Nghiện Ngập Mạng Xã Hội Và Gởi Tin Nhắn

Bình Luận

Chúng ta đã xem xét những điều mình đang đối phó đối trong việc rèn luyện thái độ hay luyện tâm, đó là kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta sống cuộc đời của mình, và tự mình trải nghiệm từng khoảnh khắc. Ngay cả khi chúng ta gởi thông tin trên Facebook và Twitter về mọi việc mà mình đã làm  thì ta vẫn là người duy nhất đang trải nghiệm nó.

Ngày nay, dường như rất nhiều người gần như nghiện nhắn tin, đăng tải cảm xúc và hoạt động của họ lên Facebook và Twitter. Đâu là điều khác biệt giữa việc đọc về những điều này về cuộc sống hàng ngày của người khác, và cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Hiển nhiên là có một khoảng cách giữa kinh nghiệm sống của mình, và những gì người khác đang trải qua trong đời của họ, đặc biệt là khi nó được diễn tả qua những lời rất ngắn ngủi.

Mặc dù chúng ta có thể đồng cảm với người khác và những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ, nhưng nó vẫn không hoàn toàn giống như hạnh phúc hay bất hạnh, hoặc những cảm giác trung lập mà ta có, về những gì mình đang trải qua. Ở mức độ cơ bản nhất, đây là những gì chúng ta phải đối phó trong cuộc sống hàng ngày; đôi khi, ta cảm thấy hạnh phúc, đôi khi thì bất hạnh. Đôi khi, nó giống như mình không cảm thấy gì nhiều. Mặc dù thực tế là ta luôn luôn muốn được vui vẻ, nhưng tâm trạng của mình lại lên xuống thất thường, dường như không nhất thiết tuân theo những gì chúng ta đang làm. Thông thường, có vẻ như ta cũng không thể làm chủ tâm trạng của mình nhiều. Với việc rèn luyện thái độ, chúng ta đang tìm cách để tận dụng tối đa mỗi một tình huống mà mình trải qua trong những khoảnh khắc của cuộc sống, trải nghiệm những gì đang xảy ra, và những gì chúng ta đang làm.

Chúng ta đã xem xét hai điểm chính rất quan trọng về cách mình đối phó với cuộc sống: chúng ta phóng đại tầm quan trọng của những gì mình cảm nhận, và  phóng đại tầm quan trọng của bản thân. Ví dụ, chúng ta làm cho một cảm giác không vui trở thành chuyện lớn, và điều đó chỉ làm cho nó tồi tệ hơn. Khi đang hạnh phúc thì ta không được an tâm, nên lại phá hủy nó. Khi cảm thấy trung lập thì chúng ta sợ hãi, vì cảm thấy như lúc nào mình cũng phải được giải trí. Chúng ta không hài lòng với cảm giác bình tĩnh và thoải mái, nhưng lại muốn điều gì đó xảy ra trong mọi lúc, dù đó là truyền hình hoặc âm nhạc, hay bất cứ điều gì. Lúc nào thì một số hình thức kích thích nào đó cũng cần thiết, vì nó đem lại ý nghĩa nào đó cho đời sống.

Tôi có một người cô luôn luôn ngủ mà không tắt truyền hình. Thật ra, cô ấy vặn truyền hình 24 tiếng một ngày. Cô nói rằng cô thích như vậy, bởi vì nếu cô thức dậy giữa đêm khuya thì đã có truyền hình. Cô hoàn toàn sợ hãi sự yên tĩnh. Nó không chỉ hơi kỳ lạ, mà tôi cũng thấy điều đó khá buồn bã.

Không Có Gì Đặc Biệt Về Những Điều Tôi Cảm Nhận

Điều đầu tiên chúng ta cần phải thấy, để cải thiện thái độ của mình về những thăng trầm trong cuộc sống, đó là không có gì đặc biệt. Không có gì đặc biệt hay khác thường về việc đôi khi, mình không cảm thấy vui vẻ, và đôi khi, mình cảm thấy yên ổn, đôi khi thì bình tĩnh và yên lặng. Điều đó là hoàn toàn bình thường. Nó giống như những đợt sóng trên đại dương, đôi khi sóng cao, đôi khi bạn ở giữa hai ngọn sóng, và đôi khi đại dương hoàn toàn phẳng lặng. Đó là bản chất của đại dương, đúng không, và nó không phải là chuyện lớn. Đôi khi, có thể có một cơn bão lớn với những cơn sóng lớn hỗn loạn; nhưng khi nghĩ về toàn bộ đại dương, từ độ sâu của nó đến bề mặt thì nó không thật sự bị xáo trộn ở độ sâu, đúng không? Nó chỉ là một cái gì đó xuất hiện trên bề mặt, là kết quả của nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh như thời tiết và vân vân. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều đó.

Tâm thức của chúng ta giống như đại dương này. Cách suy nghĩ như vậy sẽ hữu ích, để thấy rằng trên bề mặt, có thể có những làn sóng lên xuống của hạnh phúc, bất hạnh, cảm xúc này, cảm xúc nọ, nhưng ở mức độ sâu thẳm thì chúng ta không thật sự bị điều đó làm phiền. Nó không có nghĩa là ta không nên cố gắng để có được tâm trạng bình tĩnh và vui vẻ hơn, bởi vì mình luôn luôn thích  điều này hơn là cơn bão. Nhưng khi cơn bão  cảm xúc và cảm giác tột độ ập đến thì mình không biến nó thành một cơn bão yêu quái. Ta chỉ đối phó với nó về mặt những gì thật sự là sự việc.

Nhiều người thực hành các phương pháp của đạo Phật, và sau nhiều năm, thật sự thấy kết quả không nổi giận hay ghen tuông quá nhiều, không xử tệ với người khác và vân vân. Rồi sau nhiều năm, họ có thể lâm vào tình trạng thật tức giận hay yêu đương, và trải qua sự bám víu và rối loạn cảm xúc cực độ, rồi họ chán nản. Nguồn gốc của sự nản lòng này là họ quên đi toàn bộ cách tiếp cận của “không có gì đặc biệt”, bởi vì xu hướng và tập khí của chúng ta ăn sâu thâm căn cố đế, nên cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để khắc phục chúng. Ta có thể tạm thời chăm sóc nó, nhưng trừ khi đi xuống tận gốc để tìm hiểu tại sao mình tức giận và vân vân, thì nó sẽ tái diễn lúc này hay lúc khác. Vậy thì khi nó tái diễn, ta phải đảm bảo mình sẽ nghĩ rằng, “không có gì đặc biệt”. Chúng ta chưa là những chúng sinh đã giải thoát, vì vậy, đương nhiên là tâm luyến ái và sân hận sẽ lại phát sinh. Nếu như làm cho nó thành chuyện lớn thì đó là lúc mình sẽ bị bế tắc.

Ý tưởng là nếu ta hiểu và tin tưởng rằng không có gì đặc biệt về những gì mình trải nghiệm hay cảm nhận thì dù cho điều gì có xảy ra, ngay cả khi nó là một tuệ giác phi thường, thì bạn cứ đối phó với nó. Ngón chân bạn va vào cái bàn trong bóng tối, và bị đau. Bạn mong chờ điều gì đây? Dĩ nhiên là bạn sẽ đau, khi ngón chân bị va chạm mạnh. Ta có thể kiểm tra xem có cái xương nào bị gẫy hay không, nhưng sau đó thì bạn cứ tiếp tục sinh hoạt. Không thành vấn đề. Không cần phải nhảy lên nhảy xuống và chờ mẹ mình đến, hôn vào chỗ bị đau, để cảm thấy đỡ đau hơn. Nên ta sẽ cố gắng sống theo cách dễ dàng, thoải mái này. Nó sẽ giúp ta giữ bình tĩnh, dù điều gì có xảy ra, hay mình có cảm nhận điều gì chăng nữa.

Không Có Gì Đặc Biệt Về Tôi

Điểm thứ hai cũng lại là sự phóng đại. Lần này, thay vì là cảm xúc của mình thì chúng ta lại phóng đại tầm quan trọng của bản thân. Đây thật sự là chủ đề chính của các giáo pháp rèn luyện thái độ (luyện tâm), bởi vì các vấn đề và khó khăn của mình, v.v..., xuất phát từ một điều, đó là tâm ái ngã. Điều này có nghĩa là mình bị ám ảnh và luôn luôn chú trọng vào chỉ “tôi” thôi, mình là người duy nhất mà ta thật sự quan tâm đến. Nó có một khía cạnh của chủ nghĩa vị kỷ và tự cao tự đại, cũng như sự ích kỷ và bận tâm cho bản thân. Có nhiều cách để mô tả thái độ này, và những điều đi kèm với nó.

Khi chúng ta biến mình thành một điều gì đó, hay một người đặc biệt, thì đó  thật sự là nguồn gốc vấn đề của mình. Chúng ta nghĩ rằng, “Mình rất quan trọng. Vì vậy, những gì mà mình cảm nhận cũng thật sự quan trọng.” Nếu rất quan tâm đến “tôi, tôi, tôi” thì đương nhiên, chúng ta sẽ lo lắng về cái “tôi” này cảm thấy vui vẻ, hoặc không vui, hay không cảm thấy gì cả.

Vì Sao Ta Chia Sẻ Cảm Giác Của Mình Trên Mạng Xã Hội?

Đạo Phật luôn nói về việc tránh hai cực đoan, và nói rằng thay vì vậy thì tốt hơn là nên đi theo trung đạo. Một cực đoan là làm cho tất cả mọi sự xảy ra với “tôi” trở thành chuyện lớn, cảm thấy nó phải được quảng bá cho cả thế giới, bởi vì mọi người thật sự quan tâm đến điều đó. Thật ra thì không ai quan tâm về việc sáng nay, tôi đã ăn món gì, hoặc tôi thích nó hay không thích nó. Tuy nhiên, dù gì thì chúng ta vẫn nghĩ nó thật sự quan trọng, rồi mọi người thích bài mình đăng lên. Nhưng tại sao chúng ta lại quan tâm mình có bao nhiêu người bấm chữ “thích” đối với việc mình đã ăn sáng bằng món gì? Nó chứng minh được điều gì? Đây là một điều thú vị để suy nghĩ.

Có lẽ người ta thiếu cuộc trò chuyện thực tế, và chỉ muốn chia sẻ điều gì với người khác? Đúng, tôi cho rằng có một cảm giác cô đơn. Nhưng dù gì đi nữa thì nó sẽ cô lập bạn hơn nữa, thay vì có sự giao tiếp thật sự với người khác, bạn chỉ thực hiện điều đó trong một môi trường mà bạn nghĩ là an toàn nhiều hơn, trên máy vi tính hoặc điện thoại di động của mình.

Điều mà tôi gợi ý chúng ta nên xem xét là tại sao ta cảm thấy mình phải chia sẻ về cách mình cảm nhận như thế nào? Mặt khác, đó là vì chúng ta nghĩ rằng mọi người đều quan tâm về điều đó, và việc người khác biết mình ăn sáng món gì và mình có thích hay không là điều quan trọng. Dĩ nhiên, đây là một ví dụ ngớ ngẩn, tuy vậy, nếu không có đủ người thích bài mình đã đăng thì ta sẽ cảm thấy hụt hẫng. Ta đã làm cho nó quá quan trọng, những gì về “tôi”, những điều tôi đang làm, những gì tôi cảm nhận, và đặc biệt là những gì người khác nghĩ về nó. Thay vì tự tin và tiếp tục với đời sống thì dường như ta muốn quảng bá nó trên toàn thế giới, gần như nghĩ rằng mình rất quan trọng đến nỗi họ sẽ bỏ hết mọi việc để đọc tin nhắn của mình. Đó không phải là phóng đại tầm quan trọng của mình hay sao? Và trên hết, chúng ta có sự bất an, không phải là một tâm trạng rất an lạc. Rồi chúng ta liên tục phối kiểm với người khác, để chắc chắn là mình không bỏ lỡ điều gì.

Dù sao đi nữa thì hai cực đoan mà chúng ta cần phải tránh là nghĩ rằng từ trước đến giờ, mình là điều quan trọng nhất, hoặc nghĩ rằng trên cơ bản thì mình không là gì cả. Một là tất cả mọi người phải biết về điều mình cảm nhận, dù họ có quan tâm hay không, hai là ta hoàn toàn bỏ mặc cảm xúc của mình.

Đương nhiên, có những tình huống mà việc truyền đạt những gì mình cảm nhận là điều quan trọng, giống như nếu chúng ta có mối quan hệ với ai đó, và thật sự không vui vẻ với mối quan hệ ấy. Việc nói ra điều đó với người khác và không chỉ ôm ấp nó trong lòng là tốt, khi có nhu cầu để cho ai đó biết cảm giác của mình như thế nào: “Điều bạn nói làm tôi đau lòng”, vân vân. Nhưng chúng ta có thể làm điều đó một cách vừa phải, khi mà mình không quá phóng đại, nhưng cũng không phủ nhận điều đó. Tất nhiên, nếu đang nói về một mối quan hệ thì sẽ có hai người, và việc người kia cảm nhận ra sao cũng là điều quan trọng (và cũng không phải là vấn đề lớn).

Khi nói về việc rèn luyện thái độ thì đó không chỉ là thái độ của tôi, mà còn là thái độ của tất cả những người liên quan đến tình huống này. Nói cách khác thì quan điểm của tôi không phải là quan điểm duy nhất, đúng không? Đó là một trong những nguyên tắc chánh, được sử dụng trong phương pháp trị liệu gia đình, nơi mà mỗi thành viên đều tường thuật về những gì họ đang trải qua trong nhà. Nếu như cha mẹ cãi cọ với nhau thì họ sẽ lắng nghe đứa con nói rằng việc đó đã ảnh hưởng đến nó như thế nào. Nếu không thì có thể họ không ý thức được. Quan điểm riêng của họ không phải là điều duy nhất đang xảy ra trong cấu trúc này của gia đình.

Cách Khắc Phục Tâm Ái Ngã

Sau đó, sự nhấn mạnh chính trong việc rèn luyện thái độ truyền thống hay luyện tâm là khắc phục sự bận tâm về bản thân này, điều mà ta thường gọi là “ái ngã”, và cởi mở để nghĩ đến người khác. Trước đây, chúng ta đã xem xét một số phương cách mà điều này có thể được thực hiện, chẳng hạn như tưởng tượng mình ở bên này và tất cả mọi người ở phía bên kia, và nghĩ rằng, “Ai quan trọng hơn? Tôi, với tư cách là một cá nhân, hay tất cả những người khác gộp chung với nhau?”, và chúng ta đã sử dụng ví dụ kẹt xe, “Có đúng là tôi quan trọng hơn tất cả những người khác đang bị kẹt xe, nên tôi phải đến nơi mà tôi cần đến, và không cần quan tâm đến họ?”

Điều quan trọng là, khi chúng ta cởi mở để nghĩ về tất cả những người  khác cũng bị kẹt xe, thì điều đó thật sự dựa trên thực tế. Thực tế là mọi người đều bị kẹt xe. Mình không phải là những người duy nhất bị kẹt xe, đúng không? Vì vậy, khi nói về việc cải thiện thái độ thì chúng ta đang thực hiện nó trên cơ sở thực tế; chúng ta thấy thực tế là gì, và thái độ của mình phù hợp với điều đó. Một trong những người bạn của tôi, một giảng sư Phật giáo, nói rằng bạn có thể tóm tắt cách tiếp cận của Phật giáo bằng một chữ: “chủ nghĩa hiện thực”.

Bởi vì theo cách mà đôi khi đạo Phật được trình bày thì người ta thường nghĩ tất cả những gì nó liên quan đến là các pháp quán tưởng và nghi lễ tuyệt vời, giống như một Disneyland của đạo Phật, nhưng điều đó thật sự không phải là lực đẩy chính trong đạo Phật. Những điều đó có mặt ở đó, không thể phủ nhận nó, nhưng chúng là một phương pháp để cố gắng phù hợp hơn với chủ nghĩa hiện thực. Khi bạn sử dụng những phương pháp này thì bạn hiểu sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng, và sức mạnh của trí tưởng tượng.

Chúng ta là con người, vậy thì điều gì phân biệt giữa mình và động vật? Có nhiều điểm ta có thể nêu ra, nhưng điều chính là chúng ta có sức mạnh của trí thông minh và trí tưởng tượng. Ta có thể học cách sử dụng cả hai điều này. Một ví dụ là khi bạn có rất nhiều dục vọng đối với người nào đó. Điều này có thể khá phiền phức. Nên ta có thể thay đổi điều này, khi sử dụng cả hai yếu tố, trí thông minh và trí tưởng tượng.

Bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vĩ đại Thánh Thiên (Aryadeva) đã viết trong Luận Thuyết Tứ  Bách Kệ Tụng (Phạn ngữ: Catuhshataka-shastra-karika) (III.4):

Bất cứ ai cũng có thể thấy người khác hấp dẫn và say mê họ, hoan hỷ với vẻ đẹp của họ. Tuy nhiên, đây cũng là điều thông thường, ngay với những con chó và các loài thú. Vì vậy, hỡi kẻ đần độn, sao con lại quá gắn bó với người bạn tình như vậy?

Nói cách khác, nếu như một con chó hay con lợn thấy bạn tình của nó rất hấp dẫn, vậy thì điều gì làm cho người bạn tình của chúng ta quá đặc biệt như vậy? Chất lượng của sự hấp dẫn tính dục hoàn toàn xuất phát từ tâm thức của cá nhân; nó không phải là điều gì cố hữu trong đối tượng lôi cuốn. Nếu không thì một con lợn sẽ thấy người bạn tình của chúng ta thật xinh đẹp và hấp dẫn, và chúng ta nên thấy bạn tình của con heo hấp dẫn. Về mặt trí tuệ thì điều này là hoàn toàn đúng. Với trí tưởng tượng của mình, chúng ta sẽ tưởng tượng những con lợn nói trên, và điều đó giúp cho nó có ý nghĩa. Vậy thì không có gì thật sự đặc biệt về người mà chúng ta thấy hấp dẫn. Tôi thấy người này hấp dẫn, người này thấy người kia hấp dẫn. Nó giống như ở nhà hàng: một người muốn món này trong thực đơn, một người muốn món đó. Vậy thì sao? Không có gì đặc biệt.

Khi bạn có thể mở rộng kiểu suy nghĩ này thì nó trở nên rất thú vị. Tại sao mọi người nên thích làm mọi việc theo cách tôi làm? Dĩ nhiên, nó là tâm ái ngã đằng sau sự suy nghĩ này: “Cách tôi làm điều đó là đúng.”. Rồi thì ta cảm thấy bực mình, khi người khác sắp xếp các bìa đựng tài liệu trên bàn hay thư mục trong máy vi tính của họ theo một cách khác: “Như vậy là sai!”. Việc thừa nhận có nhiều cách khác nhau để làm việc là tốt, giống như có nhiều đối tượng hấp dẫn tính dục khác nhau.

Khi chúng ta đọc hay lắng nghe về việc rèn luyện thái độ này, trong đó điểm nhấn mạnh là chấm dứt tâm ái ngã và bắt đầu nghĩ đến người khác, thì ta không phải đưa nó đến mức trọn vẹn, nghĩ rằng mình đang hoạt động để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Tất nhiên, ta có thể làm như mình đã nói trước đây, “Tôi là một trong 7 tỷ người trên hành tinh này, cùng với vô số động vật và côn trùng. Mọi người đều cảm thấy hạnh phúc, bất hạnh, hay trung lập, nên không có gì đặc biệt về tôi cả.”. Ta sẽ nghĩ về những gì mình cảm nhận trong bối cảnh của mọi người, và tâm ta sẽ cởi mở hơn nhiều, thay vì cái “tôi, tôi, tôi thông thường”. Nó giống như với hiện tượng hâm nóng toàn cầu; bạn phải xem xét nó sẽ ảnh hưởng đến mọi người như thế nào, bởi vì nó không chỉ liên quan đến một người.

Tuy nhiên, không phải đi xa đến mức đó để thật sự thực hiện một sự thay đổi có lợi, từ tâm ái ngã đến ái tha. Chúng ta cũng có thể làm điều đó ở quy mô khiêm tốn hơn, nhìn vào ngay môi trường xung quanh mình, “tôi không phải là người duy nhất trong mối quan hệ này”, hay là “tôi không phải là người duy nhất trong gia đình này”. Nhờ vậy, dần dần, ta sẽ quan tâm hơn về nhóm người lớn hơn. Có lẽ chúng ta chưa thể bao gồm tất cả mọi người trong vũ trụ, nhưng có thể bắt đầu ở quy mô này, không chỉ ở mức độ hời hợt về việc có bao nhiêu người bấm chữ 'thích' trên Facebook, mà cả những cuộc gặp gỡ riêng tư với người khác.

Vâng, điều này bị hạn chế, bởi vì chúng ta có thể tiếp cận với rất nhiều người trên mạng xã hội, hơn là trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi một mạng xã hội ảo thay thế các mối quan hệ và liên lạc thật sự thì đó là khi vấn đề bắt đầu. Bạn có thể có mặt với ai đó, nhưng không thực sự ở đó, vì bạn đang nhắn tin cho người khác. Hiện nay, đó là một hiện tượng phổ biến, không chỉ trong thanh thiếu niên, mà cả những đứa trẻ nói rằng chúng cảm thấy bị bỏ rơi, vì cha mẹ chúng liên tục nhắn tin và không để ý đến chúng.

Tu Tập Pháp Luyện Tâm Bằng Những Cách Khác Nhau

Ta có thể thực hành pháp luyện tâm ở nhiều mức độ. Điều cần thiết là sử dụng trí thông minh đối với những điều mà mình cho là thực tiễn, chứ không cần liên hệ với bất cứ thực hành kỳ lạ nào. Điều thực tiễn là mình không phải là người duy nhất trên vũ trụ này, và không phải là người quan trọng nhất trên vũ trụ, tuy nhiên, cũng không phải chúng ta không là gì cả. Ta là một trong nhiều sinh vật trong vũ trụ, là một thành phần của vũ trụ. Chúng ta có thể sử dụng trí tưởng tượng trên khía cạnh đồng cảm, để cố gắng thông cảm cho hoàn cảnh và cảm giác của người khác, và cách họ trải nghiệm sự việc.

Trí thông minh và trí tưởng tượng của chúng ta là hai công cụ tuyệt vời mà mình có thể sử dụng. Chúng ta có thể rèn luyện trí thông minh bằng lý lẽ, và rèn luyện trí tưởng tượng bằng những cách như pháp quán tưởng, không phải để giống như một cái máy vi tính với trí năng, hay để thắng huy chương vàng về việc quán tưởng tất cả các loại chi tiết tuyệt vời, mà là để khắc phục những khó khăn và vấn đề trong cuộc sống của mình. Ở phạm vi rộng lớn hơn, ta cũng làm điều này để có thể giúp người khác thực hiện mục tiêu tương tự. Có được phạm vi rất rộng lớn, rộng mở là điều rất tốt, khi ta có thể thấu hiểu và đồng cảm với mọi người về tất cả những điều đã xảy ra với họ, những gì hiện đang xảy ra với họ và những gì có khả năng xảy ra với họ trong tương lai. Điều này liên hệ đến cả hai điều, trí thông minh và trí tưởng tượng tuyệt vời!

Ta có thể đưa điều này vào cuộc sống hàng ngày theo nhiều cách khác nhau. Mức độ đơn giản nhất là để có được cảm giác “không có gì đặc biệt” này, xuất phát từ sự hiểu biết rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, tốt hay xấu hay trung lập, thì cũng không có gì đặc biệt. Trong suốt lịch sử, ít nhất là từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến nay, mọi người đều nói rằng, “Đây là thời kỳ tồi tệ nhất: thế hệ trẻ hoàn toàn suy đồi, kinh khủng và đồi bại.”. Nếu bạn nhìn vào nền văn học trải qua nhiều thời kỳ thì tất cả mọi người đều nói như vậy, nhưng điều đó không thật sự đúng. Không có gì đặc biệt về những điều đang xảy ra, không có gì đặc biệt về tôi, và không có gì đặc biệt về những điều tôi cảm nhận. Nó chỉ trôi chảy liên tục, dưới sự thúc đẩy của một số nhân duyên tương tác với nhau. Chúng ta chỉ cần đối phó với nó theo cách mang lại lợi ích tối đa, sử dụng trí thông minh và trí tưởng tượng của mình để đồng cảm với bản thân và người khác.

Tóm Tắt

Mỗi người chúng ta chỉ là một trong hơn bảy tỷ người trên hành tinh này, nhưng không ai trong chúng ta khác biệt với bất cứ người nào khác. Khi cố khắc phục thái độ ái ngã, thì mình sẽ tự động trở nên thực tế hơn: ta sẽ thấy tất cả mọi người đều cùng chung cảnh ngộ ra sao, thay vì mọi người chống lại mình. Không có gì đặc biệt về mình, đó là một nhận thức sẽ mang lại cho mình sự cải thiện lớn về chất lượng hạnh phúc trên khía cạnh cảm xúc, và trong sự giao tiếp với người khác.

Top