Đối Phó Với Người Khác

Kệ Số 7-10

Kệ Số 7: Đoạn Trừ Tâm Phóng Dật Trong Thời Thiền

Hãy diệt tâm tham đắm gánh nặng vật chất, và trang nghiêm tự thân bằng bảo châu của thánh nhân. Vì vậy, hãy lánh xa mọi hoạt động náo nhiệt và sống đời ẩn dật. 

Sống Đời Ẩn Dật, Để Tránh Buồn Phiền Với Người Khác

Ở đây, A Đề Sa đang nói rất giống như cách Tịch Thiên nói trong chương 8 của tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, về định tâm, rằng điều quan trọng là khi muốn hành thiền, muốn sống một đời sống rất đơn giản, thì tốt hơn là sống đời ẩn dật.

Việc sống đời ẩn dật rất quan trọng, khi tâm còn rất quyến luyến với những người xung quanh. Như Togmey-zango có nói trong 37 Pháp Hành Bồ Tát (37 Bodhisattva Practices):

(2) Pháp tu Bồ tát là rời bỏ quê hương, nơi mà tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước; tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa cháy; và bóng đêm si mê bao phủ, khiến ta quên hết những điều nên làm, những điều nên bỏ.

(3) Pháp tu Bồ tát là nương tựa nơi ẩn dật. Nhờ lánh xa đối tượng bất thiện, phiền não sẽ dần giảm thiểu; nhờ không phóng dật, đức hạnh sẽ tự nhiên tăng trưởng; nhờ tu tập cho ý thức sáng suốt, tâm xác tín về giáo pháp sẽ phát sinh. 

Khi có một khoảng cách, ngay cả khi chỉ là một năm, chẳng hạn như người ta thường đến Ấn Độ, hay những nơi như thế, thì sẽ tránh xa những nguyên nhân làm cho họ phiền não, ảnh hưởng đến việc hành thiền và tu tập. Hiển nhiên là khi đã tu tập tốt thì ta sẽ quay trở lại những nơi rất bận rộn, để chịu thử thách. Chư Bồ tát cao cả sẽ quay trở lại và “hành thiền ở ngã tư đường”, người ta nói vậy. Các ngài sẽ đến nơi có rất nhiều giao thông và ồn ào, để hoàn thiện định tâm của mình. Các ngài muốn có khả năng tu tập, ngay cả trong những tình huống rất hỗn loạn, hay thử thách. Vì vậy, mọi thứ phải tùy theo nhu cầu và trình độ của mình. 

Buông Bỏ Gánh Nặng Vật Chất, Tạo Ra Nhiều Lo Lắng

Vần kệ bắt đầu rằng, “Hãy diệt tâm tham đắm gánh nặng vật chất.”. Gánh nặng vật chất được định nghĩa là thứ gì khó có được, khó giữ và khó bảo vệ. Nếu những thứ như vậy bị mất đi hay bị trộm cắp, thì ta sẽ rất buồn. Thậm chí, mình có thể mất mạng vì một tên trộm ăn cắp chúng. Chúng được gọi là gánh nặng vật chất, vì đó là một gánh nặng, khi sở hữu những thứ như vậy. Điều này không có nghĩa là không nên có tài sản gì cả. Tuy nhiên, loại tài sản tốt nhất là những thứ dễ kiếm, không hiếm hoi hoặc vô giá, hay đại loại như vậy, và điều này sẽ không khiến cho mình buồn, nếu như điều gì sẽ xảy ra với chúng, như bị thất lạc, trộm cắp, hay hư hỏng.

Chẳng hạn, nếu như đi du lịch bằng xe lửa ở Ấn Độ, thì ta sẽ không mặc quần áo đẹp nhất. Chúng ta sẽ mặc loại quần áo mà mình không quan tâm đến; không lo lắng, nếu như nó bị bẩn hay bị rách. Đây là loại tài sản tốt nhất, đặc biệt là chúng sẽ không khiến cho mình phải khổ sở và keo kiệt với đồ đạc của mình: “Ồ, cái máy vi tính quý giá của tôi, tôi không muốn ai đụng vô nó hết.”, đại loại như vậy.

Tôi thấy định nghĩa về gánh nặng vật chất rất hữu ích. Nó giống như khi người ta giữ cho ngôi nhà của họ thật lạ mắt và đẹp đẽ, rồi thì phải bọc nhựa lên mọi thứ, vì họ không muốn ai làm bẩn thứ gì. Nếu như có ai đem một đứa bé đến, thì họ sẽ hoảng sợ, vì đứa nhỏ sẽ làm cho nhà họ bừa bãi, và dơ dáy. Và họ không muốn ẵm em bé, vì nó có thể phun nước miếng lên chiếc áo đẹp của họ, nên họ sẽ đứng cách xa em bé hai feet.

Điều cũng là gánh nặng vật chất là thứ gì cần phải được chăm sóc nhiều - ví dụ như một vườn hoa lớn, lạ mắt. Chúng ta không thể đi đâu hết, vì phải chăm sóc khu vườn. Mình phải tìm người đến làm vườn. Nó sẽ ràng buộc ta, và chiếm hết thời giờ của mình. Chúng ta trở thành nô lệ của vườn tược, hay làm nô lệ cho những kiểu tóc. Có những kiểu tóc phức tạp đến nỗi phải mất rất nhiều thời giờ để làm cho đúng kiểu.  

Bảo Châu Của Thánh Nhân, Là Tâm Trạng Mà Mình Có Thể Đem Đến Bất Cứ Nơi Nào

Thay vì có những loại tài sản này, thì ta có thể trang nghiêm tự thân bằng bảo châu của thánh nhân. Điều này sẽ được bàn luận sau, trong câu kệ 26, nên tôi chỉ liệt kê chúng ở đây. Những bảo châu này là (1) tín tâm; (2) trì giới; (3) bố thí; (4) tu học; (5) tự chủ; (6) đức hạnh; và (7) trí bát nhã. Đây là những điều mà ta có thể tích tập càng ngày càng nhiều, nhờ vậy mà mới được giàu sang về giới luật, giáo pháp, oai lực của hạnh lắng nghe, bố thí, tín tâm v.v...

Như Geshe Ngawang Dhargyey đã giải thích, chúng ta không thể đeo tất cả những món trang sức của mình trong cùng một lúc. Nếu như mình có thật nhiều đồ trang sức, thì chỉ có thể đeo một vài món mỗi một lần thôi. Nếu như cứ đeo tất cả các món trang sức trong cùng một lúc, thì sẽ trông thật lố bịch. Nhưng ta có thể đeo tất cả bảo châu của thánh nhân trong cùng một lúc. Ngay cả khi mình phải vào tù, hay một trại tập trung, thì có thể mang chúng theo với mình, và trở nên giàu có. Chúng ta sẽ rất giàu có, ngay cả khi ở đó. Và khi mình đi máy bay, thì không phải lo lắng về việc quá tải.

Vì vậy, đây là loại tài sản tốt nhất để xây dựng. Chúng tốt hơn so với vật chất, rất khó chăm nom, và là nguyên nhân của rất nhiều lo lắng và rắc rối. Chỉ cần tưởng tượng đi đến một khóa nhập thất, và cứ lo lắng về “cây cối” và “nhà cửa” của mình, luôn luôn nghĩ về tất cả những điều có thể xảy ra thì điều này sẽ là một sự phân tâm lớn.

Lánh Xa Mọi Hoạt Động Náo Nhiệt, Lãng Phí Thời Gian

A Đề Sa viết rằng, “Hãy lánh xa mọi hoạt động náo nhiệt.”. Một lần nữa, đó là sự phóng dật lớn. Ví dụ về các hoạt động náo nhiệt là gặp gỡ bạn bè, hoặc luôn trò chuyện với họ trên internet, trên điện thoại, Facebook, v.v..., tất cả đều là việc lãng phí nhiều thời giờ. Nếu như lâu lâu mình mới nói một lần thì ổn thôi, nhưng nếu như bỏ hết thời giờ để làm điều đó, thì ta sẽ không có thời gian để tu tập, hành thiền và học hành, v.v...

Như ngài Tịch Thiên đã viết:

(VIII.13) Nếu như giao hảo với những người non dại, thì chắc chắn ác hạnh sẽ phát sinh, chẳng hạn như ca ngợi bản thân, xem thường người khác, và chuyện phiếm về thú vui trong luân hồi.

Điều đó không có nghĩa là bỏ mặc những người này. Nó chỉ có nghĩa là không dành hết thời gian để chạy từ người này sang người khác, và “nói chuyện phiếm”, nghĩa là nói về những điều không quan trọng.

Hay mình có thể lãng phí thì giờ ở nhà, vì rất dễ mất cả ngày chỉ để làm những việc nhỏ nhặt trong nhà, những việc không quan trọng. Cuối cùng thì mình không thật sự làm được điều gì. Cũng có thể là mình đi từ giải trí này sang giải trí khác, thay đổi đài truyền hình liên tục, lên Internet không ngừng, đại loại như vậy. Có rất nhiều ví dụ về những hoạt động náo nhiệt.

Đối với sách vở thì mình cũng có thể gặp vấn đề giống như. Có những người ghiền mua sách, nhưng không bao giờ có thời gian để đọc cuốn sách nào, hoặc nếu như họ có đọc cuốn nào, thì chỉ xem lướt qua một chút ở phần này, một chút ở phần kia. Và số sách vở mà họ có trở thành gánh nặng. Họ không thể dọn nhà đi nơi khác, hoặc đi đâu. Nếu như làm như vậy, thì họ phải mang theo bao nhiêu thùng sách vở, giống như tù nhân vác một khối đá khổng lồ trên lưng.

Tôi đã có một kinh nghiệm tuyệt vời về điều đó. Có lẽ tôi đã có hơn một ngàn cuốn sách vào năm cuối ở đại học. Khi đi Ấn Độ thì tôi đã để chúng trên căn gác của mẹ tôi. Sau đó, khi mẹ tôi về hưu và dọn đến Florida thì bà đã chứa hết số sách này trong nhà xe của dì tôi, trong những thùng bìa cứng. Rồi có một trận lụt. Nhà xe bị ngập, và tất cả những cuốn sách biến thành súp. Điều đó đã chữa dứt căn bệnh ham mua sách của tôi. Vì vậy, tôi có rất ít sách ở Ấn Độ, và đã đem cho một số sách, khi rời khỏi nơi này. Ta đã nhận ra là những thứ này có thể được chứa ở thư viện. Mình không cần phải sở hữu tất cả mọi thứ, rồi sau đó lại lo lắng và buồn phiền, khi nó biến thành món súp vì lũ lụt.

Không Thối Chí Vì Người Khác

Vì vậy nên tôi muốn lánh xa tất cả những điều này, và noi theo lời khuyên mà ngài Tịch Thiên đã ban cho, và A Đề Sa đã nói sống đời ẩn dật. Như ngài Tịch Thiên nói thì sống đời ẩn dật là sống nơi “cô lập”. Ta sẽ muốn cho cả thân và tâm đều cách biệt, hay rời xa những thứ khiến cho mình tán tâm, hay chú tâm vào những điều tiêu cực, hay chỉ lãng phí thời gian của mình. Điều đó không có nghĩa là phải sống cấm cố trong ẩn dật, điều mà đối với một số người thì cũng ổn thôi. Thay vì vậy, nó có nghĩa là sống với những người ủng hộ những điều mình đang thực hiện, chẳng hạn như đạo sư và bạn đạo có cùng chí hướng. Cách sống ẩn cư như thế có thể rất hữu ích. Nó tùy vào căn cơ của mình.

Hơn nữa, nếu như chỉ cô lập thân mình thì không đủ. Nếu như tâm vẫn còn lưu luyến, luôn nghĩ về những người nơi quê nhà, và sử dụng Internet để liên lạc với họ, thì không có ích gì.

Trong bồ tát giới khinh có nói không được ở quá bảy ngày đêm trong nhà của một hành giả Tiểu thừa. Điều này không liên quan gì đến việc người nào tu theo Nguyên thủy hay Tiểu thừa. Vấn đề ở đây là sống với người chế nhạo việc tu hành của mình, và nói rằng, “Những điều bạn đang thực hành là ngu ngốc, vì pháp tu Đại thừa này đang cố giúp đỡ người khác”, người mà luôn luôn cố làm cho ta nản lòng, và khiến cho ta rời bỏ đường tu của mình. Nếu như ta yếu lòng, có động lực và chủ ý yếu ớt, thì những người này có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mình, và rất có hại cho việc tu tập.

Tuy nhiên, việc noi theo lời khuyên này có thể rất khó khăn. Hãy tưởng tượng bạn phải nhập ngũ và ở trong một căn phòng với những người lính say rượu và ồn ào, những người muốn quấy rầy bạn, khi bạn đang cố gắng tu hành. Hoặc ở trong tù với người khác, là một tình huống rất khó tu hành. Đó là lý do mà việc thuộc lòng tất cả các hành trì của mình, giữ chúng trong tâm, giống như bảo châu của thánh nhân là điều rất quan trọng. Rồi thì ta có thể đem hành trì của mình đi bất cứ nơi nào, và dù mình có ở bên cạnh ai đi nữa thì cũng không thành vấn đề.

Nhiều năm trước đây, tôi đã du lịch ở phương Tây cùng với thầy của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, đi từ nơi này sang nơi khác liên tục. Có một lần, tôi đã bỏ quên cặp da, có tất cả những bài trì tụng của mình trong đó, và không thể lấy lại nó cho đến ngày hôm sau. Serkong Rinpoche, người luôn luôn mắng tôi, dù là một cách rất nhẹ nhàng, hay ít nhất là tôi cảm nhận nó như một cách nhẹ nhàng, đã nói rằng thật là buồn cười, khi tôi quá phụ thuộc vào những mảnh giấy này, và dĩ nhiên là ngài không phụ thuộc vào những thứ này. Rồi ngài đã từ bi viết xuống những hành trì quan trọng nhất mà tôi phải trì tụng, để không hoàn toàn vi phạm cam kết của mình, điều đó đã khiến tôi thật xấu hổ. Ngài đã vô cùng từ bi. Nó làm cho tôi rất xấu hổ, vì một vị Lạt ma vĩ đại như vậy phải ngồi đó viết những bài cầu nguyện cho tôi, vì tôi đã quên đem chúng theo bên mình.

Kệ Số 8: Cách Hành Xử Khi Tu Tập Với Thầy và Bạn Đạo

Cách Hành Xử, Ngay Cả Khi Tu Tập Với Bạn Đạo Cùng Chí Hướng

Hãy tránh lời phù phiếm và luôn luôn kiểm soát lời nói.  

Ta không chỉ cách ly thân tâm, thoát khỏi những sự quyến luyến này, v.v..., mà ngay cả khi nhập thất với những người bạn cùng chí hướng, thì cũng phải tránh lời phù phiếm. Nếu chỉ nói huyên thuyên về những chuyện không đâu thì chỉ làm lãng phí thời gian. Tất nhiên, điều này luôn luôn là vấn đề, ngay cả khi mình không ở trong hoàn cảnh mà việc hành trì là điều chủ yếu. Như các đạo sư nói, “Chúng ta luôn háo hức và tỉnh táo khi nói chuyện phiếm, nhưng nếu như bắt đầu hành thiền hoặc nghe thuyết pháp, thì mình sẽ ngủ gục ngay lập tức.

Trijang Rinpoche, vị Cố Trợ Giáo của Đức Dalai Lama, luôn nói rằng, “Nếu như con không có cảm hứng để hành trì pháp tu nào, hay làm điều gì thiện hảo, thì tốt hơn là nên đi ngủ một chút.”. Ít nhất như vậy còn tốt hơn là nói chuyện thị phi và nhảm nhí, bởi vì bạn sẽ thấy tươi tỉnh khi thức dậy, và sẽ không lãng phí thời gian của mình.”. Chuyện phiếm thế gian thì không bao giờ chấm dứt, nên hãy tránh lời phù phiếm.

Những điều mình nói không phải lúc nào cũng phải sâu sắc, có ý nghĩa và mạnh mẽ. Nếu cứ như vậy thì cũng hơi quá đáng. Tuy nhiên, ta cũng muốn những lời mình nói chủ yếu là những điều có tính tích cực. Do đó, hãy kiểm soát lời nói, khi mà mình chỉ nói về những điều không đâu, hay thị phi về người khác, phàn nàn và vân vân.

Kề Cận Đạo Sư, Để Sử Dụng Thời Gian Một Cách Có Ý Nghĩa

Khi gặp một vị thầy cao cả hay uyên bác, hãy phụng sự thầy với lòng tôn kính và sùng mộ. 

Nói cách khác là thay vì dành thời gian để chuyện vãng với những người non nớt, chắc chắn sẽ đưa đến những hành vi phá hoại, thì hãy cố gắng phụng sự thầy của mình, hoặc nếu như có một đạo sư cao cả, hay uyên bác ở đó, thì hãy cố gắng giúp đỡ các ngài. Nói cách khác là nếu như mình sẽ dành thời gian cho người khác, thì hãy sử dụng thời gian đó cho điều gì có tính cách xây dựng, hơn là điều làm lãng phí thì giờ. Và điều có tính cách xây dựng nhất mà ta có thể làm là giúp đỡ thầy của mình, để thầy có thể giúp đỡ người khác nhiều hơn nữa.

Một trong những câu kệ tuyệt vời của Tịch Thiên là lời cầu nguyện, (III.14) “Nguyện cho bất cứ điều gì chú trọng vào tự thân, sẽ không bao giờ trở nên vô nghĩa”, không chỉ là một sự lãng phí thời gian. Đó là một ý tưởng tuyệt vời.

Về mặt liên hệ với chư đạo sư thì:

Kệ Số 9: Có Được Cảm Hứng Tu Tập Từ Người Khác

Đối với những người có tầm nhìn giác ngộ và chúng sinh, là những người sơ học, hãy mở rộng tâm phân biệt xem họ như thầy. 

Chúng ta có thể học hỏi từ nhiều người, không chỉ từ những người có tầm nhìn giác ngộ, nói về chư đạo sư vĩ đại. Chúng ta cũng có thể học hỏi từ những chúng sinh, là những người sơ học, mới bắt đầu tu tập trên đường tu. Chúng ta có thể tùy hỷ vì sở thích của họ, và có thể nhận được rất nhiều sự khích lệ từ phía họ. Khi có ai đạt được điều gì từ việc hành trì, lắng nghe một bài thuyết pháp và đại loại như vậy, thì ta có thể tùy hỷ. Ta có thể học hỏi thêm về luật nhân quả từ phía họ, vì thấy họ đã tu tập và đạt được kết quả.

Nếu như chính mình đang trên đường tu, thì có thể có được nguồn cảm hứng rất lớn lao từ những người mới bắt đầu tu tập. Ta sẽ có được nguồn cảm hứng không chỉ từ chư đạo sư, mà còn từ những người mới tu học, những người thật sự rất quan tâm và chân thành với giáo pháp. Và ta cũng có thể học hỏi từ những sự sai lầm của họ. Chúng ta cũng học được tánh kiên nhẫn, đó là một trong những điều tốt nhất mà mình có thể dành cho cả những bậc trên trước, nghĩa là chư đạo sư vĩ đại, và cho những người yếu kém hơn, hoặc non trẻ hơn mình trong giáo pháp. Đây là những người đáng để cho mình dành thời gian với họ.

Những người sơ học có thể không phải là thầy của mình, như chư đạo sư vĩ đại, mặc dù, như đã nói ở đây, họ có thể dạy cho ta nhiều điều. Tuy nhiên, trong những kiếp tương lai, mình sẽ là người trẻ tuổi, và họ sẽ là người lớn tuổi hơn. Đây là một cách khác mà nhân quả vận hành. Vì vậy nên việc trao truyền giáo pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác là điều rất quan trọng.

Kadampa Geshe Potowa khuyên rằng nếu như bạn có một đệ tử là người kiêu mạn, và nghĩ rằng họ biết tất cả mọi thứ, thì bạn nên lánh xa họ, ngay cả khi họ rất thông minh. Nếu như một đệ tử rất bướng bỉnh và không muốn nghe lời, khi bạn đưa ra lời khuyên, đại loại như vậy, thì đó không phải là đệ tử đàng hoàng. Nhưng nếu như có một đệ tử thật sự muốn học hỏi, cởi mở và giữ lời khuyên trong lòng, thì dù họ không thông minh, nhưng sẽ là đệ tử tốt, bởi vì họ có tính cách tốt. Đây là loại đệ tử tốt nhất để thâu nhận. Việc họ học hỏi được nhiều hay không là tùy thuộc vào kỹ năng và tính kiên nhẫn của mình, với tư cách làm thầy.

Vậy thì phẩm chất mà người ta tìm kiếm ở một đệ tử không phải là trí thông minh; mà là sự chân thành và cởi mở. Có tinh thần cởi mở có nghĩa là có sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng tu tập và sửa chữa lỗi lầm của mình, mà không cần phải chống chế hay cãi lại lời thầy. Đây là đệ tử tốt nhất.

Kệ Số 10: Cách Nhìn Người Khác, Và Tránh Ảnh Hưởng Xấu

Phát Tâm Thân Thiện Một Cách Bình Đẳng Với Tất Cả Mọi Người

Khi gặp bất cứ chúng sanh nào, hãy xem họ như cha, như mẹ, như con hay cháu của mình. 

Đây là một phần của giáo pháp phát bồ đề tâm, cụ thể là để tạo lợi lạc cho người khác, trước tiên thì phải có khả năng xem mọi người đều bình đẳng, và nghĩ về họ với tình thương ấm áp. Tình thương này là điều mà ta sẽ cảm nhận, khi nhìn thấy người bạn thân yêu nhất, hay một người thân trong gia đình của mình. Chỉ cần nhìn thấy họ là mình đã thấy ấm lòng. Chúng ta thật sự cảm thấy, “Thật là tuyệt vời, khi gặp người này!”

Chúng ta thấy điều này nơi Đức Dalai Lama. Bất kể khi nào gặp ai thì Ngài sẽ cư xử như thể Ngài đang gặp bạn thân lâu năm của mình. Ngài hoàn toàn hoan hỷ, khi gặp một người khác, một con thú, hoặc bất cứ ai. Đây là một phẩm chất tuyệt vời.

Cách mà mình có thể làm cho cảm giác này phát sinh một cách dễ dàng nhất là nghĩ về người khác như một người thật gần gũi với mình. Bài pháp này đề cập đến điều này, về những gia đình Ấn Độ và Tây Tạng truyền thống, có mối quan hệ trong gia đình khá tốt. Chẳng hạn như, nếu như mình đi chung với một người lớn tuổi, thì ta sẽ nghĩ về người đó như cha, hay mẹ của mình. Ở đây, chúng ta không nói đến vấn đề liên tưởng trong Freudian, bối cảnh phân tâm học, khi mà mình phóng chiếu đủ điều về cha mẹ của mình lên người này. Mình chỉ tập trung vào cảm giác gần gũi thôi. Nếu như đó là một người trẻ tuổi hơn mình, thì ta sẽ nghĩ về họ như con, hay cháu của mình. Nếu như đó là người bằng tuổi với mình, thì ta sẽ nghĩ về họ như anh chị em. Điểm chính là cảm nhận sự gần gũi này, mà không có tâm bám chấp, ác cảm, hay dửng dưng. Như tôi đã nói thì tất cả những điều này dựa trên một hình ảnh khá lý tưởng về một gia đình lành mạnh, thương yêu lẫn nhau.

Hiển nhiên là mình sẽ rất tiến bộ, nếu như có thể làm điều đó với một con ruồi, hoặc một con muỗi, khi nó bay vào phòng mình, chào đón nó và vui mừng khi nó bay vào: “Hoan nghênh bạn! Cảm ơn bạn đã đến thăm tôi.”. Nếu như được như vậy thì mình đã rất là thượng thừa. Có một câu chuyện về một người đã sống biệt giam trong tù. Anh ta hoàn toàn bị cô lập, ngoại trừ một con nhện chui vào phòng giam của anh ta. Đây là người bạn đồng hành tốt nhất của anh ấy. Bạn đồng hành tốt nhất của anh ta là một con nhện, bởi vì không có ai khác. Nhưng đừng nghĩ rằng, “Nhện thì ổn thôi, nhưng ruồi là sinh vật không thể chấp nhận được”, là những người hành tinh xâm lược.

Tuy tôi đã nói đùa về “người hành tinh xâm lược”, nhưng nó dẫn đến một điểm thú vị về những gì có vẻ đẹp đẽ với mình. Tôi nhớ lần đầu tiên, khi đến Ấn Độ thì tôi không phải là người rất hâm mộ côn trùng, và Ấn Độ là vùng đất của côn trùng. Nơi tôi sống có những con nhện sói lớn, có kích thước bằng bàn tay của bạn. Có lần tôi đã dại dột nhận xét với thầy của mình, vào thời điểm đó là Geshe Ngawang Dhargyey, rằng chúng trông thật kinh khủng. Thầy đã mắng tôi rằng, “Từ quan điểm của chúng, thì con nhìn như một con quái vật. Vậy thì ai đúng?”

Lánh Xa Bạn Xấu

Hãy từ bỏ bạn bè có hành vi sai trái và nương tựa bậc thiện tri thức.

Điều này nêu ra những định nghĩa tuyệt vời mà chúng ta có trong đạo Phật về bạn bè có hành vi sai trái, và một thiện tri thức, hay bạn tốt. Một người bạn có hành vi sai trái là người dẫn dắt ta đến hành vi tiêu cực. Những điều tiêu cực mà họ khuyến khích mình làm có thể không nhất thiết là cực kỳ tiêu cực, như ăn cướp một cửa hàng, đi săn hoặc câu cá, hay đại loại như vậy. Có thể là họ muốn mình đi dự tiệc tùng hoài, sử dụng thuốc phiện hay uống rượu, hay chỉ ngồi một chỗ và nói về bóng đá, về chánh trị, hay minh tinh điện ảnh. Đây là một loại bạn bè có hành vi sai trái -  người khiến cho ta rời xa những điều tích cực.

Chữ thường được dịch là “người bạn tâm linh” là kalyana-mitra trong tiếng Phạn, và được dịch là “geshe” trong tiếng Tây Tạng. Kalyana, đây là phần đầu tiên của chữ này, không có nghĩa là “tâm linh”, mà có nghĩa là một người “có tính xây dựng” hay “đạo đức”. Nhờ có ảnh hưởng của một người bạn mà họ sẽ giúp cho mình thực hiện những việc có tính cách xây dựng. Thay vì nói, “Hãy đi chơi và say sưa với nhau”, thì họ sẽ nói rằng, “Hãy hành thiền với nhau”, “Hãy làm điều gì tích cực”, “Hãy ngồi học với nhau”, đại loại là như vậy. Đây là một “thiện tri thức”, một người bạn tốt, một người khuyến khích và giúp mình tiến xa hơn trong việc tu tập.

Thậm chí có thể là điều gì như là, “Hãy đi tập thể thao, để có thêm sức tu tập” - chứ không phải việc tập thể thao là sinh hoạt chính; đó là một chuyện khác. Không phải lúc nào cũng quá nghiêm trọng: “Ồ, chúng ta chỉ ngồi cầu nguyện với nhau thôi.”. Thế thì những điều mà mình được khuyến khích để thực hiện là điều gì tích cực một cách trực tiếp, tự nó có tính tích cực, hay đơn giản là điều gì hỗ trợ cho hành vi tích cực của mình.

Khi hành trì của mình yếu kém, và rất dễ bị ảnh hưởng, thì việc tránh xa bạn xấu là điều đặc biệt quan trọng. Nếu như dành hầu hết thời gian với bạn xấu, thì mình sẽ bắt đầu thi đua với họ, và hành xử như họ. Nếu như mình dành phần lớn thời gian với các thiện tri thức, những người bạn tích cực, thì ta sẽ bắt đầu thi đua với họ, và có được ảnh hưởng tích cực, nên điều này rất quan trọng.

Dần dần thì ta sẽ học cách để có nhiều sức mạnh hơn, để mình không giống như một con chó, khi tất cả những con chó khác trong khu phố bắt đầu sủa, thì nó cũng sủa theo, như ví dụ của người Tây Tạng. Một ví dụ về điều đó là khi người nào ở gần ta bắt đầu phàn nàn về chánh phủ và tất cả mọi việc, thì mình sẽ tham gia và trở nên bực bội vì những điều đó. “Nếu như bạn có thể làm một điều gì đó, thì hãy làm đi. Nếu như không thể làm được gì, thì đừng phàn nàn”, vì nó chỉ khiến cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn thôi.

Top