Từ Bỏ Nỗi Khổ Của Luân Hồi

Nỗi Khổ Của Những Cõi Cao Hơn

Một con người tâm linh, hay hành giả tu tập Pháp, là người tu tập để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai, và hơn thế nữa. Thế thì một người như vậy, ở cấp độ sơ căn, sẽ tuân theo đạo đức không tạo thập ác. Họ sẽ tạo thiện hạnh, để có được tái sinh tốt hơn và vân vân. Một người như vậy có cấp độ động lực sơ căn. Trên thực tế, khi quy y bằng cách đưa một phương hướng an toàn và tích cực vào trong đời sống thì một người như vậy có thể có được tái sinh như một con người, hay như một vị trời. Tuy nhiên, nếu chỉ hài lòng với bấy nhiêu đó thì không đủ. Đó là vì ngay cả khi một người như vậy được tái sinh thành người hay chư Thiên thì những tình huống này vẫn nằm trong phạm vi của sự tồn tại bắt buộc, và hạnh phúc mà họ đạt được là dạng hạnh phúc thế tục, dễ hư hoại.

Trên thực tế thì tất cả những trạng thái mà họ đạt được chỉ là ví dụ về chân khổ, hoặc những vấn đề thật sự. Trên cơ sở đã được tái sinh thành một con người hay một vị trời thì mình có thể tiếp tục tu tập và đạt được tâm định tĩnh, shamatha. Và trên cơ sở có một tâm định tĩnh như vậy thì ta có thể tái sinh ở một trong những cõi cao hơn. Trong một giai đoạn như vậy, nếu như mình tái sinh vào cõi giới có sắc tướng thanh tao (sắc giới), thì sẽ không có bất cứ biểu hiện phiền não nào liên quan đến cõi giới của dục vọng giác quan (dục giới). Tương tự như vậy, nếu như tái sinh vào cõi giới của chúng sinh vô sắc (cõi vô sắc), thì sẽ không có bất kỳ biểu hiện phiền não nào liên quan đến sắc giới. Khi đi lên những cõi giới ngày càng cao hơn trên các cõi trời thì tình trạng ở đó càng khác biệt hơn, từ tầng trời này đến tầng trời khác. Ví dụ như mặt đất của những nơi này được làm bằng châu báu ngọc ngà. Cơ thể của chúng sinh ở đó rất thanh tú và đẹp đẽ, và những nét đặc thù càng trở nên kỳ diệu hơn, khi càng lên trên những tầng trời cao hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi được sinh ra ở một trong những cõi cao hơn này, nơi mà tất cả mọi thứ đều rất đáng yêu và tốt đẹp, thì ta vẫn có một cách tồn tại bắt buộc, vẫn phải trải qua những vấn đề cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi. Ví dụ như mình có thể được tái sinh ở một trong những cõi cao hơn, nhưng sau đó thì tình huống tái diễn bất tự chủ lại xảy ra, khi mình lại rơi vào một tái sinh trong một cõi thấp hơn. Rồi thì một lần nữa, ta có thể được tái sinh trên một cõi cao hơn, thăng giáng thất thường như vậy; nhưng trên thực tế thì chúng ta dành hầu hết thời gian cho những tái sinh tồi tệ hơn. Nó hoàn toàn không phải là một tình huống thỏa đáng, và cũng tương tự như vậy, nếu như lên đến tầng cao nhất của một tòa nhà chọc trời thì điều duy nhất mà mình có thể làm là đi trở xuống.

Chúng ta có thể thấy rằng việc tái sinh như con người hay một vị trời không có bản chất tuyệt vời nào cả, và chỉ liên quan đến những vấn đề cứ tái diễn một cách bất tự chủ. Dựa trên sự hiểu biết và nhận thức đó thì một sự nghi ngờ có thể phát sinh trong tâm ta, rằng có lẽ không cần phải cố gắng để có một tái sinh như vậy, và không cần phải giữ đạo đức tránh hành vi thập ác, để được tái sinh như một con người hay một vị trời, nhưng vấn đề không phải là cảm thấy thỏa mãn, khi có được một trong những tái sinh tốt đẹp hơn như vậy, mà là mong muốn đạt được tái sinh như vậy để tạo lợi lạc tốt hơn cho tha nhân, và ở trong hoàn cảnh mà mình có thể tiến triển hơn nữa về mặt tâm linh. Chúng ta sẽ không thể thực hiện một trong những điều đó, trừ khi đã có được một tái sinh như vậy.

Hoàn Cảnh Thuận Lợi Nhất Của Kiếp Người

Nếu như khi tái sinh như một con người mà mình có thọ mạng lâu dài, thể lực tốt, có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực, mạnh mẽ với người khác, và có nhiều của cải, thì điều này sẽ giúp cho mình tạo ra nhiều lợi lạc hơn cho người khác. Chẳng hạn, nếu như có thọ mạng ngắn ngủi thì ngay cả khi mình rất quan tâm đến việc tu tập Pháp, và cống hiến hết lòng vào việc này, thì vẫn khó mà hoàn thành việc tu học cho đến chung cuộc. Nếu như mình bị bệnh nặng, hoặc có khuyết tật, thì điều này cũng sẽ hạn chế khả năng của chúng ta rất nhiều. Thậm chí, việc này có thể ngăn trở việc mình đắp y và trở thành một người xuất gia. Do đó, việc có sức khỏe tốt cũng rất quan trọng và hữu ích.

Hơn nữa, nếu như được sinh ra trong một gia đình tốt, và là một người có ảnh hưởng lớn, thì tự nhiên là không chỉ có hoàn cảnh thuận lợi để tự mình tiến bộ, mà còn ở trong một vị trí khiến cho người khác lắng nghe lời mình nói. Ta sẽ có thể khích lệ người khác trên đường tu. Do đó, nếu như muốn có được tái sinh làm người thì phải tạo ra nhân để mang lại điều đó. Các nhân tố này gồm có lòng kính trọng cha mẹ, và tất cả những người có kỹ năng tuyệt vời và phẩm hạnh tốt đẹp.

Thêm vào đó, nếu như có tướng hảo và ngoại hình đẹp đẽ thì tự nhiên, ta sẽ lôi cuốn người khác. Họ sẽ đến với mình, và muốn lắng nghe những điều mình nói. Để có được điều này thì nhân tạo ra điều này là thiền quán và tạo dựng tập khí nhẫn nại và khoan dung, không bao giờ sân hận, và cúng dường thức ăn, hoa, những món trang hoàng cùng y áo cho các tôn tượng và biểu tượng của Đức Phật, chẳng hạn vậy. Tương tự như vậy, mình cũng phải bố thí thực phẩm và quần áo cho những người rất nghèo hay bị bệnh. Nhờ vậy mà ta sẽ tích tập nhân để có được tướng hảo.

Nếu như mình có sức chịu đựng về thể chất, sức mạnh tinh thần và khả năng tự chủ, thì có thể hoàn thành những công hạnh vĩ đại, và có thể đưa công phu tu hành và nỗ lực của mình đi đến thành tựu sau cùng. Nhân của điều này là việc thực hiện những hành vi thể chất và tinh thần mà người khác thậm chí không thể nghĩ bàn, và tu tập những điều này đến khi viên mãn.

Điều cũng quan trọng là có uy tín trong lời nói, để người khác lắng nghe những điều mình nói một cách nghiêm túc, dù đó là con người hay chư Thiên, hoặc bất cứ chúng sinh nào có thể nghe mình nói. Nếu như có uy tín thì ta có thể giúp đỡ họ rất nhiều. Nhân của điều này là phải rất trung thực khi nói bất cứ điều gì, không nói dối, không nói nặng lời, và không có ác ngữ. Chẳng hạn như hai người có thể nói cùng một câu, có cùng ý nghĩa, nhưng mọi người sẽ nghe theo một người và không nghe lời người kia. Sự khác biệt xuất phát từ những hành vi mà những người này đã tạo tác trong quá khứ. Người đã thường xuyên nói dối và nói những lời trống rỗng, tán gẫu thì không có ai chú ý đến những điều họ nói.

Có tất cả những hành vi là nhân, đem đến quả là những phẩm hạnh tốt đẹp này. Do đó, cần phải tích tập tất cả các nhân để được tái sinh trong một thân người, có được tất cả những nét đặc trưng này. Nên điều quan trọng là phải tạo ra tất cả những nhân tố này, bởi vì nếu như mình sinh ra trong một gia đình hay xã hội của các phạm nhân, hay những người cực kỳ tiêu cực, thì sẽ rất khó vượt qua trở ngại này, đối với việc tu hành, chẳng hạn vậy. Ngay cả khi bản thân mình có những phẩm chất tuyệt vời, thì điều quan trọng là không bị những yếu tố khác ngăn cản mình sử dụng chúng một cách trọn vẹn. Để có được điều này thì phải khấn nguyện, chẳng hạn như, “Nguyện cho con luôn có được kiếp người quý báu, với đầy đủ phẩm hạnh tốt đẹp và thuận duyên. Trong mọi kiếp, nguyện cho con chẳng bao giờ tái sinh trong những tình huống khó khăn, phải vượt qua nhiều chướng ngại. Nguyện cho con luôn ở trong vị trí có thể phổ độ chúng sinh, và chẳng bao giờ tái sinh thành một người hãm hại hay tạo rắc rối cho chúng sinh, trong bất cứ kiếp nào.”. Đây là những lời cầu nguyện mà mình phải thực hiện, để được tái sinh với một thân người quý báu, có đầy đủ các phẩm hạnh thiện hảo và thuận duyên để sử dụng chúng.

Quyến Tâm Thoát Khỏi Luân Hồi

Tuy nhiên, không nên hài lòng đối với việc chỉ có được kiếp người quý báu, với tất cả những phẩm chất tích cực này. Đó là vì tuy một đời sống như vậy có tuyệt vời ra sao, thì nó vẫn có những rắc rối cứ tái diễn một cách bất tự chủ. Trên thực tế thì dù nó có vẻ tốt đẹp ra sao, thì vẫn luôn luôn có khó khăn và đau khổ. Bất cứ tình huống nào trong số những tình huống trong luân hồi mà mình có thể tái sinh trong đó đều không có gì khác, ngoài những sự khó khăn và rắc rối. Cần phải ý thức và tư duy về điều này: “Dù cho giàu có đến mức nào, dù bao nhiêu điều tốt đẹp có thể xảy ra trong đời sống này, thì mình vẫn phải đối diện với nhiều vấn đề.”. Nếu như suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về tất cả những khó khăn và nỗi khổ trên thế gian này, thì mình sẽ phát tâm mong muốn thoát khỏi tất cả những điều này. Dựa trên cơ sở của lòng mong cầu mạnh mẽ ấy, để thoát khỏi mọi khó khăn và đau khổ, thì ta sẽ nỗ lực để đạt giải thoát. Và đây cũng lại là điều mà chúng ta có thể thực hiện, dựa vào nền tảng của kiếp người quý báu này mà hiện nay, mình đang có được.

Đề tài này được bản văn bàn luận đến ở đây, trong vần kệ sau đây:

(5) Theo đuổi lạc thú thế gian là cánh cửa đưa đến khổ đau; chúng bất định và không đáng tin cậy. Khi đã nhận ra những bất lợi này, xin hộ trì cho con phát tâm mạnh mẽ tìm cầu hạnh phúc giải thoát.

Cạm Bẫy Và Vấn Đề Của Luân Hồi

Dòng đầu tiên, “Theo đuổi lạc thú thế gian là cánh cửa đưa đến khổ đau; chúng bất định và không đáng tin cậy”, nói về vấn đề đầu tiên mà tất cả chúng ta đều phải đối diện, bất kể mình có được loại tái sinh nào. Vấn đề mà bất kể những điều mình sở hữu có huy hoàng đến đâu – dù mình có bao nhiêu của cải và niềm vui – thì không ai thấy đủ, không bao giờ đầy đủ. Giống như khi mình rất khát nước, mà lại uống nước muối thì dù có uống bao nhiêu cũng không hết khát. Điều này cũng giống như vậy, khi người nào có rất nhiều lạc thú và vân vân. Vì bị ràng buộc trong tình huống luân hồi bất tự chủ, nên họ không bao giờ cảm thấy là đầy đủ. Họ luôn luôn muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Khi đạt được một địa vị cao thì họ không bao giờ cảm thấy nó cao đủ, nên luôn muốn phấn đấu cho một địa vị cao hơn và cao hơn nữa. Đây là một tình huống mà tất cả mọi người đều thấy được, dù có bao nhiêu của cải, dù có tích lũy hay xây dựng bao nhiêu, thì mọi người đều muốn sở hữu nhiều hơn nữa. Nhưng cuối cùng thì tất cả những điều này chỉ hoại diệt. Dù có tích lũy hay tạo dựng bao nhiêu thứ đi chăng nữa, thì nó cũng sẽ sụp đổ.

Càng có nhiều của cải thì càng tạo ra thêm nhiều vấn đề, như đã nói ở đây: “là cánh cửa đưa đến mọi vấn đề”. Ví dụ như, nếu như có khối tài sản một triệu bảng Anh thì mình sẽ lo lắng về việc giữ gìn số tiền này, để không mất nó, và vân vân. Nó chỉ tạo ra cho mình rất nhiều lo lắng. Có một số người chỉ có năm hay sáu bảng Anh, chỉ đủ để mua một bữa ăn, nhưng lại khá hài lòng với điều này. Tâm của họ tự do tự tại. Trong khi đó thì có một số người có rất nhiều tiền, nhưng chỉ giữ lấy nó rất chặt chẽ, chứ không sẵn sàng chi tiêu và tận hưởng thậm chí năm hay sáu bảng Anh. Thế thì việc càng có nhiều tiền hơn sẽ càng có xu hướng tạo ra nhiều vấn đề hơn, vì mình sẽ trở nên keo kiệt hơn và vân vân.

Dù có bao nhiêu bạn bè và người quen xung quanh mình, thì kết cuộc của việc tụ họp bạn bè là mọi người đều phải chia tay và về nhà của họ. Kết cuộc của hợp là tan, và mọi thứ đi theo con đường riêng của chúng. Cho dù mình có lên cao đến đâu, thì kết quả tự nhiên là lại rơi xuống thấp. Ví dụ như khi lâu đài mà chúng ta đang tề tựu ở đây được xây dựng, thì nó là một tòa lâu đài rất đẹp đẽ, rồi theo thời gian thì nó bị hủy hoại. Những điều như thế này, như bản văn đã nói, là “không đáng tin cậy”. Không cần biết sự việc tuyệt vời đến mức nào thì nó chỉ có đầy cạm bẫy.

Cho dù mình ở trong loại tái sinh nào thì nhiều vấn đề khác cũng tồn tại. Có vấn đề của việc bất toại nguyện. Điều đó đã được đề cập rồi. Ngoài ra, còn có vấn đề không bao giờ có gì chắc chắn trong đời sống. Một người có thể là một công chức cấp cao, ở một địa vị rất cao, rồi thì lại rơi vào cảnh ngộ điêu tàn và rất nghèo khó vào cuối đời. Đây là điều mà ta có thể thấy, và nó xảy ra ngay cả cho một người nào đó ngay trong kiếp này. Và tương tự như vậy, một người nào có thể là bạn của mình ở giai đoạn đầu đời, rồi về sau, có thể trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của mình. Tương tự như vậy, một người mà ta thù ghét vào lúc đầu, và coi như kẻ thù, lại có thể thay đổi, và trở thành người bạn tốt nhất của mình sau này. Thế thì tương tự như vậy, không có điều gì chắc chắn về việc ai sẽ là bạn hay thù. Ngoài ra, dù có mong muốn điều gì sẽ xảy ra bao nhiêu, hoặc để sở hữu những thứ nào đó, thì chúng ta thường gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được những gì mình muốn, và điều ngược lại thường xảy ra. Trên thực tế thì dường như tất cả những điều mình không mong muốn, lại thường xảy ra cho mình như mưa rơi. 

Nỗi Khổ Của Kiếp Người

Nếu chỉ nói về con người và những nỗi khổ mà họ trải qua, thì có tất cả những vấn đề lão hóa và già nua. Càng già đi thì chúng ta càng đau ốm nhiều hơn. Đây là điều mà chính mắt mình thấy một cách rõ ràng. Còn có những nỗi khổ và vấn đề về bệnh tật. Đây là điều mà ta cũng có thể nhìn thấy quanh mình, vì có rất nhiều người bệnh. Khi chính mình bị bệnh thì sẽ trải qua mọi khổ đau và bất hạnh vì bệnh tật, giống như người khác cũng trải qua kinh nghiệm này.

Vào phút lâm chung thì cũng có những nỗi khổ khủng khiếp xảy ra với mình. Cho dù thuốc men hay bác sĩ của bệnh viện mà mình đang nằm trong lúc hấp hối có tốt cách mấy đi nữa, thì không có điều gì sẽ giúp ích cho mình. Vào thời điểm đó, nỗi bất hạnh và đau khổ mà mình trải qua là nỗi khổ tồi tệ nhất mà chúng ta phải chịu đựng. Nếu như không có tái sinh trong tương lai thì cũng tốt thôi. Vấn đề sẽ kết thúc, khi mình chết, nhưng thực tế không phải vậy. Có những tái sinh trong tương lai, và mình phải có một tái sinh nào đó.

Trước khi tái sinh thì mình sẽ chết, và ngay sau đó, sẽ đi vào giai đoạn trung ấm, tức bardo. Ở đó, nếu như đã tích tập rất nhiều ác nghiệp, thì mình sẽ trải nghiệm nhiều điều đáng sợ, kinh hoàng và vô cùng đau khổ. Cho dù đã làm việc ra sao trong lúc sống, để cố gắng tạo ra sự an toàn về vật chất, bằng cách tích lũy rất nhiều tiền bạc và của cải, nhưng sẽ phải bỏ lại tất cả những thứ này vào phút lâm chung, không thể mang theo bất cứ thứ gì - không có bạn bè, bạn đồng hành hay người thân; không ai có thể đi cùng với mình. Chúng ta phải đi vào giai đoạn trung ấm một mình. Nếu đã tích tập rất nhiều ác nghiệp trong suốt đời, thì ta sẽ thấy đó là một kinh nghiệm cực kỳ đáng sợ. Nỗi khổ mà mình sẽ trải qua sẽ rất tồi tệ.

Đối với những chúng sinh ở trong giai đoạn trung ấm thì họ sẽ mang sắc tướng của một con người, có kích thước tương đương một đứa trẻ tám tuổi. Trạng thái trung ấm dành cho kiếp này đã trôi qua, đó là trước khi mình tái sinh. Giai đoạn trung ấm mà mình phải đối mặt sau khi chết là khoảng thời gian trung ấm trước khi tái sinh tiếp theo xảy ra. Vì vậy, nếu được tái sinh một lần nữa làm người, thì trong giai đoạn trung ấm đó, sau khi chết, ta sẽ có một sắc tướng tương tự như diện mạo mà mình sẽ có được trong kiếp sau. Điều này là vì cả hai yếu tố, giai đoạn trung ấm và trạng thái tái sinh tiếp theo, đều bị cùng một phóng nghiệp đưa đẩy mình vào tái sinh trong tương lai.

Chỉ vì lý do cát tường, nên tôi mới nói về việc làm người trong kiếp này, và cũng được làm người trong kiếp sau, nhưng rõ ràng là sự việc không phải luôn luôn như vậy. Chúng ta có thể đi từ bất kỳ trạng thái tái sinh nào đến bất cứ dạng tái sinh nào khác. Nhưng nếu như được tái sinh làm người một lần nữa, thì vào cuối giai đoạn trung ấm, ta sẽ phải trải qua sự tồn tại ở thời điểm thụ thai. Sau đó, chúng ta sẽ thấy mình ở trong bụng mẹ, và những nỗi khổ và bất hạnh mà mình sẽ trải qua ở đó rất mãnh liệt. Chúng ta sẽ bị nhốt và giam cầm trong không gian nhỏ bé này trong khoảng thời gian hơn chín tháng, chín tháng mười ngày. Nếu như nghĩ đến việc bị nhốt trong một cái tủ rất nhỏ, không có cửa sổ và không có cửa trong chín tháng, thì hãy nghĩ xem mình sẽ buồn rầu đến mức nào, và sẽ không muốn bị giam cầm như thế trong khoảng thời gian ấy. Chỉ vậy thôi mà khi nghĩ về nó thì nỗi khổ khi bị giam cầm trong bụng mẹ đã kinh khủng biết bao nhiêu.

Sau đó, hãy nghĩ đến tất cả những vấn đề mà trẻ sơ sinh phải đối diện. Không có gì vui khi làm một đứa bé, vì mình không thể nói chuyện, không thể đi đứng, và không thể kiểm soát được vấn đề vệ sinh đường ruột. Chúng ta cứ đái dầm hoài, và điều đó chẳng có gì hay ho. Rồi khi lớn hơn chút nữa thì mình phải trải qua toàn bộ quá trình đi học. Điều đó cũng có rất nhiều vấn đề, và không rất dễ chịu.

Đây là những tình huống cứ tái diễn mà không kiểm soát được. Chúng ta sẽ trải qua chu kỳ này hết lần này đến lần khác. Luân hồi là như vậy, là sự tồn tại cứ tái diễn một cách bất tự chủ. Và ngay cả khi mình được tái sinh trở lại như một con người, thì sẽ phải trải qua chu kỳ bất tự chủ lặp đi lặp lại. Đôi khi thì mọi việc sẽ ổn thỏa, và đôi lúc thì không. Trên thực tế thì hầu hết chu kỳ này sẽ không quá tốt đẹp. Trên thực tế thì đời sống của mình chỉ tràn đầy những khó khăn và đau khổ. Nếu như có những thứ như tiền bạc, tài sản, bạn bè, danh tiếng, v.v..., thì mình sẽ gặp vấn đề liên quan đến việc sở hữu và giữ gìn chúng, và nếu như không có những thứ mà mình muốn, thì ta sẽ có vấn đề, vì không có được chúng, và ước ao có được những thứ này. Nói tóm lại thì dù là cách nào đi nữa, dù có những thứ này hay không, thì mình vẫn thua thiệt, vì vẫn gặp những khó khăn và đau khổ.

Căn Nguyên Của Mọi Vấn Đề

Bây giờ thì điều mình phải xem xét là: Đâu là nguyên nhân, đâu là căn nguyên của tất cả những nỗi khổ và vấn đề này? Nếu như những vấn đề này không có nguyên nhân, thì không có cách nào để đoạn trừ chúng, nhưng trên thực tế thì chúng có một nguyên nhân. Nếu như mình đặt câu hỏi, “Đâu là căn nguyên, hay điều khiến cho tất cả những vấn đề của mình phát sinh ra?” Chúng đều phát sinh từ căn nguyên thật sự của mọi rắc rối và khổ đau, cụ thể là nghiệp và phiền não. Dây chuyền của những vấn đề của chúng ta đều xảy ra vì mình hành xử một cách bốc đồng, và đó là nghiệp. Chúng ta hành xử như vậy là vì phiền não. Vậy thì phiền não xuất phát từ đâu? Tất cả phiền não phát sinh vì mình bám chấp vào mọi thứ, như thể chúng tồn tại theo những cách bất khả - ví dụ, như thể chúng có bản sắc chân thật, có thể tìm thấy, có tự tánh, được thiết lập một cách độc lập, từ chính phía chúng. Vì tâm vô minh hay vô ý thức này mà mình bám chấp vào vạn pháp như thể chúng có bản sắc thật sự, có thể tìm thấy, là cội nguồn của tất cả vấn đề của mình. Khi bám chấp theo cách này thì nó sẽ khiến cho mọi việc đi sai đường; và đây là cội nguồn của mọi khó khăn và nỗi khổ của chúng ta.

Chính Đức Phật đã chuyển ba vòng Pháp luân, và thiết lập ba vòng truyền thừa giáo pháp. Điều này khá phổ biến. Lần chuyển Pháp luân đầu tiên liên quan đến bốn chân lý, được các bậc có chứng ngộ cao xem là sự thật, Tứ Diệu Đế. Trong bốn chân lý được các thánh nhân, những bậc có chứng ngộ cao, xem là sự thật, thì điều thứ nhất là khổ đế, hay những khó khăn thật sự; điều thứ hai trong số này là tập đế, hay căn nguyên của mọi khó khăn hay đau khổ, là nghiệp và phiền não. Chúng bắt nguồn từ tâm chấp thủ các pháp như thể chúng có tự tánh.

Đoạn Trừ Tâm Bám Chấp Vào Bản Sắc Chân Thật

Trên thực tế thì vạn pháp không có bản sắc chân thật nào, có thể tìm thấy, có tự tánh, được thiết lập một cách độc lập từ phía chúng. Khi mình phóng tưởng rằng các pháp có những bản sắc như vậy, trong khi trên thực tế thì chúng không có, và tin rằng những gì mình nhận thức là đúng, thì đó là ý nghĩa, khi nói về việc chấp vào các pháp, như thể chúng có bản sắc chân thật. Đây là nhận thức méo mó, bởi vì nó đang bám chấp vào điều gì bất khả dĩ, hoàn toàn không thể tồn tại; không có cái gì gọi là bản sắc chân thật. Việc cố bám chấp vào các pháp như thể chúng có những bản sắc như vậy là một sự méo mó. Nó không nói đến bất cứ điều gì chân thật, và nó không tương ứng với thực tại. Do đó, nếu như có thể lãnh hội rằng không có cái gì gọi là bản thể chân thật, thì đó sẽ là pháp đối trị trực tiếp với tâm vô minh, hay vô ý thức mà mình chấp vào các pháp như thể chúng có một bản sắc chân thật như vậy. Thế thì nhờ có sự lãnh hội và tâm chứng ngộ là không có cái gì gọi là bản sắc chân thật, sẽ tạo ra tác động đối nghịch với thái độ bám chấp vào vạn pháp như thể chúng có những bản sắc như vậy.

Nếu như chúng ta thắc mắc, “Làm sao mà sự hiểu biết đó có thể ảnh hưởng đến thái độ méo mó này?”,  thì đó là vì khi mình tạo dựng một tập khí ích lợi của tâm chứng ngộ rằng không có cái gì gọi là bản sắc chân thật, thì ta sẽ tự động loại bỏ thái độ này, là điều bám chấp vào vạn pháp như thể chúng có bản sắc chân thật. Đó là vì niềm tin rằng điều gì tồn tại và tâm chứng ngộ rằng nó không tồn tại, và chưa bao giờ tồn tại, sẽ loại trừ lẫn nhau. Nhờ có quá trình này mà khi không còn chấp vào các pháp như thể chúng có bản sắc chân thật, thì ta sẽ không còn phiền não.

Nó giống như khi chặt rễ cây thì cây rơi xuống, rồi lá và cành sẽ không mọc ra nữa. Khi đoạn trừ tâm bám chấp vào các pháp như thể chúng có bản sắc chân thật, thì điều này sẽ đoạn diệt tất cả 84,000 loại phiền não, là những điều đã sinh khởi từ quan kiến sai lầm này về thực tại. Nói cách khác là vì 84,000 phiền não đều phát sinh từ việc chấp vào các pháp như thể chúng có bản sắc chân thật, nên khi mình chứng ngộ rằng không có cái gì là một bản sắc như vậy, thì nó sẽ nhổ tận gốc, hay loại trừ căn nguyên của mọi nỗi khổ. Thế thì tâm chứng ngộ không có cái gì gọi là bản sắc chân thật, là cội nguồn của giải thoát. Do đó, việc làm quen với chứng ngộ này và tạo dựng nó như một tập khí ích lợi là điều cực kỳ lợi lạc. Sau đó thì tất cả những khó khăn và đau khổ của mình sẽ chấm dứt.

Hai Cặp Tịnh Hóa Và Phiền Não Trong Tứ Diệu Đế

Trạng thái mà mọi vấn đề của mình đã chấm dứt, trạng thái vắng bóng hay chấm dứt vấn đề được xem như một sự “chân diệt”. Nếu như mình thắc mắc, “Làm sao mà những vấn đề này được đoạn trừ, làm cách nào mà sự chân diệt của những khó khăn được thành tựu?”, thì nó được thành tựu bằng một đạo lộ tâm thức, khi mình chứng ngộ rằng không có cái gì gọi là bản sắc chân thật, liên quan đến bất cứ điều gì. Tâm chứng ngộ như vậy là một chân đạo, diệu đế thứ tư. Do đó, điều tạo ra chân diệt của mọi vấn đề là một chân đạo mà qua đó, mình có được trí tuệ thấy rằng không có cái gọi là bản sắc chân thật, hay nói cách khác là trí tuệ chứng ngộ tánh Không, hay sự vắng bóng của bản sắc chân thật. Chân đạo này là nhân đưa đến quả, là sự chân diệt của những vấn đề, để chúng không bao giờ tái diễn nữa. Vì vậy, chân đạo và chân diệt được nêu ra theo cách mà yếu tố đầu là nhân, và yếu tố sau là quả.

Tuy nhiên, phải phân biệt một cách cẩn thận kết quả của chân diệt là gì. Đó là kết quả của một sự cách ly, là một loại kết quả cụ thể. Nó không phải là loại kết quả được tạo ra hay tích tập bằng nhân duyên, giống như sự thành tựu của chân diệt đó. Đúng hơn là chính sự chân diệt là loại kết quả thuộc về một pháp vô duyên tĩnh tại, thường hằng. Như một kết quả tách biệt thì nó là sự vắng bóng của một cái gì không phụ thuộc vào nhân duyên, và không bao giờ thay đổi.

Thế thì chân diệt và chân đạo là mặt tịnh hóa của bốn sự kiện được xem là sự thật, Tứ Diệu Đế. Và khi nhìn vào mặt phiền não của những chân lý này thì điều này đề cập đến hai chân lý đầu tiên. Ở đây, nguyên nhân thật sự (tập đế) của tất cả các vấn đề được nêu ra như là nhân, và khổ đế là quả.

Có một mật chú gọi là “tinh túy duyên khởi” (rten-‘brel snying-po), mà chúng ta thường trì tụng: Om ye dharma hetu prabhava, hetun teshan tathagathohya vadate, teshanca yo nirodha, evam vadi maha-shramanaye svaha. Đó là một câu tiếng Phạn, có nghĩa là: “Om, bất cứ pháp nào bắt nguồn từ một nguyên nhân, thì Đức Như Lai đã thuyết về nguyên nhân của chúng; và bất cứ điều gì là sự chấm dứt của chúng, cũng đã được Bậc Khổ Hạnh Vĩ Đại tuyên thuyết, Svaha.”. Mật chú này nói về hai mối quan hệ nhân quả này trong Tứ Diệu Đế.

Đức Phật đã đạt được tâm toàn tri và giác ngộ viên mãn, đã thành tựu giác ngộ. Một khi đã giác ngộ thì Ngài cũng dạy cho các đệ tử cách thoát khỏi mọi nỗi khổ. Ngài đã dạy cho họ bốn sự thật này, được các bậc chứng ngộ cao xem là chân lý. Nếu như mình noi theo những giáo pháp và chỉ giáo liên quan đến Tứ Diệu Đế, thì có thể đạt được giải thoát, giống như Đức Phật đã thành tựu.

Quan Tâm Đến Thành Tựu Giải Thoát

Chúng ta đã thấy rằng tất cả những khó khăn là điều mà chắc chắn mình không muốn có, và tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Hơn nữa, chúng ta còn muốn có hạnh phúc lâu dài và ổn định. Loại hạnh phúc duy nhất giống như vậy là hạnh phúc của việc thành tựu giải thoát, thoát khỏi mọi khổ đau và khó khăn. Chúng ta không chỉ quan tâm đến việc đạt được giải thoát khỏi luân hồi, mà còn tin chắc rằng giải thoát là điều thật sự có thể xảy ra, nhưng việc thành tựu giải thoát, tức trạng thái thoát khổ, sẽ không xảy ra mà không dựa vào nhân duyên. Đúng hơn thì nó chắc chắn xuất phát từ một nguyên nhân, đó là việc đạt được trí tuệ chứng ngộ rằng không có cái gì gọi là bản sắc chân thật của bất cứ pháp nào. Nếu như mình đạt được chứng ngộ này, nhờ vậy mà tạo ra nhân giải thoát, bằng cách phát triển trí bát nhã này, thì có thể đạt được hạnh phúc mà mình mong muốn. Chúng ta có thể đạt được trạng thái hạnh phúc lâu dài, hạnh phúc của việc hoàn toàn thoát khỏi mọi khó khăn và đau khổ. Nếu như muốn đạt được giải thoát, thì phải có một sự quan tâm sâu sắc về điều này.

Làm cách nào để phát triển sự quan tâm sâu sắc này? Làm sao để đạt được trạng thái này? Trước hết là nhờ có được cái gọi là “tuệ vô lậu học”. Để có được “tuệ vô lậu học” thì trước đó, phải có “định vô lậu học”. Và để đạt được điều này thì trước tiên, phải tu “giới vô lậu học”. Giới vô lậu học và định vô lậu học là nền tảng ổn định, để đạt được tuệ vô lậu học. Việc tu giới vô lậu học đòi hỏi việc giữ các giới biệt giải thoát, tức ba la đề mộc xoa (pratimoksha vows).

Biệt Giải Thoát Giới Và Tầm Quan Trọng Của Việc Giữ Giới

(6) Với tâm niệm thanh tịnh này, chánh niệm, tỉnh giác và tâm cẩn trọng sẽ phát sinh. Cội nguồn của giáo pháp là giữ gìn biệt giải thoát giới; xin hộ trì cho con thành tựu pháp tu trọng yếu này.  

Có tám loại giới Biệt giải thoát - ba loại cho hàng cư sĩ và năm loại cho hàng xuất gia. Trong năm loại giới dành cho hàng xuất gia thì có giới nguyện cho chư tỳ kheo, gồm 252 giới. Dòng truyền thừa xuất gia cho chư tỳ kheo ni trong truyền thống giới nguyện Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivadin) mà Tây Tạng noi theo thì không còn hiện hữu nữa, nhưng có hai loại giới nguyện dành cho Sa di và Sa di ni, và cũng có giới nguyện dành cho chư ni Thức Xoa Ma Na (probationary nuns). Ngoài ra, còn có hai loại giới nguyện cho hàng cư sĩ - dành cho nam và nữ cư sĩ, rồi cũng có giới nguyện một ngày. Thế thì có tám mức độ trong giới Biệt giải thoát. Nếu như đã hứa nguyện sẽ giữ giới nào thì mình phải làm điều đó một cách rất thanh tịnh và nghiêm túc, thậm chí, dù cho phải mất mạng. Nếu như đã cam kết và hứa nguyện giữ bất kỳ giới nào, ngay cả khi chỉ tuân theo việc tránh thập ác, thì vẫn phải giữ gìn điều này một cách rất thanh tịnh và cẩn thận. Việc trì giới theo cách này là căn nguyên của tất cả những thành tựu mà Đức Phật đã nêu ra. Nó có thể đem đến biệt giải thoát cho bất cứ ai hộ trì những giới nguyện này. Do đó, chúng được gọi là “biệt giải thoát giới”. Đó là ý nghĩa của chữ tiếng Phạn, pratimoksha (ba la đề mộc xoa).

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Nếu như không giữ giới nguyện nào, thì không có cách nào để tái sinh thành một con người, hay thậm chí một vị trời. Chẳng hạn như, ngay cả khi tu hạnh bố thí, hãy cho là mình có một căn phòng như thế này, chứa đầy tiền bạc và của cải, và sẽ bố thí chúng cho hàng ngàn người mỗi ngày, nhưng nếu như mình không phải là người có đạo đức và không giữ giới, thì kết quả của tâm bố thí quảng đại này là mình có thể được tái sinh trong sự giàu sang, nhưng không nhất thiết là một con người giàu có. Chúng ta có thể được tái sinh ở một trong những cõi tồi tệ hơn, ví dụ như là một súc sanh giàu có, chẳng hạn như một thiên long (naga, một loại thú nửa người, nửa rắn) hay một ngạ quỷ, có rất nhiều tài sản và châu báu. Chẳng hạn như có những ngạ quỷ đói khát, sống trong những cung điện bằng vàng. Nhưng vì tính keo kiệt mà chúng bắt buộc phải xẻo thịt của mình để ăn, vì không có thứ gì khác để ăn. Những điều như vậy tồn tại, và chúng xuất hiện là vì kết quả của việc bố thí mà không có đạo đức.

Nhưng nếu như mình làm cùng một hạnh bố thí như vậy, trong khi vẫn trì giới rất nghiêm ngặt, thì kết quả là sẽ được tái sinh làm người, và có thể tận hưởng rất nhiều của cải. Hơn nữa, ta có thể sử dụng những của cải mà mình có, để tiếp tục làm một người thích bố thí, và tích tập thêm công đức ngày càng mạnh mẽ hơn, để tiếp tục tu tập và tiến xa hơn nữa trên con đường tâm linh. Thế thì hạnh bố thí và trì giới của mình sẽ trổ quả nhiều lần. Trong khi đó, nếu như mình bố thí mà không trì giới, thì kết quả là không tái sinh làm người, mà là tái sinh ở một trong những cõi thấp hơn. Những điều mình làm sẽ chỉ đưa đến kết quả về sự trù phú mà ta có thể sở hữu ở những cõi thấp hơn, và sẽ không ở trong vị trí để tích lũy thêm bất kỳ công đức nào, dựa trên cơ sở đó.

Đương nhiên, việc tuân theo giới luật một cách trọn vẹn, và tu tập chúng cho đến chi tiết nhỏ nhặt nhất về những điều Đức Phật đã dạy là cách tốt nhất để thực hành Pháp. Nhưng ngay cả khi không thể làm điều này mà nếu như mình tuân theo những giới nguyện chánh mà Đức Phật đã dạy, thì sẽ được sinh ra trong số chư đệ tử của bậc thầy kế tiếp, là vị Phật thứ năm của a tăng kỳ kiếp này, tức Đức Di Lặc. Đây là một nét đặc trưng mà Đức Phật đã nêu ra.

Vậy thì giới là tâm yếu hay tinh túy của tất cả những pháp tu trong đạo Phật. Nếu như muốn thành tựu giải thoát, thì phải tu tập tuệ vô lậu học, để chứng ngộ rằng không có cái gì gọi là bản sắc chân thật, có tự tánh. Để đạt được điều đó thì phải tu định vô lậu học. Và để đạt được điều này thì phải tu giới vô lậu học. Đây là những điều đã được bàn luận trong câu kệ cuối cùng đó.

Tóm Tắt Động Lực Phạm Vi Trung Căn

Hiện nay, chúng ta đã có sự tiến triển lớn từ điểm khởi đầu như một hành giả thuộc phạm vi sơ căn. Trước đây, mình chỉ quan tâm đến việc cải thiện những kiếp tương lai, và được tái sinh làm người hay chư Thiên. Nhưng giờ đây thì ta đã thấy bất kể mình được tái sinh ở cõi nào thì cũng có những vấn đề cứ tái diễn, mà mình không thể kiểm soát được. Ta đã phát tâm mong cầu giải thoát, để thoát khỏi mọi khó khăn và đau khổ. Đây là cấp độ động lực trung căn, nhờ đó mà mình mong muốn thành tựu giải thoát, để thoát khỏi mọi tình huống trong luân hồi bất tự chủ.

Nếu như mình phát triển những đường tu được nêu ra ở đây, thì có thể đoạn trừ gốc rễ của mọi vấn đề. Chúng ta thật sự có thể đạt được trạng thái giải thoát của một bậc giải thoát. Nói tóm lại, nếu như mình dấn thân tu tập tất cả các pháp tu được nêu ra ở đây, và làm như vậy để tự giải thoát bản thân ra khỏi những khó khăn của riêng mình, thì đó là cấp độ động lực của một hành giả thuộc phạm vi trung căn.

Nhu Cầu Tu Tập Xa Hơn, Đến Động Lực Thượng Căn

Nhưng việc thoát khỏi tất cả những vấn đề của riêng mình thì chưa đủ. Chắc chắn là việc trở thành một bậc giải thoát, một A la hán, và không còn phiền não nữa là điều hay ho và tốt đẹp. Chúng ta có đủ loại thần thông, năm oai lực hóa thân v.v..., nhưng nếu chỉ tự mình thoát khỏi khó khăn thì không tốt. Vì vậy, giống như những người bình thường không hài lòng với những gì họ có, thì một hành giả tâm linh chỉ nghĩ đến việc giải thoát cho riêng mình sẽ không hài lòng với điều đó, vì như vậy thì chưa đủ.

Vấn đề ở đây là trong trạng thái giải thoát đơn thuần này thì mình không thể hoàn thành mục tiêu của tha nhân, của tất cả những chúng sinh khác. Làm sao mà mình có thể giúp đỡ người khác, khi mà thân tâm của chúng ta rất hạn hẹp? Cách duy nhất mình có thể giúp đỡ những chúng sinh này là nếu như chính mình trở nên toàn tri và giác ngộ viên mãn, nếu như chính mình sẽ trở thành một vị Phật. Chỉ làm một bậc giải thoát, một A la hán thôi thì không đủ. Làm một A la hán thì mình vẫn không có khả năng giúp đỡ mọi người.

Tại sao khi làm một bậc giải thoát thì mình vẫn không thể hoàn thành mục tiêu của người khác? Vâng, đúng là trong trạng thái này thì ta đã đoạn trừ tất cả những ám chướng bắt nguồn từ phiền não, vì đã không còn phiền não nữa. Nhưng còn có một loại ám chướng khác, bên cạnh phiền não chướng. Trên thực tế thì có hai loại ám chướng, và mình chưa đoạn trừ loại thứ hai trong số này, đó là sở tri chướng, liên quan đến tất cả những đối tượng của tri thức. Bởi vì vẫn còn sở tri chướng, là điều cản trở tâm toàn tri, nên vẫn chưa hoàn thành mục tiêu của riêng mình một cách hoàn hảo. Nếu như chưa làm được điều đó, và chưa đạt được trạng thái cao nhất mà chính mình có thể đạt được, thì làm sao ta có thể làm điều đó cho người khác? Và tại sao mà mình chưa hoàn thành mục tiêu của riêng mình? Thậm chí khi đã đạt được giải thoát thì ta vẫn chưa chứng ngộ tiềm năng cao nhất và trọn vẹn nhất của mình, chúng ta chưa thành tựu được Phật quả.

Định Nghĩa Chung Về Bồ Đề Tâm

Nhu cầu để đạt được giác ngộ là gì? Nhu cầu để đạt được một trạng thái toàn tri và giác ngộ viên mãn, một trạng thái hoàn toàn tịnh hóa và tăng trưởng đầy đủ là gì? Lý do để đạt được những điều này là để có thể giúp đỡ tha nhân một cách tối đa. Khi mình phát triển sự dấn thân hoàn toàn vì mục tiêu này thì tâm thái đó là điều được gọi là bồ đề tâm. Sau đó, những gì mình nhắm vào là mục tiêu của tha nhân, và những gì mình dự định thực hiện là hoàn thành những mục tiêu đó một cách tối đa. Thêm vào đó thì tâm mình sẽ tập trung vào sự giác ngộ tương lai của tự thân, điều mà mình chưa thành tựu, nhưng có thể đạt được, và khi đã thành tựu nó thì ta có hoàn thành tất cả mục tiêu của tha nhân. Nếu như không có tấm lòng tận tụy như thế này, thì mình chưa đạt được tâm lượng quảng đại nào của Đại thừa. Ngay cả khi đã chứng ngộ tánh Không, nhưng nếu như không có bồ đề tâm thì không thể thành tựu Phật quả.

Bồ đề tâm là điều mà mình phải nỗ lực. Việc phát triển bồ đề tâm một cách chân thành không phải là điều mà mình có thể có được ngay lập tức, bằng cách bấm một cái nút. Vậy thì bồ đề tâm dựa vào cái gì? Nó dựa vào tâm bi làm nền tảng, hay cội nguồn của nó. Và lòng đại bi là điều chủ yếu mà mình phải thiền quán trước tiên, và tạo dựng nó như một tập khí lợi lạc của tâm thức.

Lòng Bi

Lòng bi là gì? Đó là một trạng thái yêu thương mãnh liệt, mong muốn tất cả chúng sinh thoát khỏi khó khăn hay đau khổ. Đó là lòng bi. Ước mong chúng sinh được hạnh phúc là điều được gọi là “lòng từ”. Và khi mình có ý nghĩ rằng, “Chính mình sẽ sẽ làm điều gì về vấn đề này. Tôi sẽ làm việc để đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, và chấm dứt khổ đau của họ”, thì điều này được gọi là “quyết tâm phi thường”. Tuy nhiên, ngay cả khi mình có được trạng thái quyết tâm là chính mình sẽ đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, và đoạn trừ mọi nỗi khổ của họ thì trên thực tế, mình không có khả năng đó. Vậy thì ai mới có khả năng này? Chỉ có một vị Phật, một đấng toàn tri và giác ngộ viên mãn mới có khả năng đó. Vậy thì khi mình dấn thân để có thể đạt được trạng thái đó, để thật sự tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, đem lại hạnh phúc và chấm dứt khổ đau của họ, thì đó là điều được gọi là bồ đề tâm.

Trạng thái của lòng quyết tâm phi thường và bồ đề tâm là hai kết quả theo sau tâm đại bi, trong khi đại từ là nhân của đại bi. Việc trưởng dưỡng lòng bi như một tập khí lợi lạc cho tâm thức là điều rất quan trọng - nói cách khác là thiền quán về nó - vì nó sẽ là cội nguồn mang lại những trạng thái cao cả của tâm thức và trái tim. Nếu như mình trưởng dưỡng lòng bi như một tập khí lợi lạc, thì điều này sẽ tự động tịnh hóa những ác nghiệp to lớn mà có thể mình đã tạo tác trước đây.

Vô Trước Trưởng Dưỡng Lòng Bi

Trong hai bậc tiên phong vĩ đại của pháp Đại thừa có tâm lượng quảng đại thì một người là Vô Trước (Asanga). Ông đã nỗ lực rất mạnh mẽ trong nhiều năm, để cố gắng đạt được chứng ngộ, để có thể viên thành pháp tu và trực tiếp nhìn thấy Đức Di Lặc. Nơi mà ông nhập thất thì gần Tu Viện Nalanda, rất gần đỉnh Linh Thứu, trong một hang động. Trong mười hai năm, ông đã tu hành miên mật để có được linh kiến của Đức Di Lặc. Trước hết, ông đã tu tập ba năm, sau đó bỏ cuộc và xuống núi, rồi quay trở lại hang động và tiếp tục tu thêm ba năm nữa. Cứ tiếp tục như vậy, mỗi lần tu tập ba năm, tổng cộng là mười hai năm.

Khi rời khỏi hang động vì quá ngao ngán sau mười hai năm tu hành không có kết quả thì ông nhìn thấy một con chó lớn, da bị lở lói đến nỗi không còn sợi lông nào, chỉ còn lại da với những vết thương lở lói, giòi bò lúc nhúc trên hai chân sau của nó. Tuy nhiên, con chó vẫn sủa rất dữ dội. Nhìn thấy con chó trong tình trạng tồi tệ như vậy thì Vô Trước đã phát tâm đại bi, bởi vì không những không còn sợi lông nào, mà con chó còn có những vết thương khủng khiếp. Không chỉ vậy mà vết thương đã bị nhiễm trùng, nên giòi bò đầy trên đó, nhìn thật là kinh khủng. Vì vậy, vì lòng trắc ẩn đối với con vật đáng thương này, nên ông quyết định thử làm điều gì giúp cho con chó. Ông đã đi vào thị trấn và tìm được một con dao bén, rồi quay trở lại và muốn lấy những con giòi ra khỏi vết thương của con chó, nhưng làm sao để cho giòi không chết. Vì vậy, ông đã xẻo thịt của mình và để nó xuống đất, để những con giòi này sẽ có thức ăn, thay vì sống trên mình con chó. Ông không muốn làm tổn thương những con giòi bằng cách dùng tay bóc chúng ra khỏi vết thương của con chó, nên đã cúi xuống và dùng lưỡi nhặt chúng ra khỏi vết thương của con chó.

Ông đã nhắm mắt, cúi xuống và le lưỡi để cố đem những con giòi ra khỏi vết thương, nhưng không thể chạm vào thân con chó, nên ông mở mắt ra, và nhìn thấy trước mặt mình, ngay chỗ con chó đã nằm, là Đức Di Lặc huy hoàng rực rỡ. Ông vội cầm lấy chiếc y của Ngài và hỏi, “Con đã tu hành chăm chỉ trong mười hai năm để cố gắng có được linh kiến về Ngài. Tại sao con không thể làm điều đó cho đến bây giờ?”. Đức Di Lặc nói rằng, “Ta đã ở đây với con suốt thời gian này, trong suốt mười hai năm. Vấn đề là con quá mù quáng, nên không nhìn thấy ta. Tâm con đã bị ám chướng quá nhiều. Nhưng nhờ có lòng đại bi làm nhân đoạn trừ những ám chướng đó, nên bây giờ thì con có thể nhìn thấy ta. Để chứng minh rằng lúc nào ta cũng có mặt ở đây, ngay trước mặt con, thì hãy nhìn vào phần hạ y của ta. Đây là những vết nước bọt và nước mũi mà con đã khạc nhổ và hỉ ra trên y của ta trong nhiều năm qua.”.

Asanga rất hoan hỷ, vì giờ đây, đã thật sự nhìn thấy Đức Di Lặc, nên ông đã khiêng Đức Di Lặc trên vai, và đi vào một thị trấn khá lớn, hét to lên rằng, “Tất cả mọi người hãy ra đây nhìn Đức Di Lặc vinh quang!”. Người ta đến xem, nhưng không ai thấy được gì ở trên vai của Vô Trước. Tất cả mọi người đều nói, “Tội nghiệp cho Vô Trước, ông ấy đã tu hành rất chăm chỉ, nên đã điên rồi.”. Sau đó, Đức Di Lặc đưa Vô Trước đến cõi tịnh độ Đâu Suất (Tushita Pure Land). Ở đó, Ngài đã dạy cho ông năm Kinh điển của Đức Di Lặc, rồi Vô Trước đã mang những Kinh điển này về trái đất. Dòng truyền thừa của hành trì quảng đại xuất phát từ đây.

Đây là điều được nêu ra ở đây, trong vần kệ này:

(7) Giống như con đã rơi vào biển luân hồi, thì những bà mẹ trong cõi ta bà cũng thế. Xin hộ trì cho con thấy được điều này và tu tập bồ đề tâm tối thượng, gánh lấy trách nhiệm giải thoát chúng sinh. 

Tóm Tắt

Câu này nói về người có động lực của phạm vi thượng căn. Trước tiên, khi có động lực sơ căn thì mình đã quán chiếu về tất cả những nỗi khổ của cái chết, và phải tái sinh vào một trong những trạng thái tồi tệ hơn. Sau đó, khi đã tiến lên thành một người có động lực trung căn thì ta đã quán chiếu về mọi khó khăn và đau khổ, liên quan đến bất kỳ tình huống nào trong luân hồi, và đã quyết tâm thoát khỏi tất cả những điều này, tức là đã phát tâm xả ly.

Có hai loại quyết tâm để được tự do, một là quyết tâm thoát khỏi khó khăn, khiến mình buông bỏ những mối bận tâm về kiếp này, và hai là quyết tâm được tự do, khiến mình buông bỏ những mối bận tâm về những kiếp sau. Khi phát triển loại quyết tâm thứ hai để được tự do, trên cơ sở đã tư duy về tất cả những khó khăn của chính mình, và nếu như thoát ra khỏi điều này thì mình sẽ ra sao, sau đó, ta sẽ đưa quyết tâm đó từ việc chú tâm vào tự thân, để chú trọng đến tất cả những chúng sinh khác, và nghĩ về khó khăn của họ. Quyết tâm để được tự do theo cách này sẽ trở thành một quyết tâm để giúp tất cả chúng sinh thoát khổ và những khó khăn của họ. Nhờ vậy mà ta sẽ phát tâm đại bi, mong muốn chúng sinh thoát khổ. Tâm đại bi này sẽ làm nền tảng, để mình có thể hướng về việc phát khởi quyết tâm phi thường, để gánh lấy trách nhiệm chu toàn phúc lợi của tha nhân, và bồ đề tâm, nhờ đó mà mình sẽ dấn thân để hoàn thành mục tiêu của tất cả chúng sinh, và để thành tựu giác ngộ, để có khả năng thực hiện điều này. Đây là những giai đoạn tiến triển mà ta sẽ tự mình tu tập.

Ngày mai, chúng ta sẽ tiếp tục với những điểm còn lại được đề cập ở đây, khi mình sẽ khai triển thêm về vần kệ này.

Top