Điểm Thứ Ba: Chuyển Hóa Nghịch Cảnh Thành Đường Tu Giác Ngộ
Điểm thứ ba xem xét việc chuyển hóa nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ, và điểm này được chia ra thành vài phần. Một phần là về tư tưởng và một phần là hành vi.
Chuyển hóa tư tưởng là chuyển hóa suy nghĩ đàng sau hành vi của mình, sau đó là quan điểm hay cái nhìn về thực tại. Trước tiên là tư tưởng đàng sau hành vi của mình:
Khi môi trường và cư dân tràn đầy tội lỗi, hãy chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ, bằng cách đoạn diệt một điều và đổ lỗi cho nó, và thiền quán về lòng tốt đối với chúng sinh.
Tôi sẽ không đi sâu vào nhiều chi tiết về hành vi, nhưng điểm nhấn là nhận ra những khó khăn của mình bắt nguồn từ tâm ái ngã, và tất cả những phẩm chất tích cực đều bắt nguồn từ tâm ái tha. Vì vậy, phải đoạn trừ hay loại bỏ một điều, đó là tâm ái ngã, và đổ lỗi cho nó, điều tạo ra đau khổ cho mình. Sau khi đã nhận ra tầm quan trọng và lợi lạc của tâm ái tha thì hãy thiền quán về lòng tốt đối với chúng sinh. Vì vậy, khi đau khổ xảy ra thì ta sẽ cố gắng xem nó là lỗi lầm và kết quả của tâm ái ngã, hay chủ nghĩa vị kỷ.
Tâm ái ngã và chủ nghĩa vị kỷ có nghĩa là gì? Hãy cho là mình được mời đi ăn ở nhà ai, và họ nấu món gì mà mình không thích. Chúng ta không hài lòng, và đau khổ. Thế thì đây là một tình huống tiêu cực. Làm cách nào để thay đổi điều này thành một tình huống tích cực, để giúp mình tiến xa hơn trên đường tu dẫn đến giác ngộ? Phải xem xét đâu là lỗi lầm, và tại sao mình lại khổ. Nếu như bắt đầu nghĩ về chủ nhà như một người dễ sợ và đổ lỗi cho họ, thì vấn đề là thật ra mình chỉ nghĩ cho bản thân mình. Chúng ta không hề nghĩ đến việc người kia đã muốn nấu một bữa ăn để làm mình vui lòng, và chủ nhà không hề có ý định nấu món gì mà mình không ưa. Bởi vì chúng ta nghĩ về mình và những gì tôi thích, và những gì tôi muốn, nên mới đau khổ và không vui. Thế thì trong tình huống này, chúng ta sẽ cố gắng sử dụng hoàn cảnh để tấn công mối bận tâm mạnh mẽ mà ta có đối với mình và những gì tôi muốn.
Cấu trúc ở đây khá tương tự với tonglen. Trong các pháp quán tưởng mạnh mẽ hơn của tonglen thì mình sẽ nhận lấy chất nôn mửa và tiêu chảy, và tự nhiên sẽ phản kháng với điều này, vì tâm ái ngã. Phải vượt qua sự ngần ngại không muốn bị bẩn thỉu và đau khổ, và buông bỏ nó. Tương tự như vậy, ta sẽ không làm ầm ĩ lên về món ăn tối mà người nào nấu cho mình. Vì muốn làm cho người khác hạnh phúc, nên ta sẽ nhận lấy đau khổ khi ăn món gì không ngon. Tất nhiên là có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như nếu mình bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó, sẽ làm cho mình bệnh. Không cần phải làm người cuồng tín. Tuy nhiên, vẫn có những cách bào chữa cho bản thân một cách nhẹ nhàng hơn là chỉ nghĩ về điều mình muốn, và cảm thấy khó chịu vì nghĩ rằng, “Bộ bạn đang cố đầu độc tôi hay sao?!”
Một cách khác để thay đổi tình huống tiêu cực thành tích cực là xem chúng như cách thiêu đốt ác nghiệp của mình, điều mà mình phải làm để đạt được giác ngộ. Chúng ta có thể nghĩ rằng, “Hãy làm cho xong việc này đi!”. Nó giống như đi nha sĩ; thay vì để họ khoan răng mỗi lần một chút trong năm buổi hẹn thì thà là làm cho xong một lần, thế là chấm dứt. Hãy làm mọi việc ngay bây giờ, rồi thì nó sẽ chấm dứt mãi mãi.
Khi nghĩ đến việc nhận lấy nỗi khổ của người khác thì mình sẽ không nghĩ rằng “tội nghiệp cho tôi”, về cơ bản thì đó là tâm ái ngã và nuông chiều bản thân. Chúng ta sẽ lấy ví dụ về một người mẹ có con bị cảm, nhưng không mong muốn gì hơn là họ có thể bị cảm thay cho con mình. Nếu đang chăm sóc người bị cảm mình phải chuẩn bị tinh thần để bị lây bệnh. Nếu như quá lo sợ về điều này thì không xong. Mẹ Theresa thường nói điều này với những người đến làm việc với bà. Bà nói rằng nếu làm việc với những người phong cùi thì mình phải hoàn toàn sẵn sàng mắc bệnh phong. Nếu như sợ bắt bệnh phong thì hãy quên đi việc này. Trên thực tế thì càng sợ mắc bệnh thì cơ hội mà mình sẽ bị bệnh lại càng lớn hơn, đó là điều mỉa mai. Tất cả chúng ta đều để ý khi mà mình rất lo lắng về một sự cố có thể xảy ra thì thường là sự việc sẽ có rắc rối.
Nhờ thiền quán về hiện tướng lừa dối như bốn thân Phật, mà tánh Không là đấng bảo hộ vô song.
Chúng ta cũng có thể biến hoàn cảnh khó khăn thành tích cực, bằng quan điểm hay cái nhìn của mình, cụ thể là quan điểm của mình về tánh Không hay thực tại. Hiện tướng lừa dối ở đây đề cập đến hiện tướng về nỗi khổ của mình, như thể nó tự được thiết lập.
- Nhớ tưởng về một Pháp thân - tâm toàn trí của một vị Phật, cụ thể là trạng thái tự nhiên, thanh tịnh của tâm - không do nhân duyên tạo tác, còn nỗi khổ của mình thì chẳng bao giờ tự nó phát sinh, bởi vì làm gì có điều đó.
- Nhớ tưởng về một Báo thân – sự hiển lộ vi tế của một vị Phật - không bao giờ ngưng thuyết pháp ở tịnh độ, còn nỗi khổ của chúng ta không bao giờ có thể tự nó chấm dứt.
- Nhớ tưởng về một Hóa thân – sắc tướng của một vị Phật xuất hiện trên thế giới của chúng ta - chẳng bao giờ an trụ một chỗ, mà luôn luôn giúp đỡ chúng sinh liên tục, theo những cách khác nhau – còn nỗi khổ của chúng ta thì không bao giờ thật sự tự nó an trụ.
- Nhớ tưởng về một Tự Tánh thân (Svabhavakaya) – tánh bất khả phân của ba Thân Phật này – nỗi khổ của ta không bao giờ tự nó thành, trụ và diệt, bởi vì nỗi khổ sinh, trụ và diệt phụ thuộc vào nhân duyên, nên hoàn toàn không tự nó thành, trụ và diệt.
Đây là cách mình có thể chuyển hóa nghịch cảnh bằng tư tưởng.
Phương tiện tối thượng bao gồm bốn pháp hành, (nên) mỗi khi gặp nghịch cảnh, hãy áp dụng thiền quán ngay lập tức.
Chuyển hóa nghịch cảnh bất lợi bằng hành động gồm có bốn hành vi, hay phương tiện mà ta có thể sử dụng.
1. Tích tập công đức - điều này thường được dịch là “thu thập công đức”, là cách dịch hơi lầm lạc. Chúng ta không thu thập số điểm hay tem, để khi có đủ con số thì sẽ được giải thưởng. Điều mà việc này nói đến là làm thế nào để củng cố việc tích tập công đức, bằng cách hành động một cách tích cực và sử dụng những phẩm chất tích cực của mình. Nhờ vậy mà ta có thể chuyển hóa hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực. Chẳng hạn như, nếu có một tai nạn thì thay vì phiền muộn hay sợ hãi thì ta có thể sử dụng nó như một cơ hội để giúp đỡ những người bị thương càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ tích tập thêm công đức cho mình và thay đổi toàn bộ tình hình.
2. Tịnh hóa ác nghiệp – chẳng hạn như, nếu như mình hành động một cách tiêu cực và làm tổn thương ai đó, thì có thể cảm thấy tội lỗi. Chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh này thành tình huống tích cực, bằng cách hành trì nhiều pháp tu tịnh hóa hơn. Thay vì cảm thấy tội lỗi thì ta sẽ thừa nhận những gì mình đã làm, và thấy rằng đó là một sai lầm. Những gì ta đã làm không khiến cho mình trở thành một “người xấu”, nhưng mình vẫn hối tiếc, vì đã hành động như vậy. Chúng ta sẽ quyết định cố không tái phạm nữa, khẳng định lại tâm quy y, rồi làm điều gì có tính xây dựng để đối trị nó.
3. Cúng dường vong linh ám hại - để đem lại cho ta nhiều đau khổ hơn. Điều này hơi khó hiểu đối với người Tây phương. Có một pháp tu rất đáng yêu mà giảng sư Phật pháp người Tây phương Tsultrim Allione, một người bạn của tôi, đã phát triển dựa trên pháp tu chod (cắt đứt) của đạo Phật. Cô gọi nó là “nuôi quỷ”. Hãy cho là mọi việc không tốt đẹp, và mình đang đau khổ, bất hạnh và phiền muộn. Chúng ta tưởng tượng vấn đề của mình là vì một vong hồn hay ác quỷ bên trong mình tạo ra, trong bất cứ sắc tướng nào mà mình muốn hình dung, xuất hiện và ngồi trên tọa cụ trước mặt mình. Chúng ta hỏi con quỷ, “Bạn muốn gì?” và nó sẽ cho mình biết nó muốn gì: “Tôi muốn mọi người chú ý đến tôi. Tôi muốn mọi người yêu tôi. Tôi muốn sức khỏe tốt. Tôi muốn được trẻ lại lần nữa”, hay bất cứ điều gì đang ám ảnh mình. Sau đó, ta sẽ cho con quỷ ăn những gì nó muốn. Nếu nó muốn tình yêu thì mình sẽ cho nó tình yêu. Nếu nó muốn tuổi trẻ và năng lượng thì mình sẽ cho nó những điều này. Đó là một pháp tu rất mạnh mẽ và hữu ích. Khi con quỷ đã có đầy đủ rồi thì hầu hết mọi người thấy rằng nó sẽ bỏ đi. Mặc dù trong nhiều bản văn thì chúng ta cầu nguyện cho những vong hồn sẽ hãm hại mình thêm nữa, nhưng cách nuôi dưỡng vong hồn này cũng cực kỳ hiệu quả. Nó cho thấy là ta đã có sẵn bên trong bản thân mình những thứ mà mình thấy thiếu thốn và cần thiết, nên chỉ cần rút tỉa sức mạnh nội tâm để cung cấp những điều này cho tự thân.
Giống như bất cứ pháp tu nào, cách mà mình bắt đầu và chấm dứt pháp tu này là điều quan trọng. Cũng giống như chương trình máy vi tính, nếu như không làm đúng cách thì máy vi tính có thể bị hư. Tương tự như vậy, khi mình thiền quán để đối phó với những cảm xúc mạnh mẽ thì phải bắt đầu và chấm dứt một cách nhẹ nhàng, nếu không thì có thể bị trục trặc! Cách để đi vào và đi ra là tập trung vào cảm giác của hơi thở vào và ra bằng mũi, hay cảm giác bụng phồng lên và xẹp xuống khi mình thở. Điều này kết nối mình với thân thể và trái đất, và thật là hữu ích, nếu như mình đang xử lý những cảm xúc thật tiêu cực hay đáng sợ. Nếu như đang xử lý một kinh nghiệm có những cảm xúc rất mạnh mẽ thì tốt nhất là tập trung vào bụng. Bụng là nơi luân xa rốn, trung tâm trái đất - cái mà ở phương Tây mình có thể gọi là trung tâm trọng lực của cơ thể - được đặt ở đó, nên nó sẽ giúp cho mình vững vàng hơn.
Đây là một bài tập thật thú vị. Tuy nhìn bề ngoài thì một số giáo lý có vẻ kỳ lạ, nhưng khi đi sâu hơn vào chúng thì lại rất tốt. Nếu như trên thực tế chúng ta noi theo phương hướng an toàn hay quy y Pháp, thì sẽ tự tin là có điều gì đó có ý nghĩa, và không chỉ là một chuyến tìm hiểu pháp tu Tây Tạng mê tín lạ lùng. Đó là điều gì mà mình có thể thử, khi bị cảm xúc dằn vặt, giống như “Tôi muốn được chấp nhận. Tôi muốn thành công. Tôi muốn được yêu.".
4. Thỉnh cầu lực gia trì của chư Hộ Pháp - để đem lại nhiều đau khổ hơn và tiêu diệt tâm ái ngã. Một cách hành trì ít thiện xảo hơn với các Hộ Pháp này là cúng dường để giúp cho thiện nghiệp của mình trổ, nói cách khác là làm cho mọi việc suôn sẻ cho mình. Đây không phải là cách tốt nhất để hành trì với chư Hộ Pháp, vì khi ấy thì thiện nghiệp này sẽ kết thúc, và ta sẽ sụp đổ, và chỉ còn lại ác nghiệp. Cách tốt hơn là cúng dường và thực hiện puja (lễ cúng dường) để giúp cho ác nghiệp của mình trổ, nhưng chỉ ít thôi. Nhờ vậy mà chướng ngại có thể xảy ra trong hình thức to lớn hơn sẽ bị thiêu hủy bằng một cách tầm thường hơn. Sau đó thì thiện nghiệp của mình vẫn còn đó, và mọi việc sẽ diễn ra một cách tốt đẹp.
Một lần nữa, Thầy của tôi là Serkong Rinpoche, đã nêu ra một ví dụ hoàn hảo về cách điều này vận hành. Tôi đã từng đi du lịch với ngài với tư cách là thông dịch viên của Rinpoche trên khắp thế giới, và trước khi đi du lịch, Thầy luôn luôn thực hiện một puja lớn cho Hộ Pháp. Sau đó, khi chuyến đi bắt đầu thì luôn luôn có điều gì trở ngại, nhưng chỉ là chuyện nhỏ thôi. Một lần nọ, chúng tôi bắt chuyến xe lửa đêm từ Pathankot đến Delhi để đến sân bay, nhưng có điều gì không ổn với việc mua vé xe lửa. Chỗ duy nhất mà chúng tôi có thể ngủ là giường ngủ ngay bên cạnh nhà vệ sinh, trong toa hạng ba. Chỉ có hai giường, nên Rinpoche và tôi mỗi người có một cái giường, và hai thầy thị giả Tây Tạng phải ngủ trên sàn nhà. Vậy thì đó là một tình huống tiêu cực, nhưng không phải là chuyện lớn, chỉ có mùi hôi và không thoải mái thôi, và nó đã thiêu đốt chướng ngại. Phần còn lại của chuyến đi đã diễn ra rất tốt đẹp.
Thế thì điều chủ yếu để thỉnh cầu chư Hộ Pháp là, “Xin đem lại cho con đau khổ; giúp cho ác nghiệp của con trổ quả. Con có thể xử lý chúng!”. Việc mình sẵn sàng nếm trải những gì trổ quả sẽ giảm bớt nỗi khổ của mình, rồi thì chướng ngại sẽ chấm dứt. Khi sự việc trở nên tồi tệ thì ta sẽ cầu xin có nhiều chướng hại hơn, để tiêu trừ tất cả chướng ngại. Ta sẽ không cầu nguyện với Thượng đế, Hộ Pháp, hay Đức Phật để ban cho mình những điều này, mà ước nguyện và lời cầu nguyện sẽ tạo điều kiện cho nghiệp trổ. Thật ra thì điều này khá thực tiễn!
Điểm Thứ Tư: Pháp Hành Một Đời
Điểm thứ tư là cô đọng pháp hành một đời thành ngũ lực. Nó có thể được thực hiện trong chính kiếp này, cũng như lúc hấp hối, và cũng khá thực tiễn.
Tóm lại, tinh túy của lời khai thị là áp dụng ngũ lực.
1. Lực tác ý – trong mỗi một ngày trong kiếp sống này, mình có thể có chủ ý đúng đắn. Khi thức dậy vào buổi sáng, ta có thể phát khởi động lực, “Nguyện cho con có thể giúp đỡ mọi người; nguyện cho con có thể đạt giác ngộ để giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách trọn vẹn.”. Điều này quan trọng không chỉ vào lúc vừa thức dậy, mà cả khi mình gặp bất cứ tình huống khó khăn nào. Ví dụ như trẻ con đang la hét, và ta đi vào phòng để bảo chúng im lặng. Trước tiên, nên phát khởi chủ ý mạnh mẽ, “Nguyện cho con không mất bình tĩnh, và có thể đối xử với chúng một cách tử tế, thương yêu, để chấm dứt sự tranh cãi của chúng.”. Nó phải được thực hiện theo cách mà động lực của mình thật sự có lợi cho trẻ con, không chỉ được thực hiện vì tâm an lạc của mình. Trước khi đi chợ thì có thể mình chỉ tính mua những gì mình cần, “Tôi sẽ không mua sô cô la và bánh quy, chỉ vì tham lam, hay có một sự thôi thúc vào lúc đó.”.
2. Lực bạch chủng tử – chủ ý để tăng trưởng công đức và cố gắng đoạn trừ ác nghiệp. Nếu như mọi việc đang diễn ra tốt đẹp trong hiện tại thì đó là kết quả của những thiện nghiệp và công đức do chúng tạo ra; khi sự việc trở nên tồi tệ thì đó là do ác nghiệp và những điều thất đức do chúng tạo ra. Hạt giống của những khó khăn là ác hạnh của mình, nên phải cố tiêu trừ hạt giống ấy và thay thế nó bằng hạt giống của thiện hạnh.
3. Lực tập khí – dù có làm bất cứ điều gì thì nên cố gắng lợi dụng tình huống để tiếp tục tạo dựng những tập khí tích cực, quan tâm đến người khác. Điều này có thể bao gồm bất kỳ hành động trung lập nào mà mình đang làm, như ăn uống. Ta có thể ăn để có sức mạnh, để có thể giúp đỡ người khác. Ta có thể mặc quần áo ấm để không bị bệnh, nếu không thì không thể giúp đỡ người khác. Ngay cả khi đi ngủ sớm hoặc xem phim thì ta có thể nghĩ mình đang làm điều đó để thư giãn, để có thể có thêm sức mạnh và năng lượng để giúp đỡ người khác nhiều hơn. Như vậy thì ngay cả việc thư giãn cũng có thể biến thành một hành vi vô cùng tích cực. Đương nhiên là phải chân thành đối với điều này. Mình không chỉ nói, “Tôi sẽ ăn hết hộp kem khổng lồ này, để tạo lợi lạc cho người khác.”. Đó chỉ là một cái cớ để ăn hết kem! Bất cứ điều gì mà mình làm thì hãy nghĩ đến việc thực hiện nó vì lợi lạc của tha nhân.
4. Lực đoạn trừ tất cả trong cùng một lúc - ngay khi những phiền não như tham lam, luyến ái và sân hận phát sinh trong tâm thì ta sẽ cố hết sức để đoạn trừ chúng càng sớm càng tốt, hoặc ngay lập tức, nếu như khả dĩ, như mình sẽ làm, nếu như con mèo nhảy lên bàn và sắp sửa ăn thức ăn của mình. Ta sẽ đuổi nó đi ngay lập tức. Người Tây Tạng thích sử dụng thú vật để minh họa giáo huấn theo cách này, và thường thì điều này có thể khá hữu ích.
5. Lực cầu nguyện - để có thể thành tựu pháp tu. Nó không phải là, “Hỡi Thượng đế, nguyện cho con có thể thực hiện điều này”, mà đúng ra là chính mình có ước nguyện mạnh mẽ để làm điều đó. Nó còn có ý nghĩa về việc quá ghê tởm và chán ngấy tâm ái ngã và ích kỷ đến mức mình chỉ muốn đoạn trừ nó. Giống như khi có con ruồi bay vo ve quanh đầu mình thì mình rất bực bội, đến nỗi đã cố gắng hết sức để đuổi nó ra khỏi phòng. Càng chối bỏ tâm ích kỷ của mình bằng cách chán ghét nó thì càng ngày, nó sẽ càng yếu ớt hơn.
Vào cuối ngày thì ta có thể cầu nguyện, “Nguyện cho con không bao giờ xa lìa bồ đề tâm.”. Serkong Rinpoche nói rằng chúng ta không nên cầu xin các Lạt ma cầu nguyện, để mình không bị bệnh, hay việc kinh doanh sẽ hanh thông. Thay vì vậy thì điều tốt nhất mà mình có thể thỉnh cầu một Lạt ma thực hiện là cầu nguyện cho bạn có thể phát bồ đề tâm càng nhanh càng tốt. Một lần nữa, điều này phải chân thành, và không chỉ để tạo ấn tượng tốt với vị Lạt ma! Cách cầu nguyện này thật là quan trọng, bởi vì thông thường thì ta chỉ có thói quen cầu nguyện cho những điều trần tục mà mình mong muốn.
Ngũ lực là tinh hoa giáo pháp Đại thừa, hướng dẫn pháp tu chuyển di thần thức, đồng thời xem trọng hành vi.
Vào lúc chết, ta cũng có thể áp dụng ngũ lực này, và nó được xem là loại powa hay pháp chuyển di thần thức tốt nhất, thay vì là một phương tiện rắc rối để tống thần thức của mình đến cõi Phật nào đó, có thể không tạo nhiều cảm xúc đàng sau việc đó. Nếu như không có sự hiểu biết nào về những điều mình đang làm, thì mức độ động lực của chúng ta sẽ khá hời hợt.
1. Lực tác ý - điều tốt nhất để ghi nhớ khi mình chết là nguyện vọng, “Nguyện cho con có thể phát bồ đề tâm nhiều hơn nữa, và tiếp tục pháp tu này trong tất cả những kiếp tương lai, để con có thể giúp đỡ tha nhân.”. Việc có chủ ý này khi mình hấp hối là điều rất, rất, rất là quan trọng. Powa là gì, và ta muốn chuyển di thần thức của mình đến đâu? Chúng ta không muốn đến thiên đàng, đó không phải là đạo Phật. Chúng ta muốn chuyển di thần thức của mình đến giác ngộ.
2. Lực bạch chủng tử - trao tặng tất cả mọi thứ cho người khác trước khi mình chết, để không quyến luyến với tiền bạc, của cải hay thậm chí thân thể của mình. Điều này cũng quan trọng. Khi người ta chết thì những gì xảy ra với của cải của họ rất đáng buồn, vì thường thì những người còn sống sẽ tranh giành quyền thừa kế, tạo ra nhiều rắc rối. Hoặc ta có thể lo lắng là họ sẽ vứt tất cả những món “quý giá” của mình vô thùng rác, bởi vì nó chỉ là rác đối với họ, và họ muốn vứt bỏ tất cả. Tốt hơn là nên xử lý tất cả những điều này trước khi mình chết. Hãy trao tặng tất cả mọi thứ cho gia đình và bạn bè, và những người thiếu thốn – vậy thì tốt hơn nhiều, so với việc mọi thứ bị liệng vào thùng rác sau khi mình ra đi.
Mặt khác thì việc khắc phục lòng quyến luyến với thân thể của mình không phải là quá dễ dàng. Có rất nhiều pháp tu mạnh mẽ có thể được thực hiện cho mục đích này. Chẳng hạn như nếu phong tục văn hóa của mình là chôn cất thì có thể bố thí thân xác mình cho những con giun, “Các bạn sẽ có được cơ thể của tôi, nên hãy tận hưởng nó. Chúc các bạn một bữa ăn ngon nhé!”. Người Tây Tạng sử dụng một hình ảnh khá kinh khủng, đó là nếu như quá quyến luyến với thân thể thì ta sẽ tái sinh thành một trong những con giun bò khắp thân thể đang phân hủy của mình. Thật là khiếp đảm, nên hãy cố gắng đừng quá quyến luyến với nó!
3. Lực tập khí - thiền quán về bồ đề tâm nhiều lần, để vào phút lâm chung, khi tâm trở nên vi tế hơn và hơn nữa thì mình có thể tập trung vào bồ đề tâm và giác ngộ.
Cần phải nhận ra rằng đây cũng là giáo lý của bộ Mật điển cao nhất. Giác ngộ là một Phật tánh chứng ngộ viên mãn, hay tâm thanh quang. Trong Tối Thượng Du Già Mật điển (anuttarayoga), cấp độ cao nhất thì mình sẽ cố gắng chết với ý thức đầy đủ về thức thô trọng và tâm khái niệm hòa tan vào tâm thanh quang vi tế nhất. Ta sẽ cố tập trung vào sự phân giải hoàn toàn sẽ diễn ra tiếp theo, báo hiệu cái chết của mình. Trong các hành trì Mật tông thì cũng giống như vậy, vì mình phải tập trung vào tâm thanh quang theo cách mà đó là pháp tu bồ đề tâm. Nó sẽ được thực hiện với chủ ý chứng ngộ tâm này, và an trụ trong đó, để tạo lợi lạc cho tha nhân. 4. Lực đoạn trừ tất cả trong cùng một lúc – khắc phục xu hướng thương yêu thân thể của mình vào lúc chết. Chúng ta được dạy nên chết như một con chim cất cánh rời khỏi tảng đá, mà không quay đầu nhìn lại. Rồi với sự ghê tởm về ác nghiệp của mình trong quá khứ, ta sẽ cố gắng thọ giới và hành trì pháp tự điểm đạo (self-initiation) trước khi chết. Điều này không khó khăn, bởi vì ngay cả khi còn một chút ý thức thì ta có thể tái khẳng định Bồ tát giới của mình.
5. Lực cầu nguyện – đây là việc khó khăn, bởi vì đó là lời cầu nguyện được tái sinh trong cõi địa ngục để gánh lấy khổ đau của tất cả chúng sinh, và không xa rời bồ đề tâm. Làm thế nào để chân thành với điều này?! Giống như đã khẩn cầu Hộ Pháp giúp đỡ để tạo ra hoàn cảnh thiêu đốt ác nghiệp của mình, thì tương tự như vậy, bằng cách tái sinh trong một cõi địa ngục, ta sẽ thiêu đốt nó và vượt qua nó. Cần phải cảm thấy nếu như mình có tiềm năng đọa vào địa ngục, hay tái sinh thành súc sanh, thì tốt hơn hết là làm cho xong việc đó, để có thể tiếp tục trên đường tu giác ngộ với bồ đề tâm.
Ước nguyện để được đọa địa ngục là gì? Không phải là mình muốn đi đến đó vì mình là người xấu, hay xứng đáng với điều đó. Ước nguyện được tái sinh ở đó được thúc đẩy vì ước muốn tạo lợi lạc cho chúng sinh càng nhiều càng tốt, nên ta phải tiêu trừ nghiệp chướng của mình. Thay vì sợ hãi và ghê tởm những tình huống tái sinh khó khăn thì mình sẽ hoan nghênh nó như cơ hội để thiêu đốt ác nghiệp của mình.
Ta cũng có thể ôm ấp nguyện vọng, “Nguyện cho điều này đủ để thế thân cho tất cả chúng sinh phải đọa vào địa ngục”, để không chỉ nghĩ về bản thân mình. Vì động lực tích cực mà ác nghiệp sẽ trổ thành điều gì rất nhỏ. Tương truyền rằng với động lực bồ đề tâm mạnh mẽ thì việc tái sinh trong địa ngục sẽ giống như một trái banh tưng lên. Chúng ta sẽ đi vào một cõi địa ngục trong một vài giây, và sau đó sẽ tưng lên, nhưng nó vẫn thiêu đốt rất nhiều ác nghiệp. Tự nhiên là nó chỉ hữu hiệu nếu mình có động lực chân thành: “Tôi thật là, thật là, thật là muốn tiêu trừ những chướng ngại này, để có thể giúp đỡ người khác nhiều hơn.”. Nếu động lực của mình chỉ là không muốn ở trong địa ngục lâu, thì điều này sẽ không hữu hiệu.
Nhiều người liên tưởng đến ý niệm về địa ngục của ngoại đạo, và vì có thể đã có kinh nghiệm khó khăn với một trong những tôn giáo đó, nên họ không muốn nghe về địa ngục trong đạo Phật. Đó là cái nhìn thiển cận. Một cách để hiểu về địa ngục là xem xét cách làm một con người thì mỗi bộ phận giác quan của mình bị hạn chế về khả năng nhận thức toàn bộ phổ quang thông tin trong giác quan cụ thể đó. Chẳng hạn như mình chỉ có thể nhận thức được ánh sáng mà mắt trần thấy được, chứ không thấy tia cực tím hay tia hồng ngoại. Chúng ta không thể nghe nhiều âm thanh hay đánh hơi giỏi như một con chó. Tương tự như vậy, phải có những mức độ lạc thú và đau đớn vượt qua những gì mà cảm biến cơ thể (body sensor) về cảm giác thể chất của mình có thể xử lý. Khi vượt qua một mức độ đau đớn nào đó thì một cơ chế tự động sẽ làm chủ, khiến cho mình bất tỉnh. Một tái sinh trong địa ngục sẽ đi kèm với một thân thể có khả năng giác quan để trải nghiệm, với ý thức trọn vẹn về những cực đoan nhất trong quang phổ của nỗi đau. Ít nhất thì đối với tôi, điều đó có vẻ hoàn toàn khả dĩ.
Tuy nhiên, nếu như bạn sợ tái sinh trong địa ngục, thì bằng mọi cách, không nên thực hiện điều này. Điều này được nêu ra rất rõ ràng trong giáo lý của Đức Phật, rằng một vị Bồ tát ở giai đoạn thấp hơn không nên cố gắng hành trì pháp tu của chư Bồ tát ở giai đoạn cao hơn. Chồn cáo không thể nhảy qua những nơi mà sư tử có thể làm như vậy. Đây là những pháp tu rất khó khăn và cao cấp. Với ngũ lực thì chắc chắn ta có thể cố gắng tập trung vào bồ đề tâm khi mình chết, và cho đi tài sản của mình trước đó, để không quyến luyến quá nhiều. Không cần phải chết và để lại một mớ hỗn độn, mà có thể dọn dẹp toàn bộ tài sản trước đó. Chúng ta có thể chết mà không hối tiếc, và không để lại công việc dở dang