Phật Pháp Dùng để Đối Phó với các Vấn Đề trong Cuộc Sống
Điều đầu tiên ta cần phải làm để kết nối bản thân với việc thực hành Pháp là nhận diện các vấn đề và khó khăn trong đời sống. Điều kế tiếp là nhận thức ra việc thực hành Pháp là để giúp ta loại trừ những vấn đề này.
Việc thực hành Pháp không chỉ là để ta cảm thấy tốt lành, hay có một thói quen tốt, hoặc để thích hợp với trào lưu, hay bất cứ điều gì tương tự như thế. Thực hành Pháp là nhằm để giúp ta loại bỏ những rắc rối của mình. Điều này có nghĩa là để hành trì Pháp một cách thực tiễn, ta cần nhận thức rằng nó sẽ không phải là một quá trình dễ chịu. Ta phải nhìn rõ và thực sự đối diện với những điều không dễ chịu trong đời sống của mình, những khó khăn mà ta đang có – không lẫn tránh chúng, mà đúng hơn là đối diện chúng với một thái độ là giờ đây, ta sẽ cố gắng đối phó với chúng.
Những rắc rối của chúng ta có thể xuất hiện qua nhiều hình thức. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với hầu hết những điều này – ta cảm thấy bất an; có những khó khăn trong mối quan hệ với người khác; ta cảm thấy bị xa lánh; có những khó khăn với những cảm xúc và cảm giác của mình – những vấn đề thông thường mà ai cũng có. Ta có những khó khăn trong việc lo lắng cho gia đình và cha mẹ mình; họ bị bệnh và già đi. Chúng ta gặp khó khăn khi phải đối phó với bệnh tật vả tuổi già của chính mình. Và nếu là những người trẻ tuổi, ta sẽ gặp khó khăn trong việc dự tính mình sẽ làm gì với cuộc đời này, làm thế nào để kiếm sống, nên đi theo đường hướng nào và v.v… Chúng ta cần xem xét tất cả những điều này.
Vô Minh
Một trong những điểm quan trọng nhất trong đạo Phật là nhận ra những vấn đề mà tất cả chúng ta trải qua, đều phát khởi từ những nguyên nhân. Chúng không hiện diện mà không do nguyên nhân nào cả. Nguồn gốc của những vấn đề này ở trong bản thân mình. Đây là một tuệ giác lớn và không dễ dàng được hầu hết mọi người chấp nhận. Đó là vì hầu hết chúng ta có khuynh hướng đổ thừa người khác hay hoàn cảnh bên ngoài tạo ra những rắc rối cho mình. Ta nghĩ rằng, “Tôi không vui vì những điều anh đã làm – anh đã không gọi điện thoại cho tôi; anh không yêu tôi. Tất cả là lỗi của anh.” Hay ta đổ thừa cha mẹ mình về những gì ông bà đã làm hay không làm, khi chúng ta còn bé. Hoặc ta đổ lỗi cho hoàn cảnh kinh tế hay tình hình chính trị, môi trường xã hội và v.v… Giờ đây, dĩ nhiên là tất cả những nhân tố ấy đã đóng một vai trò đối với kinh nghiệm về đời sống của mình. Đạo Phật không phủ nhận điều ấy. Nhưng nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa hơn của các vấn đề ở trong chính mình – nó là thái độ của bản thân ta, đặc biệt là sự vô minh của ta.
Nếu muốn tìm kiếm một nhân tố định nghĩa rõ ràng thái độ của đạo Phật về ý nghĩa của việc thực hành Phật pháp trong đời sống hằng ngày, thì tôi sẽ nói nó là điều này. Khi chúng ta đang gặp khó khăn, ta nên nhìn vào nội tâm của mình để cố tìm ra nguồn gốc. Một khi đã nhận diện ra nó, hãy cố gắng thay đổi hoàn cảnh từ bên trong. Khi nói về việc nhìn vào bên trong và tìm kiếm nguồn gốc tạo ra những rắc rối của mình, điều này không căn cứ trên sự phán xét rằng tôi là một người xấu và phải thay đổi để trở thành một con người tốt. Phật giáo không tạo ra sự phán xét đạo đức. Ta cố xác định vị trí của cội nguồn tạo ra các vấn đề của mình ở bên trong, đơn giản là vì ta đau khổ và muốn diệt trừ các rắc rối, cùng với sự bất hạnh, và nguồn gốc chính của chúng là thái độ của chính mình. Đặc biệt là Đức Phật đã nói rằng nguyên nhân sâu xa của các rắc rối và khổ đau của chúng ta chính là sự vô minh. Thế thì điều ta cần phải làm là khám phá xem chúng ta mê lầm ra sao về những gì đang xảy ra và có thể điều chỉnh vấn đề như thế nào, bằng cách có một sự thấu hiểu đúng đắn.
Chúng ta vô minh về điều gì? Việc này liên quan đến một vài điểm. Một là hành vi nhân quả. Ta nghĩ rằng nếu mình hành động một cách nào đó thì sẽ không tạo ra ảnh hưởng gì cả. Thí dụ, ta nghĩ rằng, “Tôi có thể đến trễ, bỏ mặc bạn và v.v…, cũng chẳng có sao.” Điều này sai; đó là vô minh. Hay ta nghĩ rằng điều mình làm hay cách mình xử sự sẽ có một tác động nào đó, nhưng nó vô lý và không thể nào xảy ra. Thí dụ như, “Tôi đã đối xử tốt với bạn và vì vậy bạn sẽ yêu tôi để đáp lại lòng tốt của tôi. Tôi đã mua cho bạn một món quà đẹp, vậy mà tại sao bây giờ bạn không yêu tôi?” Với những ý tưởng như thế, ta tưởng tượng rằng những hành động và thái độ của mình sẽ tạo ra một ảnh hưởng bất khả dĩ, hay thổi phồng chúng lên, nghĩ rằng chúng sẽ phát sinh nhiều tác động hơn là chúng thật sự có thểtạo ra. Cũng thế, ta có thể nghĩ rằng những điều nào đó sẽ mang đến một loại ảnh hưởng; trái lại, chúng lại mang đến kết quả hoàn toàn trái ngược. Thí dụ, vì muốn được vui vẻ nên ta nghĩ rằng say sưa rượu chè liên tục là cách để tìm vui. Nhưng điều đó chỉ sản sinh thêm rắc rối hơn là niềm hạnh phúc.
Một điều khác mà ta bị lầm lạc là về cách ta hiện hữu ra sao, người khác tồn tại ra sao và thế giới hiện hữu như thế nào. Thí dụ, ta đau khổ và không vui khi trở nên già nua và bệnh hoạn. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có thể mong đợi điều gì khác hơn được? Loài người thì sẽ bị bệnh tật và già nua, trừ phi ta chết yểu – những điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khi chúng ta bắt đầu thấy những sợi tóc trắng trên gương, chúng ta âu sầu và kinh ngạc về điều này, đó là vì ta thiếu óc thực tế và vô minh về cách thế giới tồn tại ra sao, về cách chúng ta hiện hữu như thế nào.
Giả sử ta có vấn đề với sự già nua. Vì vô minh về điều này – đó là không thể chấp nhận thực tế về nó – ta sẽ hành động một cách tiêu cực vì ảnh hưởng của phiền não. Thí dụ như cố tạo cho mình dáng vẻ trẻ trung và hấp dẫn, ta hành động với khát vọng có được những điều mà ta hy vọng sẽ làm cho mình cảm thấy an toàn – thí dụ như sự chú ý và tình yêu của người khác, đặc biệt là những người trẻ hơn mà ta cho là hấp dẫn. Đằng sau hội chứng này thường ẩn chứa sự mê muội rằng tôi là người quan trọng nhất trên thế giới; tôi là trung tâm của vũ trụ. Vì thế, mọi người phải chú ý đến tôi. Dù nhân dáng của tôi ra sao đi nữa, tất cả mọi người nên cảm thấy tôi là một người hấp dẫn và ưa thích tôi. Điều này khiến ta phát điên lên nếu ai đấy không cảm thấy ta hấp dẫn đối với họ, hay không ưa chuộng mình. Thậm chí, nó khiến ta điên tiết hơn nếu họ phớt lờ với ta – nếu họ không chú ý đến ta, khi ta muốn họ thấy mình là người hấp dẫn, nếu không phải về mặt nhân dáng, thì tối thiểu là về những khía cạnh nào đó. Tuy nhiên, không phải mọi người đều đã ưa chuộng Đức Thích Ca Mâu Ni, thế thì có hy vọng gì mọi người sẽ ưa thích ta?
Mong ước được mọi người ưa thích là một kỳ vọng không thực tế. Nó không thực tiễn. Nó căn cứ vào sự mê lầm, mong mỏi khát khao và bám chấp rằng mọi người phải thấy mình hấp dẫn và chú ý đến mình. Bên trong đó là thái độ phiền não của sự ngây thơ. Chúng ta nghĩ rằng mình quá quan trọng và quá đáng yêu, rằng mọi người phải ưa thích mình. Vì thế, người này phải có vấn đề nếu ông hay bà ấy không yêu thích tôi. Hay tệ hơn nữa, chúng ta nghi ngờ chính mình: “Mình có điều gì sai quấy mà người này không thích mình,” và rồi ta cảm thấy xấu xa hay tội lỗi. Điều này chỉ là sự ngây thơ.
Thế thì điều chính yếu là chuyển hóa bản thân mình. Hành trì Phật pháp là như vậy. Bất kể hoàn cảnh ra sao – dù đang gặp khó khăn, cảm thấy bất an hay thế nào đi nữa, ta cần phải nhìn lại mình để thấy điều gì đang xảy ra. Đâu là sự vô minh đằng sau những phiền não mà tôi đang cảm nhận? Tuy nhiên, nếu xem xét một mối quan hệ đang gặp rắc rối, ta cũng nên nhận thức rằng mình không phải là người duy nhất bị lầm lạc. Hiển nhiên là người kia cũng bị lầm lạc như ta. Vấn đề là ta đừng chỉ nói rằng, “Bạn phải thay đổi; mọi việc tôi đang làm đều tốt đẹp và hoàn hảo; bạn là người phải thay đổi.” Mặc khác, ta cũng không cho rằng mình là người duy nhất phải thay đổi, bởi vì điều này có thể biến thành một mặc cảm dày vò. Hãy cố gắng thảo luận vấn đề một cách cởi mở với người kia – mặc dù, dĩ nhiên là người kia cần phải tiếp nhận điều này. Ta cần thừa nhận rằng cả hai chúng ta đều mê muội. Có một vấn đề trong cả hai bên về cách chúng ta thấu hiểu những gì đang xảy ra trong mối quan hệ này, thế thì hãy cố gắng làm sáng tỏ sự lầm lẫn cho cả hai bên. Đây là phương cách của Giáo Pháp và là cách thực tiễn nhất để ta có thể giải quyết vấn đề.
Thấu Hiểu Phật Pháp trước khi Thực Hành
Có nhiều cách thực hành khác nhau trong đạo Phật. Nếu chỉ đơn thuần tiếp nhận chỉ giáo về cách hành trì Pháp như ta học cách biểu diễn một thủ thuật nào đó thì không đủ. Điều rất quan trọng là sự thấu hiểu về bất cứ hành trì nào, về cách nó sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn ra sao. Chúng ta không chỉ cần học hỏi về việc áp dụng các hành trì ra sao và vào lúc nào, mà còn phải học hỏi về các giả định (assumptions) đằng sau chúng nữa. Điều này có nghĩa là ta sẽ không bắt đầu bằng các hành trì cao cấp. Ta sẽ bắt đầu từ thực hành căn bản và xây dựng một nền tảng, để hiểu được những gì đang tiếp diễn trong bất cứ hành trì nào, từ trình tự của cách mà Giáo Pháp đã xây dựng lên.
Hiện nay, thật sự là chúng ta có đọc các giáo huấn có thông điệp rằng, “Nếu bạn nhận được một loại thuốc thì đừng đặt câu hỏi về cách thuốc sẽ ảnh hưởng ra sao, chỉ cần uống thuốc thôi!” Mặc dù đây là một lời chỉ bảo tốt đẹp, ta nên hiểu rằng nó đang cảnh báo về một cực đoan. Cực đoan ấy là chỉ học hỏi và cố gắng thấu hiểu giáo huấn, nhưng chẳng bao giờ áp dụng những điều này. Chúng ta muốn tránh cực đoan đó. Tuy nhiên, cũng có một cực đoan khác mà ta nên tránh như phải tránh điều ở trên. Đó là khi lắng nghe một số chỉ giáo thuộc về hành trì nào đó, rồi vì tín ngưỡng mù quáng, chúng ta chỉ thực hành mà không có một chút hiểu biết nào về những gì mình đang thực hành, hay tại sao phải làm như vậy. Vấn đề chính xảy ra từ cực đoan này là ta không bao giờ thực sự hiểu cách áp dụng hành trì ấy vào trong đời sống hằng ngày. Nếu như ta hiểu được điểm chính đằng sau bất cứ hành trì nào – nếu ta hiểu nó hoạt động ra sao và mục đích của nó là gì – thì ta sẽ không cần người khác chỉ cho ta cách áp dụng nó trong đời sống hằng ngày. Ta sẽ thấu hiểu và tự mình biết cách áp dụng nó.
Khi nói về việc loại trừ các vấn đề, ta không chỉ nói về những vấn đề cá nhân, mà còn nói đến những khó khăn khi giúp đỡ người khác. “Khi giúp đỡ người khác, tôi gặp khó khăn vì lười biếng hay ích kỷ, hay bởi vì tôi quá bận rộn.” Hay, “Tôi thật không hiểu vấn đề của bạn là gì và tôi không biết phải làm gì để giúp bạn.” Đó là những khó khăn lớn mà chúng ta gặp, phải không? Tất cả những khó khăn mà ta có trong việc giúp đỡ người khác cũng là vì sự mê lầm của mình. Thí dụ, mê lầm là tôi phải giống như Thượng Đế Toàn Năng, tôi chỉ cần làm một việc thôi và nó sẽ giải quyết tất cả những rắc rối của bạn. Nếu nó không giải quyết được tất cả những vấn đề của bạn, thì bạn phải có điều gì sai sót. Bạn đã không làm việc đúng đắn, nên bạn có lỗi. Hay tôi là người có lỗi, bởi vì đáng lẽ tôi có thể giải quyết vấn đề của bạn, nhưng tôi đã không làm được như vậy, nên tôi vô dụng. Một lần nữa, đó là sự mê lầm về nhân quả.
Vững Tin vào Phật Pháp
Một điểm khác nữa là để có thể áp dụng Phật pháp một cách hiệu quả trong đời sống hằng ngày mà không bị rối loạn thần kinh, ta cũng cần vững tin rằng mình có thể thật sự diệt trừ những vấn nạn. Ta phải vững tin rằng mình có thể diệt trừ sự mê lầm bằng cách tuân theo sự tiếp cận căn bản của Phật pháp: nếu muốn loại bỏ điều gì đó, ta cần phải loại trừ nguyên nhân khiến nó xảy ra. Nhưng dĩ nhiên, rất khó đạt được niềm tin sâu xa, vững vàng rằng ta có thể loại trừ tất cả những sự mê lầm của mình, để chúng không bao giờ tái diễn nữa, cũng như không dễ có được niềm tin vững vàng rằng việc thành tựu giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ. Điều này đặc biệt khó khăn khi ta thậm chí không hiểu giải thoát và giác ngộ thật sự là gì. Thế thì làm sao ta có thể thật sự đắn đo việc thành tựu giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ hay không? Nếu ta không nghĩ nó là điều khả dĩ, thì có phải là đạo đức giả hay không, nếu ta mong đạt được điều gì mà ta nghĩ là không hề hiện hữu? Thế thì nó trở thành một loại trò chơi rồ dại nào đó mà chúng ta đang tiêu khiển; việc hành trì Phật pháp của ta không chân thật.
Chúng ta phải thật sự vững tin. Điều này đòi hỏi nhiều sự học hỏi và thông hiểu, cũng như quán chiếu và thiền tập sâu sắc. Chúng ta phải vững tin rằng không chỉ giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ; mà chúng còn là những điều ta có thể thành tựu được. Không phải chỉ có Đức Thích Ca Mâu Ni mới đạt được, mà tôi không thể thực hiện được. Đúng hơn là tôi có thể đạt được những điều này, và mọi người cũng có thể làm như vậy. Ta phải hiểu những gì mình phải làm để loại bỏ sự vô minh. Điều gì sẽ thật sự giúp ta thoát khỏi vô minh? Đó là chánh kiến; vì vậy, ta phải hiểu chánh kiến có thể chế ngự vô minh và loại trừ nó, để nó không bao giờ quay trở lại. Kết quả của tất cả những điều này là ta sẽ thấy địa bàn hoạt động thật sự của việc thực hành Pháp là trong đời sống hằng ngày; nó đang đối phó với những vấn đề của chúng ta, tâm vô minh của ta và những khó khăn trong đời sống, từ thời điểm này đến thời điểm khác.
Việc Thực Hành Pháp Đòi Hỏi Sự Quán Sát Nội Tâm
Hành trì Phật pháp không đơn giản là sự tách rời cuộc sống, đi đến một hang động xinh đẹp, yên tĩnh, hay thậm chí chỉ đi vào phòng mình, ngồi trên một chiếc gối để khỏi đương đầu với đời sống. Trốn tránh không phải là trọng tâm của hành trì Phật pháp. Khi đến một nơi yên tĩnh để hành thiền, mục đích của ta là để phát triển những kỹ năng cần thiết, để đối phó với các vấn đề trong đời sống của mình. Trọng tâm chính là đời sống. Trọng tâm ở đây không phải là việc giành được huy chương Thế Vận Hội, khi ta ngồi xuống hành thiền! Hành trì Phật pháp chính là việc áp dụng Pháp trong đời sống.
Hơn thế nữa, hành trì Pháp là tự quán sát nội tâm. Cùng với điều này, ta cố lưu tâm đến trạng thái cảm xúc của mình, động cơ, thái độ của mình, những thói quen bắt buộc của mình. Đặc biệt là ta cần phải đề phòng các phiền não. Đặc điểm rõ rệt của một cảm xúc hay thái độ phiền não là khi nó sinh khởi, nó khiến cho ta và/hay người khác không thoải mái. Ta mất đi sự bình an trong tâm hồn và không thể kiểm soát bản thân. Đây là một định nghĩa rất hữu ích, bởi vì hiểu biết về điều này giúp ta nhận thức mỗi khi phiền não đang ảnh hưởng hành động của mình. Ta có thể biết rằng có một sự phiền phức nào đó đang diễn ra trong tâm mình, nếu ta cảm thấy khó chịu. Vào những lúc như thế, ta sẽ quán sát những gì đang xảy ra trong nội tâm và áp dụng những phương thức đối trị để điều chỉnh vấn đề.
Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm cao độ đối với những gì đang xảy ra trong nội tâm, và để làm bất cứ điều gì nhằm thay đổi cảm xúc khi có sự phiền phức, đòi hỏi sự nhận thức rằng nếu ta tạo ra hành động phiền nhiễu vì não loạn, nó sẽ tạo ra nhiều sự bất hạnh cho cả ta và người khác. Ta thật không mong muốn điều này, vì đã có đủ các vấn đề như thế rồi. Và nếu như không được vui, làm sao ta có thể giúp đỡ người khác?
Uyển Chuyển
Việc hành trì Pháp cũng đòi hỏi sự quen thuộc với nhiều lực đối trị phiền não khác nhau, không chỉ một hoặc hai loại. Đời sống của chúng ta rất phức tạp, và một lực đối kháng sẽ không luôn luôn có hiệu quả. Một hành trì đặc biệt sẽ không có hiệu quả tối đa trong mỗi một trường hợp. Ta cần có sự uyển chuyển cao độ và nhiều phương pháp khác nhau để có thể thật sự áp dụng Pháp vào trong đời sống hằngngày. Nếu điều này không hiệu quả, thì ta sẽ thực hiện điều kia; nếu điều kia không hữu hiệu, ta sẽ áp dụng thử điều này.
Tsenshap Serkong Rinpoche, vị thầy của tôi nói rằng khi bạn nỗ lực làm điều gì trong đời sống, nên luôn luôn có hai hay ba kế hoạch khác nhau, để trong trường hợp kế hoạch A không khả thi, ta sẽ không bỏ cuộc, bởi vì ta có một kế hoạch dự bị, B hay C. Một trong các kế hoạch này cuối cùng sẽ hữu hiệu. Tôi thấy điểu này là một lời khuyên rất hữu ích. Đối với Phật pháp cũng vậy: nếu phương pháp A không hữu hiệu trong một hoàn cảnh nào đó, ta luôn luôn có một kế hoạch dự bị. Có những phương pháp khác mà ta có thể áp dụng. Tất cả những điều này hiển nhiên căn cứ trên sự tu học, trên sự luyện tập nhiều phương pháp và thiền quán khác nhau mà chúng ta sẽ thực tập để chuẩn bị, giống như cách luyện tập thân thể. Ta tự rèn luyện mình để quen thuộc với những phương pháp này, để có thể thật sự áp dụng chúng trong đời sống hằng ngày, khi ta cần đến chúng. Điều này đòi hỏi việc xem hành trì Phật pháp không như một sở thích, mà là một sự dấn thân toàn thời.
Tránh các Cực Đoan
Chúng ta sẽ áp dụng hành trì Phật pháp trong gia đình mình. Chúng ta sẽ áp dụng nó trong cách ứng xử với cha mẹ mình, với con cái mình, và trong việc giao tiếp với đồng nghiệp ở sở làm. Để thực hiện điều này, ta cần tránh các cực đoan. Tôi đã đề cập chút ít về điều này. Chúng ta phải tránh cực đoan đổ thừa vấn đề của mình cho người khác, hay nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm cho mình – thật sự thì cả hai đều góp phần trong đó. Ta có thể cố gắng làm cho người khác thay đổi, nhưng điều dễ nhất là thay đổi chính mình.
Thế thì việc tự hoàn thiện là trọng tâm; nhưng khi thực hiện điều này, ta phải cố gắng tránh cực đoan tự yêu thương, bận tâm cho bản thân mình. Với sự bận tâm cho bản thân, ta luôn luôn chỉ nhìn vào chính mình mà không để ý đến bất cứ ai khác. Điều này có thể củng cố cảm giác chúng ta là trung tâm của vũ trụ và những vấn đề của mình là quan trọng nhất trên thế giới. Không có vấn đề của ai khác là quan trọng hay bị thiệt hại cả.
Một cực đoan khác là nghĩ rằng ta hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt. Việc ta cần nhận ra những khía cạnh khó khăn của mình là đúng, đó là những bình diện cần được cải thiện. Tuy nhiên, ta cũng cần nhận ra những khía cạnh tích cực, những phẩm chất tốt đẹp của mình, để có thể phát triển chúng hơn nữa. Nhiều người Tây phương chúng ta có lòng tự trọng thấp. Nếu chúng ta quá chú trọng vào những vấnđề và sự vô minh của mình, điều này có thể dễ dàng củng cố thêm lòng tự trọng ít ỏi đó. Điều này hoàn toàn không phải là mục tiêu của chúng ta.
Đồng thời, bên cạnh việc quán sát các phiền não, chúng ta cần quân bình điều này bằng cách nghĩ đến những phẩm chất tích cực của mình. Ngay cả những người thô bạo nhất cũng có một số kinh nghiệm nào đó về những phẩm chất tốt đẹp. Chắc chắn là họ đã từng ôm một chú mèo con hay một chú chó con vào lòng, vuốt ve nó và cảm thấy một sự ấm áp nhỏ nhoi đối với nó. Hầu hết mọi người ít nhất cũng có kinh nghiệm ấy. Thế thì ta nhận thức rằng mình có thể trao tặng một sự ấm áp như thế. Nhờ vậy, ta cũng thấy được những khía cạnh tích cực của mình. Thực hành Phật pháp không chỉ là làm việc với những khía cạnh tiêu cực, mà phải có sự quân bình. Ta cũng cần củng cố những khía cạnh tích cực của mình.
Trong khi thực hiện điều này, bằng cách cố duy trì một sự quân bình giữa việc xem xét những khuyết điểm và phẩm chất tốt đẹp của mình, ta cần tránh một số cực đoan khác. Một cực đoan là mặc cảm tội lỗi, “Mình tệ quá. Mình nên thực hành Pháp, nhưng vì không tu tập, mình còn tệ hơn nữa.” Từ ngữ “nên” cần được loại bỏ trong cách nhận xét việc thực hành Pháp. Nó chẳng bao giờ là một vấn đề liên hệ với chữ “nên” cả. Nếu muốn loại trừ các rắc rối thì ta phải tránh chúng trong tương lai, thái độ lành mạnh nhất là suy nghĩ một cách đơn giản, “Nếu muốn loại bỏ những rắc rối thì hành trì này sẽ giúp mình thực hiện điều đó.” Hiện nay, ta có thực hành hay không là quyền chọn lựa của mình. Không có ai nói rằng, “Bạn nên làm điều này, nếu không thì bạn là người xấu.”
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tránh một cực đoan khác, đấy là cực đoan, “Tất cả chúng ta đều toàn thiện; chỉ cần thấy Phật tính của mình và mọi việc đều hoàn hảo.” Đây là một cực đoan rất nguy hiểm, bởi vì nó có thể đưa đến thái độ là chúng ta không cần thay đổi; không cần dừng lại hay từ bỏ bất cứ cung cách tiêu cực nào, bởi vì chúng ta đã toàn thiện rồi. Ta cần tránh cả hai cực đoan này – cảm thấy rằng mình xấu xa hay cho rằng mình hoàn hảo. Điều căn bản là chịu trách nhiệm về bản thân mình. Điều này là chìa khóa chính để hội nhập Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày. Ta chịu trách nhiệm cho bản thân mình, để làm điều gì đó cho chất lượng của đời sống.
Nguồn Cảm Hứng
Trong khi chuyển hóa bản thân mình, ta có thể tiếp nhận nguồn cảm hứng từ một vị thầy tâm linh, cũng như từ tăng thân đang cùng tu tập với mình. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, những câu chuyện tuyệt vời về những bậc thầy hàng thế kỷ về trước, có thể bay trên không trung không phải là nguồn cảm hứng vững chắc từ các vị thầy, bởi vì những điều này rất khó giúp ta có cảm giác gần gũi, chúng có khuynh hướng đưa ta vào một thế giới thần kỳ. Những câu chuyện tốt nhất là thí dụ sống động của các vị thầy mà ta thật sự tiếp xúc, dù chỉ là sự tiếp xúc tối thiểu.
Chư Phật hay những bậc thầy có phẩm hạnh chân thật không cố gây ấn tượng với ta, cũng không cố tạo cho ta nguồn cảm hứng. Thí dụ, họ giống như mặt trời. Mặt trời không cố gắng sưởi ấm nhân loại; chỉ là bản chất của mặt trời sưởi ấm con người một cách tự nhiên. Điều này cũng đúng đối với những vị thầy tâm linh cao cả. Các ngài cho chúng ta nguồn cảm hứng một cách tự phát và tự nhiên, từ cung cách của họ trong đời sống, từ cá tính của họ và cách họ đối phó với sự việc. Đó không phải là những thủ thuật thần thông. Những gì tạo ra cảm hứng nhiều nhất là những điều thực tế và gần gũi với đời sống hằng ngày hơn.
Tôi nhớ đến Dudjom Rinpoche. Ngài đã viên tịch nhiều năm trước. Ngài là người nắm giữ dòng truyền thừa của phái Nyingma (Ninh-mã), và là một trong những vị thầy của tôi. Ngài bị suyễn nặng. Tôi cũng bị suyễn, vì vậy, tôi biết việc hít thở khó khăn ra sao. Tôi biết khi không thể thở một cách bình thường được thì việc giảng dạy sẽ khó khăn thế nào, bởi vì tất cả năng lượng của bạn phải dồn vào việc tiếp nhận đủ không khí. Việc đưa năng lượng ra ngoài trong tình trạng này là một điều rất khó khăn. Tuy vậy, tôi thấy Dudjom Rinpoche dù bị suyễn trầm kha, vẫn bước lên bục để thuyết Pháp. Ngài không bị phiền toái vì cơn suyễn và đã đối phó với nó một cách đáng kinh ngạc, trong khi ngài ban những giáo huấn tuyệt vời. Điểu này tạo cảm hứng một cách không luờng được, rất thực tiễn, không có điều gì là thần kỳ cả. Đây chính là việc đối phó với những trạng huống thật trong đời sống, và điều này tạo ra nguồn cảm hứng cho người xung quanh.
Khi dấn thân trên con đường tâm linh và có tiến bộ, ta cũng có thể tiếp nhận niềm cảm hứng từ chính bản thân mình. Đây cũng là một nguồn cảm hứng quan trọng. Ta sẽ có được nguồn cảm hứng từ sự tiến triển tâm linh của chính mình. Tuy nhiên, ta phải rất tinh tế đối với điều này. Hầu hết mọi người không thể đối phó với yếu tố này về mặt cảm xúc, bởi vì chúng ta có khuynh hướng kiêu hãnh và tự hào, nếu mình có một sự tiến bộ nào đó. Vì vậy, ta phải định nghĩa rõ ràng, tiến bộ là như thế nào.
Tiến Triển trên Đường Tu
Trước hết, ta phải nhận thức rằng tiến bộ tâm linh chẳng bao giờ là một đường thẳng tiến; nó trồi sụp, lên xuống. Điều này là một trong những đặc điểm chính của luân hồi, và nó không chỉ nói đến những tái sinh cao hơn hay thấp hơn. Đời sống hàng ngày cũng liên hệ với sự trồi sụp, lên xuống. Hiện nay tôi đang vui; rồi khi khác, tôi lại buồn bã. Tâm trạng của chúng ta lên xuống thất thường. Bây giờ, tôi cảm thấy hứng thú tu tập, khi khác, tôi lại không thích tu hành. Trên thực tế, nó sẽ tiếp tục như thế cho đến khi ta trở thành một vị A La Hán, một chúng sinh giải thoát, vượt thoát luân hồi. Cho đến khi đạt được điều này, một trình độ cao thâm khó tưởng tượng được, luân hồi sẽ tiếp tục trồi sụp, lên xuống. Thế nên sau một thời gian dài thực tập, đừng chán nản khi ta chợt lâm vào khó khăn trong một mối quan hệ tình cảm. Bất chợt, ta cảm thấy muộn phiền – điều này sẽ xảy ra! Nó không có nghĩa ta là một hành giả tệ hại. Đó là điều tự nhiên, bởi vì thực tại của cảnh ngộ trong luân hồi là thế.
Phép mầu thường không xảy ra trong việc hành trì Pháp. Nếu ta muốn áp dụng Phật pháp trong đời sống hằng ngày, thì đừng mong đợi phép mầu, đặc biệt là đối với tiến trình tâm linh. Làm thế nào để đo lường sự tiến triển một cách thực tế? Đức Đalai Lama nói rằng, đừng chỉ nhìn vào việc hành trì Phật pháp một hay hai năm. Hãy xem xét việc thực hành trong năm hay mười năm để kiểm nghiệm, “Tôi có là một người trầm tĩnh hơn năm, mười năm trước hay không? Tôi có thể đối phó với những hoàn cảnh khó khăn hơn mà không quá bực bội hay chao đảo hay không?” Nếu được như thế thì ta đã có một sự tiến bộ nào đó, và nó là nguồn cảm hứng cho bản thân. Ta vẫn còn sự rắc rối, nhưng điều này sẽ cho ta sức mạnh để tiếp tục tu tập. Ta không quá bực bội trong những hoàn cảnh khó khăn khi sự việc trở nên tệ hại. Ta có thể hồi phục tinh thần nhanh chóng hơn.
Khi nói về bản thân mình như một nguồn cảm hứng, điểm chính là niềm cảm hứng này cho ta sức mạnh để tiếp tục trên đường tu, bởi vì ta tin chắc rằng mình đang theo đúng hướng đi. Và ta chỉ tin chắc là mình đang đi theo một chiều hướng đúng đắn nếu ta có một ý tưởng thực tế về ý nghĩa của việc dấn thân theo phương hướng ấy – cụ thể là, trong hành trình theo chiều hướng chung đó, ta sẽ tiếp tục trải qua những sự trồi sụp, lên xuống về mặt tinh thần.
Đây là một số ý kiến tổng quát về cách hội nhập việc thực hành Pháp vào trong đời sống hằng ngày. Tôi hy vọng rằng những điều này hữu ích cho các bạn. Xin chân thành cảm ơn.