Lễ Điểm Đạo Là Gì?

Các lễ điểm đạo Mật tông được sử dụng trong Phật giáo Tây Tạng để đánh thức tiềm năng mà tất cả chúng ta đều có đối với Phật quả, và tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ giữa người nhận lễ điểm đạo và vị đạo sư, cũng như vị Bổn tôn liên quan trong nghi lễ ấy. Việc chủ động tham dự một lễ điểm đạo với một đạo sư hội đủ trình độ sẽ cho phép mình tham gia vào một số hành trì nào đó, giúp cho chủng tử giác ngộ ngày càng phát triển mạnh hơn, cho đến khi mục tiêu giác ngộ viên mãn được thành tựu.

Một lễ quán đảnh Mật tông, còn được gọi là lễ điểm đạo, hay wang trong tiếng Tây Tạng, là một nghi lễ kích hoạt tiềm năng của mình, để trở thành một vị Phật. Nó thực hiện điều này bằng cách kích thích các yếu tố Phật tánh của chúng ta - những chất liệu cơ bản mà tất cả chúng ta đều sở hữu, và có thể chuyển hóa thân, khẩu, ý, hành vi và phẩm chất tốt đẹp của chúng ta thành những phẩm hạnh của một Phật – giúp cho chúng phát triển hơn nữa, và gieo những “chủng tử” khác của tiềm năng. Các yếu tố mà tất cả chúng ta đều sở hữu gồm có:

  • Các đặc tính của Phật tánh tiến hóa - những yếu tố có thể được kích thích để phát triển, như tích tập công đức và trí tuệ. Chúng thường được dịch là “tích lũy hai bồ tư lương công đức và trí tuệ”. 
  • Các đặc tính Phật tánh an trụ - những yếu tố luôn luôn giữ nguyên ở mọi giai đoạn tiến hóa, cụ thể là Không tướng (tánh Không) của dòng tâm thức của mình, là điều cho phép sự chuyển hóa xảy ra. Theo một số truyền thống thì bản tánh quy ước của tâm hành cũng được kể đến trong đó.  

Để nhận lễ quán đảnh thì không chỉ cần có một đạo sư Mật tông hội đủ trình độ, mà còn phải chuẩn bị và tiếp thu một cách đúng đắn, và chủ động tham gia vào quá trình nghi lễ. Sự chuẩn bị đúng đắn có nghĩa là trước hết, mình đã quy y Phật, Pháp và chư Thánh Tăng có chứng ngộ cao cả. Mặc dù Pháp nói về Phật pháp ở mức độ quy ước, nhưng ở mức độ tối hậu thì lại đề cập đến những gì mình sẽ đạt được, nhờ cách noi theo giáo pháp ấy. Ta sẽ đạt được trạng thái mà tất cả những nỗi khổ và nhân tạo khổ đã được đoạn diệt hoàn toàn trong dòng tâm thức, và tất cả các chứng ngộ sẽ đưa đến, và là kết quả từ những trạng thái ấy, sẽ tràn đầy tâm ta. Chư Phật là những bậc đã thành tựu các chân diệt và chân đạo (các chứng ngộ mà đưa đến, và là kết quả từ các chân diệt) viên mãn trong dòng tâm thức của các ngài. Thánh Tăng là những vị đã thành tựu những điều này một phần nào.

Bên cạnh việc quy y thì cũng cần có “tâm xả ly” ở một mức độ nào đó, là quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi tái sinh bất tự chủ (luân hồi). Khi đã nhất quyết thoát khỏi điều này thì ta sẽ hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ khổ đế và tập đế, tức nhân tạo khổ, khiến cho thân, khẩu, ý, các hoạt động và phẩm chất tốt của mình bị hạn chế trong mỗi lần tái sinh.

Hơn nữa, để kích hoạt tiềm năng Phật tánh thì cần có một mức độ bồ đề tâm cơ bản, khi mà ta chú trọng vào trạng thái giác ngộ của riêng mình, điều chưa xảy ra, nhưng có thể xảy ra trên cơ sở Phật tánh của mình. Mục tiêu của chúng ta là đạt được trạng thái này, và lý do để làm như vậy là để có thể giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi và thành tựu giác ngộ. Một mục tiêu như thế dựa vào lòng từ bi mãnh liệt, bình đẳng cho tất cả chúng sinh, và gánh lấy trách nhiệm phổ quát để giúp đỡ tất cả.

Cuối cùng thì cần phải có một sự hiểu biết về Không tướng (tánh Không) - rằng chúng ta, người khác, luân hồi, giải thoát, giác ngộ, v.v... “từ ban sơ”, đều không tồn tại theo những cách bất khả. Không có pháp nào trong số những điều này tồn tại một cách cô lập, độc lập với nhân, quả, phạm trù khái niệm và tất cả những thứ khác. Cũng cần có một sự hiểu biết cơ bản về cách Mật tông sẽ đưa mình đến giác ngộ như thế nào, có lòng tự tin vào các phương tiện của Mật tông, và khả năng của vị đạo sư hướng dẫn mình tu tập. 

Trong một lễ quán đảnh để thể nhập vào bất kỳ bộ nào trong bốn bộ Mật tông thì ta sẽ thọ Bồ tát giới, và đối với hai bộ Mật tông cao hơn thì còn thọ thêm Mật giới.

  • Bồ tát giới - để tránh những hành vi làm cản trở việc giúp đỡ tha nhân một cách tốt nhất.
  • Mật giới - để tránh những hành vi và cách suy nghĩ sẽ cản trở việc thành công trong hành trì Mật tông.

Để thọ những giới nguyện này thì phải chấp nhận chúng một cách toàn tâm toàn ý, để cố gắng giữ giới hết mình, cho đến khi đạt được giác ngộ. Cơ sở cho khả năng giữ giới là tu tập giới luật, nhờ việc giữ một số biệt giải thoát giới (Ba la đề mộc xoa), ví dụ như giới cư sĩ không giết hại, trộm cắp, nói dối, sử dụng chất say và tà dâm, để đạt giải thoát.

Nghi thức quán đảnh bao gồm nhiều phần, mỗi một phần đòi hỏi những quán tưởng phức tạp về vị đạo sư Mật tông của mình như một Bổn tôn (yidam), môi trường của chúng ta là cung điện mạn đà la (mandala) và chính mình là những vị Bổn tôn khác nhau, đại diện cho trạng thái giác ngộ tương lai của mình, mà ta đang nhắm vào việc thành tựu với bồ đề tâm. Ngay cả khi không thể quán tưởng rõ ràng những điều này thì ít nhất cần phải cảm nhận rằng vị đạo sư Mật tông, môi trường xung quanh và mình đang ở trong những sắc tướng thanh tịnh này.

Ở mỗi giai đoạn của lễ quán đảnh thì cũng phải quán rằng mình đang trải nghiệm tâm cực lạc, chú trọng vào tánh Không. Có thể là mình không thể làm tốt điều này, nhưng ít nhất là hãy nghĩ không có điều gì đang xảy ra mà lại tồn tại độc lập với nhân quả, với các thành phần, và là điều mà ngôn từ và khái niệm dành cho chúng đang nói đến. Khi tự nhắc nhở bản thân về tánh Không của chúng, thì nên cảm thấy hoan hỷ, vì sự việc là như vậy. Kinh nghiệm có ý thức về nhận thức cực lạc của tánh Không là điều kích hoạt các yếu tố Phật tánh đang tiến hóa, kích thích chúng phát triển hơn nữa, và tạo ra nhiều “chủng tử” của tiềm năng. Do đó, cần phải cố gắng hết sức để tạo ra một tâm trạng như vậy. Nhờ vậy mà ta sẽ thật sự nhận lễ quán đảnh, thay vì chỉ đơn thuần chứng kiến nó.

Sau khi nhận lễ quán đảnh để tu tập Bổn tôn cụ thể nào đó thì có thể nhận thêm một nghi thức gọi là “lễ gia trì” (jenang). Như bổn sư chính của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, đã từng giải thích, nếu như lễ quán đảnh giống như nhận một thanh kiếm, thì lễ gia trì giống như việc mài kiếm. Trong nghi thức này thì chúng tôi sẽ khẳng định lại giới nguyện, và cảm nhận một sự thăng hoa hơn nữa về thân, khẩu, ý và cả ba kết hợp với nhau. Trong truyền thống Gelugpa thì có thể dễ nhận ra sự khác biệt giữa lễ quán đảnh và gia trì, vì điều thứ nhất được ban truyền trên cơ sở của một cung điện mạn đà la, được đặt bên cạnh đạo sư Mật tông, trong khi cái thì hai thì được trao truyền bằng một chiếc bánh torma có hình chiếc nón, được quán tưởng như vị Bổn tôn.

Một khi đã nhận lễ quán đảnh thì chúng ta được quyền quán mình trong sắc tướng của vị Bổn tôn ấy. Theo Tông Khách Ba (Tsongkhapa) thì nếu chỉ nhận được một lễ gia trì mà chưa bao giờ nhận lễ quán đảnh đầy đủ trước đó thì ta chỉ được phép quán tưởng vị Bổn tôn ở trước mặt mình trong thời thiền. Nhưng nếu đã nhận lễ quán đảnh trong cùng một bộ Mật tông ấy, hay bộ cao hơn, của cùng một vị Bổn tôn, thì ngay cả khi chưa nhận được lễ quán đảnh của vị Bổn tôn cụ thể đó, ta vẫn được phép quán tưởng mình trong sắc tướng của vị Bổn tôn ấy.

Dù có nhận lễ quán đảnh hay gia trì thì hãy hoan hỷ nhận lấy bất cứ hành trì cam kết nào mà đạo sư Mật tông đã ban cho. Cuối cùng thì đó là ý định của mình khi đến dự buổi lễ ấy! Nếu như chỉ tham dự như một người quan sát trung lập, hay vì cái gọi là “lực gia hộ”, hay chỉ để làm mới giới nguyện của mình, và không chủ động tham gia vào các thủ tục nghi lễ, thì ta sẽ không có hành trì cam kết của pháp tu Mật tông này. Tuy nhiên, nếu như có lòng cởi mở thì sẽ nhận được nguồn cảm hứng, để trở thành một người tử tế và khôn ngoan hơn trong đời sống.

Tóm Tắt

Dù Phật tánh có vẻ bị che chướng ra sao thì tất cả chúng ta đều có sẵn trong tự thân những công cụ cần thiết để đạt giác ngộ. Trong đạo Phật thì các lễ điểm đạo Mật tông sẽ giúp ta khám phá những công cụ này, và cho phép chúng truyền bá chủng tử giác ngộ của mình trong tương lai.

Có nhiều hình thức điểm đạo khác nhau, và mỗi trường phái Phật giáo Tây Tạng khuyến khích những pháp tu Hộ Phật nào đó, nhưng mục đích của chúng đều giống nhau, đó là tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa người nhận lễ quán đánh, đạo sư hội đủ trình độ, và vị Bổn Tôn. Việc chủ động tham dự một lễ điểm đạo là sự khởi đầu của một sự cam kết trọn đời, để cải thiện bản thân và làm việc để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Top