Thánh nhân (aryas) là những người đã chứng ngộ thực tại hay tánh Không một cách trực tiếp và vô niệm. Họ đã chứng ngộ rằng không có cái gì là bản sắc chân thật. Những người như vậy là cội nguồn quy y thuộc về Tăng đoàn.

Nói chung thì nếu như có bốn nhà sư, hay tứ chúng, từ bốn thành phần của những người đã xuất gia, thì sẽ tạo ra một Tăng đoàn. Chẳng hạn như khi chỉ có một nhà sư thì vị này sẽ không được xem là một Tăng đoàn, vì chỉ là một người duy nhất. Người này sẽ chỉ được xem như một nhà sư khất sĩ, hay Tỳ kheo (bhikshu). Phải có bốn vị hay nhiều người đã xuất gia, để tạo ra một Tăng đoàn.

Trong khi tu tập thì điều quan trọng là phải nhận ra rằng chỉ có một Tăng đoàn thánh nhân (Arya Sangha) là cộng đồng thật sự đóng vai trò của cội nguồn quy y, và tu tập với nhận thức ấy. Cộng đồng tăng ni chỉ đơn thuần là đại diện cho những vị này. Tăng đoàn thánh nhân đóng vai trò thiện tri thức, và là những người hỗ trợ mình trên đường tu. Trong Tam Bảo thì Phật Bảo là những bậc nêu ra pháp quy y mà mình phải áp dụng; Pháp Bảo là pháp quy y thật sự; và Tăng Bảo là những người hỗ trợ thật sự, những người sẽ giúp ta thực hành pháp quy y. 

Nếu như tôi kể chuyện của Stiramati (Blo-gros brtan-pa), con của chư Thiên, thì có lẽ sẽ giúp cho quý vị hiểu thêm về Tam Bảo. Khi nói về chư Thiên thì họ không có những vấn đề thông thường mà mình phải trải qua như con người. Họ không gặp khó khăn đối với việc giàu sang và sở hữu tài sản, và có một đời sống tràn đầy lạc thú. Nơi họ sống thì mọi thứ đều được làm bằng châu báu ngọc ngà. Họ luôn vui đùa, luôn có chư thiên và chư thiên nữ đáng yêu quanh họ như những người bạn đồng hành, và sống một đời sống rất dài lâu, trong nhàn nhã và lạc thú. Tuy nhiên, dù có thọ mạng lâu dài như vậy, nhưng không có ai có thể thoát khỏi cái chết. Điều đó chỉ là vấn đề thời gian.

Trước khi chết thì chư Thiên sẽ nhận được nhiều dấu hiệu về cái chết sắp xảy ra cho họ. Thông thường thì thân của họ rất thơm tho, nhưng khi sắp chết thì thân thể bắt đầu tỏa ra mùi hôi hám. Họ luôn luôn đeo các vòng hoa, nhưng vào lúc chết thì những vòng hoa này bắt đầu héo. Tuy họ thường hưởng thụ và nô đùa với những chư Thiên và chư Thiên nữ khác, nhưng khi những dấu hiệu này xuất hiện thì mọi người đều bỏ đi, để họ một mình. Chỉ có những người bạn thật sự trung thành và chung tình thì mới đến gặp họ, nhưng thậm chí những người này cũng chỉ đứng ở xa và nhìn họ. Ngoài ra, khi một vị trời sắp chết thì có thể nhìn thấy dạng tái sinh mà họ sẽ có được trong kiếp sau.

Có một vị trời tên là Stiramati. Vị trời này đã thấy rằng mình sẽ rơi vào một trong những tái sinh tồi tệ hơn trong kiếp sau, rồi sau đó thì sẽ tái sinh thành một con lợn. Ông đã khổ tâm về điều này. Nói chung thì khi nói về nỗi khổ và đau đớn về mặt thể xác thì điều tồi tệ nhất là điều mà chúng sinh trong địa ngục phải trải qua; nhưng khi nói đến nỗi khổ về mặt tinh thần thì không có gì to lớn hơn những điều mà chư Thiện phải kinh qua trong tình huống như vậy.

Stiramati thường đi xin lời khuyên của Thiên Vương, tức Đế Thích (Indra). Stiramati đã đến gặp ngài và hỏi mình có thể làm gì để ngăn chận điều này. Vị vua Trời nói rằng, “Ta không thể làm gì để giúp ông, không có phương tiện nào để giúp ông thoát khỏi vấn đề này. Người duy nhất có thể làm việc đó là Đức Phật, và ta sẽ dẫn ông đến gặp Ngài.”. Thế là Đế Thích đã đưa Stiramati, đứa con của chư Thiên, đến gặp Đức Phật.

Đức Phật đã hướng dẫn Stiramati thực hành các nghi lễ của Bổn tôn Đảnh Tôn Thắng (Ushnishavijaya), một vị Hộ Phật ba mặt và tám tay, có bốn tay ở mỗi bên. Vị trời này đã thực hiện tất cả các pháp tu và nghi thức của chín vị Hộ Phật của bộ Đảnh Tôn Thắng, và kết quả là có thể làm cạn kiệt hoàn toàn những ác nghiệp mà ông đã tích tập cho sự tái sinh khủng khiếp như vậy sau này.

Vào thời điểm đó, vị trời này ở trong cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Phía trên cõi trời đó là cõi trời Ganden (Đâu Suất), và ông đã được tái sinh trên cõi trời này, thậm chí còn cao hơn cõi trời mà ông đã từng sống. Đế Thích là Vua của chư Thiên, có khả năng thấy được những giai đoạn tái sinh mà chúng sinh sẽ thọ nhận trong các cõi thấp hơn so với cõi của mình, nhưng vì Stiramati đã được tái sinh trong một cõi cao hơn cõi của ngài, nên Đế Thích không thể nhìn thấy Stiramati. Vì vậy nên Đế Thích đã hỏi Đức Phật, và Ngài nói rằng vị trời này đã được tái sinh ở cõi trời Ganden, là cõi cao hơn cõi trời của Đế Thích.

Nếu như nghĩ về ví dụ này thì Đức Phật là người đã ban pháp quy y cho Stiramati. Quy y thật sự chính là việc tu tập phương tiện để viên thành chín vị Hộ Phật của Đức Đảnh Tôn Thắng. Đó là pháp quy y thật sự, giúp cho Stiramati làm cạn kiệt tất cả ác nghiệp của mình. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng Pháp Bảo tối thượng và hiếm hoi của các pháp đối trị chính là pháp quy y chân thật mà mình phải thực hành. Trong ví dụ này thì Đế Thích là Tăng đoàn, theo nghĩa là ngài đã giúp cho vị trời này tìm ra cách quy y, bằng cách đưa ông đến với Đức Phật.

Nói tóm lại thì việc quan sát hành vi của mình về mặt thiện hay ác, và hành xử một cách phù hợp, để mang lại kết quả đúng đắn là những pháp đối trị chân chính, là giáo pháp, ban cho ta pháp quy y trong đời sống.

Tránh Ác Nghiệp

Việc hành xử một cách thiện hảo sẽ tạo ra thiện nghiệp. Kết quả của điều này là tái sinh ở một trong những trạng thái tốt hơn. Nếu như mình đã tạo tác những hành vi bất thiện, đen tối và mờ ám, thì điều này sẽ tạo ra ác nghiệp. Vì kết quả của ác nghiệp này mà mình sẽ phải tái sinh những tình trạng tồi tệ hơn, và đây là điều chắc chắn. Yếu tố xác quyết của nghiệp nói về điểm này.

Nếu như muốn biết làm thế nào để nghĩ về những loại hành vi mờ ám, tiêu cực thì chúng được cô đọng lại thành thập ác: ba hành vi của thân, bốn hành vi của ngữ, và ba hành vi của ý. Nếu như xem xét điều đầu tiên trong số này như một ví dụ thì loại hành vi tiêu cực đầu tiên của thân là giết hại một sinh mạng. Kết quả đầu tiên của việc giết hại là tái sinh vào một trong những cõi tồi tệ hơn. Điều này được xem là “quả trổ”; đó là điều đầu tiên sẽ trổ như là kết quả của một hành động như vậy. Sau đó, có hai loại quả tương ứng với nhân của chúng. Có những quả tương ứng với nhân trong kinh nghiệm, và quả tương ứng với nhân trong hành vi của mình. Từ việc giết hại một sinh mạng thì một quả tương ứng với nhân trong kinh nghiệm của mình sẽ là sau khi đã tái sinh trong mội cõi tồi tệ hơn, ngay cả khi được tái sinh thành một con người thì ta trải qua đời sống rất ngắn ngủi, đầy bệnh tật và khó khăn. Điều này tương ứng với điều ta đã làm, đó là đã rút ngắn thọ mạng của một chúng sinh khác. Mộ quả tương ứng với nhân trong hành vi của mình là ta sẽ có bản năng rất hung bạo và thích giết hại ngay từ nhỏ.

Tương tự như vậy, có một kết quả toàn diện hay vượt trội mà nhiều chúng sinh đã cướp đi mạng sống của những chúng sinh khác sẽ phải trải nghiệm. Đó là ở quốc gia mà mình sinh ra thì ví dụ như thuốc men không có hiệu quả, và thức ăn có rất ít chất dinh dưỡng.

Giống như có bốn loại kết quả phát sinh từ hành vi giết hại mạng sống của chúng sinh, thì cũng có bốn loại kết quả tương tự phát sinh từ những ác nghiệp khác trong thập ác.

Khi mình thấy được tất cả những bất lợi của việc giết hại, rồi nhờ ý thức về điều này mà quyết tâm không giết hại sinh mạng, rồi thật sự tránh việc giết chóc, thì việc kềm chế ấy là một hành vi tích cực của thân. Đó là thiện nghiệp của việc kềm chế việc giết hại chúng sinh.

Nếu như nhờ nhận ra những điều bất lợi của việc giết hại trong một tình huống cụ thể nào đó mà mình quyết định kềm chế không giết hại một sinh mạng khác chỉ một lần thôi, và tự kềm chế bản thân trong tình huống ấy, thì sẽ trải nghiệm một vòng kết quả từ thiện hạnh ấy. Tuy nhiên, nếu như trong cùng một tình huống mà mình thọ giới không bao giờ giết hại nữa, rồi luôn luôn kềm chế để không giết chóc ngay cả trong lúc ngủ, thì sẽ tích tập công đức của việc tiếp tục tránh giết hại chúng sinh.

Trong số các đệ tử thân cận của Đức Thích Ca Mâu Ni thì mỗi một người đều có biệt tài riêng. Ngài Ca Chiên Diên (Katyayana; Ka-tya’i bu) có chứng ngộ rất cao, là người có biệt tài có thể điều phục và đối phó với những người từ vùng biên địa. Ngài đã từng gặp một người đồ tể, yêu cầu người đàn ông này thệ nguyện sẽ không giết hại, làm thịt thú vật nữa. Người này nói, “Con không thể làm điều đó. và không thể hứa sẽ không làm thịt thú vật vào ban ngày, nhưng sẽ không bao giờ giết chúng vào ban đêm.”.

Vào thời đó, có rất nhiều kho tàng châu báu được khám phá trên đại dương, và nhiều thương nhân thường đi biển để thử vận may. Những thương nhân này luôn đem theo người hướng đạo, vì vào thời đó, những chuyến đi biển vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Một lần nọ, một nhóm thương nhân đã yêu cầu Sangharakshita (dGe-‘dun ‘tsho) có chứng ngộ rất cao đi cùng với họ, để làm người hướng đạo cho họ. Khi gặp thời tiết xấu và sóng to thì họ bị lạc đường và trôi dạt đến một vùng đất xa lạ, vô danh.

Một đêm nọ, khi Sangharakshita đang lang thang trên vùng đất lạ này thì tình cờ thấy một ngôi nhà đẹp, với thức ăn ngon. Đêm đó, anh đã ngủ một giấc ngon lành ở đó. Khi anh thức dậy vào sáng hôm sau, trước khi trời sáng thì chủ nhà nói rằng, “Ông làm ơn rời khỏi nơi này trước khi mặt trời mọc, vì tôi có những vấn đề khủng khiếp, gây tai họa cho tôi suốt cả ngày, cho đến khi mặt trời lặn.”. Chủ nhà giải thích rằng khi mặt trời mọc thì tất cả các thú vật sẽ đến nhà và tấn công anh. Những con vật có sừng sẽ húc vào người anh, những con có răng và nanh thì sẽ cắn anh ta, và những con có móng vuốt sẽ cào cấu anh. Cảnh tượng kinh hoàng này sẽ tiếp diễn cho đến khi mặt trời lặn vào ban đêm. Anh nói rằng “Tuy nhiên, ngay khi mặt trời lặn, trước khi mặt trời mọc trở lại vào buổi sáng thì mọi việc ở đây đều bình yên, đáng yêu và đẹp đẽ.”.

Sau đó, Sangharakshita đã gặp Đức Phật một lần nữa, và mô tả rằng ở vùng đất xa xôi này có một tình huống rất kỳ lạ và bất thường như vậy. Sau đó, Đức Phật giải thích rằng, “Đây là tái sinh của một người đồ tể, người đã thệ nguyện với ngài Ca Chiên Diên có chứng ngộ cao là sẽ từ bỏ việc giết thú vật chỉ vào ban đêm, nhưng phải tiếp tục giết mổ chúng vào ban ngày. Cảnh ngộ mà con nhìn thấy là kết quả của hành vi ấy.”.

Như ta có thể thấy từ ví dụ này thì bất kỳ loại nghiệp nào mà mình đã tích tập từ nhiều loại hành vi khác nhau đều có một yếu tố xác định về kết quả theo sau.

Hơn nữa, có một yếu tố gọi là yếu tố tăng trưởng của nghiệp. Nói cách khác là một kết quả to lớn có thể trổ từ một hành vi rất nhỏ. Chẳng hạn như, hãy xem một cây to lớn và mạnh mẽ có thể mọc ra từ một hạt sồi nhỏ bé. Đó là ở bên ngoài. Ở bên trong thì từ một chủng tử nghiệp được tạo ra từ một hành động nhỏ, nhưng một quả rất lớn lao cũng có thể trổ. Ví dụ, nếu như mình đảnh lễ năm vóc một lần thì nó sẽ tạo ra cùng một số lượng công đức cần thiết để tái sinh thành một vị Chuyển Luân Thánh Vương (Chakravartin), và điều đó sẽ xảy ra nhiều lần như số cát bụi ở dưới thân mình.

Có người đã viết một cuốn sách sai lầm về một số nghi thức liên quan đến rắn. Kết quả là điều khủng khiếp đã xảy ra với cái đầu của người này, vì nó bị tách ra và anh ta bắt đầu gãi. Sau đó, anh thật sự biến thành một con rắn. Tương tự như vậy, có một người đã nói với một nhà sư rằng, “Giọng của ngài nghe giống như giọng của một con chó”, và người này đã tái sinh thành một con chó năm trăm lần. Do đó, ngay cả việc thốt lên một lời nhỏ nhặt như vậy, khi nói rằng giọng nói của người nào giống như giọng của một con chó, mà một kết quả thảm khốc và khủng khiếp có thể xảy ra.

Vào thời kỳ đầu của vũ trụ thì vị vua trị vì đầu tiên được biết qua danh hiệu là “nhà vua dân cử”. Vị vua này không chỉ cai trị “bốn lục địa”, và các tiểu lục địa, mà còn tích tập công đức để có thể chia sẻ ngai vàng với Đế Thích, là Vua của chư Thiên, trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Trong khi vị vua này đang chia sẻ ngai vàng thì các A tu la (Asuras), những người luôn tấn công chư Thiên, trở nên rất mạnh mẽ và đang thắng thế. Bấy giờ thì nhà vua bị giằng xé giữa hai sự lựa chọn: liệu có nên giúp đỡ  chư Thiên trong cuộc chiến này, hay lợi dụng tình hình và chiếm lấy ngai vàng trên cõi trời này và tự mình cai quản nó. Tuy đã cố gắng hết sức mình, nhưng nhà vua không thể hoàn toàn chiếm lấy ngai vàng. Lý do mà nhà vua thiếu tiềm năng khiến cho điều này xảy ra là vì vào thời của một vị Phật trước đó, ông đã cúng dường năm hạt đậu cho vị Phật ấy. Khi ông cúng dường năm hạt đậu và đặt đủ năm hạt vào bình bát của vị Phật ấy thì bốn hạt trong số này đã rơi vào trong bình bát, còn một hạt thì nằm trên miệng bát. Nhờ có thiện nghiệp được tích tập từ bốn hạt đậu còn lại trong bình bát mà ông đã cai quản cả bốn lục địa, và có thể chia sẻ ngai vàng với Đế Thích. Nhưng ông chỉ có thể chiếm một nửa ngai vàng của Vua Trời, vì hạt đậu còn lại chỉ nằm lưng chừng trên vành bát.

Những loại ví dụ này giúp cho ta nghĩ về cách mà nghiệp gia tăng như thế nào với yếu tố tăng trưởng của nghiệp. Điều cực kỳ quan trọng là nghĩ về những yếu tố liên quan đến nhân quả.

Top