Không Có Gì Đặc Biệt Về Mình Và Cảm Thọ Của Mình

Dẫn Nhập

Pháp luyện tâm hay rèn luyện thái độ, lojong trong tiếng Tây Tạng, là một chủ đề rất rộng lớn, đối phó với cách mình trải nghiệm cuộc sống, và cách mình có thể thay đổi thái độ đối với những gì mình trải nghiệm. Chúng ta đều biết đời sống thì đầy thăng trầm và thường không rất dễ dàng. Lúc nào nhiều chuyện cũng xảy ra với chúng ta, và chúng phát sinh từ những nhân duyên rất rộng lớn.

Như một ví dụ dễ hiểu, hãy nghĩ về việc tất cả chúng ta họp mặt ở đây tối nay. Điều gì đã đưa bạn tới đây? Có đủ các khía cạnh vật chất, giao thông và chuyên chở, thực tế là bạn sống trong thành phố, rồi bạn có bất kỳ sở thích nào đó, những điều đang diễn ra trong gia đình, công việc và cuộc sốngcủa bạn nói chung. Nhờ kết quả của vô số nhân duyên rộng lớn mà chúng ta đang ngồi đây với nhau, tất cả mọi người xuất thân từ bối cảnh khác nhau, và nhân duyên khác nhau.

Bây giờ, khi chúng ta ngồi ở đây, có tất cả các bạn, có tôi và người phiên dịch. Còn có một máy video thu hình buổi họp mặt của chúng ta. Đâu là sự khác biệt giữa việc bạn nhìn thấy tôi và máy ảnh? Giống như chúng ta, máy ảnh cũng có mặt ở đây vì nhiều nhân duyên: có người đã sản xuất nó, một người khác đã mua nó, nhưng một người khác đã bố trí nó ở đây. Cả máy ảnh và chúng ta đều thu nhận thông tin. Tuy nhiên, sự khác biệt thật sự là chúng ta phát triển cảm giác, dựa vào những thông tin mình tiếp nhận, cụ thể là một mức độ hạnh phúc hoặc bất hạnh nào đó. Máy ảnh và máy vi tính không có kinh nghiệm về những thông tin chúng nhận được.

Hạnh Phúc Là Gì?

Dường như nguyên tắc cơ bản của cuộc sống là tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Điều này sẽ tạo ra nguồn cảm hứng để chúng ta suy nghĩ, “Thật ra hạnh phúc là gì? Thật sự thì chúng ta muốn gì?”

Theo quan điểm của đạo Phật thì hạnh phúc được định nghĩa là cảm giác mà khi trải nghiệm nó thì tự nhiên mình không muốn rời xa nó; chúng ta thích nó và hài lòng để cho nó tiếp diễn.

Nó là một kinh nghiệm tinh thần, có thể đi kèm với nhận thức về mặt thể chất, như nhìn thấy một cái gì đó hoặc ai đó, hay một nhận thức tinh thần, như suy nghĩ về một điều gì hoặc một người nào đó. Nó không phải là việc ưa thích những gì mình đang nhìn thấy, hay đang suy nghĩ; mà đúng hơn là chúng ta thích cảm giác mà mình có, trong khi nhìn thấy hoặc suy nghĩ về điều đó. Tuy nhiên, hạnh phúc không giống như cảm giác dễ chịu về mặt thể chất, nó là một trạng thái tinh thần. Nó cũng không giống như cảm xúc phiền não của việc bám chấp, mà chúng ta phóng đại phẩm chất tốt đẹp của điều gì đó, như sô cô la, tuổi trẻ của mình, hay thậm chí là hạnh phúc, và không muốn buông bỏ nó.

Mức độ hạnh phúc mà chúng ta trải nghiệm khi xem một cái gì đó, ví dụ như một bộ phim, có thể ở mức độ thấp, nhưng nếu sau vài phút mà chúng ta vẫn xem nó, và không muốn nhìn đi chỗ khác thì điều này cho thấy là chúng ta hài lòng và không muốn rời xa cảm giác của mình. Chúng ta có thể nói rằng mình vẫn “vui vẻ khi nhìn thấy nó.”. Nếu không hài lòng về nó thì sự bất hạnh được định nghĩa là cảm giác mà khi trải nghiệm nó thì tự nhiên mình muốn rời xa nó, và thường thì ta sẽ cố gắng thay đổi kinh nghiệm bằng cách đơn giản nhìn qua chỗ khác. Rồi đương nhiên, đôi khi chúng ta cũng có những cảm giác trung hòa, khi mà mình không muốn phải rời xa và cũng không muốn gần gũi điều gì đó; chúng ta sẽ có thái độ dửng dưng.

Tuy nhiên, thông thường, nếu nghĩ về các thuật ngữ “hạnh phúc” và “bất hạnh” thì chúng ta nghĩ về các thái cực, một là một nụ cười to trên mặt mình, hai là thật sự buồn bã và trầm cảm. Tuy nhiên, cảm giác hạnh phúc và bất hạnh không cần phải kịch tính như vậy, bởi vì chúng ta đang trải nghiệm mỗi một khoảnh khắc của cuộc sống ở một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh, và hầu hết các khoảnh khắc thì không có ấn tượng quá mạnh mẽ.

Những Thăng Trầm Của Cuộc Đời?

Ta sẽ trải nghiệm tất cả mọi việc đang xảy ra trong mỗi một khoảnh khắc, và giống như chúng ta ở đây, những điều này xuất phát từ hàng triệu nhân duyên kết hợp với nhau. Chúng ta tiếp nhận thông tin về những gì đang xảy ra xung quanh mình, hoặc chỉ trong tâm mình, và trong khi điều này đang xảy ra thì mình sẽ trải nghiệm nó ở các mức độ hạnh phúc và bất hạnh khác nhau. Chúng ta thường mô tả hiện tượng này theo tâm trạng mà mình đang có, một tâm trạng tốt hay tâm trạng xấu.

Bản chất của cuộc sống là thăng trầm trong mọi lúc, đúng không? Và tâm trạng mà chúng ta có thì không luôn luôn tương ứng với thông tin mà mình đang tiếp thu, những gì diễn ra xung quanh mình, và những gì mình đang làm. Chẳng hạn, chúng ta có thể đang làm điều mà mình thường thích làm, nhưng lại đang có tâm trạng xấu, nên không vui và không thưởng thức nó. Hoặc chúng ta có thể đang làm điều gì không thú vị cho lắm, như một bài thể dục nặng nhọc, nhưng lại vui vẻ tập luyện, và muốn tiếp tục tập nó. Điều thú vị là khi nhìn thấy cách tâm trạng của mình không luôn luôn tương ứng với những gì mình thật sự đang làm.

Khi trải nghiệm từng khoảnh khắc thì ta luôn có một thái độ nào đó đối với khoảng khắc ấy. Hiện nay, thái độ là cái mà chúng ta đang nói đến, vậy nó là gì? Thái độ đơn giản là cách ta lưu tâm đến một điều gì đó. Chúng ta có thể có nhiều thái độ khác nhau, và tùy thuộc vào thái độ đó, nó sẽ ảnh hưởng tâm trạng của mình rất nhiều. Trong những trường hợp bình thường, thật ra thì chúng ta không thể làm gì để thay đổi những thăng trầm mà lúc nào mình cũng trải nghiệm trong cuộc sống. Ngay cả khi bạn dùng một loại thuốc nào đó để làm cho mình cảm thấy thoải mái hơn thì về lâu dài, vẫn sẽ có những thăng trầm, phải không? Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể cải thiện là thái độ của mình.

Hiện giờ, khi nói về việc rèn luyện thái độ của mình thì có hai khía cạnh. Một trong những điều này là cố gắng làm sạch, hay chấm dứt thái độ phá hoại đối với mọi việc. “Phá hoại” có thể là một chữ quá nặng nề, nên chúng ta cũng có thể nói là “bất lợi”. Nhưng theo ý nghĩa nào đó thì nó tự phá hoại bản thân, bởi vì những thái độ này khiến cho mình cảm thấy tệ hại hơn. Khía cạnh khác là rèn luyện bản thân để có cách nhìn sự việc một cách hiệu quả hơn.

Ở đây, điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta không nói về những gì mọi người thường gọi là “sức mạnh của tư tưởng tích cực”, đó là điều siêu lạc quan: “Tất cả mọi việc đều tuyệt vời; mọi thứ đều tuyệt và hoàn hảo!”. Điều này có thể giúp ích, nhưng hơi đơn giản. Để có một phương pháp thật sự hiệu quả, để đối phó với thái độ của mình thì chúng ta cần nhìn sâu hơn.

Video: Geshe Lhakdor — “Vì Sao Học Phật?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Không Có Gì Đặc Biệt Về Điều Tôi Đang Cảm Nhận

Trước tiên, hãy tập trung vào thái độ mà ta có đối với cảm xúc của mình, cụ thể là thái độ của chúng ta về mức độ hạnh phúc hay bất hạnh mà mình cảm thấy. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này trong bối cảnh của một vấn đề mà hầu hết mọi người đều gặp phải, đó là việc phóng đại tầm quan trọng của những gì họ cảm nhận.

Chúng ta làm lớn chuyện về bản thân, về cái “tôi”, và làm lớn chuyện về cảm nhận của mình. Chúng tôi trải nghiệm tất cả mọi thứ qua cái được gọi là nhị nguyên. Ví dụ, chúng ta có quan điểm về cái “tôi” ở một bên và sự bất hạnh ở phía bên kia. Chúng ta sợ sự bất hạnh này, và cố gắng hết sức để bảo vệ bản thân và tiêu diệt nó. Nhưng khi có thái độ này thì ta sẽ cảm thấy như thế nào? Nó làm cho sự việc tồi tệ hơn, đúng không?

Hãy suy nghĩ về điều đó một lúc: thái độ của bạn ra sao, khi tâm trạng của bạn tồi tệ và không vui? Tôi không có ý nói là khi bạn khóc và thật là buồn, tôi chỉ có ý nói là cảm giác khi bạn ngồi làm việc hoặc xem truyền hình, hay bất cứ điều gì, và bạn chỉ nghĩ, “Ugh, tôi cảm thấy tệ hại.”. Ta có nghĩ rằng nó giống như khi ta đang ngồi đây, và một đám mây đen lớn bay đến với mình, rồi thì mình muốn đưa tấm khiên để tránh nó, “Tôi không muốn điều này!”.  Đây có phải là một phần kinh nghiệm của bạn không? Thường thì có vẻ như tâm trạng tồi tệ chợt đến, và chúng ta không bao giờ muốn điều đó. Càng chú tâm vào nó, rằng nó kinh khủng đến mức nào, thì nó càng trở nên tồi tệ hơn. Vấn đề ở đây là chúng ta đã phóng đại những gì đang diễn ra, và tạo ra hai thứ từ đó, một bên là “tôi”, và một bên là tâm trạng xấu.

Bây giờ, còn hạnh phúc thì sao? Một lần nữa, chúng ta có xu hướng nhị nguyên để trải nghiệm nó, một bên là “tôi” và bên kia là hạnh phúc, rồi thì mình sợ mất nó, nên ta bám lấy và cố gắng giữ lấy nó. Có một cảm giác bất an, vì ta sợ nó sẽ trôi qua, và mình sẽ mất nó; cảm giác tốt đẹp sẽ dừng lại. Thật khó mà thư giãn và tận hưởng cảm giác hạnh phúc, vì sự bất an này thật sự phá hủy nó, đúng không? Trên hết, có thể có đủ thứ phức tạp như “tôi không xứng đáng được hạnh phúc” và tất cả những điều đó.

Nếu bạn bắt đầu nghĩ về nó thì thật buồn cười, khi thường thì chúng ta hơi giống con thú một chút. Hãy nhìn cách một con chó ăn, cứ cho là nó thích món mà nó đang ăn, nhưng nó luôn luôn nhìn quanh, hơi căng thẳng là ai sẽ lấy đi thức ăn đó. Bạn có bao giờ có cảm giác đó không? Chúng ta cảm thấy hạnh phúc, nhưng sợ rằng ai đó sẽ đến và khám phá ra bạn, và sẽ đem nó đi. Nó có vẻ hơi kỳ lạ.

Rồi thì có cảm giác trung lập, cũng lại từ tri kiến nhị nguyên của “tôi” và cảm giác trung lập. Chúng ta phóng đại cảm giác trung lập trở thành không có gì, không cảm nhận gì cả. Điều này xảy ra khá thường xuyên, khi ta cảm thấy như thể mình không cảm nhận bất cứ điều gì cả. Nó khiến cho ta cảm thấy như thể mình thật sự không còn sống. Cảm giác trung lập này thật sự làm cho mình cảm thấy có một chút không vui. Chúng ta không thật sự thích sự vô cảm.

Với mỗi một khả năng hạnh phúc, bất hạnh và trung lập, khi càng phóng đại nó và làm cho nó thành chuyện lớn thì nó càng khiến cho mình không vui hơn. Vì vậy, thái độ của mình đối với cảm xúc rất là quan trọng, đối với việc ảnh hưởng đến kinh nghiệm của mình. Chúng ta có xu hướng xem cảm giác hạnh phúc hoặc bất hạnh, hay trung tính là điều gì đó hơi đặc biệt, và thường thấy nó tách biệt với bản thân mình.

Hãy tưởng tượng có ba món ăn trước mặt bạn. Một món thì dở, một món thì ngon, và một món thì nhạt nhẽo; chúng giống như cảm giác bất hạnh, hạnh phúc và trung lập. Khi cảm nhận những điều này thì giống như mình đang đưa nó vào bên trong cơ thể của mình, chúng ta đang “ăn” nó. Và theo ý nghĩa nào đó thì có vẻ như chúng ta có thể chọn không ăn, nhưng thật sự thì bạn không thể làm như vậy, đúng không, đối với cảm xúc, “Ước gì tôi không có bất cứ cảm giác nào.” Nhưng rồi chúng ta cũng không thể cảm thấy sống động, nên đó là điều bất toại nguyện. Chúng ta có thể phối kiểm xem mình có cái “tôi” nhị nguyên ở đây và tâm trạng, cảm giác ở đó, cách biệt với mình hay không.

Cứ Thực Hiện Nó

Điều đầu tiên chúng ta cần phải làm khi rèn luyện thái độ của mình, là có thái độ “không có gì đặc biệt”. Nó có vẻ như không nhiều lắm, nhưng thật sự rất sâu sắc. Không có gì đặc biệt về những gì tôi đang cảm nhận hiện giờ, đời sống thì thăng trầm, đôi khi chúng ta có tâm trạng tốt, đôi khi có tâm trạng xấu, và đôi khi, không có gì xảy ra. Không có gì đáng ngạc nhiên, và không có gì đặc biệt về bản thân mình, như thể chúng ta phải cảm nhận theo những cách nào và không nên cảm nhận những cảm giác khác. Điều chính là chỉ cần tiếp tục với cuộc sống, bất kể mình cảm thấy như thế nào.

Ví dụ, nếu bạn phải chăm sóc con cái thì không cần biết, dù có tâm trạng tốt hay xấu thì bạn vẫn phải làm điều đó. Bạn sẽ lái xe đi làm, cho dù bạn cảm thấy vui hay buồn. Càng chú ý vào bản thân và cảm giác của mình thì càng cảm thấy bất hạnh. Nó không có nghĩa là mình sẽ ngưng cảm nhận bất cứ điều gì, đó không phải là điều tôi muốn nói. Chúng ta nên nhận thức được những gì mình cảm nhận, nhưng đồng thời không làm ra chuyện lớn.

Một số người dường như rất sợ cảm giác không vui, bởi vì họ nghĩ rằng nó sẽ hoàn toàn áp đảo họ. Giống như khi có người chết hay điều gì đó thật khủng khiếp xảy ra thì bạn muốn bảo vệ bản thân, để không phải kinh qua cảm giác không vui, vì nó sẽ quá mức chịu đựng. Nó có thể là một điều vô thức; không cần phải dùng ý thức để ngăn chận cảm giác. Dường như mình muốn chối bỏ nó, như thể nó là một điều gì ngoại lai, đang cố gắng xâm nhập vào bản thân mình. Mặt khác, có những người cho rằng họ không xứng đáng được hạnh phúc. Mọi thứ có thể đang diễn ra tốt đẹp, nhưng họ nghĩ rằng họ không nên có hạnh phúc, bởi vì trên cơ bản thì họ không tốt. Rồi thì bạn có những người không có cảm giác trung lập, lúc nào họ cũng phải giải trí, như nghe nhạc liên tục. Họ cảm thấy như nó sẽ giúp họ giải trí và làm cho họ vui vẻ, nên họ sợ cảm giác trung lập của sự im lặng. Do đó, theo ý nghĩa nào đó thì chúng ta thường sợ các cảm xúc. Tại sao? Đơn giản là vì chúng ta làm cho nó trở thành chuyện lớn, và phóng đại tầm quan trọng của nó. Nhưng cảm giác chỉ là một phần hoàn toàn bình thường trong cuộc sống; nó là cách mà mình trải nghiệm mỗi một khoảnh khắc một cách tự nhiên. Nó là điều khiến cho chúng ta khác với máy ảnh quay video, nên không có gì đặc biệt. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó không quá đơn giản.

Ví Dụ Về Con Chim Rừng Đậu Nơi Cửa Sổ

Điều mà chúng ta cần là một sự quân bình tinh tế. Tất nhiên, chúng ta thích hạnh phúc hơn, nhưng đi cùng với nó vẫn có thể là cảm giác không muốn phá hoại bất cứ hạnh phúc nào mà mình đang hiện có, nên ta bám lấy nó và cảm thấy bất an về điều đó. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng ta biết rằng hạnh phúc mà mình đang hiện có chắc chắn sẽ trôi qua. Nó không kéo dài, bởi vì bản chất của cuộc sống là thăng trầm. Nếu ta biết điều này thì không có lý do gì để lo ngại. Nó sẽ giúp mình được tự do, để tận hưởng hạnh phúc, ngày nào nó còn tồn tại.

Có một ví dụ dễ thương mà đôi khi, tôi sử dụng đối với việc này. Hãy tưởng tượng một con chim rừng rất đẹp, bay đến cửa sổ của mình và đậu ở đó một lúc. Bây giờ, chúng ta có thể đơn giản thưởng thức vẻ đẹp của con chim, nhưng cũng biết nó là chim rừng, và nó sẽ bay đi. Nếu mình cố bắt nó và nhốt nó trong một cái lồng thì con chim sẽ rất, rất là buồn bã. Trong quá trình bắt nó thì con chim sẽ sợ hãi, cố gắng bay đi và không bao giờ quay trở lại. Nhưng nếu chúng ta thoải mái với nó và chỉ tận hưởng vẻ đẹp của con chim trong khi nó ở đó, không có ai sợ hãi hay buồn bã, và có thể nó sẽ trở lại nữa.

Hạnh phúc dường như rất giống như vậy, phải không? Nó cũng giống như thế, đối với những người mà ta thật sự yêu thích. Khi họ đến thăm, ta thường có thái độ là, “Sao bạn không ở lại lâu hơn?”, ngay cả trước khi họ cởi áo khoác ra. “Khi nào thì bạn sẽ đến chơi nữa?” Đại loại là như vậy. Nó là cách điển hình mà ta phá hủy hạnh phúc của mình.

Không có gì đặc biệt. Không có gì đặc biệt cả. Một con chim đến bên cửa sổ của mình; một người bạn đến thăm mình; bạn bè ta gọi điện thoại, không có gì đặc biệt. Nên tận hưởng nó trong khi nó xảy ra, bởi vì đương nhiên nó sẽ kết thúc. Vậy thì sao, bạn mong đợi điều gì? Đúng, chúng ta muốn được hạnh phúc. Khi mình không vui thì hãy chấp nhận nó như là điều mình đang trải qua. Không có gì đặc biệt hay đáng ngạc nhiên về điều đó cả. Điều bất hạnh ấy rồi cũng sẽ qua đi. Khi bạn cố gắng đẩy nó ra thì nó sẽ làm cho sự việc tồi tệ hơn.

Thế thì chúng ta có thể phân tích cảm xúc của mình và quán sát những điều mà mình thật sự sợ hãi. Tôi có sợ cảm giác không vui không? Tôi có sợ cảm giác hạnh phúc không, bởi vì tôi không xứng đáng để có nó? Tôi có sợ cảm giác trung lập không, bởi vì nó chẳng có gì cả? Chúng ta sợ hãi điều gì?

Tôi đã phát triển một điều gọi là luyện tính nhạy cảm, và một trong những bài tập sẽ giúp người ta khắc phục nỗi sợ về cảm giác. Nó đơn giản thôi; bạn cù lét bàn tay của mình, sau đó véo nó, rồi chỉ để tay bình thường. Cảm giác đầu thì  tốt đẹp, cảm giác thứ hai thì không hay lắm, và cảm giác cuối cùng thì trung lập. Nhưng không có gì đặc biệt về bất cứ cảm giác nào trong số đó, phải không? Chúng chỉ là cảm xúc. Vậy thì sao? Đây là loại thái độ mà chúng ta cần phải phát triển. Tôi không có tâm trạng tốt, vậy thì sao? Nó không có gì đặc biệt. Ta sẽ thừa nhận rằng mình có tâm trạng xấu, và nếu có thể làm điều gì để cải thiện nó, thì tại sao không? Nếu không thể làm điều gì hết thì chỉ cần đối phó với nó thôi. Thật ra thì thậm chí bạn không cần phải đối phó với nó, bạn cứ tiếp tục làm bất cứ điều gì bạn đang làm. Nếu thật sự muốn thay đổi cách mình trải nghiệm cảm giác đó, thì cần phải xem xét những cách khác, để thay đổi thái độ của mình đối với nó.

Điều này, “không có gì đặc biệt”, là mức độ đầu tiên. Không có gì đặc biệt về cách tôi cảm nhận, và không có cái “tôi” tách rời những cảm xúc này, mà chúng ta cần phải che chắn để tránh né nó. Có những sự thăng trầm, đời là thế đó.

Không Có Gì Đặc Biệt Về Tôi

Liên hệ với “không có gì đặc biệt về cảm giác” là “không có gì đặc biệt về tôi và những gì tôi đang cảm nhận trong hiện tại”. Điều này đưa đến đề tài mà chúng ta gọi là “ái ngã ” trong Phật giáo. Chúng ta trải nghiệm mọi điều về khía cạnh ái ngã. Thật ra, điều này có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là ta chỉ hoàn toàn quan tâm đến bản thân mình. Chúng ta chú trọng vào bản thân và những gì mình hiện đang cảm nhận, và bỏ mặc người khác: “Họ cảm nhận như thế nào cũng không quan trọng. Tôi không được vui.”.

Một lần nữa, bí quyết là hãy nghĩ rằng không có gì đặc biệt về bản thân và những gì mình nghĩ. Tâm trí mình càng hẹp hòi bao nhiêu đối với việc bám lấy cái “tôi” thì mình càng không hạnh phúc. Nó giống như một bắp thịt rất cứng và căng thẳng. Tâm trí của mình cũng giống như vậy, “tôi, tôi, tôi”, nhưng nếu ta nghĩ về bảy tỷ người và vô số động vật trên hành tinh này thì những gì mình cảm nhận không có gì đặc biệt. Tất cả mọi người hiện đang cảm nhận một điều gì đó. Một số người cảm thấy hạnh phúc, một số không vui và một số thì trung lập (có thể họ đang ngủ!). Và đối với mỗi một cá nhân thì cảm giác của họ thay đổi liên tục. Nếu như nhìn theo cách này thì có gì đặc biệt về mình và những cảm giác của mình ngay trong hiện tại?

Giống như khi bạn bị kẹt xe kinh khủng. Bạn có nghĩ rằng những người khác đang bị kẹt xe như vậy đang trải qua khoảng thời gian tuyệt vời và thật vui vẻ hay không? Càng nghĩ nhiều về “Tôi, tôi, tôi, tôi ở đây và bị mắc kẹt, và tôi không thể thoát khỏi cái cảnh này, thật là kinh khủng!” thì mình càng thấy buồn bực hơn, đúng không? Nếu bạn nghĩ về tất cả mọi người đang bị kẹt xe thì nó sẽ tự động làm cho tâm trí bạn cởi mở hơn, thoải mái hơn.

Tôi nhớ khi chúng tôi trên đường đi đến đây hôm nay thì xe cộ bị kẹt cứng, và có con đường nhỏ phía bên này có rất nhiều xe muốn đi vào con đường mà chúng tôi đang đi. Những chiếc xe này muốn đi qua tuyến đường của chúng tôi để đi vào tuyến đường đi theo hướng khác, nhưng xe cộ bên tuyến đó cũng không di chuyển, nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn băng qua các tuyến đường  theo hướng của chúng tôi, và qua đến phía bên kia. Tất nhiên  là người ta đã không cho họ đi qua, và bạn nghĩ, “Trời ơi, làm sao mà họ băng qua được?” Họ bắt đầu nhích lên và đưa mũi xe vô, và vân vân, và nó bắt đầu trở nên rất thú vị. Rồi thì chiếc xe ở trước xe của chúng tôi, ngay cả khi anh ấy có thể nhích lên chút xíu, nhưng lại đang nói chuyện bằng điện thoại di động, nên không chú ý. Thế là anh không nhích xe lên, vì vậy mà những chiếc xe phía sau rất căng thẳng.

Khi tất cả những điều này đang diễn ra, rồi thì đột nhiên, bạn không nghĩ về việc: “Tội nghiệp cho mình quá, mình đang mắc kẹt trong đám xe cộ này.” Nó giống như một bi kịch mà bạn đang xem. Bằng cách tự hỏi, “Làm sao họ có thể lèo lái để đi qua bao nhiêu tuyến đường như vậy? Làm sao họ có thể tìm ra đường của họ?”, bạn không chỉ nghĩ về bản thân mình. Bạn đã thay đổi thái độ. Bạn không làm lớn chuyện về cái “tôi”. Và khi chúng ta ngừng làm chuyện lớn về cái “tôi”, “Tôi rất đặc biệt. Tôi là người đặc biệt trong đám xe cộ này”, rồi thì toàn bộ cách mình trải nghiệm tình huống sẽ thay đổi. Hãy nghĩ về điều đó.

Vấn Đề Của Tâm Ái Ngã

Một bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng, được gọi là Kunu Lama, đã gợi ý một bài tập rất hữu ích. Ngài nói hãy tưởng tượng mình ở một bên, và mọi người ở phía bên kia, rồi hãy nhìn một cách riêng rẽ, như một người quan sát. Cái “tôi” ở một bên của bức tranh này không vui, nhưng những người khác ở phía bên kia cũng vậy. Hay bạn bị kẹt xe và tất cả những người khác cũng vậy. Bây giờ, với tư cách là người quan sát trung lập thì ai là người quan trọng hơn? Một người là “tôi”, người cố vượt lên trước mọi người, hay toàn bộ đám đông đang bị kẹt xe? Hãy thử cách này.

Hiển nhiên là nhóm lớn hơn quan trọng hơn một người, đúng không? Nó không có nghĩa là mình chẳng là gì cả. Thật ra, nếu ta lo lắng và quan tâm đến mọi người thì mình cũng đã được tính trong “tất cả mọi người” đó. Nó đơn giản là mình không đặc biệt hơn người khác, đặc biệt là về mặt cảm xúc của mình.

Vậy thì vấn đề là tâm ái ngã, cái “tôi, tôi, tôi. Tôi quá quan trọng” liên tục này. Khi chúng ta không vui, nghĩ rằng có đám mây che phủ ta, và có một cái “tôi” tách rời với nó, đây là tầm quan trọng của “tôi”. Khi chúng ta vui vẻ thì tất cả cũng là “tôi, tôi, tôi”. Ta không muốn một con chó lớn hơn chạy tới rồi lấy mất cục xương của mình. Rồi đôi khi, chúng ta có ý nghĩ, “Tôi, tôi, tôi. Tôi không cảm thấy gì cả. Tôi không được giải trí. Tôi cần được giải trí.”.

Mở Lòng Ra Với Tâm Ái Tha

Sự bận tâm về bản thân này, chú trọng vào cách bị hạn chế về “tôi” và điều tôi cảm nhận, là vấn đề. Điều chúng ta phải làm là thay đổi quan điểm này, để nghĩ về mọi người và có động lực hướng về phía mọi người: “Nguyện cho tất cả mọi  người thoát khỏi vụ kẹt xe này.” Nếu bạn nghĩ về điều đó thì làm sao một mình ta có thể thoát khỏi vụ kẹt xe? Phải loại bỏ vụ kẹt xe, và điều này bao gồm tất cả mọi người trong đó. Nếu mối quan tâm của bạn có phạm vi lớn hơn nhiều, bao gồm tất cả mọi người, thì bạn sẽ thoải mái hơn nhiều. Chúng ta sẽ không quá căng thẳng hay khủng hoảng vì bị kẹt xe. Và cuối cùng, khi thoát khỏi vụ kẹt xe thì đừng nghĩ rằng, “Tuyệt quá, tôi đã thoát khỏi nó!”, mà hãy nghĩ về khía cạnh, “Thật tuyệt vời, mọi người đều đã đến nơi mà họ cần đến.”. Rồi thì chúng ta sẽ không bám lấy niềm hạnh phúc ấy, như thể ai đó sẽ lấy cục xương của mình đi mất.

Trên cơ bản thì đây là điều mà chúng ta gọi là lòng bi mẫn, đó là nghĩ về sự bất hạnh của người khác, quan tâm đến nó giống như cách ta quan tâm đến chính mình, rồi gánh trách nhiệm để giúp mọi người vượt qua nỗi bất hạnh đó, mặc dù có thể nó không có gì đặc biệt. Không có lý do gì để phiền muộn, nghĩ về tất cả những điều khủng khiếp đang xảy ra trên thế giới. Đó là điều tự nhiên và lúc nào cũng xảy ra; nhưng nếu mọi người đều vui vẻ thì vẫn tốt hơn, phải không?

Khi bạn tự nguyện nhận lấy một chút trách nhiệm, nghĩ rằng, “Tôi sẽ quan tâm đến mọi người và mong mọi người thoát khổ”, thì bạn đã phát triển ý thức rộng lớn về lòng can đảm và tự tin. Đây là điều mà Đức Dalai Lama rất thường nói đến. Nếu chỉ nghĩ cho bản thân và sự bất hạnh của mình thì chúng ta thật sự rất yếu đuối. Nhưng việc tự nguyện nghĩ về người khác và sự bất hạnh của họ đòi hỏi rất nhiều sức mạnh. Nó hoàn toàn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là dấu hiệu của sức mạnh, đưa đến sự tự tin đáng kinh ngạc. Thái độ tích cực này cũng tự động dẫn đến cảm giác hạnh phúc. Không có vấn đề, “Tội nghiệp cho tôi quá, tôi bị kẹt xe.”. Thay vì vậy, ta sẽ nghĩ về tất cả mọi người ở trong tình trạng kẹt xe đó, và thật lòng mong cho họ hết bị kẹt xe. Điều đó dũng cảm hơn nhiều, khi mình nghĩ về mọi người trong tình trạng kẹt xe, rồi cuối cùng, cũng có được cảm giác tích cực hơn về bản thân mình. Chúng ta không yếu đuối, hay bị việc kẹt xe áp bức; mà trở nên mạnh mẽ.

Nếu không chỉ nghĩ về bản thân, mà còn nghĩ đến những người khác bị kẹt xe thì nó sẽ gián tiếp giúp đỡ người khác. Chẳng hạn như mình sẽ không hung hăng và liên tục bóp kèn (điều này rõ ràng là vô nghĩa, vì dù sao thì không ai có thể di chuyển). Khi chiếc xe ở bên đường nhỏ đang nhích vào và chắn đường của mình thì ta sẽ không mở cửa sổ để hét lên những lời tục tĩu. Thế là cả hai bên đều thư giãn. Tuy nhiên, ta không thể có quá nhiều ảnh hưởng đối với người xung quanh.

Đây là một ví dụ đơn giản về cách ta có thể thay đổi thái độ của mình, để thay đổi chất lượng về cách mình trải nghiệm những thăng trầm tự nhiên của cuộc sống. Tất cả chỉ cần sự rèn luyện, và một chút can đảm, để khắc phục cảm giác là mình rất đặc biệt, và những gì mình cảm nhận là rất đặc biệt, và xem mọi tình huống bằng cách tốt nhất.

Đối Phó Với Tâm Sân

Nếu bị kẹt xe và có ai qua mặt mình thì sự tức giận có thể lóe lên một cách bất tự chủ. Một cách khác để thay đổi thái độ là nghĩ về tất cả các nguyên nhân có thể khiến tình huống này xảy ra, như là có thể người kia có một đứa bé bị bệnh và đang cố gắng đến bệnh viện. Điều này có thể giúp ta bình tĩnh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề là cơn giận phát sinh lúc đầu vẫn cứ tiếp tục hoài. Đó là một quá trình thật dài để khắc phục các xu hướng và thói quen giận dữ. Việc thay đổi thái độ, như trong ví dụ này, bằng cách nghĩ rằng người lái xe vội vã có thể có lý do chính đáng để làm như vậy, chỉ là một cách tạm thời để đối phó với cơn giận. Chúng ta phải đào sâu hơn nhiều để tiệt trừ gốc rễ của cơn giận, điều này liên quan đến cách mình thấu hiểu bản thân và người khác.

Chúng ta có khuynh hướng nhận diện bản thân và người khác chỉ bằng một sự cố nhỏ xảy ra trong cuộc sống. Chẳng hạn như ta xem người này là một người thậm tệ, đang cố qua mặt mình trong lúc kẹt xe, và đó là tất cả những gì mình nghĩ về người đó, nên ta nhận định họ bằng một điều duy nhất xảy ra trong cuộc sống của họ, đặc biệt là khi nó cũng liên quan đến mình bằng cách nào đó. Chúng ta tạo cho họ một cá tính vững chắc, giống như điều ta có về bản thân mình. Rồi thì có cái “tôi” vững chắc này là người nổi giận.

Phải cố gắng nới lỏng điều này đến mức mình sẽ không nhận định bất cứ điều gì về họ hay bản thân mình, nhưng đây là một quá trình sâu sắc và lâu dài. Hãy nghĩ về một bức tranh tĩnh lặng về ai đó. Đó là một khoảnh khắc của người đó, chứ không phải là tất cả mọi sự về họ. Nên chúng ta cần phải chấm dứt việc xem bản thân mình, cuộc sống của mình và những người khác như những tấm ảnh tĩnh lặng. Tất cả mọi việc lúc nào cũng thay đổi. Một khi đã nới lỏng quan điểm lừa đảo về sự việc thì mình cần phải làm quen với nó, bởi vì xu hướng của mình là luôn luôn giữ chặt nó. Cuối cùng thì ta hoàn toàn có thể chấm dứt sự căng thẳng vì tức giận hay ghen tuông, hoặc bất cứ điều gì khác.

Không Có Gì Sai Trái Về Việc Cảm Nhận Hạnh Phúc

Việc rèn luyện để không tạo ra bất cứ điều gì đặc biệt về cảm xúc của mình hoặc bản thân mình, và không phóng chiếu những bản chất cố định, hạn hẹp về bất kỳ người nào, kể cả chính mình, sẽ giúp ta cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúng ta sẽ giải quyết những tình huống khó khăn dễ dàng hơn, nên cuộc sống không trở thành một sự tranh đấu. Ta sẽ có cảm xúc quân bình hơn, là một người hạnh phúc hơn.

Mục tiêu lớn hơn là nghĩ về người khác và cách mình đối phó với họ. Nếu ta sống trong một gia đình và có con cái, nếu ta có bạn bè và đồng nghiệp, nếu ta luôn luôn có tâm trạng xấu, và cứ nghĩ “tội nghiệp cho mình quá” và những điều như vậy thì mình sẽ ở trong một vị thế rất yếu, để có thể giúp họ, và trên thực tế là làm cho họ không vui. Vì vậy, chúng ta muốn làm sao để đối phó với tâm trạng của mình một cách hiệu quả hơn, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến người khác, nó sẽ ảnh hưởng đến gia đình của mình, vân vân, và chúng ta quan tâm đến họ. Đó là một lý do khác để cải thiện bản thân mình.

Sự nỗ lực vì hạnh phúc gần như là một điều sinh học, và không có gì sai trái về việc cảm nhận hạnh phúc, và ta phải cố gắng để đạt được hạnh phúc. Nhưng khi có được nó thì mình cần phải nhận ra bản chất của nó, là nó sẽ trôi qua, nên chỉ cần tận hưởng nó ngay lúc đó. Càng thoải mái về điều đó thì mình càng  thấy hạnh phúc thường xuyên hơn. Và đôi khi, ta sẽ không vui, nhưng vậy thì sao? Chúng ta mong đợi điều gì? Không thành vấn đề. Không có gì đặc biệt.

Khi ta nghĩ rằng không có gì siêu đặc biệt về những gì đang diễn ra, thì chính điều đó là một cách thoải mái hơn để trở nên vui vẻ hơn. Vấn đề là chúng ta không lo lắng, nên không có sự gắng sức loạn thần liên tục là “Tôi phải luôn vui vẻ, tôi phải luôn luôn được giải trí, tôi luôn luôn phải được những gì tôi muốn. Cách suy nghĩ như vậy thật là khó chịu. Hãy nhớ những gì chúng ta đã nói, hạnh phúc không nhất thiết là phải tương ứng với những gì bạn đang làm, bạn vẫn có thể làm điều giống như vậy, và cảm thấy hạnh phúc, bất hạnh, hay trung lập, vào những ngày khác nhau. Nó chỉ là vấn đề tùy theo điều mà bạn chú tâm vào.

Tôi sẽ cho một ví dụ. Tôi rất thích đi gặp nha sĩ, vì nha sĩ của tôi là một người tuyệt vời, và chúng tôi có quan hệ rất thân thiện, luôn nói đùa với nhau, vân vân. Thật là dễ chịu khi đến đó, vì tôi không chú tâm vào việc, “Tôi thật là lo có thể ông ấy phải khoan cái răng này, hay làm gì đó.”. Không có sự lo âu. Tôi chỉ nhìn nó bằng sự vui vẻ, “Thật là tuyệt, ngày mai, tôi sẽ gặp bạn tôi.”.

Bạn có thể nghĩ rằng tôi hơi quái dị, nhưng một khi rút tủy răng xong thì tôi hoàn toàn thấy thích thú. Nó thú vị bởi vì tôi phải há miệng to, và họ tiếp tục đặt nhiều dụng cụ vô đó hơn, và tôi bắt đầu cười, vì không thể tưởng tượng họ có thể bỏ thêm bao nhiêu thứ vô đó nữa. Hãy chú ý rằng tôi đã được gây tê bằng thuốc Novocaine, nên không có cảm giác gì hết!

Ý tôi là dĩ nhiên, chích thuốc Novocaine thì hơi đau, nhưng vậy thì sao? Bạn có muốn khỏi bị chích và phải chịu đau 30 phút trong khi lấy tủy răng, hay là chịu đau một vài giây khi bị chích? Bạn sẽ vui vẻ chấp nhận việc tiêm thuốc, dù là hơi đau, vì nó chỉ đau một thời gian rất ngắn.

Tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào thái độ của mình. Đây là việc rèn luyện thái độ. Nó hữu hiệu, và cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta. Nếu cần phải lấy tủy răng thì ta sẽ làm cho nó trở thành một sự tra tấn, hay làm cho nó không quá tệ? Mình phải trải nghiệm nó, vì không có sự lựa chọn nào khác, vậy thì tốt hơn hết là làm cho nó trở thành một kinh nghiệm dễ chịu càng nhiều càng tốt. Đó là nguyên tắc đằng sau sự việc.

Tóm Tắt

Nobody wakes up in the morning wishing for problems or suffering; everything we do is aimed toward making us happier. Yet, this elusive goal never seems to get much closer. By concentrating on ourselves, and exaggerating the importance of who we are, what we do, and what we feel, we either fail to enjoy the happiness we have or we dwell on the difficulties we have to face. Through training our attitude to be more inclusive of others and their feelings, we open a door to a more relaxed and happy experience of the ups and downs that we all go through.

Không có ai thức dậy vào buổi sáng mà muốn gặp khó khăn hay đau khổ; tất cả mọi sự chúng ta làm là nhắm vào mục đích giúp cho mình hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, mục tiêu mơ hồ ấy dường như chẳng bao giờ đến gần hơn. Bằng cách tập trung vào bản thân và phóng đại tầm quan trọng về mình là ai, những gì mình làm và những gì mình cảm nhận thì một là chúng ta sẽ không tận hưởng được hạnh phúc mà mình đang có, hai là sẽ ray rứt về những khó khăn mà mình phải đối diện. Nhờ việc rèn luyện thái độ để trở nên bao dung hơn đối với tha nhân và cảm xúc của họ, ta sẽ mở một cánh cửa để đến với kinh nghiệm thoải mái và hạnh phúc hơn, đối với những thăng trầm mà tất cả chúng ta đều trải qua.

Top