Đo Lường Việc Luyện Tâm

Điểm thứ 5

Điểm thứ năm là đo lường việc thanh tẩy và luyện tâm:

Nếu tất cả pháp tu đều nhắm vào một chủ ý;

Chủ ý này là đoạn trừ tâm ái ngã. Tất cả khía cạnh của toàn bộ tài liệu này về thất điểm, cũng như tất cả các sách lojong khác đều nhắm vào việc khắc phục tâm vị kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Ta sẽ biết liệu mình đang đi đúng hướng, và hành trì của mình có thành công với chủ ý này hay không, đó là khi mình giảm thiểu tâm ái ngã. Nếu như nó đang giảm bớt, thì mình có tiến bộ.

Nhưng tiến bộ có nghĩa là gì? Khi nói về sự tiến triển trên đường tu thì phải hiểu nó không phải là một đường thẳng tiến. Chúng ta là những chúng sinh hữu cơ trong một thế giới hữu cơ, và sự việc không xảy ra theo đường thẳng tiến, như kiểu mà mỗi ngày, mọi việc luôn trở nên tốt đẹp hơn và hơn nữa. Chúng ta có một sự trình bày có hệ thống, với các giai đoạn của đường tu, ngũ đạo, thập địa bồ tát và vân vân, nên có thể có ấn tượng rằng sự tiến bộ của mình cũng sẽ giống như vậy. Dĩ nhiên là mình có tiến triển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, nhưng không phải là mình sẽ có tiến triển ổn định hàng ngày. Có những ngày thì việc tu tập sẽ tốt đẹp, và đôi khi thì không. Nếu như hiểu rằng đây là chuyện bình thường thì tốt, để mình không nản lòng, cũng không có kỳ vọng không thực tế. Điều này được nhấn mạnh trong tất cả các chỉ giáo hành thiền. Chúng ta đang tìm kiếm chiều hướng lâu dài, đó là theo thời gian thì bất cứ pháp tu nào mà mình thực hiện cũng sẽ làm giảm bớt tánh ích kỷ, ngay cả khi nó có thể tăng giảm từ ngày này sang ngày khác. Đây là một dấu hiệu cho thấy mình đang tu tập một cách đúng đắn.

Thế thì nguyện vọng chính của mình trong khi thực hiện pháp tu đều đặn phải là khắc phục lòng vị kỷ và ích kỷ. Nếu như đang tu tập thiền chỉ (shamatha) để có được định tâm, thì điều này phải có mục đích để đạt được định tâm và chánh niệm để không ích kỷ. Chỉ tập trung vào hơi thở và có định tâm hoàn hảo không phải là mục tiêu. Những người ngoại đạo thường tu tập thiền chỉ như vậy, và tuy nó có nhiều lợi ích phụ, nhưng điểm chính là để có chánh niệm về tâm ý của mình, nên khi tâm lang thang theo những ý tưởng về “tôi, tôi, tôi”, thì ta sẽ trở lại để chú tâm vào người khác.

Điều này rõ ràng từ cấu trúc trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Phạn ngữ: Bodhisattvacharya-avatara) của ngài Tịch Thiên (Shantideva), trong đó các giáo huấn về cách thay đổi thái độ về tự thân và tha nhân được đưa vào chương nói về thiền định. Đúng hơn thì thiền định nên được dịch là “tâm kiên định trong bồ đề tâm và ái tha”, vì đó là điều mà mình cần có định tâm để tu tập. Ta sẽ biết liệu mình có thực hành thiền chỉ một cách đúng đắn hay không, nếu như mình đang áp dụng nó trong đời sống hàng ngày - nói cách khác là ta sẽ ngày càng quan tâm đến người khác nhiều hơn. Có thể áp dụng nguyên tắc này cho tất cả các pháp tu. Nếu việc chuyển hóa tự thân trong những pháp tu này là một trong những điều khiến mình ít chú tâm vào bản thân hơn, và tập trung vào việc giúp đỡ người khác nhiều hơn, thì mình đang làm rất tốt.

Bản văn tiếp tục:

Nếu trong hai nhân chứng, mình là nhân chứng chánh.

Có hai nhân chứng, để biết liệu mình có tiến bộ hay không, là người khác và chính mình. Nhân chứng chính mà ta sẽ sử dụng là bản thân mình. Thật ra thì không cần phải hỏi thầy hoặc những người xung quanh để xem mình đang tu tập đúng cách hay không. Ta sẽ tự biết bản thân mình, vì có thể thấy những dấu hiệu trong nội tâm, nên các bài luận giải nói về việc tự làm nhân chứng cho mình, để xem liệu mình có đạt được năm chỉ dấu cao cả hay không.

Dấu hiệu đầu tiên của tính cao cả là trở thành một người có trái tim cao cả, thường được dịch là có một “tâm thức cao cả”, nhưng nó đề cập đến trái tim. Chữ tiếng Phạn là mahasattva, mà chúng ta tìm thấy trong Tâm Kinh (The Heart Sutra). Có phải ta là người nghĩ về người khác như trọng tâm, chứ không phải về bản thân mình? Đó là một người có trái tim vĩ đại. Người khác không thể biết điều gì đang xảy ra trong nội tâm của mình, nên ta phải nhìn lại chính mình, để xem liệu mình có chủ yếu nghĩ đến người khác hay không. Nếu có một chiếc bánh ngon là món tráng miệng, thì liệu mình có nghĩ nếu như những người khác ở trong phòng sẽ thưởng thức nó thì tuyệt vời biết bao nhiêu, hay đang nghĩ về việc mình thích cái bánh đó đến mức nào, và hy vọng là không có ai thích nó. Khi người ta xếp hàng dài ở cửa hàng hay rạp chiếu phim thì mình có hy vọng là những người xếp hàng trước mình sẽ có được chỗ ngồi tốt, hay mình muốn đứng trước họ, để lấy chỗ ngồi tốt cho chính mình? Để đi đến giai đoạn có tấm lòng cao cả như vậy thì không dễ dàng chút nào! Không nên tự dối mình, mà hãy trung thực về hoàn cảnh hiện tại của mình.

Cách tiếp cận ở đây là không có cảm giác tội lỗi hay phán xét. Ta sẽ không nghĩ rằng, “Tôi đang hành động một cách ích kỷ, nên mình là người xấu”, hay, “Tôi không làm điều này đúng, nên thật là ngu ngốc.”. Không có vấn đề phán xét đạo đức, hay có ai nói rằng mình nên nghĩ về người khác, chứ không nên nghĩ về bản thân mình. Ở đây, không có khái niệm về chữ “nên” trong Phật giáo. Chỉ đơn giản là khi nghĩ đến người khác thì sẽ lợi lạc nhiều hơn. Điều này sẽ gây ra ít vấn đề và đau khổ hơn, đơn giản là như vậy.

Trong các giai đoạn mà mình trải qua, trước khi thực hành tonglen thì ta sẽ tư duy về những bất lợi của tâm ái ngã, và những lợi điểm của tâm ái tha. Nó dựa vào việc chứng ngộ là hành vi ích kỷ sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn cho mình. Khi mình phiền muộn và cảm thấy đáng tiếc cho bản thân mình nhiều hơn thì nó chỉ gia tăng thêm nỗi khổ cho mình. Mặt khác, nếu như mình gọi điện thoại cho ai, hoặc cố giúp đỡ người khác thì chắc chắn điều đó sẽ khiến mình cảm thấy vui hơn. Đó là vấn đề đơn giản khi thấy được lợi điểm và bất lợi, và quyết định mình muốn cái nào. Khi rèn luyện thái độ thì điều cần phải loại bỏ là cảm giác tội lỗi và phán xét, nếu không thì toàn bộ quá trình có thể trở nên khá lệch lạc. Đây là dấu hiệu đầu tiên của tính cao cả.

Dấu hiệu thứ hai của tính cao cả là đã được trui rèn trong thiện hạnh. Một lần nữa, ta có thể tự biết liệu mình có hành vi tiêu cực nào hay không. Cần phải hiểu biết nhiều về thập ác. Đó không chỉ là việc đi giết người; thậm chí suy nghĩ theo những cách thô lỗ nào về mặt thân hay khẩu đối với người khác là tiêu cực. Việc đi bộ quá nhanh với một người già, khiến họ không bắt kịp với mình là một hành động tiêu cực, dựa vào việc chỉ nghĩ về tự thân, chứ không quan tâm đến người khác. Nếu như mình hành động một cách tích cực, và không làm hại người khác, thì đây là dấu hiệu của sự tiến bộ.

Điều cao cả thứ ba là có thể chịu đựng khó khăn, đặc biệt là những điều phát sinh khi mình cố khắc phục phiền não. Ta sẽ tự mình biết rõ nhất về cách mình phải làm việc này. Liệu mình có thật sự tu tập siêng năng, và trải qua tất cả những khó khăn mà không hành động vì ảnh hưởng của tâm sân hận và tham lam hay không? Khi hành động vì tác động của những độc tố tinh thần này thì ta sẽ nghĩ cho mình, chứ không nghĩ cho người khác. Nếu như thật sự muốn nghĩ về người khác thì phải tu tập siêng năng, để khắc phục thái độ phiền não.

Tính cao cả thứ tư là người cao cả, giữ giới nghiêm minh, nói về việc giữ giới. Có nhiều giới biệt giải thoát, hoặc pratimoksha khác nhau, được người xuất gia hay cư sĩ thọ nhận, đòi hỏi mình tránh giết hại người khác, không ăn cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và những chất làm say. Rồi thì có Bồ tát giới, giúp ta kềm chế những hành vi ngăn cản mình giúp đỡ người khác. Sau cùng thì có Mật giới, để tránh những hành vi tạo ra chướng ngại cho thành tựu giác ngộ qua đường tu Mật tông. Điều quan trọng là phải hiểu chủ ý này, bởi vì không có Thượng Đế nào nói rằng, “Ngươi sẽ không làm điều này”, và mình chỉ cần tuân theo những điều này mà không cần đặt câu hỏi. Đó không phải là đạo Phật. Không bắt buộc mình phải thọ bất cứ giới nào. Nhưng nếu muốn đạt giác ngộ để tạo lợi lạc cho tha nhân thì ta sẽ có những hành vi tích cực, để giúp mình thực hiện điều này. Nó có nghĩa là phải nghĩ về những hành động tiêu cực này, và cách chúng sẽ ngăn cản mình giúp đỡ người khác. Sau đó, nếu như mình thọ giới thì phải làm nhân chứng cho tự thân, để xem liệu mình có giữ giới hay không.

Tính cao cả thứ năm là hành giả cao cả, hay một người hoàn toàn dấn thân vào bồ đề tâm. Đó là một người có tâm thức, tấm lòng và cách hành xử hoàn toàn kết hợp với bồ đề tâm. Chỉ có ta mới biết là mình có được như vậy hay không. Phải đặc biệt cẩn thận, để không tự hào trong khi tu tập và nghĩ rằng, “Mình đang giúp đỡ người khác. Mình đang dành rất nhiều thì giờ ở bệnh viện. Mình thật là một vị bồ tát!”. Việc nghĩ rằng việc giúp đỡ người khác là vì mình cao cả như thế nào là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mình không tu tập đúng cách. Thật ra thì đó là nhờ nguồn cảm hứng từ chư đạo sư, và những hành giả vĩ đại trong dòng truyền thừa, nhưng cũng không có nghĩa là mình sẽ nghĩ rằng, “Tôi chẳng là gì cả, chỉ là một con sâu thôi.”. Cần phải có sự quân bình. Hãy phấn đấu một cách quân bình, không có niềm tự hào, là dấu hiệu của sự tiến bộ.

Còn có nhiều dấu hiệu khác về sự tiến bộ nữa. Một dấu hiệu xuất phát từ việc tư duy về kiếp người quý báu, và thấy rằng việc lãng phí cơ hội này để giúp đỡ người khác là một thảm họa. Tương tự như vậy, khi không bị cuốn hút vào việc mưu cầu tiền bạc và của cải trong kiếp này, mà là tìm kiếm điều kiện để giúp cho những kiếp tương lai của mình thuận lợi hơn, để giúp đỡ người khác, thì đó là dấu hiệu tốt. Đương nhiên là mình cần phải có hạnh phúc vật chất và hoàn cảnh thuận lợi ở một mức độ nào đó trong đời này, để có thể giúp đỡ tha nhân, nhưng không bao giờ nên xem những điều này là kết thúc ở đó. Cần có tầm nhìn xa, nhắm vào tất cả những kiếp dẫn đến giác ngộ. Nếu muốn giúp đỡ tha nhân thì cần có những hoàn cảnh thích hợp trong mọi kiếp sống. Mục tiêu của mình nên hòa lẫn với ý tưởng giúp đỡ tha nhân, như có đủ tiền để giúp đỡ người nghèo, hoặc có một ngôi nhà đủ rộng để cho những người cần chỗ ở có thể sống ở đó.

Nếu như ta thật sự chán ngán việc mưu cầu vật chất, và mục tiêu chính của mình là thoát khỏi phiền não, thì chắc chắn đó là dấu hiệu tốt. Nó có nghĩa là mình không quyến luyến với việc sống ở một nơi nào đó, hay sống với những ai, bởi vì ta sẽ thấy dù mình ở bất cứ nơi nào hay với ai, thì lợi thế và bất lợi đều như nhau. Chúng ta ở đâu hay ở gần ai thì không quan trọng, bởi vì mình luôn luôn có nguy cơ bị mắc kẹt vào tâm yêu ghét, điều đó sẽ ngăn cản ta thật sự giúp đỡ người khác. Điều này không có nghĩa là mình sẽ không giữ quan hệ với mọi người hay môi trường xung quanh, mà chỉ có nghĩa là quan hệ của mình sẽ dựa vào cách mình có thể giúp đỡ họ, hơn là những gì mình có thể nhận được từ những người xung quanh.

Việc thấy rằng không có ai là người đặc biệt, sẽ giúp mình thấy tất cả mọi người đều đặc biệt, vì không có ai tốt hơn ai. Điều này sẽ giúp ta có một thái độ đồng đều, bình đẳng, để dù đang ở nơi nào, hay ở gần ai thì mình có thể dồn tất cả sức lực để giúp đỡ người đó. Chúng ta có thể thấy cách mà một số các vị lạt ma vĩ đại hành xử, khi mà người ở gần họ dường như trở thành người bạn tốt nhất của họ trong thời điểm ấy; họ đối xử với người khác bằng một tấm lòng trọn vẹn, cởi mở, nhưng không có ai là người đặc biệt duy nhất. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy giáo pháp đang thẩm thấu trong tâm mình.

Nếu như ta cảm thấy không có gì phải xấu hổ khi đứng trước mặt vị lạt ma của mình, khi các vị nhìn thấy chúng ta, thì đó là dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa là mình chân thành và thoải mái bên trong. Nói chung thì nếu tâm trạng của mình tốt, và không phải lúc nào cũng thăng trầm, thì đó là dấu hiệu rất tốt. Điều này không có nghĩa là mình không phản ứng đối với người khác. Nếu như cần phản ứng với một cảm xúc nào đó thì đương nhiên là không nên ngồi thừ ra đó và im lặng. Tôi luôn nhớ một sự cố xảy ra với chị của mình, người luôn luôn giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi đã ở Ấn Độ được vài năm, rồi trở về Hoa Kỳ và sống với chị một thời gian. Sau một thời gian thì nhận xét của chị tôi là, “Em quá bình tĩnh, đến nỗi chị có thể nôn mửa.”. Việc chỉ tỏ ra bình tĩnh và không có phản ứng không phải là cách thích hợp để tu tập. Chúng ta nên nhiệt tình và sinh động với người khác, và không chỉ giống như một bức tượng. Sự bình tĩnh thì ở trong nội tâm.

Bản văn tiếp tục:

Nếu có thể luôn duy trì tâm hoan hỷ.

Dòng này có nghĩa là ngay cả khi gặp hoàn cảnh khó khăn, thay vì phiền muộn thì ta có thể chuyển hóa thái độ, để cản thấy an tâm và hạnh phúc về mặt tinh thần. Nếu như ta có thể làm điều này - với tư cách là nhân chứng, để biết liệu mình có thể làm việc này hay không - thì mình đang tu tập đúng cách.

Người Tây Tạng thích những ví dụ thực tế, nên họ nói rằng khi không được uống trà vào buổi tối, thay vì buồn bực thì hãy vui mừng, vì bạn sẽ không phải thức dậy vào giữa đêm để tiểu tiện! Có thể sử dụng những mánh khóe này để nhìn sự việc theo mặt tích cực, thay vì tiêu cực, rồi thì ta sẽ không quá buồn bực khi mọi việc không xảy ra theo ý mình. Đó là một dấu hiệu tốt, khi có thể làm điều này một cách tự nhiên.

Sau đó, điểm cuối trong phần này là:

Nếu tán tâm mà vẫn có khả năng, thì đã thành thạo việc tu tập.

Một ví dụ về điều này là khi mình tập trung tinh thần thì dễ lái xe hơn, nhưng nếu như mình có thể lái xe trong khi hoàn toàn mất tập trung, thì đã tu tập tốt. Tương tự như vậy, khi mình tập trung tinh thần và mọi việc đang diễn ra một êm thắm và dễ dàng thì việc từ bỏ tâm ái ngã và nghĩ về tha nhân có thể dễ thực hiện. Khi mình giúp ai lên xe lửa khi không có đám đông, và có nhiều thời gian là một chuyện, nhưng nếu như tiếng còi vang lên và xe lửa sắp rời sân ga mà vẫn còn một nhóm người cần phải lên xe lửa thì sao? Liệu mình vẫn nghĩ đến việc giúp mọi người đều lên xe lửa hết, hay chỉ chen lấn với họ để mình được lên xe lửa trước? Ngay cả trong những tình huống hỗn loạn này thì liệu mối quan tâm chính của mình vẫn là người khác, chứ không phải là mình? Nếu nó là như vậy thì ta đã thật sự thay đổi thái độ của mình. Đó là điểm thứ năm.

Top