Tâm Trạng Cần Thiết Để Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm

Kệ Thể Hiện Lòng Tôn Kính Và Kệ Số 1

Tác Giả, A Đề Sa

Bồ Đề Bảo Xuyến (Phạn ngữ: Bodhisattva-mani-avali) được đạo sư vĩ đại Ấn Độ A Đề Sa sáng tác (Atisha Dipamkarashrijnana, 982-1054). Là một đạo sư vĩ đại của Tu Viện Vikramashila, ông rất quan tâm đến việc sở hữu và bảo tồn các giáo pháp về bồ đề tâm, là giáo pháp không được phổ biến rộng rãi ở Ấn Độ.

Có ba dòng truyền thừa Kinh điển Đại thừa xuất phát từ Đức Phật, không chỉ hai dòng như thường được đề cập trong những lời cầu nguyện với dòng truyền thừa. Một dòng truyền thừa là những giáo pháp lan rộng liên quan đến bồ đề tâm, một dòng truyền thừa khác là những giáo pháp thậm thâm, liên hệ đến Không tướng (tánh Không) - cả hai đều có mặt ở Ấn Độ ở một mức nào đó. Ngoài ra, có một dòng truyền thừa hành trì bồ đề tâm. Đây là những gì mà A Đề Sa muốn học hỏi. Để làm điều này thì ông đã thực hiện một chuyến đi mất 13 tháng để đến Sumatra, để nghiên cứu pháp tu này với bậc thầy vĩ đại Serlingpa, người nắm giữ dòng truyền thừa này.

Sau khi đã nghiên cứu giáo pháp của dòng truyền thừa hành trì này, mà sau này được biết như pháp luyện tâm (lojong), thì A Đề Sa đã trở về Ấn Độ. Sau đó, ông được thỉnh mời đến Tây Tạng. Vào thời điểm đó ở Tây Tạng thì giáo pháp đã suy tàn. Phật pháp đã suy tàn một cách nghiêm trọng đến mức có rất nhiều sự hiểu lầm liên quan đến giáo pháp. Do đó, A Đề Sa được thỉnh mời để làm sống lại giáo pháp đúng đắn. Sau khi thực hiện một cuộc hành trình rất khó khăn đến Xứ Tuyết thì ông bắt đầu vòng ban truyền giáo pháp thứ hai ở đó, và cũng ban truyền pháp tu bồ đề tâm.

A Đề Sa cũng được ghi nhận là tác giả của tác phẩm lam-rim đầu tiên về đường tu tuần tự đến giác ngộ. Truyền thống Kadam được truy tầm từ A Đề Sa và đại đệ tử Tây Tạng của ông, tức Dromtonpa (1005-1064), và những người tu tập theo truyền thống này được gọi là các hành giả “Kadampa”. Trên thực tế thì Bồ Đề Bảo Xuyến được bao gồm trong Bộ Giáo Pháp Cha của “Quyển Sách Kadam” (the Father Set of Teachings of “The Book of Kadam”), cùng với sự khai triển về mỗi câu kệ do A Đề Sa nêu ra, để trả lời cho những thắc mắc mà Dromtonpa nêu ra, vì Dromtonpa là “cha” của truyền thống Kadam.

Gampopa, trong truyền thống Kagyu, đã kết hợp các dòng truyền thừa từ truyền thống Kadam với giáo pháp Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Kết quả là các giáo pháp  bồ đề tâm và luyện tâm được nhấn mạnh trong các truyền thống Kagyu có nguồn gốc từ chính ông. Các trường phái Sakya và Nyingma cũng đã áp dụng pháp luyện tâm hoặc giáo huấn lojong này. Thế thì rõ ràng là giáo pháp lojong đóng vai trò chính trong sự phát triển của Phật giáo ở Tây Tạng. Tôi nghĩ điều trọng đại là tác phẩm này xuất hiện như tác phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập của một trăm pháp luyện tâm bằng tiếng Tây Tạng. Điều này cho thấy theo nhiều cách rằng tác phẩm này là một trong những tiền thân của thể loại này.

Cuối cùng thì truyền thống Kadam đã chia thành ba dòng truyền thừa.Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã kết hợp chúng lại với nhau một lần nữa, và khởi đầu truyền thống Gelug, là điều tiếp nối truyền thống Kadam này, kết hợp Kinh điển và Mật điển. Cuối cùng thì A Đề Sa cũng là một đạo sư Mật tông, dù ông giữ kín pháp tu của mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy các dấu hiệu về việc tu tập Mật tông của Ngài ở một số điểm trong tác phẩm Bồ Đề Bảo Xuyến.

Kệ Thể Hiện Lòng Tôn Kính

Điểm đầu tiên mà chúng ta thấy có sự kết hợp giữa Kinh điển và Mật điển là trong những câu kệ thể hiện lòng tôn kính mà A Đề Sa đã mở đầu bản văn. Ông đã mở đầu như sau:

Xin đảnh lễ tâm đại bi. Xin đảnh lễ chư đạo sư cao cả. Xin đảnh lễ chư Bổn Tôn, là chư vị ban nguồn cảm hứng về lòng tín tâm.

Tâm Đại Bi

Lòng bi là mong muốn tha nhân thoát khổ và nhân tạo khổ. Tâm đại bi “cao cả” theo cách là không chỉ mong muốn cho chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ vì đau đớn (khổ khổ) và khổ vì thay đổi (hoại khổ), là loại hạnh phúc thế tục, bình thường, không lâu bền mà không biết điều gì sẽ ra sau đó; mà còn mong muốn cho tha nhân thoát khỏi nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ). Nỗi khổ thâm nhập khắp nơi đề cập đến các uẩn của mình, nói cách khác là sự đa dạng của các thành phần tạo nên mỗi một sát na kinh nghiệm của chúng ta trong mỗi một lần tái sinh trong luân hồi. Chúng xuất phát từ vô minh, xen lẫn với vô minh, và tạo ra thêm vô minh và đau khổ.

Thế thì tâm bi cao cả mong muốn tha nhân thoát khỏi tất cả những điều này, nói cách khác là để đạt giải thoát, và thậm chí xa hơn là để đạt giác ngộ. Lòng bi mẫn này cũng cao cả theo cách là nó bao trùm tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, với cùng một thái độ thương yêu mà một người mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình. Đó là tâm đại bi. Nó thật sự là một tâm trạng phi thường. Nó hướng về tất cả chúng sinh, và muốn cho họ đạt được mục tiêu cao cả như vậy.

Chư Đạo Sư

Dòng thứ hai của vần kệ thể hiện lòng tôn kính là: Xin đảnh lễ chư đạo sư cao cả, hay chư bổn sư - đây là chư đạo sư biểu hiện phẩm chất của tâm đại bi này. Vì phẩm chất này, nên chư vị là những đạo sư hội đủ điều kiện. Các ngài có tâm bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, nên cố gắng giúp tất cả chúng sinh đạt được giải thoát và giác ngộ, không chỉ riêng đệ tử của họ. Ví dụ lớn nhất về một vị thầy như vậy mà chúng ta có thể thấy có lẽ là Đức Dalai Lama. Nỗ lực thuyết Pháp không mệt mỏi của Ngài là để cố gắng giúp cho mọi người trên khắp thế giới khắc phục nỗi khổ của họ. Ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi thì Ngài vẫn tiếp tục. Đó là một đạo sư siêu phàm; đó là một vị Lạt ma. 

Phật Tánh Và Tính Bất Khả Phân Của Đạo Sư, Đức Quán Thế Âm Và Tâm Đại Bi

Atisha cũng viết thêm, Xin đảnh lễ chư Bổn Tôn. Điều này đề cập đến Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) một cách cụ thể, hay trong tiếng Tây Tạng là “Chenrezig”, hiện thân của tâm bi ở mức giác ngộ, lòng bi viên mãn của một vị Phật. Việc A Đề Sa đề cập đến chư bổn sư (guru) trước tiên, trước chư Bổn tôn (yidams). Ngài đã làm như vậy, bởi vì như thường nói, nhờ có thầy mà người ta có thể tiếp xúc với chư Bổn tôn này.

Khi nói về việc xem thầy như Phật thì ta đang đề cập đến việc nhìn thấy Phật tánh trong vị thầy. Khi xem thầy như một ví dụ thì mình sẽ chú tâm vào các yếu tố Phật tánh của thầy, và phân biệt khía cạnh của những yếu tố này, tức khả năng của thầy, khi được tích tập đủ mạnh mẽ thì sẽ tạo ra một vị Phật giác ngộ viên mãn, được đại diện bằng vị thầy. Dù thầy đã thật sự giác ngộ hay không thì không có quan hệ gì. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là chú tâm vào Phật tánh ấy, để gia hộ cho chúng ta đánh thức Phật tánh của mình.

Yếu tố Phật tánh của thầy được nêu ra ở đây là tâm bi viên mãn của chư Phật, điều đã được Bổn tôn Quán Thế Âm biểu hiện. Đó là lý do tại sao chúng ta thường quán tưởng những Bổn tôn như vậy trong tim của đạo sư, và trong tim của mình, và tại sao ta cũng thường quán tưởng đạo sư trong tim mình. Nếu như không có đạo sư thì ta sẽ không thể tiếp cận chư Bổn tôn và tâm giác ngộ. Vì lý do đó mà A Đề Sa đã liệt kê Bổn tôn Quán Thế Âm sau vị đạo sư trong vần kệ thể hiện lòng tôn kính này.

Về cả ba - lòng bi, đạo sư và Đức Quán Thế Âm – thì A Đề Sa nói, chư vị ban nguồn cảm hứng về lòng tín tâm. Cụ thể thì đây là tín tâm về những gì là sự thật. Tín tâm không có nghĩa là tin tưởng vào điều gì mà mình không thật sự hiểu biết, hay không chắc chắn, như “Tôi tin rằng ngày mai trời có thể mưa; mà đúng hơn thì nó có nghĩa là tin tưởng vào điều gì là sự thật. Ở đây, thực tế là tính bất khả phân của lòng bi, đạo sư và Đức Quán Thế Âm. Với tín tâm trọn vẹn thì ta sẽ xem ba yếu tố này bất khả phân, và đảnh lễ.

Đây thật sự là một vần kệ rất sâu sắc về lòng tôn kính. Nó khiến ta suy nghĩ khá nhiều về Đức Dalai Lama, người thường được tất cả các Phật tử Tây Tạng thừa nhận là hiện thân của Đức Quán Thế Âm, một hiện thân của lòng bi. Để tin rằng đó là sự thật, thì điều quan trọng là phải hiểu hiện thân này có nghĩa là gì. Niềm tin của chúng ta có thể được dựa vào tâm mê tín, hay dựa vào ý tưởng rằng, “Tôi không biết thật ra điều đó có nghĩa là gì, nhưng tôi tin nó.”. Một niềm tin như vậy thì không sâu sắc và ổn định. Tôi nghĩ việc thấu hiểu lòng bi là gì là điều rất quan trọng, đặc biệt là tâm đại bi, để có một vài khái niệm Đức Dalai Lama là ai, Ngài làm gì, và thật sự trân trọng những phẩm hạnh của Ngài.

Một điều cũng quan trọng là có một sự hiểu biết Phật tánh là gì, và đâu là tầm quan trọng của việc thấy Phật tánh bên trong đạo sư. Đức Quán Thế Âm đại diện cho điều gì? Ngài đại diện cho Phật tánh của tất cả chúng sinh, có nghĩa là bản tánh cơ bản của tâm là lòng nồng hậu, chăm sóc người khác, v.v... Giống như tất cả các yếu tố Phật tánh khác, lòng bi phát sinh ở cấp độ nền tảng, đường tu và kết quả.

  • Cấp độ nền tảng - những gì tất cả chúng ta đều sở hữu một cách tự nhiên, như được nêu ra bằng bản năng làm cha mẹ
  • Cấp độ đường tu - những gì mình sở hữu, trong khi nuôi dưỡng lòng bi cơ bản này, nhờ việc tu tập giáo pháp
  • Cấp độ kết quả - của một vị Phật.

Chúng ta có thể có nội quán về ba cấp độ này, về mặt phẩm chất của đạo sư. Đạo sư giúp đỡ ta bằng quá trình phát tâm bi, qua ba cấp độ này. Nếu như hiểu được điều đó, thì ta có thể đảnh lễ tâm bi, đạo sư và Đức Quán Thế Âm với niềm tin vững chắc và xác tín về tánh bất khả phân của ba yếu tố này.

Ở đây thì A Đề Sa đã đưa chút ít Mật tông vào, dù là một cách tinh tế và ẩn giấu, vì đó là cách phải làm như vậy. Thầy của tôi, người mà tôi đã thọ nhận giáo huấn này, Geshe Ngawang Dhargyey, luôn nhấn mạnh rằng có rất nhiều điều để nhìn thấy trong vần kệ thể hiện lòng tôn kính. Không nên chỉ nghĩ về nó như một sự tô điểm đơn thuần cho phần đầu của một tác phẩm, rồi lướt qua một cách nhanh chóng, mà không chú ý đến nó.

Kệ Số 1: Tâm Trạng Cần Thiết Cho Việc Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm 

Khi quán chiếu kỹ càng thì ta có thể thấy những điểm chính của tác phẩm này bắt nguồn từ những giáo pháp của ngài Tịch Thiên (Shantideva), trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Phạn ngữ: Bodhicharyavatara). Ta cũng có thể thấy có bao nhiêu điểm trong các giáo pháp luyện tâm sau này - đặc biệt là Luyện Tâm Bát Đoạn (Eight Verses of Mind Training) và Thất Điểm Luyện Tâm (Seven Point Mind Training) – được dựa trên những điều mà mình tìm thấy ở đây, trong tác phẩm của A Đề Sa. Do đó, A Đề Sa chủ yếu nói về cách thiền quán về bồ đề tâm và cách tu tập nó.

Ngài bắt đầu như sau: 

Hãy diệt trừ tâm nghi ngờ, do dự, và trân trọng sự hăng say, hết lòng với công phu tu tập. Vì vậy, hãy tiêu diệt hoàn toàn tâm mê muội, hôn trầm và giải đãi, và luôn nỗ lực với tâm tinh tấn.

Đoạn Trừ Tâm Do Dự Về Việc Bồ Đề Tâm Là Gì, Và Cách Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm

Để có thể thiền quán về bồ đề tâm thì trước hết, phải lắng nghe giáo pháp về bồ đề tâm. Trước tiên, phải diệt trừ tâm do dự về nơi xuất xứ của giáo pháp này: nó bắt nguồn từ Tam Tạng (Phạn ngữ: Tripitaka) lời Phật dạy. Sau đó, phải lắng nghe hay đọc lời Phật dạy một cách cẩn thận và đúng đắn, rồi tư duy về chúng, để thấu hiểu một cách chính xác. Mục đích của việc này là diệt trừ tâm nghi ngờ do dự về việc giáo pháp này dựa vào điều gì, giáo pháp này là gì, và bồ đề tâm là gì.

Cần phải biết rất chính xác bồ đề tâm là tâm chú trọng vào giác ngộ cá nhân của chính mình - không phải là giác ngộ của một vị Phật, và không phải là giác ngộ chung chung, vô định hình ở trên trời. Bồ đề tâm là tâm đặc biệt chú trọng vào giác ngộ của riêng mình trong tương lai, tuy chưa xảy ra, nhưng có thể đạt được, và có thể xảy ra bằng nhân của nó, cụ thể là Phật tánh. Thế thì bồ đề tâm là chú trọng vào sự giác ngộ chưa xảy ra của mình, với chủ ý thành tựu nó. Điều thúc đẩy mình thành tựu nó là lòng từ và lòng bi - mong muốn tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh và giúp họ thoát khổ. Tạo lợi lạc cho người khác là chủ ý thứ hai đi kèm với bồ đề tâm. Đó là điều chúng ta dự định sẽ thực hiện, một khi mình đã đạt được giác ngộ ấy, mặc dù tất nhiên là mình sẽ cố giúp đỡ tha nhân với khả năng tối đa của mình, trong suốt chặng đường đến giác ngộ.

Vì vậy, cần phải diệt trừ tâm do dự về chủ đề thiền quán, tức bồ đề tâm, thật sự là gì, làm thế nào để thiền quán về nó, và tâm thái mà mình phải phát khởi là gì. Do đó, phải lắng nghe giáo huấn về nó, tư duy và thấu hiểu nó. Rõ ràng là điều đó rất quan trọng. Nếu không thì làm sao mình có thể thiền quán về bồ đề tâm?

Để thiền quán về bồ đề tâm, và phát tâm bồ đề thì không đơn giản. Việc mình sẽ làm gì trong khi thiền quán, và phải tập trung vào điều gì thì không quá rõ ràng. Điều này không rõ ràng chút nào, và không dễ dàng chút nào. Làm sao để chú trọng vào giác ngộ trong tương lai của chính mình, điều chưa xảy ra? Phải có cái gì đại diện cho điều đó. Nó có thể được đại diện bằng một vị Phật, bằng đạo sư, bằng ruộng phước, hay yidam, tức Bổn tôn. Nó có thể được đại diện bằng nhiều thứ khác nhau.

Chúng ta có thể tự hỏi làm sao mà việc tranh luận và thiền quán về bồ đề tâm đi đôi với nhau, nhưng thật ra thì toàn bộ mục đích của việc tranh luận là để diệt trừ tâm do dự. Để thiền quán một cách đúng đắn thì phải biết tâm phải chú trọng đến điều gì, làm thế nào để nó nắm lấy đối tượng ấy, và các tâm sở đi kèm là gì – lòng từ, lòng bi, chủ ý, động lực v.v... Sau đó thì phải biết cách để phát khởi tâm trạng ấy. Qua quá trình tranh luận thì ta có thể làm sáng tỏ bất cứ sự do dự nào về những điểm này.

Nhiều người nhầm lẫn bồ đề tâm với lòng bi. Họ nghĩ rằng họ đang thiền quán về bồ đề tâm, trong khi trên thực tế thì họ đang thiền quán về lòng từ và lòng bi đối với tất cả chúng sinh. Thiền quán về ước nguyện tất cả chúng sinh được hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc, và cho tất cả chúng sinh thoát khổ và nhân tạo khổ là một phần của nền tảng cho bồ đề tâm. Chúng đồng hành với bồ đề tâm, nhưng không giống như bồ đề tâm. Có một sự nhầm lẫn tương tự với lòng bi: nhiều người thiền quán về tâm bi, nhưng lại không phải là tâm đại bi. Vì vậy, một lần nữa, điều quan trọng là cố diệt trừ tâm do dự và không xác quyết về những điểm này.

Hơn nữa, khi không chắc chắn về những điều mình đang làm trong khi thiền quán thì ta sẽ gặp chướng ngại vì tán tâm. Chúng ta suy nghĩ lung tung, tự hỏi, “Có phải đây là bồ đề tâm không, hay đó là bồ đề tâm?” “Liệu mình đang thiền quán một cách chính xác, hay không đúng?”. Chúng ta luôn luôn đặt câu hỏi về những điều mình phải làm. Vì vậy, không chỉ cần có lòng tự tin về việc bồ đề tâm là gì, và cách thiền quán về nó, mà còn phải tự tin rằng pháp tu mà mình đang tu tập là hợp lệ. Cần phải diệt trừ tâm do dự, tự hỏi rằng, “Đây có phải là hành trì đúng hay không? Nó sẽ hữu hiệu hay không?”, “Liệu nó sẽ có hiệu quả hay không?” vân vân. Tất cả những điều này phải được giải quyết ở giai đoạn lắng nghe giáo pháp, đặc biệt là giai đoạn tư duy về chúng, điều mà một lần nữa, việc tranh luận có thể giúp mình làm điều đó, trước khi mình có thể thiền quán một cách đúng đắn. Như cách nói theo tiếng Đức thì mọi việc phải rõ ràng, “Alles klar”, để thật sự thiền quán một cách đúng đắn về một chủ đề cụ thể. Nếu không thì mình chỉ giả vờ hành thiền. Chúng ta chỉ ngồi đó chơi, vì không thật sự biết mình đang làm gì. Điều đó sẽ không đưa mình đi rất xa.

Việc Hết Lòng Tu Tập Bồ Đề Tâm Phụ Thuộc Vào Động Lực Chân Thành

Sau đó, dựa trên cơ sở đã lắng nghe và tư duy một cách đúng đắn về giáo pháp và đoạn trừ tâm do dự, thì ta có thể hết lòng thiết tha tu tập. Điều đó nói về việc thiền quán, khi mà giờ đây, ta sẽ trưởng dưỡng bồ đề tâm như một tập khí. Ta sẽ phát khởi tâm thái đó nhiều lần, làm cho nó ngày càng mạnh mẽ hơn. Và việc hết lòng thiết tha có nghĩa là nỗ lực phát khởi bồ đề tâm một cách chân thành, và đen hết tâm ý vào trong đó.

Điều hướng lòng mình vào đó một cách trọn vẹn thật sự tùy thuộc vào động lực của mình. Nếu như có động lực chân thành thì ta sẽ chân thành với việc tu tập. Chúng ta sẽ không làm điều đó chỉ vì nghĩa vụ, hoặc cảm giác tội lỗi, hay vì điều gì tương tự như vậy. Vì vậy mà việc có động lực đúng đắn là điều thật quan trọng. Vào những thời điểm mà động lực không được mạnh mẽ, là điều sẽ xảy ra trong nhiều ngày, thì phải học hỏi phương pháp để tạo dựng lại nó.

Nhiều điều cũng phụ thuộc vào bạn bè của mình, liệu những người xung quanh có ủng hộ việc tu tập của mình hay không. Việc có được bạn đạo thân thiện, nồng nhiệt, những người cũng dấn thân tu tập, được ở gần thầy và vân vân, sẽ giúp ta giữ động lực mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, việc là một trong những người đang đau khổ mãnh liệt cũng có thể củng cố động lực của mình rất nhiều. Chúng ta có thể có được nguồn cảm hứng cả từ phía trên, từ những đạo sư vĩ đại và từ phía dưới, từ những người đang đau khổ. Như ngài Tịch Thiên có nói, giác ngộ được thành tựu nhờ vào lòng tốt như nhau của chư Phật và chúng sinh.

(VI.113) Khi việc thành tựu Phật pháp (chứng đắc) nhờ vào (cả hai) chúng sinh và Đấng Chiến Thắng (chư Phật) một cách đồng đều, thì sao lại không tôn trọng chúng sinh như vậy cách mình tôn kính Đấng Chiến Thắng?

Minh Giải Về Cách Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm

Chú Trọng Vào Giác Ngộ Cá Nhân Chưa Xảy Ra

Việc thiền quán về bồ đề tâm chú trọng vào sự giác ngộ tương lai của mình. Tôi không muốn đi sâu vào điều này quá nhiều, nhưng nếu như nghĩ về dòng tâm thức của mình thì giác ngộ là điều có thể được gán ghép vào dòng tâm thức ấy. Sự giác ngộ trong tương lai của mình, điều chưa xảy ra, có thể được gán ghép vào dòng tâm thức của mình trong tương lai, dựa trên tính tương tục của các yếu tố Phật tánh. Nếu như những nhân tố khác nhau đã được tạo tác, cụ thể là hai bồ công đức và trí tuệ vân vân, thì trạng thái giác ngộ ấy có thể xảy ra, chắc chắn sẽ xảy ra. Và người ta phải vững tin về điều đó.

Để tập trung vào sự giác ngộ ấy thì ta sẽ sử dụng điều gì để đại diện cho nó, hãy cho là một Bổn tôn, hay một vị Phật. Những điều mà vị Bổn tôn hay Phật đại diện là sự giác ngộ trong tương lai có thể được gán ghép vào dòng tâm thức, là điều có thể đạt được, dựa trên các yếu tố Phật tánh. Đó là điều mà tâm mình chú trọng vào. Rồi thì nhận thức ấy được đi kèm với lòng từ, lòng bi và chủ ý để đạt được mục tiêu này, và giúp đỡ tất cả chúng sinh, một khi mình đạt được mục tiêu ấy. Có một số tâm sở đi kèm, nhưng điều này hơi phức tạp.

Cũng giống như mình có thể nghĩ, nhìn và nghe trong cùng một lúc, thì ta có thể nhận thức được một số điều là đối tượng tri thức của mình trong cùng một lúc - tuy không phải tất cả đều có cùng một mức độ chú ý. Lòng từ và lòng bi đều hướng về chúng sinh. Cách mà lòng từ chú trọng vào họ là ước mong họ được hạnh phúc; trong khi lòng bi tập trung vào nỗi khổ của họ, mong muốn nỗi khổ của họ sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ phát khởi hai yếu tố này, từng yếu tố một, vì chúng có cách nhận thức đối tượng khác nhau. Sau đó, khi phát khởi bồ đề tâm dựa trên lòng từ và lòng bi này thì trọng tâm là sự giác ngộ chưa xảy ra của mình, với cách thức nhận thức nó bằng ước nguyện thành tựu nó. Cũng chú tâm vào giác ngộ chưa xảy ra của mình là hai chủ ý: để đạt được tâm giác ngộ ấy, và tạo lợi lạc cho người khác bằng cách đạt được điều đó. Trọng tâm của sự chú ý là bồ đề tâm, tuy lòng từ và lòng bi vẫn có mặt, nhưng chúng không phải là trọng tâm chính của mình. Theo ý nghĩa nào đó thì chúng tăng thêm hương vị cho bồ đề tâm, nhưng đối tượng của chúng, tất cả chúng sinh, thì không xuất hiện trong tâm mình.

Như tôi đã nói, phải mất một thời gian dài, cần có rất nhiều suy nghĩ và bàn luận, để thật sự có một ý niệm rõ ràng về ý nghĩa của việc thiền quán về bồ đề tâm. “Bây giờ thì tôi sẽ ngồi xuống và thiền quán về bồ đề tâm”, nhưng chúng ta đang làm gì đây?

Rồi thì đương nhiên là có tất cả những bước mà ta sẽ tự mình tu tập, để cảm nhận bồ đề tâm một cách chân thành, có nghĩa là tạo dựng lòng từ và lòng bi. Có một số phương pháp mà ta có thể sử dụng như bảy điểm nhân quả, bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha, hoặc mười một điểm, kết hợp cả hai phương pháp.

Hãy cho tôi bổ sung thêm một điều ở đây, đó là điều quan trọng để hiểu ý nghĩa của việc sở hữu tâm đại bi. Khi đang hướng về bồ đề tâm và giác ngộ trong tương lai thì cũng cần phải biết giác ngộ là gì. Cần phải biết ý nghĩa của nó và phẩm chất của trạng thái này là gì. Đó là lý do tại sao một Bổn tôn hay một vị Phật là một đại diện rất tốt. Khi quán tưởng một Bổn tôn hay một vị Phật thì ta có thể nghĩ về tất cả những phẩm chất mà một bậc giác ngộ sở hữu. Và tất nhiên, với tâm đại bi thì ta sẽ làm như vậy, với ý định giúp đỡ tất cả chúng sinh. Chúng ta đang nói về vô số chúng sinh ở đây, nên phạm vi rộng lớn không tưởng tượng được.

Một khi bắt đầu trân trọng tâm bồ đề thật sự là gì, bao la một cách bất khả tư nghì đến mức nào, thì ta có thể khởi sự trân trọng chương đầu tiên trong tác phẩm của ngài Tịch Thiên, mà trong đó, Ngài đã tán thán bồ đề tâm. Nếu không thì đó chỉ là vần thơ hoa mỹ.

(I.25) Viên ngọc phi thường của tâm (bồ đề tâm) - tâm vì lợi lạc của chúng sinh, điều không phát sinh trong tha nhân, cho ngay cả lợi lạc của riêng họ - kết tinh như một điều kỳ diệu chưa từng thấy.
(I.26) Làm thế nào mà công đức của một tâm thức tựa như ngọc quý, là nhân hạnh phúc cho tất cả chúng sinh trôi lăn trong luân hồi, và thuốc tiên cho nỗi khổ của chúng sinh, có thể được đo lường?

Làm Thế Nào Để Chú Trọng Vào Điều Gì Chưa Xảy Ra?

Bạn có thể tự hỏi làm cách nào để chú tâm vào điều gì chưa xảy ra. Tôi sẽ cho một ví dụ, vì việc thấu hiểu bồ đề tâm là gì, là điều rất quan trọng. Việc giác ngộ trong tương lai của mình là điều gì chưa xảy ra, giống như ngày mai. Ngày mai chưa xảy ra, nhưng ngày mai có tồn tại không? Có ngày mai không? Làm thế nào để tập trung vào ngày mai và dự tính kế hoạch trong ngày, nếu như ngày mai không tồn tại theo cách nào đó? Chúng ta đang tập trung vào điều gì khi nghĩ đến ngày mai? Không phải là mình không tập trung vào điều gì cả. Đây là những điểm cần phải suy nghĩ và tranh luận.

Điều Chưa Xảy Ra Là Một Pháp Phủ Định

Để trả lời cho câu hỏi này, về cách mà mình tập trung vào điều gì chưa xảy ra thì điều rất quan trọng là phải hiểu triết học của đạo Phật về các pháp sở tri, và sự trình bày về các pháp khẳng định và phủ định. Đó là vì các phạm trù phương Tây dành cho những pháp tồn tại và không tồn tại không liên quan đến cuộc thảo luận ở đây. Theo sự trình bày của đạo Phật thì nếu như điều gì tồn tại, thì nó có thể được nhận thức một cách hợp lệ, về mặt khái niệm hay vô niệm; và nếu như nó không tồn tại, thì không thể được nhận thức một cách hợp lệ.

Trong những điều có thể được biết một cách xác thực là các pháp khẳng định và phủ định. Sự giác ngộ trong tương lai của chúng ta là một pháp khẳng định. Giống như ta có thể thấy một con cầy mangut mà mình chưa từng thấy trước đây, thì ta có thể tập trung vào sự giác ngộ mà mình chưa từng chú tâm đến trước đây. Khi chú trọng vào sự giác ngộ này, thì mình đang chú tâm vào một pháp khẳng định. Pháp khẳng định này được quy gán theo khía cạnh nguyên nhân của nó, cụ thể là hai bồ tư lương công đức và trí tuệ. Khía cạnh này là khả năng của chúng, để giúp cho giác ngộ phát khởi như kết quả của chúng, khi tất cả các nhân duyên đã tựu họp đầy đủ. Tâm giác ngộ này được quy gán trên nguyên nhân của nó, có thể được nhận thức một cách xác thực, giống như việc ngày mai được quy gán vào ngày hôm nay có thể được nhận thức một cách hợp lệ. Hơn nữa, những gì có thể được quy gán vào sự giác ngộ trong tương lai là điều chưa xảy ra. Điều chưa xảy ra là một pháp phủ định; nó phủ nhận việc nó hiện đang xảy ra. Để biết một cách hợp lệ là nó chưa xảy ra, thì ta phải biết những gì đang xảy ra, để phủ nhận nó. Ví dụ như ta phải biết rằng nó vẫn là ngày hôm nay, để biết rằng ngày mai vẫn chưa xảy ra.

Chúng ta có thể sử dụng một Bổn tôn và quy gán “tôi” vào hình tượng ấy một cách hợp lệ, để đại diện cho sự giác ngộ chưa xảy ra của mình, nhưng với điều kiện là ta cũng nhận thức một cách xác thực là mình chưa phải là một vị Phật. Nếu không thì ta sẽ nghĩ rằng mình thật sự đang là một vị Phật, thì ta chỉ tự lừa dối mình.

Chú Trọng Vào Điều Gì Chưa Xảy Ra Trong Khi Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm Không Phải Là Chú Tâm Vào Điều Gì Không Hiện Hữu

Vì những điểm này mà tôi nói rằng người ta phải đoạn trừ tâm do dự, nghi ngờ. Mặt khác, sau một lúc thì mình sẽ nói, “Tôi không biết mình đang làm gì khi đang ngồi đây, cố thiền quán về bồ đề tâm. Liệu mình có đang tập trung vào điều gì không tồn tại hay không?”. Rồi sự việc sẽ trở nên điên rồ.

Quan điểm của A Đề Sa là nếu như mình muốn có khả năng thiền định nhất điểm, và thực hiện điều này một cách chính xác, thì phải đoạn trừ tâm do dự - không biết chắc điều đó là gì, cách thực hiện nó và v.v... Nếu không thì điều sẽ xảy ra là, như lời luận giải nói, tâm mình sẽ tán loạn: “Tôi đang làm điều này một cách đúng đắn hay không? Điều gì đang xảy ra ở đây? Có lẽ nó không tồn tại.”. Việc tán tâm cũng xảy ra, khi ta không tin là mình có thể đạt được nó. Vì vậy, ở đây, với rất ít ngôn từ, A Đề Sa đã ban cho chỉ giáo rất thậm thâm về cách hành thiền.

Việc bàn luận về bồ đề tâm mà chúng ta đang thực hiện rất là quan trọng. Cần phải hiểu rõ pháp thiền quán về bồ đề tâm là gì. Nếu như không có chút hiểu biết gì về điều này, thì toàn bộ sự việc sẽ hơi kỳ lạ.

Đoạn Trừ Những Chướng Ngại Khác Trong Thời Thiền

Vì vậy, ta sẽ hết lòng với công phu tu tập. Một khi đã biết cách để phát bồ đề tâm, và có thể duy trì sự tập trung trong tâm thái này, rồi thì phải diệt trừ những chướng ngại xuất hiện trong thời thiền. Nửa phần sau của câu kệ nói rằng: Vì vậy, hãy tiêu diệt hoàn toàn tâm mê muội, hôn trầm và giải đãi. Chúng ta đã xử lý tâm tán loạn, xuất phát từ tâm do dự nghi ngờ; và bây giờ thì mình gặp chướng ngại vì hôn trầm.

Thụy Miên Và Tâm Mê Muội

Loại hôn trầm thô thiển nhất là thụy miên, buồn ngủ - đó là một trở ngại hiển nhiên đối với việc hành thiền. Với loại hôn trầm này thì ý thức rút lui ra khỏi các giác quan. Trên cơ bản thì ngủ là như vậy. Tâm mê muội là một dạng hôn trầm vi tế hơn. Tâm ta sẽ mê muội, khi thân và tâm trở nên rất nặng nề. Loại thứ ba, còn vi tế hơn nữa, là giải đãi. Tuy tâm giải đãi lười biếng không phải là một hình thức của hôn trầm, nhưng nó tiềm ẩn đàng sau hôn trầm. Khi nỗ lực để đoạn trừ những chướng ngại tinh thần, thì luôn luôn giải quyết những chướng ngại thô thiển nhất trước tiên, rồi tới những chướng ngại vi tế hơn. Vì vậy, ở đây, chúng ta có tâm giải đãi là chướng ngại vi tế nhất.

Ba Loại Giải Đãi

Ngài Tịch Thiên mô tả tâm giải đãi lười biếng trong chương thứ bảy, “Tâm Tinh Tấn”, trong sách của ngài một cách rất chi tiết. Có ba loại tâm giải đãi. 

Loại đầu tiên là hôn trầm. Hôn trầm có nghĩa là thiếu năng lượng và nhiệt tình - không muốn làm bất cứ điều gì, nên trì hoãn công việc. Có ba nguyên nhân tạo ra điều đó. Ngài Tịch Thiên giải thích rằng:

  • Thờ ơ về những vấn đề cứ tái diễn - thiếu sự quan tâm và lo lắng. Khi thờ ơ thì mình không quan tâm, nên bị hôn trầm, không muốn làm gì cả.
  • Yêu thích niềm vui của sự nhàn rỗi – xem việc nhàn rỗi ngồi không là niềm vui. Điều đó khiến cho mình thờ ơ, nên lại không muốn làm gì hết.
  • Thèm ngủ để có nơi trú ẩn - không thể đối phó với những gì đang diễn ra, và chỉ muốn trốn tránh bằng cách leo lên chiếc giường ấm áp và đẹp đẽ của mình. 

Loại lười biếng thứ hai là bám víu vào những điều nhỏ nhặt. Ví dụ về điều này là lúc nào cũng bàn tán về những điều không đáng kể, và quyến luyến với công việc bận rộn trong nhà, hoặc ở bất cứ nơi nào – thật ra đó chỉ là một cái cớ để không làm điều gì có tính xây dựng. Liên hệ với điều này là tính trì hoãn công việc, vì hiện giờ mình đang bám víu vào điều gì nhỏ nhặt.

Hình thức thứ ba của sự giải đãi lười biếng là nản lòng, nên lại chê bai chính mình. Chúng ta nghĩ rằng, “Tôi không thể làm điều đó. Tôi không có khả năng”, nên thậm chí không thử làm việc đó. Đó là một hình thức của sự lười biếng.

Tinh Tấn Là Pháp Đối Trị Tâm Giải Đãi

Pháp đối trị tâm lười biếng là tinh tấn, một tên gọi khác là “hăng hái mạnh mẽ” hay "can đảm anh hùng". Thế thì dòng cuối cùng là, Và luôn nỗ lực với tâm tinh tấn. Như ngài Tịch Thiên giải thích rất rõ thì tâm tinh tấn dựa vào một số yếu tố.

  • Tác ý mạnh mẽ -  lòng phấn khích và năng lượng, dựa vào tâm xác tín về lợi ích của việc làm điều gì tích cực. Với một tác ý mạnh mẽ thì ta sẽ cảm nhận một cách sâu sắc rằng: “Tôi sẽ làm điều này và không bỏ cuộc!”
  • Kiên định và tự hào về bản thân - kiên định là phẩm chất của sự ổn định, không lay chuyển. Điều này dựa vào lòng tự tin, phát xuất từ niềm tự hào về bản thân - biết rằng mình có thể làm được điều đó, và không nghĩ xấu về bản thân. 
  • Hoan hỷ – hoan hỷ với những điều mình làm. Đặc biệt là vì những điều mình đang làm có tính xây dựng, nên ta sẽ có niềm vui lớn hơn bao giờ hết, khi tiếp tục làm điều đó.
  • Xả bỏ - nói cách khác là có thể buông bỏ, khi mình mệt mỏi và cần nghỉ ngơi. Nếu như cố gắng quá sức, nếu như quá cuồng nhiệt thì cuối cùng, mình sẽ kiệt sức. Ngoài ra, còn có khả năng để xả bỏ, khi đã kết thúc với một giai đoạn nào đó. Phải biết buông bỏ, và đi đến giai đoạn tiếp theo. Đây là hai khía cạnh của tâm xả bỏ.

Có hai khía cạnh xa hơn mà ngài Tịch Thiên đề cập đến.

  • Sẵn sàng chấp nhận - phải chấp nhận thực tế rằng đường tu sẽ khó khăn. Phải chấp nhận thực tế về điều đó, và không có ảo tưởng, nghĩ rằng nó sẽ rất dễ dàng và đáng yêu. Phải chấp nhận rằng những khó khăn sẽ có mặt ở đó. Nói cách khác là phải có thái độ thực tế. 
  • Tự chủ – mình sẽ tự kiểm soát bản thân: “Tôi sẽ làm điều đó.”
Top