Thiền là điều được tìm thấy trong nhiều truyền thống, không chỉ Phật giáo; tuy nhiên, trong khi nhiều khía cạnh của thiền được tìm thấy trong tất cả các truyền thống Ấn Độ, nhưng ở đây, chúng ta sẽ giới hạn buổi thảo luận theo cách mà thiền được trình bày trong đạo Phật.
Thiền Là Gì?
Chữ “thiền” có nghĩa là làm cho quen thuộc. Trong tiếng Tây Tạng, chữ này có nghĩa là, “gom (sgom)”, nghĩa là tạo dựng một tập khí có ích. Chữ gốc trong tiếng Phạn, “bhavana”, có nghĩa là làm cho điều gì đó thật sự xảy ra. Chúng ta có một tâm thái hay thái độ ích lợi nào đó, và muốn làm cho nó xảy ra, nói cách khác là thật sự giúp cho tâm trạng đó vận hành theo cách suy nghĩ và sinh sống của mình. Tùy theo truyền thống nào thiền được sử dụng mà các chỉ giáo sẽ ghi rõ những tập khí có lợi là gì, đâu là lý do và mục tiêu để thành tựu chúng. Tuy nhiên, trong tất cả các truyền thống Ấn Độ thì quá trình này gồm có ba phần: đầu tiên là nghe hay lắng nghe (văn), tiếp theo là suy nghĩ (tư), và rồi thật sự hành thiền (tu) (Xem: Thiền Là Gì?).
Lắng Nghe Giáo Pháp
Giả sử chúng ta muốn tạo dựng tập khí ích lợi là lòng bi mẫn. Để phát tâm bi, hoặc tăng trưởng lòng bi hiện có thì trước tiên, cần phải lắng nghe một số giáo pháp về chủ đề này. Vào thời Ấn Độ cổ đại, không có giáo pháp nào được viết ra. Tất cả đều được truyền khẩu. Vì vậy mà trước tiên người học thiền phải lắng nghe giáo pháp. Đây là lý do vì sao bước đầu tiên được gọi là “lắng nghe”.
Ngày nay, đương nhiên chúng ta có thể đọc nhiều giáo pháp khác nhau, không cần phải trực tiếp nghe ai nói về những giáo huấn này, nhưng nguyên tắc đằng sau điều này thì hoàn toàn phù hợp. Vào thời cổ đại, mọi thứ phải được học thuộc lòng, và người nghe phải biết chắc rằng những điều mà người khác đang tụng là chính xác. Người tụng giáo pháp từ trí nhớ có thể không nhớ một cách chính xác. Một số sai lầm có thể đã xảy ra, và điều đó là một vấn đề thật sự.
Trí Phân Biệt
Khi lắng nghe giáo pháp thì cần phải phát triển cái gọi là “trí phân biệt phát sinh từ việc lắng nghe”. Trong Tạng ngữ thì chữ “sherab” (Phạn ngữ: prajna) thường được dịch là “trí tuệ”, nhưng việc sử dụng chữ “trí tuệ” thì quá mơ hồ; nó không có ý nghĩa chính xác. Nếu một nhóm người nghe chữ “trí tuệ” thì mỗi người sẽ có một ý tưởng khác nhau về ý nghĩa thật sự của nó, nên danh từ “trí tuệ” không giúp cho ta hiểu chữ “sherab” một cách rất chính xác. Đó là lý do mà tôi thích dịch chữ “sherab” là “trí phân biệt”.
Trí phân biệt được dựa trên một tâm sở đi trước, mà tôi dịch là “phân biệt”. Hầu hết các dịch giả phiên dịch chữ này là “nhận ra”, nhưng “nhận ra” cũng không chính xác. “Nhận ra” có nghĩa là trước đây, bạn đã biết đối tượng đó, rồi bạn nhận ra nó một lần nữa; điều này không hoàn toàn đúng. “Phân biệt” có nghĩa là nói rõ điều gì là “cái này”, bằng cách phân biệt nó với tất cả những điều “không phải là cái này”. Chúng ta có thể phân biệt “cái này” với cái “không phải là cái này”, hay “cái này” với “cái kia”, vì tất cả mọi thứ có những đặc điểm riêng biệt, cá thể, hay dấu hiệu xác định mà ta sẽ nhận ra, khi mình chú ý đến điều gì. Một ví dụ đơn giản là trẻ sơ sinh có thể phân biệt được giữa “đói” và “không đói”. Trẻ sơ sinh không cần từ ngữ cho hai cảm giác thể chất khác biệt này, và chúng không thật sự cần phải hiểu các khái niệm về “đói” và “không đói” một cách rất sâu sắc. Dù sao đi nữa thì chúng có thể phân biệt sự khác biệt giữa hai điều này, vì mỗi một điều trong hai điều này có một đặc tính xác định đặc thù, đó là một loại cảm giác cụ thể trong thân thể.
Trí phân biệt bổ sung thêm một yếu tố chắc chắn cho sự phân biệt đó: “Nó chắc chắn là cái này và không phải là cái kia”. Sự quả quyết này là điều mình cần có, khi lắng nghe giáo pháp hay đọc pháp. Chúng ta cần có sự tự tin để biết rằng: “Đây là giáo pháp thật sự, chứ không phải là giáo pháp sai lầm”. Thật ra thì rất khó để biết “đây là giáo pháp thật sự”, bởi vì kinh điển thì không dễ hiểu. Thường thì cần phải dựa vào một quyển sách hay một vị thầy để giải thích chúng. Nhưng làm sao để biết vị thầy nào đó là một vị thầy đáng tin cậy, chân chính? Một người nào đó có thể giảng dạy về đạo Phật, hoặc giảng dạy về lòng từ bi, và có thể họ đang nêu ra những điều mâu thuẫn với những gì đạo Phật thật sự giảng dạy. Chúng ta cần phải rất quả quyết, bằng cách sử dụng trí phân biệt, rằng giáo pháp mà mình lắng nghe hay đọc là chính xác như cách nó phải là như vậy; chúng ta cần phải quả quyết rằng đó là giáo huấn đích thực.
Có một số yếu tố cần phải có mặt để một giáo huấn được xem là thuộc về Phật pháp một cách vững chắc. Tác giả hay người truyền đạt giáo pháp cần phải là một người mà mình có thể xác định, qua việc tìm hiểu, là một vị thầy hội đủ trình độ phù hợp. Để xác định điều này thì cần phải hỏi thăm người khác, ví dụ như: “Người này có một vị thầy chân chính hay không, và mối quan hệ giữa hai người họ như thế nào? Thầy của người này có xuất thân từ một dòng truyền thừa chân chính của chư đạo sư trong quá khứ hay không?” Đây là những câu hỏi quan trọng để tìm hiểu. Không nên ngẫu nhiên chọn bất cứ một cuốn sách nào, và chỉ vì một người nổi tiếng đã viết nó, nên mình cho rằng đó là một nguồn đáng tin cậy. Khi nghe ai thuyết pháp thì cùng một nguyên tắc cũng được áp dụng.
Sử Dụng Trí Phân Biệt Để Xác Định Bối Cảnh Của Giáo Pháp
Hơn nữa, mỗi một lời khai thị trong Phật pháp có một bối cảnh riêng, một trường phái triết học mà các giáo pháp bắt nguồn từ đó. Việc thấu hiểu một giáo pháp cụ thể nằm trong bối cảnh nào là điều quan trọng. Lý do là các hệ thống Phật giáo khác nhau có những cách giải thích khác nhau đối với cùng một thuật ngữ chuyên môn, ví dụ như “nghiệp”. Hơn nữa, những giáo huấn về nghiệp trong một hệ thống cụ thể thì phù hợp với lời giải thích mà hệ thống ấy đưa ra về nhiều chủ đề liên quan khác trong giáo pháp, chẳng hạn như lý thuyết nhận thức. Cần phải biết chắc là giáo huấn này xuất phát từ hệ thống nào, để ta có thể kết hợp chúng với các giáo huấn khác mà mình đã lắng nghe.
Ngay cả trong một buổi trò chuyện thông thường thì việc thấu hiểu ngữ cảnh mà các từ ngữ được sử dụng trong đó cũng là điều quan trọng. Chẳng hạn như bạn nghe chữ “bon”. Đây là tên của truyền thống đi trước đạo Phật ở Tây Tạng, nhưng trong tiếng Pháp thì “bon” có nghĩa là “tốt”. Nên nếu như không có ý thức về ngữ cảnh của ngôn ngữ thì bạn có thể bối rối khi nghe chữ “bon”. Người này đang nói về bon trong tiếng Pháp hay là ngữ cảnh của tiếng Tây Tạng đây? Nếu chỉ dựa vào âm thanh của ngôn từ mà không biết nó thuộc về ngôn ngữ nào thì bạn có thể bị lầm lẫn.
Thậm chí việc hiểu biết bối cảnh còn quan trọng hơn, khi phải xử lý các thuật ngữ chuyên môn trong Phật giáo. Chẳng hạn như có thể bạn đang học về Không tướng (tánh Không), điều mà một trường phái Phật giáo Ấn Độ giải thích theo cách này và một trường phái khác giải thích theo một cách khác. Ngay cả trong cùng một trường phái triết học của Phật giáo Ấn Độ thì mỗi một trường phái Phật giáo Tây Tạng sẽ diễn giải tánh Không theo những cách rất khác biệt.
Việc có rất nhiều cách giải thích khác nhau về cùng một chủ đề là một trong những khía cạnh khó hiểu nhất đối với người phương Tây nghiên cứu đạo Phật. Nó đã đủ rắc rối, vì trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt là với Internet thì chúng ta có thể truy cập tất cả các truyền thống Phật giáo châu Á khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả trong truyền thống Phật giáo của một quốc gia. ví dụ như Tây Tạng, có nhiều thể loại và cách diễn giải khác nhau.
Tôi sẽ minh họa điểm đó. Giả sử chúng ta đang nghiên cứu một lời giải thích chi tiết về nghiệp với một vị thầy nào đó. Để không bị nhầm lẫn về những gì mình đang học thì cần phải tách biệt lời giải thích với những gì được tìm thấy trong tất cả các hệ thống khác, ngoại trừ hệ thống mà vị thầy đang giải thích. Ví dụ, cần phải biết chúng ta đang học về cách diễn dịch của Phật giáo, chứ không phải của Ấn Độ giáo (Hindu). Trong số các giải thích của Phật giáo thì chúng ta đang nghiên cứu cách giải thích từ các truyền thống tiếng Phạn của Ấn Độ, chứ không phải từ truyền thống Pali Nguyên thủy (Theravada). Trong số các truyền thống tiếng Phạn của Ấn Độ thì chúng ta đang nghiên cứu quan điểm Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika), chứ không phải quan điểm của Duy Thức (Chittamatra). Hơn nữa, chúng ta đang học hỏi về lời giải thích của Gelug về trình bày của Tỳ Ba Sa Bộ, chứ không phải lời giải thích của Kagyu. Cần phải biết bối cảnh chính xác, bởi vì những cách giải thích khác nhau về nghiệp thì khá đa dạng, tùy theo bối cảnh triết học. Nếu như cố gắng đưa sự giải thích của Gelug về một chủ đề giáo pháp vào một hệ thống Kagyu thì chúng ta sẽ rất bối rối. Và nếu như cố gắng trộn lẫn tất cả những lời giải thích lại với nhau thành một nồi súp lớn thì chúng ta sẽ càng bối rối hơn nữa.
Một trong những vị thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey, đã nêu ra một điều rất sâu sắc về người Tây phương. Ngài nói: “Những người Tây phương luôn cố gắng so sánh hai điều, mà không có điều nào bạn hiểu rõ lắm. Cuối cùng thì bạn chỉ có nhiều sự nhầm lẫn hơn. Bài học mà chúng ta phải học hỏi từ điều này là nếu muốn so sánh những hệ thống khác nhau thì tốt thôi, nhưng chỉ dựa trên cơ sở là mình phải hiểu một hệ thống rất rõ ràng. Một khi hiểu rõ một hệ thống thì bạn có thể xem xét các hệ thống khác và đánh giá cao sự khác biệt là gì, nhưng trước đó thì không thể thực hiện việc này.
Vậy nếu như muốn thiền về nghiệp, hoặc Không tánh, hay về bất kỳ chủ đề nào khác trong đạo Phật thì cần phải phát triển trí phân biệt từ việc lắng nghe giáo pháp. Điều này có nghĩa là hiểu biết một cách chính xác và chắc chắn:
- Đây là những từ ngữ đã được nói ra, không phải bất kỳ chữ nào khác.
- Người thốt ra những lời này là một nguồn thông tin chính xác, liên quan đến chủ đề này, không phải là người không đáng tin cậy.
- Đây là hệ thống triết học mà lời giải thích bắt nguồn từ đó, chứ không phải bất kỳ hệ thống triết học nào khác.
Một khi có nhận thức phân biệt phát sinh từ việc lắng nghe giáo pháp thì ta đã sẵn sàng để đi đến bước tiếp theo.
Tư Duy Về Điều Đã Lắng Nghe
Bước kế tiếp là có được nhận thức phân biệt phát sinh từ việc tư duy. “Suy nghĩ” có nghĩa là gì? Ở đây, suy nghĩ có nghĩa là cố hiểu ý nghĩa của một điều gì đó. Nhưng rồi việc “thấu hiểu” điều gì nghĩa là gì? Định nghĩa của thuật ngữ Tây Tạng, thường được dịch là “hiểu biết” hay “hiểu rõ” là: “một sự hiểu biết chính xác và quyết đoán về điều gì đó”.
Ngẫu nhiên mà nhiều từ ngữ tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Tây Tạng được sử dụng để mô tả hoạt động tinh thần và tâm thức có ý nghĩa khá khác nhau trong ngôn ngữ chánh gốc, so với các từ ngữ mà chúng ta sử dụng trong các ngôn ngữ phương Tây. Đây là lý do tại sao việc nghiên cứu các ngôn ngữ chánh gốc châu Á và ý nghĩa của các từ ngữ trong ngữ cảnh châu Á là điều rất hữu ích. Điều này có nghĩa là không chỉ đọc bản dịch tự điển, mà còn thật sự tiếp cận với ngôn ngữ, để học hỏi các định nghĩa, v.v... Nếu như làm được điều đó thì bạn sẽ có một công cụ phân tích rất mạnh mẽ để lãnh hội Phật pháp.
Hiểu Những Lời Đã Được Thốt Ra
Chữ “hiểu” này cũng có thể được sử dụng liên quan đến việc lắng nghe giáo pháp. Trong bối cảnh đó, nó sẽ xuất hiện trong những câu như: “Tôi hiểu rằng bạn đã nói những chữ đó.”. Nếu sự nhấn mạnh trong câu đó là chữ “bạn”, thì nó ngụ ý rằng chúng tôi không có nghi ngờ gì là bạn đã thật sự nói những từ đó. Chúng tôi không nghĩ rằng bạn không có nói những lời đó, hoặc người đã khác nói điều đó. Chúng tôi nghe bạn nói điều này và hoàn toàn tin tưởng là không có gì sai trái đối với thính giác của mình.
Nếu trọng tâm là về “những từ đó”, thì “tôi hiểu rằng bạn đã nói những từ đó” có thể có một nghĩa khác: “Tôi hiểu từng chữ một mà bạn đã thốt ra. Có thể tôi không hoàn toàn nắm bắt được ẩn ý của những từ ngữ và cụm từ, đó là một quá trình khác; nhưng tôi hiểu chính xác là bạn đã nói chữ này, cụm từ này và câu này.”. Phải chắc chắn là mình đã nghe chính xác những từ mà người khác nói. Ta có thể phối kiểm với những người khác để biết chắc là họ đã nghe những chữ tương tự như mình đã nghe. Nếu có một bản ghi âm thì ta có thể nghe nó. Nếu giọng nói và ghi âm của người nói rõ ràng thì ta sẽ tự tin rằng mình đã nghe những từ đó một cách chính xác. Nếu như nó không rõ thì mình có thể kiểm tra với người khác để có sự giúp đỡ, tìm hiểu về điều người khác nghe, và so sánh với những gì mình đã nghe. Khi dựa vào bản ghi âm của bài thuyết pháp thì điều này thật rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta sẽ xác định mình đã hiểu những chữ đó là gì một cách chính xác và quyết đoán, bằng cách sử dụng trí phân biệt xuất phát từ việc lắng nghe.
Hiểu Ý Nghĩa Của Từ Ngữ
Bây giờ, tư duy, tức bước thứ hai trong quá trình gồm có ba phần để có sự hiểu biết, có nghĩa là để hiểu ý nghĩa của từ ngữ thì đương nhiên là điều hoàn toàn cần thiết. Nếu như sẽ tạo dựng điều gì như một thói quen có lợi thì ta cần phải biết không chỉ từ ngữ, mà còn cả ý nghĩa của nó nữa. Ví dụ như một số người tụng những vần kệ bằng Tạng ngữ, và không biết chúng có ý nghĩa gì. Làm sao bạn có thể tạo dựng điều gì như một thói quen có ích, nếu như bạn không biết những chữ đó có nghĩa là gì?
Bạn sẽ thấy nhiều vị thầy trong Phật giáo Tây Tạng khuyên bạn nên tụng kinh và các pháp tu khác nhau bằng tiếng Tây Tạng. Đương nhiên, việc tham dự một nghi lễ cổ xưa qua bao nhiêu thế kỷ sẽ có lợi lạc. Bạn cảm thấy mình thuộc về một truyền thống, và đó là điều an ủi, khi biết rằng mọi người từ các quốc gia và ngôn ngữ khác nhau đang tụng đọc cùng một điều. Nhưng việc trì tụng bằng tiếng Tây Tạng sẽ không giúp mình tạo ra thói quen có ích, đối với những gì mà các từ ngữ đang biểu lộ, trừ khi mình hiểu ý nghĩa của tiếng Tây Tạng. Vậy thì cần phải hiểu ý nghĩa, và ý nghĩa thì phải chính xác và quyết đoán. Điều đó có nghĩa là sử dụng trí phân biệt để cô lập điều đó có nghĩa là gì, đối với những điều không có nghĩa như vậy. Chúng ta sẽ thực hiện điều này qua một quá trình phân tích và suy luận hợp lý, để đi đến một sự hiểu biết quả quyết về ý nghĩa của những từ ngữ này.
Vững Tin Về Ý Nghĩa Của Những Từ Ngữ Trong Một Bài Pháp
Điểm nói về việc đạt được sự hiểu biết quả quyết nêu ra một chủ đề rất khó, đó là làm sao để thật sự vững tin về điều gì? Để tin tưởng vào điều gì không rõ rệt và không thể lãnh hội bằng giác quan thì chúng ta cần phải dựa vào lý luận. Tuy nhiên, có một số người, khi nghe lập luận hợp lý nhưng họ vẫn không tin vào những điều mà lý luận đã chứng minh. Trong một số trường hợp, họ không muốn tin vào kết luận, ngay cả khi đó là cách hợp lý. Nếu chúng ta giống như những người như vậy thì điều này có thể gây ra rất nhiều trở ngại cho việc học hỏi giáo pháp của mình.
Tuy nhiên, hãy giả sử là chúng ta chấp nhận kết luận của lý lẽ. Vậy thì hãy sử dụng tính vô thường như một ví dụ về quá trình phân tích và lập luận. Những gì ta muốn chứng minh và nhờ vậy mà hiểu rằng bất cứ điều gì được tạo ra hoặc sản sinh đều tùy thuộc vào nhân duyên, và cuối cùng sẽ chấm dứt. Dù đang nói về máy vi tính, xe hơi, cơ thể hay một mối quan hệ cá nhân thì nó đều được sản sinh ra nhờ vào nhân duyên. Và vì những nhân duyên đó không được đổi mới trong mỗi một sát na, nên sản phẩm mà chúng tạo ra và phụ thuộc vào chúng thì cuối cùng sẽ tan rã.
Bạn có thể nghĩ ra những ví dụ về món gì bạn đã mua, và cuối cùng đã bị bể, hay bị hư; ví dụ như chiếc xe mới mà bạn mua cuối cùng đã bị hỏng, hoa hay trái cây đã phát triển và cuối cùng bị hư hoại. Không có ngoại lệ đối với quy tắc này. Không có ví dụ về một cái gì được tạo ra hay sản xuất mà không bao giờ bị hư hoại, và tồn tại mãi mãi. Nếu nó được tạo ra, nghĩa là nó không tồn tại trước đó, thì sẽ bị hư hỏng. Tại sao? Một thứ gì mới xuất hiện thì chỉ có thể biểu hiện bằng cách phát sinh phụ thuộc vào nhân duyên. Nhưng ngay sau khi điều gì phát sinh thì các nhân duyên hỗ trợ sự sinh khởi ban sơ của nó đã thay đổi. Chúng thay đổi vì chúng cũng sinh khởi dựa vào những nhân tố khác. Vì vậy mà chúng không còn có mặt để hỗ trợ cho sản phẩm đó tiếp tục phát sinh trong mỗi một sát na kế tiếp. Nói cách khác là khi các nhân duyên giúp cho điều gì đó phát sinh không còn nữa thì bất cứ điều gì sinh khởi bằng cách phụ thuộc vào các yếu tố hỗ trợ đó sẽ tan rã. Nó sẽ tan rã, vì nó thiếu các yếu tố để hỗ trợ sự tồn tại liên tục của nó trong cùng một tình trạng như khi nó mới phát sinh. Tình trạng của nó sẽ thay đổi, bởi vì nó chịu sự tác động của những nhân duyên khác.
Một ví dụ khác là mối quan hệ cá nhân. Một mối quan hệ với ai đó sẽ nảy sinh dựa vào nhiều nhân duyên. Chẳng hạn như tôi ở độ tuổi nào đó, người kia ở độ tuổi nào đó thì điều này đã xảy ra trong cuộc sống của tôi, điều nọ đã xảy ra trong cuộc sống của người kia, đây là những gì đang xảy ra trong xã hội. Tất cả những yếu tố này đã giúp cho hai chúng tôi gặp nhau và có một mối quan hệ. Nhưng những điều kiện đó đã không kéo dài; chúng thay đổi liên tục. Chúng tôi lớn lên và những điều khác biệt đã xảy ra trong cuộc sống của chúng tôi. Ngay cả nếu chúng tôi ở bên nhau một thời gian rất dài thì một trong hai người sẽ chết trước người kia. Vì phụ thuộc vào nhân duyên mà mối quan hệ giữa chúng tôi sẽ luôn luôn thay đổi, và không thể kéo dài mãi mãi. Mặc dù đây là kết luận mà chúng ta đi đến bằng lý luận, nhưng ta không muốn chấp nhận sự thật này.
Trong một ví dụ khác, chúng ta mua một cái máy vi tính và hy vọng nó sẽ tồn tại mãi mãi và không bao giờ bị hư, nhưng nó bị hư. Tại sao nó hư? Nó bị hư là vì nó được sản xuất ra. Bất cứ điều gì xảy ra vào lúc nó bị hư hay bị vỡ, đó chỉ là duyên cho sự kết thúc của nó. Nguyên nhân thật sự khiến cho nó bị hư là vì nó được sản xuất ra. Điều đó giống như câu nói: “Lý do đưa đến cái chết của người này là gì? Lý do cho cái chết của họ là vì họ đã được sinh ra.”. Có một câu nói đùa như vầy: “Bạn có biết định nghĩa của cuộc sống không? Nó là một bệnh lây lan bằng đường tình dục, với tỷ lệ tử vong 100%.”. Đáng tiếc, đó là sự thật! Mặc dù chúng ta sử dụng lý lẽ khi nghĩ về một chủ đề, chẳng hạn như cố gắng thấu hiểu vô thường, nhưng thường thì có rất nhiều sự phản kháng. Đôi khi, chúng ta không muốn tin vào thông tin mình nhận được. Ta không muốn chấp nhận rằng vô thường là thực tế của cuộc sống. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải lặp đi lặp lại lý lẽ ấy, để thật sự học hỏi chủ đề một cách sâu sắc.
Sau đó, nhờ quá trình tư duy mà chúng ta đạt được một sự “hiểu biết”, điều mà người ta gọi là “trí phân biệt xuất phát từ tư duy”. Chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của các từ ngữ, và xác quyết về điều đó. Nói cách khác là mình đã sử dụng lý lẽ và loại trừ những điều mà nó không có nghĩa là như vậy. “Vô thường không có nghĩa là có thể máy vi tính của tôi sẽ bị hỏng. Nó có nghĩa là chắc chắn nó sẽ bị hư ở một thời điểm nào đó”. Vì vậy, dù có tin chắc về sự thật rằng “tất cả mọi thứ được tạo ra sẽ hư hoại” hay không thì ít nhất chúng ta hiểu một cách đúng đắn rằng vô thường có nghĩa là gì.
Vững Tin Rằng Giáo Pháp Mình Lắng Nghe Là Đúng Và Hữu Ích
Tiếp theo, chúng ta cần phải vững tin, không chỉ về những gì mình đã nghe có nghĩa là gì, mà cũng cần phải tin chắc ý nghĩa của nó là đúng. Trong ví dụ về lẽ vô thường thì ta có thể hiểu ý nghĩa của chữ này, nhưng ta có tin rằng nó thật sự đúng hay không? Chúng ta có thật sự tin chắc hay không? Nếu như chịu tư duy về vô thường một cách bền bỉ, và chắc chắn không thể tìm thấy bất kỳ ngoại lệ nào cho quy tắc này thì ta sẽ thật sự tin rằng vô thường là một quy luật cơ bản. Quá trình suy nghĩ có thể diễn ra như thế này: “Chắc chắn mình sẽ chết. Tất cả những ai sinh ra đều đã chết. Không có ví dụ về một người sinh ra mà không chết. Vì vậy, có lý do nào để tin rằng tôi sẽ không chết? Không, không hề có.".
Nếu tin chắc rằng đến một lúc nào đó, mình sẽ chết, thì chúng ta sẽ cố gắng làm cho cuộc sống này có ý nghĩa càng nhiều càng tốt. Thông thường, khi ai đó có một kinh nghiệm cận tử thì họ nhận ra rằng, “Này, tôi vẫn còn sống, và muốn làm cho quãng đời còn lại có ý nghĩa tối đa.”. Nhưng không cần phải chờ đợi một kinh nghiệm cận tử để tin chắc về việc tử vong của mình, và hình thành sự xác tín để sử dụng quãng thời gian còn lại trong đời.
Thế thì nhờ việc tư duy mà trước hết, chúng ta hiểu ý nghĩa một cách đúng đắn và chính xác. Tiếp theo thì ta tin chắc là nó đúng. Và thứ ba là cần phải vững tin rằng việc tiếp thu điều này và biến nó thành một phần trong cách mình sinh hoạt trong đời sống sẽ có ích cho mình.
Tất cả những điều đó - hiểu ý nghĩa, tin chắc rằng nó đúng, và chắc chắn là nó sẽ giúp ích - là một phần của việc phát triển trí phân biệt, xuất phát từ việc tư duy. Nó là một quá trình rất quan trọng và mất khá nhiều thời gian. Chúng ta cần ngồi yên lặng và suy nghĩ rất sâu sắc về bất kỳ giáo huấn nào mà mình đã nghe hay đọc. Nếu không làm như vậy mà cố gắng thiền quán về vô thường, ví dụ vậy, thì có lẽ mình sẽ ngồi đó và không biết phải làm gì. Sau đó, mình sẽ rơi vào tình trạng mê muội, điều mà chúng ta gọi là “lâng lâng”, và coi đó là thiền. Đó không phải là thiền chút nào hết. Vậy thì thiền là gì?
Ba Loại Thiền
Cũng giống như nhờ việc lắng nghe giáo pháp và tư duy về chúng mà ta sẽ phát triển các loại trí phân biệt bằng hai yếu tố này, thiền đem lại cho chúng ta cái gọi là “trí phân biệt phát sinh từ việc hành thiền”. Với nhận thức này và định tâm hoàn hảo, ta có thể phát khởi tâm thái ích lợi mà mình muốn phát triển, và có thể phân biệt giữa nó và tất cả những tâm thái khác một cách quyết đoán và chính xác. Để có được trí phân biệt này, chúng ta phải làm quen với tâm thái mà mình muốn có, bằng cách phát khởi nó nhiều lần. Có rất nhiều cách hành thiền khác nhau để thực hiện điều này, nhưng hãy chỉ xem xét ba loại phổ biến nhất.
Tập Trung Vào Một Đối Tượng
Pháp thiền đầu tiên đòi hỏi việc tập trung vào một đối tượng. Chúng ta có thể tập trung vào bất kỳ đối tượng nào, và điều mà mình cố phát triển là định tâm vào đối tượng ấy. Dù đó là việc tập trung vào cảm giác của hơi thở ra vào, hay tập trung vào một vị Phật trong quán tưởng, hay tập trung vào bản tánh của tâm, thì vẫn là tập trung vào một đối tượng. Nhân tiện thì xin nói thêm rằng ba đối tượng này là những đối tượng được sử dụng phổ biến nhất để phát triển định tâm trong Phật giáo Tây Tạng.
Một thể loại quan trọng khác của pháp thiền này là tập trung vào một đối tượng với định tâm, và trong khi tập trung vào nó thì cố phân biệt nó theo một cách nào đó, ví dụ như nó vô thường. Bằng cách tập trung vào đối tượng này với sự phân biệt đó thì ta sẽ nhận chân rằng nó thật sự vô thường. Điều đó rất hữu ích cho việc khắc phục tâm luyến ái với điều gì, như thể nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Một ví dụ hữu ích khác là như sau: Bạn có một tình bạn hay một mối quan hệ với ai đó, và anh ấy không gọi điện thoại cho bạn hoặc đến thăm bạn, và bạn cảm thấy rất buồn. Trong ví dụ này, bạn cần phải hiểu và hoàn toàn tin chắc vào sự thật là: “Mình không phải là người duy nhất trong đời của bạn mình. Ngoài mình ra, còn có những người khác trong cuộc sống của anh ấy. Thế thì mình hoàn toàn vô lý khi mong đợi anh ấy dành thời gian riêng cho mình, và không dành thời gian cho bất cứ ai khác.”. Ở đây, bạn đang thử thách vọng tưởng về một điều bất khả, đó là: “Tôi là người duy nhất trong cuộc sống của bạn tôi.”. Vì vậy, khi thấy buồn vì bạn của mình không dành đủ thời gian cho mình thì hãy cố gắng tập trung vào anh ấy với trí phân biệt: “Ngoài tôi ra thì anh ấy có những người khác và công việc khác đang xảy ra trong đời sống của anh.".
Vì vậy, khi nói về thiền, chúng ta không nói về một quá trình huyền bí, kỳ diệu nào; chúng ta không lạc vào vùng đất giả tưởng. Thay vì vậy, thiền đòi hỏi những phương pháp rất thiết thực để đối phó với đau khổ, khó khăn và vấn đề trong cuộc sống của mình.
Vậy thì pháp thiền đầu tiên là tập trung vào một đối tượng theo một cách nào đó chỉ bằng định tâm, hay với một sự hiểu biết và phân biệt nào đó, như trong ví dụ của chúng ta về việc tập trung vào bạn của mình.
Phát Khởi Một Tâm Thái
Pháp thiền thứ hai là tạo ra một tâm thái nào đó, ví dụ như để phát lòng từ hay lòng bi, và tập trung vào cảm giác đó. Điểm nhấn mạnh không phải là đối tượng mà ta đang hướng lòng từ hoặc lòng bi vào, mà đúng hơn thì điều nhấn mạnh ở đây là để phát triển một cảm xúc hay cảm giác.
Phát Khởi Một Ước Nguyện
Pháp thiền thứ ba là tập trung vào một đối tượng với ước nguyện đạt được mục tiêu liên quan đến nó; ví dụ như tập trung vào sự giác ngộ của riêng mình, là điều chưa xảy ra, với khát vọng mà “tôi sẽ thành tựu nó”. Điều này được gọi là “thiền quán về bồ đề tâm”. Khi thiền quán về bồ đề tâm, đôi khi được dịch là “tâm tỉnh thức”, điều mà mình tập trung vào không phải là sự giác ngộ nói chung, cũng không phải là sự giác ngộ của Đức Phật; thay vì vậy, ta đang tập trung vào sự giác ngộ của riêng mình. Giác ngộ chưa xảy ra cho ta, nhưng nó có thể xảy ra, chúng ta tin chắc rằng điều đó có thể xảy ra, trên cơ sở tiềm năng Phật tánh của mình và rất nhiều công phu khó nhọc. Thế thì với pháp thiền thứ ba này, chúng ta tập trung vào mục đích trong tương lai, với mục tiêu mạnh mẽ để đạt được nó.
Ba Pháp Thiền Trong Đời Sống Hàng Ngày
Ba loại thiền này phát triển những tập khí có lợi mà ta muốn thể nhập vào cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng là thiền không phải là một hoạt động bên lề, không liên quan gì với cuộc sống của chúng ta. Thiền không phải là một lối thoát; nó không phải là một trò chơi; nó không phải là một sở thích. Đó là một phương pháp giúp ta phát triển những phẩm chất mà mình muốn thể nhập vào cuộc sống và sử dụng chúng hàng ngày.
Ta sẽ minh họa cách mình áp dụng ba phương pháp này, bằng cách sử dụng các ví dụ vừa được nêu ra. Khi thực hành pháp thiền đầu tiên mà mình tập trung vào một đối tượng thì ta sẽ học cách làm lắng dịu tâm trí và gia tăng khả năng tập trung tinh thần. Ta không chỉ học hỏi để tập trung vào công việc, mà còn để tập trung tinh thần trong khi nói chuyện với ai đó. Ta muốn tập trung vào người đó, vào những điều anh ấy đang nói mà không suy nghĩ về những chuyện khác. Chúng ta muốn lắng nghe mà không có bất kỳ bình luận nào diễn ra trong đầu, mà không phán xét những gì anh ấy nói: “Ồ, thật là ngu ngốc”, hay “Ước gì anh ấy câm miệng lại nhỉ.”. Ta muốn những lời huyên thuyên trong tâm trí lắng xuống. Ta cũng có thể bổ sung thêm trí phân biệt vào sự tập trung đối với người này và lời nói của anh ấy như sau: “Bạn là một con người có cảm xúc cũng giống như tôi; bạn muốn được chú ý khi bạn nói chuyện, giống như tôi cũng muốn người khác chú tâm khi tôi nói.”. Đây là điều mình sẽ rèn luyện, để thực hành qua thiền định.
Ta có thể sử dụng pháp thiền thứ hai, tạo ra một tâm thái để tăng trưởng lòng từ bi trong cuộc sống hàng ngày. Ta sẽ nỗ lực để phát lòng từ, ước mong mọi người được hạnh phúc, bất kể mình đang ở đâu, hay với ai. Tình thương ở đây thật ra có nghĩa là tình thương đối với tất cả mọi người: mọi người trên xe buýt, tất cả mọi người trên tàu điện ngầm, mọi người đang lái xe trên đường, tất cả mọi người trong cửa hàng, tất cả các loài động vật và côn trùng, tất cả mọi loài. Nên điều đó có nghĩa là phát tâm tôn trọng tất cả mọi người. Mọi người đều bình đẳng ở chỗ tất cả đều muốn được hạnh phúc và không muốn bất hạnh. Và mọi người đều có quyền hạnh phúc như nhau, kể cả con ruồi!
Cuối cùng, chúng ta sẽ sử dụng thiền để phát triển ước nguyện mà mình sẽ ôm ấp suốt đời: “Tôi đang nỗ lực hướng tới một mục tiêu. Tôi đang cố gắng giảm bớt những sự thiếu sót của mình. Tôi đang nỗ lực để phát triển những phẩm chất tốt đẹp, và tôi đang nỗ lực hướng đến giải thoát và giác ngộ. Đó là ước nguyện bao trùm cả cuộc đời, không chỉ là thời gian ngắn ngủi mà mình ngồi trên tọa cụ.
Lời Khuyên Của Tông Khách Ba Về Việc Phát Triển Tâm Thái Ích Lợi
Tông Khách Ba (Tsongkhapa), một bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng, đã giải thích rất rõ những gì mình thật sự cần phải biết, đối với tất cả các pháp thiền này; nói cách khác là làm thế nào để phát triển một tâm thái có ích, để làm nền tảng cho việc hành thiền.
Biết Mình Đang Tập Trung Vào Điều Gì
Trước tiên, cần phải biết mình đang tập trung vào điều gì. Hãy lấy ví dụ về lòng bi. Khi tập trung vào lòng bi thì ta đang tập trung vào nỗi khổ của người khác. Điều đó hoàn toàn khác biệt với bồ đề tâm, khi mà ta tập trung vào sự giác ngộ của riêng mình, là điều chưa xảy ra. Một số người nghĩ rằng họ đang thiền quán về bồ đề tâm, trong khi thật sự họ chỉ thiền quán về lòng bi mẫn; lòng bi là nền tảng cho bồ đề tâm, nhưng lòng bi và bồ đề tâm không giống nhau.
Hiểu Biết Về Mọi Khía Cạnh Của Đối Tượng
Sau khi đã xác định đối tượng của sự tập trung tâm ý, trong trường hợp này thì nỗi khổ của tha nhân là đối tượng trọng tâm của lòng bi mẫn. Tiếp theo, chúng ta cần phải biết tất cả các khía cạnh của đối tượng ấy. Thế thì ta sẽ khám phá những khía cạnh hoặc những nỗi khổ khác nhau mà mọi người đều trải qua như nỗi bất hạnh, hạnh phúc thông thường của chúng ta, bị khống chế vì sự thúc bách của nghiệp và nỗi khổ vì tái sinh bất tự chủ trong luân hồi. Không chỉ đơn giản tập trung vào một nỗi khổ hạn chế của chỉ một vài chúng sinh, như sự bất hạnh và khó khăn khi mất việc. Trong trường hợp tâm đại bi thì ta sẽ tập trung vào tất cả các khía cạnh đau khổ mà tất cả mọi người, bao gồm cả động vật, cũng đều kinh qua một cách phổ quát.
Biết Tâm Mình Liên Hệ Với Đối Tượng Như Thế Nào
Tiếp theo, chúng ta cần phải biết tâm mình liên hệ với đối tượng đó như thế nào. Đối với lòng bi mẫn thì ta sẽ tập trung vào tất cả những nỗi khổ của người khác, mong muốn nó sẽ biến mất và không bao giờ trở lại. Đó không phải là thái độ “ồ, thật là kinh khủng”. Một lần nữa, ý nghĩ này rất khác với bồ đề tâm. Đối với bồ đề tâm thì chúng ta tập trung vào sự giác ngộ chưa xảy ra của mình, và liên hệ với nó bằng ý định rằng “Tôi sẽ đạt giác ngộ và mang lại lợi lạc cho chúng sinh, bằng cách thành tựu giác ngộ.” Điều này rất khác biệt với cách mình liên hệ với lòng bi mẫn, qua nỗi khổ của chúng sinh.
Biết Điều Gì Sẽ Phát Triển Đối Tượng
Sau đó, cần phải biết điều gì sẽ giúp ta phát triển tâm thái này. Trong ví dụ của chúng ta thì lòng bi mẫn được hỗ trợ nhờ việc có cùng tác ý hay cảm giác đối với nỗi khổ của chính mình. Điều đó được gọi là “quyết tâm để được giải thoát”, thường được dịch là “tâm xả ly”. Nó tập trung vào nỗi khổ của chính mình, và quyết tâm thoát khỏi nỗi khổ ấy, và thoát khỏi nhân tạo khổ. Ước muốn thoát khỏi nhân tạo khổ có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ những hành vi tạo ra nỗi khổ, như sân hận. Nếu ta có thể thật sự phát triển quyết tâm để giúp bản thân mình thoát khổ thì điều đó sẽ hỗ trợ cho việc có thể hướng thái độ đó, mong muốn đó, về phía tha nhân, với cùng cường độ như ta sẽ tập trung vào bản thân mình.
Biết Điều Gì Có Hại Cho Việc Phát Triển Đối Tượng
Ta cũng cần phải biết điều gì sẽ cản trở sự phát triển của tâm thái này. Điều cản trở sự phát triển của lòng bi là không coi trọng người khác, và không coi trọng nỗi khổ của họ. Để đối trị điều đó thì cần phải nghĩ rằng “Tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc. Không ai muốn bất hạnh. Không có ai khác nhau về ước muốn được thoát khổ. Tất cả chúng ta đều như nhau. Và mọi người đều có cảm xúc, giống như tôi có cảm xúc. Tất cả mọi người đang đau khổ cũng đều bị thương tổn như nỗi khổ của tôi làm tôi tổn thương. Họ muốn thoát khỏi nỗi khổ của họ, giống như tôi muốn thoát khỏi nỗi khổ của tôi.”. Nhờ vậy, chúng ta sẽ phát triển sự nhạy cảm đối với người khác và tôn trọng họ. Nếu không có sự nhạy cảm và tôn trọng ấy thì ta sẽ bị cản trở trong việc phát triển lòng bi mẫn chân thành.
Biết Ứng Dụng Của Đối Tượng
Ngài Tông Khách Ba tiếp tục bằng cách nói rằng một khi đã phát triển tâm thái này thì cần phải biết mình sẽ làm gì với nó? Nói cách khác thì ứng dụng của nó là gì. Tôi phát tâm bi, rồi thì sao? Nó sẽ giúp tôi đối phó với người khác; nó sẽ giúp tôi làm việc vì lợi lạc của họ; và nó sẽ thật sự thúc đẩy tôi và thúc giục tôi đạt được mục đích cuối cùng là giác ngộ, để tôi có thể giúp đỡ người khác một cách đáng kể. Tôi hiểu rằng điều ngăn cản tôi giúp đỡ họ hiện nay là những khiếm khuyết của mình, nên tôi rất muốn khắc phục những điều đó.
Biết Đối Tượng Sẽ Đoạn Trừ Điều Gì
Điều tiếp theo mà chúng ta cần phải biết là tâm trạng này sẽ loại bỏ hay đoạn trừ điều gì? Lòng bi mẫn sẽ loại bỏ cảm giác lạnh lùng, khiến tôi bỏ mặc người khác. Nó sẽ giúp tôi đoạn trừ tâm lười biếng, không muốn giúp đỡ người khác, và khắc phục sự lười biếng, không muốn cải thiện bản thân. Nhờ đoạn trừ cảm giác lạnh lùng này mà tôi có thể giúp đỡ người khác nhiều hơn. Nếu như biết hết những yếu tố để phát triển và hành thiền về lòng bi mẫn thì ta có thể rất tự tin là mình đang thực hiện pháp thiền một này đúng cách; ta biết chính xác những gì mình đang làm và tại sao mình lại làm điều đó. Chúng ta đã chuẩn bị đúng cách để thực hành bài thiền này. Nếu không thì sẽ giống như nhảy xuống chỗ nước sâu trong bể bơi mà lại không biết bơi. Nếu chỉ nói một cách đơn giản là, “Chỉ cần ngồi xuống và hành thiền thôi”, mà không biết mình nên làm gì thì rất có thể chúng ta sẽ không có được kết quả tốt.