“Phiền Não” Là Gì?
Phiền não được định nghĩa là một tâm thái khiến ta mất đi sự an lạc và tự chủ, khi nó phát sinh.
Vì ta mất đi sự an lạc, nên đó là phiền não; nó quấy rầy tâm an lạc của mình. Vì mình bị bối rối, khi mất đi sự an lạc, nên không thể suy nghĩ hay cảm nhận một cách rõ ràng. Vì thiếu sáng suốt nên ta mất đi trí phân biệt, là điều cần thiết để có tự chủ. Ta phải có khả năng phân biệt giữa những gì hữu ích và không hữu ích; những gì phù hợp và không phù hợp với những tình huống cụ thể.
Phiền Não Cũng Có Thể Đi Kèm Với Những Tâm Thái Tích Cực
Ví dụ về những phiền não là tâm tham ái hay dục vọng, sân hận, ganh tỵ, tự hào, kiêu hãnh, v.v... Một số trong những phiền não này có thể khiến ta hành động một cách tiêu cực, nhưng điều đó không nhất thiết phải luôn luôn là như vậy. Chẳng hạn như tâm tham ái và dục vọng có thể khiến ta hành động một cách tiêu cực, ví dụ như ra ngoài ăn cắp món gì, chẳng hạn vậy. Nhưng ta cũng có thể khao khát được yêu thương và quyến luyến với điều này, nên mới giúp đỡ người khác, để được họ yêu thương. Giúp đỡ người khác không phải là việc phá hoại; đó là điều có tính xây dựng, nhưng có một sự phiền não ở bên trong: “Tôi muốn được yêu, nên tôi xin bạn hãy yêu tôi.”.
Hoặc hãy xem xét trường hợp của tâm sân. Sân hận có thể khiến mình hành động một cách tiêu cực như ra ngoài làm tổn thương ai đó, hoặc thậm chí giết họ, bởi vì mình rất tức giận. Vậy thì đó là hành vi phá hoại. Tuy nhiên, cứ cho rằng mình rất tức giận về sự bất công của một hệ thống hay một tình huống nào đó, và rất tức giận đến mức mình sẽ làm điều gì để cố thay đổi nó, nhưng không nhất thiết phải làm điều gì hung bạo. Tuy nhiên vấn đề ở đây là ngay cả khi mình làm một điều gì có tính cách xây dựng hay tích cực, thì nó vẫn bị phiền não thúc đẩy. Ta không an lạc, và vì không được an lạc nên khi mình thực hiện hành động tích cực đó thì tâm trí và cảm xúc của mình không quá rõ rệt, và trạng thái cảm xúc không ổn định.
Trong những trường hợp này thì với lòng ham muốn hay giận dữ, ta sẽ muốn người kia yêu mình, hay muốn một sự bất công chấm dứt. Đó không phải là những tâm trạng ổn định, hay trạng thái cảm xúc ổn định, bởi vì chúng không phải là những tâm trạng sáng suốt, hay trạng thái cảm xúc rõ rệt, nên mình không suy nghĩ rõ về những gì phải làm, và cách thực hiện ý định của mình. Do đó, mình không có tự chủ. Chẳng hạn như mình có thể cố gắng giúp ai làm điều gì, nhưng cách giúp đỡ tốt hơn có thể là để họ tự làm điều đó. Hãy cho là nếu như mình có một cô con gái đã trưởng thành, và muốn giúp cô ấy nấu ăn, hoặc chăm sóc ngôi nhà, hay chăm sóc con cái, nhưng theo nhiều khía cạnh thì đó là việc tạo ra phiền phức. Con gái của mình có thể không cảm kích về việc mình dạy nó nấu ăn, hoặc cách nuôi con cái. Nhưng vì muốn được yêu thương, và muốn làm người hữu ích, nên mình áp đặt điều đó với đứa con. Chúng ta đang làm điều gì mang tính xây dựng, nhưng trong khi làm như vậy thì lại mất đi sự tự chủ, điều sẽ khiến ta phải nghĩ rằng, “Tốt hơn là nên giữ im lặng, không cho ý kiến và ngỏ lời giúp đỡ.”.
Ngay cả khi ra tay giúp đỡ trong tình huống thích hợp để giúp người khác, nhưng vẫn không thoải mái về điều đó, bởi vì có thể mình đang mong đợi một sự đền đáp nào đó. Ta muốn được yêu thương; muốn người khác cần mình; muốn được người khác cảm kích. Với sự ham muốn này như một điều kiện trong tâm trí, rồi nếu con gái của mình không phản ứng theo cách mà mình muốn, thì ta sẽ rất buồn bực.
Cơ chế này của phiền não khiến ta mất an lạc và tự chủ, thậm chí còn rõ ràng hơn, khi ta chống lại sự bất công. Vì khó chịu về điều đó, nên ta thấy buồn bực. Nếu mình hành động, dựa trên sự buồn bực đó, thường thì ta sẽ không suy nghĩ rõ ràng về việc phải làm gì. Thường thì mình không noi theo quá trình hành động tốt nhất, để mang lại sự thay đổi mà mình muốn.
Nói tóm lại, dù ta hành động một cách phá hoại, hay làm điều gì có tính cách xây dựng, nếu những gì mình làm bị phiền não thúc đẩy và đi kèm, thì hành vi đó sẽ tạo ra vấn đề. Mặc dù ta có thể dự đoán chính xác về việc liệu nó có gây ra vấn đề cho người khác hay không, nhưng chủ yếu là nó sẽ gây ra vấn đề cho mình. Những vấn đề này không nhất thiết là những điều sẽ xảy ra ngay lập tức; chúng là những vấn đề lâu dài, theo ý nghĩa là hành động chịu ảnh hưởng của phiền não sẽ hình thành thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần hành vi ấy một cách phiền toái. Bằng cách này, hành vi bốc đồng dựa trên phiền não sẽ tạo nên hàng loạt cách ứng xử có vấn đề. Ta sẽ không bao giờ thấy an lạc.
Một ví dụ rõ ràng về điều đó là được thúc đẩy để trở nên hữu ích và làm những điều tốt đẹp cho người khác, vì mình muốn cảm thấy được yêu thương và đánh giá cao. Đằng sau điều đó là sự bất an. Nhưng càng tiếp tục hành động với loại động lực này thì mình sẽ không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ cảm thấy, “Được rồi, bây giờ thì mình đã được yêu. Vậy là đủ rồi, không cần thêm nữa.”. Chúng ta không bao giờ cảm thấy như vậy, nên hành vi của mình chỉ củng cố và làm mạnh mẽ thêm thói quen về cảm giác bốc đồng này, “Tôi phải cảm thấy được yêu thương, tôi phải cảm thấy quan trọng, tôi phải cảm thấy được trân trọng.”. Càng ngày bạn càng hy vọng nhiều hơn về việc được yêu thương, nhưng bạn luôn thấy thất vọng. Bạn có thể thất vọng vì ngay cả khi người nào cảm ơn bạn thì bạn nghĩ rằng, “Họ không thật sự có ý đó”, đại loại như vậy. Vì vậy nên mình không bao giờ yên tâm. Và càng ngày nó càng tệ hơn, vì hội chứng cứ lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại hoài. Điều này được gọi là “luân hồi”, một tình huống rắc rối cứ tái diễn một cách vô tự chủ .
Không quá khó để nhận ra hội chứng này, khi phiền não đang khiến mình hành động một cách tiêu cực hay phá hoại. Ví dụ, ta có thể luôn luôn bực mình, và vì bực bội nên ta nổi giận vì điều nhỏ nhặt nhất, rồi trong những mối quan hệ với người khác, mình luôn nói nặng lời, hay nói những điều tàn nhẫn. Điều hiển nhiên là không ai thích mình, và mọi người thật sự không muốn ở gần mình, và điều đó gây ra rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ của chúng ta. Việc nhận thức điều gì đang xảy ra thì khá dễ dàng, nhưng khi phiền não nấp đằng sau hành vi tích cực thì không dễ nhận ra điều đó. Nhưng ta phải nhận ra nó trong cả hai tình huống.
Làm Thế Nào Để Nhận Ra, Khi Mình Bị Ảnh Hưởng Vì Cảm Xúc, Thái Độ Hay Tâm Trạng Phiền Não
Rồi thì câu hỏi là làm thế nào để nhận ra mình đang hành động vì ảnh hưởng của một cảm xúc hay thái độ phiền não? Nó không chỉ là một cảm xúc; cũng có thể là một thái độ đối với cuộc sống, hay một thái độ đối với chính mình. Đối với điều này thì phải nhạy cảm một chút để tự quán xét nội tâm, và chú ý đến cảm giác bên trong. Để thực hiện điều này thì định nghĩa về một cảm xúc phiền não, hay thái độ phiền não rất hữu ích: nó khiến ta mất đi sự an lạc và tự chủ.
Nếu như khi sắp nói điều gì, hay sắp làm điều gì mà mình cảm thấy hơi lo lắng, thì sẽ không hoàn toàn thoải mái, đó là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của một số phiền não.
Nó có thể là vô ý thức, và thường là vô ý thức, nhưng có một số phiền não ẩn nấp đằng sau.
Hãy cho rằng mình đang cố gắng giải thích điều gì với ai. Nếu ta thấy trong bụng hơi khó chịu khi nói chuyện với người đó, thì đó là dấu hiệu rõ rệt cho thấy mình có một chút tự hào, chẳng hạn vậy. Ta có thể cảm thấy, “Mình thật thông minh, mình hiểu điều đó. Tôi sẽ giúp bạn hiểu điều đó.”. Mình có thể chân thành muốn giúp đỡ người kia bằng cách giải thích điều gì với họ, nhưng nếu cảm thấy hơi khó chịu trong bụng, thì có một chút tự hào ở đó. Điều đó đặc biệt xảy ra, khi chúng ta nói về những thành tựu của chính mình, hay những phẩm chất tốt đẹp của mình. Chúng ta sẽ thấy khó chịu một chút khi kinh nghiệm điều đó, và việc này rất thường xảy ra.
Hoặc xem xét trường hợp của một thái độ phiền não, hãy cho là thái độ “Tất cả mọi người nên chú ý đến tôi”, mà chúng ta thường có. Chúng ta không thích bị bỏ mặc, vì không ai thích bị tảng lờ, nên ta cảm thấy, “Mọi người nên chú ý đến mình, và lắng nghe những gì mình nói”, v.v... Điều đó cũng có thể đi kèm với một chút lo lắng bên trong, đặc biệt là nếu người ta không chú ý đến mình. Tại sao họ nên chú ý đến mình? Khi bạn nghĩ về điều đó thì không có lý do chính đáng.
Chữ “klesha” trong tiếng Phạn, “nyon-mong” trong tiếng Tây Tạng, là một thuật ngữ rất khó, mà ở đây, tôi dịch là “cảm xúc phiền não”, hay “thái độ phiền não”. Nó khó vì có một vài từ ngữ không thích hợp lắm trong phạm trù của một cảm xúc hay thái độ, ví dụ như mê muội. Chúng ta có thể rất mê muội về ảnh hưởng mà hành vi của mình tạo ra đối với người khác, hoặc với chính mình. Hoặc ta có thể mê muội về một tình huống, thực tại về những gì đang xảy ra. Ví dụ, cứ cho là mình không biết có ai không được khỏe, hoặc có người đang buồn bực. Trong những tình huống như vậy, chắc chắn mình có thể không ý thức được kết quả về việc nói bất cứ điều gì với họ sẽ ra sao; họ có thể rất khó chịu với mình, bất kể là mình có ý định tốt.
Khi có loại tâm trạng phiền não đó, hãy gọi nó như vậy, thì mình sẽ không nhất thiết cảm thấy khó chịu bên trong. Nhưng như ta đã thấy, khi mất đi sự an lạc thì đầu óc ta sẽ không sáng suốt. Vì vậy nên mình mê muội, tâm trí không sáng suốt; cứ ở trong thế giới nhỏ bé của mình. Chúng ta mất tự chủ, bởi vì mình ở trong thế giới nhỏ bé của mình, không phân biệt được giữa những gì ích lợi và phù hợp với một tình huống, và những gì không ích lợi và không thích hợp. Vì thiếu trí phân biệt nên ta không thể hành động một cách đúng đắn và nhạy cảm. Nói cách khác thì ta không có tự chủ, để có thể hành động một cách đúng đắn và kềm chế việc làm điều gì không phù hợp. Theo cách đó thì mê muội phù hợp với định nghĩa này như một tâm trạng phiền não, mặc dù khó mà nghĩ rằng sự mê muội là một cảm xúc hay thái độ. Như tôi đã nói, “klesha” là một thuật ngữ rất khó để tìm thấy bất cứ từ ngữ nào để phiên dịch cho thật tốt.
Cảm Xúc Không Phiền Não
Không có chữ nào dành cho “cảm xúc” trong tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Các ngôn ngữ này nói về tâm sở, là những thành phần tạo ra mỗi một sát na trong tâm trạng của mình. Họ phân chia các tâm sở này thành những tâm sở bất thiện và tâm sở thiện, thành những tâm sở tích cực và tiêu cực. Hai cặp này không hoàn toàn trùng lặp với nhau. Hơn nữa, có những tâm sở không thuộc vào bất kỳ thể loại nào. Vì vậy, xét về điều mà chúng ta gọi là “cảm xúc” ở phương Tây thì có một số phiền não và một số không phiền não. Không phải là mình nhắm vào việc thoát khỏi tất cả cảm xúc trong đạo Phật, hoàn toàn không phải như vậy. Chúng ta chỉ muốn đoạn diệt những cảm xúc phiền não thôi. Điều này được thực hiện theo hai bước: bước đầu tiên là không để cho chúng khống chế, và bước thứ hai là đoạn trừ chúng, để chúng không bao giờ phát sinh nữa.
Điều gì là một cảm xúc không phiền não? Ta có thể nghĩ rằng “lòng từ” là một cảm xúc không phiền não, hay “lòng bi”, hay “nhẫn nhục”. Nhưng khi phân tích những chữ mà mình có trong ngôn ngữ châu Âu thì ta sẽ khám phá ra là mỗi một cảm xúc này có thể có loại phiền não hay không phiền não. Thế thì phải cẩn thận một chút. Nếu như tình thương là loại cảm giác mà chúng ta cảm thấy là, “Tôi yêu bạn rất nhiều, tôi cần bạn, đừng bao giờ rời xa tôi!”, thì kiểu tình thương này thật sự là một tâm trạng khá phiền não. Nó phiền hà, bởi vì nếu người đó không yêu ta, hoặc không cần ta thì mình sẽ rất buồn. Ta sẽ rất tức giận, và đột nhiên cảm xúc của mình thay đổi, “Tôi không yêu bạn nữa.”.
Thế thì khi phân tích một tâm trạng, dù ta có thể hình dung nó là một cảm xúc, và có thể gọi nó là “tình yêu”, nhưng thật ra tâm trạng này là một sự hỗn hợp của nhiều tâm sở. Chúng ta không chỉ cảm nhận một mình cảm xúc đó thôi. Trạng thái cảm xúc của chúng ta luôn là một hỗn hợp; có nhiều thành phần khác nhau. Kiểu tình yêu mà mình cảm thấy, “Tôi yêu bạn, tôi không thể sống mà không có bạn”, rõ ràng là một kiểu phụ thuộc, và điều đó rất phiền hà. Nhưng có một loại tình yêu không phiền não, đó là chỉ ước mong cho người kia được hạnh phúc và có nhân hạnh phúc, bất kể họ làm gì. Chúng ta không mong đợi bất cứ điều gì từ phía họ.
Ví dụ, ta có thể có loại tình yêu không làm phiền đến con cái của mình. Chúng ta không thật sự mong đợi bất cứ điều gì từ phía chúng. Hiển nhiên là một số cha mẹ có kỳ vọng đối với con cái của họ. Nhưng thông thường thì dù đứa trẻ có làm gì thì mình vẫn thương nó. Mình muốn nó được hạnh phúc. Nhưng thường thì điều này lại bị trộn lẫn với một trạng thái phiền não khác, đó là chúng ta muốn mình có khả năng làm cho con của mình hạnh phúc. Nếu ta làm điều gì với ý định làm cho con mình vui vẻ, như đưa nó đi xem một chương trình múa rối, nhưng lại không hữu hiệu, vì nó không làm cho đứa bé vui. Nó thích chơi trò chơi trên máy vi tính hơn, và mình cảm thấy rất tồi tệ. Ta cảm thấy tồi tệ vì mình muốn trở thành nguyên nhân tạo ra niềm vui của con mình, chứ không phải trò chơi trên máy vi tính. Nhưng ta vẫn gọi cảm giác đó đối với con mình là “tình thương”. Tôi muốn bạn được hạnh phúc, tôi sẽ cố gắng làm cho bạn hạnh phúc, nhưng tôi muốn trở thành người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn, khi tôi làm điều đó.”.
Thế thì vấn đề của cuộc thảo luận dài dòng này là cần phải xem xét các trạng thái cảm xúc rất kỹ lưỡng, và không bị mắc kẹt vào những từ ngữ mà mình sử dụng để định danh những cảm xúc khác nhau. Cần phải thật sự khảo sát để tìm ra những khía cạnh của tâm trạng nào là phiền não, khiến mình mất đi tâm an lạc, sự sáng suốt và tự chủ. Đó là những điều mình cần phải làm.
Vô Minh Là Nguyên Nhân Tiềm Ẩn Của Phiền Não
Nếu muốn đoạn trừ những tâm trạng hay cảm xúc, hoặc thái độ phiền não này thì phải tìm hiểu nguyên nhân của chúng. Nếu có thể loại bỏ nguyên nhân tiềm ẩn thì ta có thể đoạn trừ chúng. Không chỉ là vấn đề đoạn diệt những phiền não đang tạo ra vấn đề cho mình; mà phải đi đến cội nguồn của phiền não và đoạn trừ nó.
Vậy thì nguyên nhân sâu xa nhất của những tâm trạng phiền não này là gì? Điều mà ta tìm ra là những gì thường được dịch là “vô minh”, hay, tôi thích chữ “không biết” hơn. Chúng ta không biết gì về điều đó, chỉ không biết thôi. Vô minh nghe như thể mình ngu ngốc. Không phải là chúng ta ngu ngốc. Đơn giản là mình chỉ không biết, hoặc có thể đã nhầm lẫn, hiểu sai điều gì đó.
Chúng ta nhầm lẫn về điều gì, hay không biết điều gì? Nói một cách cơ bản thì đó là tác động từ hành vi của mình và tình huống. Chúng ta rất tức giận hoặc quyến luyến, hay bực bội theo cách nào đó, và điều đó khiến mình hành động một cách bốc đồng, dựa trên những tập khí và xu hướng trước đó. Trên cơ bản thì nghiệp là như vậy, là hành động một cách cưỡng bách, dựa vào cảm xúc phiền não hay thái độ phiền não, nên không có tự chủ.
Đàng sau hành vi cưỡng bách là việc không ý thức được, không biết hậu quả của những điều mình đã làm hay nói sẽ là gì. Hay ta đã nhầm lẫn và cho rằng nếu như đi ăn cắp một món gì thì điều đó sẽ làm cho mình hạnh phúc, nhưng không phải như vậy. Hoặc ta nghĩ rằng việc giúp đỡ bạn sẽ khiến tôi cảm thấy mình được cần đến và được yêu thương; nhưng không phải vậy. Nên chúng ta không biết tác động của nó sẽ là gì. “Tôi không biết là nếu như tôi nói điều đó thì sẽ làm tổn thương bạn.”. Hay mình bối rối về điều đó. “Tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp ích, nhưng không phải vậy.”. “Tôi tưởng nó sẽ làm cho mình vui vẻ, nhưng không phải vậy.”. Hay nó sẽ làm cho bạn vui, nhưng sự việc đã không xảy ra như vậy. Hay về hoàn cảnh, “Tôi không biết là bạn bận rộn.”. Hay “Tôi không biết rằng bạn đã kết hôn.”. Hay có thể mình đã nhầm lẫn, “Tôi tưởng là bạn có nhiều thời giờ lắm, nhưng bạn lại không rảnh.”. “Tôi nghĩ bạn là người độc thân, không gắn bó với bất kỳ ai, nên tôi đã cố theo đuổi một mối quan hệ lãng mạn”, đó là điều không thích hợp. Thế thì một lần nữa, chúng ta không ý thức được tình huống, một là mình không biết, hai là nhầm lẫn về chúng, ta đã hiểu biết về chúng một cách sai lầm.
Hiện nay, đúng là vấn đề thiếu ý thức là cội nguồn của hành động bốc đồng của chúng ta. Nhưng nó không quá hiển nhiên, đến nỗi nó cũng là cội nguồn của những phiền não, và phiền não thì liên quan rất nhiều đến hành vi thúc bách. Vì vậy, cần phải xem xét kỹ hơn một chút về những điểm này.