Câu Kệ
Tác phẩm này đã được Kadampa Geshe Langri Tangpa sáng tác.
Vần kệ đầu tiên nói rằng:
(1) Nguyện luôn yêu thương tất cả chúng sanh, bằng cách xem họ quý báu hơn ngọc như ý, để thành tựu mục tiêu tối thượng.
Nếu như giải thích điều này một chút, thì chúng sanh quý giá như những viên ngọc như ý, bởi vì tất cả mục tiêu của mình đều được thành tựu, nhờ lòng tốt của tha nhân. Tất cả những thứ mà mình ăn uống, quần áo mà chúng ta mặc, tất cả đều bắt nguồn từ lòng tốt của người khác. Chúng ta không phải gieo trồng những thứ mà mình ăn, và không phải may quần áo mà mình mặc. Khi được sinh ra, chúng ta đã lõa thể, không có quần áo để mặc, hoặc thức ăn để ăn, hay tiền bạc ở trong tay để xài. Chúng ta phải thọ nhận những thứ này từ người khác. Chính là nhờ lòng tốt của tha nhân, mà chúng ta mới có được tất cả những thứ cần thiết.
Chúng sanh không chỉ tử tế với chúng ta trong kiếp này, vì họ không chỉ cung cấp y phục và thực phẩm cho chúng ta, mà hạnh phúc của mình trong những kiếp tương lai cũng phụ thuộc vào người khác. Nhờ hành trì hạnh thí, nên điều này sẽ đem lại sự giàu sang trong những kiếp tương lai, và tất cả mọi việc sẽ thoải mái. Tương tự như vậy, nhờ cách trì giới mà trong tương lai, mọi việc sẽ tốt đẹp đối với mình. Đây là sự thật, cho đến khi thành tựu giác ngộ. Nhờ vào tha nhân, và cũng nhờ mình phát bồ đề tâm, ước mong giúp đỡ tha nhân, mà ta có thể thành tựu giác ngộ.
Điều này giống như một cánh đồng, chẳng hạn vậy. Nếu muốn có hoa quả, thì chúng ta phải trồng cây trên cánh đồng. Nếu như không có cánh đồng, thì sẽ không có hoa quả. Tương tự như vậy, nếu như không có cánh đồng tha nhân, tức chúng sanh, thì mình sẽ không thể hành trì hạnh bố thí, nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn, và không có được quả giác ngộ. Nếu có một khối đất phì nhiêu, thì ta sẽ có nhiều trái cây. Dưa vào cách này, với tất cả chúng sanh như ruộng phước, chúng ta mới có thể tu tập và thành tựu giác ngộ. Ví dụ, việc chúng ta có thể uống sữa bò là nhờ lòng tốt của người khác. Vì vậy, chúng ta phải tu tập với người khác.
Vần kệ tiếp theo nói rằng:
(2) Mỗi khi giao tiếp với chúng sanh, nguyện xem mình thấp kém hơn tất cả và trong tận đáy lòng, yêu thương họ hơn cả tự thân.
Dù ở gần ai, hay sống ở đâu, hãy luôn cư xử một cách rất khiêm tốn, luôn quan tâm đến người khác nhiều hơn, và luôn trân trọng họ. Giống như khi có một con bò cho sữa rất tốt, thì ta sẽ đối xử rất đàng hoàng với con bò. Ta sẽ nuôi nó và cho nó thức ăn rất ngon, và những thứ như vậy. Tương tự như vậy, nên trân trọng người khác, và cho họ thức ăn ngon.
Vần kệ tiếp theo nói rằng:
(3) Nguyện quán sát tâm mình, trong mọi hành vi, và khi niệm tưởng hay phiền não phát sinh trong tâm thức, tạo nguy cơ cho bản thân và tha nhân, nguyện đương đầu và ngăn chận chúng bằng pháp đối trị mạnh mẽ.
Điều này nói rằng nên cẩn thận quán xét tâm mình, xem xét ý nghĩ của mình, xem điều gì đang xảy ra trong tâm trí. Phải quán xét xem có phiền não mạnh mẽ nào phát sinh hay không. Nếu như mình khởi tâm tham, sân, si, thì ngay khi nhận ra điều này, hãy cố ngăn chận chúng. Nếu chúng ta làm việc ở trường học, cố gắng dạy dỗ trẻ em và những đứa trẻ rất nghịch ngợm, chạy nhảy lung tung, thì ta sẽ bảo chúng ngồi yên, học hành chăm chỉ, và những điều như vậy. Nếu chúng rất nghịch ngợm, thì có thể phạt chúng, nhưng nếu như chúng ngoan ngoãn, thì ta sẽ rất tử tế với chúng. Tương tự như vậy, nên có thái độ này đối với tâm của mình, và xem xét điều gì đang xảy ra trong tâm. Nếu như phiền não phát sinh, thì nên cố ngăn chận chúng càng sớm càng tốt.
Nên nghĩ về những bất lợi, ví dụ, nếu như mình tức giận, thì sẽ tiêu hủy tất cả công đức của mình, và tái sinh trong những cõi thấp hơn. Nếu như có tâm tham ái mạnh mẽ, thì đó là điều sẽ khiến mình tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Khi nhìn thấy những điểm bất lợi này, thì nên ngăn chận những phiền não này, giống như khi thấy một dòng nước lũ chảy về phía mình, thì ta sẽ cố gắng dùng vật gì để che chắn trước mặt mình, để ngăn chận nước lũ cuốn trôi mình đi. Tương tự như vậy, nên ngăn chận những phiền não này, để chúng không cuốn trôi mình.
Vần kệ tiếp theo nói rằng:
(4) Mỗi khi gặp người ác tâm, bị ác hạnh hay khổ đau áp đảo, nguyện thương yêu những người hiếm có này, như tìm ra kho tàng châu báu.
Điều này có nghĩa là khi gặp một người rất tàn nhẫn, rất đau khổ, một người rất tiêu cực, thì nên cảm thấy vô cùng hoan hỷ và trân trọng cơ hội mà mình có được, bởi vì giờ đây, chúng ta đã tìm ra một người tạo cơ hội cho mình tu hành. Chúng ta có thể tu hạnh nhẫn nhục và tinh tấn với người này, và làm việc để giúp đỡ họ.
Chẳng hạn, giống như người nào đã đi học, đã có nhiều bằng cấp, nhưng không có công việc nào cả. Sau khi học xong, họ cố gắng đi tìm việc, và nếu cuối cùng, khi đã tìm được một công việc, thì họ sẽ rất vui mừng. Tương tự như vậy, nếu như người nào được đào tạo để trở thành một y tá, nếu như không bao giờ có bệnh nhân, thì họ không thể sử dụng kiến thức của mình. Nếu như có người bệnh, thì họ sẽ rất vui, khi có thể sử dụng kiến thức của mình. Tương tự như vậy, đối với giáo pháp, nếu như gặp một người độc ác, tiêu cực, gặp rất nhiều khó khăn, thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ, như thể đã khám phá ra một kho tàng, bởi vì giờ đây, ta có thể làm việc, để giúp đỡ người này.
Vần kệ tiếp theo nói rằng:
(5) Khi người khác, vì lòng ganh tỵ, bạc đãi con bằng lời trách mắng, sỉ nhục và thậm tệ hơn nữa, nguyện nhận lấy thua thiệt, và dành thắng lợi cho người khác.
Vần kệ này giải thích rằng bất cứ khi nào ta gặp người nào, vì ganh tỵ mà chỉ trích mình, hay cư xử không tốt với mình, làm tổn thương hay lừa dối mình, thì nên chấp nhận điều này. Chúng ta chỉ nên nói lời xin lỗi, rằng đó là lỗi của mình, vậy thì mới có thể tu hạnh nhẫn, và không bao giờ tức giận với họ. Nên thấy rằng bất cứ điều gì mà người khác hãm hại mình, là việc trổ quả của ác nghiệp mà mình đã tạo ra trong quá khứ. Tất cả những điều này chỉ quay trở lại với mình thôi. Người này không có lỗi lầm gì cả, mà chỉ là công cụ để ác nghiệp của mình trổ. Chẳng hạn, nếu như người nào tức giận với mình, thì nên thấy rằng đó là lỗi của mình, vì ta đã khiêu khích họ, khiến cho họ tức giận. Nếu như mình chỉ ở nhà, và không nói điều gì với người này, thì cơn thịnh nộ của họ đã không giáng xuống cho mình.
Ví dụ, nếu như có một cánh đồng đầy gai nhọn, mà ta lại đi dạo trên cánh đồng đó, và bị gai đâm vào chân, thì đó là lỗi của mình. Nếu như không dẫm lên chúng, thì ta sẽ không bị thương. Tương tự như vậy, nếu như kinh doanh mà bị lừa gạt, thì lỗi là ở nơi mình. Nếu như không kinh doanh ngay từ đầu, thì ta sẽ không bị lừa gạt. Đó là vì lòng tham của mình, muốn kiếm tiền nên mới kinh doanh, nên mới bị lừa gạt, hay cướp bóc. Bất kể chuyện gì xảy ra, thì nên luôn xem đó lỗi là của mình, đừng bao giờ đổ thừa người khác.
Vần kệ kế tiếp nói rằng:
(6) Thậm chí, khi người mà con đã từng giúp đỡ và đặt nhiều kỳ vọng hãm hại con một cách bất công, nguyện xem họ như đạo sư thiêng liêng.
Điều này giải thích rằng nếu như có người thân, con cái hoặc cha mẹ, hay người nào mà mình luôn giúp đỡ rất nhiều, và người này hoàn toàn vong ơn, làm những điều có hại cho mình, thì ta có thể rất tức giận. Nếu ta rất tử tế với một đứa bé, và trông mong vào nó rất nhiều trong tương lai, nhưng đứa bé lại không giúp đỡ mình chút nào, thì điều này có thể khiến cho ta tức giận. Tuy nhiên, không nên tức giận, mà thay vì vậy, nên tu tập và thiền quán về hạnh nhẫn với người này. Ngoài ra, nên nhận ra rằng nếu muốn tu hạnh nhẫn, thì phải có một đối tượng. Nếu như mọi người luôn đối tốt với mình, hoặc chẳng bao giờ làm cho mình khó chịu, thì ta sẽ không bao giờ có được đối tượng để tu hạnh nhẫn.
Nên nghĩ về tấm gương của A-đề-sa (Atisha). Khi vân du đến Tây Tạng, ngài đã đi cùng với một thị giả đến từ Ấn Độ, luôn tranh cãi với ngài, không bao giờ nghe lời ngài, luôn đối đáp với ngài, và rất khó chịu. Mọi người hỏi tại sao ngài lại dẫn theo người phiền phức này, và nói rằng ngài nên cho anh ta trở về Ấn Độ. A-đề-sa đáp rằng thị giả này là thầy dạy cho ngài hạnh nhẫn, là người rất quan trọng. “Bất cứ khi nào anh ta không nghe lời của ta, thì sẽ cho ta cơ hội để tu hạnh nhẫn.”. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có bạn bè và người thân mà mình đã đối xử rất tốt, và họ vong ơn, khó chịu với mình, thì nên biết ơn, khi có được cơ hội này, để tu hạnh nhẫn.
Vần kệ tiếp theo nói rằng:
(7) Tựu trung, nguyện hiến dâng trực tiếp và gián tiếp hạnh phúc và lợi lạc cho tất cả những bà mẹ, nguyện âm thầm nhận lấy mọi rắc rối và tai họa của họ.
Câu kệ này nói về pháp tu cho và nhận, Tonglen. Điều đó có nghĩa là mình ước nguyện tất cả những nỗi khổ và bất hạnh của người khác sẽ trổ cho mình. Nhờ vậy mà ta mới xóa bỏ nỗi khổ của họ, và tự mình gánh lấy nó. Chúng ta cũng trao tặng tất cả hạnh phúc và lợi lạc của mình cho tha nhân. Đây là một giáo huấn quan trọng, và trong tương lai, hãy cố gắng nghiên cứu điều này trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior, Bodhicharyavatara) của ngài Tịch Thiên (Shantideva). Có rất nhiều điều để học hỏi và tư duy về pháp tu cho và nhận này.
Vần kệ cuối cùng nói rằng:
(8) Với tâm thức trong sạch, không ô nhiễm vì bát phong, đối với tất cả những điều này, và thấu hiểu vạn pháp như huyễn, nguyện cho con thoát khỏi tâm ràng buộc, không bám chấp.
Câu này nói rằng khi tu hành, thì đừng bao giờ nhắm vào việc được giàu sang, danh tiếng, lời khen, hay hạnh phúc cho tự thân. Đây là một phần của bát phong. Thay vì vậy, thì nên hồi hướng tất cả thiện hạnh của mình cho lợi lạc của tha nhân. Chẳng hạn, khi hành thiền và tụng kinh, đừng bao giờ nghĩ rằng: “Nhờ hành trì này, nguyện cho con không bao giờ bị bệnh; nguyện cho con được trường thọ, giàu có và thoải mái.”. Đây là những ý nghĩ rất nhỏ nhen và tầm thường. Chỉ nên tu tập với những ý tưởng rằng việc tu hành của mình sẽ tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Ngay cả khi thắp một ngọn đèn bơ nhỏ, chẳng hạn vậy, nếu như đó là vì lợi ích của mình, thì đó là hành vi rất nhỏ nhặt. Tuy nhiên, nếu như ta nghĩ rằng: “Nguyện cho điều này làm lợi lạc tất cả chúng sinh”, thì nó sẽ trở nên rất cao cả.
Kết Luận
Rinpoche nói rằng hiện giờ, vì thời gian hạn hẹp, nên ngài chỉ có thể giải thích chút ít về tác phẩm này, nhưng quý vị nên nghiên cứu nhiều hơn về bản văn này với Geshe Rabten và Geshe Ngawang Dhargyey. Đây là điều rất ích lợi. Nhiều người trong số quý vị từ các trung tâm Phật giáo đã đến đây trong chuyến hành hương, để viếng thăm thánh địa, và đó là điều rất tốt. Đây là việc trổ quả của thiện nghiệp trong quá khứ, từ tiền kiếp. Quý vị nên nghĩ rằng: “Nguyện cho tất cả lợi lạc từ việc này trổ cho tha nhân, và đem lại cho họ hạnh phúc.”.
Hãy nhớ rằng Pháp là điều lợi lạc cho tâm thức, vì vậy, chúng ta nên tu tập Pháp, để cải thiện tâm thức của mình, đoạn trừ mọi phiền não và những tình huống khó khăn mà ta đã trải qua trong quá khứ. Dù có làm việc gì đi nữa, thì nên cố gắng cải thiện tâm thức, và trở thành người tốt hơn. Pháp có nghĩa là như vậy.