Tránh Các Nhân Tạo Ra Tâm Tán Loạn, Lìa Xa Bồ Đề Tâm

Kệ Số 2 và 3

Bình Luận

Lễ Lạy Và Phật Tánh

Chúng ta đã bàn luận về vần kệ đầu tiên của Bồ Đề Bảo Xuyến, liên quan đến cách hành thiền nói chung, và cụ thể hơn là cách thiền quán về bồ đề tâm.

Chủ đề đã được giới thiệu trong vần kệ đảnh lễ hay thể hiện lòng tôn kính là kính lễ tâm đại bi, chư đạo sư cao cả, chư bổn sư biểu hiện tâm đại bi ấy, và chư Bổn tôn bất khả phân với chư đạo sư, cụ thể là các yidam đại diện cho Phật tánh của chư đạo sư. Khi lễ lạy thì ta sẽ làm như vậy, vì có niềm tin vào tánh bất khả phân của ba yếu tố này.

Khi lễ lạy, chẳng hạn như khi lớp học bắt đầu, thì mình sẽ đảnh lễ chư Phật và chư đạo sư đi sau, những người đã đạt giác ngộ; đảnh lễ tâm giác ngộ trong tương lai của chính mình, mà ta đang hướng đến - đó là mục tiêu của bồ đề tâm; và đảnh lễ các yếu tố Phật tánh trong tự thân, sẽ cho phép chúng ta, cũng như người khác, thành tựu giác ngộ. Do đó, ta sẽ lễ lạy không chỉ cho sự giác ngộ tương lai của riêng mình, mà còn cho sự giác ngộ trong tương lai của tất cả chúng sinh, và cho các yếu tố Phật tánh của họ.

Vậy thì cách mình lễ lạy trong lớp khá giống với những gì được nêu ra ở đây, trong câu kệ thể hiện lòng tôn kính này, ở chỗ mình cũng có thể nghĩ về việc mọi người đều là những Bổn tôn (như người ta sẽ thực hành trong Mật tông: xem mọi người như Quán Thế Âm và vân vân), nên họ có phẩm chất của Phật tánh, vì tất cả những điều này đều được kết nối rất nhiều với tâm đại bi và bồ đề tâm. Khi nỗ lực để đạt giác ngộ thì điều rất quan trọng là phải vững tin rằng không chỉ để cho mình đạt được giác ngộ, mà tất cả những chúng sinh khác cũng có thể đạt giác ngộ. Cuối cùng thì tại sao ta lại nỗ lực để đưa họ đến giác ngộ, nếu như mình không nghĩ đó là điều khả dĩ?

Hơn nữa, nếu như ta có thể lễ lạy và thể hiện lòng tôn kính với người say rượu đang nằm trên đường, như tỏ lòng tôn kính với sự giác ngộ trong tương lai và Phật tánh của người say sưa này, hay thậm chí còn đi xa hơn, nếu như có thể đảnh lễ sự giác ngộ trong tương lai và Phật tánh của một con gián.

Bạn có thể hỏi, vậy thì trùng amip thì sao, chúng cũng có Phật tánh chứ? Nhưng rồi, khi nói về trùng amip và vân vân thì phải khảo sát xem mình có đang nói về thứ gì có tri giác không? Rất khó phân chia ranh giới giữa những gì có tri giác, và những gì không có. Đó là một câu hỏi rất khó, bởi vì một mặt thì mình xem ma quỷ và chúng sinh trong địa ngục là hữu tình, và mặt khác thì không xem cây cối hay nấm mọc trên chân mình là hữu tình. Vì vậy, không dễ xác định những dạng sống nào là hữu tình, theo ý nghĩa là chúng có một loại ý thức nào đó, và có thể trải nghiệm niềm vui và nỗi đau, do kết quả từ nghiệp của chúng trong những kiếp trước.

Trong bất cứ trường hợp nào thì vấn đề là nếu như mình có thể đảnh lễ tâm giác ngộ và Phật tánh của con gián, với niềm tin vào khả năng đạt giác ngộ của con gián, thì làm sao ta có thể nản lòng về khả năng giác ngộ của chính mình? Ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói rất hay:

(VII.17) Đừng bao giờ nản lòng vì nghĩ rằng, “Làm sao mình có thể giác ngộ?” Bởi vì Người Tuyên Ngôn Chân Lý, Đức Như Lai (Đức Phật), đã tuyên thuyết sự thật này như vậy.

(VII.18) “Ngay cả những chúng sinh đã trở thành loài gặm nhấm, muỗi, ong và sâu cũng vậy, sẽ đạt được giác ngộ vô song, rất khó thành tựu, bằng cách phát tâm tinh tấn.”.

(
VII.19) (Nói gì đến) một người như tôi, có Phật tánh và sinh ra làm người, có thể nhận thức điều gì là lợi hay hại! Tại sao tôi lại không thể đạt giác ngộ, miễn là không buông bỏ bồ tát hạnh?

Nếu như mình thật sự có bồ đề tâm, thì đã được trang bị pháp đối trị mạnh mẽ nhất – dĩ nhiên là kết hợp với tâm chứng ngộ tánh Không. Nhưng ngay cả bồ đề tâm là pháp đối trị rất mạnh mẽ để khắc phục những điều như tâm giải đãi trong ý nghĩ như, “Tôi không thể làm điều đó; tôi quá ngu ngốc”, hay, “Nó quá mức đối với tôi”. Việc khắc phục cách suy nghĩ như vậy rất là quan trọng. Nếu không thì không có hy vọng để tu tập bồ đề tâm. Tánh Không có thể giúp ta khắc phục những chướng ngại như vậy, bằng cách dạy cho mình rằng, “Việc bất lực một cách cố hữu không phải là bản tánh của mình. Việc thành tựu giác ngộ chỉ là vấn đề có đúng nhân duyên, tác động và nguồn cảm hứng.”.

Tâm Thái Cần Thiết Để Thiền Quán Về Bồ Đề Tâm

Về cách thiền quán về bồ đề tâm thì trước tiên, A Đề Sa nói rằng phải diệt trừ tâm do dự. Điều đó không chỉ liên quan đến tâm do dự rằng bồ đề tâm là gì, cách thiền quán về nó, và phương pháp nào là hợp lệ; nó cũng liên quan đến tâm do dự về việc mình có thể phát bồ đề tâm hay không, và đặc biệt là liệu mình có thể đạt được giác ngộ hay không, và liệu người khác có thể thành tựu giác ngộ hay không. Nếu như có sự nghi ngờ nào về khả năng đạt được những mục tiêu này, thì ta sẽ không thể hết lòng tu tập định tâm nhất điểm, và chú trọng vào bồ đề tâm.

Trong quá trình lắng nghe và tư duy về giáo pháp thì mình sẽ xóa tan mọi nghi ngờ và đoạn trừ tâm do dự, liên quan đến những điểm này. Rồi thì ta có thể hết lòng với công phu tu tập, như ngài A Đề Sa đã nói, có nghĩa là có thể hết lòng tu tập. Ở điểm này thì A Đề Sa đang đề cập cụ thể đến pháp thiền quán về bồ đề tâm. Chúng ta đã hiểu bồ đề tâm là gì; đã vững tin rằng mình có thể phát triển nó, và có thể đạt được giác ngộ. Thế thì bây giờ, ta có thể chú tâm vào nó một cách trọn vẹn, và thật sự tạo dựng nó như một tập khí ích lợi cho tâm thức - đó là ý nghĩa của chữ “thiền”.

Một điểm mà tôi muốn bổ sung thêm là chúng ta cũng phải hiểu rõ về việc không do dự về cách mà mình có thể giúp tha nhân đạt giác ngộ. Nó không giống như Thượng Đế toàn năng, khi mình chỉ dùng một ngón tay chạm vào ai đó, thì họ sẽ giác ngộ ngay lập tức. Đó là một điều khác mà mình không thể do dự. Cần phải có ý niệm rõ ràng về cách mình có thể thật sự giúp tha nhân đi đến giác ngộ, và vững tin rằng những cách mà mình thực hiện sẽ hữu hiệu. Có một chuyện vui rất cũ, đó là, “Nếu như bạn là Thượng Đế toàn năng, thì tại sao phải dùng một ngón tay để chạm vào người nào đó, để đưa họ đến giác ngộ? Có phải khi làm như vậy thì mới có vẻ dễ tin hơn không?”

Sau đó thì phải tiêu diệt những chướng ngại xuất hiện trong thời thiền. Về chướng ngại của tâm hôn trầm thì A Đề Sa nói rằng cần phải tiêu diệt tâm thụy miên, hôn trầm và giải đãi. Một khi đã diệt trừ những tâm giải đãi thì ta có thể nỗ lực với tâm tinh tấn. Tâm tinh tấn là lòng dũng cảm không bao giờ bỏ cuộc, dồn hết năng lượng của mình vào điều gì có tính xây dựng, làm điều đó một cách kiên định, với niềm tự hào, và xem đó là niềm vui. Đó là năng lượng tỏa ra từ bản thân mình và đi vào vũ trụ.

Trong nhiều tác phẩm thì "tinh tấn" được mô tả là "hoan hỷ" và thậm chí thường được dịch là "tinh tấn hoan hỷ". Cách mà chữ “hoan hỷ” này được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng hơi kỳ lạ chút xíu. Thuật ngữ Tây Tạng, spro-ba, có hai nghĩa. Ý nghĩa thường được nhấn mạnh là “hoan hỷ”, nhưng ý nghĩa khác, gần với chữ utsaha trong tiếng Phạn hơn, là “năng lượng tỏa ra”. Giống như chữ “hóa hiện”. Vậy thì năng lượng đang tỏa ra theo một cách hoan hỷ, giống như một vị Phật: sự hoạt hóa của tâm Phật sẽ hóa hiện ra các hóa thân và ảnh hưởng giác ngộ một cách bất dụng công. Đó là ý nghĩa của chữ được sử dụng ở đây. Đó là điều đối ngược với tính giải đãi lười biếng.

Vậy thì khi đọc chữ "tinh tấn hoan hỷ" thì hãy nhớ rằng nó không chỉ đơn giản là cảm giác “hút gió trong khi bạn làm việc”, và “tôi rất vui”. “Tôi rất vui khi nhảy xuống tầng địa ngục thấp nhất để giúp đỡ bạn”, nó không hoàn toàn giống như vậy.

Kệ Số 2: Các Tâm Sở Cần Thiết Để Khắc Phục Tâm Trạo Cử

Luôn luôn bảo vệ các cửa giác quan bằng chánh niệm, tỉnh giác và thận trọng. Vì vậy, hãy liên tục quán xét dòng tâm thức, ba lần mỗi ngày và mỗi đêm.  

Vần kệ này tiếp tục giải đáp thắc mắc về cách định tâm và thiền quán về bồ đề tâm. Phải luôn luôn bảo vệ các cửa giác quan. Điều này sẽ đối phó với tâm trạo cử. Trạo cử là khi tâm bị những đối tượng hấp dẫn lôi cuốn, là những điều mà mình quyến luyến hay ham muốn. Vần kệ trước đó đã đối phó với hôn trầm. Câu kệ này đề cập đến tâm trạo cử. Đây là hai chướng ngại chính trong việc đạt được định tâm.

Chánh Niệm, Tỉnh Giác Và Thận Trọng

Cách mà chúng ta thực hiện điều này là sử dụng sức mạnh của chánh niệm, tỉnh giác và thận trọng. Đây cũng là điều mà ngài Tịch Thiên đã bàn luận rất nhiều. Ngài có hai chương sách nói về những điều này. Hãy nhớ những chương mà ngài nói, khi thấy mình khởi sự làm điều gì tiêu cực hay phóng dật, thì “hãy trơ trơ như khúc gỗ”. Hãy nhớ các tiêu đề của chương bốn và chương năm: “Bất Phóng Dật (về Bồ Đề Tâm)” và “Bảo Vệ Tâm Tỉnh Giác”. Ngài sử dụng cùng một từ. Đó là hai chương liên quan đến trì giới ba la mật, điều mà trước tiên, ta phải áp dụng cho hành vi của mình. Một khi đã học cách kềm chế việc nói năng và hành động một cách tiêu cực, rồi thì mình có thể áp dụng giới luật đó cho tâm thức, trong khi hành thiền.

Rồi thì bảo vệ – chữ “bảo vệ” có ý nghĩa là “bảo hộ”, “bảo hộ để chống lại” tâm tán loạn, điều sẽ phát sinh khi tâm bị sao lãng vì các đối tượng của giác quan. Chúng ta sẽ bảo vệ tâm trí, chống lại bất cứ sự tác hại nào. Nó có ý nghĩa của việc “cứu hộ”: chúng ta giải cứu tâm ý của mình, khi có sự tán tâm, rồi mang nó trở lại. Tất cả những ý nghĩa này đều nằm trong chữ “bảo vệ” này.

Tsenshap Serkong Rinpoche luôn nói rằng mỗi một chữ trong sách vở đều cưu mang nhiều ý nghĩa rộng lớn. Vì vậy, mình phải rút tỉa nó như đang vắt sữa một con bò, để rút tỉa mọi ý nghĩa, như người ta nói là “con bò như ý”, theo tư tưởng của người Ấn Độ.

Những gì mình đang đối phó ở đây là sự chú ý. Chú ý là điều mà ta đặt để vào một đối tượng, để tập trung vào nó. Phải có chánh niệm, giống như chất keo tinh thần để cột tâm ý vào đối tượng, để tâm không buông lung. Nó cũng giống như chữ “ghi nhớ”. Tỉnh giác là yếu tố xem xét. Nó xem xét việc kiểm tra chất lượng của chánh niệm, chất keo tinh thần, để thấy rằng nó không quá chặt chẽ hay quá lỏng lẻo, hoặc không bị đánh mất hoàn toàn.

Tất cả những điều này dựa vào thái độ thận trọng, vì mình có sự thận trọng. Điều quan trọng là cách mình tập trung tinh thần, và cách mà thời thiền đang diễn ra như thế nào, bởi vì mình thật sự muốn phát bồ đề tâm: chúng ta thật sự muốn đạt giác ngộ và giúp đỡ tha nhân. Vì vậy, tất cả những điều này dựa vào thái độ thận trọng.

Phải sử dụng tâm tỉnh giác không chỉ trong khi hành thiền, mà còn cả ngày lẫn đêm. Phải quán xét điều gì đang xảy ra với tâm trạng của mình. Có phải mình đang ích kỷ? Có phải phiền não đang ảnh hưởng hành vi của mình hay không?

Ngay cả trong giấc ngủ thì mình vẫn có thể có ý thức. Đôi khi, người ta không có giấc ngủ sâu, và ý thức được giấc mơ của họ. Nếu như bạn thức giấc giữa đêm, và có thể nhớ những gì mình đang mơ, thì có thể phối kiểm. Nếu đó là một giấc mơ xấu, thay vì buồn phiền thì hãy cố biến chủ ý của mình thành điều gì tích cực. Vậy thì hãy cố gắng ngủ tiếp, trong khi nghĩ về thầy của mình, hay điều gì tích cực.

Nhu Cầu Có Tâm Tỉnh Giác

Điều chủ yếu là có ý thức, để quán sát những gì đang xảy ra trong tâm mình. Khi tâm trở nên tiêu cực thì phải sửa sai nó, hoặc “trơ trơ như khúc gỗ”, có nghĩa là không hành động theo ý nghĩ tiêu cực đó. Nếu như mình bắt đầu tức giận hay tham lam, hay bắt đầu cư xử một cách ích kỷ, hoặc nói điều gì thật ngu ngốc hay xấu xa, thì hãy cố nhận ra điều đó. Ngoài ra, nếu như bắt đầu thấy phiền muộn và nản lòng thì hãy ngăn chận điều đó. Điều này có nghĩa là như vậy.

Ba lần không có nghĩa là, “À, ba giờ rồi, vậy thì bây giờ mình sẽ xem xét trong ba mươi giây”, rồi bốn tiếng đồng hồ sau thì chuông đồng hồ sẽ reo, để mình xem xét lại. Nó không phải như vậy. Việc tu tập Pháp chủ yếu là liên tục quán sát, nhưng không phải theo kiểu lo sợ vì hoang tưởng, theo kiểu cảnh sát, bởi vì ta sẽ bị căng thẳng, và có thể gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là nếu mình lại có cảm giác tội lỗi theo phương Tây, là một điều không liên hệ ở đây.

Vấn đề là phải có ý thức về cách mình hành động, để có sự tỉnh giác bên trong, và không hành xử theo những trạng thái tiêu cực. Đó là ý nghĩa của chữ “Pháp” (“Dharma”). Đó là một “biện pháp phòng ngừa”, điều gì ngăn ngừa việc tạo tác thêm đau khổ cho chính mình. Đó là một biện pháp, điều gì mà mình thực hiện, để ngăn chận đau khổ. Đó là từ nguyên học của chữ “Pháp”. Chữ này bắt nguồn từ chữ dhr trong tiếng Phạn, “để giữ gìn tự thân”.

Nếu có chút hy vọng nào để tiến triển trong việc tu tập Pháp, thì phải có khả năng áp dụng nó trong đời sống hàng ngày. Để có thể làm điều đó thì phải ý thức được những gì đang xảy ra trong tâm mình, và hiển nhiên là những gì ta đang làm với thân và khẩu của mình. Chúng chịu ảnh hưởng của những điều đang xảy ra trong tâm mình. Tuy nhiên, hãy làm điều đó mà không hành xử như cảnh sát, kẻ trừng phạt và thẩm phán, vì tất cả những điều đó xuất phát từ thần thoại phương Tây.

Khi càng nghiên cứu và học hỏi Pháp nhiều hơn thì ta càng hiểu biết thêm nhiều pháp đối trị, các phương pháp để đối phó với những trạng thái tiêu cực hay vô dụng, khi chúng xuất hiện. Việc có nhiều phương pháp khác nhau là điều rất hữu ích, bởi vì đôi khi phương pháp này hiệu quả hơn, hoặc thuận tiện hơn để sử dụng, so với phương pháp khác. Nói chung thì trong đời sống, nếu như mình có nhiều hơn một giải pháp khả dụng thì rất tốt. Nếu như một giải pháp không hữu hiệu, thì ta có thể thử một giải pháp khác. Đây là trường hợp cụ thể đối với việc hành trì Pháp.

Kệ Số 3: Tránh Tạo Ra Nhân Của Tâm Tán Loạn

Hãy phát lồ sai sót của tự thân, và không tìm lỗi lầm của tha nhân. Vì vậy, hãy giấu kín phẩm hạnh tốt đẹp của tự thân, và tiết lộ phẩm hạnh thiện hảo của tha nhân. 

Tránh Việc Tán Tâm Vì Những Sai Lầm Của Mình Và Người Khác

Câu kệ cũng nói về nhân tạo ra tâm tán loạn, có thể xảy ra trong khi hành thiền, mặc dù điều này cũng có thể ảnh hưởng đến mình, trong thời gian không hành thiền. Nếu như che giấu những sai sót của bản thân, những sai lầm của riêng mình, thì ta hay cảm thấy tội lỗi. Nó sẽ gặm nhấm nội tâm của mình. Tuy nhiên, nếu như mình phát lồ lỗi lầm của tự thân, xin lỗi hay làm điều gì tương tự như vậy, thì sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, và không thấy tội lỗi về điều đó. Trong tiếng Anh thì chúng tôi nói là đưa nó “ra khỏi lồng ngực của mình”. Điều đó sẽ làm giảm bớt sự tán tâm, bắt nguồn từ việc che giấu những sai sót của mình.

Và không tìm lỗi lầm của tha nhân. Đó cũng là một nguyên nhân lớn của việc tán tâm. Chúng ta ngồi đó và nghĩ, “Người này không tốt”, và “Hãy xem những gì người kia đã làm”, chỉ trích họ và vân vân. Điều này có thể tạo ra sự tán tâm trầm trọng.

Ngoài ra, nói chung thì điều thường xảy ra là ta sẽ thấy lỗi của mình được phản ánh nơi người khác. Chẳng hạn như, nếu như còn miếng bánh cuối cùng trên dĩa, và người khác lấy nó thì ta sẽ kết tội là người này tham lam, “Bạn là con lợn tham lam, bạn đã lấy miếng bánh cuối cùng!”. Lý do duy nhất khiến cho ta phiền lòng là vì mình đã tham lam và muốn ăn miếng bánh đó. Nếu như mình không muốn ăn miếng bánh đó thì việc ai lấy miếng cuối cùng cũng đâu có quan hệ gì? Khi chú tâm vào lỗi lầm và sai sót của người khác, thì ta sẽ thấy những lỗi lầm của mình được phản ánh từ người đó. Thế thì tốt hơn là sử dụng năng lượng đó để cải thiện chính bản thân mình.

Hơn nữa, điều thường xảy ra là nếu như mình luôn chỉ trích người khác, thì người ta cũng có ấn tượng rất xấu về mình. Nếu như mình luôn luôn thấy lỗi người, và nghĩ rằng không có ai tốt cả, v.v..., thì người ta sẽ bắt đầu nghi ngờ mình, và nghi ngờ về phẩm chất của mình. Đây là lý do tại sao bồ tát giới thứ nhất là kềm chế việc coi thường người khác và tự ca ngợi mình. Đáng tiếc rằng đó thường là điều mà một số ứng cử viên sẽ thực hiện trong một cuộc bầu cử ở phương Tây, vì họ muốn giành lợi thế hay quyền lực cho bản thân. Điều đó làm cho một số người có trí tuệ sẽ nghi ngờ động cơ của họ. Nhưng ở đây thì điều này có thể là chướng ngại lớn trong việc hành thiền.

Dromtonpa, đại đệ tử của A Đề Sa ở Tây Tạng, đã nói, “Nếu có thể thấy lỗi lầm của chính mình và không xoi mói lỗi lầm của người khác, thì bạn là người khôn ngoan, ngay cả khi không có phẩm chất tốt đẹp nào khác.”. Thật ra thì điều này sẽ khiến ta phải suy nghĩ nhiều. Đôi khi, ta nghĩ rằng sự khôn ngoan là điều rất khó đạt được, và đòi hỏi rất nhiều trí thông minh. Tuy nhiên, điều đó không thật sự có nghĩa là khôn ngoan. Một người có thể rất ít học, nhưng vẫn là một người rất khôn ngoan, ngay cả khi họ không phải là người thông minh siêu việt, và không thể học mười ngôn ngữ. “Khôn ngoan” có nghĩa là có trí tuệ, có nghĩa là có khả năng phân biệt những điều lợi và hại. Nếu như có thể làm được điều đó, thì ta là người khôn ngoan.

Tránh Sự Khoe Khoang Và Phô Trương

Trong câu kệ này thì A Đề Sa tiếp tục nói rằng, hãy giấu kín phẩm hạnh tốt đẹp của tự thân. Đó là vì, nếu như không thì ta có thể rất tự hào, kiêu hãnh và khoe khoang về phẩm hạnh của mình. Điều này cũng có thể tạo ra chướng ngại lớn trong việc hành thiền, khi nghĩ rằng, “Mình thật tuyệt vời. Mình thiền rất giỏi”, hay là, “Tôi có phẩm hạnh này hay phẩm hạnh kia”. Ngoài ra, việc khoe khoang về thành tựu và phẩm hạnh của mình với mọi người có thể khiến cho người khác ganh tỵ.

Tuy nhiên, có thể đề cập đến những phẩm chất tốt đẹp của mình, nếu như điều này sẽ truyền cảm hứng cho người khác, để tu tập theo như vậy. Tuy nhiên, phải rất nhạy cảm về việc này, để biết liệu nó sẽ truyền cảm hứng cho họ, hay sẽ làm họ nản lòng và ganh tỵ, vân vân. Nói chung thì tốt hơn hết là luôn luôn khiêm tốn. Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã nói rằng, “Hãy giữ ánh sáng của ngọn đèn bơ bên trong chiếc bình; nó sẽ chiếu sáng bên trong, nhưng không tỏa sáng bên ngoài”. Vì vậy, hãy giữ ngọn lửa của các phẩm chất tốt đẹp của mình “bên trong chiếc bình”, đừng khoe khoang với thế giới.

Tính Khiêm Tốn

Việc nhấn mạnh vào tính khiêm tốn là điều rất mạnh mẽ trong truyền thống Kadam. Vấn đề là sử dụng phẩm chất của mình để giúp đỡ người khác. Để thực hiện điều đó thì không cần phải khoe khoang, như nói với người khác là mình có bằng cấp này và bằng cấp kia, hay treo tất cả các chứng chỉ, bằng cấp của mình lên tường, vân vân.

Khiêm tốn có nghĩa là có sự đánh giá khiêm nhường hay thấp kém về tầm quan trọng của mình, có nhu cầu rất giản dị v.v... Nếu như đọc tiểu sử của Kunu Lama Rinpoche thì bạn có thể thấy cách sống rất giản dị, rất khiêm tốn là như thế nào. Ngài là ví dụ điển hình nhất.

Các đạo sư trong truyền thống Kadam thường được gọi là Kadampa Geshe, và được ghi nhận là rất khiêm tốn. Trước hết, chữ “geshe” chỉ là một chữ được dịch từ chữ “thiện tri thức” (kalyana-mitra) trong tiếng Phạn. Các vị Kadam Geshe là chư đạo sư vĩ đại nhưng khiêm tốn, là các thiện tri thức chân thật. Là những thiện tri thức, các ngài đã giúp cho người khác hành xử một cách tích cực, và chính mình tạo ra ảnh hưởng có tính tích cực đối với người khác. Họ đã làm điều đó, dù không có pháp tòa lớn, gấm vóc và tất cả những thứ này.

Tuy nhiên, một số Lạt ma mặc gấm vóc và công khai nói về thành tựu của mình. Nếu như ta thắc mắc rằng động lực của những Lạt ma này là gì, khi nói về những điều họ đã thành tựu, thì nó có thể là một trong hai loại động lực. Một loại là động lực tiêu cực, khi muốn đưa bản thân mình lên một địa vị cao. Loại thứ hai là giúp cho người khác có lòng tôn trọng, để họ lắng nghe lời ngài nói. Nếu như phải đối phó với một xã hội rất rừng rú, như xã hội Tây Tạng và Mông Cổ trong quá khứ, thì phải có cách để làm cho mọi người im lặng, và có lòng kính trọng. Những người xuất thân từ một xã hội có nền văn hóa và bạo lực như vậy thì sẽ có ấn tượng mạnh, khi nghe những điều này, nên họ sẽ ngồi xuống và lắng nghe. Chính Đức Phật đã chạm vào đất và nói rằng, “Hãy để mặt đất làm nhân chứng, rằng ta đã có những thành tựu.”.

Như tôi đã nói, có một số trường hợp nào đó mà để truyền cảm hứng cho mọi người, để họ tin rằng việc đạt giác ngộ và vân vân là điều khả dĩ, thì cần phải nói rằng mình đã thành tựu điều này hay điều kia. Tuy nhiên, phải rất cẩn thận và nhạy cảm với người đối diện, bởi vì nếu không thì người ta có thể nghĩ rằng, “Ồ, đó là điều bất khả dĩ. Ông ấy chỉ đặt điều thôi.”. Đức Phật đã không khoe khoang khi Ngài tuyên bố điều đó, khi chạm vào mặt đất. Ngài đã không nói rằng, “Ta thật tuyệt vời.”. Đôi khi, Đức Dalai Lama cũng nói một chút về những gì Ngài đã thành tựu. Hầu hết thì Ngài nói rằng, “Tôi chỉ là một nhà sư bình thường”, nhưng đôi khi thì Ngài nói rằng, “Tôi đã nếm hương vị của bồ đề tâm và tánh Không thật sự là gì.”. Ngài không nói rằng, “Tôi đã có chứng ngộ viên mãn”, nhưng lại nói rằng Ngài đã nếm hương vị thật sự của những điều này.

Lòng Khiêm Tốn Giả Mạo

Có hai hình thức của tâm kiêu hãnh. Có một sự kiêu hãnh, khi mình nghĩ rằng, “Tôi là người tốt nhất”; và cũng có một sự kiêu hãnh ngược lại, khi ta nghĩ rằng, “Tôi là người tồi tệ nhất”. Có những người tỏ vẻ rất khiêm nhường, như “Ồ, tôi không tốt đâu”, vân vân. Điều đó cũng chỉ là phiền não như cách khoe khoang mình tuyệt vời ra sao. Vì vậy, phải chân thành khi có lòng khiêm tốn. Người khác chỉ cần nhạy cảm một chút là có thể biết khi nào thì bạn khiêm tốn một cách chân thành, và khi nào thì giả mạo. Tất cả đều liên quan đến việc bạn chấp ngã đến mức nào, và đồng hóa với tính khiêm nhường bao nhiêu.

Bạn có biết ví dụ được đưa ra về A Đề Sa không? Không ai biết ngài đã tu tập Mật tông, cho đến khi ngài viên tịch. Khi nhìn vào y áo của ngài thì họ thấy có một cái chày kim cang và chuông, được giấu trong một cái túi. Trước đó thì không ai nhìn thấy chúng, hay thấy ngài tu tập. Ngài luôn tu tập một cách riêng tư và khiêm tốn, không hề làm lớn chuyện với trống và chuông, để mọi người có thể nghe thấy.

Tránh Tâm Đố Kỵ

Dòng cuối cùng của câu kệ này là, tiết lộ phẩm chất thiện hảo của tha nhân, bởi vì việc nghĩ về phẩm chất tốt đẹp của người khác, rồi sanh tâm đố kỵ với họ thì cũng có thể là một chướng ngại lớn trong việc hành thiền, và là nguyên nhân lớn tạo ra sự tán tâm. Thay vì vậy, nếu như mình có thể hoan hỷ với phẩm hạnh tốt đẹp của người khác, và công khai khen ngợi họ với người khác, thì ta sẽ không gặp rắc rối vì những thất bại và sai lầm của chính mình, hay của người khác, hay vì những phẩm chất tốt đẹp của mình, hay của người khác. 

Top