Liệu Thái Độ "Không Có Gì Đặc Biệt" Có Thể Hữu Hiệu Trong Đời Sống Hay Không?

Hỏi: Tôi thật sự thích ý tưởng về thái độ "không có gì đặc biệt" này. Điều tôi băn khoăn là khi ông đối diện với thành phần còn lại của thế giới bằng một thái độ như thế. Ví dụ, giả sử ông đang thực hiện một đề án với người khác, và ông có thái độ này khi sự cố xảy ra, "Được rồi, không có gì đặc biệt đâu! Những điều như vậy sẽ xảy ra mà." Tôi e rằng người khác sẽ nghĩ là ông không xem trọng sự việc.

Tiến sĩ Berzin: Đừng hiểu lầm thái độ không có gì đặc biệt. Đó không phải là một trong những thái độ không làm gì cả. Nó cũng không phải là thái độ thờ ơ, không quan tâm như “Sao cũng được”. “Không có gì đặc biệt” nghĩa là chúng ta không bực bội về việc mình thấy vui hay không vui, và không vì vậy mà làm ra chuyện lớn. Ta chỉ đối phó với bất cứ điều gì mình đang làm một cách rất hợp lý và bình tĩnh. Chúng tôi chỉ cần làm bất kỳ điều gì cần phải làm, mà không bực bội.

Nếu người khác bực bội thì sao?

Nếu họ bực bội thì sự bình tĩnh của bạn có thể giúp họ bình tĩnh lại. Để đưa ra một ví dụ cổ điển, giả sử chúng ta đang viết một tài liệu trên máy vi tính, nhưng lại bấm sai một phím, và tài liệu bị xóa. Điều đó xảy ra. Nếu như mình bực bội thì sẽ không giúp ích được gì. Nếu chúng ta không có chức năng sửa sai, và không thể sửa nó, thì nó sẽ biến mất. Việc khóc lóc cũng sẽ không đem nó trở lại được, việc buồn bã và không vui sẽ không giúp được gì. Nó sẽ là một trở ngại. Chúng tôi chỉ cần nói, “Được rồi”, và hãy viết lại. Nếu được đào tạo đủ giỏi để nhớ những gì đã mình đã viết, thì mình có thể tái tạo nó, và có thể nó sẽ còn tốt hơn nữa trong lần thứ hai. Ta chỉ cần giải quyết nó và tránh cái mà chúng tôi gọi là nữ hoàng bi kịch, đối với tất cả mọi việc. Nếu ta là thành viên của một nhóm, và tài liệu này dành cho nhóm đó, thì sự bình tĩnh của mình cũng giúp họ bình tĩnh lại.

Có phải chúng ta đang nói về cảm giác vui hay không vui vì một hoàn cảnh, hay nói chung?

Tôi đang nói về việc đối phó với chính mình. Nếu cảm thấy không vui hay vui vẻ, thì ta chỉ cần tiếp tục cuộc sống và không nên làm lớn chuyện. Nếu như người khác cảm thấy vui hoặc không vui, hay bực bội thì sao? Ví dụ như em bé khóc. Chúng ta mong đợi điều gì? Đó là một đứa bé. Chúng ta sẽ không buồn bực, "Thôi rồi, em bé đang khóc!" Chúng ta không làm lớn chuyện và chỉ chăm sóc em bé. Tại sao em bé khóc? Ta sẽ làm bất cứ điều gì mình phải làm. Nó là như vậy đó.

Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói một điều rất hay, ngài nói rằng, "Con người thì ấu trĩ." Do đó, họ bực bội. Giống như đứa bé khóc lóc. Chúng ta mong đợi điều gì? Chúng ta sẽ không làm lớn chuyện, mà cố trấn tĩnh họ và làm cho sự việc phù hợp hơn với thực tế.

Bực bội là thổi phồng sự tồn tại của điều gì đó, làm cho nó trở thành chuyện lớn. Đó là điều mà tánh Không đề cập đến. Không có chuyện gì lớn hết. Chuyện lớn không phù hợp với thực tế. Sự việc xảy ra, chỉ thế thôi. Chúng ta chỉ đối phó với sự việc. Chúng ta có cảm xúc không? Chắc chắn là có, những cảm xúc tích cực như lòng từ, lòng bi và kiên nhẫn thì tuyệt vời. Nhưng ta không phải biểu lộ những cảm xúc tiêu cực như sân hận, thiếu kiên nhẫn và không khoan dung, vì những điều này không hữu ích chút nào.

Đối với tôi thì có vẻ như nếu chúng ta muốn tiến xa hơn một bước, thì nó sẽ giống như các giáo pháp luyện tâm lojong. Chúng ta thật sự có thể học hỏi từ những vấn đề của mình, bằng cách sử dụng chúng như bàn đạp cho tuệ giác sâu xa hơn.

Đúng vậy.

Ông có nghĩ rằng pháp luyện tâm này không thực tế hay không? Ông có nghĩ rằng nó sẽ thực tiễn hơn, nếu người ta rèn luyện thái độ không có gì là đặc biệt, không có gì là chuyện lớn không?

Chúng tôi có các phương pháp đào tạo tâm lý để cố gắng thay đổi thái độ của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem hoàn cảnh tiêu cực là hoàn cảnh tích cực. Đây là những phương pháp tuyệt vời, nhưng tôi nghĩ mình phải ngưng thổi phồng những gì mình cảm nhận, và xem tình hình thật sự là gì, trước khi có thể chuyển hóa nó. Rất khó mà chuyển hóa nó, khi chúng ta đã thổi phồng nó thành một thảm họa như vậy. "Ồ, đây là một thảm họa! Đứa bé lại làm dơ tã của nó nữa rồi." Chúng ta cần có một cái nhìn thực tế hơn, trước khi có thể thay đổi nó thành việc, "Nguyện cho tã của mọi người đều đến tay tôi. Tôi sẽ thay tã cho tất cả mọi người."

Chúng ta cần những bước như sau: đầu tiên em bé tự làm bẩn mình. Vậy thì sao? Đó là một đứa bé. Chúng ta sẽ thay tã cho nó. Bây giờ, trong khi thay tã thì ta có thể không thấy sự tiếp xúc này dễ chịu, vì nó không thơm tho gì, và có thể sử dụng pháp tu lojong, chẳng hạn như, "Trong khi lau rửa cho em bé, nguyện cho tôi có thể lau sạch mọi vết bẩn và sự bẩn thỉu của mọi người. Trong khi làm việc này, thì nó có thể trở thành nhân để ta có thể làm sạch tất cả mọi người. " Tuy nhiên, trước tiên, cần phải làm tan rã cấu trúc của nó như một thảm họa. Chúng ta sẽ làm điều này từng bước một.

Tôi chỉ nghĩ về việc thay tã cho tất cả mọi người. Thật là bừa bộn.

Đúng, sẽ không có ai muốn làm Phật tử, nếu chúng ta phải cưu mang tất cả những rác rến của cả thế giới cho bản thân mình, đó là sự thật. Theo nguyên tắc chung, nếu chúng ta có thể sử dụng các ví dụ hài hước về sự việc, thì nó sẽ tạo ta ấn tượng sâu sắc hơn, so với việc sử dụng các ví dụ nhàm chán. Đúng không?

Tôi chỉ tự hỏi về việc, ở mức độ ngày qua ngày, khi chúng ta trải nghiệm điều gì khó chịu, như trong một mối quan hệ tiêu cực, hay gì đó, thì chúng ta có kết hợp điều này không?

Nếu mình có một mối quan hệ tiêu cực, và mọi thứ đang trở nên tồi tệ, thì mình sẽ không nói, "Vậy thì sao, đây là luân hồi mà. Điều mà chúng ta muốn sử dụng là trí tuệ của mình, Đức Dalai Lama gọi nó là “trí thông minh kỳ diệu của con người”. Chúng ta cần có khả năng phân biệt đó là một tình huống có ích hay có hại. Nó có lợi hay không có lợi cho bản thân, và cho người kia, nếu chúng ta ở trong mối quan hệ này? Nếu nó không có lợi, nếu nó có hại cho cả đôi bên, thì ta sẽ chấm dứt nó. Vấn đề là có thể suy nghĩ một cách rõ ràng, và không dựa trên sự phóng đại và phóng chiếu mọi sự vào điều gì đang xảy ra, mà không tương ứng với thực tế. Đôi khi, tốt hơn là nên chia tay, chắc chắn như vậy. Nhưng hãy đi đến quyết định đó, dựa vào sự tư duy và phân tích rõ rệt.

Liệu nó có thể là điều tích cực hay không, khi ta cố gắng nhận thức cảm giác vô thức của mình, và thể hiện chúng một cách trung thực ?

Thường thì chúng ta trải nghiệm cảm xúc ở mức độ vô thức, nếu sử dụng thuật ngữ Tây phương. Câu hỏi đặt ra là trong một số trường hợp, nếu như giúp cho chúng biểu lộ nhiều hơn thì có tốt hơn hay không? Tôi có thể nghĩ về hai trường hợp khác nhau mà chúng ta sẽ phải xem xét, một trường hợp là cảm xúc tiêu cực, và trường hợp kia là cảm xúc tích cực. Ví dụ, hãy xem xét lòng sân hận, hay tình yêu. Nếu như trong vô thức, chúng ta có sự thù hận đối với ai, thì chắc chắn là mình muốn nhận thức được điều đó. Nhận thức được điều đó không  nhất thiết có nghĩa là phải thể hiện thái độ thù địch đối với người đó. Một lần nữa, chúng ta cần phải phân tích và phân biệt các khía cạnh khác nhau của những gì đang diễn ra.

Ví dụ, tôi có bạn bè và khi xã giao với họ, tôi luôn hỏi họ: "Bạn có khỏe không? Mọi chuyện ra sao rồi?" Tuy nhiên, họ không bao giờ hỏi thăm tôi, hay tôi đang làm gì. Họ không bao giờ hỏi tôi và thật là bực mình, vì họ quá coi trọng bản thân và không nghĩ đến chuyện hỏi thăm tôi. Hiện nay, có một sự khác biệt ở đây. Có sự thù hằn đối với điều này trong vô thức hay không? Có thể có; nhưng nếu tôi thể hiện điều đó và nổi giận với họ thì sẽ không giúp ích gì cho tình hình. Nếu như tôi nói rằng, “Bạn thật ích kỷ! Bạn kinh khủng lắm!", thì nó sẽ đưa đến việc hành động một cách tiêu cực và la mắng họ. Điều đó không giúp ích gì cho tình hình.  “Tại sao bạn không hỏi thăm tôi? Bạn có chuyện gì không xong hay sao?" Những cách đại loại như vậy không giúp ích gì cả. Nếu như thấy mình đang hận điều gì giống như vậy, thì chúng ta phải thật cẩn thận, để nó không biểu lộ ra, bởi vì nếu nó biểu lộ ra ngoài thì mình sẽ mất tự chủ và hành động một cách tiêu cực.

Tuy nhiên, khi chú ý đến sự thù hận ấy thì tôi có thể cố khắc phục tình hình, mà không tức giận. Thường thì tôi làm điều đó một cách khôi hài. Tôi thấy sự hài hước là một phương tiện rất hữu ích để làm nhẹ tình huống. Tôi sẽ nói sau khi họ kể cho tôi nguyên cả câu chuyện về việc họ ra sao, và họ bắt đầu thay đổi chủ đề, chẳng bao giờ hỏi thăm tôi, thì tôi sẽ nói, "Và bạn khỏe không, Alex? Ồ, cảm ơn bạn đã hỏi thăm tôi! " Nó trở thành một trò đùa, và người đó nhận ra rằng họ cần phải đáp lại và hỏi thăm tôi. Như vậy thì không có sự thù hận.

Việc nhận thức rằng mình có sự thù hằn tiềm ẩn bên trong là điều hữu ích, nếu như mình có bất cứ sự thù hằn nào. Nếu nó không làm phiền tôi, rồi thì sao? Tôi không quan tâm họ có hỏi thăm tôi hay không, nó chẳng quan hệ gì. Tôi có phải nói cho họ biết là tôi đang làm những gì, tôi ra sao hay không? Không hẳn vậy. Nếu thật sự muốn nói thì tôi chỉ cần nói với họ. Nó giống như khi con hay cháu của bạn không bao giờ gọi điện thoại cho bạn, rồi nếu bạn muốn có tin tức của họ, thì chỉ cần gọi điện thoại cho họ. Nhưng hãy làm việc này mà đừng giận dỗi, và không cố làm cho họ thấy có lỗi, vì đã không gọi điện thoại cho bạn.

Còn cảm xúc tích cực thì sao? Bây giờ, chúng ta phải bắt đầu phân tích nó. Tôi sẽ nói tùy hứng, vì tôi chưa thật sự phân tích điều này trước đây. Có lẽ chúng ta có tình yêu ẩn giấu? Điều đó nghĩa là gì? Chúng ta không nói về cảm xúc tiêu cực của dục vọng che giấu hay tiềm ẩn, và sự hấp dẫn tính dục đối với ai đó. Nó không phải là "Tôi muốn lên giường với bạn", hay điều gì giống như vậy. Bây giờ, chúng ta phải nói về một cảm xúc tích cực thật sự. Ví dụ, chúng ta yêu con của mình, đúng không? Chúng ta yêu con cái, nhưng mình có thường xuyên thể hiện tình yêu đó hay không? Mình có muốn đưa nó lên một mức độ rõ rệt hơn hay không? Đúng, điều đó có thể hữu ích.

Rồi thì mình phải sử dụng trí tuệ, vì không muốn làm đứa trẻ ngột ngạt. Ví dụ, nếu chúng ta có một đứa con ở tuổi thiếu niên và nó đang họp mặt với bạn bè, nếu ta đến gặp nó và nói: "Ồ, mẹ rất thương con", rồi ôm hôn con của mình thì nó sẽ lúng túng trước mặt bạn bè, và điều đó hoàn toàn không thích hợp. Một ví dụ khác có thể là mình liên tục gọi điện thoại hay nhắn tin cho đứa con ở tuổi thiếu niên, khi nó đang ra ngoài. "Không xong rồi, lại là mẹ mình nữa, bà cứ hỏi thăm mình có ổn không.”.

Chúng ta cần phải sử dụng trí tuệ để xác định thời điểm và cách thể hiện cảm xúc tích cực. Cách ta thể hiện nó với một đứa bé hai tuổi khác với cách biểu lộ nó với đứa trẻ mười lăm tuổi. Việc biểu hiện cảm xúc tích cực thì tốt thôi; nhưng một lần nữa, người ta không cần phải làm nữ hoàng bi kịch, biến nó thành một bi kịch thật sự. Nếu thể hiện nó ở mức độ tinh tế hơn thì được.

Cảm Xúc Tiền Tệ

Điều này dẫn đến một chủ đề khác mà tôi nghĩ rất hữu ích. Một người bạn của tôi, một bác sĩ tâm thần, đã nêu ra lý thuyết này bằng các thuật ngữ kinh tế. Chúng ta cần phải học cách chấp nhận là mọi người có những loại tiền tệ khác nhau, và họ sẽ trả tiền bằng các loại tiền tệ khác nhau. Chúng ta cần phải học cách để có thể chấp nhận tiền tệ của họ. Ví dụ, một số người thể hiện tình cảm của họ về mặt thể chất, bằng cách ôm hôn. Những người khác biểu hiện tình thương và sự quan tâm của họ bằng cách chăm sóc chúng ta. Họ không quá tình cảm về mặt thể chất, nhưng họ có sự quan tâm và bảo vệ.

Một ví dụ cổ điển là từ các thế hệ lớn tuổi hơn, khi người cha thường không tỏ vẻ trìu mến với con cái quá nhiều. Tuy nhiên, người cha bày tỏ tình thương với các con bằng cách đi ra ngoài làm việc, kiếm tiền và cung cấp mọi thứ cho đứa trẻ. Đây là loại tiền tệ mà người cha đã trả. Khi còn nhỏ, hoặc thậm chí sau này khi trưởng thành, chúng ta cần nhận ra điều đó. "Cha tôi đã yêu thương tôi, và đã thể hiện sự quan tâm và chăm sóc của ông ấy. Có thể ông đã không trả tiền bằng loại tiền tệ mà tôi thích, hay muốn có, như là ôm lấy tôi và nói rằng ông yêu tôi biết bao nhiêu, nhưng ông đã bày tỏ tình thương. Ta sẽ học cách chấp nhận các loại tiền tệ khác nhau. Nó giống như trả tiền bằng kronas ở đây, tại Đan Mạch, chứ không phải bằng Euro. Tiền vẫn là tiền. Những người khác nhau sẽ thể hiện tình cảm của họ theo cách khác nhau.

Trong câu chuyện ông kể về những người bạn của ông đã không hỏi thăm ông, điều gì sẽ xảy ra, nếu ông không tức giận, nhưng ông chấp trước, hay cần họ nghĩ đến ông và hỏi thăm ông? Không có nghĩa là ông tức giận, ông không muốn hét lên. Ông chỉ cảm thấy hơi buồn về điều đó, ít được người ta yêu mến hơn. Ông vẫn có thể nói điều đó, nhưng nếu họ không thay đổi, hay không tiếp nhận lời đề nghị tử tế nhỏ nhoi của ông thì làm sao ông có thể đối phó với nỗi buồn đó? Có phải là bằng cách cố vượt qua sự chấp trước của ông đối với điều này không?

Có hai loại nỗi buồn có thể xảy ra trong tình huống này. Có nỗi buồn ái ngã: "Tôi buồn vì họ không chú ý đến tôi. Tôi không tức giận về điều đó, nhưng ước gì họ chú ý đến tôi.". Điều đó dựa trên suy nghĩ về “tôi, tôi, tôi”. Đó là một dạng bất hạnh. Tuy nhiên, ta cũng có thể buồn vì họ rất vị kỷ, nhưng ta hoàn toàn không coi trọng điều đó. Trong trường hợp này, chúng ta buồn là vì họ có vấn đề đó. Điều đó khiến mình có lòng trắc ẩn đối với họ. Rồi ta có thể nghĩ cách để cố gắng giúp họ.

Nếu nỗi buồn của chúng ta chỉ dựa trên mối quan tâm về bản thân, "Tôi buồn vì người ta không chú ý đến tôi", thì chúng ta thực sự phải giải quyết điều này. Ngay cả khi người ta đã chú ý đến mình thì chúng ta muốn gì? Ta có muốn các tay săn ảnh ở xung quanh chụp hình mình trong mọi lúc không? Chúng ta có cần nhiều sự chú ý như vậy không? Ý tôi là, tất nhiên, nó sẽ không làm mình thỏa mãn. Ngay cả khi người khác chú ý đến ta theo ý mình muốn thì đó là niềm hạnh phúc bình thường, và nó không tồn tại mãi mãi. Mặt khác, như ví dụ về một phụ huynh bảo vệ quá mức thì người nào đó có thể chú ý quá nhiều, cứ mỗi năm phút là lại hỏi, "Bạn có khỏe không? Bạn có thấy ổn không?”, hay “Mọi việc có tốt không? ”

Tôi có thể nghĩ rằng mối quan hệ của mình tốt đẹp, nhưng người kia thì không nghĩ vậy. Chúng ta nên nói về tiền tệ, “Tôi thì như thế này và bạn thì như thế kia.”. Chúng tôi sẽ ý thức về nhau. Chúng tôi có thể giải quyết những sở thích và những điều không ưa thích của hai bên, và học hỏi lẫn nhau. Việc nói về nó, truyền đạt ý nghĩ và nhận thức nó thì tốt thôi.

Nếu đó là một mối quan hệ đang diễn ra, và người kia dễ tiếp nhận, thì chúng ta có thể nói về nó. “Tôi thích tình cảm được thể hiện bằng cách này.”. Người kia có thể bày tỏ rằng họ thích tình cảm thể hiện theo cách nọ. Đó là trong mối quan hệ phối ngẫu; nhưng nó không hữu hiệu lắm trong mối quan hệ cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ mình đã qua đời, và chúng ta nhìn lại thời thơ ấu, thì điều này không thể thương lượng được. Điều quan trọng là phải xem xét, liệu hai người liên quan trong vấn đề này có địa vị khá bình đẳng với nhau trên cơ bản hay không. Họ có thể thay đổi và giải quyết bằng cách truyền đạt thông tin hay không? Có thể là ông chủ không bao giờ hỏi thăm bất cứ ai ở công sở . Chúng ta không thương lượng với ông chủ về vấn đề này. Với ông chủ thì ta nên quan tâm đến các vấn đề liên quan đến công việc như, “Ông giao cho tôi bao nhiêu đó công việc thì thật sự là quá nhiều. Tôi không hài lòng lắm về điều này.”. Bạn cần phải xem xét tình hình và nhìn nó bằng trí tuệ.

Giả sử chúng ta chưa chứng ngộ một mức độ nhận thức về  tánh Không, và  vẫn cảm thấy mình có những lý do rất thực tế, thậm chí có thể không phải là những lý do phóng đại, để tức giận. Chúng ta tránh điều đó và không bày tỏ sự tức giận của mình. Chúng ta cố gắng không làm lớn chuyện, nhưng liệu có một cơ chế mà việc này có thể biến thành điều gì không lành mạnh về mặt tâm lý không?

Điều này đưa đến vấn đề ức chế. Khi chúng ta chưa chứng ngộ hay đạt được bất kỳ mức độ thực chứng tánh Không nào, và chỉ đang ức chế sự thù hận, thì dĩ nhiên, nó sẽ hướng vào bên trong, về phía mình. Điều đó có thể gây ra đủ loại rắc rối. Vậy thì chúng ta sẽ làm gì? Nếu ta biểu lộ sự tức giận hoặc buồn bã, và nếu nó phải được thể hiện, thì một lần nữa, hãy sử dụng trí tuệ để chọn thời điểm thích hợp. Nó không phải là lúc để biểu lộ sự tức giận, khi người khác cũng thật sự buồn bực, hay rất bận rộn. Hãy sử dụng trí thông minh để xem khi nào là thời điểm thích hợp nhất để biểu lộ nó. Đừng biểu hiện sự tức giận khi nó quá mạnh mẽ, bởi vì nó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.

Tất cả đều tùy vào việc sử dụng lý lẽ thông thường và trí thông minh. Khi nào thì nó sẽ hữu ích? Lúc nào là thời gian thích hợp? Nếu người kia thực sự kiệt sức và chỉ muốn đi ngủ, hoặc nửa thức nửa ngủ thì không phải là lúc để có một cuộc trò chuyện sâu sắc và có ý nghĩa về sự thiếu nhạy cảm của họ. Điều này cũng áp dụng, nếu họ thực sự vô cùng bận rộn với công việc. Đó không phải là thời gian. Đúng không?

Top