Dù sống ở các thành phố lớn, thị trấn nhỏ hay nông thôn thì tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề trong thế giới hiện đại. Hầu hết mọi người sẽ tóm tắt nó bằng chữ “căng thẳng”. Chúng ta muốn có thêm nhiều và nhiều thứ hơn nữa, vì càng ngày càng có nhiều điều có mặt ngay lập tức như thông tin, phim ảnh, đài truyền hình, âm nhạc, nguồn cung cấp dữ liệu truyền thông xã hội, tin nhắn tức thời, sản phẩm trực tuyến và nhiều hơn nữa. Trên bề mặt thì dường như chúng có thể cải thiện đời sống của mình, nhưng lại khiến cho đời sống trở nên phức tạp và căng thẳng hơn, đặc biệt là khi có quá nhiều sự lựa chọn. Chúng ta không muốn bỏ lỡ điều gì, như trong tin tức, hoặc email, hay tin nhắn tức thời. Chúng ta sợ mình bị bỏ rơi. Ngay cả khi chọn lựa một điều gì, như chương trình truyền hình, thì mình vẫn nghi ngờ có thể có chương trình nào tốt hơn để xem, mà mình đã bỏ lỡ.
Chúng ta muốn thuộc vào xã hội, vào một nhóm bạn, muốn người khác bấm “thích” với bất cứ điều gì mà mình đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, để cảm thấy mình được chấp nhận. Chúng ta không bình tĩnh, và chẳng bao giờ hài lòng với số lượng “thích” mà mình nhận được, hay thông tin mà mình đọc trên Internet. Chúng ta cảm thấy hân hoan mong đợi, khi điện thoại thông báo đã nhận được một tin nhắn, hay xem trang Facebook của mình, để xem mình có nhận được nhiều lượt “thích” hơn hay không, hay xem tin tức một lần nữa, để xem có chuyện gì mới xảy ra không, như một người ghiền tin tức. Chúng ta không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì, nhưng không bao giờ thấy thỏa mãn, và còn muốn nhiều hơn nữa.
Mặt khác, chúng ta thấy choáng ngợp với tình huống xung quanh, nên cố gắng trốn tránh bằng cách nhìn vào các thiết bị di động và nghe nhạc khi đi xe điện ngầm, hay đi bộ. Chúng ta cố đẩy lùi thực tế của những điều đang xảy ra quanh mình, và trốn tránh vào thế giới ảo riêng tư. Chúng ta cũng cảm thấy nhu cầu bắt buộc để luôn luôn được giải trí. Một mặt thì mình khao khát sự bình an và tĩnh lặng, nhưng mặt khác thì lại sợ nỗi trống vắng khi không có thông tin, âm nhạc, v.v... Chúng ta quyết tâm thoát khỏi sự căng thẳng của thế giới bên ngoài, nên từ bỏ nó và rút lui vào thế giới ảo trên Internet. Nhưng ngay cả ở đó thì ta vẫn tìm kiếm bạn bè và sự chấp thuận của cái gọi là “bạn bè” của mình trên mạng xã hội, và chẳng bao giờ cảm thấy an toàn. Nhưng có phải việc rút lui vào thiết bị di động là giải pháp hay không?
Cần phải nhận ra nỗi bất hạnh mà mình trải nghiệm, khi bị mắc kẹt trong những lề thói theo thói quen này, và nhận diện ra nguồn gốc của nó. Sau đó, phải quyết tâm thoát khỏi nỗi khổ này, dựa trên việc hiểu biết phương pháp để đoạn diệt cội nguồn của nó, và tự tin rằng chúng hữu hiệu. Tuy nhiên, ta không muốn không cảm nhận điều gì, giống như một thây ma. Mình muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là sự vắng mặt của bất hạnh. Nó là điều gì bổ sung thêm cho trạng thái trung lập, vô cảm của việc chấm dứt nỗi bất hạnh.
Cội Nguồn Của Nỗi Bất Hạnh Chính Là Tâm Mình
Các đối tượng và tình huống bên ngoài không phải là nguồn gốc của nỗi bất hạnh, đau khổ và căng thẳng mà mình trải qua; nếu không thì tất cả những người đối diện với những điều này cũng sẽ trải nghiệm chúng y như cách mình trải nghiệm.
Nguồn gốc của nỗi bất hạnh chính là tâm ta, với thái độ và cảm xúc của nó, và cách xử lý thực tế trong đời sống hiện đại một cách mê lầm.
Chúng ta có thói quen sâu dày đối với hành vi hủy hoại bản thân, do những phiền não như bất an, luyến ái, ác cảm, sợ hãi, vân vân tạo ra. Chúng khiến mình hành động theo cách chỉ tạo ra thêm nhiều căng thẳng và vấn đề, giống như một vòng lẩn quẩn, tăng cường những phiền não của mình hơn nữa.
Phiền não dựa trên vô minh. Một là mình vô minh về tác động mà hành vi của mình đã tạo ra cho bản thân, và không thực tế về tình huống mà mình đang đương đầu, hai là ta hiểu sai về chúng. Chẳng hạn như ta không biết là việc có nhiều người bấm “thích” sẽ không khiến cho mình cảm thấy an toàn hơn; mà ngược lại, ta nghĩ rằng nó sẽ tạo ra sự an toàn. Điều này tạo ra mong muốn có thêm nhiều cái “thích” trên mạng, sự bất an khi liên tục xem số lượng “thích” mà mình nhận được, và nỗi khổ không bao giờ được thỏa mãn và an tâm. Hoặc ta ngây thơ nghĩ rằng việc trốn tránh vào thế giới ảo của một trò chơi trên máy vi tính sẽ khiến cho bất cứ vấn đề nào mình phải đối mặt trong cuộc sống biến mất. Tất cả những sự vô minh và ngây thơ này, và những phiền não mà chúng mang lại, như luyến ái, củng cố thói quen tiêu cực về hành vi tự hủy hoại, và những tâm trạng phiền não.
Để đối phó với những hội chứng này thì phải có trí tuệ đối với tình huống mà mình đang đối diện, chẳng hạn như có một công việc khó khăn. Mình phải đối phó với nó, với thực tại đó; và chỉ có thể cố gắng hết sức theo khả năng của mình. Phải chấp nhận thực trạng của tình hình, và thực tế về giới hạn của mình, và ngưng phóng chiếu rằng tình huống này là con quái vật khủng khiếp, và mình không đủ tốt, vì cho rằng mình phải hoàn hảo. Sau đó, cần phải tập trung tinh thần để có chánh niệm về thực tế mà mình phải đối mặt, mà không đánh giá nó quá cao hay quá thấp, và tỉnh giác để phát hiện khi mình không chú tâm vào sự thật. Ngoài ra, còn phải có kỷ luật để kềm chế thói quen tự hủy hoại bản thân.
Chúng ta sẽ bắt đầu với kỷ luật, và khởi sự với những điều nhỏ nhặt. Khi cảm thấy căng thẳng thì độ cortisol (hormone căng thẳng) sẽ tăng lên, nên mình sẽ tìm kiếm cách giải tỏa sự căng thẳng đó, chẳng hạn như một điếu thuốc hay xem trang truyền thông xã hội, hoặc lên Internet để tìm cái gì thú vị. Chúng ta cảm thấy sự hào hứng và vui vẻ của sự trông mong rằng điều này sẽ làm cho mình khỏe khoắn hơn, nên độ dopamine (kích thích tố trông đợi một phần thưởng) sẽ được tăng lên. Nhưng sau khi hút thuốc lá hoặc xem Internet thì bạn không thấy thỏa mãn, nên sự căng thẳng lại trở lại.
Phải phân biệt sự bất lợi của việc tin vào quan niệm sai lầm rằng thuốc lá sẽ giải quyết vấn đề, hay những cái “thích” sẽ giải quyết vấn đề, hay việc đọc những tin tức mới nhất sẽ giải quyết được vấn đề. Rồi thì ta có thể quyết tâm để được tự do. Vì vậy, mình sẽ bỏ thuốc lá, hoặc quy định khi nào thì được xem email và tin nhắn, hay xem tin tức, hoặc phương tiện truyền thông xã hội thường xuyên bao nhiêu. Ta sẽ không hành động khi xung động bắt buộc phải có thuốc lá hay lên Internet phát sinh; và sẽ kềm chế nó.
Giống như cần phải theo chế độ ăn kiêng để chấm dứt tình trạng béo phì về mặt thể chất, thì chúng ta cũng cần có chế độ ăn kiêng về thông tin, để chấm dứt tình trạng béo phì về mặt tinh thần.
Cần phải hạn chế việc tiếp nhận thông tin, tin nhắn, âm nhạc, v.v..., như cách mình hạn chế việc ăn uống.
Lúc đầu, việc tránh những thói quen cũ tự hủy hoại bản thân sẽ làm tăng lượng cortisol trong cơ thể, và tạo ra căng thẳng, vì những thói quen tiêu cực cũ rất mạnh mẽ. Nó giống như việc cai thuốc lá, hay cai Internet và điện thoại di động, hoặc cai âm nhạc, nhưng cuối cùng thì sự căng thẳng của việc cai nghiện sẽ giảm xuống, và ta sẽ có được sự bình an và tĩnh lặng trong tâm hồn. Nếu như thay thế những thói quen tiêu cực bằng những thói quen tích cực, như nhận ra mình là một phần của toàn thể nhân loại, và tất cả chúng ta đều tương quan với nhau, nên phúc lợi của mình phụ thuộc vào người khác, thì điều này sẽ làm thỏa mãn nhu cầu về cảm giác kết nối và gắn bó với người khác, mà việc làm một thành viên trong mạng xã hội Internet không thực hiện được điều này. Vì vậy, mức oxytocin (kích thích tố liên kết) sẽ tăng lên, và ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và có cảm giác an toàn.
Thoát Khỏi Những Tập Khí Tự Hủy Hoại Bản Thân
Nói tóm lại, một khi đã quyết tâm được tự do, rồi để thoát khỏi những thói quen tiêu cực cũ thì phải có giới, định và tuệ, cái được gọi là “tam học”. Ba yếu tố này cần phải hợp tác với nhau, nhưng để phát triển chúng một cách đúng đắn thì phải loại bỏ những yếu tố cản trở chúng:
- Hối hận sẽ cản trở kỷ luật. Ví dụ, mình rất tiếc vì đã không xem Internet hay trả lời tin nhắn hoặc email ngay lập tức. Cách hữu ích là tắt chuông báo động hay chức năng báo tin trên máy vi tính, hoặc thiết bị di động, và chỉ xem chúng ở những thời gian cố định, và chỉ trả lời những tin nhắn quan trọng ngay lập tức, sau khi đọc những tin nhắn này. Cần có kỷ luật để chừa những tin nhắn khác cho đến khi mình ít bận rộn hơn, hay xem chúng ở khoảng thời gian nào đó trong ngày, được dành cho việc trả lời tin nhắn.
- Buồn ngủ, hôn trầm và trạo cử sẽ cản trở định tâm. Với bất kỳ yếu tố nào trong những điều này thì mình cũng mất chánh niệm về thực tế rằng nếu liên tục kềm chế việc xem tin nhắn thì đời sống của chúng ta sẽ bớt phức tạp hơn.
- Tính do dự sẽ cản trở trí tuệ. Chúng ta lưỡng lự là việc xem tin nhắn vào khoảng thời gian cố định có phải là quyết định đúng hay không. Những sự nghi ngờ như vậy xuất hiện, vì việc kềm chế hành vi này rất khó khăn và căng thẳng. Để đối phó với sự nghi ngờ này thì phải nhắc nhở bản thân về lợi thế của việc thay đổi thói quen.
Có những cách khác mà mình cũng có thể áp dụng, để giúp cho đời sống hạnh phúc hơn. Chẳng hạn, khi ở trên xe điện ngầm đông đúc thì càng chú trọng vào bản thân, muốn tự bảo vệ mình và trốn tránh vào điện thoại di động thì ta sẽ càng cảm thấy khép kín hơn. Vì vậy mà năng lượng của mình bị chèn ép, và mình cảm thấy căng thẳng hơn. Chúng ta không thoải mái, vì cảm thấy bị đe dọa vì sự nguy hiểm. Ngay cả khi khá mải mê với trò chơi mà mình đang chơi bằng điện thoại di động, hay với âm nhạc lớn tiếng mà mình nghe bằng iPod, thì ta đã dựng lên những bức tường xung quanh mình, và không muốn bị quấy rầy, nên mình thủ thế. Mặt khác, nếu ta xem bản thân là một phần của toàn thể đám đông trên xe điện ngầm, có sự quan tâm và lòng trắc ẩn cho mọi người đang ở trong tình huống giống như mình, thì tâm thức và lòng mình đều rộng mở. Chúng ta có thể cảnh giác với sự nguy hiểm, nhưng không có sự hoang tưởng chỉ tập trung vào bản thân, mà muốn mọi người đều được an toàn. Mình sẽ không bỏ bê người khác bằng cách nghe nhạc hay chơi trò chơi, cô lập bản thân đối với tất cả những người xung quanh. Những cách hành xử như vậy chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn. Thay vì vậy, nếu như thấy bản thân là một phần của nhóm người đông đảo hơn xung quanh mình, thì ta sẽ cảm thấy an tâm hơn, giống như một con thú ở trong đàn. Tuy nhiên, để áp dụng cách thức này một cách hiệu quả thì cần có ba khóa rèn luyện về giới, định và tuệ.
Một cách khác mà mình có thể áp dụng là, khi cần nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, thay vì xem trang mạng hoặc kiểm tra điện thoại di động thì hãy đứng dậy và đi quanh phòng, nếu được. Hãy đối phó với ít lượng kích thích hơn, thay vì nhiều hơn qua Internet hay điện thoại.
Tóm Tắt
Nếu nhờ quyết tâm để được tự do mà mình áp dụng những phương pháp này trong ba khóa thực tập để giảm sự căng thẳng mà mình đã có từ thói quen tự hủy hoại bản thân, thì ta sẽ có tâm trạng bình tĩnh hơn, để đối phó với áp lực của công việc, gia đình, tình hình kinh tế, v.v... Điều này đặc biệt hiệu quả đối với việc xử lý những rắc rối của đời sống hiện đại, xuất phát từ bệnh nghiện thông tin và trốn tránh vào Internet, phương tiện truyền thông xã hội, âm nhạc, v.v... Điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ Internet, hay vứt bỏ các thiết bị di động của mình; nhưng đúng hơn là phải phát triển những thói quen tốt hơn về cách sử dụng chúng một cách lợi lạc và lành mạnh cho mình.