Nhiều Nguyên Nhân Tạo Ra Trạo Cử Hơn, Và An Trụ Bồ Đề Tâm

Kệ Số 4 - 6

Kệ Số 4: Thiểu Dục Để Bớt Trạo Cử 

Hãy diệt (lòng tham) lợi lộc vật chất và danh dự, và luôn diệt trừ (lòng tham) lợi nhuận cùng danh tiếng. Vì vậy, hãy thiểu dục, tri túc, và tri ân lòng tử tế của tha nhân.  

Không Quan Tâm Đến Lợi Lộc Vật Chất, Danh Dự, Lợi Nhuận Hay Danh Tiếng

Một trong những chướng ngại lớn nhất trong việc hành thiền là trạo cử. Điều này không chỉ vì lòng quyến luyến với các đối tượng của giác quan, mà còn để tìm kiếm lợi lộc vật chất và danh dự, lợi nhuận và danh tiếng. Nói chung thì việc diệt trừ lòng tham mạnh mẽ này là điều rất quan trọng, nhưng điều đặc biệt quan trọng là phải làm như vậy, trong khi hành thiền. Chúng ta sẽ không thể sống ẩn dật và thiền định một cách đơn giản, nếu như cứ lo nghĩ về những điều này.

Nói chung thì khi đang suy nghĩ nên nghiên cứu điều gì, và nỗ lực cho điều gì, thì điều được nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc ưu tiên hàng đầu cho việc tu học những gì tạo ra lợi lạc cho tâm mình, chứ không phải những gì sẽ làm lợi lạc cho tài khoản ngân hàng của chúng ta. Tài khoản ngân hàng là thứ mà mình không thể mang theo trong những kiếp tương lai, còn những tập khí ích lợi mà ta tích tập trong tâm trí thì sẽ tiếp nối trong những kiếp tương lai. Vì vậy nên việc có ưu tiên đúng đắn là điều rất quan trọng.

Tâm An Lạc Bắt Nguồn Từ Lòng Tri Túc

Đương nhiên là mình phải sinh sống; phải có khả năng tự lo lắng cho bản thân. Nhưng đối với điểm này thì dòng kệ tiếp theo nói rằng, Hãy thiểu dục, tri túc; nếu không thì ta sẽ không bao giờ mãn nguyện với những gì mình có. Mặt khác, nếu như có của cải vật chất, thì ta có thể làm rất nhiều điều tích cực trên thế giới. Nếu như tiền bạc đến với mình một cách dễ dàng, hoặc nếu như sinh ra trong cảnh giàu sang thì ta có thể sử dụng nó để làm lợi lạc cho người khác; tuy nhiên, việc giàu sang và có tài sản không phải là mục tiêu chính của mình.

Chẳng hạn, như một trong những người bạn của tôi đã nêu ra, khi Tông Khách Ba (Tsongkhapa) sáng tác những tác phẩm tuyệt vời thì ngài không hề nghĩ đến việc bán được bao nhiêu sách, sẽ thu được bao nhiêu tiền bản quyền, hoặc bao nhiêu người sẽ đọc sách của ngài. Chỉ có lịch sử mới có thể đánh giá những tác phẩm này có ích lợi hay không. Nên người ta viết sách đơn giản là để tạo lợi lạc cho người khác. Nếu như người khác đến với sách vở và thấy nó ích lợi, thì càng có nhiều ích lợi càng tốt hơn.

Nó giống như khi bạn cho chim ăn trong vườn nhà. Nếu như chim đến ăn thì rất tốt. Bạn sẽ không gắn bảng quảng cáo lớn về thức ăn cho chim. Tôi thấy lời khuyên này rất hữu ích. Bạn sẽ cung ứng những điều tích cực cho thế giới. Nếu như mọi người hưởng ứng thì rất tốt. Nếu như họ không hưởng ứng thì ít nhất là bạn đã cố gắng làm điều đó. Đức Phật không hề quảng cáo những bài thuyết Pháp của mình trên báo.

Việc có tiền bạc và rất nhiều của cải có thể là chướng ngại rất lớn. Thường thì càng sở hữu nhiều thứ, thì chúng ta càng giữ của và keo kiệt. Ta sẽ lo lắng tài sản của mình bị trộm cắp. Thêm vào đó, khi có quá nhiều tài sản thì rất khó dọn nhà đi đâu. Như đã được nhấn mạnh trong giới nguyện của chư tăng, điều quan trọng là có rất ít của cải. Chúng ta không phải sống theo kiểu cực đoan như các nhà sư; tuy nhiên, đúng như Milarepa đã nói: “Không có gì ở trong hang để lấy. Ta không có gì cả, nên không lo lắng về những tên trộm.”

Danh tiếngdanh dự cũng giống như vậy. Càng nổi tiếng thì mình càng bị người khác làm phiền. Chúng ta không thể đi bộ ở bất cứ nơi nào mà không bị người ta xin chữ ký, nên phải cải trang khi đi ra ngoài. Mọi người liên tục gởi email cho mình, nêu ra những thắc mắc, hoặc yêu cầu ta làm điều này, điều nọ. Rồi thì mình ở trong vị trí rất khó xử, khi phải nói “không” với họ. Đó là điều rất khó khăn đối với một người đang cố gắng trở thành Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), và muốn giúp đỡ mọi người. Bạn phải thuê thơ ký để nói “không” giùm cho mình.

Cảm Kích Lòng Tốt Của Người Khác Như Một Cách Khiến Cho Tâm Nhẹ Nhõm Và Cởi Mở

Dòng cuối cùng của câu kệ này là, Và tri ân lòng tử tế của tha nhân. Nếu như mình có thể tu tập Pháp, và ở đây, chúng ta đang nói về việc thiền quán về bồ đề tâm, cả bồ đề tâm tương đối và tuyệt đối, thì điều rất quan trọng là phải cảm kích lòng tốt của người khác. Nhờ có lòng tử tế lớn lao của người khác mà mình mới thọ nhận được chỉ giáo, và có các đủ nhân duyên để hành thiền và tu tập. Có thể có những người đang hỗ trợ chúng ta về mặt tài chánh, cung cấp cho mình thực phẩm, hay bất cứ điều gì.

Nếu như có những cơ hội như vậy thì mình sẽ không từ chối. Nói cách khác là cần phải tận dụng chúng một cách tốt nhất, mà không có ý lợi dụng. Cách mà ta có thể sử dụng chúng một các tốt nhất mà không có ý lợi dụng, là cảm kích lòng tốt của người khác và tỏ lòng biết ơn. Ngoài ra, nếu như có thể đền đáp lòng tốt của họ, thì ta sẽ làm như vậy, mà không cảm thấy mắc nợ hay bắt buộc phải giúp họ, theo kiểu, “Bây giờ thì tôi phải có trách nhiệm trả ơn cho họ. Nếu không làm như vậy thì tôi sẽ cảm thấy tội lỗi, và v.v... Đúng hơn là ta sẽ làm điều đó với tâm hoan hỷ lớn lao, cảm kích và tôn trọng những người đã giúp đỡ mình rất nhiều.

Hơn nữa, cảm giác rất tích cực về lòng tốt của người khác đối với mình sẽ làm cho lòng nhẹ nhõm hơn rất nhiều, trong khi cố gắng hành thiền. Trên thực tế thì nếu như không cảm thấy như vậy, thì ta khó mà có được những nhân duyên mà mình đang có hiện nay, để hành thiền và tu tập. Nên hãy tri ân lòng tốt của chúng sinh, và không cảm thấy tội lỗi hay mâu thuẫn về điều đó. Và nếu như có khả năng thì ta sẽ trả ơn bằng cách nào đó, ngay cả khi điều duy nhất mà mình có thể làm, để đền đáp công ơn của người khác là hành thiền và tu hành thật tốt. Như Milarepa đã nói với Marpa, “Con không có gì để đền đáp công ơn của Thầy, ngoại trừ việc tu tập. Con không có của cải vật chất.”.

Điều này cũng rất hữu ích, để có thể hành thiền với tâm hoan hỷ và nhẹ nhỏm, không có gánh nặng. Trong khi thiền quán về bồ đề tâm và lòng bi thì việc phát tâm hoan hỷ đối với người khác là điều rất quan trọng. Khi nghĩ về những người đã giúp đỡ mình, thì ta sẽ cảm thấy hoan hỷ và cảm kích đối với họ, chứ không cảm thấy tội lỗi hay mắc nợ họ. Đối với những người đang đau khổ thì ta sẽ quán rằng họ đã được hạnh phúc, bởi vì mình cũng đang cố mang lại hạnh phúc cho họ. Vì vậy nên hãy luôn luôn hành thiền với tâm trạng vui vẻ.

Làm thế nào để thiền quán về lòng từ, ước mong tha nhân được hạnh phúc, nếu như mình đang khốn khổ? Bài thiền này phải dựa trên tâm trạng hạnh phúc, một tâm trạng mà mình muốn chia sẻ với người khác. Đó là toàn bộ cơ sở của tonglen, pháp thiền cho và nhận. Nếu như muốn trao tặng thì phải có một cái gì đó để cho ra. Nếu muốn đem lại hạnh phúc cho người khác thì phải có khả năng nhớ đến bản tánh cực lạc cơ bản của tâm thức, đó là nhìn vào nó ở mức sâu sắc nhất. Điều này liên hệ đến câu kệ tiếp theo, mà nửa phần đầu là:

Kệ Số 5: An Trụ Bồ Đề Tâm

An Trụ Bồ Đề Tâm Bằng Lòng Từ Bi Và Không Sinh Tâm Chán Nản

 Hãy trưởng dưỡng tâm từ bi và an trụ bồ đề tâm. 

Như tôi đã nói, làm cách nào mà mình có thể thương yêu người khác, và mong cho họ được hạnh phúc, nếu như chính mình không có được tâm trạng hạnh phúc ấy? Ngay cả khi nhìn vấn đề từ một quan điểm ích kỷ, thì làm sao mình có thể mong đợi người khác yêu thương ta, nếu như mình không yêu thương họ?

Sau đó, cần phải an trụ bồ đề tâm - điều làm cho mục tiêu này ổn định là có lòng từ rất mạnh mẽ, đó là mong muốn tha nhân có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc, và lòng bi, ước mong cho tha nhân thoát khổ và nhân tạo khổ. Hãy thiền quán, để có cả hai điều này ở cùng mức độ với tâm đại bi. Cả hai đều hướng về tất cả chúng sinh.

Sau đó là quyết tâm phi thường, không chỉ đơn thuần muốn đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, giúp họ thoát khổ và đưa họ đến giác ngộ, mà là quyết định không lay chuyển để thực hiện điều này. Ta sẽ gánh lấy trách nhiệm ấy, và quyết tâm tự làm tất cả mọi việc khi cần thiết. Đây là điều sẽ an trụ bồ đề tâm của mình.

Việc luôn luôn tái khẳng định và củng cố bồ đề tâm cũng là điều rất quan trọng, bởi vì mình rất dễ nản lòng. Có một ví dụ về ngài Xá Lợi Phất (Shariputra), đệ tử của Đức Phật, khi một Ma vương yêu cầu Xá Lợi Phất cho hắn bàn tay phải của ngài. Thế là ngài đã chặt bàn tay phải của mình và đưa nó cho Ma vương bằng tay trái, điều được cho là bẩn thỉu và bất lịch sự trong văn hóa Ấn Độ. Người này đã từ chối, vì ngài đã đưa nó bằng tay trái. Điều này khiến cho Xá Lợi Phất rất nản lòng với bồ đề tâm và việc cố gắng giúp đỡ tha nhân. Để không thấy chán nản thì mình phải luôn luôn tái khẳng định động lực, tức lòng từ bi này.

Một ví dụ tuyệt vời khác là một câu chuyện về đời sống của ngài Trần Na (Dignaga). Trần Na là một đạo sư vĩ đại trong nhà Phật, người đã sáng tác Nhân minh luận (logic). Ngài đã sống trong một hang động, để viết tác phẩm Tập Lượng Luận (A Compendium of Validly Cognizing Minds; Phạn ngữ: Pramana-samuccaya). Trong khi ngài ra khỏi hang động, không biết vì lý do gì, để tìm thực phẩm hay gì đó, thì có người đã vào hang động và xóa hết những điều ngài đã viết. Điều này đã xảy ra hai lần. Vì vậy, ngài đã phải viết lại những điều này hết lần này đến lần khác.

Điều đó cũng xảy ra với Marpa. Ông đã thực hiện tất cả các bản dịch này ở Ấn Độ. Khi đang đi qua sông Hằng, trên đường trở về Tây Tạng thì chiếc thuyền bị lật, và ông đã mất hết các bản dịch. Sau đó, ông phải quay lại Ấn Độ và dịch lại từ đầu. Vì vậy, khi mình lỡ tay xóa các hồ sơ dữ liệu trong máy vi tính, vì nhầm lẫn hay bất cứ điều gì, thì không nên nản lòng.

Ngài Trần Na đã để lại lời nhắn cho người đã xóa tất cả mọi thứ, và nói rằng, “Nếu như bạn không thích những gì tôi đang viết, và muốn tranh luận với tôi, thì hãy đến đây và đối mặt với tôi.”. Thế là người kia đã đến tranh luận với ngài. Nhưng anh ta là loại người không chấp nhận lý lẽ, vì dù cho Trần Na có đưa ra lập luận hợp lý nào thì anh ta vẫn không chấp nhận điều đó. Thay vì vậy, vì có thần thông thổi lửa bằng miệng, nên anh ta đã thổi lửa vào trong hang động của Trần Na, và phá hủy mọi thứ. Ngài Trần Na rất nản lòng và ném tấm bảng đá mà ngài đã viết trên đó lên trên không trung. Ngài nói rằng, “Nếu như nó rơi xuống đất, thì ta sẽ từ bỏ bồ đề tâm.”. Khi ngài thảy tấm bảng đá lên thì Đức Văn Thù chụp lấy nó, để nó không rơi xuống đất. Sau đó, Đức Văn Thù nói rằng, “Này Trần Na, con đã phạm một sai lầm lớn. Đừng bao giờ từ bỏ bồ đề tâm, và đừng bao giờ từ bỏ việc viết những điều này, vì lợi lạc của chúng sinh.”. Vì vậy mà Trần Na đã viết tác phẩm tuyệt vời này.

Người ta nói rằng tấm bảng đá mà Trần Na đã sử dụng để viết tác phẩm này vẫn còn ở Tây Tạng. Nó được cất giữ ở một nơi bên ngoài Lhasa, và hàng năm, các nhà sư từ các tu viện lớn của dòng Gelug đã đến nơi này trong hai tháng mùa đông, để nghiên cứu tác phẩm này, Tập Lượng Luận, và tranh luận về nó.

Vậy thì điều rất quan trọng là không nản lòng, chẳng hạn như khi mình bị mất các hồ sơ dữ liệu, hoặc khi ta đã bỏ ra nhiều thời gian để làm điều gì mà người nào đã yêu cầu mình làm, vì ta thật sự muốn giúp đỡ họ, và cuối cùng thì họ lại nói, “Tôi không muốn điều đó. Tôi không thích những điều bạn đã làm.”. Điều chủ yếu là muốn giúp đỡ người khác, còn việc mà mình làm có giúp đỡ người khác hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp của họ. Ngay cả Phật cũng không thể giúp đỡ tất cả chúng sinh, dù Ngài có ước nguyện và chủ ý giúp đỡ tất cả hữu tình.

Việc tu tập bồ tát đạo là điều rất dễ nản lòng. Đó là lý do tại sao mình phải an trụ bồ đề tâm, bằng cách luôn luôn khẳng định lại động lực của mình. Tôi nhớ một lời khuyên. Tôi nghĩ rằng chính Geshe Ngawang Dhargyey đã nói rằng khi thỉnh cầu một vị Lạt ma cầu nguyện cho mình, thì không nên thỉnh cầu ngài cầu nguyện rằng, “Nguyện cho đệ tử của con có được việc làm”, hay để có được điều này hay điều kia về mặt thế tục. Chúng ta sẽ thỉnh cầu vị Lạt ma cầu nguyện để mình có thể phát bồ đề tâm. Đó là thỉnh cầu tốt nhất mà mình có thể thực hiện.

Tích Tập Công Đức Để Giúp Cho Mục Tiêu Vững Mạnh

Vì vậy, hãy tiêu diệt thập ác và giúp cho lòng xác tín và tín tâm luôn vững mạnh. 

Điều này có liên quan đến sự kiện là mình phải tích tập một khối công đức to lớn, bằng cách giúp đỡ người khác, nếu như mình sẽ có bồ đề tâm vững chãi, để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Để thực hiện điều này thì ta phải tránh tạo ác nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo bồ đề tâm sẽ vững vàng, và ngày càng có nhiều công đức hơn, thì ta sẽ tiêu diệt thập ác.

Tôi sẽ không đi sâu vào nhiều chi tiết, nhưng thập ác là:

  • Ba ác nghiệp của thân
    • Giết hại
    • Trộm cắp
    • Tà dâm.
  • Bốn ác nghiệp của khẩu
    • Nói dối
    • Nói lời chia rẽ – nói xấu về người nào, để tạo ra sự chia rẽ giữa họ và người khác
    • Nói nặng lời – nói những lời làm người khác đau lòng
    • Nói lời vô nghĩa – làm tốn thì giờ của mình và người khác vì chuyện phiếm vô nghĩa, và ngắt lời người khác bằng lời vô nghĩa, trong khi họ đang làm điều gì tích cực. 
  • Ba ác nghiệp của ý
    • lam - “tham lam” có nghĩa là ham muốn rất mạnh mẽ, vì ganh tỵ với những điều mà người khác có. Không chỉ muốn có được điều gì tương tự như những gì người khác có, mà là muốn có được thứ gì tốt hơn cái mà người ta có, nên còn có sự cạnh tranh. Ác nghiệp là lúc nào cũng nghĩ về nó: lúc nào cũng nghĩ về việc có được một cái gì đó, hay có được phẩm chất nào đó, và âm mưu để thực hiện điều đó.   
    • Ác ý - suy nghĩ và âm mưu để làm tổn thương người khác, hay làm cách nào để trả đũa với những điều họ đã làm. 
    • Tà kiến - không chỉ suy nghĩ về điều gì trái ngược với những điều chân thật và đúng đắn, như là, “Việc noi theo đường tu không có ích lợi gì. Có cố gắng giúp người khác thì cũng không có ích lợi gì.”, vân vân, mà còn tranh cãi về việc này. Nói cách khác là tranh cãi với người khác, và hạ nhục họ một cách hung hăng. Đó là lý do mà tôi gọi nó là tư tưởng lệch lạc, với sự đối nghịch.

Tất cả những ác nghiệp trong tâm ý thì nói về cách suy nghĩ. Đó là một hành vi mà mình đang nói về việc ngồi một chỗ và tính toán: “Làm sao để có một chiếc xe tốt hơn người khác đây?”, hay là, “Người này đã làm mình đau lòng. Lần sau thì mình sẽ nói điều gì đây, để làm cho họ tổn thương?”. Hay là, “Người kia sẽ đi nghe thuyết Pháp, trong khi tôi muốn họ ở nhà với mình. Tôi sẽ nói gì đây, để cho họ biết rằng những điều họ đang làm là vô lý, và thay vì vậy thì họ nên ở nhà với mình?”. Chúng ta chỉ ngồi đó và nghĩ về những gì người khác đang làm, nghĩ rằng nó kinh khủng ra sao, và rất tức giận, đến nỗi nếu như người đó quay trở lại thì mình sẽ muốn đánh họ, vì đã bỏ rơi mình, để đi nghe thuyết Pháp.

Vậy thì đây là thập ác mà ta phải đoạn trừ, để có thể tích tập thêm nhiều công đức hơn nữa. Những công đức này sẽ giúp cho mình không chỉ đạt được giải thoát, mà còn thành tựu giác ngộ.

Để kềm chế hành vi bất thiện, thì phải giúp cho lòng xác tín và tín tâm luôn vững mạnh, cụ thể là tín tâm rằng luật nhân quả là đúng, để giữ giới.

Kệ Số 6: Nếu Muốn Giúp Đỡ Tha Nhân, Thì Đừng Làm Cho Họ Lánh Xa Mình

Đừng Làm Mất Lòng Người Khác, Vì Tâm Sân Hận Hay Kiêu Mạn

Hãy vượt qua tâm sân hận và tự hào, có thái độ khiêm cung.  

Nếu như muốn giúp đỡ tha nhân vì có bồ đề tâm, thì đừng làm cho người khác lánh xa mình. Nếu như ta luôn luôn tức giận, luôn sân hận, thì người khác sẽ e ngại khi ở gần mình. Họ lo sợ mình sẽ làm lớn chuyện và tức giận với họ. Ngoài ra, nếu như mình rất tự hào và kiêu hãnh, thì người khác sẽ không muốn ở gần mình. Nếu như mình luôn luôn xúc phạm người khác vì tức giận và đối xử tệ với họ, thì tại sao họ lại muốn ở gần mình?

Ngoài ra, làm sao mình có thể giúp đỡ người khác, nếu như luôn luôn hành động với tâm sân hận và tự hào? Điều quan trọng là phải khắc phục những điều này, nếu như mình muốn giúp đỡ người khác, không cần quan tâm đến nỗi khổ mà những trạng thái tiêu cực này sẽ tạo ra cho mình, và như chúng ta đã thảo luận, để có thái độ khiêm cung, trên cơ bản là thể hiện lòng tôn trọng người khác, và xử tốt với họ. Vấn đề cũng giống như vậy, nếu như lúc nào mình cũng phàn nàn, thì ai sẽ muốn ở gần ta? Điều này rất khó chịu, phải không? Ví dụ như khi lớn tuổi thì tất nhiên mình sẽ đau nhức, và không thể làm những việc mình đã thường làm trước đây. Tuy nhiên, nếu như có lòng khiêm tốn và không phàn nàn về điều đó, thì ta sẽ không làm cho người khác lánh xa mình.

Toàn bộ khía cạnh của việc đào tạo tính nhạy cảm cũng phát sinh ra ở đây. Chẳng hạn như, nếu như mình rất dễ tổn thương vì bất cứ điều gì mà người khác nói, thì cũng không ai muốn ở gần mình. Họ sẽ sợ mình buồn khóc, làm lớn chuyện và vân vân. Vì vậy, khi thật sự nghĩ đến bồ đề tâm, muốn giúp đỡ người khác, thì điều quan trọng là phải nhận thức rằng cách cư xử và thái độ của mình có thể làm cho người khác lánh né ta, khiến cho họ không chấp nhận sự giúp đỡ của mình.

Tính nhạy cảm này cũng liên quan đến bề ngoài của mình. Hãy cố gắng để có ngoại hình không bẩn thỉu, quần áo lôi thôi và vân vân, có thể làm những người xung quanh mình, hay những người mà mình đang liên hệ thấy khó chịu. Có những chỉ giáo khác không được nêu ra ở đây, nhưng cũng là một phần của bồ tát giới khinh, điều nói rằng miễn là một phong tục không có tính cách phá hoại hay tiêu cực, thì cần phải tuân theo điều đó. Chúng ta sẽ noi theo phong tục mà người trong xã hội đó tuân theo. Vì vậy, nếu như phụ nữ ở Ấn Độ không mặc váy ngắn khi ra đường, thì khi đến Ấn Độ, ta sẽ không mặc váy ngắn để đi dạo. Nếu không thì sẽ không có ai muốn đến gần mình, và những người muốn đến gần mình thì không nhất thiết là đến để nghe thuyết Pháp.

Tránh Cho Lời Khuyên Không Thiết Thực, Hay Không Trung Thực

Vì vậy, hãy tiêu diệt bất chánh mạng và sống đời hòa hợp với giáo pháp. 

Điều đó đôi khi được dịch là “bất chánh mạng”. Điều này có hai khía cạnh.

Đầu tiên là sử dụng một số phương tiện thiếu trung thực để sinh nhai. Có một điều rất thú vị, khi tôi đang thông dịch cho một vị Lạt ma vĩ đại, Ugyen Tseten Rinpoche, thỉnh thoảng có đến Berlin. Ngài là vị Cựu Trụ Trì của Học Viện Mật Điển Hạ (Lower Tantric College), và là một trong những vị thầy chính của thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey. Tôi đang dịch cho ngài ở Úc, và một người ở đó đã hỏi ngài về điểm này, liên quan đến việc từ bỏ bất chánh mạng. Ngài đã giải thích rằng, “Tôi sống ở vùng nông thôn ở Úc, nơi mà công nghiệp duy nhất là nuôi trừu để lấy thịt. Tôi có thể làm gì đây, vì không có công việc nào khác. Đây có phải là bất chánh mạng hay không? Đây có phải là một cách sinh nhai không trung thực hay không?

Sau đó, Ugyen Tseten Rinpoche giải thích rằng điểm chính là không là lừa gạt người khác. Chúng ta không thể nói rằng, việc nuôi trừu tự nó là một việc hoàn toàn tiêu cực. Nếu như mình giết trừu thì đó lại là chuyện khác. Tuy nhiên, nếu như chỉ nuôi chúng, thì hãy tử tế với chúng, giúp cho cuộc sống của chúng thoải mái càng nhiều càng tốt, và không lừa dối những người mua trừu, bằng nói những điều sai lầm và những điều tương tự như vậy. Tất nhiên, cách tốt nhất là cố gắng tìm phương tiện sinh nhai khác, nhưng nếu như hoàn toàn không tìm được cách khác thì điều chủ yếu là phải có một động lực tốt và trung thực. Ngài nói rằng đó là điểm chính để tránh những điều gọi là bất chánh mạng, đó là lý do tại sao tôi dịch chữ đó là bất chánh mạng.

Tôi thấy ngài vô cùng cởi mở. Hơn nữa, đó là phương tiện thiện xảo, không nên đề xuất những phương án cực đoan nhất mà mọi người không thể noi theo, và điều đó sẽ khiến cho họ cảm thấy tội lỗi. Trong trường hợp này thì họ sẽ nghĩ rằng những điều họ đang làm là sai, và mọi người nên dọn đi nơi khác, và đương nhiên điều đó sẽ khiến những người nuôi trừu cảm thấy rất tồi tệ, và có thể khiến cho họ không tiếp nhận giáo pháp. Vậy thì việc khởi đầu bằng cách nói rằng, “Điểm chính là đừng hành xử một cách không trung thực”, cũng là một phương tiện thiện xảo.

Điều này cũng trở lại vấn đề không khiến cho người khác hoàn toàn chối bỏ mình. Nếu như ta sẽ giúp cho người khác sống theo giáo pháp, thì phải đề xuất những phương pháp mà họ có thể làm theo. Nếu như mình trình bày điều gì mà hầu như họ không thể noi theo, thì họ sẽ không thử làm như vậy. Họ chỉ nghĩ rằng ta là người lý tưởng, và hoàn toàn không thực tế. Đó là một lời khuyên rất quan trọng để nhớ, đặc biệt là khi chúng ta còn non nớt đối với giáo pháp. Khi còn non nớt đối với Pháp thì chúng ta có xu hướng tự cao tự đại, và khuyên bảo mọi người như thể mình là thánh, và ban cho họ những quy tắc đạo đức cao cả nhất để tuân theo. Một lần nữa thì cũng phải trở về vấn đề khiêm tốn và thực tiễn.

Những Phương Tiện Bất Chánh, Để Được Người Khác Giúp Đỡ

Khía cạnh khác của những cách sinh nhai theo bất chánh mạng, hoặc không trung thực, là một danh sách về năm cách thiếu trung thực:

  • Nịnh hót - Ví dụ thường được sử dụng là chư tăng hay chư ni đi khất thực, nhưng cũng có thể sử dụng ví dụ về việc quyên tiền để bảo trợ cho các tu viện, để nuôi chư tăng ni. Bạn sẽ nói rằng, “Bạn thật là tuyệt vời và tốt bụng”, để họ sẽ cho bạn món gì.
  • Tạo áp lực -  thúc đẩy và liên tục làm phiền người khác, “Tại sao bạn không bố thí?” 
  • Tống tiền – có được điều gì bằng vũ lực, hoặc đe dọa, hay làm cho người khác cảm thấy tội lỗi: “Lần trước bạn có cho mà. Hãy nhìn các thầy vẫn đang chết đói kìa.”. 
  • Hối lộ - “Nếu như bạn cho một số tiền nào đó, thì chúng tôi sẽ tặng cho bạn một cái máy nướng bánh mì”, hay cái gì tương tự như vậy. Bạn sẽ cho họ một món gì nho nhỏ, để nhận được điều gì lớn hơn.
  • Giả vờ - giả vờ là mình rất thánh thiện, và cố tạo ấn tượng tốt với người khác, bằng cách ra vẻ mình tuyệt vời đến mức họ sẽ tặng cho bạn một món gì đó.

Tương truyền rằng nếu như mình sinh sống, dựa vào thu nhập và cúng dường bằng bất cứ cách nào trong những cách này, thì bất kỳ tuệ giác nào mà mình đã có được trong việc tu tập Pháp sẽ suy thoái.

Điều rất thú vị là trong các cuộc bàn luận của đạo Phật về bất chánh mạng, hay cách sinh nhai không trung thực, không có phần nào đề cập hay liệt kê việc giết hại sinh mạng, chế tạo vũ khí, săn bắn, vân vân. Tuy người ta có thể nghĩ về chúng như những ví dụ về bất chánh mạng, nhưng chúng không nhất thiết là điểm chánh đang được thảo luận ở đây. Điểm chánh là không trung thực. Vậy thì nếu như mình trồng trọt hay sản xuất một số sản phẩm nào, dù chúng ta là nông dân, nhà điêu khắc hay gì đi nữa, thì vấn đề là không buôn bán những thứ này bằng những cách không trung thực, tạo áp lực để người ta mua nó, giả vờ rằng mình là người rất tuyệt vời, sử dụng lời quảng cáo sai lầm, hay nịnh hót, vân vân. “Nếu như muốn làm người thật thông minh, thì bạn sẽ mua sản phẩm của tôi”, hoặc là, “Nếu như muốn lôi cuốn tất cả phụ nữ hay đàn ông thì bạn sẽ mua sản phẩm của tôi” - hầu hết các quảng cáo đều nói như vậy. Và như tôi đã nói, các cuộc bầu cử ở phương Tây thường dựa vào câu, “Tôi rất tuyệt vời, còn người kia thì rất tệ hại, nên hãy bỏ phiếu cho tôi!”.

Ba Loại Tín Tâm Về Nghiệp 

Tất cả những điều này dựa trên việc có tín tâm về sự thật, về mặt hành vi nhân quả, nói cách khác là nhân quả. Tín tâm về sự thật là tin rằng điều gì tồn tại, và có thể được nhận thức một cách hợp lệ, hay xem sự kiện về một điều như vậy là đúng. Trên thực tế thì có ba loại tín tâm:

  • Tín tâm sáng suốt về sự thật - chúng ta xem sự kiện nhân quả là đúng, và khi làm như vậy thì điều này sẽ tịnh hóa những phiền não như cảm giác tội lỗi, tham lam, vân vân, trong tâm thức. Những phiền não như vậy sẽ khiến mình tạo ra một trong mười ác hạnh, hoặc dấn thân vào một bất chánh mạng. Việc tư duy về nhân quả sẽ diệt trừ loại lòng tham này, như là “Tôi phải kiếm được nhiều tiền hơn, ngay cả khi điều này có nghĩa là sinh sống theo bất chánh mạng.”.
  • Tín tâm vào sự thật, dựa trên lý lẽ - nếu như mình tin rằng luật nhân quả là đúng, thì liệu ta có nên lừa dối người khác để kiếm thêm tiền hay không, nếu như động lực của mình là giúp đỡ họ? Rõ ràng là điều này không có ý nghĩa gì.
  • Tín nguyện về sự thật - trên cơ sở của niềm tin về sự thật về nhân quả, thì ta sẽ có ước nguyện luôn hành xử một cách tích cực, và tránh những cách sinh nhai không phù hợp với điều này.
Top